Hercule Poirot giậm chân, thổi vào những đầu ngón tay cho ấm. Những mẩu tuyết trên ria mép anh đang tan thành nước.
Anh đập cửa và một người đàn bà hiện ra. Đó là một người phụ nữ nông thôn mạnh khỏe đang nhìn Hercule Poirot với vẻ lạ lùng. Chắc hẳn là bà chưa bao giờ thấy một người nào giống anh.
– Ông đã gọi cửa? – Bà ta hỏi.
– Đúng. Xin bà cho nhóm lò sưởi.
Người đàn bà đi ra và quay trở lại với một ít củi khô và giấy vụn trên tay, quỳ trước lò sưởi và bắt đầu nhóm lò.
Hercule Poirot tiếp tục giậm chân và thổi ấm những đầu ngón tay. Anh đang lo ngại. Chiếc xe hơi của anh, một chiếc Mesaro Gratz đắt tiền, máy móc chưa đủ hoàn thiện theo đòi hỏi. Người lái xe của anh, một chàng trai được trả công hậu hĩnh, đang mày mò sửa chữa. Chiếc xe vẫn không chịu nhúc nhích trên con đường nhỏ cách đây hai kilomet, trong khi tuyết bắt đầu rơi. Nhà thám tử, đi đôi giày lịch sự đánh xi láng bóng, đã buộc phải đi bộ tới Hartly Dene, một ngôi làng nhộn nhịp vào mùa hè và hôn mê vào mùa đông này. Quán “Thiên Nga Đen” gần như hốt hoảng khi đón vị khách bất ngờ mới tới. Chủ quán cứ suy nghĩ mãi mà không hiểu tại sao ông khách không thuê một chiếc xe khác có sẵn trong cửa hàng cho thuê và sửa chữa xe trong làng để tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Hercule Poirot cũng đã từ chối lời gợi ý không phù hợp với quan niệm về tiết kiệm của anh. Thuê một chiếc xe hơi? Anh cũng đã có một chiếc xe to, lịch sự. Và anh chỉ muốn đi đường với chiếc xe này chứ không phải với chiếc xe khác. Nếu việc sửa chữa được nhanh chóng thì nó cũng không thể chạy dưới trời tuyết rơi dầy đặc như thế này trước sáng ngày kia. Tuy không muốn, nhưng chủ quán vẫn phải xếp một phòng ngủ cho anh và cử một người phục vụ nhóm lò sưởi và chuẩn bị bữa ăn.
Một tiếng đồng hồ sau, chân duỗi thẳng trước lửa ấm, Hercule Poirot nghĩ tới bữa ăn mà anh sắp dùng. Thịt bò rán chắc vô vị, khoai tây rắn như đá, còn pho mát thì không mềm và bánh bích quy thì không giòn. Lúc này Hercule Poirot đang nhìn lửa cháy và nghĩ, dù sao vẫn còn tốt hơn là lội trên tuyết với đôi giày đánh xi như thế này.
Có tiếng gõ cửa và bà phục vụ bước vào:
– Thưa ông, có người ở xưởng sửa chữa xe muốn gặp ông.
– Cho người ấy vào – Hercule Poirot trả lời bằng một giọng thân mật.
Người đàn bà đi ra. Nhà thám tử khoan dung nghĩ đây có thể là một đề tài bà ta có thể kể lại với bạn bè trong những ngày đông.
Có tiếng gõ cửa rụt rè.
– Mời vào! – Poirot nói.
Một chàng trai xuất hiện. Vụng về, anh đứng ở ngưỡng cửa, tay xoay chiếc mũ cát két. Nhìn anh, Poirot tự nhủ là mình chưa bao giờ được ngắm một người đẹp đến như vậy. Một vị thần Hy Lạp ở con người ấy chăng?
– Đó là vấn đề chiếc xe, thưa ông – Chàng trai nói bằng một giọng lơ đãng – Đã biết rõ vì sao nó không chạy được. Phải mất một tiếng đồng hồ để sửa chữa.
– Hỏng gì vậy?
Chàng trai hào hứng kể về những chi tiết kỹ thuật. Poirot gật đầu nhưng anh không hiểu gì cả. Sự hoàn thiện trong vẻ đẹp thể chất của anh là cái mà Poirot chú ý. Phải, anh tự nhủ, một người đáng mến, một vị thần Hy Lạp, một chàng chăn cừu Arcadie. Và chàng trai ngừng bặt.
Hercule Poirot chau mày. Cảm giác đầu tiên của anh hoàn toàn mới về phương diện thẩm mỹ…
– Tôi hiểu – Anh nói – Phải tôi hiểu rõ. Người lái xe của tôi đã giải thích về những cái đó rồi.
Anh nhìn thấy mặt chàng trai đỏ lựng, tay nắm chặt chiếc mũ.
– Vâng, thưa ông – Anh ta lắp bắp – Tôi hiểu…
– Nhưng – Nhà thám tử nói dịu dàng – Anh thấy tốt hơn là trực tiếp nói với tôi những điều đó ư?
– À… vâng, thưa ông, tôi thấy như vậy là tốt hơn cả.
– Anh rất tận tâm. Xin cảm ơn anh.
Vì những lời cuối cùng của anh ta nói với giọng kéo dài nên Poirot tin rằng câu chuyện nói trên của anh ta không quan trọng gì. Anh không lầm. Chàng trai không động đậy. Anh ta vẫn vò chiếc mũ cát-két.
– Ôi… Xin ông tha lỗi, thưa ông, nhưng có đúng ông là một nhà thám tử, có đúng ông là Hercule Poirot không?
– Đúng!
Chàng trai trở nên vui vẻ.
– Tôi đã đọc những bài báo nói về ông
– A! Vậy ư?
Người ta có thể đọc thấy trong mắt chàng trai một vẻ buồn phiền. Hercule Poirot cảm thấy thương hại vì muốn giúp đỡ anh ta.
– Thế nào? Anh nói đi. Anh muốn hỏi tôi điều gì?
Và những lời nói dồn dập:
– Thưa ông, có thể ông cho tôi là lố bịch, nhưng thực ra tôi không thể bỏ lỡ dịp may như thế này. Do đã được đọc những câu chuyện ly kỳ về ông, tôi tự nhủ mình có thể hỏi ý kiến ông. Liệu ông có điều gì phật ý trong việc này không?
Hercule Poirot lắc đầu.
– Anh muốn tôi giúp đỡ anh bằng cách nào đó.
– Vâng – Chàng trai trả lời bằng giọng nhỏ nhẹ và vội vàng – Đó là vấn đề một cô gái… Nếu… nếu ông có thể tìm lại được cô ấy…
– Tìm lại cô ta ư? Cô ta mất tích sao?
– Thưa ông, vâng.
– Có thể là tôi sẽ giúp anh – Poirot xác nhận – Nhưng trước hết anh phải yêu cầu cảnh sát đã. Đó là nghề nghiệp của họ và họ có nhiều điều kiện hơn tôi.
– Tôi không thể, thưa ông. Đây là câu chuyện riêng tư.
Hercule Poirot chăm chú nhìn anh ta rồi chỉ vào một chiếc ghế.
– Thế thì mời anh ngồi xuống. Tên anh là gì?
– Williamson, thưa ông, Ted Williamson.
– Ted, mời anh ngồi xuống và nói cho tôi nghe câu chuyện của anh đi.
– Xin cảm ơn ông.
Chàng trai cẩn thận ngồi xuống mép ghế và ngước cặp mắt đáng thương nhìn Poirot.
– Nói đi – Nhà thám tử giục với giọng hiền từ.
Anh ta thở ra một hơi dài.
– Thế này, thưa ông. Tôi chỉ gặp cô ấy có mỗi lần ấy. Tôi cũng không biết tên thật của cô ấy là gì, nhưng lá thư của tôi đã được gửi trả lại và sau đó…
– Hãy kể từ đầu. Anh đừng vội vàng. Chỉ kể những chuyện gì đã xảy ra thôi.
– Thưa ông, vâng. Thế này. Hẳn là ông biết lâu đài Crasslawn, tòa nhà lớn bên sông, phải, bên kia cầu.
– Không, tôi không biết.
– Tòa nhà ấy là của ngài George Sanderfield. Nó được dùng làm nơi nghỉ cuối tuần và nơi tổ chức những buổi chiêu đãi. Ở đây không buồn chút nào! Có những nữ nghệ sĩ và mọi thứ. Tóm lại, lúc ấy vào tháng sáu… máy thu thanh bị hỏng và người ta cử tôi đến để sửa chữa. Tôi tới nơi. Ngài George đang chơi thuyền với khách khứa và người đầu bếp phải đi theo để sửa soạn đồ uống. Trong nhà nghỉ có cô gái ấy… đó là cô hầu phòng của một trong những bà khách. Cô ấy chỉ cho tôi chiếc máy thu thanh và ở lại bên tôi trong khi tôi làm việc. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện… Cô ấy nói với tôi tên cô ta là Nita và bà chủ của cô là một vũ nữ người Nga.
– Cô ta quốc tịch gì? Anh quốc ư?
– Không, thưa ông, cô ấy là người Pháp, tôi cho là như thế. Giọng cô hơi lơ lớ. Nhưng cô nói tiếng Anh rất thạo. Cô ấy… cô ấy rất đáng mến, và chỉ một lát sau tôi đã hỏi cô là tối nay cô có thể cùng tôi đi xem chiếu bóng được không. Cô ấy trả lời rằng chủ cô chắc là sẽ cần đến cô, nhưng có thể thu xếp để có thể được tự do từ tối nay vì mọi người chắc chắn chưa về nhà vào lúc chiều được. Tóm lại, tôi đã để cả buổi chiều không xin phép chủ xưởng (điều này có thể làm cho tôi mất việc làm) để đi chơi với cô ấy trên bờ sông.
Anh ngừng nói. Một nụ cười thoáng trên môi và đôi mắt thì mơ màng.
– Và cô ta rất đẹp, phải không? – Poirot dịu dàng hỏi.
– Người ta không thể tưởng tượng được là có ai đẹp hơn, thưa ông. Tóc như những sợi tơ vàng, xõa sang hai bên như đôi cánh… và cái cách đi đứng rất vui vẻ, nhẹ nhàng. Tôi… tôi yêu ngay cô ấy khi mới thoạt nhìn, thưa ông. Tôi không thể nào nói khác được.
Poirot ngắc đầu xác nhận.
-… Thế rồi – Chàng trai nói tiếp – Cô ấy bảo tôi rằng bà chủ cô dự định rời khỏi đây trong mười lăm ngày nữa và chúng tôi quyết định sẽ gặp lại nhau – Anh ngừng nói – Nhưng sau đó cô ấy đã không tới. Tôi đã đợi ở nơi hẹn mà không thấy cô. Thế là tôi quyết định tới nhà để hỏi cho rõ. Bà người Nga còn đang ở đấy và cô hầu phòng của bà cũng vậy, người ta bảo tôi thế. Người ta đã gọi cô hầu phòng. Nhưng khi người này xuất hiện thì đó không phải là Nita! Một cô gái da ngăm đen chạm trán với tôi! Anh muốn gặp tôi ư? Cô ta bối rối hỏi tôi. Chắc chắn là cô ta thấy tôi sửng sốt. Tôi nói với cô là không phải cô mà là cô hầu phòng khác của bà người Nga. Thế là cô ta bật cười. Cô kia vừa được cho thôi việc rồi. Cho thôi việc ư? Tôi nhắc lại. Vì sao kia chứ? “Này thưa ông, ông làm tôi ngạc nhiên”. Lúc này tôi chẳng biết nói gì thêm nữa. Sau đó, tôi quay trở lại gặp cái cô Marie da ngăm đen ấy và xin cô địa chỉ của Nita. Tôi không nói là tôi không biết họ của Nita. Tôi hứa là tôi sẽ biếu cô ta một cái gì đó nếu cô ta cho tôi địa chỉ. Đây không phải là loại người giúp việc không công. Cuối cùng thì cô ta cũng cho tôi địa chỉ ở Londres. Tôi đã viết thư cho Nita. Nhưng lá thư đã được gửi trả lại kèm theo dòng chữ của trạm bưu điện ghi trên phong bì: “Không còn ở địa chỉ này nữa”.
Ted Williamson ngừng bặt và nhìn thẳng vào Poirot bằng cặp mắt tối sầm.
-… Ông cho chuyện này là thế nào, thưa ông? Đây không phải là công việc của cảnh sát. Nhưng tôi muốn gặp lại cô ấy. Tôi không biết phải làm thế nào. Nếu… nếu ông có thể tìm cô ấy giúp tôi – Mặt anh ta ửng đỏ – Tôi… tôi dành dụm được ít tiền. Tôi có thể bỏ ra năm bảng Anh… nếu cần thì mười…
– Đừng có nói đến tiền nong lúc này – Poirot thân mật nói – Chúng ta hãy suy nghĩ đã: cô gái tên là Nita ấy. Cô ta biết tên anh và biết anh làm việc ở đâu chứ?
– Cô ấy biết, thưa ông.
– Cô ta có thể viết thư cho anh nếu cô ta muốn chứ?
Lần này thì Ted trả lời chậm chạp hơn:
– Thưa ông, vâng.
– Vậy anh không nghĩ rằng… có thể là…
Chàng trai ngắt lời anh.
– Ông muốn nói rằng tôi yêu cô ấy còn cô thì không yêu tôi phải không, thưa ông? Về mặt nào đó mà nói thì có thể là như vậy… nhưng, cô ấy mến tôi… cô ấy mến tôi… đây không phải là chuyện vui đùa trong chốc lát… và, thưa ông, tôi nghĩ rằng có một lý do nào đó sau câu chuyện này. Cô ấy sống giữa đám người lạ lùng. Có thể là cô ấy đang mắc kẹt chuyện gì đó, nếu ông muốn biết tôi đang nghĩ gì.
– Anh muốn nói rằng cô ta đang chờ đợi một cháu bé ư? Nó là con anh ư?
– Nếu có thì không phải đó là con tôi, thưa ông! – Ted trả lời – Chúng tôi không làm chuyện gì quá trớn.
Poirot nhìn anh, nghĩ ngợi.
– Cho dù cô ta có con… thì anh vẫn cứ muốn gặp lại cô ta ư?
– Vâng! Không có gì là phức tạp cả. Tôi muốn cưới cô ấy, nếu cô muốn. Và cái khó khăn của cô cũng không làm tôi thay đổi ý kiến. Ông có muốn tìm cô ấy giúp tôi không, thưa ông?
Hercule Poirot cười.
– Tóc xõa ra như đôi cánh bằng vàng – Poirot lẩm bẩm – Phải, hình như đây là công việc thứ ba của Hercule… nếu là nhớ không nhầm thì chuyện này xảy ra ở Arcadie…
Herucle Poirot cau mày đọc mảnh giấy mà Ted Williamson đã ghi cho anh một tên người và bên dưới là một địa chỉ.
– Cô Valetta, số nhà mười bảy, phố Upper Renfrew Lane.
Liệu anh có biết thêm điều gì với cái địa chỉ này không? Anh nghi ngờ cái đó. Nhưng Ted không thể cho anh một tài liệu nào khác.
° ° °
Upper Renfrew Lane là một phố không mấy sạch sẽ nhưng đáng tôn trọng. Một bà già to béo, mắt hấp háy ở số nhà mười bảy nghe tiếng chuông của Poirot ra mở cửa.
– Xin bà cho tôi gặp cô Valetta.
– Đã đi khỏi đây lâu rồi.
Poirot bước vào trước khi cánh cửa định đóng sập lại.
– Xin bà vui lòng cho tôi địa chỉ của cô ấy.
– Cô ta không để địa chỉ lại.
– Cô ấy rời khỏi đây hồi nào?
– Mùa hè vừa rồi.
– Bà có thể cho biết chính xác hơn không?
Cùng lúc ấy trên tay của nhà thám tử hiện ra hai đồng tiền kim loại va chạm nhau bật lên những tiếng dễ chịu.
Người đàn bà mắt hấp háy thay đổi thái độ một cách kỳ diệu.
– Không phải là tôi không muốn giúp đỡ ông đâu, thưa ông – Bà ta trìu mến nói – Ông hãy đợi cho một chút để tôi nhớ lại. Tháng tám, không, trước đó, tháng bảy. Phải, đúng là tháng bảy, tuần lễ đầu. Cô ta bất chợt ra đi. Trở về nước Ý, tôi cho là như thế.
– A! Cô ấy là người Ý ư?
– Vâng, thưa ông.
– Và trước đó cô ấy là người hầu phòng của một bà vũ nữ ư?
– Đúng thế. Bà Semoulina hoặc cái tên gì đó giống như vậy. Bà ta nhảy ba-lê ở Thespis. Đó là một trong các ngôi sao.
– Bà có biết tại sao cô Valetta lại thôi việc không?
Bà già ngần ngừ trước khi trả lời.
– Không, tôi không biết.
– Người ta đã cho cô ấy thôi việc phải không?
– Tôi cho rằng người ta đã làm cho nhà cửa có nền nếp hơn! Nhưng ông không lo. Cô Valetta không mất gì cả. Cô ta không phải loại người mặc cho ai đối xử với mình thế nào. Cô ta có tính cách riêng! Tôi không chỉ nói như vậy… một phụ nữ Ý thực sự… đôi mắt đen của cô nảy lửa nhìn ông như muốn thọc dao găm vào bụng ông ấy. Tôi không dám làm trái ý cô ta trong khi tức giận.
– Bà chắc chắn là mình không biết địa chỉ hiện nay của cô ấy chứ?
Lại hai đồng tiền nữa gợi cho người ta nghe thấy những tiếng xủng xoẻng của chúng.
Câu trả lời có giọng thật thà:
– Ô! Tôi rất muốn biết. Tôi không sung sướng mấy khi thấy ông phải bắt buộc. Nhưng cô ấy đã ra đi như vậy, rất đột ngột, thế đấy!
– Vâng, thế đấy – Poirot suy nghĩ, nhắc lại.
° ° °
Ambrose Vandel thôi không mô tả một cách thích thú việc ông bài trí cho một buổi vũ ba-lê sắp tới để trả lời câu hỏi đặt ra mà không cần phải nài nỉ nhiều.
– Sanderfield? Goeorge Sanderfield ư? Một lão già bẩn thỉu, lão lăn trên đống vàng nhưng đó là một tên dâm đãng. Đó là một đồng tiền giả! Quan hệ với một cô vũ nữ ư! Có có, thưa ông… Lão có quen biết với Katrina, Katrina Samoushenka. Chắc ông đã nhìn thấy cô ấy rồi chứ? Ôi! Thưa ông, một “Con Thiên Nga ở Tuoleta”, chắc chắn là ông đã xem vở biểu diễn đó! Tôi bài trí cho vở đó đấy. Và một vở khác, đó là “Con hươu trong rừng rậm”. Tôi không nhớ rõ là của Debussy hay là của Mannine. Cô ấy nhảy với Michael Novgin. Cả anh ta nữa, cũng rất là kỳ diệu phải không ông?
– Cô ta là bạn thân của George Sanderfield chứ?
– Phải. Cô ấy có thói quen đi nghỉ cuối tuần ở nông thôn. Ở đấy có những buổi đón tiếp tình cảm, đúng chứ?
– Ông thân mến, liệu ông có thể giới thiệu tôi với cô Samoushenka không?
– Nhưng cô ấy không ở đây nữa! Cô ấy bất chợt đi Paris hoặc ở nơi nào đó. Người ta nói rằng cô là một gián điệp Nga. Tôi thì tôi không tin! Nhưng nhiều người cứ hay nói những chuyện bịa đặt như vậy. Katrina thì bao giờ cũng thừa nhận mình là người Bạch Nga, cha cô là một hoàng tử hay quận công gì đó. Như thế lại càng tốt. Tôi nói với ông rằng nếu theo đúng như tinh thần của Bethsabée thì ông phải có phong cách của những người Xê-mích. Để giải thích, tôi…
Và ông ta tiếp tục bài diễn thuyết của mình một cách đầy hứng thú.
° ° °
Cuộc gặp gỡ với ngài George Sanderfield của Hercule Poirot được tiến hành theo kiểu cầu may.
“Đồng tiền giả” như lời mô tả của Ambrose Vandel hình như đang khó ở. Ngài George là người béo và thấp. Tóc đen và cứng. Gáy có một ụ mỡ.
– Vâng, thưa ông Poirot, liệu tôi có thể giúp ông được việc gì đây? – Ông ta hỏi – Chúng ta… chúng ta hình như chưa gặp nhau lần nào. Tôi có nhầm không nhỉ?
– Chưa, chưa gặp.
– Thế thì có việc gì vậy? Tôi tò mò muốn biết, xin thú nhận là như thế…
– Ồ! Rất đơn giản… tôi muốn có một tin tức nhỏ.
– A! Ông muốn biết một nguồn vốn ư? – Chủ đầu tư nói bằng giọng khó chịu – Tôi không biết là ông thích công việc kinh doanh.
– Đây không phải là vấn đề kinh doanh mà là chuyện về một người đàn bà.
– A! Một phụ nữ – Ngài George thở phào, ngả lưng vào thành ghế.
– Ông có biết cô Katrina Samoushenka đúng không?
Sanderfield cười.
– Vâng, có biết. Một con người thú vị. Nhưng đáng tiếc là cô ấy đã rời khỏi Londres rồi.
– Tại sao cô ta lại bỏ đi?
– Ông thân mến, cái đó thì tôi không biết. Hình như có điều qua tiếng lại với nhà hát nơi cô làm việc. Cô ấy thường bị kích động, ông hiểu không. Một phụ nữ Nga chính cống. Rât tiếc là tôi không thể giúp gì cho ông. Tôi không biết cô ấy hiện ở đâu. Tôi không còn quan hệ gì với cô ấy.
Nói xong ông ta đứng lên. Theo ông cuộc gặp này đã kéo khá dài rồi.
– Tôi không tìm cô Samoushenka – Poirot vẫn ngồi yên nói.
– Nhưng vì sao…?
– Không, đây là vấn đề người hầu phòng của cô ta.
– Cô hầu phòng của cô ấy ư – Sanderfield ngạc nhiên hỏi lại.
– Chắc ông còn nhớ cô hầu phòng ấy?
Sanderfield một lần nữa tỏ ra rất ngạc nhiên.
– Trời ơi! Chuyện gì vậy? – Ông ta trả lời mà không mấy tin tưởng – Chắc chắn là như thế, tôi biết cô ấy có một… một cô hầu không tốt, hình như thế. Vô ý và chuyên lục lọi mọi nơi. Ở địa vị ông, tôi sẽ không tin vào một lời nào của cô ta. Cô ta là loại người đẻ ra là nói dối rồi.
– Nhưng ông còn nhớ cô hầu ấy chứ? – Poirot hỏi.
– Chỉ nhớ mang máng thôi – Sanderfield nói chữa lại – Cũng không nhớ cả tên cô ta nữa. Xem nào… Marie, một cái gì giống như thế… Không, đáng tiếc, tôi không nhớ ra.
– Nhà hát Thespis đã cho tôi biết tên cô hầu ấy là Marie Hellin… và địa chỉ nữa. Nhưng tôi hỏi về cô hầu làm việc với cô Samoushenka trước Marie Hellin tên là Nita Valetta kia.
– Tôi cũng không nhớ cả cô này nữa. Người tôi nhớ hơn cả là cô Marie ấy. Một cô gái ngăm đen, mắt gian giảo.
– Cô hầu tôi hỏi là cô đã ở nhà ông tại Grasslawn tháng sáu vừa rồi kia.
– Thôi, tất cả những gì tôi có thể nói là tôi không nhớ gì cả. Tôi cho rằng vào thời kỳ ông nói thì cô Katrina không có người hầu nào cả. Ông nhầm rồi.
Hercule Poirot lắc đầu. Anh không nhầm mà anh tin chắc.
° ° °
Marie Hellin nhìn trộm Hercule Poirot rồi đưa cặp mắt ti hí nhưng thông minh về phía khác.
– Thưa ông, tôi nhớ rất rõ. Cô ta bằng giọng vô tư nói – Bà samoushenka cho tôi nghỉ việc vào cuối tháng sáu. Cô hầu phòng sau đó cũng chỉ làm việc trong thời gian rất ngắn.
– Cô có biết tại sao cô gái đó phải bỏ đi không?
– Không, có thể là cô ấy ốm. Bà chủ không nói gì cả.
– Bà chủ cô là người dễ chịu chứ?
Cô gái nhún vai.
– Tính nết bà ấy rất kỳ cục. Lúc cười, lúc khóc. Đôi khi quá thất vọng thì bà ấy không nói gì, không ăn uống gì. Có lúc thì vui sướng quá đáng. Các vũ nữ đều như vậy cả. Đây là vấn đề điều độ.
– Còn ngài George thì thế nào?
Cô gái hoạt bát hẳn lên và cặp mắt của cô đầy ác cảm.
– A! Ngài George ư? Hẳn là ông đã nói chuyện với ông ta chứ? Chỉ được vài lời xin lỗi thôi phải không! A! Về ông này thì tôi có thể nói được! Đây, khi…
– Không, không, vô ích – Poirot ngắt lời.
Cô ta nhìn anh với đôi mắt trợn tròn, miếng há hốc đầy giận dữ và thất vọng.
° ° °
– Tôi tự nhủ là ông biết mọi chuyện, ông Alexis Pavlovitch ạ – Hercule Poirot thì thào với giọng nịnh khéo.
Anh nghĩ đến công việc thứ ba mà Hercule đã làm với sự chuyển dịch chỗ ở nhiều lần mà anh không thể tưởng tượng nổi. Sự biệt tăm của cô hầu phòng là vấn đề khó khăn nhất. mọi điểm theo dõi đều đứt quãng không thể tiếp nói được.
Điểm cuối cùng, tối nay, ở Paris, là khách sạn Au Samovar, một khách sạn mà chủ nhân là bá tước Alexis Pavlovitch thường khoe khoang là biết tường tận cuộc đời của các nghệ sĩ.
Thoạt tiên ông ta gật đầu thỏa mãn:
– Vâng, ông thân mến, đúng thế, tôi biết. A! Cô Samoushenka bé nhỏ ấy, cô vũ nữ tài ba ấy, người mà ông muốn biết, là cô ấy đã đi đâu ư? Thật là kỳ diệu! – Ông ta hạ thấp những ngón tay xuống – Đúng là một sự lãng quên! Đã xa rồi cái thời cô ấy là vũ nữ ba-lê… rồi bất chợt cô ra đi… đến nơi tận cùng của trái đất… và lập tức… A! Phải! Ngay lập tức người ta quên cô.
– Cô ta hiện ở đâu?
– Ở Vagray-les-Alpes bên Thụy Sĩ. Nơi nghỉ ngơi của những người bị ho làm cơ thể suy kiệt. Có thể là cô ấy sắp chết. Ôi, đúng như thế! Cô là định mệnh của tự nhiên. Chắc chắn là cô ấy sắp chết.
– Liệu ông có nhớ một cô trong số người hầu phòng của bà vũ nữ này không? Một cô tên là Nita Valetta ấy?
– Valetta? Valetta? Tôi nhớ là có thấy một cô hầu phòng bên cạnh Katrina trên sân ga. Một cô gái ở vùng Pisa nước Ý, có phải không. Phải, bây giờ thì tôi nhớ rõ, cô ấy là người Ý, từ vùng Pise.
– Nếu như vậy thì tôi phải tới Pise – Hercule Poirot càu nhàu.
° ° °
Trong nghĩa trang Campo Santo ở Pise, Hercule Poirot đang ngắm nhìn một ngôi mộ.
Thế là cuộc điều tra của anh đã kết thúc… tại đây bên cạnh một nấm đất, dưới đó một sinh vật xinh tươi, từng làm rung động trái tim và trí tưởng tượng của một chàng thợ máy bình thường người Anh, đang nghỉ ngơi.
Đây có phải là một kết luận tốt nhất cho mối tình vừa lạ lùng vừa bất chợt này không. Bây giờ thì cô gái sống mãi trong ký ức của chàng trai, người chỉ được sống bên cô trong ít giờ ngắn ngủi trong một đêm hè. Cái đó tránh được mọi sự khác biệt về quốc tịch, và khoảng cách khi tỉnh mộng.
Hercule Poirot cúi đầu buồn bã. Anh nhớ lại câu chuyện giữa anh với gia đình Valetta. Người mẹ dáng vẻ nông dân, người cha ngập trong đau thương, người em da ngăm đen, môi khô cứng.
– Cái đó diễn ra nhanh quá, thưa ngài, nhanh quá. Đã nhiều năm cháu nó đau đớn… bác sĩ không cho chúng tôi lựa chọn… ông ấy nói phải mổ ngay ruột thừa. Ông ấy đưa nó đi bệnh viện và nó chết trước khi tỉnh lại.
Bà mẹ nức nở.
– Bianca rất thông minh – Bà thì thào – Thật là khủng khiếp khi nó chết trẻ như thế…
– Cô ta chết trẻ – Poirot nhắc lại một mình.
Đó là lời anh phải mang về cho chàng trai, người đã nhờ anh giúp đỡ với một sự tin cậy như vậy.
Cô ta sinh ra không phải để cho anh, anh bạn. Cô đã chết trẻ.
Cuộc điều tra của anh đã xong. Ngọn tháp Penchée cắt dọc bầu trời, những bông hoa đầu xuân nhô lên những nụ xanh nhạt hứa hẹn một cuộc sống tươi vui sắp tới.
Có phải là gió xuân đã làm cho anh có một tinh thần chống lại cái bản kết luận cuối cùng này không? Hay là do một cái gì đó? Một bóng ma của kỷ niệm… một tiếng… một lời nói? Tất cả những cái đó không thể kết thúc một cách rõ ràng với một sự chính xác cao chăng?
Nhà thám tử thở dài. Anh không thể để lại một nghi vấn nào. Và như thế anh còn phải tiếp tục cuộc hành trình để tới Vagray-les-Alpes.
Phải, anh nghĩ, đây chính là nơi tận cùng của trái đất. Lớp tuyết dày, những ngôi nhà nhỏ ở rải rác; trong mỗi nhà có một con người bất động đang đấu tranh lại cái chết tới một cách may rủi.
° ° °
Khi nhìn thấy Katrina Samoushenka, má lõm, mặt đỏ bừng trong cơn sốt, đôi tay gày gò đặt trên tấm chăn đắp, lập tức anh nhớ lại. Không nhớ tên cô nhưng anh đã nhìn cô nhảy. Anh phát khùng, ngây ngất vì cái nghệ thuật cao thượng ấy đã bị lãng quên.
Anh đã thấy Michael Novgin, người thợ săn quay cuồng trong khu rừng huyền ảo sinh ra từ tưởng tượng của Ambrose Vandel. Anh đã thấy con hươu cái xinh đẹp mãi mãi thèm muốn, mãi mãi bị săn đuổi… Một sinh vật hiền lành, xinh tươi, có những chiếc sừng nhỏ trên đầu và chân cứng như đồng đang phóng nhanh. Và sau phát đạn, ngã xuống lần cuối, vết thương… và Michael hoảng hốt, xác con hươu cái trên tay.
Katrina Samoushenka nhìn nhà thám tử với vẻ ngạc nhiên:
– Tôi chưa từng gặp ông, có phải không? Ông muốn gì ở tôi?
Hercule Poirot cúi đầu.
– Thưa bà, trước hết tôi muốn cảm ơn bà về buổi chiều đẹp như thế này…
Cô cười lơ đãng.
-… Nhưng tôi tới đây vì công việc. Tôi đã đi tìm một trong số những người hầu gái của bà… Cô ta tên là Nita.
– Nita ư?
Cô nhìn anh, mắt mở to.
-… Bà biết những gì về Nita?
– Tôi sẽ nói cho ông biết sau.
Và rồi anh kể lại câu chuyện xe hơi của anh bị hỏng dọc đường, anh mô tả Ted Williamson, tình yêu và nỗi âu lo của anh ta. Cô gái chăm chú nghe.
– Thật là cảm động – Cô ta nói sau khi anh ngừng lời.
– Vâng, rất cảm động. Đúng như vậy – Hercule Poirot xác nhận – như là câu chuyện về Arcadie phải không? Thưa bà, bà có thể nói, về cô gái này?
Katrina Samoushenka thở dài.
– Tôi đã có một cô hầu phòng… tên là Juanita. Cô ấy rất xinh, vâng… vui vẻ, có trái tim nồng hậu. Cái gì đã xảy ra với những người mà Thượng đế hằng che chở. Cô ấy đã chết trẻ.
Poirot đã nghe nói về chuyện này và bây giờ anh gạn hỏi.
– Cô ta đã chết ư?
– Vâng.
Hercule Poirot yên lặng trong một phút đồng hồ. Sau đó anh hỏi tiếp:
– Có một điều mà tôi không rõ lắm. Tôi đã hỏi ngài George Sanderfield về cô hầu phòng của bà nhưng ông tỏ vẻ lạ lùng. Tại sao?
Có một sự phật ý lướt trên mặt của người vũ nữ.
– Ông ấy tưởng ông hỏi về Marie… cô gái tôi thuê sau khi Juanita thôi việc. Marie thường tìm mọi cách vòi tiền về một việc gì đó liên quan tới ông ấy, hình như thế. Đó là một cô gái xấu xí… vô ý tứ, đọc trộm thư và lục lọi các ngăn kéo.
– A! Cái đó đã giải thích tất cả – Anh lẩm bẩm – Họ của Juanita là Valetta và cô ta đã chết trong khi mổ ruột thừa ở Pise. Đúng như vậy chứ?
Anh nhận ra một sự ngập ngừng trước khi gật đầu của người vũ nữ.
– Vâng, đúng.
– Nhưng tại sao? – Poirot hỏi tiếp – Cha mẹ của cô ta lại gọi cô là Bianca chứ không gọi là Juanita?
– Bianca hay Juanita… thì có gì là quan trọng? Chắc chắn cô ta nhận thấy gọi là Juanita thì lãng mạn hơn tên thật của mình.
– Đó là cách giải thích của bà. Còn tôi, tôi có cách giải thích khác kia.
– Cách giải thích ấy như thế nào?
Poirot cúi thấp đầu về phía trước.
– Cô gái mà Ted Williamson gặp gỡ có bộ tóc vàng mà anh ta mô tả nó giống như đôi cánh vàng.
Anh đưa tay ra vuốt ve mớ tóc vàng của Katrina…
-… Cánh vàng hay sừng vàng? Thiên thần hay quỉ dữ? Đó là tùy theo mỗi người. Ít ra đây không phải là sừng vàng của con hươu cái bị thương chứ?
– Con hươu cái bị thương… – Katrina thất vọng lẩm bẩm.
– Sự mô tả của Ted Williamson làm tôi suy nghĩ nhiều… nó thể hiện một kỷ niệm không rõ ràng, không thể nắm bắt được… Và cái kỳ niệm ấy, đó là cô đã chạy trốn vào rừng với những chiếc chân nảy lửa. Liệu tôi có nên nói rõ suy nghĩ của mình không, thưa cô? Trong tuần lễ cô không có người hầu. Bianca Valetta đã trở về Ý, cô chưa mượn được người thay thế, cô phải tự thu xếp trong khi ở Grasslawn. Thời kỳ ấy cô đã thấy có những triệu chứng của bệnh tật và cô phải ở trong nhà khi những người khác đi du ngoạn. Có tiếng chuông gọi cửa và cô ra mở… Liệu tôi có phải nói rằng cô đã trông thấy ai không? Cô đã thấy xuất hiện một chàng trai đơn giản như một đứa trẻ và đẹp như một thiên thần! Với anh, cô đã tạo ra một cái tên, không phải là Juanita mà là Nita, và… trong nhiều giờ liền cô đã cùng chàng trai đi dạo ở Arcadie…
Một sự yên lặng kéo dài. Sau đó Katrina trả lời rất khẽ và mơ hồ:
– Ít nhất thì có một điều mà tôi đã nói thật với ông. Tôi đã nói cái kết luận thực sự của câu chuyện. Đó là Nita chết trẻ.
– A! Không – Hercule Poirot thay đổi vẻ mặt rất nhanh. Anh đấm tay xuống bàn – Cái đó tuyệt đối vô ích! Cô không cần phải chết! Có có thể chiến đấu để sống lâu như những người khác.
Cô ta lắc đầu không mấy tin tưởng:
– Cuộc sống còn có ý nghĩa gì với tôi?
– Không phải cuộc sống sân khấu, rõ ràng là như vậy. Nhưng cô hãy nghĩ tới một cuộc sống khác. Thật thà nói cho tôi biết, cô gái, ông thân sinh ra cô có đúng là một hoàng tử hoặc một đại quận công hoặc một đại tướng không?
Bất chợt cô ta cười.
– Cha tôi làm nghề lái xe tải ở Léningrad.
– Thật là tốt! Thế thì tại sao cô không thể trở thành vợ của một người thợ máy trong một xưởng sửa chữa ô tô nông thôn kia chứ? Sẽ có một đàn con đẹp như thiên thần và có thể chúng cũng sẽ nhảy giỏi như cô đã từng nhảy nữa kia chứ?
Katrina nín thở.
– Nhưng đó là một ý nghĩa khó mà tin được.
– Không có một trở ngại nào cả – Hercule Poirot tự khẳng định – Tôi tin chắc nó sẽ trở thành hiện thực.