Hercule Poirot chỉ cần nhìn cái trán rộng, cái miệng mím chặt, cái cằm bướng bỉnh và đôi mắt sắc sảo ấy cũng đủ hiểu tại sao Emery Power trở thành một nhà tài chính mạnh mẽ như vậy.
Những ngón tay dài và thanh tú cũng nói rõ tại sao nhà tài chính nổi tiếng hai bên bờ Đại Tây Dương và là nhà sưu tầm hiểu biết về những tác phẩm nghệ thuật. Từ nghệ thuật ông cũng yêu quý môn lịch sử. Một vật không chỉ cần đẹp mà còn phải nói lên những phong tục tập quán của một vùng đất nữa.
Tiếng nói của ông êm dịu, không phô trương, nhưng cũng đủ làm cho người nghe phải chú ý.
– Bây giờ ông không nên nhận nhiều việc khác nữa – Ông ta nói – Nếu ông nhận việc này, tôi cho là như vậy.
– Nó có quan trọng không?
– Đối với tôi thì nó đặc biệt quan trọng.
Poirot cúi thấp đầu xuống nhìn Emery Power nhưng anh không nói gì cả.
– Đây là việc tìm lại một công trình nghệ thuật. Nói chính xác hơn đây là chiếc cốc bằng vàng có chạm trổ ở thời kỳ Phục hưng. Người ta nói đây là của đức Giáo hoàng Alexandre VI, Rodrigue Boriga. Ngài thường mang ra để khách quí dùng. Người được mời chết.
– Một phong tục đáng chú y.
– Chiếc cốc ấy có một lịch sử náo động. Nó đã bị đánh cắp nhiều lần. Người ta đã giết nhau để có được nó. Nó đã để lại một vết máu dài đằng sau nó.
– Vì giá trị nội tại của nó hay vì những lý do khác?
– Đúng thế, nó có giá trị rất lớn. Nó được chế tạo bằng một phương pháp tuyệt diệu; đây là công trình của Benveuto Cellini. Nó được chạm hình một cái cây có một con rắn quấn xung quanh; thân con rắn có những viên đá quí còn quả trên cành cây thì bằng ngọc màu lục bảo.
Poirot có vẻ thích thú.
– Những quả táo – Ông lẩm bẩm.
– Đá quí rất đẹp, nhưng giá trị thực tế của chiếc cốc là ở lịch sử của nó. Hầu tước San Veratrino đã bán đấu giá nó vào năm 1929. Những nhà sưu tầm đã tranh cãi nhau, nhưng tôi đã mua được nó với giá ba mươi ngàn livre vào thời kỳ đó.
– Một số tiền lớn!
– Khi tôi đã thích thì tôi biết trả giá, ông Poirot.
– Có thể là ông đã biết câu ngạn ngữ Tây Ban Nha: “Hãy nhận cái mà anh muốn… và trả tiền. Thượng đế nói!”.
– Nhà tài chính cau mày và cặp mắt của ông ta đanh lại một lúc.
– Ông cũng thích nghiên cứu triết học ư? – Ông ta hỏi bằng giọng lạnh lùng.
– Tôi đã đến tuổi biết suy nghĩ.
– Tôi không nghi ngờ gì. Nhưng không phải do suy nghĩ mà có thể lấy lại được chếc cốc. Tôi cho rằng hành động là tốt hơn cả.
– Thật là sai lầm! Đã có nhiều người phạm phải. Nhưng xin lỗi ông. Chúng ta đã thay đổi chủ đề của câu chuyện. Ông đã nói mình mua được chiếc cốc ấy từ tay hầu tước San Veratrino, đúng không?
– Phải, nhưng điều tôi chưa nói với ông là nó đã bị đánh cắp trược khi đến tay tôi.
– Chuyện xảy ra như thế nào?
– Người ta tới ăn cướp lâu đài của ông hầu tước vào ban đêm, ngoài chiếc cốc còn có nhiều đồ vật có giá trị khác bị mất.
– Người ta đã giải quyết như thế nào?
Power nhún vai.
– Cảnh sát đã điều tra vụ này, đúng thế. Người ta đã bắt và xét xử hai tên kẻ cướp: Dublay, người Pháp và Ricovetti, người Ý và thu được tang vật.
– Trừ chiếc cốc của Borgia ư?
– Trừ chiếc cốc. Như cảnh sát cho biết, ngoài hai tên ăn trộm bắt được còn có kẻ tòng phạm thứ ba tên là Patrick Casey người Ái Nhĩ Lan. Dublay, tên cầm đầu, chuẩn bị kế hoạch, Ricovetti lái xe và tiêu thụ còn Casey là tên vào trong nhà để lấy đồ đạc.
– Của ăn cắp được sẽ chia đều cho ba đứa ư?
– Có thể là như vậy. Nhưng dù sao những thứ lấy lại được đều kém giá trị. Vật quí hiếm thường được mang ra nước ngoài.
– Casey không bị bắt và xét xử sao?
– Không phải như ông đang nghĩ. Hắn đã có tuổi. Các cơ bắp đã giãn ra rồi. Mười lăm ngày sau đó hắn ngã từ lầu năm xuống đất và chết ngay tức khắc.
– Ở đâu
– Ở Paris. Trong một mưu toan ăn trộm nhà ông chủ ngân hàng Duvauglier.
– Và từ đó người ta không được tin gì về chiếc cốc nữa ư?
– Đúng thế.
– Cũng không thấy ai rao bán ư?
– Cũng không. Tôi gần như tin chắc là như vậy. Ngoài cảnh sát còn ba thám tử tư tiến hành điều tra vụ này.
– Và ông có lấy lại được tiền không?
– Đồ vật bị mất ngay trong nhà ông ta, ông hầu tước muốn trả lại tiền cho tôi.
– Nhưng ông không nhận ư?
– Không.
– Tại sao?
– Vì tôi muốn như vậy.
– Ông muốn nói rằng khi tìm được chiếc cốc thì nó thuộc quyền sở hữu của ông ư?
– Đúng thế.
– Nhưng sau hành động này là cái gì?
Power cười:
– Ông hiểu rõ tôi đấy, tôi thấy rõ. Rất đơn giàn. Tôi đã biết rõ ai là người đang giữ chiếc cốc ấy.
– Ông làm tôi thích thú. Vậy người đó là ai?
– Đó là ông Reuben Rosenthal. Không chỉ là một nhà sưu tầm như tôi, nhưng vào thời kỳ ấy, ông ta là một kẻ thù cá nhân của tôi. Chúng tôi cạnh tranh nhau trong nhiều vụ việc… và tôi thường là người thắng cuộc. Việc tranh chấp của chúng tôi đã lên đến đỉnh cao với chiếc cốc ấy. Trong hai chúng tôi người nào cũng muốn có nó. Chúng tôi nâng giá trong cuộc mua đấu giá ấy.
– Và ông lại là người thắng cuộc chứ?
– Không hẳn như vậy. Tôi thận trọng nhường cho một người thứ hai làm việc này. Không ai chịu nhường trước cả, nhưng để cho người thứ ba giành thắng lợi và tìm cách tiếp cận người ấy, lại là một chuyện khác.
– Một thất vọng nhỏ.
– Đúng thế.
– Nhưng nếu ông Reuben biết chuyện thì sao?
Ông Power có một nụ cười rạng rỡ.
– Theo ông – Poirot hỏi tiếp – có phải ông Reuben không chịu nhận là thua nên đã đi thuê bọn ăn trộm không?
Emery Power giơ một bàn tay lên với vẻ không đồng ý.
– Ô, không! Tại sao lại đi vào cụ thể như vậy? Một thời gian sau ông Reuben đã có được chiếc cốc ấy từ một nguồn không xác định.
– Cảnh sát không công bố một tấm ảnh nào của chiếc cốc ấy ư?
– Chiếc cốc không cần trưng bày ra trước mắt của mọi người.
– Ông có tin rằng ông Reuben đang muốn xem ai là chủ sở hữu vật đó không?
– Đúng. Nếu tôi nhận tiền đền bù của ông hầu tước thì ông Reuben sẽ đi thương lượng với ông này để có được chiếc cốc. Nhưng, là chủ sở hữu của nó tôi sẽ tìm cách thu hồi lại báu vật của mình.
– Có nghĩa là ông đang thu xếp để ăn cắp lại nó từ ông Reuben ư?
– Không phải là ăn cắp, ông Poirot. Tôi chỉ giành lại cái đó thôi.
– Nhưng ông đã không đạt được điều đó ư?
– Vì một lý do đặc biệt, ông Reuben không có chiếc cốc đó trong tay.
– Tại sao ông biết.
– Có một sự hợp nhất trong tổ chức kinh doanh dầu lửa. Bây giờ lợi ích của tôi và của ông Reuben là như nhau. Chúng tôi không còn là kẻ thù mà trở thành đồng minh của nhau. Ông ta đã cam đoan với tôi là chưa bao giờ ông có chiếc cốc ấy trong tay.
– Và ông tin ông ấy.
– Phải.
– Như vậy gần mười năm qua ông chạy theo một cái đích sai lầm, đúng không?
– Không thể bằng cách nào khác – Nhà tài chính thú nhận với một giọng cay đắng.
– Và bây giờ, tất cả đều làm lại từ đầu. Tôi là thám tử, tôi có bổn phận đưa ông tới một cái đích chính xác, đúng không? Người ta đã dẫm chân tại chỗ từ khi…
– Nếu công việc là dễ dàng thì tôi đã không mời ông tham gia – Power nói với vẻ thiếu nhã nhặn – Đúng là nếu ông thấy không thể…
Ông ta đang tìm một danh từ nhẹ nhàng hơn. Poirot đứng lên nói một cách khô khan:
– Danh từ không thể là không có đối với tôi, thưa ông. Tôi chỉ tự hỏi công việc có thú vị đến mức làm tôi hăng hái lên không.
– Việc này có lợi ích của nó: ông cho tôi biết số tiền thù lao.
– Chúng ta sẽ nói đến nó khi công trình nghệ thuật ấy được tìm ra, được không?
– Tùy ý ông. Tôi không chấp nhận sự thất bại.
– Trong trường hợp ấy… tôi hiểu.
° ° °
Thanh tra cảnh sát Wagstaffe tỏ rõ sự quan tâm của mình.
– Chiếc cốc Veratrino ư? Phải, tôi nhớ rất rõ. Tôi biết nói tiếng Ý nên người ta cử tôi tới để hợp tác với cảnh sát ở đây. Và chúng tôi không thể nào tìm ra đồ vật ấy.
– Theo ông thì tại sao? Người ta đã bán nó đi rồi ư?
– Tôi nghi ngờ… tuy vẫn có thể là như vậy. theo tôi thì rất đơn giản. Người ta đã giấu nó ở đâu đó… và một người duy nhất biết ở đâu thì lại chết rồi.
– Ông muốn nói đến Casey ư?
– Phải. Có thể là hắn thường qua lại Ý. Hắn đã giấu chiếc cốc ở đây và từ ngày ấy đến nay không ai động đến.
– Casey có nhà riêng không?
– Có… ở Liverpool – Viên thanh tra cười – chiếc cốc không nằm dưới sàn nhà đâu. Chúng tôi tìm rồi.
– Gia đình hắn ra sao?
– Người vợ bị ho lao… Tuy chồng như vậy nhưng bà ta vẫn là người mộ đạo, không muốn rời bỏ hắn. Bà ta đã qua đời cách đây một vài năm. Người con gái rất giống mẹ… Cô ta đã đi tu. Người con trai sang Mỹ để lập nghiệp.
– Có thể người con gái biết nơi cất giấu, đúng không?
– Tôi không tin. Chiếc cốc cũng sẽ được đem đi bán.
– Hay là người ta đã nấu chảy nó rồi?
– Rất có thể. Nhưng tôi cũng không tin. Chiếc cốc có giá trị sưu tầm. Mà muốn có được nó thì người ta có thể làm bằng mọi cách.
– Thế còn hai tên kẻ cắp kia?
– Ricovetti và Dublay sắp được tha.
– Dublay là người Pháp chứ?
– Đúng. Hắn là đầu não của bọn trộm cắp.
– Bọn này còn những ai nữa.
– Một cô gái tên là Kate. Làm nghề hầu phòng để làm nội ứng. Cô ta đã đi Úc sau khi băng nhóm tan rã.
– Còn ai nữa?
– Còn Yougonian, hắn có một cửa hàng nhỏ ở Paris. Người ta không tìm được lý do gì để bắt nên vẫn canh chừng hắn.
Poirot thở dài nhìn sổ ghi chép: Mỹ, Úc, Ý, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ…
– Có lẽ ta phải đi vòng quanh thế giới – Anh lẩm bẩm.
– Ông nói gì?
– Tôi nói một vòng thế giới mà tôi sẽ phải đi.
° ° °
Poirot có thói quen thảo luận công việc với Georges, người hầu phòng thân tín.
– Georges, nếu anh phải đến năm nơi trên thế giời thì anh sẽ làm như thế nào?
– Đường hàng không là nhanh nhất, thưa ông chủ. Nhưng dễ bị đau tim.
– Hỏi ý kiến của ai là tốt nhất?
– Thưa ông, ông hãy hỏi công ty Du lịch.
Hercule Poirot tự nhủ:
– Với thân chủ của mình, Emery Power, cái quan trọng nhất là hành động. Nhưng không để mất sức lực, tiền của vào những việc vô ích. Không thể làm khác mọi người được… nhất là khi không cần để ý đến tiền bạc.
Poirot đứng lên, tới bàn giấy, rút một tập hồ sơ, lấy một tấm phiếu ghi hai chữ “Thám tử”.
– Georges, tôi đọc, anh ghi cho tôi… Hankerton, New York; Laden và Bosher, Sydney; Giovanni Mezzi, Rome; Nahum, Constantinople; Rogers và Franconnaed, Paris…
Anh đợi cho Georges viết xong.
– Được rồi, anh tìm cho tôi giờ tàu đi Liverpool.
– Vâng, ông chủ đi Liverpool ngay bây giờ ư?
– Phải. Có thể tôi còn đến nhiều nơi khác nữa. Nhưng sẽ tính sau.
° ° °
Ba tháng sau, đứng trên bờ biển lởm chởm đã, Hercule Poirot nhìn ra đại dương. Chim mòng biển từ trên cao lao vút xuống mặt nước. Không khí ẩm ướt, Poirot có cái cảm giác của những người lần đầu đặt chân lên Inishgowlen như đến tận cùng của trái đất. Chưa bao giờ anh hình dung ra một phong cảnh quyến rũ lại ở một nơi xa xôi hẻo lánh đến như vậy. Ở phía tây nước Ái Nhĩ Lan này, xưa kia những người lính La Mã đã xây dựng những công sự kiên cố và những con đường lát đá.
Hercule Poirot nhìn xuống đôi giày của mình và thở dài. Ở đây người ta phải quên đi những thói quen trong cuộc sống thường ngày.
Phía xa là những hòn đào giàu có của đất nước tươi trẻ này…
Một tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Tiếng chuông mà anh quen thuộc từ thời thơ ấu.
Anh lại tiếp tục cất bước. Mười phút sau anh đứng trước một bức tường cao có cửa bằng sắt. Hercule Poirot đến gần và giật giây chuông.
Một bộ mặt hiện ra trong một ô vuông nhỏ trên cánh cửa. Người ta hỏi anh muốn gì. Giọng nói của một phụ nữ.
– Đây có phải là tu viện Sainte-Marie không?
– Nhưng ông muốn gì? – Tiếng nói gay gắt của người phụ nữ cao lớn cất lên.
Hercule Poirot không muốn trả lời câu hỏi thiếu nhã nhặn ấy.
– Tôi muốn gặp Mẹ bề trên – Anh nói với bà ta.
Có tiếng kéo then cửa. Cửa mở và người ta đưa anh đến một phòng đợi nhỏ.
Rồi nhà tu hành xuất hiện với chuỗi hạt trên cổ.
Hercule Poirot là người Công giáo và không khí ở đây không xa lạ với anh.
– Xin Mẹ tha lỗi nếu con làm Mẹ bận rộn. Nhưng trong các xơ ở đây có xơ nào tên là Kate Casey không?
Mẹ bề trên nghiêng đầu.
– Đúng thế, Tên thánh của xơ ấy là Marie-Ursule.
– Xơ Marie-Ursule có thể giúp đỡ con. Xơ có nhiều thông tin rất quan trọng đối với con.
Mẹ bề trên lắc đầu, nét mặt vô cảm.
– Xơ Marie-Ursule không thể giúp con được gì đâu.
– Nhưng con tin rằng…
– Xơ Marie-Ursule đã qua đời cách đây hai tháng.
° ° °
Trong phòng khiêu vũ của khách sạn Jimmy Donovan ngồi trên chiếc ghế quay lưng vào tường. Khách sạn này không mấy thuận tiện. Lò xo giường nhiều chiếc bị gãy. Không có nước nóng. Thức ăn làm anh đầy bụng, khó tiêu.
Có năm người ngồi trong phòng và họ đang nói chuyện chính trị. Hercule Poirot mới quen biết họ nên có phần nào lo ngại.
Anh quay sang người ngồi gần đấy. Khác với mọi người, anh ta có vẻ như một người thị thành sa sút.
– Hãy tin tôi, thưa ông – Anh ta nói với vẻ nghiêm chỉnh – con Pegeen’s Pride không mang lại may mắn… Ông đánh bao nhiêu? Ông có biết tôi là ai không? Atlas… Tôi thắng cuộc suốt mùa… Tôi đã đặt vào con Larry’s Girl bao nhiêu? Hai mươi nhăm trên một… Cứ đi theo tôi, ông không bao giờ thua cuộc.
Hercule Poirot nhìn anh ta với vẻ kính phục.
– Trời – Anh ta nói – đây là điềm xấu! – Và giọng anh ta run lên.
° ° °
Sau đó một vài tiếng đồng hồ, mặt trăng hiện lên sau một đám mây để rồi biến mất. Poirot và người bạn mới của mình đã đi được một vài kilometers. Nhà thám tử đi khập khiễng. Có lẽ đôi giày da của anh không thích hợp với những chuyến đi nông thôn.
– Nói xem – Người đi cùng lên tiếng – Ông tin chắc rằng ông tu viện trưởng sẽ nói gì? Tôi không có tội lỗi gì để phải hối hận trong lương tâm cả, ông biết đấy.
– Ông chỉ làm cái việc của Xê-da lại trả cho Xê-da thôi – Poirot trả lời một cách chắc chắn.
Họ đã đi tới chân tường của tu viện. Atlas rên rỉ, anh ta cảm thấy mình “trống rỗng”.
Nhà thám tử nói một cách cương quyết:
– Bình tĩnh! Đây anh chỉ đối mặt với mọi người mà với Hercule Poirot.
° ° °
Atlas cẩn thận gấp những tờ giấy bạc năm livres.
– Có thể là ngày mai tôi không còn nhớ bằng cách nào mà tôi thắng cuộc. Tôi rất sợ ông O’Reilly…
– Hãy quên đi tất cả, anh bạn. Ngày mai, thế giới này là của chúng ta.
– Đúng là Working Lad. Nó là một con ngựa! Rồi Sheila Boyne nữa, nó sẽ bảy chống lại một… Ông không nói gì về Thượng đế của thời xưa chứ… Hercule? Có một Hercule sẽ đua vào ngày mai.
– Anh bạn, hãy đặt cuộc vào Hercule. Hãy tin tôi, không thể thua được.
Hôm sau, con Hercule của ông Roslyn thắng con Boynen Stakes sáu mươi trên một.
° ° °
Với một vẻ thận trọng, Poirot mở cái gói ra. Trước hết là tờ giấy màu xám, sau đó là một lớp bông và cuối cùng là tờ giấy lụa.
Sau đó anh đặt lên bàn của Emery Power một chiếc cốc lấp lánh đá quý.
Nhà tài chính nín thở.
– Xin có lời khen, ông Poirot, cuối cùng ông ta nói. Nhà thám tử nhẹ nhàng cúi đầu.
Emery Power giơ tay sờ lên miệng cốc.
– Đây là của tôi ư? – Ông ta hỏi với giọng trầm.
– Vâng, đây là của ông.
Poirot thở dài, đứng lên, tay vịn vào lưng ghế.
– Ông tìm thấy nó ở đâu? – Ông ta hỏi một cách vô tư.
– Trên một bàn thờ.
Power giật mình.
– Phải, con gái của Casey là người mộ đạo, khi người cha qua đời, cô ta thực hiện những lời dặn lại của cha. Cô ta dốt nát nhưng tin vào Chúa. Chiếc cốc được giấu ngay trong nhà của Casey tại Liverpool. Cô ta mang nó vào một nhà tu với ý nghĩ, tôi giả thiết, là chuộc lỗi cho cha. Tôi không nghĩ rằng những người tu hành không biết gì về giá trị của các đồ vật. Trước mắt họ, đây chỉ là một cốc rượu lễ và người ta phải dùng đúng chức năng của nó.
– Một câu chuyện kỳ lạ. Ai đã gợi ý cho ông tới đó?
Poirot nhún vai.
– Tôi dùng phương pháp loại trừ. Tôi đã ngạc nhiên khi thấy không có một vụ mua bán nào đối với chiếc cốc. Cái đó cho phép tôi nghĩ, hẳn là nó ở nơi đúng theo công dụng vật chất của nó. Và tôi nhớ là con gái của Patrick Casey là người mộ đạo. Tôi đã nói và tôi xin nhắc lại: mộ đạo.
– Thật đáng khen. Xin ông đưa tôi một bản kê tiền thù lao và tôi sẽ viết cho ông một tờ séc.
– Tôi không lấy tiền thù lao.
– Thế nào? – Power ngạc nhiên hỏi lại.
– Khi còn bé chắc hẳn ông đã đọc truyện cổ tích trong đó ông vua thường hô: “Hãy cho ta biết nhà ngươi yêu cầu cái gì?”…
– Ông muốn yêu cầu cái gì?
– Có đấy. Nhưng không phải là tiền. Tôi chỉ có một yêu cầu nhỏ.
– Là cái gì? Có phải là một khoản trợ cấp không?
– Đấy cũng là một hình thức tiền. Không đơn giản hơn kia.
– Thế nào?
Hercule Poirot đặt tay lên chiếc cốc.
– Trả lại nó về tu viện.
Có một giây yên lặng.
– Ông điên đấy ư? – Emery Power hỏi.
Hercule Poirot lắc đầu.
– Không. Không điên chút nào. Xin ông nhìn đây.
Anh cầm chiếc cốc lên. Bằng móng tay anh đưa vào miệng con rắn quấn xung quanh thân cây và ấn xuống. Một cánh cửa sập rất nhỏ mở ra.
– Ông nhìn đây! Chính bằng cái cửa này làm người ta cho thuốc độc vào đồ uống. Ông đã nói chiếc cốc có một lịch sử ma quái. Nó đã để sau nó bạo lực và đau khổ. Làm thế nào biết được rồi đây ai là người bị hại?
– Mê tín, dị đoan!
– Có thể! Nhưng tại sao ông lại muốn giữ nó? Không phải vì cái đẹp, cũng không phải vì giá trị. Ông đã có hàng trăm, có thể là hàng ngàn vật quí, hiếm. Ông muốn có được uy tín. Ông không chịu thua cuộc. Ông đã thắng cuộc. Chiếc cốc đã nằm gọn trong tay ông. Nhưng tại sao lại không đưa ra một hành động đẹp? Trả lại nó về nơi nó đã ở bình yên trong gần mười năm qua, trong sự trong sáng. Ngày xưa nó là của nhà thờ, bây giờ trả nó về nhà thờ. Ông để tôi vẽ sơ đồ nơi tôi tìm thấy nó… Khu vườn Hòa bình trông ra biển về hướng về một Thiên đường xa xăm của sự tốt đẹp và vĩnh cửu của tuổi trẻ.
Anh đang mô tả vùng Irishgowlan theo cách của mình. Emery Power đưa một tay lên che mắt. Ông yên lặng.
– Tôi sinh ra bên bờ biển của nước Ái Nhĩ Lan – cuối cùng ông Power nói – Tôi sang Mỹ từ khi tôi còn là đứa trẻ.
Nhà tài chính đứng lên, mặt sáng lên một lần nữa.
– Ông là một con người lạ lùng, thưa ông Poirot. Ông hãy làm như ông muốn. Mang chiếc cốc này trả lại cho tu viện, thay tôi tặng lại cho tu viện. Một tặng phẩm rất đắt giá, ba mươi nghìn livres… đổi lại, liệu tôi được cái gì nhỉ?
– Tu viện sẽ cầu nguyện cho ông trong các buổi lễ – Poirot nói một cách nghiêm trang.
Một nụ cười tham lam trên mặt của Power.
– Dù sao đây cũng là một nơi đầu tư tốt! Đây là việc tốt nhất mà tôi chưa từng làm…
° ° °
Trong một hành lang nhỏ của tu viện, Poirot kể lại câu chuyện và đưa chiếc cốc rượu lễ cho Mẹ bề trên.
– Nói lại là chúng tôi cảm ơn ông ấy và chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông ấy.
– Ông ấy rất cần cầu nguyện.
– Có phải đây là một con người khốn khổ không?
– Rất khốn khổ vì ông ấy không biết thế nào là hạnh phúc. Rất khốn khổ vì ông ấy không biết mình là ai nữa.
– A! Thế thì đây là một người rất giàu.
Poirot không trả lời… anh không còn gì để nói cả.