BÍ MẬT NGÔI NHÀ NGHỈ

TÌM DẤU MỎ BẠC



Ông có bao giờ đầu cơ không?”. Một lần tôi hỏi ông bạn già Poirot.
“Không đâu, anh bạn” – Poirot trả lời nghiêm túc – “Tôi không hề. Còn như mười bốn ngàn cổ phần ở công ty mỏ Burma của tôi thì khác…”
Ông Poirot dừng lại một chút như để lấy can đảm nói tiếp.
“Sao nữa ạ?” – Tôi giục ông ta.
“Với những phần hùn này, tôi không phải đóng gì cả… không mất một xu, đó là phần thưởng cho chất xám của tôi. Anh muốn nghe chuyện đó không? Muốn chứ?”.
“Dĩ nhiên là muốn nghe”.
“Nhưng mỏ này nằm trong địa phận của Burma, cách Rangoon khoảng 200 dặm. Người Trung Quốc khám phá ra vào thế kỷ thứ mười lăm và được khai thác vào thời kỳ có cuộc khởi nghĩa của Mohammad, rồi bị bỏ xó vào năm 1868. Người Trung Quốc đã phân chiết được nhiều bạc thô từ lớp trên của quặng mỏ này, để luyện thành bạc ròng, thải ra hàng khối xỉ. Dĩ nhiên việc này được phát hiện ngay khi có điều tra nhưng từ đó mọi việc trở nên không có kết quả. Nhiều nhóm người do các tổ chức nghiệp đoàn được gửi tới, đã đào bới cả khu vực rộng lớn, song phần thưởng giá trị vẫn còn lảng tránh họ. Có một đại diện trong các nghiệp đoàn nhận ra dấu vết của một gia đình Trung Quốc, và người ta đoán rằng họ còn giữ tài liệu về tình hình của mỏ quặng đó. Trưởng tộc của gia đình này bây giờ là Vũ Linh.
“Đúng là một trang hấp dẫn trong cuốn tiểu thuyết về thương trường!” – Tôi kêu lên.
“Chứ không phải sao? À, anh bạn, người ta vẫn viết những cuốn tiểu thuyết mà không có nhân vật nào là cô gái tóc vàng đẹp tuyêt vời… không, tôi nhầm nó phải là tóc nâu vì đó là màu tóc mà anh mê nhất. Anh nhớ chứ…”
‘Thôi ông kể tiếp đi mà!” – Tôi nói có chút ngượng.
“Được thôi, anh bạn. Thế là người ta đến tiếp xúc với ông Vũ Linh này. Ông ta là một thương gia đáng mến, rất được kính trọng của tỉnh. Ông ta xác nhận ngay rằng mình sở hữu những tài liệu về mỏ bạc này và sẵn sàng thương lượng để bán tài liệu, nhưng ông ta nói là sẽ không bán nó cho ai ngoài những người đứng đầu tổ chức. Cuối cùng người ta đã dàn xếp được để ông đến London, gặp trực tiếp Ban giám đốc một công ty quan trọng.
“Ông Vũ Linh đi London bằng tàu biển S.s Assunta và chiếc Assunta đã cập bến cảng Southampton vào một buổi sáng tháng Mười một lạnh và đầy sương mù. Một trong những giám đốc, ông Pearson đã xuống Southampton để đón, nhưng vì sương mù nên chuyến tàu hóa ra bị chậm lại nhiều so với thời gian tàu biển cập bến. Ông Vũ Linh đã lên bờ và đáp chuyến xe lửa đặc biệt để đi London. Ông Pearson trở lại thành phố, rất bực mình vì không đoán ra được người đàn ông Trung Quốc này đến ở chỗ nào. Tuy nhiên, một ngày sau các trụ sở của công ty đều có điện thoại gọi. Họ biết ông Vũ Linh đang ở khách sạn Russell Square. Ông ta không được khỏe sau chuyến đi vừa rồi, nhưng cho biết có thể đến gặp tại bàn họp vào ngày hôm sau.
Cuộc họp được ấn định vào lúc mười một giờ. Đến mười một giờ rưỡi, vẫn chưa thấy ông Vũ Linh đến, một thư ký của Tổng giám đốc công ty mới gọi điện thoại đến khách sạn Russell Square. Nhưng ở đây người ta trả lời rằng ông khách Trung Quốc ấy đã đi cùng một người bạn ra ngoài lúc mười giờ rười. Điều đó có thể là người ta suy đoán ông ấy ra ngoài để đến dự cuộc họp này, nhưng trọn buổi sáng, ông Vũ Linh cũng không đến. Tất nhiên, cũng có thể nghĩ rằng ông ta lạc đường vì chưa quen với London, nhưng rồi đến nửa đêm, ông ta cũng chưa trở về khách sạn. Ông Pearson lập tức báo cảnh sát. Vào ngày hôm sau, vẫn chưa có dấu vết gì về người đàn ông bị mất tích, nhưng buổi chiều đó, một xác chết được phát hiện trên sông Thames với những nét cho thấy rất giống người Trung Quốc xấu số này. Trên xác chết hay trong hành lý để tại khách sạn đều không có một tài liệu nào liên quan đến cái quặng mỏ bạc mà người ta muốn biết.
“Giữa tình hình phức tạp này thì tôi được kéo đầu vào. Ông Pearson đã gọi tôi. Trong lúc đang rối tung vì cái chết của ông Vũ Linh, ông Tổng giám đốc của ông ta lại phải lo âu đối phó với báo chí khi họ ồn ào về mục đích đến nước Anh của người Hoa này. Còn tất nhiên cái lo của phía cảnh sát là truy tìm dấu vết kẻ giết người… Bình tĩnh trước dư luận báo chí chỉ là điều quan tâm thứ yếu thôi, cái mà ông ta cần tôi phối hợp với cảnh sát là tôi đóng vai người có lợi tức trong công ty.
‘Tôi vui vẻ chấp nhận. Tôi thấy rõ là có hai chỗ để tôi mở cuộc tìm kiếm. Một là tôi sẽ dò bắt đầu từ trong số nhân viên của công ty, những người biết việc người đàn ông Trung Quốc này đến đây và hai là tôi phải tìm hiểu từ những hành khách cùng đi chiếc tàu biển có trò chuyện nên biết được mục đích chuyến đi của ông ta. Tôi bắt đầu từ nhóm người thứ hai này, một địa bàn mà tôi coi là khá hạn chế cho việc truy xét. Ý nghĩ này cũng trùng hợp với thanh tra Miller, người được giao phụ trách vụ này… nhưng lại khác nhận định của ông bạn chúng ta là thanh tra Japp tự phụ, hay tỏ vẻ và đúng là khó chấp nhận nổi. Chúng tôi đã phỏng vấn những sĩ quan trên tàu. Họ cho chúng tôi biết không nhiều. Ông Vũ Linh khá lặng lẽ trong suốt cuộc hành trình. Ông ta không thân mật với ai ngoại trừ hai hành khách… một ông người Âu ốm yếu tên là Dyer, một người vô danh tiểu tốt, còn người kia là một thư ký ngân hàng còn trẻ, tên là Charles Lester, từ Hồng Công trở về. Chúng tôi may mắn nên nhanh chóng gặp được hai người này. Sau khi tiếp xúc, nếu có nghi ngờ một trong hai hành khách dính líu vào vụ này, thì Dyer dễ bị chú ý hơn. Được biết ông ta từng có dính dáng với một băng nhóm lừa đảo người Trung Quốc, nên ông ta đáng bị tình nghi nhất.
“Bước tiếp theo là chúng tôi đến khách sạn Russell Square. Chúng tôi không mất thì giờ, đưa ra tấm ảnh ông Vũ Linh, thì họ nhận được ngay. Xong chúng tôi đưa ảnh của ông Dyer, nhưng ngoài sự ước đoán của chúng tôi, người phục vụ khách sạn tuyên bố chắc nịch rằng người này chưa lần nào tới khách sạn trong buổi sáng của ngày xảy ra cái chết đó. Gần như không nghĩ ngợi, tôi đưa ảnh của Lester và tôi rất ngạc nhiên khi người phục vụ khách sạn này nhận ra ngay.
“Đứng, thưa ông” — Anh ta xác nhận – “Đó là ông khách đến đây lúc mười giờ rưỡi, xin gặp ông Vũ Linh rồi sau đó hai người cùng đi với nhau”.
“Cuộc điều tra được tiến hành ngay. Chúng tôi phỏng vấn Charles Lester. Anh ta có vẻ hết sức ngay thật, tỏ ra đau buồn khi nghe nói người đàn ông Trung Quốc này đã chết yểu, và bằng lòng tuân theo mọi cách điều tra của chúng tôi. Chuyện Charles Lester kể có thể tóm tắt như sau: Có hẹn trước với ông Vũ Linh nên anh ta tới khách sạn lúc mười giờ ba mươi. Tuy nhiên ông Vũ Linh không xuống, mà là người giúp việc cho ông ấy. Anh ta bảo rằng ông chủ của anh ta có việc phải đi rồi và đề nghị đưa Charles Lester đến chỗ ông chủ anh ta đang đến. Không nghi ngờ gì, Lester đã đồng ý. Anh bạn giúp việc người Trung Quốc này gọi taxi. Chiếc taxi cứ hướng chạy ra chỗ vũng tàu đậu. Bỗng chợt nghi ngờ, Lester đã bảo taxi dừng lại và anh ta bước xuống xe, bất kể lời cam đoan quả quyết của người giúp việc cho ông Vũ Linh. Anh ta bảo đảm với chúng tôi rằng anh ta chỉ biết có vậy.
“Dường như đã hài lòng, chúng tôi cám ơn và bỏ về. Câu chuyện của anh ta cho thấy ngay nhiều điều không đúng sự thực. Đầu tiên ông Vũ Linh đâu có mang theo một gia nhân nào, kể cả lúc ở trên tàu và lúc ở khách sạn. Còn thứ hai là về nơi chốn, thì như người lái taxi đã chở hai người đi buổi sáng hôm ấy ra khai báo rằng không có việc Lester rời khỏi xe ở giữa đường, anh ta và người đàn ông Trung Quốc này chỉ bảo đi đến một chỗ đáng ghê tởm ở Limehouse, trung tâm của Phố Tàu. Cái nơi đến của hai người là một điểm bán thuốc phiện. Hai người đi vào và độ chừng một giờ sau, người Anh này, người được nhận diện qua tấm ảnh, đã ra khỏi chỗ đó một mình. Anh ta trông có vẻ tái nhợt và bệnh hoạn, bảo tài xế taxi đưa anh ta đến một ga xe điện ngầm gần nhất.
“Cuộc điều tra tiếp tục tìm hiểu chỗ mà Charles Lester dừng lại và được biết rằng dù có bề ngoài là một người ngon lành nhưng anh ta bị ngập đầu vì nợ nần, lại có máu cờ bạc. Tất nhiên là ông Dyer không bị chúng tôi nhìn ngắm nữa. Bởi vì không đủ yếu tố cho rằng ông ta có thể thủ vai kẻ giết ông Tàu đó, nhưng ý tưởng này cũng không hoàn toàn vô căn cứ. Có chứng cớ cho thấy sự vắng mặt của ông ta ở đây trong ngày xảy ra vụ này thì không thể đặt ông ta vào trong số người đáng nghi. Dĩ nhiên là người chủ tiệm thuốc phiện cũng phủ nhận mọi điều theo tính cách phớt tỉnh của người phương Đông. Ông ta nói không hề thấy ông Vũ Linh cũng như không bao giờ biết Charles Lester.
Không có một trong hai người này đến đây vào buổi sáng đó. Như trong bất cứ vụ nào, cảnh sát cũng sai lầm: Không có ai hút thuốc phiện ở đó cả. Họ kết luận như vậy.
“Tuy vậy, sự phủ nhận của ông ta cũng có ý nghĩa tốt, đó là đã phần nào giúp cho Charles Lester. Anh ta bị bắt vì tội giết chết ông Vũ Linh. Việc khám xét đồ đạc của anh ta đã được tiến hành, nhưng người ta cũng không thấy có giấy tờ gì liên quan đến mỏ bạc. Người chủ tiệm thuốc phiện cũng bị ngấm ngầm theo dõi, nhưng khi khám xét nhà của ông ta một cách bất ngờ cũng không thu hái được kết quả gì. Cũng không tìm ra một mẩu thuốc phiện nào để có lý do tưởng thưởng công cán cho phía cảnh sát.
“Trong thời gian này, ông bạn giám đốc Pearson của tôi đã bị khủng hoảng dữ dội. Ông ta liên tục đến chỗ tôi, thúc giục, than thở.
“Ông ta cứ nói: Ông phải nhận ra cái gì đấy chứ, ông Poirot. Chắc là ông phải nắm được ít nhiều vụ việc này chứ?
“Tôi cảnh giác trả lời rằng: Chắc chắn tôi cũng phải có ý niệm rõ việc này mà. Đó mới là rối… mỗi lời khai đều khác, nó dắt ta ra nhiều hướng.
“Ông ta hỏi: Thí dụ như…
“Tôi trả lời: Thí dụ như… người tài xế taxi. Chúng ta chỉ biết anh ta nói rằng anh ta lái xe đưa hai người ấy đến một ngôi nhà. Đó là một việc. Mà… có thực là họ đã đi vào ngôi nhà ấy không? Thử nghĩ coi nếu như họ xuống xe taxi đi qua căn nhà rồi ra theo một ngả khác để tới một chỗ nào đó?
“Ông Pearson có vẻ hơi hiểu điều tôi nói. Nhưng vẫn hỏi vặn tôi: Mà sao tôi thấy ông chỉ ngồi và nghĩ là sao vậy? Chúng ta không thể làm một cái gì khác nữa hả?
“Anh cũng có thể nhận ra ông ta là một con người thiếu tính kiên nhẫn chứ?” – Ông Poirot hỏi tôi.
“Thưa ông” – Tôi nói bằng thái độ nghiêm túc – “Bởi vì ông ta không phải là Hercule Poirot để chạy lên chạy xuống những con đường có mùi tanh hôi của Limehouse, giống như một con chó con chưa được dạy bảo, tập tành. Thì hãy cứ bình tĩnh. Nhân viên đang vào việc đây mà”.
“Vào ngày hôm sau tôi đã có tin tức cho ông ta. Thay vì hai người đàn ông đi qua ngôi nhà đó, họ đến mục tiêu khác là một quán ăn nhỏ sát bờ sông. Có người đã thấy họ cùng đến đó, nhưng đi trở ra thì chỉ có mình Lester.
“Vậy mà, anh Hastings, anh nghĩ sao khi một ý tưởng hầu như vô lý đã có trong đầu ông Pearson này! Không việc gì làm ông ta vừa ý cả, thế là chúng tôi phải đến quán ăn điều tra. Tôi đưa ra mọi lý lẽ để thuyết phục ông ta tin nhưng ông ta không chịu nghe. Ông ta núp dưới cái lớp bọc của mình… đến cả việc ông ta đề nghị tôi… rằng tôi phải… tôi thấy ngượng khi phải nói ra điều đó… là tôi phải cạo bộ râu của mình đi! Phải, như vậy đó! Tôi nói thẳng với ông ta đó là ý nghĩ vô lý và lố bịch. Người ta không được quyền phá hủy cái đẹp bằng một trò nghịch ngợm. Ngoài ra, biết đâu người đàn ông gốc Bỉ này thèm có một bộ râu để thâm nhập thực tế, hoặc sẵn sàng hút thuốc phiện giống như một người không có râu?
“Đúng vậy, ông ta có ý đồ và ông ta cứ nhắc đi nhắc lại cái kế hoạch của mình. Buổi chiều, ông ta trở lại.. mà Chúa ơi! Hình dạng ông ta ra sao nhỉ! Ông ta mặc một bộ mà ông ta gọi là áo va- rơi, còn cằm của ông ta rất bẩn vì râu không cạo, cái khăn quàng thì xấu đến phát ngượng. Vậy mà anh biết không, ông ta có vẻ rất vui thích. Nói thật, ông người Anh này điên lắm. Ông ta có cách ăn mặc khác hẳn tôi. Tôi đành chấp nhận vậy thôi. Người ta không thế tranh cãi với người điên phải không nào? Thế rồi… chúng tôi đi, gần như tôi cứ để ông ta đi một mình, vì ông ta chỉ là một đứa trẻ ăn mặc như hề.
“Tất nhiên là ông không thể làm vậy được” – Tôi đáp.
“Để tôi kế tiếp… Thế là chúng tôi tới nơi. Ông Pearson nói tiếng Anh bằng giọng điệu lạ lùng nhất. Ông ta tự thể hiện mình như một người vùng biển. Ông ta nói về chuyện các thủy thủ và những khoang tàu dành cho thủy thủ ở và tôi thấy chẳng đâu vào đâu cả. Chỗ chúng tôi ngồi là một căn phòng nhỏ và thấp, có mấy người Trung Quốc đang ở đó. Chúng tôi ăn mấy món ăn lạ. Chà, Chúa ơi, cái dạ dày của tôi thật đáng thương đấy!”
Ông Poirot ôm chặt phần bụng của mình rồi tiếp:
“Rồi ông chủ quán ăn một người Trung Quốc, bước tới chỗ chúng tôi nở một nụ cười thật khó ưa. Ông ta hỏi: Mấy ông không thích món này hả? Các ông muốn gọi món nào khác mà các ông thấy tốt hơn không?
“Ông Pearson đá mạnh vào chân tôi ở dưới gầm bàn. (Ông ta đang mang đôi ủng đi biển mà!). Rồi ông ta nói: Tôi chả biết tôi phải làm gì, John, ông hướng dẫn đi!”
“Người chủ quán mỉm cười và đưa chúng tôi qua một cái cửa, tới một hầm rượu rồi qua một cái cửa sập, bước xuống mấy bậc cấp và đến một căn phòng đầy những bộ ván có trải nệm đàng hoàng. Chúng tôi nằm xuống và một thằng bé người Hoa cởi giày chúng tôi ra. Đó là thời gian đẹp nhất của buổi chiều. Rồi họ mang điếu tới chỗ chúng tôi và đốt những viên thuốc phiện, chúng tôi giả vờ hút, giả vờ đê mê và ngủ mơ màng. Đến khi chỉ còn lại một mình chúng tôi, ông Pearson khẽ gọi tôi và bỗng nhiên ông ta bò lên sàn nhà. Chúng tôi đi vào một căn phòng khác nơi có mấy người đang ngủ và tiếp theo, tôi nghe có tiếng hai người nói chuyện. Chúng tôi núp sau tấm màn cửa, lắng nghe. Họ đang nói chuyện về ông Vũ Linh.
“Mấy tờ giấy đó đâu?” – Một người hỏi.
“Ông Lester, ông ta đã lấy rồi” – Tiếng người khác đáp lại, đó là một người Trung Quốc. “Ông ấy nói để cất nó vào một nơi an toàn… chỗ mà cảnh sát không thấy được”.
“À, nhưng ông ta đã bị bắt rồi” – Người đầu tiên hỏi.
“Ông ra sẽ được thả. Cảnh sát không biết rõ việc ông ta đã làm”.
“Rồi họ không nói gì thêm nữa, nhưng đi về hướng chúng tôi, nên chúng tôi nhanh chân phóng về chỗ giường mình nằm.
“Mấy phút sau, ông Pearson khẽ bảo tôi: Tốt hơn hết là chúng ta nên rời khỏi chỗ này đi. Chỗ này không lành mạnh”
“Ông nói đúng, thưa ông!” Tôi đồng ý với ông ta – “Chúng ta đóng vở kịch này đủ dài rồi!”.
“Chúng tôi quyết định ra về sau khi trả một khoản rất hậu về chỗ tiền hút thuốc phiện. Đã rõ ngôi nhà ở Limehouse là không có vấn đề gì, ôngPearson thở ra một hơi dài.
“Ông ta nói: Tôi rất vui khi nhận ra điều đó. Nhưng có một vài điều cũng chưa chắc lắm.
“Tôi tán thành: Nhưng dù sao, tôi cũng vui vì chúng ta sẽ không gặp nhiều khó khăn đế tìm ra cái chúng ta cần tìm… sau buổi tối khiêu vũ đeo mặt nạ này”.
Bỗng nhiên ông Poirot nhấn mạnh thêm: “Và chúng ta sẽ không gặp bất cứ khó khăn nào nữa”.
Câu nhấn mạnh cuối cùng này có vẻ khác thường nên tôi nhìn ông Poirot.
Tôi hỏi: “Nhưng… những giấy tờ ấy đang ở đâu?”
“Trong cái túi… quá đơn giản”
“Nhưng trong túi của ai chứ?”
“Ông Pearson ấy!” – Rồi nhìn thấy tôi có vẻ hoang mang, Poirot lịch sự tiếp: Anh chưa thấy hả? Ông Pearson, giống như Charles Lester đang mắc nợ. Ông Pearson cũng giống Charles Lester về khoản mê cờ bạc. Thế nên ông ta nuôi dưỡng ý định lấy trộm tài liệu của ông bạn người Trung Quốc này. Ông ta đã gặp ông Vũ Linh tại cảng Southampton, đưa ông ta về London và chở thẳng tới Limehouse. Đó là một ngày đầy sương mù, nên người đàn ông Trung Quốc mới đến không biết mình đi tới chỗ nào. Tôi đoán rằng ông Pearson có hút thuốc phiện nên thường đến đó, và ở đó ông ta cũng có những người bạn kỳ lạ. Tôi không nghĩ rằng ông ta có ý đồ giết người. Ý của ông ta là muốn mượn một trong số những người Trung Quốc này đóng vai ông Vũ Linh đi thương lượng bán tài liệu. Thế là quá gọn, quá tốt! Nhưng đối với cái đầu phương Đông, thì chỉ có việc đơn giản vô cùng là giết chết ông Vũ Linh rồi ném xác ông ta xuống lòng sông, và người Trung Quốc của Pearson cứ làm theo cách của họ, không thèm nghe theo ông ta. Anh hãy hình dung xem, có phải cái ông Pearson nhát gan này đã sợ hãi đến xanh mặt không? Vài người có thể nhận thấy ông ta đã cùng đi trên một chuyến tàu với ông Vũ Linh… việc giết người không thể xem là một điều đơn giản được.
“Để cứu vãn tình thế, ông ta phải sắp xếp cho một người Trung Quốc đóng vai Vũ Linh đến ở khách sạn Russell Square. Giá như cái xác không bị phát hiện sớm quá có lẽ ông Vũ Linh đã nói với ông ta cái hẹn giữa Charles Lester và mình sau đó ở khách sạn. Pearson thấy rằng ông ta có cách tốt nhất để người ta nghi ngờ Charles Lester. Bởi vì người ta tin rằng Vũ Linh cùng đi với anh ta lần cuối cùng. Người đóng vai ông Vũ Linh đã ra lệnh cho một người giả như người giúp việc của ông Vũ Linh xuống đưa Charles Lester đi đến Limehouse càng nhanh càng tốt. Ở đây, anh ta chắc đã được uống một thứ gì đó, nhưng thức uống đã bị bỏ thuốc mê, nên một giờ sau, khi tỉnh dậy anh ta hoàn toàn ngơ ngác chẳng nhận định được việc gì đã xảy ra nữa. Cũng rất thường tình thôi, ngay khi nghe tin ông Vũ Linh đã chết, anh ta như kẻ mất hồn nên phủ nhận rằng mình chưa hề tới Limehouse.
“Tất nhiên, làm như thế anh ta vô tình đóng một vai đúng như ý đồ của ông Pearson. Nhưng thâm tâm của ông Pearson thì như thế nào? Không có gì… chỉ vì tính cách của tôi đã làm ông ta không yên tâm nên ông ta quyết định hoàn tất vụ việc để chống lại Charles Lester. Thế nên ông ta mới dàn xếp một cuộc điều tra bằng trò giả trang kia. Còn tôi, tôi làm như một người cả tin và ngờ nghệch. Có phải là tôi đã từng nói ông ta như một đứa trẻ đóng vai hề không nào? Ai chà, tôi cũng đóng vai của tôi. Ông ta đã trở về nhà với vẻ mặt rất hân hoan. Nhưng… sáng hôm sau, thanh tra Miller đã bước chân vào ngưỡng cửa nhà ông ta. Những tài liệu đã được tìm thấy trong người ông ta, thế là ván bài đã tàn. Ông ta phải nhận thấy niềm hối hận cay đắng khi chơi trò hề với Hercule Poirot! Nhưng chỉ còn có một điều thực sự khó khăn trong vụ này”.
“Đó là gì vậy?” – Tôi ngạc nhiên hỏi.
“Làm cho thanh tra Miller khẩu phục tâm phục! Đó mới là một sinh vật quái đản! Vừa bướng lại vừa ngu. Nhưng rồi cuối cùng ông ta phải biết tín phục!”
Quá tệ!” – Tôi kêu lên.
“À, rồi, tôi cũng được đền bù. Những giám đốc trong công ty Burma Mines đã thưởng cho tôi mười bốn ngàn cổ phần như là đền bù công khó nhọc của tôi trong nhiệm vụ này. Không tệ chứ? Nhưng khi còn giữ khoản tiền đầu tư ấy, tôi xin anh, Hastings, ta cũng cần phải giữ gìn chứ. Những điều mà anh đọc trên báo đó, không có thật đâu. Những giám đốc của các công ty dầu mỏ mọc lên như lông nhím ấy… họ cũng có thể là những ông Pearson với lắm trò con khỉ!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.