BÍ MẬT NGÔI NHÀ NGHỈ

NGÔI MỘ CỔ HI LẠP



Tôi nhớ mãi một trong những lần phiêu lưu cùng ông Poirot mà giờ kể lại tôi vẫn còn rùng mình vì quá nhiều ấn tượng, đó là lần đi điều tra vụ chết ngườỉ hàng loạt sau việc khám phá và khai quật ngôi mộ của Hoàng đế Men-her-ra.
Bắt chước sự khám phá ra ngôi mộ vua Tut-ankh-Amen của Carnarvem, hai ông John Willard và Bleibner ở New York cũng tiến hành công việc khai quật của họ tại một địa điểm không xa Cairo, gần khu Kim tự tháp Gizeh để tìm kiếm những căn nhà mồ một cách vô vọng. Nhưng rồi điều thú vị lớn lao nhất cũng bừng lên khi họ khám phá ra nhà mồ của hoàng đế Men-her-ra, một trong những vị vua mờ nhạt của triều đại thứ Tám, khi Đế chế cổ đại suy tàn. Ít người hiểu biết gì về thời đại này, nên việc khám phá ra điều đó làm cho báo chí tốn rất nhiều giấy mực.
Tiếp ngay là một biến cố đã làm bàng hoàng đầu óc mọi người. Đó là ông John Willard chết đột ngột vì suy tim.
Những tờ báo hay đưa những tin giật gân có dịp may bất ngờ để làm sống lại những câu chuyên mê tín xa xưa bằng cách liên hệ với các điềm gở và huyền bí của những kho báu Ai Cập. Chuyện về pho tượng Đức Bà đau khổ ở Viện bảo tàng Anh quốc tuy đã trở thành cũ rích cũng được báo chí xào nấu cho thành câu chuyện mới mẻ, làm Viện bảo tàng phải vội vàng phản đối, tuy nhiên người ta vẫn thích thú coi đó là vấn đề thời sự nóng hổi.
Nửa tháng sau, ông Bleibner chết vì nhiễm độc máu và mấy ngày sau thì cháu ông ta cùng tự sát bằng súng tại New York. “Lời nguyền của Men-her-ra” là câu chuyện được mọi nguời xúm nhau bàn tán mỗi ngày, và phép thuật thần thông của thế giới người chết của đất nước Ai Cập cổ được tán tụng như điều đáng phải tôn sùng.
Thế rồi ông Poirot nhận được một bức thư ngắn của phu nhân Willard, tức là quả phụ của nhà khảo cổ John Willard, mời ông đến gặp bà tại nhà riêng ở Kensington. Và tôi cũng có dịp tháp tùng ông ta.
Bà Willard có vẻ cao và gầy trong bộ đồ mặc thời kỳ tang chế. Gương mặt hốc hác là chứng minh hùng hồn cho nỗi buồn đau vừa đến với bà.
– Ông thật tử tế khi không chần chừ mà đã đến ngay với tôi, thưa ông Poirot.
– Tôi xin hết lòng phục vụ cho bà, thưa bà Willard. Bà có gì cần nơi tôi vậy?
– Tôi cũng hiểu ông là một nhà thám tử, nhưng không phải chỉ vì thế mà tôi cần ông giúp đỡ. Ông là người có nhận xét chín chắn, tôi biết, ông có nhiều khả năng để hình dung và nhiều kinh nghiệm đối với mọi việc trong thế giới này. Thưa ông Poirot, ông có ý kiến thế nào về thế giới siêu nhiên.
Ông Poirot ngần ngại một lúc trước khi trả lời. Ông ta có vẻ quan tâm nhiều đến vấn đề, ông nói:
– Chúng ta đừng để bị nhầm lẫn, thưa bà Willard. Đó không phải là một vấn đề chung chung mà bà muốn hỏi tôi. Nó chỉ là một nhu cầu được đáp ứng của một cá nhân, có phải vậy không? Chắc bà đang muốn hiểu có cái gì bên cạnh cái chết của ông nhà chứ gì?
– Đúng thế – Bà ta xác nhận
– Bà muốn tôi điều tra về trường hợp gây ra cái chết của ông ấy phải không?
– Tôi muốn ông xác định một cách chính xác những gì mà báo chí đang làm rùm beng hiện nay có phần nào là đáng tin và có bao nhiêu yếu tố được tìm ra là đáng kể. Ba cái chết… thì mỗi vụ tự nó cũng được giải thích theo một cách riêng nhưng gộp cả ba vụ này lại giống như có một sự trùng hợp gần như khó thể tưởng tượng nổi, và những cái chết chỉ xảy ra trong vòng một tháng từ khi khai quật ngôi mộ cổ đó. Nó có thể chỉ là điều mê án, hay nó lạ vì những lời nguyền đầy thuyết phục từ quá khứ mà giữa thời đại khoa học này cũng không có cách nào ngờ vực được. Rất hiển nhiên… đó là ba cái chết! Và tôi rất sợ, thưa ông Poirot, sợ kinh khủng! Biết đâu điều đáng sợ ấy vẫn còn, chưa thể nào chấm dứt.
– Thế ai đã làm bà sợ hãi?
– Con trai tôi. Khi được tin chồng tôi chết, tôi đã ngã bệnh. Con trai tôi vừa từ Oxford trở về đã vội vàng bay đến đó. Nó đưa thi hài về nhà, nhưng bây giờ nó lại đi nữa rồi, dù cho tôi năn nỉ nó đừng đi. Nó gần như bị mê hoặc với công viêc mà nó dự tính tìm hiểu tại chỗ mà cha nó đã khai quật cũng như về cái chết của cha nó. Ông có thể nghĩ tôi là một người đàn bà điên hay cả tin, nhẹ dạ, nhưng thưa ông Poirot, tôi sợ lắm. Giá như sự giận dữ của vị vua đã chết ấy chưa chịu dịu bớt đi thì sao? Có lẽ ông cũng cho rằng tôi dang nói những điều vô lý…
– Không đâu, trái lại, thưa bà Willard – Ông Poirot vội nói – Tôi cùng tin tưởng có một thứ sức mạnh siêu hình, thứ sức mạnh ghê gớm nhất mà thế giới này chưa từng thấy.
Tôi nhìn ông ta và rất ngạc nhiên. Tôi không hề tin ông Poirot cũng bị lôi cuốn với vấn đề siêu hình. Nhưng ông bạn nhỏ con của tôi lúc này đã nói như vậy với thái độ hết sức thành thực.
– Có phải vì vậy mà bà muốn đề nghị tôi tìm cách bảo vệ cho con trai bà không? Tôi sẽ có những cách tốt nhất để giữ anh ta xa khỏi mọi điều gây hại.
– Đúng vậy, nhưng có cách nào hữu hiệu để chống lại những ma lực huyền bí không?
– Trong những quyển sách có từ thời Trung cổ, thưa bà Willard, bà tìm thấy nhiều cách để khắc trị lại những pháp thuật đen tối. Có lẽ họ đã biết nhiều hơn những gì chúng ta ngày nay hay khoác lác về khoa học. Bây giờ chúng ta thử xem xét lại từng yếu tố đi, biết đâu tôi có thể có được ít nhiều lời khuyên. Ông nhà đã từng dành trọn đời mình cho việc nghiên cứu nền văn minh Ai Cập, phải không?
– Vâng, ngay từ hồi còn thanh niên Ông ấy là một trong số những người cống hiến đời mình cho việc nghiên cứu đề tài này.
– Nhưng còn ông Bleibner, theo tôi biết ít nhiều thì ông ta chỉ theo đuổi công việc này như một nhà tài tử.
– Ô, đúng vậy. Ông ấy là người giàu có, tập tành bước vào lĩnh vực này chỉ để làm vui mà thôi. Chồng tôi đã hướng dẫn ông ta môn Ai Cập học một cách hứng thú, và tiền của ông ta là sự đóng góp tài chính rất có lợi trong việc tiến hành khảo cứu.
– Còn cháu ông ấy. Bà có biết sở thích của anh ta là gì không? Anh ta có tham gia đoàn khảo cổ không?
– Tôi không nghĩ vậy. Thực ra tôi hoàn toàn không biết gì về anh ta cho tới khi tôi đọc báo thấy tin anh ta tự sát. Tôi không nghĩ anh ta và ông Bleibner có cùng một thứ đam mê. Ông ấy chưa lần nào nhắc về mối quan hệ họ hàng này.
– Những thành viên trong đoàn còn có những ai?
– Vâng, còn có bác sĩ Tosswill, một viên chức nhỏ của Viện Bảo tàng Anh quốc, ông Schneider của Bảo tàng Metropolitan tại New York, một thư ký người Mỹ, bác sĩ Ames, tham gia đoàn để thực hiện công việc chuyên trách riêng, và Hassan là người giúp việc của chồng tôi.
– Bà có nhớ tên của viên thư ký người Mỹ ấy không?
– Tôi thấy anh ta tên là Harper, nhưng không chắc lắm. Anh ta không ở cùng với ông Bleibner lâu. Đó là một cậu trẻ dễ mến.
– Xin cám ơn bà Willard.
– Ông có muốn hỏi gì nữa không ạ?
– Giờ thì không. Bây giờ bà có thể yên tâm giao việc ấy cho tôi, tôi bảo đảm với bà rằng tôi sẽ làm hết khả năng mà con người có thể làm được để bảo vệ cho con trai bà.
Những lời đó không phải để nhấn mạnh lại lần nữa một cái gì chắc chắn và tôi quan sát thấy bà Willard thản nhiên khi ông Poirot nói ra những lời trên. Cũng chưa phải là lúc ông ta có đủ yếu tố để xoa dịu sự sợ hãi của bà ta bằng chính bà tự làm.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ông Poirot có chút tin tưởng sâu sắc về vấn đề siêu hình. Tôi bắt bí ông ta về việc đó trên đường chúng tôi trở về nhà. Tính của ông ta vốn rất từ tốn và đứng đắn.
– Nhưng mà đúng như vậy đó, Hastings. Tôi tin những việc này. Anh không thể coi thường sức mạnh siêu hình.
– Giờ chúng ta sẽ làm những gì đây?
– Luôn luôn là thực hành, anh bạn Hastings tử tế ạ! Phải rồi, bắt đầu là chúng ta sẽ gọi điện cho New York để tìm hiểu thêm các chi tiết việc tự sát của đứa cháu ông Bleibner.
Thế là ông Poirot đi gọi điện. Bức điện trả lời cho ông ta rất đầy đủ và chính xác. Đứa cháu tên là Rupert Bleibner đã bị rỗng túi trong nhiều năm. Anh ta sống lưu lạc tại các đảo vùng South Sea bằng tiền trợ cấp gửi từ quê nhà, và hai năm qua anh ta mới trở về New York, nơi mà anh ta càng ngày càng suy sụp mau chóng. Điều đáng chú ý nhất, theo tôi, là cái việc gần đây anh ta mượn được đâu đó đủ tiền để tới Ai Cập. Anh ta tuyên bố rằng ở đó anh ta có một người bạn tử tế sẵn sàng cho anh ta vay tiền. Tuy nhiên, đến nơi đây, kế hoạch của anh ta bị tan tành mây khói. Anh ta quay về New York để nguyền rủa ông chú keo kiệt, người chỉ biết quan tâm tới các bộ xương và xác chết của mấy ông vua thời xưa hơn là ruột thịt máu mủ. Trong thời gian mấy ngày anh ta ở Ai Cập thì đã xảy ra cái chết của ông John Willard. Anh ta một lần nữa lại đắm chìm trong cuộc sống phóng đãng tại New York, rồi bất ngờ, anh ta bỗng tự kết liễu đời mình, chỉ để lại một bức thư với nhiều câu khá lạ lùng. Nó có vẻ như được viết ra trong một bất chợt hối hận. Anh ta ví mình như người hủi, một thứ bị xã hội vất đi, và bức thư chấm dứt bằng lời tuyên bố rằng vì thế anh ta thấy tốt hơn hết là nên chọn lấy cái chết.
Có một giả thiết lờ mờ trong đầu tôi. Tôi không chút nào tin rằng có sự báo oán của những vị vua Ai Cập đã chết từ lâu đời. Tôi chỉ thấy ở đây có một khả năng tội lỗi. Biết đâu người đàn ông trẻ này đã quyết định tiêu diệt ông chú mình và như thế không có gì thích hợp hơn là dùng thuốc độc. Và do nhầm lẫn thế nào đó, ông Bleibner đã sử dụng liều thuốc của số phận. Còn Rupert sống ở New York phải thường xuyên bị ám ảnh bởi tội ác của mình. Anh ta trở về New York để nhận được tin tức là chú anh ta đã chết. Anh ta chợt nhận ra rằng anh ta có cần thiết phải làm cái điều ác ấy không và biết mình sẽ hối hận cả đời.
Tôi nói cho ông Poirot nghe suy đoán của tôi. Ông ta tỏ vẻ rất vui.
– Đó là những phán đoán nhiều tư duy của anh mà anh đã phải động não rất nhiều. Đó cũng có thể là sự thúc đẩy. Nhưng anh quên nghĩ tới những gì phải được coi là do ảnh hưởng của số phận mà ngôi mộ cổ đem tới.
Tôi nhún vai không tin.
– Ông vẫn nghĩ rằng nó có mang lại điều gì đó sao?
– Rất nhiều nữa là khác, anh bạn ạ. Đó là việc chúng ta sẽ khởi hành đi Ai Cập ngay ngày mai.
– Cái gì? – Tôi kêu lên ngờ vực.
– Tôi đã nói rõ như thế. Có một nét dũng khí bừng lên trên vẻ mặt của ông Poirot, rồi ông ta gằn giọng – Nhưng mà, ôi… biển, biển thù hận!
Một tuần sau, dưới chân chúng tôi là cát vàng sa mạc. Mặt trời chói chang nung đốt trên đầu. Ông Poirot trông thật xơ xác, tiều tụy bên cạnh tôi. Người đàn ông nhỏ thó này có lẽ là một khách du lịch kém cỏi. Cuộc hành trình bốn ngày của chúng tôi từ Marseilles giống như một cuộc vật lộn dài của ông ta. Ông ta bước lên cảng Alexanciria bằng thái độ giận dỗi cố hữu của mình, ngay cả sự gọn gàng thường nhật cũng hình như trốn đi khỏi ông ta. Rồi chúng tôi tới Cairo và đón xe đi ngay tới khách sạn Mena House, phía bên phải của khu Kim tự tháp.
Vẻ huyền bí của xứ Ai Cập đã làm mê hoặc tôi. Nhưng với ông Poirot thì không. Ăn mặc tề chỉnh giống như khi đang ở London, ông ta lấy cái bàn chải quần áo trong túi xách ra và không thôi chải bụi đã bám dầy trên bộ trang phục của mình.
– Còn đôi ủng của tôi – Ông ta than thở – Nhìn xem, Hastings. Đôi ủng của tôi, được đóng từ da thuộc tinh xảo như thế nào, chúng vẫn luôn luôn tề chỉnh và bóng lộn mà. Xem này, giờ thì trong giày đầy cát, đã thật, còn bên ngoài, nhìn chẳng ra thể thống gì nữa. Tại vì nóng mà, sức nóng cũng làm râu ta héo đi… nhưng héo khô gì nhỉ?
– Thử nhìn tượng Nhân sư đi – Tôi đề nghị – tôi cảm thấy ngay sự huyền bí đầy mê hoặc của nó tỏa ra kìa.
Poirot nhìn ra chỗ đó, vẻ không vui:
– Nó mang một vẻ thỏa mãn thôi – ông ta tuyên bố – Sao có thể để như thế, nó bị chôn phân nửa dưới cát trong cách trình diễn lỗi thời đến như vậy. À, đó là lời nguyền của cát!
– Thì ông đến đây xem đi nào, có cả cát của Bỉ nữa đấy.
– Tôi nhắc ông ta, cốt để ông nhớ lại một lần chúng tôi nghỉ hè ở Knacke-sur-mer ở vùng Trung hải theo một quyển hướng dẫn du lịch đã giới thiệu.
– Không phải là ở Brussels đâu – ông Poirot lên tiếng. Đôi mắt ông nhìn về phía những Kim tự tháp nhiều nghĩ ngợi. Đúng ra chúng chỉ là khối hình học rõ rệt và chắc chắn, nhưng bề mặt bên ngoài của chúng gồ ghề chẳng có gì đáng mê. Mà tôi cũng ước chi đừng có những cây cọ kia nữa. Giá như họ đừng trồng chúng thành hàng thì hay hơn.
Tôi cắt ngang lời than thở của ông ta bằng cách gợi ý nên đi dã ngoại. Thế rồi chúng tôi ra ngoài, cưỡi trên lưng lạc đà khi những con vật này quỳ xuống chờ chúng tôi leo lên, những đứa trẻ đẹp như tranh vẽ điều khiển chúng qua một người phiên dịch liến thoắng.
Tôi vượt qua được sự tự giễu mình của ông Poirot trên lưng lạc đà. Ông ta lại lẩm bẩm thẫn thờ rồi rít lên, tay chân múa may giống như đang cầu khẩn Đức Mẹ đồng trinh và các Thánh theo các ngày thánh lễ ghi trên lịch. Cuối cùng, ông ta đành xấu hổ bước xuống, chấp nhận hoàn tất lộ trình trên lưng một con lừa bé xíu. Tôi phải thừa nhận rằng một con lạc đà đi nước kiệu thì đâu gây thú vị gì cho những người cưỡi nó một cách tài tử. Và tôi cũng phải vất vả làm quen với việc cưỡi lạc đà đó trong nhiều ngày.
Cuối cùng chúng tôi tới gần được khu khai quật. Một người đàn ông da sạm nắng, mặc quần áo trắng, râu mép màu xám đến gặp chúng tôi.
– Ông Poirot và đại úy Hastings đây phải không ạ? Chúng tôi đã nhận được điện tín của các ông. Tôi xin lỗi vì đã không thể cho người đón hai ông tại Cairo. Có một việc bất ngờ đã xảy ra làm đảo lộn mọi chương trình của chúng tôi.
Ông Poirot tái mặt. Cái bàn chải dùng để chải quần áo rời khỏi tay ông ta làm người khách ngừng nói.
– Không phải là một cái chết khác nữa chứ? – Ông hỏi nhanh.
– Rất tiếc là phải ạ.
– Ông Guy Willard à? – Tôi cũng hỏi.
– Không. Một đồng sự người Mỹ của tôi, ông Schneider.
– Nguyên do thế nào? – Ông Poirot hỏi hối hả.
– Bị bệnh uốn ván.
Tôi tái mặt. Tôi cảm thấy mọi sự ở quanh tôi có vẻ nhuốm màu tai họa, huyền bí và đe dọa. Một cảm giác khủng khiếp thoáng qua trong óc. Tôi phải đề nghị với ông Poirot thế nào đây.
– Chúa ơi – ông Poirot kêu lên, giọng ông ta nhỏ lại – Tôi không hiểu nổi điều này nữa. Kinh khủng thật. Thưa ông, xin ông nói cho tôi nghe coi, không ai nghi ngờ gì ngoài bệnh uốn ván hở?
– Tôi tin rằng không. Nhưng bác sĩ Ames có thể nói với ông rõ ràng hơn tôi.
– A, tất nhiên rồi, ông không phải là bác sĩ mà.
– Tên tôi là Tosswill.
Đúng rồi, và bà Willard cũng đã nói người này là viên chức nhỏ thuộc Bảo tàng Anh quốc đây mà. Tự nhiên có chút gì đó do sự nghiêm trang và khổ hạnh của ông ta làm tôi thấy ngộ nghĩnh.
– Nếu hai ông đi cùng tôi – tiến sĩ Tosswill tiếp – Tôi sẽ đưa hai ông đến gặp ông Guy Willard. Ông ấy hết sức áy náy khi được thông báo rằng hai ông sẽ đến.
Chúng tôi băng qua một khu trại để tới một cái lều lớn. Tiến sĩ đỡ tấm bạt làm cửa và chúng tôi bước vào trong. Có ba người đang ngồi trong ấy. Ông Tosswill thông báo:
– Ông Poirot và đại úy Hastings đã tới, thưa ông Guy.
Người đàn ông trẻ nhất trong ba người này đứng bật dậy, tiến nhanh tới chào đón chúng tôi. Dễ thấy anh là người sôi nổi và bốc đồng, điều này làm tôi nhớ lại bà mẹ của anh ta. Anh ta không bị sạm da vì cháy nắng như những người khác, nhưng thực sự, quầng mắt thâm tím khiến anh ta trông có vẻ già hơn0 nhiều so với số tuổi hai mươi hai. Điều này cho thấy rõ ràng anh ta đã quá sức chịu đựng sự căng thẳng thần kinh.
Anh ta giới thiệu với chúng tôi hai người kia. Một là bác sĩ Ames, cỡ chừng ba mươi tuổi, có một nhúm tóc hoa râm phía trước trán và Harper, người có nhiệm vụ ghi chép trong đoàn, một thanh niên trẻ nhìn rất dễ mến đeo cặp kính có gọng sừng của quê hương anh ta.
Cuối cùng, sau những câu đối thoại rời rạc thông thường, ông tiến sĩ Tosswill cũng đi theo Harper, còn chúng tôi cùng Guy và bác sĩ Ames rời khỏi chỗ đó.
– Ông có câu nào cần hỏi thì cứ hỏi đi, thưa ông Poirot – Guy nói – Chúng tôi hoàn toàn chết điếng với hàng loạt sự cố nhưng mà điều đó có thể hoặc không phải là một sự trùng hợp.
Có cái gì đó gây cảm giác nghi ngờ tính chân thực trong lời nói của anh ta. Tôi thấy Poirot cũng nhìn anh ta rất kỹ.
– Anh có hoàn toàn quan tâm tới công việc này không vậy, Guy?
– Còn hơn thế nữa, dù cho không có vấn đề gì xảy ra, hoặc có gì đó xảy ra đi nữa, công việc vẫn tiến triển. Ông cứ yên tâm về điều đó.
Ông Poirot nhìn một vòng qua mọi người.
– Ông sẽ nói sao về diều đó, thưa ông bác sĩ?
– Vâng – tiếng nói của ông bác sĩ hơi lè nhè – Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Ông Poirot bày tỏ một cử chỉ bằng cách nhăn mặt trước những lời nói như vậy của những người này.
– Được rồi, tất nhiên thôi, chúng tôi phải tiến hành việc của chúng tôi. Ông Schneider chết lúc nào vậy?
– Cách đây ba ngày.
– Ông tin chắc là vì bệnh uốn ván chứ?
– Hoàn toàn tin chắc.
– Liệu có khi nào ông ấy chết vì chất độc không?
– Không đâu, thưa ông Poirot. Tôi cũng biết ông muốn đi tới vấn đề gì. Nhưng đây rõ ràng là trường hợp chết vì chứng uốn ván thôi.
– Ông không tiêm vắc xin cho ông ấy phải không?
– Rõ ràng là chúng tôi đã làm đủ – người bác sĩ lạnh lùng nói – Chúng tôi đã làm bất cứ điều gì mà chúng tôi nhận thức được bằng mọi cố gắng.
– Ông có mang sẵn những liều vắc xin không?
– Không. Chúng tôi mua ở Cairo.
– Có bao nhiêu trường hợp bị nhiễm trùng uốn ván xảy ra trong trại này?
– Không có, ngoại trừ trường hợp này là một.
– Còn trường hợp ông Bleibner, ông có tin chắc rằng ông ấy bị chết không phải vì chứng uốn ván không, thưa bác sĩ.
– Tuyệt đối không phải do uốn ván. Ông ấy đã bị một vết xước trên ngón tay cái, thế nên máu của ông ấy mới bị nhiễm trùng. Tôi cảm thấy những kẻ không chuyên môn thì thường nói như vậy, nhưng hai việc hoàn toàn khác biệt.
– Thế là chúng ta có bốn cái chết rồi đó… nhưng hầu như đều khác nhau cả, một thì bị chết vì suy tim, một thì nhiễm độc máu, một tự tử và một thì vì chứng uốn ván.
– Đúng vậy, thưa ông Poirot.
– Ông không tin chắc rằng có một mắt xích nối liền cả bốn cái chết này lại với nhau sao?
– Tôi quả không hiểu ý ông muốn nói gì?
– Tôi sẽ làm cho mọi việc trở nên rõ ràng thôi. Vậy là bốn người đàn ông này được giao phó công việc gì, đó là chúng ta có thể thấy rõ ràng họ thiếu sự kính trọng vua Men-her-ra chứ gì?
Ông bác sĩ nhìn chăm chú vào ông Poirot một cách ngại ngùng.
– Ông đang nói những điều vớ vẩn gì vậy, ông Poirot? Chắc chắn ông không bị trói buộc gì để tin tưởng vào những câu chuyện điên rồ nào đó chứ?
– Điều ông tưởng là hoàn toàn vô lý – Guy Willard lầu bầu với vẻ giận dữ.
Ông Poirot vẫn làm thinh giữ thái độ rất trầm tĩnh, chớp nhẹ đôi mắt mèo trong xanh của mình.
– Ông vẫn không tin điều đó chứ, thưa ông bác sĩ?
– Không, thưa ông, tôi không tin – ông bác sĩ nhấn mạnh từng tiếng một cách cương quyết – Tôi là một nhà khoa học, và tôi chỉ tin những gì mà nền khoa học đã dạy cho tôi.
– Vậy thì thời Ai Cập cổ đại không có khoa học sao? Ông Poirot nhẹ nhàng hỏi, rồi ông cũng không chờ trả lời, gần như ông coi không có mặt bác sĩ
Ames trong lúc đó, ông tiếp – Không, không, ông không phải trả lời tôi, nhưng xin ông cho biết điều này. Đó là, những kẻ giúp việc người địa phương thì nghĩ sao?
– Tôi đoán rằng – Tiến sĩ Ames nói – những người được bó trong mớ vải trắng đã biến mất trong đầu họ rồi, mà họ chỉ quan tâm tới những thân nhân gần với họ thôi. Tôi thừa nhận rằng họ cũng có thể tin những gì ông nói về mấy việc hoang đường, nhưng họ sẽ không coi đó là nguyên nhân gây ra sự cố gì hết.
– Tôi lấy làm lạ – ông Poirot nói một cách lập lờ.
Guy Wiilard bước lên:
– Chắc chắn như vậy đó. Ôi, ông không thể tin mãi những điều vớ vẩn ấy được! Ông sẽ không thể biết gì hết về Ai Cập cổ đại nếu ông cứ nghĩ như thế.
Thay vì trả lời, ông Poirot rút trong túi ra một quyển sách nhỏ, một quyển sách cổ đã rách nát. Lúc ông ấy đưa ra, tôi thấy tựa quyển sách là “Pháp thuật của người Ai Cập và Chalde”. Rồi xoay mình một vòng, ông ta soải bước ra khỏi lều. Ông bác sĩ nhìn tôi như dò hỏi:
– Ông ấy làm trò gì thế?
Câu nói này cũng thường xuất hiện trên môi ông Poirot khiến tôi mỉm cười khi nghe nó từ người khác.
– Tôi cũng không rõ lắm – Tôi thú nhận – Tôi đoán rằng ông ấy có cách gì đó để xua đuổi tà ma, thế thôi.
Tôi đi tìm ông Poirot thì thấy ông ta đang nói chuyện với một người đàn ông trẻ có gương mặt gầy gò, làm thư ký cho ông Bleibner khi ông ấy còn sống.
– Không đâu – Tôi nghe Harper nói với ông Poirot – Tôi chỉ làm công việc khảo cổ này mới sáu tháng nay. Phải, tôi thấy công việc của ông Bleibner rất thú vị và hoàn hảo.
– Anh có thể vui lòng cho tôi biết anh quan niệm thế nào về người cháu của ông ấy không?
– Anh ta quay lại đây một lần, trông anh ta không có vẻ gì là người đàng hoàng. Trước đây tôi cũng chưa thấy anh ta lần nào, nhưng một vài người khác thì có… như bác sĩ Ames, tôi nghĩ vậy, và tất nhiên là ông Schneider. Ông cụ có vẻ không vui khi gặp anh ta. Họ đã cãi nhau kịch liệt. Ông cụ bảo “chẳng có xu nào cả. Không có xu nào lúc này cũng như khi tao chết. Tao còn phải tập trung tiền để xúc tiến công việc cả đời tao theo đuổi. Tao cũng vừa nói điều đó với ông Schneider hôm nay”. Không đợi chờ lâu lắc gì, người cháu ông Bleibner bỏ đi Cairo ngay.
– Lúc ấy sức khỏe anh ta tốt chứ?
– Ông cụ hở?
– Không, người cháu kia.
– Tôi tin rằng anh ta cũng hiểu có tình huống không hay cho anh ta. Nhưng tôi không rõ lắm hoặc có thể là tôi cũng không nhớ kỹ được.
– Xin hỏi anh một điều nữa, ông Bleibner có để lại chúc thư không?
– Theo chúng tôi biết từ lâu rồi, ông ấy không lập di chúc.
– Anh vẫn tiếp tục công việc khảo cứu này chứ, Harper?
– Không, thưa ông. Tôi sẽ trở lại Nevv York ngay khi tôi giải quyết xong mấy việc ở đây. Ông có thể cười tôi nếu ông cho là đáng cười, nhưng tôi không muốn làm một nạn nhân đáng nguyền rủa sắp tới của ông vua Men-her-ra này. Ông ta sẽ tính sổ tôi nếu tôi cứ ở đây.
Nói xong, người đàn ông trẻ này đưa tay lên lau mồ hôi trên trán.
Ông Poirot bỏ đi. Và ông ngoái lại nói:
– Hãy nhớ đây, ông ta cũng từng tóm được nạn nhân của ông ta ở New York rồi.
– Ôi, thật là chết tiệt! – Harper kêu lên.
– Anh chàng này đàng hoàng đây – Ông Poirot nói và ông có vẻ nghĩ ngợi! Anh ta đang bực mình, nhưng tuyệt đối cũng chỉ là sự bực mình thôi.
Tôi nhìn ông ta lấy làm lạ, nhưng nụ cười vui vẻ của ông ta cho tôi biết là không có vấn đề gì nghiêm trọng. Đi cùng với Guy Willard và tiến sĩ Tosswill, chúng tôi tới chỗ khai quật. Hiện vật tìm thấy đều đã được đưa về Cairo, nhưng chúng tôi cũng thú vị khi thấy được những thứ trang trí cho ngôi mộ. Sự hăm hở của người đàn ông trẻ thể hiện rất rõ ràng, nhưng tôi thấy buồn cười khi phát hiện ra cái sắc thái bất bình thường trong cá tính của anh ta khi không thể nào thoát ra khỏi cái cảm giác về một bầu không khí đầy đe dọa ở nơi này. Lúc chúng tôi vào trong một căn lều dành riêng cho chúng tôỉ để tắm rửa trước khi dùng bữa ăn chiều, thì một gã đàn ông cao lớn, da ngăm đen mặc bộ áo choàng màu trắng đã đứng bên cạnh khua tay mời chúng tôi đi qua bằng thái độ rất vui vẻ và nói lời chào đón chúng tôi bằng tiếng Ả Rập. Ông Poirot dừng lại.
– Anh là Hassan, người giúp việc cho ông John Willard lúc trước phải không?
– Tôi đã giúp việc cho ông John, còn bây giờ thì tôi giúp việc cho con ông ấy. Rồi anh ta bước lại gần chúng tôi và thấp giọng – Người ta nói các ông rất thông minh và biết cả cách giao tiếp với thần linh nữa. Hãy nói với ông chủ nhỏ đi khỏi đây đi. Có nhiều sự thần bí bao quanh chúng tôi rồi đó.
Và bằng một cái khua tay dứt khoát, anh ta vội bỏ đi ngay, cũng không đợi câu trả lời nào của chúng tôi.
– Bầu không khí thần bí – ông Poirot lẩm bẩm – Phải, tôi cũng cảm thấy có điều đó.
Thức ăn của chúng tôi thật là khó nuốt. Bác sĩ Ames nói rất dài về những cổ vật của người Ai Cập, xong ông ta bỏ đi. Cũng đúng lúc chúng tôi mệt mỏi muốn về lều nghỉ ngơi thì Guy nắm lấy cánh tay ông Poirot và chỉ. Có một vẻ u ám tỏa ra từ chỗ giữa căn lều. Đó không phải là bóng người và tôi nhận ra hình cái đầu chó mà tôi đã thấy khắc trên tường ngôi mộ cổ.
Máu trong người tôi như đóng băng lại.
– Lạy Chúa tôi! – Ông Poirot lầm thầm, mạnh mẽ tự trấn tĩnh.
Ailubis, đầu chó rừng, vua của những linh hồn chết.
– Có kẻ đánh lừa chúng ta đây mà – tiến sĩ Tosswill đứng dậy kêu lên đầy giận dữ.
– Nó đi vào lều kìa, Harper – Guy lẩm bẩm, mặt tái nhợt.
– Không đâu – ông Poirot lắc đầu – Nó đi vào lều bác sĩ Ames.
Tiến sĩ nhìn ông ta đầy hoảng sợ, và lặp lại lời tiến sĩ Tosswill, ông ta cũng nói:
– Có kẻ làm trò gạt chúng ta. Đi, chúng ta sẽ bắt được ngay ông bạn này.
Và ông hùng dũng lao tới đuổi theo cái bóng mập mờ ấy. Tôi cũng chạy theo ông ta, nhưng cuộc truy lùng này vẫn không cho chúng tôi thấy được chút dấu vết nào của cái gọi là vật sống đã đi qua đường này. Chúng tôi quay trở lại, đầu óc đầy hoang mang, nhưng tôi thấy ông Poirot vẫn tỏ ra rất gan dạ, bình thản, trầm tĩnh như bản tính vốn có của ông. Ông ta đang đi xung quanh căn lều của chúng tôi, tay cầm cái biểu đồ rồi ông ta viết trên cát những câu chữ đã khắc trên bia. Tôi nhận ra ông ta nhiều lần lặp lại chữ ngôi sao năm cánh hoặc là ngũ giác đài. Cũng như một thói quen, ông Poirot đồng thời cũng ứng khẩu một bài hầu như đầy những điệu ma thuật và huyền bí. Thần thông Trắng đối lập với Đen tuyền, phần lớn đều ám chỉ đến danh hiệu các Hoàng đế và Kinh Tử thần.
Những thứ đó làm kích thích sự bướng bỉnh của tiến sĩ Tosswill, người bị lôi cuốn đã đến đứng bên tôi, khịt mũi liên tục vì giận dữ.
– Chỉ là những lời nhảm nhí, thưa ông. Hoàn toàn nhảm nhí. Hết sức vớ vẩn. Ông ấy không hiểu điều khác nhau giữa những gì là siêu hình thời Trung cổ và đức tín của thời cổ đại Ai Cập. Tôi chưa bao giờ nghe thấy những thứ hổ lốn ngu dốt và ấu trĩ như vậy.
Tôi cố bình tĩnh không phản đối những gì ông tiến sĩ này nói để theo ông Poirot đi vào căn lều. Người bạn có thân hình nhỏ nhắn của tôi tỏ vẻ rất vui.
– Bây giờ thì chúng ta có thể bình yên để ngủ rồi đấy. Ông Poirot nói lên bằng giọng điệu rất hạnh phúc – Và còn mấy việc nữa tôi vẫn có thể làm xong trong giấc ngủ. Đầu tôi giờ đã nhức quá chừng rồi đây. À, sẽ có thuốc sắc tốt thôi mà.
Nhưng đang mơ ước được nghỉ ngơi như vậy, thì cửa lều lại bật lên và Hassan xuất hiện, bưng một chiếc cốc bốc khói đến mời ông Poirot. Nó có vẻ là một chén trà cúc La Mã là thứ mà ông ta rất ưa thích. Nói lời cám ơn ông bạn Hassan cũng như từ chối khi anh ta định mang đến cho tôi một chén khác, chúng tôi lần nữa mới được yên tĩnh. Tôi đứng chỗ cửa lều một hồi sau khi đã thay đồ ngủ, để nhìn ra phía sa mạc.
– Một nơi đầy thú vị – Tôi nói hơi lớn – Và một công việc cũng thú vị. Tôi có thể cảm thấy bị mê hoặc rồi đấy. Cuộc sống trên sa mạc này như đã chọc sâu cái kim vào giữa trái tim của đời sống văn minh hào nhoáng. Có lẽ chắc là vậy đây, ông Poirot ạ, ông chắc cũng cảm thấy sự dễ mến ấy chứ, đúng không?
Tôi không nghe tiếng trả lời, trong lòng có ít khó chịu nên phải quay lại. Sự khó chịu của tôi biến nhanh thành hoảng hốt. Ông Poirot đang nằm ngửa ra đấy, mặt ông ta bị biến dạng vì cơn co giật. Bên cạnh ông ta là chén trà đã uống cạn. Tôi phóng ngay tới bên ông ta rồi chạy nhanh đến lều ông Ames.
– Bác sĩ Ames! – Tôi gọi – Đến ngay đi.
– Có việc gì đó? – Ông ta mặc bộ đồ ngủ bước ra hỏi.
– Bạn tôi. Ông ấy bệnh rồi. Thuốc. Trà cúc. Đừng cho Hassan rời khỏi trại nhé.
Và giống như một ánh chớp bác sĩ lao đến lều chúng tôi. Ông Poirot vẫn nằm trong tư thế cũ.
– Điều này không bình thường đâu – Ames kêu lên – Ông ấy đang lên cơn co giật rồi… à mà… ông nói ông ta đã uống cái gì vậy? – Rồi ông Ames cầm chiếc cốc đựng trà đã cạn trên tay.
Một tiếng nói bình tĩnh vang lên:
– Nhưng tôi đâu có uống nó.
Chúng tôi sửng sốt nhìn xuống. Ông Poirot đã ngồi dậy trên giường và mỉm cười.
– Không đâu – Ông ta bình tĩnh nói – Tôi đâu có uống. Trong lúc anh bạn tử tế của tôi đang tán thán về đêm tối ở đây, tôi đã đổ nó đi rồi, không phải vào mồm mà vào một cái lọ nhỏ. Cái lọ nhỏ đó sẽ được gửi đi phân chất. Không nên – Ông nói vậy lúc ông Ames đang có một cử chỉ giật mình – Như một người có nhận thức đúng đắn, ông sẽ hiểu rằng bạo lực đều là vô ích cả. Trong lúc anh Hastings không có mặt ở đây để đi gọi ông, tôi có đủ thời gian để cất giữ cái lọ đó ở một nơi an toàn rồi. À, mau lên đi Hastings, hãy giữ anh ta lại.
Tôi vẫn chưa hiểu điều lo âu của ông Poirot. Nóng lòng vì việc cứu giúp bạn, tôi phóng ngay đến trước mặt ông ta. Nhưng cử động của ông bác sĩ thì nhanh đến mức chúng tôi cũng chưa hiểu nổi. Bàn tay ông ta đưa lên miệng và một mùi vị đăng đắng tràn ngập trong bầu không khí rồi ông ta chúi về phía trước và ngã xuống.
– Lại thêm một nạn nhân nữa – Ông Poirot trầm tĩnh nói – nhưng đây là người cuối cùng. Có lẽ đó là cách tốt nhất. Đã có ba cái chết từ cái đầu của anh ta rồi.
– Bác sĩ Ames ư? – Tôi khờ khạo hỏi- Vậy mà tôi cứ tưởng ông tin vào chuyện thần quyền.
– Anh hiểu nhầm tôi rồi đó, Hastings. Cái mà tôi đã ngụ ý là tôi tin sức mạnh khủng khiếp của sự siêu hình thôi. Cùng một lúc có hàng loạt cái chết để khiến người ta thiết lập ngay một mối với khả năng siêu tự nhiên, và anh có thể nói xấu một người bằng những lời hèn hạ nhất ngay giữa ban ngày, mọi chuyện bị ngập trong suy nghĩ thần bí, thế là nó đủ sức tạo khuynh hướng làm lây nhiễm theo một khía cạnh siêu tự nhiên khác với truyền thống của con người. Tôi đã nghi ngờ ngay từ ban đầu con người nói quá nhiều về một chuyện khiến có thể đặt mọi người suy nghĩ theo chiều hướng này. Tôi hình dung ra rằng, ý tưởng ấy có trong đầu anh ta, ngay từ cái chết đầu tiên của ông John Willard. Thế là vấn đề liên hệ đến khoa học huyền bí chợt bộc phát dữ dội. Và từ một chỗ đứng rất xa xôi tôi đã nhận thấy không ai nhận được lợi lộc gì từ cái chết của ông John Willard cả. Trường họp ông Bleibner thì khác. Ông ta là người giàu có. Những thông tin mà tôi nhận được từ New York xác minh cho những điều này. Bắt đầu từ việc thằng cháu của ông Bleibner tuyên bố rằng anh ta có một người bạn giàu có và tử tế ở Ai Cập là người sẵn sàng cho anh ta mượn tiền. Ta có thể hiểu ngầm đó là ông chú của anh ta, nhưng riêng tôi cho rằng, trong trường hợp này anh ta dại dột đã nói toạc móng heo tất cả. Những đề nghị để cầu xin giúp đỡ cũng chỉ là do ý nghĩ riêng của anh ta. Một điều khác, anh ta đã vét đâu đó được một số tiền đủ để bay tới Ai Cập, nên ông chú cũng thẳng thừng từ chối không cho anh ta một xu nào, vậy mà anh ta vẫn còn đủ tiền để quay trở về New York. Tức là ai đó đã cho anh ta vay tiền.
– Đó là việc nhỏ – tôi nhận xét.
– Nhưng có những điều còn hơn thế nữa kia. Anh Hastings, ở đó phải xảy ra cái việc mà người ta vẫn nói bóng gió. Dù vẫn có điều ngược lại xảy ra. Trong trường hợp này, mọi lời được nói ra đều hàm ý rõ từng chữ đầy ẩn dụ. Anh chàng Bleibner phải đau đớn viết rằng: ‘Tôi là một thằng hủi”, nhưng đâu ai nhận thấy việc anh ta tự bắn vào mình bởi vì anh ta tin tưởng mình vẫn sạch sẽ hơn hẳn những con bệnh hủi đáng ghê tởm kia.
– Cái gì? – Tôi ngạc nhiên thốt lên.
– Đó là một sáng kiến thông minh của một cái đầu ranh ma. Anh chàng Bleibner trẻ khốn khó vì vấn đề họ hàng ruột thịt của mình, nên anh ta sống lang thang ở các quần đảo vùng South Sea, đó là căn bệnh chung của những con người như anh ta. Ames là bạn cũ của anh ta, lại biết nhiều về y học, anh ta sẽ không bao giờ muốn mở miệng để hỏi về một khoản nợ nần nào. Ngay khi tới đây, tôi dành sự nghi ngờ nhiều nhất của tôi đối với Harper và Ames, nhưng tôi cũng nhận thấy rằng chỉ có mình bác sĩ Ames mới là kẻ dễ phạm tội ác và che giấu tội lỗi của mình, nên trước tiên tôi đã hỏi ngay Harper về quan hệ của Ames với thằng cháu của ông Bleibner. Chẳng nghi ngờ gì cuộc sống của anh ta, một vị bác sĩ. Ngay cái chết đầu tiên đã cho anh ta thấy cơ hội để anh ta trở thành giàu có. Anh ta dễ dàng tiêm vào người ông Bleibner những vi trùng gây bệnh. Rồi thằng cháu bỗng dưng nhận được tin tồi tệ là bạn anh ta đã thay thế vào chỗ của mình, anh ta bày ra vụ tự sát. Ông Bleibner, dù không lập di chúc, nhưng tài sản của ông ta đúng ra phải để lại cho thằng cháu thì lại rơi vào tay ông bác sĩ.
– Còn trường hợp ông Schneider?
– Chúng ta không chắc lắm. Ông ấy cũng biết rõ Bleibner, anh nhớ lại coi có phải vậy không, nên ông ấy cũng có thế có chút nghi ngờ nào đó, hoặc là một lần nữa, anh chàng bác sĩ này có thể suy tính rằng, thêm một cái chết nữa thì càng củng cố thêm bức màn huyền bí. Sau này tôi sẽ nói kỹ hơn. với anh về khía cạnh tâm lý học, Hastings ạ. Một kẻ giết người luôn luôn có những ước muốn dữ dội để làm lại một lần nữa thứ tội ác mà hắn ta đã thực hiện thành công, tiến trình thực hiện tội ác càng ngày càng lớn dần lên trong đầu hắn ta. Vì thế tôi rất lo ngại cho đứa con của ông Willard. Cái bóng của con Anubis mà anh thấy hồi tối đó là Hassan làm theo lời chỉ dẫn của tôi. Tôi muốn nhìn rõ chân tướng của vị bác sĩ này. Nhưng nó cũng chỉ giúp cho anh ta gây thêm ấn tượng huyền bí đối với mọi người. Tôi có thể thấy anh ta không hoàn toàn tham dự vào cái trò giả vờ này của tôi, màn kịch ngắn mà tôi đóng không đánh lừa được anh ta. Tôi nghĩ rằng anh ta ráng sức biến tôi thành một nạn nhân tiếp theo. A ha, trong cái nóng bức tồi tệ, trong lắm chuyện phiền toái vì cát, chất xám vẫn còn có nhiều việc để làm.
Ông Poirot đã hoàn thành được lời hứa. Người cháu của ông Bleibner vẫn còn sống, nhiều năm sau trong một lần ngà ngà say đã lập một đi chúc rất tức cười, đó là: “Để lại cho ông cái hộp thuốc lá mà ông rất thích và khi tôi chết thì tôi cũng chỉ còn có mỗi một thứ nợ nần đối với người bạn tốt của tôi là Rob-ert Ames, người một lần đã cứu tôi khỏi chết chìm”.
Chuyện này đúng ra nên để cho nó lùi sâu vào quá khứ, càng xa càng tốt, bởi vì ngày nay người ta nhắc lại những cái chết hàng loạt đều liên tưởng đến việc khai quật ngôi mộ hoàng đế Men-her-ra như là bằng chứng về sự báo oán ghê rợn của ông vua thời xưa đối với việc xâm phạm mồ mả của họ… và với sự tin tưởng như thế, theo ông Poirot đã nói với tôi, là hoàn toàn trái ngược với hệ thông tư tưởng và tín ngưỡng của người Ai Cập.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.