Lại là một vụ trộm tiền Ngân hàng – Tôi đặt tờ báo buổi sáng qua một bên và nhìn về phía ông Poirot, tiếp – Ông Poirot này, ta bỏ môn khoa học điều tra hình sự để phạm tội đi.
– Sao thế, đang muốn tìm cách làm giàu chớp nhoáng đấy à, anh bạn?
– Thì đây này, ông hãy xem một vụ vừa xảy ra này, số tiền một triệu đô la thuộc Quỹ Tiền tệ Liberty từ hai Ngân hàng London và Scotland gửi đi New York biến mất một cách khá ly kỳ trong khi đi trên tàu Olympia.
– Nếu không vì biển cả trái tính trái nết và sự khó khăn trong việc thực hành phương pháp chống say sóng quá tuyệt hảo của Laverguier thì có lẽ tôi rất khoái được du hành trên một trong những con tàu lớn chạy theo lộ trình như thế này – Ông Poirot chợt có vẻ mơ mộng, thì thầm.
– Phải, đúng vậy – Tôi hăng hái nói – Một số tàu biển tiện nghi còn hơn những dinh thự, nó có đủ bế bơi, phòng hội nghị, khách sạn, vườn cây cọ… Ôi, thật ít ai ngờ có những thứ đó bềnh bồng giữa khơi.
– Còn tôi, tôi luôn biết tôi phải làm gì để khỏi ói khi đi trên biển – Ông Poirot nói buồn buồn – Những tiện nghi sang trọng ấy anh kể làm gì, người ta nói chúng chẳng là gì đối với tôi cả, nhưng, anh bạn ơi, thử nghĩ mình đang cải trang để làm một chuyến du lịch thử xem nào! Trên những con tàu như dinh thự nổi ấy, đúng như anh gọi tên vậy, người ta sẽ gặp những thứ tinh hoa nhất, là những vị thượng lưu trong thế giới tội ác.
Tôi bật cười lớn.
– Thế thì đó là tuyến con đường đầy hứng thú của ông! Ông sẽ thích đấu kiếm với một kẻ đã đánh cắp số tiền của Quỹ Tiền tệ Liberty ngay thôi, phải không nào?
Bà chủ nhà bước vào làm gián đoạn cuộc trò chuyện của chúng tôi.
– Có một cô gái cần gặp ông đấy, ông Poirot. Danh thiếp của cô ta đây này.
Danh thiếp in gọn mấy chữ: “Cô Esmée Farquhar”. Còn ông Poirot sau khi cúi xuống dưới bàn nhặt mẩu gì đó đã đánh rơi, bỏ vào giỏ giấy một cách cẩn thận, mới gật đầu ra hiệu với bà chủ nhà để mời cô ta vào.
Chỉ một phút sau, một cô gái đẹp tuyệt trần trong số những cô gái mà tôi từng thấy được đưa vào phòng. (Phụ nữ đến gặp Poirot thì luôn luôn phải đẹp – hehe) Cô ta có lẽ chỉ chừng hai lăm tuổi, đôi mắt to màu nâu và thân hình tuyệt hảo. Nàng mặc bộ đồ sang trọng được may khéo càng tôn thêm nét hoàn hảo của cơ thể.
– Mời cô ngồi, thưa cô. Đây là bạn tôi, đại úy Hastings, người giúp đỡ tôi nhiều trong một số vấn đề nho nhỏ.
– Tôi sợ đây là một vấn đề trọng đại và do đó mà tôi phải đến xin gặp ông hôm nay, thưa ông Poirot – Cô gái nói, rồi cúi chào tôi trước khi ngồi vào ghế – Tôi xin lỗi, ông đã đọc báo hôm nay chứ. Tôi muốn đề cập đến vụ trộm tiền trên tàu Olympia đó. Một thoáng ngượng nghịu hiện lên trên nét mặt của ông Poirot, cô gái nhanh nhảu nói tiếp: Tôi chắc là ông đang tự hỏi rằng cái gì khiến tôi phải quan tâm tới hai tổ chức Ngân hàng quan trọng là London và Scotland Bank. Xin ông hiểu cho, ông Poirot, tôi vừa hứa hôn với Philip Ridgeway.
– Vậy hả? Và ông Philip Ridgeway là…
– Là người đang giữ số tiền chuyển đi và bị mất trộm. Dĩ nhiên là không thể đổ tội cho anh ấy, anh ấy không có lỗi gì cả. Hơn nữa, anh ấy gần như quẩn trí trước sự việc này, còn cậu của anh ấy thì khăng khăng cho rằng anh ấy đã quá bất cẩn, phải chịu trách nhiệm với một số tiền lớn như thế mà lại thiếu cảnh giác. Điều đó rất tồi tệ vì anh ấy sẽ không được tiếp tục giữ chức vụ cũ.
– Nhưng ai là cậu của anh ấy?
– Ông Vavasour, Tổng giám đốc của hai Ngân hàng London và Scotland Bank.
– Cô Farquhar, cô có thể thuật lại tôi nghe toàn bộ câu chuyện không?
– Được chứ ạ. Chắc ông cũng hiểu, ngân hàng muốn mở rộng tín dụng của mình sang nước Mỹ và vì thế, họ quyết định chuyển đến Quỹ Tiền tệ Liberty hơn một triệu đô la. Ông Vavasour chọn cháu mình là người phụ trách ký ủy thác trong ngân hàng nhiều năm nay cũng như am hiểu tường tận các điều khoản giao dịch giữa các ngân hàng tại New York để thực hiện chuyến đi này. Con tàu Olympia nhổ neo tại Liverpool ngày 23. Chính tay ông Vavasour và ông Shaw, hai đồng Tổng giám đốc của Ngân hàng London và Scotland Bank giao toàn bộ số ngân phiếu cho Philip vào sáng hôm ấy. Số tiền đã đếm kiểm, đóng vào một cái hộp niêm phong lại trước mặt anh ấy, rồi anh ấy khóa lại ngay trong chiếc va-li vải.
– Một cái va-li vải với một ổ khóa bình thường ư?
– Không phải, ông Shaw đã đòi phải có một ổ khóa đặc biệt do hãng Hubbs’s cung cấp. Còn anh Philip, như tôi đã nói, đặt nó dưới đáy va li. Vụ trộm xảy ra trước khi tới New York vài tiếng đồng hồ. Một cuộc khám xét nghiêm ngặt đã được tiến hành trên toàn bộ con tàu nhưng cũng không kết quả gì. Số ngân phiếu vẫn mất tăm.
Ông Poirot nhăn mặt.
– Nhưng tôi thấy rằng chúng không hoàn toàn bốc hơi, vì tôi cũng được nghe nói một số ngân phiếu được bán trong nửa tiếng đồng hồ tại vũng nơi con tàu Olympia đậu! Được rồi, việc tôi cần phải làm tới đây là đến gặp ông Ridgeway.
– Tôi cũng định mời ông ăn trưa với tôi tại nhà hàng Cheshire Cheese. Philip sẽ đến đó. Anh ấy đang muốn gặp tôi nhưng chưa biết rằng tôi đang nhân danh anh ấy để đến gặp ông.
Chúng tôi gật đầu trước lời mời không đến nỗi quá muộn màng này và cùng đón taxi đến nhà hàng.
Philip Ridgeway đã có mặt ở đó trước chúng tôi và rất ngạc nhiên khi thấy vợ sắp cưới của mình tới cùng hai người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Anh ta đẹp trai, to cao và chải chuốt diêm dúa với hai món tóc hoa râm ở thái dương, mặc dù anh ta chắc chưa qua tuổi ba mươi.
Cô Farquhar bước tới và đặt bàn tay mình lên cánh tay anh ta.
– Xin anh tha thứ vì em đã không hỏi ý kiến anh, Philip – Cô gái nhỏ nhẹ nói – Để giới thiệu với anh, đây là ông Poirot, một trong số người mà anh đã thường nghe nói đến, và đây là bạn của ông ấy, đại úy Hastings.
Cái nhìn của Philip có vẻ ngượng ngùng.
– Tất nhiên rồi, tôi đã nghe tiếng ông, thưa ông Poirot – Anh ta nói và đưa tay ra bắt xã giao – Nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ khi Esmee có ý định đến tham khảo ý kiến của ông về tôi… ồ, không, về việc rắc rốì của tôi
– Em sợ anh không cho phép em làm thế, Philip.
Cô Farquhar nhỏ nhẹ nói như một con cừu non.
– Chắc là em đã lo tìm kiếm một phía an toàn – Anh ta nói và nở một nụ cười trong thái độ thăm dò
– Anh hy vọng rằng ông Poirot sẽ làm sáng tỏ phần nào tình trạng rối rắm bất thường này của chúng ta. Nói thật, cái đầu của anh cứ như bị văng đi đâu mất, lo quá.
Thật vậy, khuôn mặt anh ta nhợt nhạt giống như của người chết đuối và quá sức căng thẳng giống như vừa lao động cực nhọc.
– Thôi, thôi – Ông Poirot nói – chúng ta hãy dùng bữa trưa đi, rồi sẽ cùng tập trung xem có thể làm được gì. Tôi cũng muốn nghe chính miệng ông Ridgeway kể lại câu chuyện này.
Sau khi chúng tôi cùng gọi món thịt nướng và bánh bầu dục, Philip chen vào kể chuyện về những tờ ngân phiêu bị mất tích. Chuyện anh ta kể cũng không khác gì mọi tình tiết mà cô Parquhar đã cho biết. Khi anh dứt lời, ông Poirot chen vào hỏi ngay:
– Chính xác nhất là làm sao ông biết ngân phiếu đã bị trộm vậy, ông Ridgeway?
Anh ta cười lớn, vẻ nhiều cay đắng:
– Mọi việc đều như ở trước mắt tôi, thưa ông Poirot. Tôi không thể không nhớ rõ đâu. Chiếc va-li của tôi một nửa nằm ló ra ngoài ở dưới giường ngủ trong ca-bin nên rất khó lòng cho kẻ nào đó cưa sột soạt để tìm cách phá khóa.
– Nhưng tôi nghĩ rằng nó phải được mở bằng chìa khóa chứ?
– Đúng thế thật. Kẻ trộm đã làm mọi cách nhưng không được. Cuối cùng, chúng đã tìm cách mở khóa theo kiểu nào đó không hiểu nổi.
– Thật kỳ lạ – Ông Poirot kêu lên và đôi mắt ông ta lóe lên ánh xanh mà theo tôi biết đó là dấu hiệu rất tốt – Quái nhỉ! Chúng đã tiêu tốn rất nhiều thì giờ để được phần thưởng cuối cùng là mở được khóa nhưng… – Ông Poirot nói bằng tiếng Pháp – Sapristi! – Bọn kẻ trộm thường vẫn có chìa để mở được bất cứ loại khóa Hubbs’s nào.
– Điều đó có thể đúng nhưng tại sao chúng không dùng ngay chìa khóa. Chìa khóa của tôi không bao giờ rời khỏi tôi ngày và đêm.
– Ông dám chắc chắn như thế chứ?
– Tôi dám thề như thế, và ngoài ra, nếu chúng đã có chìa khóa hoặc là bản sao đi nữa thì tại sao chúng còn phải mất thì giờ để cố cạy phá ổ khóa rõ ràng là vô cùng kiên cố làm gì?
– À, chính ra là có một câu hỏi để chúng ta tự hỏi đây. Tôi thử phiêu lưu tìm tòi một giải pháp, nếu cả chúng ta chưa thấy ra điều đó, thì đó chính là mấu chốt của một sự kiện hết sức kỳ lạ. Tôi xin ông đừng tấn công tôi nếu tôi hỏi ông thêm một câu hỏi nữa: Đó là ông có hoàn toàn chắc chắn rằng ông không bao giờ rời khỏi chiếc va li của mình khi nó đang mở không?
Philip Ridgeway chỉ nhìn ông Poirot mà không nói gì, còn ông ta thì khoa tay bày tỏ cử chỉ xin lỗi:
– À, nhưng điều này có thể xảy ra đây, tôi đảm bảo với ông như vậy! Hay lắm, những tờ ngân phiếu bị trộm từ va li. Thế thì kẻ trộm sẽ dùng nó để làm gì? Làm sao mà kẻ đó dám mang nó lên bờ chứ?
“À! – Ridgeway kêu lên – Đúng quá. Thế nào nhỉ? Tôi nghe mấy nhân viên hải quan cũng đã nói vậy… giống như mọi linh hồn rời khỏi tàu đều phải được chải qua cái lược chải chí ấy mà.
– Còn những tờ ngân phiếu kia, nếu tôi gom lại, nó sẽ là một gói to đùng phải không?
– Chắc chắn vậy rồi. Chúng không thể được giấu mãi trên tàu… và trong một cách nghĩ nào đó, chúng ta cũng biết số ngân phiếu ấy sẽ được dàn xếp để bán đi trong vòng nửa giờ khi con tàu Olympia đến, trước đó tôi vờ gọi điện rao bán. Một nhà kinh doanh chứng khoán hứa mua ngay khi tàu Olympia cập bến. Nhưng ông cũng không thể nào gửi những tờ ngân phiếu này qua đường điện thoại được hết.
– Đâu bằng đường điện thoại, chỉ cần cọ sát vào mạn tàu thôi, được không?
– Chỉ thủy thủ đoàn mới làm được như thế thôi, nhưng người ta đã báo động cả rồi. Tôi cũng đã bị biết bao người giám sát trên đường. Lạy Chúa tôi, thưa ông Poirot, nội điều này cũng đủ cho tôi điên mất! Người ta đã bắt đầu cho rằng tôi là kẻ cuỗm số ngân phiếu ấy.
– Ông cũng bị lục soát như mọi người khi lên bờ chứ? – Ông Poirot lịch sự hỏi.
– Phải.
Người thanh niên này trả lời và nhìn ông Poirot đầy khích động.
– Ông chưa hiểu ý tôi muốn nói. Tôi thấy… – Ông Poirot nói và mỉm cười một cách khó hiểu – Nào, bây giờ tôi muổn hỏi một vài điều về ngân hàng đây.
Ridgeway móc ra tờ danh thiếp và ngượng nghịu nói:
– Ông viết mấy chữ vào đây thì cậu tôi sẽ đến gặp ông ngay.
Ông Poirot nói lời cảm ơn anh ta, chào từ biệt cô Farquhar rồi chúng tôi đi ra ngoài hướng về phố Threadneedle, nơi trụ sở chính của London và Scot-land Bank. Đưa danh thiếp của Ridgewav ra, chúng tôi được mời qua một mê cung với những quầy, những bàn giấy, những ghi-sê của các kế toán thu ngân và phát ngân trước khi lên tầng một, tới một gian phòng nhỏ, là nơi Tổng giám đốc tiếp chúng tôi. Đó là hai con người nghiêm nghị và lịch sự, cũng là những người sáng lập ra hai ngân hàng này. ông Vavasour là người có bộ ria mép bạc trắng, còn ông Shaw thì mặt mũi nhẵn nhụi.
– Tôi biết ông là một thám tử tư nghiêm túc, đúng không? – Ông Vavasour nói – Đúng vậy. Đúng lắm. Tất nhiên chúng tôi tự đặt mình trong bàn tay của sở Scotland Yard mà. Thanh tra Mc Neỉl cũng đang điều tra vụ này. Tôi tin tưởng ông ấy là một sĩ quan tài ba.
“Tôi cũng tin chắc điều đó – ông Poirot lễ phép nói – Ông có thể thay mặt cho người cháu của ông vui lòng trả lời tôi một ít câu hỏi, được không ạ? Về chuyện cái ổ khóa, ai đã đặt hãng Hubbs’s thiết kế vậy?
– Chính tôi – Ông Shaw trả lời – Tôi không tin tưởng một cộng sự nào trong mấy việc này. Chìa khóa thì ông Ridgeway giữ một, còn hai chiếc kia do đồng nghiệp của tôi và tôi giữ.
– Và không có nhân viên nào khác được sờ tới chứ?
Ông Shaw quay nhìn ông Vavasour như dò hỏi.
– Tôi tin một cách tuyệt đối là chúng vẫn nằm trong tủ sắt an toàn nơi mà chúng tôi đã để chúng vào đấy hôm 23 – Ông Vavasour trả lời – Đồng nghiệp của tôi không được khỏe từ nửa tháng nay… đúng hơn là từ hôm tiễn Philip đi, ông ấy chỉ mới vừa khỏi bệnh đây thôi.
– Bệnh viêm cuống phổi ác tính cũng không phải là trò đùa đối với những người ở tuổi tôi – Ông Shaw lộ vẻ rầu rĩ – Nhưng tôi sợ ông Vavasour quá vất vả vì công việc khi tôi vắng mặt, đặc biệt là trong trường hợp đáng lo lắng này thì càng gay go hơn bất cứ thứ gì.
Ông Poirot hỏi thêm mấy câu nữa. Tôi phán đoán rằng ông ấy đang cố gắng đánh gỉá cho thật chính xác sự thân thiện giữa ông cậu và thằng cháu. Ông Vavasour trả lời trong sự cẩn trọng và che chở. Cháu ông ta là một viên chức được tin cậy của Ngân hàng và ông ta cho biết anh ta không có nợ nần hay gặp khó khăn nào về tài chính cả. Trước đây anh ta đã từng được giao đi thực hiện nhiều thương vụ quan trọng. Cuối cùng, chúng tôi lễ phép chào họ và lui ra.
Trong lúc chúng tôi khẩn trương bước ra phố, ông Poỉrot nói:
– Tôi thất vọng quá.
– Chứ ông muốn khám phá điều gì hơn nữa? Họ chỉ là những lão già buồn tẻ thôi.
– Sự tẻ nhạt của họ không phải là điều mà tôi thất vọng. Tôi không muốn tìm thấy trong con người điều khiển Ngân hàng một nhà tài chính sắc sảo có cặp mắt diều hâu, như anh thường tiểu thuyết hóa nhân vật. Không, tôi thất vọng đối với vụ án này… Nó quá dễ!
– Dễ ư?
– Phải, anh không thấy nó gần như là trò trẻ con sao?
– Ông đã biết thủ phạm rồi chứ?
– Tôi biết.
– Nhưng mà… chúng ta phải… tại sao…
– Đừng có rối lên như vậy, Hastings. Hiện giờ thì chúng ta chưa hành động gì đâu.
– Sao? Ông còn chờ cái gì?
– Chờ con tàu Olympia. Theo lịch trình thì nó sẽ nhổ neo từ New York và về tới nơi ngày thứ Ba.
– Nhưng nếu ông đã biết rõ kẻ lấy số ngân phiếu ấy, tại sao phải chờ đợi? Hắn ta có thể trốn thoát?
– Ở miền đất đảo South Sea là nơi không có sự dẫn độ hả? Không đâu, anh bạn, hắn ta không thích tìm kiếm cuộc sống không yên lành ở đó đâu. Còn tại sao tôi phải chờ đợi ư? Rất hay đấy, đối với sự thông minh của Hercule Poirot này thì vụ án đã rõ ràng rồi, nhưng chỉ vì lợi ích của những người khác nữa, thí dụ như thanh tra Mc Neil chẳng hạn… thì cũng phải đặt ra một số câu hỏi để lập thành những yếu tố cấu thành tội phạm. Người ta phải cân nhắc về những yếu tố này hơn là chờ nó mang lại.
– Lạy Chúa tôi, ông Poirot ơi! Ông biết không, chắc tôi phải có một số tiền đáng kể thì mới thấy ông làm việc chẳng khác một chú lừa… đúng là phải có lần như thế. Ông tự phụ một cách khờ khạo quá!
– Đừng nổi nóng, Hastings. Thực ra tôi cũng thấy anh rất nhiều lần căm ghét tôi đấy! Lạy đấng Alas, con đành chịu trừng phạt vì việc lớn vậy.
Ông bạn nhỏ con của tôi phùng mang trợn má rất hài hước khiến tôi không nhịn được cười.
Ngày thứ Ba, chúng tôi ngồi toa hạng nhất để đến Liverpool trên chuyến tàu Liverpool – Tây Bắc. Ong Poirot ngoan cố từ chối không chịu nói cho tôi biết những gì ông ấy đã nghi ngờ hoặc tin chắc. Ông Poirot chỉ bằng lòng nhấn mạnh rằng mình cũng chưa thể thẩm định được then chốt của tình hình. Tôi cố tình làm cao không tranh cãi, tự đè nén sự tò mò của mình núp sau cái thành lũy là làm ra bộ mặt lạnh lùng, xa lạ.
Lúc chúng tôi đến cảng, một con tàu biển loại vượt Đại Tây dương cũng vừa cặp bến. Ông Poirot lộ vẻ phấn khởi và vội vã. Công việc của chúng tôi là tiến hành phỏng vấn bốn chiêu đãi viên phục vụ trên tàu vừa về đến và hỏi thăm về một người bạn của ông Poirot đã đáp chuyến tàu này đi New York ngày 23 vừa rồi.
– Một ông khách thượng lưu, đeo kính. Một con người bệnh tật rất khó khăn trong việc di chuyển ra khỏi phòng ngủ.
Việc mô tả này phù họp với một người tên là ông Ventnor, đặt phòng số C24, sát bên phòng của Philip Ridgeway. Dù chưa từng thấy không hiểu sao ông Poirot lại suy ra được sự có mặt cũng như nhận dạng của ông Ventnor khiến tôi bị kích thích:
– Nói xem- Tôi sôi nổi – Đó có phải là ông khách đầu tiên lên bờ khi tàu các anh đến New York không?
Người tiếp viên lắc đầu:
– Không, ngược lại, thưa ông. Ông ấy lên bờ sau cùng.
Tôi tiu nghỉu và nhận thấy ông Poirot nhe răng cười nhạo tôi. Ông ấy cảm ơn người tiếp viên, và chúng tôi bắt đầu từ sự phát hiện đó.
– Vậy là quá tốt rồi – Tôi nôn nóng nói – Nhưng câu trả lời cuối cùng có làm phá sản những suy đoán ban đầu của ông không, sao thấy ông cười nhăn nhở như hài lòng lắm vậy?
– Cứ thế, anh vẫn chưa thấy gì hết, Hastings ạ. Câu trả lời cuối ấy, trái lại, là lời báo hiệu công việc của tôi đã hoàn tất rồi đấy.
Tôi vung tay lên đầy thất vọng.
– Để rồi xem!
Ngồi xe lửa trở về London ông Poirot bỏ mấy phút để ngồi viết, xong cho vào một phong bì và dán lại.
– Đây là vì thanh tra Mc Neil tốt phúc đấy. Chúng ta sẽ gửi nó cho sở Scotland Yard trước khi đến nhà hàng Rendez-vous, nơi mà chúng ta sẽ đời cô Esmee Farquhar tưởng thưởng cho chúng ta một bữa ăn tối.
– Còn Ridgeway thì sao?
– Anh ta thì sao? – Ông Poirot hỏi lại tôi kèm theo cái nheo mắt.
– Tại sao ông quá chắc chắn mà không nghĩ rằng… ông có thể không…
– Thói quen thiếu mạch lạc mọc lên anh từ bao giờ vậy, Hastings. Chỉ vì có mỗi một yếu tố của sự việc này làm tôi phải suy nghĩ thôi. Nếu Ridgevvay chính là kẻ trộm số tiền ấy… dù sao, vẫn có khả năng như thế lắm… thì vụ án này tuyệt vời biết bao nhiêu, phần việc sẽ rất đúng bài bản.
– Nhưng sẽ không hay chút nào cho cô Farquhar.
– Có thể anh nói đúng. Vì thế mọi việc đều phải vì cái gì tốt đẹp nhất. Nghe này, Hastings, chúng ta hãy trở lại với vụ án này đi. Có thể thấy rõ anh tối dạ quá đấy. Cái hộp tiền rơi khỏi chiếc va li và bốc hơi mất tiêu – như lời cô Farquhar đã nói – chúng ta hãy gạt bỏ cái sự bốc hơi ấy đi, bởi nó đâu có chút khoa học nào trong thời đại này, mà phải chú ý đến cái gì có thể làm ra một việc như thế. Mọi người xác nhận điều không thể tin được ấy là những kẻ không biết đâu là bờ bến nữa.
– Đúng, nhưng chúng ta biết…
– Anh cũng có thể biết hở, Hastings. Tôi thì không. Tôi phải chọn ra một khung cảnh từ chỗ khó tin nổi, mà nó khó tin thật. Chỉ còn lại có hai điều là có thể thôi; là giấu tiền đâu đó trên tàu… cũng là điều khó thực hiện đấy… hoặc là ném nó xuống biển thôi.
– Ý ông muốn nói là làm cái việc như đóng nút chai vậy chứ gì?
– Không cần gì đóng nút chai.
Tôi chăm chú nghe tiếp.
– Nhưng nếu những tờ ngân phiếu này được ném xuống biển, thế thì chúng đâu được rao bán ở New York.
– Tôi khâm phục cái đầu đầy lý luận của anh đấy, Hastings. Những tờ ngân phiếu đã được bán ở New York, thế thì chúng đâu bị ném xuống biển. Anh cũng biết là chúng ta phải đi từ đầu mối nào chứ?
– Đó là nơi chúng ta bắt đầu.
– Không đời nào! – Ông Poirot thốt lên lời phủ nhận bằng tiếng Pháp rồi tiếp – Nếu hộp tiền được ném xuống biển và nó cũng được bán ở New York thì cái hộp được ném đi đó không có tờ ngân phiếu nào. Có bằng chứng nào cho thấy cái hộp đó có chứa ngân phiếu không? Hãy nhớ lại xem, Ridgeway nói không bao giờ anh ta mở nó ra từ lúc được giao tại London.
– Phải, nhưng mà…
Ông Poirot khoa tay:
– Hãy để tôi nói tiếp. Lần cuối cùng những tờ ngân phiếu được thấy đúng là những tờ ngân phiếu thì chính là buổi sáng ngày 23, tại văn phòng của ngân hàng London và Scotland. Chúng tái xuất hiện tại New York nửa giờ sau khi tàu Olympia cập bến, thuộc sở hữu của một người đàn ông trước khi, tôi nói là trước khi, con tàu vào bến. Thử nghĩ xem nào, những tờ ngân phiếu không bao giờ có mặt trên tàu Olympipa ấy phải không? Có nhiều cách để chúng bay đến New York lắm chứ gì? Đúng vậy, chiếc Gigantic cũng rời Southampton cùng một ngày như chiếc Olympia, nhưng lộ trình của nó tiến thẳng ngả Đại Tây dương. Nếu chuyển số ngân phiếu này theo tàu Gigantic, chúng sẽ tới New York một ngày trước khi chiếc Olympia đến nơi. Mọi việc quá rõ ràng. Bản thân vụ án đã tự giải thích điều đó. Chiếc hộp niêm phong chỉ là đồ giả, đồ bù nhìn mà thôi, và nó đã được tráo ngay tại văn phòng của Ngân hàng. Để đánh tráo cái hộp đó là một điều rất dễ dàng cho một trong số ba người đàn ông có mặt lúc niêm phong. Hay vậy đó! Những tờ ngân phiếu đã được chuyển đến New York cho đồng bọn, với lời dặn là bán ngay khi tàu Olympia vào cảng, nhưng phải có một người cùng đi trên tàu Olympia đề bày ra vụ trộm này.
– Nhưng sao phải thế?
– Bởi vì nếu Ridgeway bất ngờ mở hộp tiền ra thì sẽ phát hiện ngay rằng đó là cái hộp bị đánh tráo, và sẽ tuyên bố về sự gian trá từ London. Vậy thì người đàn ông bám theo ở kế phòng anh ta phải làm việc đó, tạo ra dấu vết như một vụ trộm bẻ khóa nhưng cuối cùng ông ta chỉ dùng chìa khóa giả để mở va li, lấy cái hộp đựng tiền ném xuống biển và đợi đến phút chót mới rời khỏi tàu để lên bờ. Bình thường ông ta phảo đeo kính đen để giấu đôi mắt, giả như người tàn phế để phòng rủi ro khi nhỡ phải đối mặt với Ridgeway. Có lẽ ông ta lên bờ xong thì cũng đáp ngay chuyến tàu đầu tiên để trở về.
– Nhưng kẻ đó là ai, làm việc cho ai vậy?
– Người đàn ông có chìa khóa giả, người đặt làm khóa, người không hề bị chứng viêm cuống phổi phải nghỉ ốm… Cuối cùng, chỉ là cái ông già Shaw khó ưa ấy. Đôi khi ở những chỗ quyền thế cũng đầy tội ác, bạn à. À, chúng tôi đây này, thưa cô Farquhar. Tôi đã thành công! Cô cho phép chứ?
Và với vẻ mặt tươi cười rạng rỡ, ông Poirot bước tới hôn lên hai bên má của cô gái đang ửng hồng vì mắc cỡ.