Nhất là… nhất là, ông đừng cho công bố trên báo chí!
Ông Marcus Hardman đã nhắc đi nhắc lại có dễ đến hai chục lần lời van xin bằng giọng cao đã khản tiếng như vậy. Ông vừa tổ chức một cuộc gặp mặt bạn bè theo thói quen. Ông tiêu pha rất nhiều trong số thu nhập của mình cho việc tiếp bạn và việc sưu tầm những khăn đăng ten cũ, quạt và những đồ trang sức cổ tầm thường, cũng không phải là hiện đại. Đáp lại lời yêu cầu khẩn thiết của ông Hardman, Poirot và tôi đã tới gặp và thấy ông đang trong tình trạng bồn chồn quá đỗi. Ông cho chúng tôi biết là ông quyết định không báo cho cảnh sát, nhưng ông cũng không muốn mất toàn bộ số đồ trang sức của mình. Cuối cùng ông phải cầu cứu Poirot.
– Những viên hồng ngọc của tôi, ông Poirot!… Chiếc vòng ngọc bích trước kia chắc chắn là của Catherine de Médicis, công chúa nước Pháp ở thế kỳ thứ XVI. Ôi chiếc vòng ngọc bích của tôi!
Poirot cắt đứt những lời than vãn của ông bằng cách hỏi nhẹ nhàng:
– Ông hãy thuật lại trường hợp mất đồ vật quý giá ấy xem nào, ông Hardman.
– Đây! Đây! Chiều hôm qua, tôi đã tổ chức một buổi tiệc trà… bình thường, tôi chỉ mời sáu người bạn. Tôi đã tổ chức một hoặc hai bữa tiệc như thế trong mỗi mùa. Không phải kiêu ngạo, nhưng những buổi gặp gỡ ấy rất thành công. Hôm qua tôi đã mời nhà chơi đàn dương cầm Nacora và nữ danh ca người Úc Katherine Bird tới giúp vui. Họ đã cho chúng tôi nghe những bản nhạc tuyệt diệu trong phòng nghe nhạc. Sau đó tôi đã đưa những đồ trang sức thời Trung cổ đựng trong một chiếc két sắt gắn vào tường mà ông thấy ở kia cho các bạn tôi xem. Bên trong chiếc két được lót nhung để đặt những viên đá quý. Sau đó các bạn tôi đến xem những chiếc quạt bày trong một tủ kính ở phía đối diện chiếc két. Cuối cùng chúng tôi trở lại phòng hòa nhạc. Chỉ đến khi họ ra về thì tôi mới nhận ra vụ mất trộm. Tôi cho rằng tôi đã quên không khóa két sắt, một kẻ nào đó đã lợi dụng việc ấy để lấy nhũng của quý ấy đi. Một bộ đồ trang sức, ông Poirot! Tôi muốn lấy lại những thứ đó! Nhưng ông nhớ cho là không được để lộ ra cho báo chí! Xin ông hiểu cho, ông Poirot, đây là những khách mời, những bạn bè thân thiết của tôi! Đăng tin trên báo có thể trở ngược thành một vụ bê bối.
– Ông có để ý ai là người rời khỏi phòng này sau cùng, khi mọi người đã trở lại phòng hòa nhạc không?
– Ông Johnston, nhà triệu phú Nam Mỹ. Có thể là ông biết ông ấy chứ? Ông ấy vừa thuê một ngôi nhà của Abbotbury ở phố Park Lane. Tôi nhớ rằng ông ấy đi ra sau chúng tôi một vài phút. Nhưng ông ấy không thể là tên ăn trộm được, ông biết đấy!
– Có người nào đã quay lại phòng này dưới một lý do gì đó không?
– Tôi đã nghĩ tới điều đó, ông Poirot, có ba người. Bà bá tước Vera Rossakoff. Ông Barnard Parker và phu nhân Rucorn.
– Ông biết những gì về họ?
– Nữ bá tước Rossakoff là người Nga và là một phụ nữ xinh đẹp ngay từ dưới chế độ cũ. Bà mới tới sống ở nước Anh. Hôm qua bà đến chào tạm biệt tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy bà sững người trước bộ sưu tập quạt của tôi. Càng nghĩ, tôi càng thấy đó là việc lạ lùng. Quan điểm của ông thế nào, ông Poirot?
– Tôi cũng thấy có chuyện khác thường. Nói sang hai người khác, thưa ông.
– Còn Parker thì đi tìm một chiếc cát-sét nhỏ để tôi đưa cho phu nhân Rucorn xem.
– Thưa ông, bà này là người thế nào?
– Phu nhân Rucorn là người có cá tính và hào hiệp trong những công việc từ thiện. Bà ấy tới đơn giản chỉ là lấy cái túi xách tay bỏ quên trên ghế.
– Được rồi, thưa ông. Như vậy chúng ta có thể nghi ngờ bốn người: bà bá tước người Nga, phu nhân người Anh, nhà triệu phú Nam Mỹ và ông Barnard Parker. Nhưng ông Parker là người thế nào?
Câu hỏi hình như làm cho ông Hardman bối rối: ông ngập ngừng trả lời.
– Đó là một người trẻ tuổi… một người trẻ tuổi mà tôi quen biết.
– Tôi cần hiểu rõ hơn. Người trẻ tuối ấy làm nghề gì?
– Đó là người cũng như mọi người khác… và nếu tôi có thể dùng một khái niệm, thì đó là một “Con người mây gió”.
– Tôi muốn biết anh ta ra nhập nhóm bạn bè ông như thế nào?
– Thế nào! Hừ… đã một hoặc hai lần anh ấy giúp tôi trong một vài công việc nhỏ.
– Xin ông nói tiếp cho.
Harman nắm chặt hai bàn tay lại. Đó là cách cuối cùng ông ta muốn làm thỏa mãn tính tò mò của bạn tôi. Nhưng Poirot vẫn yên lặng nên ông buộc phải nói tiếp:
– Ông thừa biết rằng tôi có điều kiện trở thành nhà sưu tầm những của quý. Đôi khi thấy cần thiết phải bán bớt đi một vật gì đó mà không muốn quá lộ liễu hoặc bị rơi vào tay một kẻ mua đi bán lại, tôi thu xếp việc bán những thứ đó. Parker coi sóc những chi tiết về tài chính, quan hệ với người mua, tránh cho mọi lo ngại cho cả hai bên. Ví như nữ bá tước có một vài của quý từ nước Nga mang tới và đang muốn bán, bà sẽ nhờ Parker tìm một người mua.
– Theo tôi, thì ông hoàn toàn tin tưởng ở người trẻ tuổi ấy phải không?
– Cho đến bây giờ thì tôi không có điều gì phải than phiền về anh ta.
– Thưa ông Hardman, trong bốn người ấy thì ông nghi ngờ ai?
– Ôi! Thưa ông Poirot. Một câu hỏi ác quá. Đây là những bạn thân của tôi, tôi đã nói rồi. Trong số họ tôi không nghi ngờ ai… hoặc là nghi ngờ tất đó là cách tốt nhất để trả lời ông.
– Xin lỗi. Chắc hẳn ông chỉ nghi ngờ một người trong sô họ. Nếu không phải là bà bá tước Rossakoff, không phải ông Parker thì chắc chắn là phu nhân Rucorn hoặc ông Johnston phải không?
– Ông hiểu cho, ông Poirot. Tôi cố gắng tránh một chuyện bê bối. Phu nhân Rucorn thuộc về một dòng họ lâu đời ở Anh quốc. Nhưng chẳng may bà thường bị tai tiếng vì bà có một người cô, bà Caroline, mắc một bệnh đáng sợ. Mọi người đều biết rõ bà này đi đâu cũng lấy cắp những đồ vật người ta để sơ sểnh. (Ông Harmand thở dài). Tôi ở trong một hoàn cảnh tế nhị, ông lưu ý giúp cho.
– Như vậy phu nhân Rucorn có một bà cô ăn cắp vặt. Hừ… Thú vị đấy… Xin phép ông cho tôi quan sát chiếc két sắt, được chứ?
Ông Hardman gật đầu và Poirot mở cánh cửa sắt để xem xét cái lỗ hổng trống hoác.
– Không hiểu tại sao cái cánh cửa lại khó khép lại thế này, anh ta lẩm bẩm tay lắc lắc cánh cửa. A! Cái gì đây? Một chiếc găng tay nằm ở khe. Một chiếc găng tay đàn ông.
Anh đưa cho Hardman và ông này trả lời ngay.
– Không phải của tôi.
– Này, tôi còn thấy một vật gì nữa đấy.
Anh cho tay vào trong chiếc két sắt và lôi một chiếc hộp đựng thuốc lá.
– Hộp đựng thuốc lá của tôi!
– Tôi cho rằng không phải như vậy, thưa ông, vì chữ khắc trên hộp không phải là tên ông.
Anh chỉ vào hai chữ lồng nhau trên hộp.
– Ông có lý. Chiếc hộp thì rất giống, nhưng chữ khắc thì khác. Xem nào “P” và “B”… Trời ơi… Parker!
– Vâng… đúng như vậy. Người trẻ tuổi đó thật là bất cẩn. Nếu chiếc găng tay cũng là của ông ta, thì ông ấy đã cho chúng ta hai chứng tích.
– Barnard Parker! – Hardman thở dài – Tôi thú nhận rằng việc tìm kiếm này làm tôi yên lòng. Thưa ông Poirot, tôi để tự ông tìm giúp số của cải ấy cho tôi. Nếu thấy cần thiết thì ông có thể nhờ đến cảnh sát… với điều kiện ông tin chắc rằng Parker là thủ phạm.
– Anh bạn, anh đã thấy – Poirot nói với tôi khi chúng tôi rời khỏi nhà của người sưu tập của quý – có một luật pháp với tầng lớp quý phái và một luật pháp đối với những người bình thường. Tôi chưa được phong tước nhưng tôi thích con người bình thường và thấy rất khó hiểu về tay Parker. Toàn bộ việc này thật là lạ lùng, anh có nhận thấy không? Hardman nghi ngờ phu nhân Rucorn, tôi chỉ nghĩ về bà bá tước và Johnston, thế mà anh chàng bí ẩn Parker lại là thủ phạm.
– Tại sao anh lại nghi ngờ hai người ấy?
– Trời ơi! Muốn có danh hiệu nữ bá tước Nga và triệu phú Nam Mỹ thì đó là điều rất dễ dàng. Ai là người nói dối? Thôi bây giờ chúng ta đã tới phố Bury nơi ở của người bạn lơ đễnh của chúng ta. Chúng ta phải rèn sắt khi nó còn đang nóng chứ?
Một người hầu cho chúng tôi biết rằng ông Barnard đang ở nhà. Chúng tôi thấy anh ta nằm dài trên đống gối đệm, đắp người bằng một chiếc áo mặc trong nhà màu đỏ tươi và màu vàng da cam. Lập tức tôi có ác cảm mạnh mẽ với người trẻ tuổi mặt xanh xao, nhu nhược vừa nói ngọng, vừa làm điệu này.
Poirot không chờ đợi, đi ngay vào cuộc chiến đấu.
– Chào ông. Tôi vừa ở nhà ông Hardman về đây. Hôm qua có một kẻ nào đó đã ăn trộm hết đồ trang sức quý giá của ông ấy vào buổi chiều. Thưa ông, xin phép ông cho hỏi, thưa ông… có phải đây là chiếc găng của ông không?
Ông Parker tỏ ra chậm hiểu. Anh ta nhìn chằm chằm vào chiếc găng tay như là để tập trung trí nhớ.
– Ông thấy nó ở đâu?
– Có phải nó là của ông không, thưa ông?
– Không, không phải của tôi.
– Và chiếc hộp thuốc lá này nữa?
– Cũng chắc chắn là không phải. Chiếc hộp của tôi bằng bạc kia.
– Rất tốt, thưa ông. Tôi đã không định báo việc này cho cảnh sát.
– Ở địa vị ông thì tôi không làm gì cả – Parker nói – Những con người ấy thật là lạ lùng. Tôi đi gặp ông Hardman đây, này, thưa ông… ông đợi cho một lát.
Nhưng Poirot đã rút nhanh.
Trên hè phố, anh cười lớn với tôi.
– Chúng ta đã làm cho anh chàng phải trù tính công việc. Ngày mai chúng ta sẽ xem họ nói với chúng ta thế nào.
Buổi tối chúng tôi lại khám phá ra một việc mới trong vụ mất trộm ở nhà ông Hardman, một bóng người sột soạt, đầu đội một chiếc mũ lớn, đứng trước cửa nhà chúng tôi làm cho một làn gió lạnh ùa vào (trời lạnh như tiết tháng sáu của nước Anh). Chúng tôi nhanh chóng biết rằng đây là nữ bá tước Rossakoff có một nhân cách hơi lộn xộn.
– Ông là Hercule Poirot phải không? – Bà ta nói thành Poirrot – Thật là xấu hổ! Ông đã làm gì vậy? Tố cáo một chàng trai khốn khổ. Thật là xấu xa, thật là bê bối! Bardman là một thiên thần, một con cừu… Anh ấy không hề ăn trộm. Anh ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Và tôi cần ở lại đây để nhìn thấy anh bị hành hạ, tàn sát như là hoàng tử Zatkhoune dưới những con dao găm của bọn sát nhân.
– Thưa bà, có phải đây là hộp thuốc lá của anh ta không?
Poirot đưa cho bà vật tìm thấy trong két sắt bị mất trộm.
Bà ta yên lặng ngắm nhìn rồi nói:
– Phải, đúng là của anh ấy. Tôi biết. Ông đã thấy nó ở nhà ông Hardman ư? Chúng tôi ai cũng thấy nó. Tôi cho rằng anh ấy đánh rơi nó. A! Các ông là cảnh sát, các ông cũng tồi tệ như bọn cảnh sát Nga.
– Đây có phải găng tay của ông ta không, thưa bà?
– Tại sao ông muốn biết nó là của ai? Một chiếc găng tay thì giống mọi chiếc găng tay khác. Này các ông đừng cản đường tôi… Tôi muốn rằng anh ấy vô can. Vì tiếng tăm của anh ấy tôi có thể sẽ bán tất cả những đồ trang sức của tôi và đưa cho ông rất nhiều tiền.
– Thưa bà…
– Đã quyết định! Tôi đã nói! Không, không, xin đừng vật nài tôi nữa! Chàng trai khốn khổ! Anh ấy đã đến gặp tôi… Hãy cứ để Vera giải quyết công việc này. Bây giờ tôi xin hứa với ông lời hứa của người quí phái.
Bà ta biến mất như lúc bà ta đến, để lại một mùi nước hoa thơm nức theo sau.
– Người đàn bà kỳ lạ! – Tôi kêu lên – Anh có chú ý tấm da lông thú quàng cổ của bà ta không?
– Phải, nó là loại thật. Một nữ bá tước giả hiệu liệu có quàng lông thú loại thật không? Một lời giải nhỏ, Hastings. Tôi cho rằng đúng bà ta là người Nga. Như vậy thì Bernard đã tới để khóc thút thít với bà ấy. Hộp thuốc lá đúng là của anh ta. Tôi còn đang tự hỏi có phải chiếc găng tay…
Poirot cười và lấy trong túi ra một chiếc găng tay thứ hai rồi đặt bên cạnh chiếc găng tay kia. Chúng thành một đôi.
– Anh đã tìm thấy chiếc thứ hai ở đâu vậy, Poirot?
– Nó bị để quên trên chiếc giá gỗ bên cạnh chiếc can trong ngôi nhà ở phố Bury. Đúng là Parker là một con người cẩn thận. Anh bạn… Chúng ta sắp sửa kết thúc vụ này. Về hình thức, tôi cần tới thăm một ngôi nhà khác trên phố Park Lane.
Không cần phải hỏi thêm gì, tôi đi theo bạn tôi. Johnston đi vắng nhưng người thư ký riêng của ông ta đã tiếp chúng tôi và cho chúng tôi biết rõ là ông ta vừa ở Nam Mỹ tới và đây là lần đầu tiên ông ta tới Anh quốc.
– Ông ấy thích tìm kiếm đá quý phải không, tôi cho là như vậy – Poirot nói hơi lấp lửng.
Người thư ký cười vang và trả lời:
– Nói đúng ra là những mỏ vàng!
Kết thúc câu chuyện Poirot ra về với vẻ nghĩ ngợi. Đến tận khuya tôi còn thấy anh chăm chú đọc cuốn ngữ pháp tiếng Nga.
– Trời ơi, Poirot! Anh định học tiếng Nga để trực tiếp nói chuyện với bà bá tước ấy ư?
– Tôi cần nói rằng bà ta đã không chú ý lắm đến tiếng Anh của tôi.
– Nhưng những người Nga trong các gia đình quyền quý đều nói tiếng Pháp kia mà!
– Hastings anh là nguồn thông tin không bao giờ cạn. Thôi tôi cũng chẳng cần đi vào những chuyện phức tạp của bảng chữ cái của tiếng Nga nữa.
Anh ném cuốn sách đi với vẻ rất kịch. Tôi không tin câu nói ấy của anh vì tôi đã trông thấy mắt sáng lên. Đó là một dấu hiệu không thể chối cái: Hercule Poirot hài lòng về việc làm của mình.
– Có phải anh nghi ngờ rằng bà ta không phải là người Nga không? – Tôi hỏi bằng một giọng tin chắc. Anh sẽ thử thách bà ta chăng?
– Không, không, tôi không nghi ngờ gì về quốc tịch của bà ấy.
– Nhưng…
– Nếu anh muốn đi sâu vào việc này thì tôi khuyên anh nên đọc cuốn “Ngữ pháp tiếng Nga”, một cuốn sách có giá trị lớn.
Anh cười và từ chối không nói rõ hơn ý định của mình. Anh nhặt cuốn sách, lật từng trang và hình như không có ý định trả lời câu hỏi của tôi.
° ° °
Sáng hôm sau chúng tôi vẫn không có tin tức gì thêm. Cái đó không làm cho bạn tôi phật lòng và sau bữa ăn sáng anh nói ý định của mình là tới thăm ông Hardman. Chúng tôi ngồi ở gian phòng bên thường để tiếp khách. Gian phòng hình như yên tĩnh hơn là lúc chúng tôi rời khỏi đây hôm qua.
– Ông Poirot, ông đã tìm ra một dấu vết rồi chứ?
Nhà thám tử nhỏ người đưa cho ông ta một mẩu giấy.
– Đây là tên người đã lấy trộm những đồ trang sức của ông. Liệu tôi có nên giao việc này cho cảnh sát không? Hoặc ông muốn tôi lấy lại số của cải mà không cần báo cho các nhà chức trách.
Harman nhìn tờ giấy với vẻ hoảng hốt. Khi trấn tĩnh lại, ông ta nói một cách kiên quyết:
– Tôi muốn tránh một vụ ầm ĩ. Tôi cho ông quyền tự do, ông Poirot. Tôi không nghi ngờ gì tính thận trọng của ông.
Khi ra khỏi nhà, Poirot gọi một chiếc tắc xi và yêu cầu người lái xe chở chúng tôi đến phố Carlton. Tới nơi, anh hỏi thăm phòng nữ bá tước Rossalkoff. Một lát sau một nhân viên phục vụ dẫn chúng tôi đến nơi ở của bà. Ăn vận mộc mạc, không trang điểm, người phụ nữ Nga tiến lại phía chúng tôi tay giơ ra.
– Ông Hercule! Ông thành công chứ? Ông đã gỡ cho chàng trai khốn khổ ấy những nghi ngờ đê hèn rồi chứ?
– Thưa bá tước phu nhân, ông bạn Parker của bà không có lý do gì mà sợ cảnh sát.
– Ông thật là một người tốt bụng kỳ diệu!
– Nhưng mặt khác, thưa bà bá tước, tôi đã hứa với ông Hardman là những đồ trang sức của ông phải được hoàn lại ông trong ngày hôm nay.
– Rồi sao nữa?
– Rồi, thưa bà, tôi phải yêu cầu bà, nếu thấy cần, bà giao chúng lại cho tôi ngay lập tức. Rất tiếc là phải thúc giục bà nhưng xe tắc xi đang chờ chúng tôi… trong trường hợp chúng tôi phải đến Sở Cảnh sát. Chúng tôi là những người Bỉ có bản chất là tiết kiệm. Tôi không muốn đồng hồ đo thời gian thuê xe chạy quá lâu.
Bà bá tước châm một điếu thuốc. Đột nhiên bà ta cười vang, đứng lên, đi về phía bàn giấy, lấy ra một chiếc túi lụa màu đen. Bà ta ném nó cho Poirot. Bằng một giọng đùa cợt và hoàn toàn yên tâm, bà ta tuyên bố:
– Chúng tôi là những người Nga, ngược lại, chúng tôi rất hoang phí. Nhưng than ôi, cái đó đòi hỏi phải rất giàu. Không cần phải kiểm tra lại nữa, tất cả của cải còn nguyên trong đó.
Poirot đứng lên:
– Chúng tôi khen ngợi trí thông minh và tính nhạy bén của bà, thưa bà.
– Ôi không có sự lựa chọn nào khác, nhưng xe tắc xi đang đợi các ông.
– Bà thật đáng mến. Bà có ý định ở lại Londres lâu dài chứ?
– Than ôi, không… tại ông cả… con người đáng sợ.
– Xin bà nhận những lời xin lỗi của tôi.
– Có thể một ngày nào đó chúng ta gặp lại nhau.
– Tôi hy vọng điều đó.
– Còn tôi thì không! – Bà ta cười và kêu lên. – Tôi xin tỏ lòng khâm phục ông, thưa ông Poirot, vì trên đời này có rất ít người khiến tôi phải hoảng sợ mỗi khi gặp gỡ. Xin tạm biệt, ông Poirot.
– Tạm biệt, bá tước phu nhân. A! Xin lỗi, tôi quên mất! Xin phép cho tôi gửi lại bà chiếc hộp thuốc lá.
Anh cúi đầu đưa cho bà ta chiếc hộp thuốc lá. Bà ta không ngần ngừ lâu; cầm lấy chiếc hộp, hơi nhíu lông mày và khẽ lẩm bẩm: “Không có gì!”
° ° °
– Một người đàn bà ghê gớm! – Poirot kêu lên khi chúng tôi rời khỏi ngôi nhà. – Trời đất! Một người đàn bà ghê gớm. Không có một lời chối cãi nào. Trong chớp mắt bà ta đã thấy rõ tính chất nghiêm trọng của tình thế, dễ dàng chấp nhận thất bại. Nói cho anh biết, một người như thế thì còn tiến xa hơn nữa! Bà ta rất nguy hiểm, bà ấy có dây thần kinh bằng thép, bà…
Anh vấp phải một bậc thang và ngừng nói.
– Thôi hãy ngừng những lời khen ngợi, Poirot. Anh nghi ngờ mụ bá tước này từ lúc nào?
– Anh bạn, chiếc găng tay và hộp đựng thuốc lá là hai chứng tích, chúng ta nói như vậy, làm tôi suy nghĩ nhiều. Barnard Parker rất dễ dàng để quên thứ này hay thứ khác, nhưng nếu quên cả hai thì phải là một người rất đãng trí. Mặt khác, nếu một kẻ nào đó đặt chúng vào đây để buộc tội chàng trai thì một thứ thôi cũng đã đủ. Hộp đựng thuốc lá hoặc chiếc khăn tay chứ không cần đến cả hai. Tôi đi tới một kết luận một trong hai thứ đó không phải là của Parker. Trước tiên tôi nghĩ nó là chiếc găng tay nhưng chỉ khi tìm thấy một chiếc nữa thì tôi mới yên tâm. Thế nhưng ai là chủ của hộp thuốc lá? Không phải là của phu nhân Rucorn, những chữ viết tắt ấy không phải là tên bà ta. Của ông Johnston ư? Chắc chắn ông ta tới Anh quốc dưới một cái tên mượn. Khi hỏi chuyện người thư ký của ông ta thì tôi biết ngay ông không liên quan gì đến vụ này. Người thư ký ấy không tìm cách che giấu quá khứ của ông chủ mình. Bà bá tước ư? Có lẽ bà ta sẽ mang những đồ trang sức ấy về Nga để bán. Một khi những viên đá quý được lấy ra khỏi cái khung của nó thì rất khó chứng minh chúng ở chiếc két sắt của ông Hardman mà ra. Rất dễ dàng đánh cắp chiếc găng tay của Parker và ném nó vào két sắt sau khi lấy hết của cải trong đó. Nhưng chắc chắn rằng bà ta không có ý định để lại chiếc hộp thuốc lá của mình trong chiếc két ấy.
– Nếu hộp thuốc lá đúng là của bà ta thì tại sao nó lại được khắc hai chữ “B.P”?. hai chữ đầu tiên của bà ta là “V.R.” kia mà.
Poirot nhếch mép cười với tôi:
– Anh bạn, đúng là như vậy, nhưng trong bảng chữ cái tiếng Nga thì B là V và P là R.
– Anh không thể hy vọng tôi đoán ra! Vì tôi không biết tiếng Nga!
– Tôi cũng vậy, Hastings. Chính vì vậy mà tôi tìm đọc cuốn “Ngữ pháp tiếng Nga”… và tôi đã yêu cầu anh đọc thử.
Anh thở dài!
– Bà bá tước ấy là một người đáng chú ý. Anh bạn, tôi có cảm giác, cũng có thể nói là tin chắc nữa, rằng tôi sẽ gặp lại bà ta. Ở đâu? Tôi chưa nghĩ ra…
Anh nhún vai: “Không có gì!”.