Bi Kịch Người Sói

CHƯƠNG 7



Thật khó tưởng tượng được, nhưng sự thật là tôi đang trải qua một chuyến phiêu lưu lãng mạn, thú vị mà cũng rất thoải mái dễ chịu. Tôi đang ngồi trong một toa xe được kéo bởi một đầu tàu hơi nước cổ lỗ. Rời Varschau, tôi lên hướng Bắc, nhắm tới một ngôi làng tôi chưa từng biết đến.
Ngay vào hôm Vladimir gọi điện sang, tôi đã tới Varschau vì may mắn xoay được vé của một chuyến bay buổi tôi cất cánh từ London. Tôi tìm đủ mọi cách để mướn một chiếc xe, nhưng vì không thông báo trước nên chẳng kết quả gì. Đành phải dùng tàu lửa. Vì con tàu đi về hướng Danzig nên tôi phải xuống ở ga Allenstein và vượt khoảng cách còn lại bằng tàu hơi nước. Nhưng cái kỹ thuật tưởng chỉ còn còn tồn tại trong viện bảo tàng không hề khiến tôi khó chịu. Chỉ đi với tốc độ chậm như thế này, người ta mới có thời gian quan sát những vùng làng quê tuyệt đẹp bên dường. Những cánh đồng thoai thoải xanh ngắt, rất nhiều hồ và ao, khoảng không ngút mắt.
Suko ở lại London. Chàng thanh tra rất muốn đi cùng, nhưng chúng tôi quyết định để anh ở lại để an ủi Sir James Powell. Sếp vẫn chưa vượt qua được nỗi đau khổ rằng ông đã bắn chết một người đàn bà trẻ tuổi trong lúc sa vào móng vuốt của một thế lực xa lạ.
Việc đã xảy ra. Sau đó còn là hậu quả với mẹ của người đã chết, bà ta lộ rõ là một người đàn bà độc ác tinh ranh. Bà ta muốn trả thù và suýt chút nữa đã thành công. Sếp Powell rõ ràng bây giờ đang cần người tâm sự, và thanh tra Suko là một ứng cử viên lý tưởng.
Vậy là một mình tôi sẽ quan tâm đến những khó khăn của anh bạn Vladimir Golenkov.
Một Người Sói!
Vladimir thuộc loại đàn ông có lời nói như dao chém đá. Nếu anh ấy gọi điện cho tôi nhờ giúp đỡ, thì chắc chắn một trăm phần trăm là có tồn tại những vấn đề hết sức khó khăn. Việc đã xảy ra không chỉ một lần. Anh không giải thích nhiều, chỉ nói duy nhất một câu nhưng đầy đủ mọi thông tin.
Bốn nạn nhân!
Trọn vẹn một gia đình ông bố, bà mẹ, đứa con trai và kể cả cô con gái nhỏ.
Nghe xong thông điệp, làn da tôi thoắt trắng nhợt ra. Vậy là một lời nguyền độc địa đã thành hiện thực trong ngôi làng đó. Người bị con quái vật loại này cắn phải cũng sẽ lại thành Người Sói. Nó cũng sẽ lại đi tìm nạn nhân mới, sẽ cắn họ, biến họ thành những Người Sói mới nữa. Một vòng quay khủng khiếp như đối với Ma Cà Rồng.
Con tàu lừ đừ chòng chành trôi giữa một miền đồng bằng an bình. Con tàu có thời gian, quá nhiều thời gian. Nhưng tôi gắng gạn đục khơi trong và phát hiện thấy một ưu điểm nho nhỏ. Ít ra thì thỉnh thoảng nó cũng bỏ qua một số nhà ga nhỏ, từ từ lăn bánh qua làng. Ngồi trong toa xe, tôi có thể quan sát những người đang làm việc trên đồng ruộng. Họ lao động cực nhọc dưới ánh nắng mặt trời chói chang, vụ mùa đã bắt đầu.
Tôi đã mua một chiếc vé của toa hạng nhất. Cái toa xe này chắc chắn còn già hơn tôi một vài tuổi, nhưng nó rất sạch sẽ. Đồ đạc ở đây đều là kiểu cổ, không chiều chuộng người dùng như những loại đồ hiện đại. Cái ghế tôi đang ngồi dù được bọc đệm nhưng vẫn cứng như đá. Theo nhịp lắc của con tàu, thỉnh thoảng nó lại chồm lên một mỏm nhọn, tấn công không thương xót người trên.
Tôi là khách duy nhất trong cả toa xe. Từ hành lang vẳng lại tiếng nói cười rất to của trẻ em. Cách đây hai ga tàu đã có rất nhiều trẻ em tan trường về trèo lên tàu và ngồi tản vào nhiều ngăn khác nhau. Tiếng nói cười trong trẻo thổi vào tâm trí tôi như một luồng gió mát. Tiếng cười đùa hồn nhiên thật hợp với một ngày mùa hè tuyệt đẹp như hôm nay. Mặt trời trên cao đang mạ vàng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên. Bầu trời chỉ ra một màu xanh sâu thẳm. Thật ra mà nói, người ta chỉ có thể mừng vui và sung sướng.
Phía bên ngoài vách cabin có thoáng một chuyển động. Tôi quay đầu sang trái và nhìn thấy khuôn mặt của hai đứa bé đang tò mò nhìn vào.
Khi tôi vẫy tay về phía chúng, hai đứa bé cười phá lên rồi đột ngột rút lui.
Tôi cười vui. Nụ cười vẫn còn đọng trên môi khi chỉ sau đó một chút, một người mặc đồng phục xuất hiện bên cửa vào ngăn xe, kiểm tra vé tàu.
Tôi không thể nói chuyện với anh ta, bởi tôi không hiểu ngôn ngữ anh ta nói. Sau khi trời đã qua trưa, chúng tôi bắt đầu đi qua ranh giới nước Nga. Những đứa trẻ đã xuống tàu trước đó, và những người khách khác bước lên. Bây giờ tôi có người ngồi cùng ngăn, một người đàn ông bảnh chọe, giống một tay mafia xứ Sicilia hơn là một chàng trai Nga. Khi thấy tôi hiểu quá ít tiếng Nga, anh ta quay sang nói tiếng Anh. Vậy là chúng tôi nói chuyện được với nhau. Tôi được biết anh ta là người bán hàng rong, anh ta kiếm ăn bằng cách dụ dỗ người khác mua mọi thứ mỹ phẩm mới mẻ của Tây phương, những món đồ thật ra chẳng ai cần tới. Anh ta thậm chí còn giở vali ra khoe với tôi. Vali đựng toàn hàng mẫu. Những món hàng xanh đỏ tím vàng trong đó trông cũng hấp dẫn, chỉ có điều chúng là những nhãn hàng rẻ tiền nhất, bốc lên mùi khó chịu.
Có lẽ anh ta đang kiếm được nhiều tiền lắm, và ban thân con người anh ta cũng bốc lên đủ mọi mùi khác nhau. Chắc anh ta đã lấy từng lọ ra và tự thoa một chút lên da mình.
Qua hai ga tàu nữa, người bán hàng rong rời tàu. Trước khi xuống, anh ta còn quay lại soi gương và đưa tay vuốt lại bộ ria mỏng như hai vạch mực sát làn môi trên. Rồi anh ta ngoái lại giải thích rằng chỉ một nửa tiếng nữa là tôi sẽ tới đích.
Câu nói của anh ta an ủi tôi phần nào. Bởi dần dần, chuyến đi lắc lư trên con tàu cổ vào buổi chiều hè cũng đã bắt đầu thành nhàm chán. Tôi hút một điếu thuốc lá, lại nhìn qua cửa sổ và thấy phong cảnh bên ngoài hầu như không thay đổi. Cả những con ngưỡi trông cũng giống nhau. Đàn bà mặc những chiếc tạp dề không tay, những làn khăn choàng đầu của họ bay trong gió mùa hè. Thỉnh thoảng, có những người đang làm dưới đồng ngẩng đầu lên vẫy tay với con tàu đi qua.
Tôi thấy đói. Lúc xuống máy bay tôi có mang theo một chiếc sandwich. Nó bây giờ dĩ nhiên đã cứng khô lại. Miếng rau xà lách trong đó ngả màu nâu, chắc chắn chỉ có bọn lợn là ăn được. Tôi rút nó ra, nhét vào thùng rác rồi ăn phần bánh mì đã còn lại, không rau.
Không thể nói là nó có mùi vị gì, nhưng chí ít ra thì nó cũng ngăn cơn đói.
Ga tàu cuối trước khi về đích.
Hai người đàn bà lên tàu. Hai bà nông dân với những cái lồng đựng gà. Họ không ngồi cùng với tôi. Tôi nghe tiếng họ chuyện trò không ngớt ở ngăn bên cạnh, và đám gà mái cũng kêu quàng quạc như thi đua với chủ nhân.
Tồi trở nên tò mò khi con tàu dần dần giảm tốc độ.
Cách đường tàu không xa mấy có hai cái hồ, một lớn và một bé. Giữa hồ lớn có một hòn đảo. Trên đảo là một cái gì đó u tối mọc thẳng lên trời cao. Khi tôi nhìn về hướng đó, không hiểu tại sao tôi thoáng rùng mình. Có lẽ bởi những mảng tường cũ kỹ không thích hợp chút nào với ánh nắng rực rỡ của buổi chiều nay.
Tàu tiến vào ga.
Slobicze. Mục tiêu của tôi đây rồi. Một cái làng có cái tên hầu như không thể phát âm nổi bằng cái lưỡi người Anh của tôi. Một nhà ga nhỏ xíu xuất hiện. Cả những cây cột đỡ lấy mái nhà cũng được làm bằng gỗ.
Tôi đứng chờ sẵn bên cửa, nhìn ra ngoài. Vladimir Golenkov đã hứa đến đón tôi, nhưng cho tới nay tôi vẫn chưa nhìn thấy anh.
Có lẽ tôi nhìn sót. Mặc dù khả năng này rất khó xảy ra, bởi thân hinh cao dong dỏng của chàng trai tóc vàng dù có đứng trộn lẫn trong một đám đông cũng sẽ nổi bật ngay.
Tàu dừng!
Tôi mở cửa và nghe một giọng nói lạ trong loa, thông báo một điều gì đó nhưng tôi không hiểu lấy một chữ. Ngoại trừ tiếng loa, toàn bộ nhà ga là một sự tĩnh lặng gần như ở nghĩa trang. Những con người đang đứng ở đây đờ đẫn như những con búp bê, kể cả những người đang ngồi ở ghế dài và nhìn buồn rầu về trước mặt.
Chẳng có thời gian ngồi xuống ghế, tôi đứng trước khoang tàu và nhìn quanh nhiều lần, vẫn không phát hiện thấy dấu vết nào của Vladimir.
Phải chăng anh không ra được, hay anh không muốn ra?
Chẳng phải tôi đã nổi giận, nhưng thật cũng đáng bực mình. Hơn thế nữa, tôi chẳng biết phải đi về đâu. Mặc dù Vladimir đã nhắc tới một người quen là Oleg Blochin, nhưng tôi không biết anh ta sống ở đâu.
Tôi nhìn xuống đồng hồ. Con tàu rít lên một tiếng còi chát chúa, bắt đầu rời ga.
Tôi đâu có tới quá sớm, chắc chắn là muộn chừng hai mươi phút.
Lẽ ra Vladimir phải đợi được chứ.
Nỗi bực dọc biến mất, nhường chỗ cho một niềm lo lắng không tên. Suy cho cùng, giữa thời điểm anh gọi tới London và sự xuất hiện của tôi ở cái làng này đã có không ít giờ đồng hồ trôi qua, đủ cho không biết bao sự kiện khác nhau đố tới.
Tôi nhận thấy những người ở đây đang nhìn tôi chăm chú. Ánh mắt họ rõ là đang cháy lên sau lưng tôi. Người ở đây không quen có người lạ bước xuống từ trên tàu.
Làm gì đây?
Tôi chẳng muốn tiếp tục đứng trên nhà ga nữa. Nghiến răng nuốt xuống một câu rủa, tôi cầm vali lên, bước đi.
Tiếng Nga của tôi thật tệ, nhưng chắc cũng vừa đủ để hỏi đường đến nhà Oleg Blochin. Trước cửa ga có đậu một vài chiếc xe cũ, nhãn hiệu Đông Âu. Dĩ nhiên làng quê hẻo lánh này chẳng bao giờ có taxi. Bởi chỉ sau vài tháng hoạt động là chủ nhân của nó chắc chắn sẽ chết đói vì thiếu khách hàng. Đây là nơi người ta có thể đi bộ mà giải quyết mọi việc.
Chẳng còn tâm trí để ý đến khung cảnh xung quanh, cảm giác bất an trong tôi mỗi lúc một dâng cao. Chỉ sau vài bước chân, tôi tin chắc mình đã tới quá muộn, và không hiểu tại sao tôi thấy mình bị đẩy vào cảnh vô phương.
Tôi phát hiện thấy một người đàn ông già nua đang đứng cạnh chiếc xe và nhìn về hướng tôi. Tôi đi thẳng về phía ông. Ánh mắt bên dưới vành mũ trai nhìn tới trong vẻ nghi ngờ khi tôi dừng lại trước mặt ông, cất tiếng chào.
Ông ta chỉ gật đầu.
– Oleg Blochin? Ở đâu?… – Tôi hỏi.
Ông già đưa một bàn tay lên vành tai bên trái, tôi nhắc lại câu hỏi. Thế rồi ông ta lên tiếng, nói liến thoắng. Tôi chẳng hiểu một lời nào, chỉ biết nhún vai.
– Tôi muốn tới đó.
– Đến chỗ Blochin hả? – Người đàn ông đột xoay sang nói tiếng Đức. Chắc chắn ông ta là người gốc Đức.
May quá, bây giờ thì tôi biết cách trả lời.
– Vâng, anh ấy đang chờ tôi và tôi cứ tưởng anh ấy hoặc bạn của anh ta là Vladimir Golenkov sẽ tới đây để đón tôi. Nhưng mà…
– Vladimir, người lạ mặt phải không?
– Vâng, ông có biết anh ấy không?
Ông nhìn thật sâu vào mắt tôi, gật đầu, giơ tay làm dấu thánh giá rồi giải thích đường cho tôi tới đó. Khi tôi mở miệng muốn cất lời cảm ơn thì ông già đã bỏ đi thật nhanh.
Cả cuộc gặp gỡ này cũng khiến cho cảm giác bất an trong người tôi không giảm đi chút nào.
Chuyện gì đã xảy ra ở đây? Chắc chắn là ông già biết những việc mà Vladimir Golenkov đã nhận lời thực hiện. Trong một cái làng như thế này, những chuyện như vậy sẽ lan nhanh như gió thổi.
Dù sao chăng nữa cũng phải tìm cho ra sự thật. Tôi cất bước về hướng nhà Oleg Blochin.
Trên bầu trời Slobicze, những đám mây u ám vô hình như đang từ từ tụ lại…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.