Biệt thự với những khóm hoa tươi tắn không hề giống những gì ông nghĩ trước, và cả bà chủ nhà cũng là một yếu tố mới trong tính toán của ông. Bà Chalon, bốn chục tuổi, không thuộc nhóm tội phạm nào cả. Bà không phải là một Cléopâtre mà cũng phải một mụ phù thủy “Bà là nữ thần Minerve”, ông nghĩ ra ngay. Đôi mắt to, sáng trong của bà chỉ hơi nhạt hơn màu xanh cobalt Địa Trung Hải đang long lanh qua cửa sổ lớn phòng khách, nơi hai người đang ngồi.
Không hẳn là nữ thần Minerve, ông quyết định sau khi xem xét kỹ hơn. Làn da mịn màng như vỏ trái đào của bà khiến ta nhớ đến làn da của một thiếu nữ mười tám; thân hình đầy đặn, tính dịu dàng của bà gợi nên sự ham muốn, và điều này, mặc dù không sang trọng bằng, nhưng lại thú vị hơn. Nếu là một người phụ nữ không duyên dáng, thì người ta đã nói bà ta đang trên đà béo phị, nhưng nơi bà Chalon, thì ông biết ngay theo bản năng rằng thân thể vững vàng về khối lượng cũng như đường nét: khi sáu chục, dáng bà cũng sẽ y như hiện nay.
– Một ly rượu Dubonnet, anh cảnh sát trưởng Miron nhé?
Trong khi ông nói, bà đã chuẩn bị mọi thứ để rót cho ông. Phản xạ do dự của cảnh sát trưởng làm nảy một tia sáng tinh nghịch trong mắt bà, nhưng do lịch sự bà không nói gì.
– Cám ơn.
Do tự giận chính mình, ông đã hơi mạnh giọng.
Với sự hàm ý rất khó nhận ra, bà Chalon chủ động uống trước như để nói: “Anh Miron à, anh thấy không, có gì phải ngại đâu”. Thật là tinh khôn, quá tinh khôn.
Rồi với một nụ cười, bà nói thẳng thừng:
– Anh đến gặp tôi bởi vì tôi đã đầu độc mấy đức lang quân của tôi.
– Thưa bà! (Ông lại lưỡng lự, sửng sốt) Thưa bà, tôi…
– Có lẽ anh đã ghé qua Tòa thị chính rồi. Và cả thành phố Villefranche này đều nghĩ như thế. – Bà thản nhiên cam đoan.
Ông bình tĩnh lại, rồi lấy thái độ bình tĩnh chuyên nghiệp.
– Thưa bà, tôi đến xin bà cho phép khai quật tử thi của ông Charles Wesser, mất tháng giêng năm 1939, và tử thi của ông Etienne Chalon, qua đời tháng 5 năm 1946 để các chuyên gia có thể phân tích nội tạng. Bà đã từng từ chối không cho phép với hạ sĩ Luchaire, thuộc đồn cảnh sát khu vực. Tại sao?
– Luchaire không lịch sự. Tôi cho rằng anh ta thật thô lỗ. Không được như anh. Tôi lên án thái độ của con người đó chứ không phải luật pháp.
Bà nâng ly lên đôi môi mọng.
– Còn với anh, thì tôi sẽ không từ chối thưa anh cảnh sát trưởng Miron à.
Ánh mắt bà gần như khâm phục.
– Bà quá khen tôi.
– Bởi vì, – Bà nhẹ nhàng nói tiếp – thừa biết phương pháp làm việc của ngành cảnh sát Paris, tôi tin chắc người ta đã bí mật cho tiến hành khai quật rồi.
Bà chờ thấy gương mặt của Miron đỏ lên, nhưng vẫn giả vờ như không thấy nét mặt ông thay đổi.
– Và khi đã cho phân tích xong, thì các anh không hiểu gì – Bà nói tiếp như không hề có sự gián đoạn – Các anh không tìm thấy gì. Cho nên, là người chưa hề lo vụ này cho đến hôm nay, anh muốn xem tôi là người thế nào, tính khí ra sao, biết tôi làm chủ bản thân được đến mức nào và từ đó, đánh giá được khả năng lôi kéo tôi vào một cuộc đối thoại sẽ cung cấp manh mối rằng tôi đã phạm tội.
Những lời này trúng đích quá chính xác đến nỗi không thừa nhận mình bị bắn trúng là một việc ngốc nghếch, nên thẳng thắng, cảnh sát trưởng Miron quyết định nhanh.
– Đúng, thưa bà Chalon, hết sức đúng.
Ông chăm chú nhìn bà:
– Khi chôn hai ông chồng – ở một tuổi nào đó, nhưng không già – do rối loạn đường tiêu hóa nặng, sau không đầy hai năm cưới, trong khi mỗi ông chồng đều có một gia tài kha khá và để lại hoàn toàn cho vợ góa…. thì bà hiểu chứ?
– Vâng, tất nhiên.
Bà ra đứng cửa sổ, nhờ vậy đường nét tròn trĩnh trên thân hình bà, đường nét tuyệt đẹp của ngực bà hiện rõ trên nền biển xanh.
– Cảnh sát trưởng Miron ơi, anh có muốn tôi khai ra hết với anh không?
Trông bà đầy nữ tính, rất khêu gợi, và giọng nói mềm mại của bà báo trước cho Miron rằng ông nên cảnh giác.
– Tùy bà. – Ông trả lời với sự thản nhiên tối đa mà ông có được.
Đây là một phụ nữ nguy hiểm, hết sức nguy hiểm.
– Vậy, thì tôi sẽ làm chuyện này vì anh.
Bà Chalon không mỉm cười. Qua cửa sổ mở, một luồng gió bay lang thang mang hương thơm của bà đến cho cảnh sát trưởng Miron. Trừ phi đó là hương thơm từ ngoài vườn. Do thận trọng, cảnh sát trưởng quyết định không ghi chép. Không thể nào bà chấp nhận nói hết một cách dễ dàng như thế. Vậy mà…
– Anh Miron ơi, anh có hay làm bếp không?
– Tôi là người Paris mà…
– Và anh hay làm tình nữa chứ?
– Tôi nói rồi, tôi là người Paris mà.
– Vậy thì…
Ngực bà nâng lên, khi bà hít mạnh vào.
– Tôi có thể nói với anh rằng tôi, Hortense Eugénie Villerois – Wesser – Chalon, tôi đã từ từ và cố tình giết chết ông chồng đầu tiên của tôi, anh Wesser, năm mươi bảy tuổi, cũng như ông chồng thứ nhì, anh Chalon, sáu mươi lăm tuổi.
– Chắc là phải có nguyên nhân chứ?
Phải chăng cảnh sát trưởng đang nằm mơ? Hay là bà bị điên?
– Tôi đã lấy ông Wesser, do bị gia đình ép. Tôi không còn là một thiếu nữ nữa. Chưa đầy mười lăm ngày, tôi biết được rằng ông Wesser là một con heo, một con heo không thể nào thỏa mãn nổi. Hết sức thô lỗ, cảnh sát trưởng ạ. Ông ta nói bậy nói khoác, bóc lột người nghèo, lừa đảo người vô tội. Đó là một con người bừa bãi háu ăn, có những thói quen gớm ghiếc. Tóm lại, ông ta có mọi thói hư tật xấu của một người đàn ông đứng tuổi, mà không có được sự trìu mến lẫn phẩm cách của lứa tuổi đó. Và vì tất cả những lý do đó ông bị đau bao tử rất nặng.
Vì đã nghiên cứu rất kỹ trường hợp của ông Wesser, lúc còn ở Paris và vì đã đi đến một kết luận tương tự, cảnh sát trưởng gật đầu rồi hỏi hơi mỉa mai:
– Thế còn ông Chalon? Cũng bị đau bao tử nặng à?
– Đúng hơn là ý chí của ông này bị bệnh. Có thể ông ta không có thú tính bằng Wesser, nhưng thật ra có khi ông ta còn tệ hơn Wesser, bởi vì ông ta quan hệ với quá nhiều người Đức trong thời kỳ bị chiếm đóng. Tại sao người Đức cứ chăm lo sao cho chúng tôi có những thức ăn và rượu ngon nhất, khó tìm nhất, trong khi trẻ con chết đói hằng ngày ngoài đường? Có thể tôi là tội phạm, anh Miron à, nhưng tôi còn là người Pháp. Chính vì vậy mà tôi đã quyết rằng Chalon sẽ chết y như Wesser.
Bằng một giọng rất bình tĩnh để không làm bà lúng túng trong lời khai, cảnh sát trưởng hỏi:
– Bằng cách nào, thưa bà Chalon?
Bà quay lại, nét mặt sáng rỡ nhờ một nụ cười:
– Có thể anh biết những món như Gà tây nhồi hạt dẻ, hay Súp thăn gà tẩm xốt kem kiểu Ấn, hay Thăn bò Mascotte, hay Trứng chiên nhồi thịt kiểu Ý, hay món Cà tím kiểu Thổ, hay món Chim cút đông, hay?…
– Xin bà! Bà làm tôi chảy nước miếng, đồng thời bà làm tôi sợ quá! Những món ăn nhiều dầu mỡ như thế, và…
– Anh đã hỏi phương pháp của tôi, anh cảnh sát trưởng Miron à. Tôi đã dùng những món này và hàng trăm món khác. Trong mỗi món, tôi bỏ thêm một chút…
Bà đột ngột ngưng nói.
Cảnh sát trưởng Miron nỗ lực dữ dội để tay ông không run khi uống hết ly rượu Dubonnet.
– Một chút gì, thưa bà?
– Anh đã điều tra về tôi rồi. Anh biết cha tôi là ai.
– Jean Marie Villerois, đầu bếp, đệ tử bậc nhất của thầy Escoffier bậc nhất. Trước kia được gọi là người kế thừa xứng đáng của thầy Escoffier.
– Đúng. Mà lúc tôi chưa đầy hai mươi hai tuổi, thì cha tôi, trước khi qua đời, đã công nhận rằng, ngoại trừ một vài thiếu sót về các món nướng than, tay nghề tôi ngang hàng với cha.
– Rất hay. Tôi thật khâm phục bà.
Miron bị căng thẳng thần kinh vì cái tài tán rộng xa đề của người phụ nữ xinh đẹp này.
– Nhưng bà vừa mới nói là bà đã cho thêm vào mỗi món nấu đó một chút…?
Bà Chalon quay lưng lại với ông. Bờ vai rất đẹp, cảnh sát trưởng nhận thấy, cái eo đáng chú ý, hông tuyệt đẹp.
Bà nói, như nói với biển:
– Một chút tài nghệ của tôi, thưa cảnh sát trưởng. Tài nghệ của đầu bếp bậc thầy Escoffler, của Villerois. Làm sao một người như Wesser, như Chalon có thể chịu nổi? Ba, bốn lần một ngày, tôi dọn cho mấy ông những món thuộc loại giàu chất dinh dưỡng nhất, nhiều dầu mỡ nhất và luôn thay đổi; tôi khích mấy ông ăn cho nhiều, ngủ, rồi ăn nữa, và uống quá nhiều rượu để có thể ăn nhiều hơn nữa. Ở tuổi đó, làm sao mấy ông có thể chịu được lâu một chế độ như thế?
Im lặng.
– Thế còn tình yêu, thưa bà Chalon? Tôi xin lỗi, nhưng chính bà đã đề cập đến chuyện này.
– Ăn uống nhiều thì mở đường cho tình yêu hay đúng hơn là cho một cái gì đó giống tình yêu mà mấy ông gọi là tình yêu. Tôi sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của mấy ông và không hề ngăn cản mấy ông đi gặp thêm vài bạn gái. Và mấy ông đã chết như thế: ông Wesser, lúc năm mươi bảy tuổi; ông Chalon, lúc sáu mươi lăm tuổi. Thế thôi.
Im lặng nữa. Một sự im lặng đầy chờ đợi. Cảnh sát trưởng Miron đứng dậy đột ngột đến nỗi bà Chalon giật mình và quay lại. Bây giờ mặt bà đã tái hơn.
– Bà Chalon, tối nay bà sẽ theo tôi xuống Nice.
– Đến đồn cảnh sát hả anh cảnh sát trưởng?
– Đến casino, thưa bà, để uống sâm banh và nghe nhạc. Khi đó hai ta sẽ tiếp tục cuộc nói chuyện này.
– Nhưng, anh cảnh sát trưởng Miron ơi!…
– Bà hãy nghe tôi. Tôi còn độc thân. Bốn mươi bốn tuổi. Tôi không xấu trai lắm, người ta nói thế. Tôi có dành dụm được chút ít tiền. Tôi không phải là một đám xuất sắc lắm, nhưng cũng đáng được xem xét.
Ông nhìn thẳng vào mặt bà:
– Tôi muốn chết.
Ông đứng thẳng vai lại để trông được hơn, trong khi đôi mắt của bà Chalon ngắm ông rất hài lòng.
– Ăn uống ngon, – Bà Chalon đăm chiêu kết luận – nhưng điều độ, thì không phải lúc nào cũng gây tử vong. Anh cảnh sát trưởng Miron à, anh hôn tay tôi nhé?
C. P. Donnell