Thằng Mừng có vẻ chí thú với việc đưa đón ông Mười khòm mỗi ngày.
Bà nó khen nó:
– Bà rất vui khi cháu biết giúp đỡ người khác.
Tất nhiên bà thằng Mừng không biết sở dĩ nó nhiệt tình giúp đỡ người khác là vì nó muốn lấy lòng một người khác nữa.
Được bà cổ vũ, Mừng càng siêng tợn.
Đó là lý do dạo gần đây Khoa ít gặp thằng này. Có những buổi sáng đang tha thẩn trước cổng, nhác thấy Mừng lẽo đẽo bên cạnh ông Mười khòm trên đường làng, Khoa mừng rỡ chạy lại:
– Ê, để tao đi với mày. Khi nào mày mỏi tay, tao sẽ dìu ông Mười phụ mày.
Nhưng lần nào Mừng cũng gạt ngang:
– Mày vô nhà đi! Một mình tao được rồi.
Khoa ức quá. Một buổi tối, nó chạy qua nhà Mừng, ngoắt thằng này ra ngõ, hầm hầm trách móc:
– Mày hết thích chơi với tao rồi hả Mừng?
– Bậy!
– Bậy gì! – Khoa giận dỗi – Qua nhà ít khi nào gặp mày, gặp mày ngoài đường thì mày đuổi tao như đuổi tà…
Mừng ngắt lời, không để Khoa kịp xả hết cơn giận:
– Mày đi chung với tao sao được!
– Sao không được? Tao có ý tốt muốn phụ mày một tay…
– Tao biết.
– Biết cái mốc xì! – Khoa trề môi – Biết sao mày còn…
– Tại tao sợ… – Mừng bối rối.
– Sợ? – Khoa há hốc miệng – Mày sợ chuyện gì?
Mừng ấp úng:
– Tao sợ… nhỏ Đào nhìn thấy.
Mặt Khoa càng lúc càng nghệt ra:
– Nhỏ Đào nhìn thấy thì sao?
Đang thắc mắc, Khoa chợt reo lên:
– A, tao hiểu rồi! Mày muốn “độc quyền” ông Mười chứ gì? Mày sợ nhỏ Đào trông thấy hai đứa cùng xúm vào chăm sóc ông ngoại nó, nó sẽ phân vân không biết nên thích mày hay thích tao phải không?
Phân tích của Khoa làm Mừng đỏ mặt. Nó khụt khịt mũi:
– Bậy!
Xưa nay, khi phản đối chuyện gì, Mừng hay nói: “Bậy”. Đó là từ cửa miệng của nó. “Bậy” có nghĩa là “không đúng”, là “làm gì có chuyện động trời đó”. Những đó là khi Mừng thốt ra từ “bậy” một cách oai phong, hùng hổ. Còn khi nó nói từ “bậy” bằng giọng ỉu xìu, gượng gạo như lúc này thì “bậy” gần giống như là “mày nói đúng rồi, nhưng nhỏ giọng chút coi”.
Khoa nhỏ giọng:
– Vậy là tao nói đúng ha?
– Bậy!
Tiếng “bậy” lần này thốt ra từ miệng thằng Mừng còn nhỏ hơn nữa.
Khoa đập tay lên vai bạn, cười hề hề:
– Mắt tao đâu có lé như mắt mày. Tao đâu có điên mà đi thích một con nhỏ rốn lồi.
Khoa làm Mừng nổi khùng:
– Tao đập mày nghe Khoa!
Khoa vẫn dai nhách:
– Nó thích tao, chắc tao bỏ chạy mất dép!
Tới đây thì Mừng không dọa suông nữa. Nó cúi xuống bặm môi cố nhổ một cây cọc rào.
Lần này thì Khoa chạy mất dép thật. Phóng tới vạt ruộng mía, Khoa mới dám quay lại ong óng:
– Hiệp Sĩ Rừng Xanh gì mà mới giỡn chút xíu đã rút “hắc kiếm” ra đâm bạn!
Cứ tưởng Hiệp Sĩ Rừng Xanh bị trêu chọc tới mức đó sẽ không bao giờ thèm nhìn mặt Bàn Tay Máu nữa.
Nào ngờ sáng hôm sau, Khoa đang ngồi gặm khoai lang nướng trước hiên đã thấy Mừng lò dò bước qua.
– Ủa, bữa nay không đi “công tác” nữa hả? – Khoa ngạc nhiên.
– Không. – Giọng Mừng buồn thiu – Thằng Bông không cho tao đụng vô ông nó nữa. Nó bảo ông nó chứ đâu phải ông tao mà tao cứ dắt đi suốt!
– Thằng Độc Nhãn Long này vô duyên quá!
Mừng nhún vai:
– Không phải nó vô duyên. Mà nó thèm bánh mì.
– Cái gì? – Khoa giật thót.
Mừng thở dài:
– Nó bảo nếu tao mua cho nó một ổ bánh mì thịt thì tao dắt ông nó đi khắp thế giới cũng được.
– Trời đất! – Khoa giơ hai tay lên trời – Tao chưa gặp đứa nào như thằng này. Nó lười, chắng bao giờ chịu dắt ông nó đi chơi. Mày dắt giùm nó, nó không cảm ơn mày thì thôi, còn đòi bánh mì!
Mừng duỗi chân trên bậc thềm như một con mèo đang phơi nắng. Trông nó có vẻ chán chường. Khoa nhìn bạn, nghi hoặc:
– Hay là nó biết tỏng âm mưu lấy lòng nhỏ Đào của mày!
– Nó đâu có biết tao thích em họ nó.
– Tao nghĩ là nó biết. Hôm ở trong rừng mày nói với nhỏ Đào câu gì mày nhớ không?
Trong một thoáng, Mừng nghe người ngầy ngậy như phát sốt. Đúng rồi, hôm đó Mừng đã tình tứ nói với nhỏ Đào: “Kẻ hèn này là Hiệp Sĩ Rừng Xanh, nguyện suốt đời bảo bọc công nương” Thằng Bông đứng ngay bên cạnh chứ đâu. Lúc đó, Mừng quên phắt thằng Bông là… thằng Bông. Đang chìm đắm trong vai Hiệp Sĩ Rừng Xanh Mừng cứ ngỡ thằng Bông là tướng cướp Độc Nhãn Long chỉ chăm chăm phục hận. Mừng nghĩ như vậy không có gì sai. Chỉ có điều khi cởi bỏ lốt tướng cướp, thằng Bông lập tức trở lại là thằng Bông thèm bánh mì thịt như cũ. Và nó đã tìm cách bắt chẹt Mừng.
– Nhưng đó là câu nói trong truyện… – Mừng tặc lưỡi, cố tìm cách bào chữa.
Khoa “xì” một tiếng:
– Thằng Bông đâu phải là con nít! Chắc chắn nó đã tự hỏi Trong truyện có cả ngàn câu, sao thằng Mừng láu cá kia không chọn câu nào mà chọn ngay câu mùi mẫn đó?
Lý lẽ của Khoa làm Mừng suy sụp. Giọng nó xìu như bún:
– Vậy tao phải làm sao!
Khoa hất đầu lên phía đường quốc lộ:
– Chạy tiệm bà Ký mua cho nó một ổ bánh chứ sao.
– Tao hết tiền rồi. – Mặt Mừng buồn xo.
– Tao cho mày mượn.
Mặc dù được Khoa mở lời, Mừng vẫn ngần ngừ:
– Biết chừng nào tao mới có tiền trả mày?
– Bao giờ có thì trả. Tao có đòi đâu.
– Rủi như tao không bao giờ có?
Khoa hào phóng:
– Vậy thì khỏi trả.
– Chờ mãi mới có một câu nghe được.
Mừng xòe tay ra, hớn hở:
– Đưa tiền đây!
Khoa móc túi lấy tờ năm ngàn đưa bạn, giọng thốt nhiên băn khoăn:
– Mấy hôm nay nhỏ Đào có nhìn thấy mày dắt ông ngoại nó đi chơi không?
– Tao không biết.
– Mày không đưa ông Mười về nhà sao?
– Ông Mười không ở nhà nhỏ Đào. Ông ở nhà thằng Bông.
Khoa an ủi bạn:
– Tao nghĩ chuyện mày giúp đỡ ông Mười, cả làng đều biết. Thế nào con nhỏ rốn lồi kia…
– Tốp lại được rồi đó mày! – Mừng gầm gừ. Không phải ỷ cho tao mượn tiền rồi mày muốn nói gì thì nói à!
Khoa cười hề hề:
– Lỡ miệng chút xíu mà!
Sợ thằng này lui cui tìm cọc rào như hôm qua, Khoa hấp tấp đá vào chân bạn:
– Đi mua bánh mì đi kìa!