Anh chàng trong vai chú rể đón Erlendur vào văn phòng của mình. Anh ta là người quản lý chất lượng và marketing cho một công ty bán sỉ chuyên nhập khẩu ngũ cốc từ Mỹ. Erlendur, người chưa từng được nếm một bữa sáng kiểu Mỹ trong đời, tự đặt ra câu hỏi: thực ra thì một nhà quản lý chất lượng và marketing của một công ty bán sỉ làm những công việc gì? Ông cũng không buồn hỏi. Chú rể mặc một chiếc sơ mi trắng được là cẩn thận với quần đeo dây. Anh ta cũng đã xắn ống tay áo lên như thể những vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng đã khiến anh ta phải hao tâm tổn lực rất nhiều. Anh ta là người tầm thước, hơi mập mạp một chút, có một hàng ria mép bao quanh miệng với cặp môi dày cộm. Tên anh ta là Viggó.
“Tôi vẫn chưa nhận được tin tức gì từ Disa” Viggó nói nhanh rồi ngồi xuống đối diện Erlendur.
“Có phải do cậu nói điều gì với cô ấy mà…”
“Ai cũng nghĩ vậy đấy” Viggó nói. “Mọi người nghĩ rằng nó là lỗi của tôi. Thật quá tồi tệ. Phần tồi tệ nhất trong toàn bộ vấn đề. Tôi không thể chịu nổi điều đó”.
“Anh có để ý đến điều gì đặc biệt ở Dísa trước khi cô ấy chạy trốn không? Bất cứ điều gì khiến cho cô ấy thất vọng ấy?”
“Tất cả mọi người đều rất vui vẻ. Ông biết đấy, một đám cưới mà, ông hiểu tôi muốn nói gì phải không?”
“Không”.
“Chắc chắn là ông đã đến đám cưới rồi chứ?”
“Một lần. Nhưng cách đây lâu lắm rồi”.
“Lúc đó đã đến giờ nhảy điệu đầu tiên. Những bài phát biểu đã chấm dứt và các bạn gái của Dísa tổ chức một số trò vui để giải trí, nhạc công accordion đã đến và chúng tôi chuẩn bị nhảy. Lúc đó tôi đang ngồi ở bàn và mọi người bắt đầu tìm Dísa, nhưng cô ấy đã đi rồi”.
“Lần cuối anh nhìn thấy cô ấy là khi nào?”
“Cô ấy ngồi bên tôi và nói rằng cô ấy cần đi vệ sinh”.
“Thế anh có nói điều gì khiến cô ấy hờn dỗi không?”
“Không! Tôi hôn cô ấy và bảo cô ấy đi nhanh lên”.
“Từ lúc cô ấy đi đến khi các anh bắt đầu tìm cô ấy khoảng bao lâu?”
“Tôi không biết. Tôi ngồi xuống với các bạn của mình, sau đó ra ngoài hút thuốc – tất cả những người hút thuốc đều phải ra ngoài. Tôi nói chuyện với vài người ở đó và cả lúc quay vào cũng vậy. Sau đó tôi ngồi xuống, rồi người chơi đàn accordion đi đến và thảo luận với tôi về điệu nhảy cùng bài nhạc. Tôi còn nói chuyện với vài người khác, chắc khoảng tầm nửa tiếng, tôi cũng không biết nữa”.
“Và anh không nhìn thấy Dísa lần nào trong thời gian đó?”
“Không. Khi chúng tôi nhận ra thì cô ấy đã biến mất, đó thực sự là một thảm họa. Tất cả mọi người đều nhìn vào tôi như thể đó là lỗi của tôi vậy”.
“Anh nghĩ là chuyện gì đã xảy ra với cô ấy?”
“Tôi đã đi tìm khắp nơi, nói chuyện với tất cả bạn bè và người thân của cô ấy nhưng không ai biết gì hết, hoặc đó là điều mà họ nói”.
“Anh có nghĩ là có ai đó đã nói dối không?”
“Ờ thì chắc chắn cô ấy phải ở một chỗ nào đó”.
“Anh có biết là cô ấy đã để lại một lời nhắn không?”
“Không. Lời nhắn gì? Ý ông là sao?”
“Cô ấy treo một tấm thiệp lên cái cây nhắn gửi. ‘Anh ta là một con quỷ, tôi đã làm gì thế này?’ – đó là nội dung tấm thiệp. Anh có biết cô ấy nói thế là có ý gì không?”
“Anh ta là một con quỷ,” Viggó nhắc lại, “cô ấy đang nói đến ai thế nhỉ?”
“Tôi nghĩ đó có thể là anh”.
“Là tôi á?” Viggó ngạc nhiên, bắt đầu trở nên kích động. “Tôi có làm gì cô ấy đâu, chưa hề! Chưa bao giờ. Đó không phải là tôi. Đó không thể là tôi!”
“Cái xe mà cô ấy lấy đi được tìm thấy ở Gardastraeti. Nơi đó có gợi cho anh nghĩ đến điều gì không?”
“Cô ấy không quen ai ở đó cả. Các ông có định thông báo về việc cô ấy mất tích không?”
“Tôi cho là bố mẹ cô ấy muốn cho cô ấy thời gian để quay về”.
“Vậy nếu cô ấy không về thì sao?”
“Lúc ấy chúng tôi sẽ xem xét…” Erlendur lưỡng lự. “Tôi đã nghĩ là cô ấy liên lạc với anh, để báo với anh là mọi chuyện ổn cả”.
“Hượm đã, có phải ông đang cho rằng đó là lỗi của tôi và cô ấy không nói gì với tôi vì tôi đã làm điều gì đó với cô ấy không? Lạy Chúa, thật là một câu chuyện kinh dị đẫm máu. Ông có hiểu ngày thứ Hai tôi đi làm nó như thế nào không? Tất cả đồng nghiệp của tôi đều đến dự tiệc, sếp của tôi cũng đến. Ông nghĩ đó là lỗi của tôi à? Mẹ kiếp! Tất cả đều nghĩ là do lỗi của tôi!”
“Đàn bà” Erlendur nói khi ông đứng lên. “Thật khó để quản lý chất lượng của họ”.
Erlendur vừa về đến văn phòng thì chuông điện thoại kêu. Ông nhận ra giọng người gọi ngay lập tức mặc dù đã lâu lắm rồi ông không nghe thấy giọng nói đó. Nó vẫn còn trong, khỏe và chắc dù người nói đã khá lớn tuổi. Eriendur đã biết Marion Briem trong gần ba mươi năm qua và mối quan hệ của họ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
“Tôi vừa từ biệt thự về,” giọng nói vang lên, “và về đến thị trấn tôi mới biết tin”.
“Cô đang nói đến Holberg phải không?” Erlendur hỏi.
“Anh đã xem qua các báo cáo về ông ta chưa?”
“Sigurdur Óli đã kiểm tra các báo cáo trên máy tính nhưng tôi vẫn chưa nghe tin tức gì từ anh ta cả. Báo cáo nào vậy?”
“Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có thực sự còn được lưu giữ trên máy tính hay không. Có thể là chúng đã bị vứt đi rồi. Có luật nào nói về thời gian các báo cáo trở nên vô hiệu lực không? Có phải chúng đã bị hủy đi rồi không?”
“Cô đang nói đến điều gì vậy?”
“Té ra là Holberg không phải là một công dân mẫu mực” Marion Briem trả lời.
“Theo kiểu như thế nào mới được chứ?”
“Có khả năng ông ta là một kẻ hiếp dâm”.
“Có khả năng?”
“Ông ta bị kiện vì tội hiếp dâm, nhưng chưa bao giờ bị kết án. Đó là vào năm 1963. Anh phải xem các báo cáo của mình đi”.
“Ai kiện ông ta?”
“Một người phụ nữ tên là Kolbrún. Bà ta sống ở…”
“Keflavík phải không?”
“Phải, sao anh biết?”
“Chúng tôi tìm thấy một bức ảnh trong ngăn kéo bàn của Holberg. Dường như nó được giấu ở đó vậy. Đó là bức ảnh chụp ngôi mộ của một bé gái tên là Audur, trong một nghĩa trang mà chúng tôi chưa xác định được. Tôi đã đánh thức một cái thây sống ở Tổng cục Thống kê quốc gia và tìm thấy tên của Kolbrún trên giấy chứng tử. Đó là mẹ của Audur. Bà ta cũng đã chết rồi”.
Marion không nói gì cả.
“Marion?” Erlendur gọi.
“Thế anh nghĩ sao?” Giọng nói đáp lại.
Erlendur suy nghĩ.
“Theo tôi, nếu như Holberg đã cưỡng hiếp người mẹ thì có thể ông ta là cha đứa trẻ, và đó là lý do tại sao tấm ảnh lại ở trong bàn của ông ta. Cô bé sinh năm 1964, mới có bốn tuổi thì chết”.
“Holberg chưa bao giờ bị kết án cả” Marion Briem nói. “Vụ án bị khép lại vì không có đủ bằng chứng”.
“Cô có nghĩ là bà ta đã dựng lên chuyện đó không?”
“Vào thời ấy thì đó là điều không thể, nhưng như thế cũng không chứng minh được gì. Tất nhiên là phụ nữ không dễ dàng gì được bồi thường cho những kiểu tội ác như vậy. Anh không thể tưởng tượng được bà ta đã phải trải qua những gì trong suốt gần bốn mươi năm đầu. Ngày nay phụ nữ có thể vượt qua được, nhưng ngày ấy thực sự là rất khó. Bà ta khó có thể làm chuyện ấy chỉ để bông đùa. Có thể bức ảnh đó là bằng chứng về tình cha con. Tại sao Holberg lại phải giấu tấm ảnh ấy trong bàn? Vụ hiếp dâm xảy ra năm 1963. Anh nói rằng Kolbrún có con gái một năm sau đó. Bốn năm sau cô bé chết, Kolbrún đã chôn cất cô bé. Holberg cũng bị dính líu vào chuyện đó vì một lý do nào đấy. Có thể ông ta tự mình chụp bức ảnh. Tại sao, tôi không biết. Có vẻ điều đó không thuyết phục”.
“Chắc chắn là ông ta không thể đến dự đám tang, nhưng sau đó ông ta có thể đến ngôi mộ và chụp một bức ảnh. Ý cô là như thế phải không?”
“Cũng có một khả năng khác”.
“Sao cơ?”
“Có thể Kolbrún tự chụp bức ảnh và gửi nó cho Holberg”.
“Nhưng tại sao? Nếu đã bị ông ta hiếp, tại sao bà ấy lại gửi cho ông ta ảnh ngôi mộ của cô bé?”
“Câu hỏi hay đấy”.
“Giấy chứng tử có nói rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của Audur không?” Marion Briem hỏi. “Đó có phải là một tai nạn không?”
“Cô bé chết vì bệnh u não. Theo cô điều đó có quan trọng không?”
“Người ta có làm xét nghiệm tử thi không?”
“Chắc chắn rồi. Có tên của bác sĩ trên giấy chứng tử mà”.
“Thế còn người mẹ?”
“Chết đột ngột tại nhà”.
“Tự tử à?”
“Phải”.
“Anh đã thôi không gọi điện để gặp tôi nữa”, Marion nói sau một khoảng lặng ngắn ngủi.
“Tôi bận quá” Erlendur nói. “Bận vô cùng”.