Uống đi nào, Nancy. Tay em còn lạnh cóng nè. Uống đi rồi em sẽ thấy khỏe. Em phải cần có sức.
Giọng nói của Dorothy thật thuyết phục. Bà đặt cái tô xuống bàn, hy vọng rằng lát nữa đây Nancy sẽ uống chút đỉnh lô súp rau củ.
Nancy nói, giọng lờ đờ:
– Thứ súp này em đã nấu hôm qua, cho hai đứa con. Các con bây giờ chắc đang đói.
Ray ngồi cạnh Nancy, gác tay lên lưng ghế của nàng, với một thái độ che chở. Trước mặt chàng là cái gạt tàn đầy ắp mẩu thuốc lá.
Chàng nói:
– Em không nên nghĩ quẩn.
Ở bên ngoài, át hẳn tiếng gió đang khua các ô kính là tiếng phành phạch của các trực thăng đang bay ở độ thấp. Trông thấy ánh mắt dò hỏi của Nancy, Ray giải thích:
– Ba chiếc trực thăng đã được gởi đến giám sát vùng này. Người ta hy vọng sẽ tìm thấy hai đứa bé nếu chúng lạc trong rừng. Ngoài ra, còn có nhiều người đã tình nguyện tham gia tìm kiếm và hai chiếc máy bay đang quần trên vùng vịnh và eo biển. Mọi người đang đổ xô tìm kiếm.
– Và cả những người đang lặn mò dưới hồ, để tìm kiếm xác của các con. – Nancy nói, giọng đều đều, xa vắng.
Sau khi đã trả lời phỏng vấn của báo chí, Jed Coffin ghé lại sở cảnh sát rồi quay về nhà Eldredge. Ông vào nhà khi Nancy đang nói. Ông để ý ngay đến giọng nói dịu dàng của nàng và đôi mắt tinh tường của ông đã ghi nhận ánh mắt hầu như bất động, đôi tay như chết cứng và cái dáng vẻ cam chịu của người thiếu phụ. Đó là dấu hiệu cho thấy nàng sắp rơi vào con khủng hoảng thần kinh.
Rời mắt khỏi Nancy, thanh tra Jed tìm Bernie Mills, người được giao nhiệm vụ ứng trực tại nhà Eldredge. Anh ta đang đứng ở ngưỡng cửa nhà bếp, cạnh máy điện thoại và ra hiệu cho ông. Hiểu anh ta muốn nói gì, thanh tra Jed lại hướng mắt về phía ba người đang ngồi ở bàn. Lúc này, Ray đứng dậy, bước lại gần Nancy và đặt đôi tay lên vai nàng.
Dĩ vãng, tưởng chừng đã vùi quên trong hai mươi năm, bỗng dưng trở về. Jed Coffin nhớ lại cái hôm nhận được cú điện từ sở cảnh sát Boston cho biết bố mẹ Delia vừa bị tai nạn và khó hy vọng qua khỏi. Lúc đó, ông đã vội vã về nhà và thấy Delia, vợ ông, đang trong bếp, vừa nhâm nhi ly sô-cô-la vừa đọc báo. Nàng đã quay lại mỉm cười nhìn ông mặc dầu ngạc nhiên thấy ông về sớm hơn thường lệ, và trước khi nàng kịp lên tiếng hỏi han, ông đã có cái hành động tương tự như Ray Eldredge vào lúc này – ấn nhẹ hai bàn tay lên đôi vai Delia.
Jed Coffin nói, giọng cộc lốc:
– Này Ray, tôi có thể nói chuyện riêng với anh?
Hai bàn tay Ray vẫn không rời đôi vai Nancy, cố làm dịu những cơn run rẩy của nàng.
Nancy thều thào hỏi:
– Ông đã tìm thấy các con tôi?
– Em yêu, nếu tìm thấy các con thì ông ấy hẳn đã nói rồi. Em ngồi yên đây nhé. Anh trở lại ngay.
Ray cúi xuống, áp má mình vào má Nancy rồi theo viên thanh tra qua phòng khách.
Giờ đây, đối diện với Ray đang đứng gần lò sưởi, thanh tra Jed thầm ngưỡng phục người đàn ông trẻ, dong dỏng cao này. Ray là một người đàn ông vững chãi, thành đạt, đó là điều không thể phủ nhận. Từ lối ăn mặc cho đến cách đi đứng trò chuyện của anh toát ra một vẻ phong nhã, lịch lãm.
Jed Coffin đảo mắt nhìn phòng khách. Ván sàn bằng gỗ sồi bóng loáng, tranh treo kín các bức tường màu trắng ngà. Jed nhận thấy chủ đề của các bức tranh khá quen thuộc. Tấm tranh lớn treo trên lò sưởi vẽ khu vườn của Nancy Eldredge. Phía trên chiếc dương cầm là bức tranh vẽ một nghĩa trang làng quê và đây là một nghĩa trang tư tọa lạc trên con đường Notre Dame du Cape. Bức tranh có khung gỗ bằng thông treo phía trên cái trường kỷ vẽ cảng Sesuit vào buổi chiều, khi tàu thuyền đã về bến. Trên bức màu nước vẽ cảnh đầm lầy với lau lách gió đùa, người ta thấy xa xa có ngôi nhà Hunt – ngôi nhà Tháp Canh.
Thỉnh thoảng Jed có trông thấy Nancy ngồi lấy phác thảo ở những con đường làng, nhưng ông không ngờ nàng có tài đến thế.
Ray nói, giọng lạnh lùng và thù nghịch:
– Này ông thanh tra, ông có điều gì cần nói với tôi?
Thanh tra Jed hiểu rằng giờ đây, đối với Ray, ông là kẻ thù nghịch.
Với sự từng trải, Jed Coffin cân nhắc về điểm yếu của Ray và hỏi bằng một giọng khô khốc.
– Ray à, ai là luật sư của vợ anh?
Thay cho câu trả lời là một thoáng bất định, một chút sững sờ của Ray. Đúng như Jed đã tiên liệu, Ray đã không có một quyết định dứt khoát. Anh ta vẫn tìm cách tạo cho Nancy cái hình ảnh của người mẹ đau khổ vì mất con. Ông thầm nghĩ, hẳn anh ta muốn cho khán giả truyền hình thấy một Nancy với đôi mắt sưng húp, nức nở: “Hãy trả con lại cho tôi!”.
Nếu là như thế, Jed sẽ dành cho Ray một thông tin. Ông sẽ cho Ray biết rằng đây không phải là lần đầu tiên Nancy giở cái trò đó. Jed sẽ dễ dàng có được bản sao của cuộn phim quay cách đây bảy năm, cuộn phim đã được báo chí ngày đó gọi là: “Một biện hộ đầy xúc động”. Nói đúng ra, mười phút trước đây, qua điện thoại, phụ tá của biện lý thành phố San Francisco có hứa sẽ gởi cho Jed cuộn phim này, và theo lời anh thì cuộn phim sẽ “ngăn không cho con điếm đó tái diễn cái trò cũ”.
Giọng nói của Ray trở nên trầm tĩnh và ôn tồn hơn:
– Chúng tôi chưa tìm luật sư. Tôi hy vọng rằng có thể… với bao nỗ lực tìm kiếm các đứa bé…
Jed nói thẳng thừng:
– Hầu hết những cuộc tìm kiếm đó sẽ nhanh chóng phải tạm ngưng. Với thời tiết chó chết này, chẳng bao lâu nữa, người ta sẽ chẳng trông thấy gì. Dầu gì chăng nữa thì tôi cũng phải đưa vợ anh về sở cảnh sát để thẩm vấn. Trong trường hợp bà nhà chưa có luật sư, tôi sẽ yêu cầu bên tòa án gởi đến một người.
– Ông không thể làm như thế! – Ray lớn tiếng thốt lên, rồi cố dằn cơn nóng, chàng tiếp – Ông phải hiểu rằng ông sẽ hủy hoại tinh thần của Nuncy khi đưa nàng vào trong một sở cảnh sát. Từ nhiều năm nay, Nancy thường gặp ác mộng qua đó nàng thấy mình bị thẩm vấn trong một sở cành sát trước khi được dẫn vào một hành lang dài hun hút đưa đến nhà xác để nhận diện thi thể của các con. Này ông Jed ông phải biết rằng nhà tôi đang bị sốc. Phải chăng ông muốn ngăn trở không cho chúng tôi được nghe Nancy nói về những gì có thể nàng đã trông thấy?
– Nhiệm vụ của tôi là tìm lại các đứa con của anh.
– Tôi hiểu, nhưng hẳn ông đã thấy ảnh hưởng kinh khiếp mà bài báo đã gây ra cho nhà tôi. Vậy ông tính sao với cái tên khốn kiếp đã viết bài báo đó? Có đủ đê tiện để bới móc cái chuyện đó và đăng lên báo thì hắn tên này cũng thừa sức để bắt cóc các con của tôi.
– Dĩ nhiên, chúng tôi không bỏ qua chuyện đó. Những bài báo loại đó luôn được ký dưới một cái tên giả và nếu được đăng thì người viết được hai mươi lăm đô-la tiền nhuận bút.
– Vậy thì ai là tác giả?
Jed cáu kỉnh đáp:
– Đó là điều mà chúng tôi đang tìm hiểu. Bài báo này được gởi kèm với một lá thư trong đó nêu ra điều kiện là chỉ được đăng tải mà không thay đổi bất cứ một chữ nào của bài viết, phải đăng cùng với các bức hình đính kèm và công bố vào ngày 17 tháng mười một – nghĩa là hôm nay. Trưởng ban biên tập cho tôi biết đó là một câu chuyện hấp dẫn và được viết khá hay đến nỗi ông không ngờ tác giả của nó chỉ muốn nhận một số tiền khác khiêm nhường là hai mươi lăm đô-la. Nhưng dĩ nhiên ông ta không nói ra cái cảm nghĩ đó với tác giả của nó. Ông chỉ gởi thư cho biết bài viết đã được chấp nhận và kèm theo là một ngân phiếu.
Nói đến đây, Jed lấy từ túi áo ra cuốn sổ tay và đọc:
– Lá thư được gởi đi hôm 28 tháng mười. Ngày 29, thư ký của trưởng ban biên tạp có nhớ là đã có người gọi điện hỏi bài viết về Harmon đã được chấp nhận chưa. Đường dây lúc đó bị nhiễu và giọng nói của người gọi nghèn nghẹn, rất khó nghe. Tuy vậy, cô thư ký đã trả lời rằng tòa soạn có gởi một ngân phiếu mang tên J. R. Penrose tới hòm thư lưu trữ tại Hyannis Port. Ngày hôm sau, ngân phiếu đã được lấy khỏi hòm thư.
– Bởi một người đàn ông hay đàn bà? – Ray vội vàng hỏi.
– Chúng tôi không rõ. Như anh đã biết, ngay cả trong mùa này, Hyannis Port vẫn không vắng du khách. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng hòm thư lưu trữ. Không một nhân viên bưu điện nào còn nhớ người đã đến lấy bức thư và tờ ngân phiếu đó và cho đến bây giờ, người nhận vẫn chưa dùng tờ ngân phiếu đó để rút tiền. Nếu chuyện này xảy ra, chúng tôi sẽ lần theo dấu vết của ông hoặc bà J. R. Penrose này. Thú thật, tôi sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng tác giả của bài báo là một trong những mụ già ưa ngồi lê đôi mách của thành phố này. Đó là những mụ chỉ ưa bới móc chuyện đời tư người khác.
Nhìn chăm vào lò sưởi, Ray nói:
– Ở đây khá lạnh. Hẳn ta nên nhóm lửa…
Jed bình thản nói:
– Tôi thấy không cần thiết anh Ray à. Sở dĩ tôi yêu cầu anh sang đây là vì tôi muốn anh thuyết phục Nancy nên thay đồ và theo chúng tôi về sở cảnh sát.
– Không… không… ông hãy thương tình.
Cùng lúc, Jed Coffin và Ray đều quay người về phía cánh cửa vòm của phòng khách. Nancy đang đứng đó, tựa tay vào thành cửa gỗ bóng loáng, căng thẳng mà nàng phải chịu đựng làm cho khuôn mặt nàng trở nên nhợt nhạt. Nàng nhìn chăm chú về phía trước với ánh mắt của người mất hồn.
Đứng phía sau Nancy, Dorothy phân trần:
– Bà ấy muốn vào đây.
Rồi, trông thấy ánh mắt trách móc của Ray khi anh ta bước vội đến bên Nancy, Dorothy nói tiếp: “Ray à, tôi rất tiếc, nhưng tôi không tài nào ngăn được Nancy”.
Ray kéo Nancy về phía mình và quay sang nói với Dorothy: “Đủ rồi, Dorothy”. Rồi giọng nói của chàng trở nên dịu dàng: “Nancy à, hãy bình tĩnh. Không ai muốn làm hại em cả”.
Dorothy có cảm tưởng như mình vừa bị Ray cho thôi việc. Ray đã tin tưởng ở bà trong việc giữ Nancy lại trong khi chàng bận nói chuyện với thanh tra Jed, vậy mà bà không chu toàn nhiệm vụ được giao. Bà quả là người vô tích sự… vô tích sự.
Bà bối rối nói:
– Anh Ray à, quả là vô lý khi làm rộn anh vào lúc này, nhưng ở văn phòng địa ốc người ta vừa gọi cho tôi để nhắc rằng ông Kragopoulos, người dã viết thư cho biết có ý định mua ngôi nhà của ông Hunt, muốn xem ngôi nhà này vào lúc hai giờ chiều. Thưa anh, liệu tôi có phải cử người thay tôi để đưa ông ấy đến xem ngôi nhà?
Vẫn ôm Nancy, Ray ngước mắt qua đầu nàng và nói:
– Chị biết khá rõ về ngôi nhà Tháp Canh vì vậy, tôi mong chị đích thân đưa người khách đến xem và rồi nếu được, chị hãy quyết định giá cả với người ta. Ông già Hunt đang cần tiền đấy.
– Tôi chưa báo cho ông Parrish là chúng ta sẽ đưa người đến xem nhà.
– Hợp đồng thuê nhà có ghi rõ là chúng ta có quyền đưa người đến xem nhà bất cứ lúc nào, miễn là có báo trước nửa tiếng, chính vì thế mà ông Pairish đã mướn ngôi nhà với giá khá dễ chịu. Chị hãy đến văn phòng và gọi điện báo trước cho ông ấy.
– Vâng. – Dorothy đáp nhưng vẫn tần ngần chưa muốn đi.
Nhìn Dorothy, Ray hiểu tình trạng của bà, nhưng không giữ bà lại:
– Chị Dorothy à, giờ đây chị chẳng thể làm gì để giúp chúng tôi! Hãy trở lại đây sau khi chị làm xong việc ở ngôi nhà Tháp Canh.
Bii Dorothy gật đầu, chực ra đi nhưng trong lòng không muốn rời họ. Bà muốn ở lại để chia sẻ nỗi lo âu của đôi vợ chồng trẻ. Bà không quên rằng ngay từ khi vào làm việc cho văn phòng địa ốc, Ray là điểm nương tựa của bà. Được làm việc với Ray, sử dụng kiến thức về trang trí nội thất để thuyết phục khách hàng mua nhà và sau đó dành ra một số tiền cần thiết để tu rạo nhà cho họ, tất cả điều đó làm cho đời Dorothy bớt trống rỗng. Ray là một người rất trung thực và tế nhị. Anh đồng ý cho bà tham gia vào những cuộc đầu tư và khá hào phóng khi chia lợi nhuận. Rồi khi Nancy kết hôn với Ray, bà Dorothy sung sướng thấy rằng Nancy đã tỏ ra tin tưởng ở bà. Tuy vậy, Nancy là người khá kín đáo nên họ không thể thực sự thân tình nhau. Giờ đây, bà Dorothy có cảm tưởng rằng mình chỉ là một khán giả thừa thải. Bà cầm lấy chiếc áo choàng, khăn quàng và lặng lẽ ra khỏi nhà bằng cửa sau.
Ra khỏi cửa, bà Dorothy sững người trước cái giá rét của gió và tuyết tan. Xe của bà đậu trên con đường nhỏ phía sau nhà. Bà hài lòng khi không phải đi ra bằng cổng chính vì trông thấy ở ngoài đó có một chiếc xe tải của một hãng truyền hình.
Khi bước vội đến xe, bà Dorothy hướng mắt về phía cái đu treo nơi cành cây ở cuối vườn. Đó là nơi mà hai đứa bé đã chơi và Nancy đã tìm thấy cái bao tay. Dorothy thầm nhớ đã bao lần bà đã đẩy hai đứa bé trên cái đu này… “Lạy Thượng đế nhân từ, xin đừng…” bà lẩm nhẩm cầu nguyện, lo sợ về những điều không may mà Michael và Missy có thể gặp phải. Lòng bà quặn đau.
Miên man với những ý nghĩ, bà Dorothy lặng nhìn cái đu, không hay biết đến những nụ tuyết ẩm ướt đang quấn vào mặt bà. Bà còn nhớ cứ mỗi lần Nancy ghé lại văn phòng địa ốc, hai đứa bé chạy ngay vào phòng làm việc của bà và bà luôn có sẵn quà cho chúng. Mới hôm qua đây, khi Missy theo mẹ đến văn phòng, bà đã đành cho con bé những chiếc bánh lưỡi mèo mà bà đã đặc biệt làm riêng cho bé. Hôm qua, Nancy định ra phố để mua vai may màn, vì thế Dorothy đã ngỏ ý trông coi Missy và ghé lại trường mẩu giáo đón Michael giúp nàng. Bà đã nói:
– Việc chọn vải đòi hỏi phải có thời gian và sự tập trung. Tôi phải đến Tòa thị chính để lo một số việc về bằng khoán đất đai. Tôi có thể đưa cô ra phố và sau đó, trên đường về, chúng ta sẽ đi ăn kem, nếu cô không bận.
Chỉ mới ngày hôm qua…
– Dorothy!
Ngạc nhiên, Dorothy ngước mắt và trông thấy ông Jonathan. Hẳn ông ta đã đi tắt rừng để đến đây. Trông ông có vẻ già đi với những nếp nhăn lộ rõ.
Ông nói:
– Tôi vừa hay tin về chuyện không may đã xảy ra cho hai đứa bé của gia đình Eldredge. Tôi muốn nói chuyện với Ray. Có lẽ tôi có thể giúp đỡ họ.
Giọng nói của Jonathan toát ra một sự lo lắng và che chở. Dorothy đáp:
– Họ đang trong nhà. Xin cám ơn sự quan tâm của ông.
– Chị có được tin gì về hai cháu bé?
– Không.
– Tôi đã đọc bài báo.
Dorothy chợt nhận ra rằng ông Jonathan không còn trò chuyện với bà một cách thân mật như trước đây. Có một sự lạnh lùng, trách cứ trong âm giọng của ông và điều này làm bà nhớ rằng bà đã lừa dối ông khi cho rằng mình đã quen biết với Nancy tại Virginia.
Chán nản, bà mở cửa xe và nói, gọn lỏn:
– Tôi có hẹn cần phải đi.
Rồi, không chờ ông trả lời, bà nổ máy và phóng xe đi. Cảnh quang trước mắt bà bỗng dưng nhạt nhòa, bà nhận ra rằng mình đang khóc.