Chiếc xà lan “Thong dong” cũng giống như mọi chiếc xà lan khác. Nó khá cũ, nước sơn đã bạc màu, nhưng được lau chùi sạch sẽ và được hai vợ chồng người lái tàu là ông bà Đờláttrơ quản lý và chăm sóc chu đáo. Bên ngoài nhìn vào người ta chẳng thấy chiếc “Thong dong” này vận chuyển cái gì ghê gớm cả, chỉ có mấy chiếc hòm gỗ, mấy chiếc sọt cũ với mấy chiếc thùng tô-nô. Nhưng nếu chúng ta xuống khoang tàu theo lối một chiếc thang thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng chiếc xà lan này chẳng làm nhiệm vụ vận chuyển một thứ gì cả.
Toàn bộ khoang xà lan được chia làm ba buồng nhỏ đầy đủ tiện nghi và sáng sủa: hai phòng ngủ ở hai bên và một phòng khách ở giữa. Nơi đây Raun và Giôdephin Banxamô đã sống suốt một tháng trời. Hai vợ chồng ông bà Đờláttrơ là những người lầm lì và bẳn tính, đã nhiều lần Raun thử bắt chuyện với họ mà không được, cả hai có nhiệm vụ trông nom con tàu và nấu ăn cho đôi trai gái. Thỉnh thoảng có một chiếc tàu kéo nhỏ đến gặp chiếc “Thong dong” và kéo nó đến một khúc ngoặt khác trên dòng sông Xen.
Cứ thế, hai người đi rong chơi trên con sông duyên dáng, ngắm cảnh đẹp diễu qua trước mắt họ… Lần lượt họ đi qua khu rừng Brôtôn, qua khu di tích đổ nát Giuymiegiơ, tu viện Xanh – Gioócgiơ, dãy đồi Buiơ, thành phố Ruăng, Pông-đờ-Lácsơ…
Đó là những tuần lễ hạnh phúc dạt dào! Raun đã tiêu xài ở đây tất cả niềm vui thú và lòng nhiệt tình. Bất cứ một phong cảnh đẹp đẽ nào cũng là một cái cớ để cho chàng tỏ tình một cách say đắm.
Giôdin có vẻ lặng lẽ hơn, nàng mỉm cười như đang mơ một giấc mơ hạnh phúc. Càng ngày nàng càng gần gũi với chàng hơn. Nếu như ban đầu nàng tiếp nhận chàng chỉ là do một thói đồng bóng, thì giờ đây nàng đã phải phục tùng cái quy luật của tình yêu, nó đang làm cho nàng hồi hộp và dạy cho nàng biết thế nào là nỗi khổ đau khi người ta quá yêu.
Họ không hề nói một câu nào về quá khứ, về cuộc đời đầy huyền bí của nàng. Tuy nhiên có một lần họ đã trao đổi mấy lời về chuyện này. Khi Raun nói đùa với nàng về cái điều mà chàng gọi là điều kỳ diệu về tuổi xuân vĩnh cửu của nàng nàng đã trả lời:
– Cái gì mà người ta không hiểu được thì đó chính là điều kỳ diệu. Chẳng hạn: chúng mình đã đi hai mươi dặm lý trong một ngày… và chàng đã kêu đó là một điều kỳ diệu. Nhưng, nếu để ý một chút thì chàng sẽ thấy là xe chúng ta đã vượt qua quãng đường đó không phải bằng hai con ngựa kéo mà bằng bốn con, vì Lêôna đã thay ngựa trong trang trại của mẹ Vátxơ tại Đuđơvin theo sự chuẩn bị từ trước.
– Chơi khá lắm. – Chàng trai reo lên khoái chí.
– Một ví dụ nữa. Trên đời này không ai biết rằng chàng tên là Luypanh, vậy mà ngay từ cái đêm chàng cứu tôi thoát chết, tôi đã biết rõ tên thật của chàng… có phải đó là điều kỳ diệu không? Hoàn toàn không. Chàng biết rõ là tất cả những gì có liên quan đến bá tước Caliôxtrô đều làm tôi quan tâm, và cách đây mười bốn năm, khi tôi nghe nói đến vụ mất cắp chiếc dây chuyền của nữ hoàng tại nhà của quận công đờ Đrơ-Xubidơ, tôi đã tiến hành một cuộc điều tra tỉ mỉ và tôi đã phát hiện ra cậu bé Raun Đăngđrêxi rồi sau đó là cậu bé Luypanh, con trai ông Têôphráxtơ Luypanh. Về sau, tôi đã tìm thấy dấu vết chàng trong nhiều phi vụ. Thế là tôi đã đi đến kết luận chính xác.
Raun suy nghĩ vài giây, sau đó chàng nói rất nghiêm túc:
– Lúc bấy giờ, nàng Giôdin của tôi ạ, hoặc là nàng mới lên khoảng mười tuổi, và như vậy thì thật là kỳ diệu khi một đứa trẻ bằng ấy tuổi mà lại điều tra thành công một vụ án mà tất cả mọi người chịu bó tay; hoặc là nàng cũng đã bằng tuổi như ngày nay, và điều đó lại còn kỳ diệu hơn. Ôi, người con gái của ông Caliôxtrô!
Nàng cau mày. Câu đùa có lẽ làm cho nàng khó chịu:
– Thôi không nói đến chuyện đó nữa, được không Raun?
– Rất tiếc là không thể được! – Raun đáp với vẻ hơi phật ý vì đã bị phát giác là Ácxen Luypanh và giờ đây đang muốn trả đũa. – Trên đời không có gì lôi cuốn tôi bằng vấn đề về tuổi tác của nàng và về những chiến công mà nàng đã giành được từ một thế kỷ nay. Về vấn đề đó tôi cũng có một vài suy nghĩ cá nhân mà chắc là không phải là không đáng quan tâm.
Nàng tò mò quan sát chàng. Raun lợi dụng lúc nàng còn đang ngập ngừng bèn nói tiếp bằng một giọng hơi cợt nhả:
– Lập luận của tôi dựa trên hai tiền đề: 1 – như nàng đã nói, không hề có phép kỳ diệu; 2 – nàng là con gái của mẹ nàng.
Nàng cười:
– Phần mở đầu được đấy.
– Nàng là con gái của mẹ nàng, – Raun nhắc lại. – Điều đó có nghĩa là trước tiên phải có một bà bá tước đờ Galiôxtrô. Năm lên hai mươi lăm hoặc ba mươi tuổi, bà ta đã làm cho thành phố Pari cuối thời Đế chế II lóa mắt vì sắc đẹp của mình, và đã làm cho cả triều đình của hoàng đế Napôlêông đệ Tam chú ý. Với sự giúp đỡ của người gọi là anh trai nàng luôn luôn đi bên nàng (anh trai, bạn trai hay tình nhân, điều đó không quan trọng!), nàng đã bày đặt ra câu chuyện về quan hệ cha con giữa nàng và Caliôxtrô, và tạo ra những tài liệu giả mà cảnh sát sử dụng để thông báo cho Napôlêông đệ Tam biết về con gái của Giôdephin đờ Bôácne và Caliôxtrô. Bị trục xuất, nàng sang Italia, sang Đức, sau đó mất tích… để rồi hai mươi tư năm sau lại làm sống lại một nữ bá tước thứ hai bằng người con gái cưng của nàng với bộ mặt và hình dáng giống hệt mẹ, người đó hiện đang ngồi đây. Có đúng như vậy không?
Giôđin giữ vẻ dửng dưng không thèm trả lời. Chàng nói tiếp:
– Giữa hai mẹ con có một sự giống nhau tuyệt đối, giống đến nỗi mọi chuyện phiêu lưu lại có thể được tái diễn một cách hoàn toàn tự nhiên. Tại sao lại phải thanh minh là có hai nữ bá tước? Cứ để cho thiên hạ tin rằng vẫn chỉ có một nữ bá tước duy nhất, người đã thừa kế được những bí quyết của cha mình là Giôdép Banxamô, bá tước đờ Caliôxtrô. Và khi Bômanhăng tiến hành điều tra, thì tất nhiên y phải đi đến chỗ tìm ra những bản tài liệu mà trước kia đã đánh lạc hướng được cảnh sát của Napôlêông, và tìm ra cả những bức ảnh của người đàn bà cho phép khẳng định người đàn bà đó vẫn chỉ là một và làm cho người ta truy tìm được gốc gác của bà đến tận người mẫu trong ảnh của Bécnađinô Luini mà sự ngẫu nhiên đã làm cho họ giống nhau đến kỳ lạ.
Vả lại, còn có một nhân chứng nữa: hoàng thân Đáccôlơ. Trước đây có một lần hoàng thân Đáccôlơ đã nhìn thấy nữ bá tước đờ Caliôxtrô. Chàng đã tiễn bà ra ga Môđan. Về sau chàng lại nhìn thấy bà ở Vécxai. Và cuối cùng, sau hai mươi tư năm khi nhìn thấy con gái bà, ông ta đã buột mồm kêu lên: “Đúng là mụ! Mụ vẫn giống y như xưa!”
Sau đó nàng lại còn đưa ra bằng chứng để dồn ép hoàng thân: đó là câu chuyện trao đổi giữa hoàng thân và mẹ nàng, câu chuyện đã được mẹ nàng ghi lại rất tỉ mỉ trong nhật ký và tất nhiên là nàng đã được đọc. Chà! Đó là tất cả những điều bí mật của một câu chuyện. Và những điều bí mật đó thật đơn giản. Có hai mẹ con giống nhau, và sắc đẹp của họ giống những bức chân dung phụ nữ của Luini. Tất cả chỉ có vậy thôi. Tất nhiên cũng có cả nữ hầu tước đờ Benmôntê. Nhưng tôi cho rằng sự giống nhau giữa nàng và bà này khá mơ hồ, và có lẽ do đầu óc lú lẫn mà cái ông Bômanhăng kia mới có thể nhầm lẫn nàng với bà ta được. Nói tóm lại, chẳng có gì là gay cấn cả, đây chỉ là một mưu mô thú vị và được thực hiện một cách khéo léo. Hết.
Raun ngừng lời. Chàng có cảm tưởng rằng mặt Giôdephin Banxamô hơi tái đi và co rúm lại. Như vậy là đến lượt nàng bị phật ý, và điều đó đã làm cho chàng khoái chí.
– Tôi đoán đúng chứ, có phải không? – Chàng hỏi.
Nàng thoái thác:
– Quá khứ của tôi thì mặc tôi, – nàng bảo – còn tuổi tác của tôi thì chẳng việc gì đến ai cả. Anh bạn muốn tin thế nào thì tùy thích.
Chàng vồ lấy nàng và hôn như điên dại.
– Tôi muốn tin là nàng đã một trăm linh bốn tuổi, Giôdephin Banxamô, và không có gì ngọt ngào hơn nụ hôn của một người đàn bà đã ngoài trăm tuổi. Khi mà tôi nghĩ rằng có thể nàng còn quen cả Rôbéxpierơ, và có thể quen cả Lui XVI nữa.
Nhưng chàng không thấy lại được vị ngọt của nụ hôn nữa. Raun Đăngđrêxi cảm thấy rõ ràng nỗi bực dọc của Giôdephin Banxamô trước thái độ tọc mạch tối thiểu của chàng, khiến chàng không dám hỏi thêm điều gì. Vả lại chàng chẳng đã biết rõ chính xác sự thật rồi sao?
Tất nhiên là chàng biết, và trong đầu chàng không còn một chút nghi ngờ nào nữa. Tuy nhiên, người đàn bà vẫn còn giữ một vẻ quyến rũ bí hiểm mà bất đắc dĩ chàng vẫn phải chịu sự ảnh hưởng của nó và vì thế mà chàng tỏ ra có phần nào ghen ghét.
Đến cuốỉ tuần lễ thứ ba, Lêôna lại xuất hiện. Một buổi sáng, Raun nhìn thấy chiếc xe ngựa do hai con ngựa nhỏ gầy giơ xương kéo chở nữ bá tước đi.
Mãi đến chiều nàng mới trở về. Lêôna chuyển lên chiếc xà lan ‘Thong dong” những bó hàng hóa bọc trong giấy kín và thả xuống hầm xà lan qua một chiếc cửa ngầm mở ra trên xà lan mà từ trước đến giờ chàng không được biết.
Đến đêm Raun tìm cách mở được cửa hầm và chui xuống xem các gói hàng. Bên trong các gói giấy là những tấm vải đăng ten tuyệt đẹp và những chiếc áo hành lễ của cha cố rất quý giá.
Cách hôm sau lại có một chuyến xuất hành nữa. Kết quả: một tấm thảm lộng lẫy từ thế kỷ XVI.
Những ngày này Raun cảm thấy buồn chán hết mức. Cho nên khi xà lan chuyển đến Năngtơ và thấy vẫn bị bỏ rơi một mình, chàng liền thuê một chiếc xe đạp và đi dạo chơi quanh vùng nông thôn quanh đấy. Sau khi ăn trưa xong, lúc đạp xe ra khỏi một khu làng nhỏ, chàng thấy có một khu nhà to hiện ra và trong sân lố nhố đầy người. Chàng đến gần xem. Chàng thấy người ta đang bán đấu giá những thứ đồ gỗ đẹp và những đồ vàng bạc.
Chẳng có việc gì làm, chàng đi vòng quanh ngôi nhà một lượt. Chàng thấy có một góc trái nhà thông ra phía vườn trông ngay trên một bụi cây rậm. Không biết do cái gì thôi thúc mà Raun, khi nhìn thấy một chiếc thang, chàng liền dựng lên – leo lên gác trái nhà, trèo qua một chiếc cửa sổ bỏ ngỏ và hướng vào căn gác.
Bên trong có tiếng kêu khẽ. Raun nhận ra Giôdephin Banxamô, nàng trấn tĩnh ngay được và lên tiếng với một giọng rất tự nhiên:
– Kìa, chàng đây à? Raun? Tôi đang chiêm ngưỡng một bộ sưu tập những cuốn sách nhỏ đóng bìa cứng… Thật là những cuốn sách tuyệt vời và hiếm có!
Sự việc chỉ có vậy. Raun xem xét những cuốn sách và đút vào túi áo ba cuốn sách cổ do nhà sách Ehevin xuất bản, trong khi nữ bá tước thò tay vào một tủ kính trong có đựng những chiếc mề đay mà Raun không biết.
Hai người bước xuống cầu thang. Trong đám người hỗn độn, chẳng ai để ý đến họ khi họ ra về.
Cách đấy ba trăm mét chiếc xe ngựa đang đứng đợi.
Từ đó, khi thì đến Pôngtoadơ, khi thì đến Xanh Giécmanh, khi thì đến Pari, nơi mà chiếc xà lan ‘Thong dong” cột dây đỗ ngay trước cửa sổ cảnh sát mà vẫn tiếp tục là nơi trú ngụ của họ, đến đâu họ cũng cùng nhau tiến hành “phi vụ”.
Nếu như trong khi thực hiện những công việc này, nàng Caliôxtrô vẫn giữ tính kín đáo và tâm hồn bí ẩn, thì cái tính bộp chộp của Raun lại dần dần chiếm ưu thế, và lần nào phi vụ của họ cũng kết thúc bằng những tràng cười. Chàng thường bảo:
– Bởi vì tôi đã quay lưng lại con đường đi của cái thiện, vậy thì dứt khoát chúng ta phải tiến hành công việc một cách vui nhộn chứ không phải theo cái cách sầu não của nàng đâu, Giôdin của tôi ạ.
Cứ qua mỗi lần thử thách, chàng lại tự phát hiện ra những tài năng bất ngờ của mình và những mánh khóe xoay sở mà trước kia chàng không biết. Thỉnh thoảng ở trong cửa hàng bách hóa hay ở nhà hát, nữ bá tước lại nghe thấy một tiếng tắc lưỡi vui vẻ, và khi đó nàng liếc nhìn thấy trong tay tình nhân của mình đã có một chiếc đồng hồ, hoặc trên cravát của chàng đã thấy cài một chiếc trâm mới. Lần nào nàng cũng thấy mặt chàng phớt lạnh, lần nào cũng thấy chàng tỏ ra bình thản như một kẻ vô tội chẳng hề biết sợ một nỗi nguy hiểm nào.
Nhưng điều đó không ngăn cản chàng phải tuân theo những quy định phòng xa do Giôdephin Banxamô yêu cầu. Họ chỉ ra khỏi xà lan khi đã ăn mặc theo kiểu thường dân. Tại một phố gần đấy, chiếc xe ngựa cổ lỗ sĩ một ngựa kéo đã đứng đợi họ. Tại đây họ lại thay quần áo. Nàng Caliôxtrô không bao giờ rời chiếc khăn đăng ten có thêu những bông hoa to dùng làm mạng che mặt.
Tất cả những chi tiết này, cùng với biết bao chi tiết khác nữa, đã cho Raun rõ về cuộc đời thực của tình nhân mình. Giờ đây chàng biết chắc rằng nàng là kẻ cầm đầu một băng trộm cắp mà nàng liên hệ với nó qua Lêôna, và chàng cũng biết chắc rằng nàng đang theo đuổi phi vụ cây đèn bảy nhánh, và rằng nàng đang theo dõi các mánh khóe của Bômanhăng và đồng đảng.
Rất nhiều lần cái cuộc sống hai mặt này đã làm cho Raun không hài lòng với Giôdephin Banxamô, điều này chính nàng cũng đã nói trước với chàng rồi. Không đếm xỉa gì đến những hành động của mình, chàng không ưa cái chuyện là nàng đã làm những việc như vậy, những việc trái với những suy nghĩ của chàng về lòng trung thực. Một người tình làm nghề ăn cắp và là đầu trùm băng trộm cắp – điều đó làm cho chàng khó chịu. Giữa họ đã xảy ra những vụ va chạm về những chuyện không đâu. Hai nhân cách quá dữ dội và quá rõ nét của họ đã đi đến chỗ đụng độ nhau.
Thế là, đột nhiên có một sự cố đẩy họ vào một trận giao tranh quyết liệt, thì mặc dù họ đều chiến đấu chống lại kẻ thù chung, họ vẫn nhận ra rằng một cuộc tình như cuộc tình của họ đến một lúc nào đó sẽ chứa đựng cả sự ghen ghét, lòng kiêu ngạo và nỗi hiềm thù.
Sự cố này đã kết liễu cái mà Raun gọi là “những thú vui thành Capua”, đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ vào một buổi tối giữa họ với Bômanhăng, với nam tước Đêtigơ và Bennơtô. Ba người đàn ông này lúc ấy đang bước vào nhà hát Tạp kỹ.
– Chúng mình theo họ đi, – Raun bảo.
Nữ bá tước ngập ngừng. Chàng cố gặng:
– Sao! Một dịp may như thế này mà chúng mình không lợi dụng ư?
Thế là cả hai cùng vào nhà hát và lấy vé ngồi trong một lô dưới tầng trệt. Lúc ấy, trước khi người phục vụ đóng tấm cửa lưới mắt cáo, họ cũng kịp nhận ra bọn Bômanhăng ngồi trong một lô khác ở gần sân khấu.
Một câu hỏi được đặt ra. Tại sao một người thuộc giới tăng lữ và có vẻ nghiêm khắc như Bômanhăng lại có thể lạc vào một nhà hát rẻ tiền như thế này, nơi mà chắc chắn là người ta biểu diễn những tiết mục rất phóng túng và chẳng có ích lợi gì cho y cả?
Raun đặt câu hỏi đó với Giôdephin Banxamô nhưng nàng không hề trả lời, và cái vẻ thờ ơ vờ vĩnh này đã cho Raun thấy rõ rằng giờ đây người đàn bà muốn tách chàng ra, và rằng nàng kiên quyết không muốn chàng cộng tác trong tất cả những việc gì có liên quan đến phi vụ khó hiểu kia.
– Được rồi, – chàng bảo với một giọng rành rọt, vẻ khiêu khích, – được rồi, ai có thân người ấy lo, ai có phần người ấy hưởng. Rồi xem ai sẽ chiếm được phần hơn.
Trên sân khấu từng tốp đàn bà đang giơ chân theo nhịp múa trong khi tiết mục chuyện thời sự đang được biểu diễn. Một cô gái đẹp ăn mặc hở hang được gọi là “Nhà ảo thuật” đang biểu diễn với những đồ nữ trang giả. Trên trán cô ta có một dải băng có gắn những viên đá quý nhiều màu sắc. Ánh đèn điện sáng lấp lánh trong tóc cô.
Hai màn đã được diễn xong. Tấm cửa lưới mắt cáo của chiếc lô gần sân khấu vẫn đóng kín mít, làm cho Raun không nhìn rõ ba người đàn ông ngồi trong đó. Nhưng, đến giờ giải lao cuối cùng, lúc đi dạo qua cửa chiếc lô đó, Raun thấy cửa hơi hé mở. Chàng ghé mắt nhìn vào: chẳng có ai cả. Chàng hỏi thăm và được biết rằng ba người đàn ông kia đã rời nhà hát sau khi ngồi xem được ba mươi phút!
– Chẳng có việc gì ở đây nữa, – chàng nói khi quay lại chỗ nữ bá tước, – họ chuồn rồi.
Lúc này, màn lại được kéo lên. Người đàn bà dẫn chuyện thời sự lại xuất hiện trên sân khấu. Tóc cô hơi xõa ra cho phép nhìn rõ hơn chiếc băng buộc tóc ở trên trán cô. Đó là một chiếc băng kim tuyến có gắn những viên ngọc tròn có màu sắc khác nhau. Tất cả có bảy viên cả thảy.
– Bảy viên! – Raun nghĩ. – Thảo nào gã Bômanhăng đã tới đây.
Trong khi Giôdephin Banxamô đang chuẩn bị mặc áo khoác để ra về, thì Raun hỏi thăm một người phục vụ và được biết rằng cô gái biểu diễn vừa rồi có tên là Brigit Rutxơlanh, ngụ tại một ngôi nhà cổ ở phố Môngmactrơ nơi đây cô sống với một bà hầu phòng rất trung thành tên là Valăngtin, và hàng ngày cô cùng đi với bà đến nhà hát để diễn tập chương trình.
Sáng hôm sau, vào quãng mười một giờ, Raun ra khỏi xà lan ‘Thong dong”. Chàng ăn trưa tại một cửa hàng ăn ở phố Môngmactrơ và đến mười hai giờ thì đi theo một đường phố gập ghềnh khúc khuỷu đến trước cửa một ngôi nhà nhỏ có một mảnh sân phía trước và tường chắn phía ngoài, nó được dựa vào một tòa nhà lớn dùng để cho khách trọ thuê mà những chiếc cửa sổ không có rèm che ở tầng trên cùng cho thấy rằng tầng này không có người ở.
Với vẻ nhanh trí thường có của mình, Raun lập tức nghĩ ra một kế hoạch mà sau đó chàng thực hiện theo một cách gần như máy móc.
Chàng đi đi lại lại trước cửa như một người đang đợi ai. Đột nhiên, khi thấy người đàn bà gác cổng của tòa nhà cao tầng đi ra quét hè, chàng liền lẻn ra đằng sau bà ta vào nhà, leo lên gác trên cùng, phá cửa một căn phòng trống, mở một chiếc cửa sổ trông xuống mái của ngôi nhà bên cạnh, và, khi tin chắc là không ai có thể trông thấy được mình, chàng liền nhảy xuống mái nhà đó.
Ngay gần đấy có một chiếc cửa sổ thông gió mở toang hoác. Chàng chui qua đó vào trần nhà chứa đầy đồ đạc cũ nát, tìm đến ô cửa mở thông xuống dưới nhà, nhưng cánh cửa lâu ngày không sử dụng đã bị kẹt làm chàng rất khó mở, cố hết sức chàng cũng chỉ nâng được nó lên vừa đủ để chui đầu qua. Từ đây chàng nhìn thấy hành lang của gác ba và một phần cầu thang dẫn xuống gác hai. Không có thang từ cửa trần xuống.
Phía dưới, tức là ở gác hai, vọng lên tiếng nói chuyện của hai người đàn bà. Cố thò đầu ra khỏi lỗ cửa, Raun lắng tai nghe ngóng, và sau mấy câu nói giữa họ, chàng hiểu rằng cô gái dẫn chuyện kịch thời sự đang ăn trưa tại phòng khách riêng của mình, còn bà người hầu duy nhất trong nhà thì vừa phục vụ cho cô ăn vừa dọn dẹp phòng ngủ và phòng rửa mặt.
– Xong rồi, – Brigit Rutxơlanh quay về phòng ngủ và kêu to. – ôi, bà Valăngtin yêu quý, thật may mắn quá! Hôm nay không có diễn tập! Tôi lại đi nằm đến tối vậy…
Việc này làm cho mọi tính toán của Raun hơi bị đổ bể, vì chàng đang hi vọng là họ vắng nhà để chàng có thể yên tâm xem xét mọi thứ. Tuy vậy chàng vẫn kiên nhẫn chờ đợi thời cơ.
Mấy phút trôi qua. Brigit đang ngâm qua mấy khúc hát của vở kịch thì có tiếng chuông ngoài cổng.
– Lạ nhỉ, – cô nói. – Hôm nay tôi có hẹn ai đâu. Bà ra xem ai nào, bà Valăngtin.
Bà người hầu ra cổng. Lát sau có tiếng cổng đóng lại và tiếng chân bước trở lên thang gác rồi chàng nghe thấy bà nói:
– Có khách của nhà hát… một ông thư ký của giám đốc đến đem cho cô bức thư này.
– Đưa đây xem nào. Bà cho người ta vào phòng khách rồi à?
– Vâng.
Raun nghe thấy tiếng váy sột soạt của cô diễn viên. Bà người hầu đưa thư cho cô, Brigit mở thư ngay và lẩm nhẩm đọc:
“Cô Rutxlanh thân mến, cô hãy trao chiếc băng kim tuyến nạm ngọc cho người thư ký của tôi. Tôi cần dùng nó để làm mẫu. Việc rất gấp. Tôi sẽ trả lại cô tối nay tại nhà hát”.
Nghe thấy mấy câu đó, Raun giật mình:
– “Ái chà! – Chàng nghĩ, – lại chiếc băng nạm ngọc! Lại bảy viên ngọc. Chẳng lẽ tay giám đốc này cũng dính vào vụ này sao? Liệu Brigit Rutxlanh có nghe lời ông ta không?
Chàng yên tâm khi nghe thấy tiếng cô gái lẩm bẩm:
– Không được. Tôi đã hứa bán cho người khác chiếc băng này rồi.
– Thật phiền quá, – bà người hầu nói, – chắc ông giám đốc sẽ không vừa lòng.
– Vậy bà bảo sao? Tôi đã hứa rồi, và người ta sẽ trả tôi rất hậu.
– Thế thì trả lời thế nào?
– Tôi sẽ viết thư cho ông ta, – Brigit quyết định.
Cô ta sang phòng riêng của mình và một lúc sau quay ra đưa cho người hầu một chiếc phong bì.
– Bà có biết viên thư ký này không? Bà đã nhìn thấy ông ấy lần nào chưa?
– Chưa, ông ta là người mới.
– Bảo ông ấy nói với giám đốc rằng tôi rất lấy làm tiếc, và rằng đến tối tôi sẽ giải thích cho ông rõ.
Valăngtin quay ra. Bà ta đi khá lâu vẫn chưa quay lại. Cô Brigit ngồi xuống bên chiếc pianô và bắt đầu tập đàn. Tiếng đàn vang lên có lẽ át cả tiếng cửa mở, bởi vì Raun chẳng nghe thấy gì cả.
Chàng hơi thắc mắc vì thấy sự cố có vẻ không rõ ràng. Viên thư ký lạ mặt, thư yêu cầu dải băng nạm ngọc, tất cả có vẻ như là một cái bẫy và một mưu mô đáng ngờ.
Tuy nhiên chàng đã được yên tâm. Có một bóng người đang bước lên và đi về phía phòng riêng của cô diễn viên.
“Chắc là bà Valăngtin đã quay lại, – Raun tự nhủ. – Mình đã đoán sai. Gã kia chắc chuồn rồi”.
Nhưng đột nhiên, chiếc pianô đang dạo nhạc bỗng im bặt, chiếc ghế ngồi bị xô đổ và cô gái lo lắng cất tiếng hỏi:
– Ông là ai?… À! Có phải ông là thư ký mới không?.. Nhưng ông muốn gì nào?
– Ông giám đốc sai tôi đi lấy cho ông chiếc băng nạm ngọc, tôi phải cố…
– Nhưng tôi đã viết thư trả lời ông ta rồi… – Brigit lắp bắp và càng tỏ ra lo lắng… Chắc bà hầu phòng đã đưa cho ông rồi chứ?… Tại sao bà ta không quay lên đây cùng với ông nhỉ? Bà Valăngtin!
Cô ta gọi thêm mấy câu nữa bằng một giọng tuyệt vọng;
– Valăngtin! ôi! ông làm tôi sợ quá… Hai con mắt ông…
Chiếc cửa bị đóng sập lại. Raun nghe thấy tiếng ghế đổ, tiếng vật lộn, rồi có tiếng kêu to:
– Cứu tôi với!
Rồi im lặng trở lại. Vả lại, ngay từ lúc cảm thấy Brigit có thể gặp nguy hiểm, Raun đã cố lấy sức nâng chiếc nắp trần lên để chui xuống. Việc này đã làm cho chàng mất một khoảng thời gian quý giá. Chàng vội nhảy xuống, trượt nhanh xuống tầng dưới và thấy trước mặt mình có ba chiếc cửa đóng kín.
Chàng đẩy bừa một cánh cửa và lao vào một căn phòng bừa bộn. Không thấy ai, chàng chạy xộc vào phòng rửa và sau đó lao sang căn phòng bên cạnh mà chàng tin rằng cuộc vật lộn đang diễn ra ở đó.
Quả thực, trong căn phòng tranh tối tranh sáng vì bị rèm cửa che kín, chàng nhận ra ngay một người đàn ông đang quỳ gối và một người đàn bà nằm sóng xoài trên sàn nhà đang bị người đàn ông kia dùng hai tay xiết cổ. Có tiếng rên ằng ặc đau đớn lẫn trong tiếng chửi rủa thậm tệ.
– Trời ơi, mi sẽ phải câm miệng. A, mi dám thản nhiên từ chối không đưa đồ nữ trang hả! Được rồi, cô bé…
Raun lao vào kẻ kia với một cú đấm trời giáng, làm cho y phải nới tay. Cả hai vật lộn nhau và cùng văng vào chiếc lò sưởi làm Raun bị đập trán khá mạnh đến mức chàng bị choáng váng mất mấy giây.
Với lại kẻ ám sát to lớn hơn Raun, nên cuộc tỉ thí sẽ không thể kéo dài lâu hơn giữa một bên là một chàng trai mảnh dẻ mới lớn lên với một bên là một kẻ cao to rắn chắc. Sự thực là chỉ một lát sau đã có một người đứng dậy, còn một người thì năm thẳng cẳng trên sàn cất tiếng rên yếu ớt. Nhưng kẻ đứng lên lại chính là Raun.
– Một cú đánh được đấy chứ, phải không anh bạn? – chàng nghiến răng nói. – Đó là kết quả giáo dục của một ông tên là Têôphratơ Luypanh. Võ Nhật đấy nhé. Mời anh bạn cứ nằm nghỉ ngơi ít phút.
Chàng cúi xuống bế người con gái lên giường. Chàng thấy ngay rằng cú bóp cổ của kẻ giết người chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Brigit Rutxlanh đã thở được bình thường. Không thấy rõ có vết thương. Nhưng nàng run hết cả tay chân và hai mắt đờ đẫn như điên dại.
– Nàng có đau không? – Chàng hỏi nhẹ nhàng. – Chắc không đau chứ? Không hề gì. Nàng đừng sợ. Không việc gì phải sợ hắn cả, nhưng để chắc chắn…
Chàng nhanh nhẹn vén tấm rèm, giật đứt chiếc dây kéo và trói tay kẻ kia lại. Nhưng tấm rèm vén ra đã để một ít ánh sáng lọt vào, chàng liền quay mặt y về phía cửa sổ để xem mặt.
Chàng bật lên tiếng kêu ngỡ ngàng. Và chàng sững sờ lẩm bẩm:
– Lêôna… Lêôna…
Chưa bao giờ chàng có dịp được nhìn rõ mặt người đàn ông này, lúc nào chàng cũng thấy y ngồi gù lưng trên ghế xà ích, đầu rụt xuống giữa hai vai, che giấu thân thể mình đến mức Raun tưởng rằng y bị gù và ốm yếu. Nhưng chàng nhớ rõ bộ mặt nhìn nghiêng của y: một bộ mặt xương xương, có bộ râu muối tiêu, và giờ đây chàng không hề nghi ngờ một điều là: người này chính là Lêôna, người thay quyền và là cánh tay phải của Giôdephin Banxamô.
Sau khi trói xong, chàng nhét giẻ chặt vào mồm y, lấy một chiếc khăn trải bàn trùm kín đầu y và kéo y sang căn phòng riêng của cô chủ rồi buộc y vào chân một chiếc đi văng to nặng. Sau đó chàng trở lại chỗ cô chủ lúc ấy vẫn đang rên rỉ.
– Xong rồi, – chàng bảo. – Nàng sẽ không phải trông thấy hắn ta nữa. Nàng cứ nghỉ đi. Tôi phải đi xem bà hầu phòng của nàng ra sao đã.
Về phần bà này, chàng không có gì phải lo lắng cả, và đúng như chàng dự đoán, chàng đã tìm thấy bà hầu Valăngtin ở tầng dưới trong một xó nhà, trong tình trạng giống y như tình trạng của Lêôna vừa rồi. Đây là một người đàn bà thông minh. Sau khi được cởi trói và biết rằng kẻ xâm nhập không còn làm gì được nữa, bà đã trấn tĩnh ngay và tuân theo lệnh của Raun, khi thấy chàng bảo:
– Tôi là cảnh sát mật. Tôi đã cứu cô chủ của bà. Bà lên chăm sóc cô ấy đi. Còn tôi, tôi đi hỏi cung người đàn ông kia để xem hắn còn có đồng bọn nữa không.
Raun vội vã đẩy bà ta ra cầu thang, vì chàng đang muốn được rảnh rang một mình để suy nghĩ về những điều mơ hồ đang xâm chiếm đầu chàng. Những ý nghĩ đó thật đau đầu đến nỗi có lúc chàng chán nản muốn rút lui bỏ mặc sự việc muốn ra sao thì ra.
Nhưng một viễn cảnh rõ ràng về các sự việc mà chàng phải làm để buộc chàng không được tuân theo cái ý muốn nói trên. Cái ý chí muốn giải quyết mọi việc và muốn giữ bình tĩnh như một vị thủ lĩnh trong những tình huống bi kịch nhất đã buộc chàng phải hành động. Chàng bước ra sân và rất nhẹ nhàng mở khoá cổng rồi hé mở cánh cổng nhìn ra ngoài.
Qua khe cửa, chàng liều mạng ghé mắt nhìn: phía bên kia đường, cách xa ngôi nhà một chút, có chiếc xe ngựa cổ đang đỗ.
Trên ghế đánh xe có một chàng trai còn trẻ mà chàng đã nhiều lần nhìn thấy hắn đi cùng với Lêôna và có tên gọi là Đôminnich, hắn đang ngồi canh ngựa.
Nhưng liệu trong xe còn có một kẻ nào khác nữa không? Và kẻ đó là ai?
Raun không khóa cổng nữa. Điều nghi ngờ của chàng đã được xác minh, và giờ đây không có cái gì có thể ngăn cản được chàng hành động đến cùng. Thế là chàng quay trở lên gác trên và cúi nhìn kẻ bị trói.
Trong lúc vật lộn, có một chi tiết đã làm chàng chú ý: có một chiếc còi gỗ được buộc một vòng dây bị rơi ra khỏi túi áo Lêôna, và tên này, mặc dù đang trong cơn nguy khốn, hắn vẫn cố bắt lấy chiếc còi này như một cái máy, như thể hắn sợ mất nó. Và thế là một câu hỏi được đặt ra trong đầu Raun: chiếc còi dùng để báo hiệu cho kẻ đồng lõa biết mà chạy trốn khi hắn thấy có nguy hiểm chăng? Hay là ngược lại nó dùng để gọi kẻ đồng lõa lên khi hắn đã làm xong công việc?
Raun thiên về giả thiết thứ hai, có lẽ là do trực giác hơn là do lý giải. Thế là chàng mở cửa sổ và thổi một tiếng còi.
Rồi chàng đứng đợi sau bức rèm cửa màn tuyn.
Tim chàng đập dồn. Chưa bao giờ chàng phải chịu một nỗi khổ đau khắc nghiệt như bây giờ. Trong thâm tâm chàng không hề nghi ngờ những điều chàng phỏng đoán. Nhưng chàng hy vọng sẽ không phải như vậy. Chàng không thể chấp nhận được rằng trong vụ làm ăn đen tối này kẻ đồng lõa của tên giết người Lêôna lại là…
Cánh cổng nặng nề được mở ra.
– Ôi! – Raun thất vọng thốt lên.
Giôdephin Banxamô đang bước vào nhà.
Nàng đang bước bình thản một cách tự nhiên như đang vào thăm nhà một người bạn gái. Như vậy, tiếng còi của Lêôna có nghĩa là con đường đã được khai thông, nàng cứ việc xuất hiện. Với bộ mặt che mạng, nàng nhẹ nhàng bước qua sân và bước vào nhà.
Đột nhiên Raun hoàn toàn lấy lại bình tĩnh. Tim chàng trở lại bình thường. Chàng sẵn sàng đánh gục đối thủ thứ hai này, cũng như chàng đã đánh gục đối thủ thứ nhất, tất nhiên là bằng thứ vũ khí khác, nhưng không kém phần hiệu quả. Chàng gọi nhỏ bà Valăngtin và bảo:
– Dù có chuyện gì xảy ra bà và cô cũng không được lên tiếng nhé. Ở đây họ đang lập mưu chống lại cô Brigit Rutxlanh mà tôi muốn phá. Một tên đồng đảng đang vào nhà. Bà phải im lặng tuyệt đối nhé?
Người đàn bà đề nghị:
– Thưa ông, tôi có thể giúp ông… để tôi đi gọi ông cảnh sát trưởng…
– Không được. Vụ này nếu để lộ ra sẽ có thể không có lợi cho cô chủ. Tôi sẽ chịu trách nhiệm tất cả, nhưng với điều kiện là bên đó không được gây ra một tiếng động nào, không một tiếng động, bà rõ chưa?
– Thưa ông, rõ rồi ạ.
Raun đóng hai cánh cửa thông nhau lại. Thế là căn phòng hiện đang có mặt Brigit Rutxlanh và căn phòng mà chàng dùng để đối chọi với Giôdin đã hoàn toàn bị tách biệt. Đúng như chàng muốn, không một tiếng động nào giữa hai phòng có thể lọt sang nhau được.
Lúc này, Giôdephin Banxamô đã lên tới đầu cầu thang. Nàng đã trông thấy Raun.
Và nhìn qua quần áo, nàng cũng nhận ra người bị trói là Lêôna.
Lập tức Raun nghĩ ngay được rằng ngay trong những giờ phút nguy kịch, Giôdêphin Banxamô cũng có thể tự chủ được mình. Khi thấy sự xuất hiện bất ngờ của Raun và quang cảnh lộn xộn của căn phòng trong đó Lêôna đang bị trói, nàng không hề lúng túng mà vẫn tiếp tục suy nghĩ để lấn át nỗi xúc động. Chắc chắn là nàng đang tự hỏi: “Thế này là thế nào? Chàng Raun này đến đây làm gì? Ai đã trói Lêôna thế kia?”.
Cuôi cùng, nàng bỏ mạng ra và hỏi cái điều mà nàng đang thắc mắc nhất:
– Tại sao chàng lại nhìn tôi như vậy, Raun?
Chàng đợi một lúc lâu mới trả lời. Những lời chàng sắp nói ra thật là kinh khủng và chàng đang nhìn kỹ nàng để xem nàng có giật mình hay chớp mắt gì không. Chàng nói thì thầm:
– Brigit Rutxlanh đã bị ám sát.
– Brigit Rutxlanh à?
– Phải, chính cô diễn viên tối hôm qua, nàng có dải băng nạm ngọc đeo ở trán, và nàng đừng có nói rằng nàng không biết người đàn bà này, bởi vì hiện giờ nàng đang có mặt ở đây, tại nhà cô ta, và bởi vì nàng đã giao cho Lêôna nhiệm vụ báo tin cho mình biết ngay sau khi công việc đã xong xuôi.
Nàng tỏ ra ngơ ngác.
– Lêôna à? Người này là Lêôna à?
– Phải, chính hắn đã giết Brigit. Tôi bắt được hắn khi hắn đang bóp cổ cô ta.
Chàng nhìn thấy nàng run rẩy, và nàng ngã ngồi xuống ghế nói lắp bắp:
– Ôi! Thằng khốn nạn!… Thằng khốn nạn… hắn dám làm điều đó thật à?
Và nàng hạ giọng, càng nói càng tỏ ra kinh hãi:
– Hắn đã giết người… có thể thế được chăng? Hắn đã thề với tôi là hắn sẽ không bao giờ giết người cơ mà… Hắn đã thề như thế cơ mà… Ôi! không thể tin được…
Nàng nói thật hay là nàng đang đóng kịch? Có phải tên Lêôna đã đột ngột nổi khùng mà hành động như vậy, hay là hắn được lệnh gây tội ác khi dùng thủ đoạn khác không thành? Đó là những câu hỏi đáng sợ mà Raun không tìm được câu trả lời.
Giôdêphin Banxamô ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn Raun, rồi đột ngột chắp hai tay đâm bổ tới chỗ chàng:
– Raun… Raun… Tại sao chàng lại nhìn tôi như vậy? Không, không… chàng không kết tội tôi chứ? Ôi! Thật kinh khủng… Chàng có cho là tôi biết trước chuyện này không?… Chàng có tin là tôi ra lệnh cho hắn gây ra tội ác ghê tởm này không?… không… chàng hãy thề với tôi là chàng không tin đi. Ôi! Raun… Raun của tôi…
Với thái độ hơi thô bạo, chàng ấn người đàn bà ngồi xuống. Sau đó chàng đẩy gã Lêôna nằm vào trong bóng tối. Rồi sau khi đi đi lại lại vài bước, chàng liền bước tới chỗ nàng Caliôxtrô và nắm lấy vai nàng:
– Nghe đây, Giôdin, – chàng nói thong thả bằng một giọng của kẻ luận tội, thậm chí của một đối thủ hơn là một tình nhân, – nghe đây. Từ giờ đến một nửa tiếng nữa, nếu nàng không làm sáng tỏ cho tôi rõ toàn bộ vụ này cùng những thủ đoạn bí mật xung quanh nó, thì tôi sẽ hành động chống lại nàng như chống lại một kẻ thù một sống một chết, tôi sẽ buộc nàng phải ra khỏi cái nhà này và tôi sẽ không ngần ngại đi báo ngay cho cảnh sát biết tội ác vừa xảy ra… Sau đó nàng hãy tự xoay sở lấy. Vậy nàng có nói không?