Nữ Bá Tước Đờ Caliôxtrô

CHƯƠNG 2: GIÔDÊPHIN BANXAMÔ, SINH NĂM 1788…



Caliôxtrô! Một nhân vật đặc biệt đã từng làm xôn xao dư luận cả châu Âu và làm náo động cả cung đình nước Pháp dưới triều đại của Lui XVI! Vụ án chiếc dây chuyền của hoàng hậu… vụ án hồng y giáo chủ Rôăng… vụ án Mari Ăngtoanét… đó chỉ là một vài giai đoạn nhiễu loạn trong cuộc đời đầy bí ẩn của con người này.
Đó là một con người kỳ lạ, đầy huyền bí, có tài mưu mô và có một khả năng khống chế thực sự và cho đến nay vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.
Ông ta là kẻ lừa đảo chăng? Ai mà biết được! Liệu chúng ta có quyền phủ nhận rằng một số người có giác quan sắc sảo có thể có những cách nhìn nhận thế giới khác với chúng ta không? Chúng ta có quyền coi một người là lang băm và điên rồ khi người đó biết lợi dụng những thành tựu của quá khứ, những bí mật đã bị lãng quên để khai thác tiềm năng mà chúng ta gọi là siêu nhiên, trong khi sự thực đấy là việc phát huy những tiềm lực mà chúng ta cũng có khả năng chế ngự được?
Nếu như Raun Đăngđrêxi vẫn còn tỏ ra nghi ngờ và chàng đang tự cười thầm trong bụng về sự thay đổi đột ngột trong diễn biến câu chuyện, thì hình như những người tham dự kia đã chấp nhận trước mọi điều khẳng định kỳ cục nhất như là những điều thực tế không phải bàn cãi. Phải chăng họ đã nắm được những bằng chứng và lý lẽ cụ thể về vụ này? Có phải là họ đã tìm thấy ở người đàn bà được coi là con gái của ông Caliôxtrô kia cái tài tiên đoán sự việc mà trước kia người ta đã gán cho nhân vật có phép thần thông nổi tiếng và vì nó mà người ta coi ông là một thầy phù thủy?
Gôđơphroai Đêtigơ, người duy nhất đang đứng giữa cuộc họp, cúi người về phía người đàn bà và hỏi:
– Có phải Caliôxtrô là họ của bà không?
Nàng lặng yên suy nghĩ. Có thể nói rằng nàng đang tìm câu trả lời đắc sách nhất để tự bảo vệ mình, và rằng nàng đang muốn tìm hiểu xem kẻ thù của nàng có những loại vũ khí gì. Thế là nàng bình thản trả lời:
– Chẳng có gì buộc tôi phải trả lời cả, nhất là ông lại không có quyền hỏi cung tôi. Tuy nhiên, tại sao tôi phải phủ nhận là giấy khai sinh của tôi mang tên Giôdêphin Pêlêgrini, trong khi vì một sở thích ngông cuồng mà tôi có tên gọi là Giôdêphin Banxamô, nữ bá tước đờ Caliôxtrô, hai cái họ Caliôxtrô và Pêlêgrini bổ sung cho một nhân vật mà người đó luôn làm tôi nghĩ tới Giôdêphin Banxamô.
– Người mà theo bà, và trái với lời khai của bà, bà không phải là con đẻ trực tiếp, có phải không? – Gã nam tước hỏi rõ thêm.
Nàng nhún vai không đáp. Có phải đó là biểu hiện của sự thận trọng không? Hay là sự khinh bỉ? Hay là sự phản đối một chuyện phi lý đến như vậy?
– Tôi không muốn coi sự im lặng này là một lời thú tội hoặc một lời phủ nhận, – Gôđơphroai nói tiếp và quay sang các chiến hữu của mình. – Lời nói của mụ đàn bà này chẳng có gì là quan trọng cả và chúng ta sẽ mất thời gian cãi nhau với mụ ta. Chúng ta họp nhau lại đây để cùng đi đến những quyết định quan trọng về một vụ việc mà cả hội chúng ta đã biết đại khái, nhưng còn một số chi tiết thì đa số các chiến hữu vẫn chưa rõ. Do đó cần phải nhắc lại toàn bộ sự việc. Những sự việc này đã được gói gọn trong một bản tường trình mà sau đây tôi sẽ đọc cho các bạn nghe và xin các bạn hãy chú ý theo dõi.
Và với một giọng chậm rãi, gã cầm mấy tờ giấy lên đọc mà Raun đoán chắc rằng chúng đã được Bômanhăng thảo ra:
” Vào đầu tháng Ba năm 1870, nghĩa là bốn tháng trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Pháp – Phổ, trong đám người kéo đến Pari lúc đó không có ai gây được sự chú ý bất ngờ như nữ bá tước đờ Caliôxtrô. Nàng là một người đàn bà đẹp, ăn diện, tiêu tiền như nước, hầu như luôn luôn đi một mình hoặc đi cùng với một thanh niên mà nàng giới thiệu là anh trai, bất cứ nơi nào nàng đến và ở mọi phòng khách nàng đều là một đối tượng gây tò mò nhiều nhất. Trước tiên người ta chú ý đến cái tên của nàng, và sau đó người ta để ý đến lỗi sống của nàng, một lối sống giống như lối sống của nhân vật Caliôxtrô danh tiếng: đó là dáng dấp huyền bí của nàng, là một số bài thuốc thần diệu mà nàng dùng để chữa bệnh, là những câu bói của nàng khi có người yêu cầu nàng nói về quá khứ hoặc về tương lai của họ. Tiểu thuyết của Alếchxanđrơ Đuyma đã khuyếch trương anh chàng Giôdép Banxamô, người tự coi là bá tước đờ Caliôxtrô, lên thành mốt. Học tập Đuyma, thậm chí còn ở mức độ táo tợn hơn, nàng đã tự kiêu hãnh cho mình là con gái của Caliôxtrô, đã khẳng định rằng mình biết rõ bí quyết giữ cho thân hình trẻ mãi và nàng vừa cười vừa kể về những cuộc gặp gỡ của nàng hoặc những sự kiện xảy đến với nàng dưới triều đại của Napôlêông đệ Nhất.
“Uy tín của nàng lớn đến nỗi nàng đã lọt được vào cung điện Tuylơri và xuất hiện tại hoàng cung của Napôlêông đệ Tam. Thậm chí người ta còn nói đên những cuộc họp kín trong đó nữ hoàng Ơgiêni đã tập hợp xung quanh vị nữ bá tước xinh đẹp những người bạn thân cận nhất của mình. Một số báo châm biếm ra bất hợp pháp lấy tên là “Chuyện om xòm” (tờ báo này đã bị tịch thu ngay), đã kể cho chúng ta nghe về một cuộc họp mà ở đó có một cộng tác viên nghiệp dư của tờ báo được tham dự. Tôi xin trích đọc đoạn văn này:
“Vài điều về nàng Giôcôngdơ. Nàng có một vẻ mặt không thay đổi bao nhiêu, nhưng khó mà xác định được, nó vừa dịu dàng vừa ngây thơ lại vừa tàn ác vừa đồi bại. Nàng có con mắt đầy vẻ già dặn và nụ cười không thay đổi đầy vẻ cay đắng, những cái đó làm cho nàng có dáng dấp của một người đã tám mươi tuổi. Giờ đây nàng đang rút trong túi ra một chiếc gương nhỏ có gắn khung vàng, rồi nàng cầm một chiếc lọ bé tí xíu nhỏ lên đấy hai giọt nước, sau đó nàng lau đi và soi mặt vào đó. Lập tức cái vẻ trẻ trung đầy hấp dẫn lại hiện trở lại.
Khi chúng tôi hỏi thì nàng trả lòi:
– Chiếc gương này là của bá tước Caliôxtrô. Đối với những ai tin vào nó mà soi vào thì thời gian sẽ dừng lại. Đây này, trên khung có ghi năm 1783 với bốn đường kẻ tượng trưng cho bốn câu đố hóc búa. Những câu đố này ông đã được chính nữ hoàng Mari Angtoanét truyền đạt lại cho và ông bảo rằng ai mà giải được chúng thì sẽ trở thành hoàng đế của mọi đế vương.
– Có thể được biết những câu đố đó là như thế nào không? – một người hỏi.
– Sao không? Biết câu đố chưa phải là giải được chúng và chính bá tước Caliôxtrô cũng chưa kịp giải đáp được một câu nào. Cho nên tôi chỉ có thể truyền đạt lại cho các vị tên gọi của các câu đố đó thôi. Đó là những câu:
In robore Lortuna (“Kho của giấu ở trong cây sồi” (Nguyên văn tiếng La tinh N.D).
Phiến đá che mộ của các ông vua xứ Bôem.
Của cải của các ông vua nước Pháp.
Cây đèn bảy nhánh.
Sau đó nàng nói chuyện với từng người và đoán rất đúng về vận mệnh của mỗi người đến nỗi ai cũng phải ngạc nhiên.
Nhưng đây mới chỉ là màn mở đầu, và mặc dù không muốn hỏi một tí gì về bản thân mình, nữ hoàng cũng rất muốn biết đôi điều về tương lai.
– Xin bệ hạ hãy ra ân thổi nhẹ vào đây, – vị nữ bá tước nói và đưa chiếc gương ra.
Sau đó, vừa xem xét lớp hơi nước phủ trên mặt gương, nàng vừa thì thầm:
– Hạ thần nhìn thấy có rất nhiều điều tốt đẹp… một cuộc chiến tranh lớn sẽ xảy ra vào mùa hè này… cảnh chiến thắng… đoàn quân trở về kéo qua khải hoàn môn… Mọi người hoan hô hoàng đế, hoan hô hoàng thái tử.
Đây chính là tài liệu mà chúng ta đã được thông báo, – nam tước Gôđơphroai nói tiếp. – Một bản tài liệu đáng làm cho mọi người hoang mang, bởi vì nó đã được đăng mấy tuần trước khi nổ ra chiến tranh. Vậy người đàn bà này là ai? Kẻ nữ khách giang hồ này là ai mà lại có những lời tiên đoán nguy hại tác động đến tinh thần yếu đuối của vị nữ hoàng bất hạnh đến thế và không phải là không gây ra cái tai họa của năm 1870? Có ai đó (xem số báo trên) đã có lần hỏi nàng:
– Cứ cho nàng là con gái của Caliôxtrô đi, nhưng còn mẹ nàng là ai?
– Mẹ tôi à? – Nàng trả lời, – xin hãy tìm trong số những người quí tộc sống cùng thời với bá tước Caliôxtrô…. Hãy tìm trong số hàng ngũ quí tộc cấp sang nhất ấy… Phải rồi, đúng là người ấy…
Đó là bà Giôdêphin đờ Bôácne, người vợ tương lai của Bônapác, là vị nữ hoàng tương lai…
Cảnh sát của Napôlêông đệ Tam đã không thể làm ngơ. Đến cuối tháng Sáu, cảnh sát đã tường trình một bản báo cáo ngắn gọn do một trong những điệp viên tài giỏi nhất soạn thảo sau khi đã tiến hành một cuộc điều tra vất vả. Tôi xin đọc bản báo cáo đó:
“Các tấm hộ chiếu do nước Italia cấp cho bà ta, có lưu ý đến ngày sinh nhật của bà, đều được ghi với cái tên là Giôdêphin Pêlêgrini – Banxamô, nữ bá tước đờ Caliôxtrô, sinh tại Palécmơ ngày 29-7-1788. Đến Palécmơ tôi đã tìm thấy tập sổ đăng bạ của giáo phận Moóctarana và trong một tập ghi ngày 29-7-1788 tôi đã tìm thấy tờ giấy khai sinh của Giôdêphin Banxamô, con gái của ông Giôdép Banxamô với bà Giôdêphin đờ la P., vợ bé của vua nước Pháp.
Đây có phải là Giôdêphin Tasê đờ la Pagiơri, con gái của vợ bé tử tước Bôácne và là vị hôn thê của tướng Bônapác không? Tôi đã tìm kiếm theo chiều hướng này và sau một thời gian kiên nhẫn điều tra, dựa vào những bức thư chép tay của một trung uý hiến binh ở Pari, tôi đã tìm hiểu được rằng năm 1788 cảnh sát đã suýt bắt được ông Caliôxtrô. Ông này, mặc dù đã bị trục xuất khỏi nước Pháp sau vụ Dây chuyền vàng, vẫn sống tại một khách sạn nhỏ trong lâu đài Phôngtenơblô và hàng ngày vẫn tiếp một bà mệnh phụ cao gầy. Mặt khác, cũng trong thời gian đó bà Giôdêphin đờ Bôácne cũng ở trong lâu đài Phôngtenơblô. Bà cũng cao và gầy. Trước ngày chuẩn bị bắt ông ta một hôm, Caliôxtrô đã biến mất. Ngày hôm sau, Giôdêphin đờ Bôácne cũng đột ngột ra đi. Một tháng sau, tại Palécmơ đứa trẻ ra đời.
Những điều trùng hợp trên đây chưa phải là đáng để ý. Nhưng khi để chúng lại gần nhau thì chúng mới có ý nghĩa. Mười tám nám sau, nữ hoàng Giôdephin đem về một đứa con gái nuôi, đứa bé đã được hoàng đế Napôlêông yêu quí đến mức ngài đã chơi đùa với nó như một đứa con. Tên đứa bé ấy là gì? Là Giôdêphin hay còn gọi là Giôdin.
Nền đế chế sụp đổ, Nga hoàng Alếchxanđrơ đệ Nhất tiếp nhận Giôdin và gửi nàng sang Nga. Ở đây nàng mang danh tước gì? Đó là nữ bá tước đờ Caliôxtrô.”
Nam tước Đêtigơ đã dứt lời mà cả phòng yên lặng. Mọi người đã ngồi nghe với một sự chú ý cao độ. Bị hoang mang bởi câu chuyện khó tin này, Raun cố tìm xem trên gương mặt của bà nữ bá tước có một phản ứng gì tỏ ra là xúc động hay có dấu hiệu của một tình cảm nào khác chăng.
Nhưng nàng vẫn tỏ ra thờ ơ, cặp mắt xinh đẹp vẫn như đang cười.
Gã nam tước nói tiếp:
– Bản báo cáo này, và có lẽ cả sự ảnh hường nguy hại của nữ bá tước đối với điện Tuylơn, đã cắt đứt vận may của nàng. Nàng cùng em trai đã bị ra lệnh trục xuất. Cậu em đi sang Đức, còn nàng trở về Italia và có một vị sĩ quan trẻ đi tiễn. Vị sĩ quan đó chính là hoàng thân Đáccôlơ. Chính chàng là người đã cung cấp cho chúng ta hai tài liệu nói trên: số báo “Chuyện om xòm” và bản báo cáo mật mà bản gốc hiện nay đang ở trong tay chàng kèm theo cả tem và chữ ký. Và vừa đây, cũng chính chàng đã chứng thực cho chúng ta một cách chắc chắn rằng người đàn bà mà chàng đã gặp sáng hôm đó chính là người đang ngồi trước mặt chúng ta đây.
Hoàng thân Đáccôlơ đứng dậy và cất giọng nói nghiêm trang:
– Tôi không tin là có phép màu nhiệm, vậy mà cái điều tôi nói ra đây vẫn là sự khẳng định của một phép màu. Nhưng sự thật buộc tôi phải lấy danh dự của một quân nhân để tuyên bố rằng người đàn bà này chính là người mà tôi đã gặp tại ga Môđan cách đây hai mươi tư năm.
– Người mà ông đã chào một cách cộc lốc không một lời xã giao có phải không? – Giôdêphin Banxamô nói bóng gió.
Nàng đang quay sang phía hoàng thân và hỏi chàng với một giọng vui vẻ có pha chút châm biếm.
– Bà định nói gì?
– Tôi muốn nói rằng một sĩ quan Pháp tỏ ra quá lịch sự đến nỗi khi chia tay một người đàn bà đẹp chỉ nói được mỗi câu chào xã giao đơn giản.
– Điều đó có nghĩa là?
– Điều đó có nghĩa là ông phải nói vài lời gì nữa chứ.
– Có thể. Tôi không còn nhớ nữa… – Hoàng thân Đáccôlơ tỏ ra hơi bối rối.
– Ông đã cúi người trước kẻ bị trục xuất. Ông đã hôn tay người đó lâu hơn mức cần thiết và ông đã nói như sau: “Thưa bà, tôi hy vọng rằng những giây phút mà tôi được sung sướng ở gần bà sẽ còn có ngày được tái diễn, về phần tôi, tôi sẽ không bao giờ quên được những giây phút đó”. Và ông còn nhắc lại vói một giọng đặc biệt để nhấn mạnh cái ý đồ nịnh đầm của ông: “không bao giờ, bà có nghe rõ không? Không bao giờ…”
Hoàng thân Đáccôlơ tỏ ra là một người có văn hoá cao. Tuy nhiên, khi nghe người khác gợi lại chính xác cái giây phút cách đây một phần tư thế kỷ thì chàng vẫn trở nên lúng túng đến mức chỉ nói lắp bắp được một câu:
– Lạy Chúa!
Nhưng chàng nhanh chóng đứng thẳng người, lấy lại thế tấn công với một giọng hấp tấp:
– Thưa bà tôi đã quên rồi. Nếu như cuộc gặp lần đó đã đem lại một kỷ niệm thú vị, thì lần gặp thứ hai đã làm cho tôi không còn nhớ nó nữa.
– Thế lần gặp thứ hai này là vào lúc nào?
– Đó là vào đầu năm sau, tại Vécxai, lúc đó tôi tham gia đoàn đại biểu Pháp đang làm nhiệm vụ thương lượng đình chiến. Tôi đã nhìn thấy bà trong một quán cà phê, bà đang ngồi uống cà phê và cười đùa với một nhóm sĩ quan Đức trong đó có một người là sĩ quan hầu cận của Bíxmác. Đến hôm ấy tôi mói hiểu được vai trò của bà ở điện Luylơri mà bà là người thừa hành.
Tất cả những điều tố giác này, tất cả những biến cố của một cuộc đời có cái vẻ ngoài huyền thoại đã được bộc lộ ra trong vòng chưa đầy mười phút. Không hề có một lý lẽ, không hề có một mưu toan lôgic và hùng biện nhằm đưa ra một luận điểm không thể hiểu được. Tất cả chỉ có các sự kiện. Tất cả chỉ là những bằng chứng dồn dập đã được lược gọn và được tung ra như những cú đấm và chúng càng tỏ ra khó tin khi chúng gợi lại những kỷ niệm phản bác lại một người đàn bà, còn rất trẻ trong đó có những kỷ niệm xảy ra từ hơn một thế kỷ nay!
Raun Đăngđrêxi vẫn chưa hết bàng hoàng. Chàng có cảm tưởng như đang được xem một cảnh trong tiểu thuyết, hoặc đúng hơn nữa là một cảnh trong các vở kịch bi lụy huyền ảo và u ám, và chàng cũng có cảm tưởng rằng những kẻ lập mưu kia không phải là người thật, họ đang chăm chú nghe những chuyện vừa kể ra như thể những câu chuyện đó có giá trị như là các sự kiện không thể chối cãi. Tất nhiên Raun không phải là không biết cái trí tuệ tầm thường của bọn quí tộc nhà quê này, một di sản cuối cùng của thời đại. Nhưng dù sao chàng vẫn không hiểu tại sao bọn chúng lại bỏ qua chính bản thân những số liệu của vấn đề về tuổi tác của người đàn bà? Cho dù chúng có dễ tin người đến mấy đi chăng nữa thì chúng cũng phải có mắt mà nhìn chứ?
Mặt khác, trước mặt những kẻ này, thái độ của nữ bá tước còn tỏ ra kỳ lạ hơn. Tại sao nàng lại im lặng như vậy, liệu đó có phải là một lời chấp nhận, một thái độ tự thú không? Hay là nàng không muốn làm tan vỡ cái huyền thoại về một sự trẻ mãi không già có khả năng cho phép nàng thực hiện những ý đồ của nàng chăng? Hay là nàng vẫn không hay biết gì về một môi nguy hiểm đáng sợ đang treo trên đầu nàng và chỉ coi cái màn kịch này như là một trò đùa đơn giản?
– Quá khứ của nàng là như vậy, – nam tước Đètigơ kết luận. – Tôi không muốn nhắc lại những đoạn chuyển tiếp giữa cái quá khứ đó với cái hiện tại hôm nay. Mặc dù náu mình trong hậu trường, nhưng Giôdêphin Banxamô, nữ bá tước đờ Caliôxtrô, đã có liên can đến vụ bi hài kịch của phong trào chống đối của tướng Bulănggiê, đến tấn bi kịch tại Panama. Nhưng ở đây chúng ta chỉ có những dấu hiệu về vai trò bí mật của nàng chứ không hề có một bằng chứng nào. Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên tôi muốn hỏi một câu. Thưa bà, về tất cả những điều vừa nói trên, bà có nhận xét gì không.
– Có chứ, – nàng đáp
– Thế thì bà nói đi.
Người đàn bà trẻ lên tiếng vẫn với cái giọng có pha chút giễu cợt:
– Hình như các vị đang muốn xét xử tôi, mà là xét xử theo kiểu của tòa án trung cổ, vậy tôi muốn biết các vị có coi những điều kể trên là gì không? Nếu thế thì phải kết án thiêu sống tôi như là một mụ phù thuỷ, một nữ gián điệp, một kẻ theo dị giáo, những tội ác mà tòa án giáo hội không dung thứ.
– Không, – Gôđơphroai trả lời. – Những chuyện phiêu lưu trên đây kể ra chỉ là để cho mọi người hình dung rõ ràng vài nét cuộc đời của bà thôi.
– Ông tin là đã khả dĩ hình dung được rõ ràng cuộc đời của tôi à?
– Được, theo quan điểm của chúng tôi.
– Ông thỏa mãn ít quá đây. Thế ông có thấy giữa những chuyện phiêu lưu đó có những sợi dây liên hệ gì không?
– Tôi thấy có ba loại bằng chứng. Trước hết đó là lời chứng thực của tất cả những người đã nhận ra bà; dựa vào đó chúng tôi có thể lần về những thời điểm xa xưa nhất, sau đó là lời tự thú của bà.
– Lời tự thú nào?
– Bà vừa nhắc lại cho hoàng thân Đáceôlơ nghe chính những câu nói của cuộc đối thoại giữa bà và ông ta tại ga Môđan.
– Đúng thế. Còn gì nữa…
– Còn đây là ba bức chân dung đều mang hình bà cả ba, có phải không?
Nàng nhìn ba bức hình và tuyên bố:
– Ba bức chân dung này đều mang hình tôi.
– Tốt lắm! – Gôđơphroai nói. – Bức thứ nhất là bức vẽ thu nhỏ được vẽ từ năm 1816 tại Mátxcơva, theo hình Giôdin, nữ bá tước đờ Caliôxtrô. Bức thứ hai là bức ảnh này, chụp năm 1870. Còn bức này là bức ảnh mới chụp gần đây tại Pari. Cả ba bức chân dung đều được bà ký tên. Cùng một chữ ký. Cùng một nét chữ… Cùng một ký hiệu.
– Điều đó chứng minh cái gì?
– Điều đó chứng minh rằng cùng một người đàn bà…
– Rằng cùng một người đàn bà, – nàng ngắt lời, – đến năm 1894 vẫn giữ được vẻ mặt từ năm 1816 và từ năm 1870 phải không? Vậy thì đem thiêu sống đi!
– Bà đừng có cười. Bà nên biết là giữa chúng ta cười cợt là một sự báng bổ ghê gớm đấy nhé.
Nàng phác một cử chỉ sốt ruột và gõ gõ tay ghế.
– Nhưng mà thôi xin ông hãy kết thúc cái trò đùa này đi! Có chuyện gì vậy? Các vị kết tội gì tôi? Tại sao tôi lại rơi vào đây?
– Thưa bà, bà được mời đến đây để thanh toán với chúng tôi những tội ác mà bà đã gây ra.
– Tội ác nào?
– Hội chúng tôi có mười hai người, mười hai người cùng theo đuổi một mục đích. Bây giờ chúng tôi chỉ còn có chín. Ba người kia đã bị bà ám sát chết.
Raun Đăngđrêxi có cảm giác như có một bóng mây đen thoáng qua trên nụ cười của nàng Giôcôngđơ. Nhưng ngay sau đó gương mặt xinh đẹp của nàng lấy lại vẻ bình thường, như thể chẳng có cái gì có thể làm biến đổi thái độ thư thái của người đàn bà này, kể cả những lời buộc tội đáng sợ được ném ra một cách gay gắt như vậy. Có thể nói nàng không có những tình cảm thông thường như mọi người, hoặc nếu có thì nàng đã biết giữ không để lộ ra bằng những phản ứng phẫn nộ. Thật là kỳ lạ! Cho dù có tội thật hay không, đối với người khác thì họ đã nổi khùng lên rồi, nhưng còn nàng thì vẫn im lặng, và không có một dấu hiệu nào chứng tỏ đó là do thái độ bất chấp hay do một điều là nàng thực sự vô tội cả.
Các chiến hữu của gã nam tước vẫn ngồi im vẻ mặt nghiêm nghị và nhăn nhó. Đằng sau họ, được che khuất khỏi ánh mắt của Giôdêphin Banxamô, Raun nhận ra Bômanhăng. Gã đang ngồi ôm lấy mặt, chống hai khuỷu tay xuống lưng chiếc ghế ở đằng trước. Hai con mắt gã sáng long lanh qua kẽ ngón tay và như muốn gắn chặt vào bộ mặt của kẻ thù.
Trong căn phòng yên lặng, Gôđơphroai Đêtigơ tuyên bố lời buộc tội, hay đúng ra là ba lời buộc tội đanh thép. Gã nói một cách khô khan, giống như gã vẫn nói từ nãy đến giờ, không một chi tiết thừa, không một chút lên giọng, đúng hơn là như đọc một tờ biên bản.
– Cách đây mười tám tháng, Đơni Xanh-Êbe, người trẻ nhất trong bọn chúng tôi, đang đi săn tại một địa điểm gần cảng Havrơ. Đến lúc chiều tà chàng chia tay người nông dân và người vệ sĩ theo hầu, vác súng lên vai và bảo rằng chàng ra đứng bên bờ đá xem mặt trời lặn từ khơi xa. Đến đêm vẫn không thấy chàng trở về. Sáng hôm sau người ta tìm thấy xác chàng dưới chân vách đá ngoài bờ biển.
Một vụ tự tử chăng? Đơni Xanh-Êbe là một người giàu có, sống khoẻ mạnh, hạnh phúc. Chẳng có lý do gì để chàng phải tự tử cả. Một vụ án chăng? Người ta không cho là như thế. Vậy chỉ còn là do tai nạn.
Đầu tháng Sáu sau đó, chúng tôi lại có một cái tang nữa, cũng trong những điều kiện tương tự như vậy. Một buổi sáng sớm, anh chàng Goócgiơ Đixnôvan của chúng tôi đang đi săn chim hải âu bên bờ vách đá ở cảng Diépơ thì bị trượt chân ngã đập đầu vào đá nằm bất tỉnh. Mấy giờ sau có hai người đánh cá tìm thấy chàng thì chàng đã chết, để lại một quả phụ và hai con gái nhỏ.
Đấy cũng là một tai nạn, có phải không? Đúng, đó là tai nạn đối với người quả phụ, đối với hai đứa trẻ mồ côi, đối với gia đình chàng… Nhưng còn đối với chúng tôi thì sao? Chẳng lẽ thần may rủi lại làm hại hội chúng tôi một lần nữa à? Mười hai người chúng tôi họp lại để đi tìm điều bí mật và đã đạt được gần tới đích. Vậy mà hai người đã chết. Có thể coi đây là một mánh khóe tội ác nhằm chống lại sự nghiệp của chúng tôi không?
Chính hoàng thân Đáccôlơ là người đã mở mắt cho chúng tôi và dẫn chúng tôi đi đúng hướng. Hoàng thân Đáccôlơ biết rằng không phải chỉ có chúng tôi là những người duy nhất được biết cái điều bí mật kia. Chàng biết rằng tại một cuộc họp ở nhà nữ hoàng Ơgiêni người ta đã nhắc đến một bản danh sách ghi bốn câu đố do Caliôxtrô truyền lại cho con cháu, và một trong những câu đố đó có tên gọi đúng như câu đố mà chúng tôi quan tâm, đó là câu đố về cây đèn bảy nhánh. Như vậy phải chăng chúng tôi phải hướng cuộc điều tra vào những người được thừa hưởng những câu đố đó?
Nhờ có những phương tiện nghiên cứu đắc lực, trong vòng mười lăm ngày, công việc điều tra của chúng tôi đã đạt được kết quả. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng tại một khách sạn tư nhân bên một con đường vắng ở Pari có một người đàn bà tên là Pêlêgrini ở trọ, người này sống khá ẩn dật và thường vắng mặt hàng mấy tháng liền. Bà ta có một sắc đẹp lộng lẫy nhưng đi đứng rất thận trọng, và vì không muốn để người ta để ý, bà ta núp dưới cái tên nữ bá tước đờ Caliôxtrô và thường xuyên lui tới những nơi hành nghề ma thuật, diễn trò huyền bí và cúng ma.
Chúng tôi đã kiếm được ảnh của bà ta, đó là chiếc ảnh này, và gửi cho hoàng thân Đáccôlơ khi đó đang ở Tây Ban Nha; chàng kinh ngạc nhận ra chính người đàn bà mà chàng đã gặp năm xưa.
Chúng tôi đã theo dõi địa bàn hoạt động của bà ta. Vào cái ngày mà Xanh-Êbe chết ở gần cảng Havrơ thì bà ta có mặt tại Havrơ. Bà ta cũng tới Điépơ khi Gioócgiơ Đixnôvan nằm hấp hối dưới chân vách đá ở cảng Điépơ!
Tôi đã hỏi chuyện hai gia đình. Bà quả phụ của Gióocgiơ Đixnôvan cho tôi biết rằng thời gian gần đây chồng bà có quan hệ với một người phụ nữ mà theo bà, ả ta đã làm cho chồng bà vô cùng đau khổ. Mặt khác, Xanh-Êbe đã để lại một tờ khai mà mẹ chàng vẫn giữ lại được cho đến ngày nay, tờ khai đó cho chúng tôi biết rằng anh bạn của chúng tôi đã vô ý ghi tên cả mười hai người chúng tôi cùng với vài lời chỉ dẫn về cây đèn bảy nhánh vào một quyển sổ tay, và quyển sổ này đã bị một người đàn bà lấy cắp.
Từ đấy mọi chuyện đã được giải thích. Người đàn bà mà Xanh-Êbe yêu đã làm chủ được một phần những bí mật của chúng tôi, và vì muốn tìm hiểu thêm nữa nên cũng chính ngưòi đàn bà này đã làm cho Gióocgiơ Đixnôvan phải lòng. Sau đó, khi đã lấy được lời khai của họ và vì sợ họ tố giác cho các chiến hữu của họ biết, ả ta đã giết chết cả hai. Người đàn bà ấy đang ngồi trước mặt chúng tôi đây.
Gôđophroai Đêtigơ ngừng lại một chút. Sự im lặng lại trở nên nặng nề đến mức có cảm giác như các vị quan tòa đang bị liệt trong bầu không khí ngột ngạt và hoang mang. Chỉ có một mình nữ bá tước Caliôxtrô là vẫn giữ vẻ lơ đãng, như thể không một lời nào lọt được vào tai nàng.
Vẫn nằm dài trong cái chòi quan sát của mình, Raun Đăngđrêxi chiêm ngưỡng cái sắc đẹp đầy hấp dẫn và khêu gợi của người đàn bà trẻ, và đồng thời chàng cảm thấy bối rối khi phải chứng kiến một loạt chứng cớ đang được tập họp lại để chĩa vào nàng. Lời buộc tội đang càng ngày càng thắt chặt nàng. Từ mọi hướng, các sự kiện dồn dập được tung ra, và Raun biết chắc rằng đòn đánh trực tiếp vẫn chưa được sử dụng.
– Bà có cần tôi kể đến tội ác thứ ba của bà không? – Gã nam tước hỏi.
Nàng đáp giọng uể oải:
– Nếu ông thích thì cứ kể. Tôi chẳng hiểu gì những điều ông nói cả. Ông kể cho tôi về những người mà thậm chí cả tên tuổi họ tôi cũng không biết. Thế cho nên, thêm hay bớt một tội ác nữa thì…
– Bà không quen Xanh-Êbe và Đixnôvan à?
Nàng nhún vai không đáp.
Gôđơphroai chồm người lên rồi hạ giọng hỏi:
– Thế còn Bômanhăng?
Nàng ngước đôi mắt ngây thơ lên nhìn gã nam tước:
– Bômanhăng à?
– Phải, đó là người thứ ba trong số chiến hữu của chúng tôi đã bị bà giết chết. Chỉ mới cách đây mấy tuần thôi… Ông ta đã bị đầu độc. Bà không quen ông ta ư?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.