Suốt dọc đường Raun không ngớt lời tán tụng nữ bá tước. Có lẽ nữ bá tước Caliôxtrô đã xử sự rất đúng khi nàng không đưa tay ra cho Raun để thử xem chàng có dám hôn không. Nhưng thực tế là nếu như chàng đã thề là sẽ chinh phục bằng được người đàn bà, và nếu như chàng đã kiên quyết giữ lời hứa đó, thì chàng vẫn còn giữ được cho mình một thái độ và những ý nghĩ kính nể để cho chàng có đủ can đảm tuôn ra những tràng diễn văn tỏ tình.
Liệu nàng có nghe không? Có, thỉnh thoảng nàng có nghe, giống như người ta nghe một đứa trẻ con kể lể tình cảm của nó với một vẻ dễ thương. Nhưng thỉnh thoảng nàng lại khép mình trong sự im lặng xa vời làm cho Raun trở nên hoang mang.
Cuối cùng chàng kêu lên:
– Ôi, nàng hãy nói chuyện với tôi đi, tôi van nàng. Tôi đã thử đùa cợt để nói với nàng những chuyện mà tôi không dám nói với nàng một cách nghiêm túc. Nhưng, nói cho cùng thì tôi sợ nàng, tôi không biết mình nói gì. Tôi xin nàng, hãy trả lời tôi đi. Chỉ cần mấy câu để cho tôi tỉnh lại thôi.
– Chỉ mấy câu thôi à?
– Vâng, tôi không dám đòi hơn.
– Được rồi, thế thì đây: ga Đuđơvin gần ngay đây và tàu hỏa đang đợi chàng.
Chàng bắt chéo hai tay với vẻ phẫn nộ.
– Thế còn nàng?
– Tôi ấy à?
– Phải, nàng sẽ ra sao nếu phải sống một mình?
– Lạy Chúa, thì tôi sẽ cố thu xếp như tôi vẫn làm từ trước đến nay.
– Không thể được! Nàng không thể sống thiếu tôi được nữa đâu. Nàng đã bước vào một trận chiến đấu mà ở đó nàng không thể thiếu sự giúp đỡ của tôi được. Bômanhăng, Gôđơphroai Đêtigơ, hoàng thân Đáccôlơ và biết bao nhiêu kẻ cướp khác nữa sẽ nghiền nát nàng.
– Chúng nghĩ là tôi đã chết rồi.
– Lại thêm một lý do nữa. Nếu nàng đã chết rồi thì nàng sẽ hành động như thế nào?
– Chàng không phải lo gì cả. Tôi sẽ hành động mà không để cho chúng biết.
– Nhưng nếu có tôi làm môi giới thì có phải sẽ dễ dàng biết bao không! Đừng, tôi xin nàng, và lần này tôi xin nói nghiêm túc, nàng đừng từ chối sự giúp đỡ của tôi. Có những việc mà một người đàn bà không thể thực hiện một mình được. Do một điều đơn giản là nàng theo đuổi cùng một mục đích với những kẻ kia, và nàng đang giành nhau với họ, họ đã thành công dựng nên được một âm mưu thô bỉ để chống lại nàng. Họ đã kết tội nàng bằng những lý lẽ và bằng chứng có vẻ như xác đáng đến nỗi có lúc tôi đã tưởng nàng là một mụ phù thủy và một kẻ giết người mà gã Bômanhăng hết lời căm ghét và khinh bỉ.
– Nàng đừng thù ghét tôi. Ngay từ khi nàng đương đầu chống lại bọn họ thì tôi hiểu là mình đã lầm. Trước mặt nàng, Bômanhăng và đồng bọn chỉ là những tên đao phủ gớm ghiếc và đê hèn. Thái độ đường hoàng của nàng đã làm cho nàng át hẳn bọn kia, và ngày hôm nay tôi không còn giữ lại một tí kỷ niệm gì về những lời dèm pha của họ. Nhưng nàng cần phải chấp nhận sự giúp đỡ của tôi. Nếu như những lời tỏ tình của tôi làm cho nàng khó chịu, thì tôi sẽ không làm như thế nữa. Tôi không đòi hỏi gì ngoài một điều là được hiến thân phục vụ nàng, như người ta vẫn hiến thân cho cái gì là đẹp đẽ và thanh khiết nhất.
Nàng đồng ý. Xe lại chạy qua phố huyện Đuđơvin. Đi được một quãng nữa trên đường đi Ivơtô, chiếc xe rẽ vào sân trong một trang trại có trồng táo và xung quanh có hàng cây để bao bọc.
– Xuống thôi – nữ bá tước nói. – Trang trại này là của mẹ Vátxơ, một người đàn bà lương thiện, quán trọ của bà ta ở đằng kia và tôi thuê luôn bà làm nghề nấu ăn. Thỉnh thoảng tôi về đây nghỉ hai, ba ngày. Chúng ta sẽ đến đó ăn trưa… Lêôna này, một giờ nữa chúng ta sẽ khởi hành nhé.
Hai người bước ra đường lớn. Nàng bước đi nhẹ nhàng như mọi người con gái khác. Nàng mặc một chiếc váy liền áo màu xám bó sát eo, trên đầu đội một chiếc mũ màu tím quai nhung và có cài một bó hoa viôlét. Raun Đăngđrêxi đi cách sau nàng một bước để luôn luôn được ngắm nàng.
Sau khúc ngoặt thứ nhất họ nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ mái tranh có tường quét vôi trắng, trước nhà có một mảnh vườn trồng đầy hoa. Họ bước vào phòng giải khát mở ngay ở gian trước nhà.
– Có giọng đàn ông. – Raun nhận xét và chỉ tay về phía một chiếc cửa thông với gian trong.
– Đó chính là căn phòng tôi vẫn thường ăn trưa ở đó. Chắc là bà ta đang ngồi nói chuyện với mấy ông nông dân.
Nàng chưa nói hết câu thì chiếc cửa đó mở ra và một người đàn bà đứng tuổi xuất hiện, bà ta thắt tạp dề bằng vải bông và đi guốc gỗ.
Nhìn thấy Giôdephin Banxamô, bà tỏ ra lúng túng; bà vội khép cửa lại và lắp bắp nói không ra tiếng.
– Có chuyện gì vậy? – Giôdephin Banxamô lo lắng hỏi.
Mẹ Vátxơ ngồi thụp xuống ghế và nói lắp bắp:
– Cô đi đi… trốn đi… nhanh lên…
– Nhưng mà tại sao? Bà nói rõ xem nào…
– Cảnh sát… họ đang tìm cô… Họ đã lục soát căn phòng mà tôi đã để va ly của cô ở đó… Họ đang đợi hiến binh đến… Cô trốn ngay đi kẻo khốn.
Đến lượt mình, nữ bá tước run rẩy lảo đảo đến nỗi phải dựa vào một chiếc tủ buých phê. Nàng đưa mắt nhìn Raun cầu cứu như thể cảm thấy ngày tận số đến nơi, và nàng cầu cứu chàng giúp đỡ.
Chàng ngạc nhiên hỏi:
– Hiến binh thì việc gì đến nàng? Họ không tìm nàng đâu…
– Có đấy, họ tìm cô ấy đấy, – mẹ Vátxơ nhắc lại. – Họ tìm cô ấy… cậu hãy cứu cô ấy đi.
Với vẻ mặt tái đi và vẫn chưa hiểu chính xác ý nghĩa của sự việc mà chàng đoán là nó có một ý nghĩa bi kịch nghiêm trọng, chàng nắm lấy tay nữ bá tước, kéo ra cửa và đẩy nàng ra trước.
Nhưng, trước khi kịp bước qua ngưỡng cửa, nàng hốt hoảng lùi lại và thì thào:
– Bọn hiến binh!… chúng nhìn thấy tôi rồi!…
Cả hai vội quay vào. Mẹ Vátxơ run hết cả chân tay và thều thào mấy câu ngớ ngẩn.
– Hiến binh… cảnh sát…
– Im nào, – Raun nói khẽ và tỏ ra rất bình tĩnh. – Trật tự nhé! Tôi sẽ chịu trách nhiệm mọi việc. Có bao nhiêu cảnh sát.
– Hai người.
– Cộng với hai người hiến binh nữa. Như vậy là không thể đọ sức được, chúng ta đã bị bao vây. Va ly của nữ bá tước ở đâu?
– Ở trên gác.
– Cầu thang lên gác đâu?
– Đây.
– Được rồi. Bà cứ ở đây nhé, và cố gắng đừng khai gì cả. Xin nhắc lại: tôi sẽ chịu trách nhiệm tất cả.
Chàng cầm tay nữ bá tước leo lên một chiếc thang dẫn lên một căn gác xép ở đó họ đã thấy quần áo đựng trong hai chiếc va ly bị bới ra vứt bừa bãi khắp nhà. Khi họ lên tới căn gác xép thì hai người cảnh sát từ căn phòng trong bước ra phòng giải khát và khi Raun rón rén bước đến gần chiếc cửa sổ mở ra sát mép trái tranh nhìn xuống thì chàng thấy hai người hiến binh đang xuống ngựa buộc dây cương vào cọc vườn.
Giôdephin Banxamô ngồi im không động đậy. Raun nhìn thấy mặt nàng biến sắc, nỗi lo lắng đã làm cho mặt nàng dúm dó và già hẳn đi.
Chàng nói:
– Nhanh lên! Nàng thay váy đi. Thay chiếc váy khác đi… nên mặc chiếc váy đen ấy.
Chàng quay lại chỗ cửa sổ, từ đó chàng nhìn thấy mấy người cảnh sát và hiến binh đang trao đổi với nhau ở ngoài vườn. Khi nàng thay quần áo xong, chàng liền cầm lấy chiếc váy xám nàng vừa thay ra và mặc vào. Người chàng mảnh dẻ nên chàng mặc rất vừa, chàng tỏ ra rất khoái chí cái trò hóa trang này và rất bình tĩnh đến nỗi người đàn bà cũng thấy yên tâm.
– Nghe họ nói kìa, – chàng bảo.
Cả hai nghe rõ cuộc trao đổi của bốn người ở trước cửa nhà trọ, và họ nghe thấy tiếng một người – chắc chắn là một hiến binh – hỏi bằng một giọng khàn đều đều:
– Các anh có dám chắc là ả ta sống tạm ở đây không?
– Chắc chắn. Bằng chứng là ả có hai chiếc va ly vẫn để ở trên gác, mà một cái có ghi tên ả: Bà Pêlêgrini. Với lại mẹ Vátxơ là một người đàn bà lương thiện, có đúng không?
– Không ai lương thiện hơn mẹ Vátxơ, cả vùng này ai cũng biết bà.
– Ấy! Mẹ Vátxơ đã bảo là cái mụ Pêlêgrini ấy thỉnh thoảng vẫn đến đây trọ vài ngày.
– Chà! Mụ đi nghỉ sau một vụ đập hộp ấy mà!
– Đúng như vậy.
– Thế thì mụ Pêlêgrini này sẽ là một con mồi cỡ bự phải không?
– Một con mồi tuyệt vời. Ăn cắp có hạng. Lừa đảo. Tàng trữ của ăn cắp. Nói tóm lại mụ là một con quỷ… đó là chưa kể đến một loạt những kẻ đồng lõa khác.
– Người ta có nắm được nhân dạng của mụ không?
– Có và không.
– Người ta có hai bức ảnh chụp mụ rất khác nhau. Một cái trẻ và một cái già. Về tuổi tác thì mụ ở trong khoảng từ ba mươi đến sáu mươi.
Cả bọn bật cười, sau đó cái giọng khàn lại lên tiếng:
– Thế các anh đã dò được dấu vết mụ chưa?
– Được mà cũng chưa được. Cách đây mười lăm hôm mụ ta hoạt động tại Ruăng và Điéppơ. Đến Điéppơ thì mụ ta mất hút. Sau đó người ta lại thấy mụ trên một tuyến đường sắt quan trọng, rồi lại mất hút. Liệu mụ ta có đi thẳng đến Lơ Havrơ hay là rẽ xuống Phêcăng? Không thể biết được. Mụ ta đã hoàn toàn mất hút. Chúng tôi đang lúng túng tìm chưa ra.
– Thế tại sao các anh lại tìm đến đây?
– Tình cờ thôi. Có một công nhân nhà ga làm nhiệm vụ chuyên chở va ly ở đó đã nhớ đến một cái tên Pêlêgrini ghi trên một chiếc va ly được để ở một nơi kín đáo.
– Các anh đã hỏi cung những người khách đi tàu khác không, cả những người khách ở nhà trọ này nữa?
– Ô! Khách trọ ở đây ít lắm.
– Dù sao thì lúc vừa đến đây chúng tôi cũng có nhìn thấy một người đàn bà.
– Một người đàn bà à?
– Chắc chắn là như vậy. Lúc đến đây, khi còn chưa kịp xuống ngựa, chúng tôi đã nhìn thấy chị ta ra khỏi quán theo lối cửa này này. Nhưng chị ta liền quay vào ngay như thể không muốn ai nhìn thấy.
– Vô lý!… một người đàn bà trong quán trọ ư?…
– Người ấy mặc váy màu xám. Chúng tôi chưa kịp nhận dạng chị ta, nhưng màu váy thì chắc chắn rồi… Cả cái mũ nữa… một cái mũ có cài hoa viôlét.
Bốn người đàn ông im lặng.
Raun và người đàn bà nghe rõ cuộc trao đổi này không sót một lời, bốn mắt nhìn nhau không nói. Cứ mỗi lần nghe thấy một bằng chứng mới là vẻ mặt Raun lại trở nên cứng rắn hơn. Còn nàng thì không một lần phản đối.
– Bọn chúng vào đấy… – nàng nói khẽ.
– Ừ, bây giờ là lúc phải hành động đây. Nếu không chúng sẽ trèo lên gác và sẽ bắt được nàng ở trong này mất.
Nàng vẫn còn đội chiếc mũ. Chàng liền cởi chiếc mũ của nàng và chụp lên đầu mình, kéo vành mũ xuống để lộ rõ cành hoa viôlét ra, rồi buộc quai quanh cổ để che giấu khuôn mặt mình. Sau đó chàng dặn dò lần cuối cùng.
– Tôi sẽ mở đường cho nàng. Khi có lối thoát thì nàng cứ bình tĩnh đi ra đường đến chỗ để xe ở trang trại. Nàng cứ trèo lên xe và bảo Lêôna cầm cương sẵn trong tay…
– Còn chàng? – Nàng hỏi.
– Mười hai phút nữa tôi sẽ đến gặp nàng.
– Nếu họ bắt được chàng thì sao?
– Họ không bắt được tôi đâu, và cả nàng nữa. Nhưng đừng hấp tấp. Không được chạy. Phải giữ vẻ bình thản.
Chàng bước đến bên cửa sổ và cúi nhìn: Mấy người ở dưới sân đã bước vào quán, chàng liền trèo qua bậc cửa, nhảy xuống sân, kêu lên một tiếng như thể hốt hoảng khi nhìn thấy mấy người kia và cắm cổ bỏ chạy.
Lập tức phía sau chàng có tiếng la to:
– Nó đấy!… Chiếc váy màu xám!… Trên mũ có cài hoa viôlet! Đứng lại không tôi bắn…
Chàng nhảy vọt qua đường và chạy tắt qua cánh đồng mới cày, rồi chàng leo qua bờ dốc của một trang trại và chạy xiên sang bờ dốc bên kia. Rồi chàng lại chạy qua cánh đồng nữa cho đến khi gặp một con đường hẻm chạy dọc theo một trang trại khác có hai rặng dâu dại mọc hai bên.
Chàng quay đầu nhìn lại: những kẻ đuổi bắt đã bị rớt lại khá xa nên không nhìn thấy chàng. Trong nháy mắt chàng cởi váy mũ vứt vào bụi rậm. Sau đó chàng đội chiếc mũ thủy thủ của mình lên đầu, châm thuốc lá và đi ngược trở lại, hai tay đút túi quần.
Đến quãng đường ngoặt sau lưng trang trại, hai người cảnh sát hiện ra và suýt đâm phải chàng, họ vừa chạy vừa thở hổn hển.
– Ê, chàng thủy thủ!… Anh có thấy một người đàn bà mặc đồ xám chạy qua đây không?
Chàng khẳng định:
– Tất nhiên là có… chị ta chạy như điên, có phải không?
– Phải… Thế mụ đâu rồi?
– Chị ta chạy vào trang trại kia kìa.
– Vào lối nào?
– Chui qua cái thanh rào chắn ấy…
– Lâu chưa?
– Mới hai mươi giây thôi.
Hai người vội vã chạy đi, Raun đi tiếp và cất tiếng chào thân thiện những người lính hiến binh vừa chạy tới, rồi chàng thong thả bước ra đường cách xa quán trọ và gần ngay quãng đường ngoặt.
Cách một trăm mét nửa là vườn táo, nơi có chiếc xe ngựa đang đứng đợi.
Lêôna đang ngồi trên ghế xà ích, cầm sẵn roi trong tay. Còn Giôdephin Banxamô ngồi trong xe, tay giữ cho cửa mở.
Chàng ra lệnh:
– Đi Ivơtô, Lêôna!
– Sao, – nữ bá tước phản đôi, – thế chúng ta lại đi qua trước cửa quán trọ à?
– Điều cơ bản là họ không nhìn thấy chúng mình ra khỏi chỗ này. Mà đường thì đang vắng. Chúng mình phải lợi dụng thời cơ. Lêôna, cho ngựa đi nước kiệu thôi… Một điệu đi dậm chân tại chỗ của xe tang.
Và họ đã đi qua cửa quán trọ thật. Lúc này mấy người cảnh sát và hiến binh đã quay trở về. Một người đang vung vẩy chiếc váy và chiếc mũ. Những người khác thì vừa nói vừa đưa tay làm hiệu.
– Họ tìm thấy quần áo của nàng rồi đấy, – chàng bảo, – và họ đã biết phải làm gì bây giờ. Giờ đây họ không tìm nàng nữa mà họ đang muốn tìm tôi – chàng thủy thủ gặp dọc đường. Còn đối với chiếc xe này thì họ không để ý đâu. Và nếu có ai bảo họ rằng trong xe có nàng là bà Pêlêgrini và tôi là người thủy thủ tòng phạm thì họ sẽ bật cười không tin.
– Chúng sẽ hỏi cung mẹ Vátxơ.
– Rồi bà ấy sẽ xoay sở được!
Khi họ đã đi khuất, Raun giục ngựa đi nhanh hơn…
– Ôi! Ôi! – Chàng nói khi thấy hai con ngựa lồng lên sau cú roi quất đầu tiên, – mấy con ngựa khốn khổ này sẽ không đi xa được nữa đâu. Chúng đã kéo xe hàng bao nhiêu lâu rồi.
– Từ sáng nay, – nàng nói, – sau buổi tối ngủ đêm ở Điéppơ.
– Thế bây giờ chúng ta đi đâu?
– Đến sông Xen.
– Ái chà! Mười sáu, mười bảy dặm lý trong một ngày như thế này! Thật kỳ diệu.
Nàng không nói gì.
Ở giữa hai tấm cửa kính trước của chiếc xe ngựa có một chiếc gương mỏng mà Raun có thể nhìn thấy hình Giôdephin Banxamô trong đó. Nàng mặc một chiếc váy thẫm màu và một chiếc mũ nhẹ có một tóp vải mỏng che kín cả đầu. Nàng cởi mũ và lấy trong túi xách để dưới tấm gương ra một bao da nhỏ trong có đựng một chiếc gương cổ có tay cầm và khung bằng vàng, cùng những thứ đồ vật dùng để trang điểm của đàn bà.
Nàng cầm gương soi và soi rất lâu cái bộ mặt mệt mỏi và già nua của mình.
Sau đó nàng nhỏ lên mặt gương vài giọt nước rót ra từ một chiếc lọ nhỏ và lau mặt gương bằng một mảnh vải lụa. Rồi nàng lại soi gương.
Lúc đầu Raun không hiểu và chỉ thấy vẻ nghiêm khắc trong đôi mắt nàng cùng vẻ u buồn của người đàn bà đang đối diện với hình bóng mình.
Mười phút rồi mười lăm phút yên lặng trôi qua như vậy trước con mắt đang cố gắng tập trung mọi tư tưởng và ý chí của nàng. Rồi trên mặt nàng bắt đầu hiện ra một nụ cười ngập ngừng và rụt rè như một tia nắng mùa đông. Một lát sau nó trở nên mạnh dạn hơn và hoạt bát hơn bởi những chi tiết xuất hiện trước con mắt ngạc nhiên của Raun. Khóe miệng nàng lại nhếch cao lên. Da mặt nàng lại trở nên hồng hào. Da thịt nàng như được tiếp thêm sức mạnh. Đôi má và cằm nàng lại lấy lại được nét thanh tú, và cả cái vẻ duyên dáng đang làm rạng rỡ khuôn mặt xinh đẹp và dịu hiền của Giôdephin.
Điều kỳ diệu đã được thực hiện.
“Có phải đó là điều kỳ diệu không? – Raun tự hỏi. – Không phải. Hay nhiều nhất thì cũng chỉ là một điều kỳ diệu về mặt ý chí thôi. Đó là kết quả của khả năng chi phối của một luồng suy nghĩ minh mẫn và có nhiệm vụ lập lại kỷ cương khi xảy ra sự rối loạn và mệt mỏi. Còn cái thứ thuốc tiên kia chỉ là một trò bịp”.
Chàng cầm lấy chiếc gương mà nàng vừa đặt xuống lên xem. Nó đúng là vật đã được mô tả tại cuộc họp ở Đêtigơ, là vật đã được nữ bá tước đờ Caliôxtrô sử dụng trước mặt nữ hoàng Ôgiêni.
Mép gương có khắc vân hoa và tấm lót bằng vàng ở phía sau đã bị móm méo nhiều chỗ. Trên tay cầm của gương có khắc hình chiếc vòng hiệu của bá tước, có con số 1783 và danh sách bốn câu đố.
Raun đang muốn chọc tức người đàn bà nên chàng cười khẩy bảo:
– Cha nàng đã truyền lại cho nàng một chiếc gương quý. Nhờ có cái bùa hộ mệnh này mà người ta có thể trút bỏ được những xúc động khó chịu nhất.
– Đúng là tôi đã mất bình tĩnh, – nàng nói. – Điều này ít khi xảy ra, có những lúc còn nghiêm trọng hơn thế này mà tôi vẫn vững tâm.
– Ôi! Nghiêm trọng hơn cơ à?…chàng nói với vẻ hoài nghi châm biếm.
Cả hai không nói thêm một lời nào nữa. Hai con ngựa vẫn chạy đều bước. Hai bên đường là những cánh đồng rộng bao la của xứ Cô.
Nữ bá tước đờ Caliôxtrô kéo khăn voan che mặt. Raun có cảm tưởng rằng người đàn bà này, cách đây hai tiếng đồng hồ vẫn còn gần gũi với chàng là thế, đến mức chàng đã vui sướng bày tỏ tình yêu của mình, giờ đây bỗng nhiên tỏ ra xa cách đến nỗi trở thành một người lạ. Giữa họ không còn có mối liên hệ nào. Tâm hồn bí ẩn của nàng đã bị bóng đen dày đặc bao bọc, và những cái chàng có thể nhận thấy được ở nàng thật khác xa với những điều chàng đã tưởng tượng!
Một tâm hồn kẻ cắp… một tâm hồn lén lút và lo âu, kẻ thù của ánh sáng ban ngày… Có thể thế được không? Làm sao mà có thể chấp nhận được rằng cái khuôn mặt ngây thơ như khuôn mặt cô trinh nữ ngờ nghệch và đôi mắt trong như nước suối kia lại chỉ là một cái vỏ bọc dối trá?
Chàng thất vọng đến mức khi xe chạy qua thị trấn Ivơtô chàng đã nghĩ đến chuyện bỏ trốn. Nhưng chàng thiếu quả quyết, điều đó lại càng làm cho chàng bực mình. Chàng bỗng nhớ tới Clarix Đêtigơ và trong chốc lát chàng ngồi nghĩ về người con gái dịu hiền đã bị chàng bỏ rơi một cách cao thượng đến như vậy.
Nhưng Giôdephin Banxamô không chịu từ bỏ con mồi của mình. Cho dù nàng có bị kết tội như thế nào đi chăng nữa, cho dù thần tượng nàng có bị méo mó đi, nhưng nàng vẫn đang ngồi đây! Một mùi thơm ngây ngất đang tỏa ra từ con người nàng. Chàng đưa tay chạm nhẹ vào quần áo nàng. Chỉ bằng một động tác là chàng có thể nắm được tay nàng mà hôn lên làn da thơm tho ấy. Nàng là hiện thân của mọi nỗi dam mê, của mọi khát khao, của mọi khoái cảm, của mọi điều bí mật xốn xang của người đàn bà. Và thế là cái kỷ niệm về Clarix Đêtigơ lại mờ nhạt đi.
– Giôdin! Giôdin! – Chàng thì thầm quá khẽ đến nỗi nàng chẳng nghe thấy tí gì.
Vả lại nếu có gào to tình cảm yêu đương của mình lên thì phỏng có ích gì? Liệu nàng có thể đem lại cho chàng lòng tin đã mất và lấy lại uy tín mà nàng không còn có được nữa chăng?
Chiếc xe đưa họ đến sông Xen. Đến Côđơbéc, chiếc xe rẽ trái theo con đường chạy qua những đồi cây bên cạnh thung lũng Xanh-Văngđi. Họ đi qua khu tu viện đổ nát nổi tiếng, đi dọc theo một nhánh sông nhỏ chạy ra sông Xen và ra tới con đường đi Ruăng.
Ít phút sau xe dừng bánh, và Lêôna lại đánh xe đi ngay sau khi đã thả hai người xuống một quãng rừng thưa cách sông Xen một bãi sậy.
Giôdephin Banxamô đưa tay ra cho người bạn đường và bảo:
– Vĩnh biệt, Raun. Cách đây không xa có ga La Mâyơre đây.
– Còn nàng? – Chàng hỏi.
– Ô, tôi ấy à, chỗ ở của tôi gần đây rồi.
– Tôi không nhìn thấy…
– Kia kìa. Chiếc xà lan ở phía sau bụi cây ấy.
– Tôi xin tiễn nàng đến đó.
Có một con đê hẹp cắt ngang bãi sậy. Nữ bá tước đi lên đê, theo sau là Raun.
Cả hai đi tới một bãi đất bằng và nhìn thấy chiếc xà lan đậu đằng sau một rặng liễu. Không ai nhìn và nghe thấy họ. Chỉ có mình họ dưới bầu trời xanh cao. Lúc này họ đang trải qua những giây phút sẽ làm họ nhớ mãi và sẽ ảnh hưởng đến cả số phận về sau của họ.
– Vĩnh biệt! – Giôdephin Banxamô nhắc lại. – Vĩnh biệt!
Chàng ngập ngừng trước bàn tay đưa ra cho chàng trong giờ phút chia ly trọng đại này.
– Chàng không muốn bắt tay tôi à? – Nàng hỏi.
– Có… có… – Chàng nói lúng bủng. – Nhưng tại sao lại phải chia tay?
– Bởi vì chúng ta chẳng có gì để nói với nhau nữa.
– Đúng là chẳng có gì để nói nữa, vậy mà chúng ta cũng đã nói được gì với nhau đâu.
Cuối cùng chàng cũng nắm lấy bàn tay ấm áp và mềm mại của người đàn bà và bảo:
– Những lời kết tội của những người ở quán trọ khi nãy có đúng sự thực không?
Chàng muốn được nghe một lời giải thích, cho dù là dối trá, để cho phép chàng duy trì một sự nghi ngờ, nhưng nàng tỏ ra ngạc nhiên và hỏi lại:
– Chàng hỏi điều đó để làm gì?
– Sao?
– Phải, có thể cho rằng những lời nói đó đã ảnh hưởng đến thái độ của chàng.
– Nàng muốn nói gì?
– Lạy Chúa, rất đơn giản. Tôi muốn nói rằng tôi đã hiểu tình cảm xúc động của chàng trước những tội ác ghê gớm mà Bômanhăng và nam tước Đêtigơ đã gán cho tôi một cách sai lầm và điên khùng, nhưng hôm nay thì lại khác.
– Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ những lời kết tội đó.
– Nhưng đấy là những lời kết tội chống lại cái người mà tôi đã nói tên, chống lại nữ hầu tước đờ Benmôntô. Còn những chuyện ở quán trọ vừa rồi không phải là tội ác, và nếu như ngẫu nhiên mà chàng nghe được những chuyện đó thì đối với chàng có ý nghĩa gì?
Chàng sửng sốt trước câu hỏi bất ngờ này. Nàng cười thoải mái trước mặt chàng và nói tiếp bằng một giọng hơi châm biếm:
– Chắc là tử tước Raun Đăngđrêxi đã bị bất ngờ chứ? Tử tước Raun Đăngđrêxi chắc là phải có những quan niệm đạo đức, có cái vẻ thanh lịch của một trang quân tử chứ?…
– Và chuyện đó xảy ra vào lúc nào? – Chàng hỏi, – có phải khi tôi tỏ ra phần nào vỡ mộng…
– Hoan hô! – Nàng bảo. – Một câu nói vĩ đại! Chàng bị thất vọng. Chàng đã chạy theo một giấc mơ vàng và rồi tất cả bỗng tan biến hết. Người đàn bà hiện ra đúng như người ấy vốn như vậy. Chàng hãy trả lời thẳng thắn nhé, bởi vì chúng ta đang phải giải thích cho nhau một cách rõ ràng. Chàng bị thất vọng phải không?
Chàng trả lời khô khan:
– Phải.
Một phút im lặng. Nàng nhìn chàng sâu lắng và thì thào:
– Tôi là một con ăn cắp, có phải không? Có đúng là chàng nghĩ như vậy không? Một con ăn cắp?
– Phải.
Nàng mỉm cười và hỏi:
– Còn chàng?
Và, thấy chàng định tháo lui, nàng liền túm chặt lấy vai chàng và sỗ sàng hỏi dồn:
– Còn anh bạn, anh bạn thân mến? Anh là cái thứ gì? Bởi vì cuối cùng thì anh cũng phải ngả bài của anh nữa chứ. Anh là ai?
– Tôi là Raun Đăngđrêxi.
– Tầm bậy! Anh tên là Ácxen Luypanh. Bố anh là Têôphraxtơ Luypanh, kẻ kiêm nhiệm nghề giáo viên quyền Anh và vật cổ điển cùng với một nghề phát tài hơn nữa là nghề lừa đảo, gã đã bị kết án, bị tù tại Mỹ và đã chết ở đó. Mẹ anh đã lấy lại tên con gái của mình và sống nghèo khổ tại nhà một người anh họ xa là quận công đờ Đrơ-Xubidơ. Một hôm? Bà quận công thấy mất một đồ nữ trang có giá trị lịch sử quý nhất của bà, đó là chiếc dây chuyền nổi tiếng của nữ hoàng Mari Ăngtoanéttơ. Mặc dù người ta đã mất nhiều công tìm kiếm nhưng không biết được ai là thủ phạm của vụ ăn cắp này, một vụ ăn cắp đã được tiến hành một cách táo bạo và khôn khéo đến mức quỷ quyệt. Nhưng tôi thì tôi biết. Kẻ đó là anh. Anh bạn lúc đó mới lên sáu tuổi.
Raun lắng nghe, mặt tái đi vì giận dữ và hàm răng nghiến chặt. Chàng lẩm bẩm:
– Lúc ấy mẹ tôi sống khổ sở và nhẫn nhục, tôi muốn cứu mẹ tôi.
– Bằng cách ăn cắp à?
– Tôi mới lên sáu tuổi.
– Thế còn bây giờ, anh đã hai mươi tuổi, mẹ anh đã chết, anh đang khỏe mạnh, thông minh, đầy năng lực. Anh sinh sống ra sao?
– Tôi làm việc.
– Đúng, nhưng dựa vào túi của người khác chứ gì?
Nàng không để cho chàng kịp cãi lại.
– Đừng cãi nữa, Raun. Tôi biết rõ từng chi tiết của cuộc đời anh, tôi có thể kể lại cho anh nghe những chuyện anh đã làm trong năm nay và cả về trước nữa, bởi vì tôi đã theo dõi anh từ lâu, và tất cả những điều tôi có thể nói cho anh nghe chắc chắn sẽ không đẹp đẽ hơn so với những điều anh vừa nghe được trong quán trọ. Cảnh sát ư? Hiến binh ư? Hay chuyện khám nhà? Chuyện theo dõi?… Tất cả những chuyện đó anh cũng đã qua cả rồi, vậy mà anh vẫn chưa đến hai mươi tuổi! Thế thì có đáng phải tự trách móc không? Không, anh bạn Raun ạ. Bởi vì tôi hiểu rõ cuộc đời anh, và bởi vì ngẫu nhiên mà anh biết được một phần của cuộc đòi tôi, thì cả hai chúng ta hãy lấy khăn che đậy nó lại. Hành vi ăn cắp chẳng đẹp đẽ gì, chúng mình hãy ngoảnh mặt đi và đừng nói gì cả.
Chàng đứng lặng thinh và cảm thấy mệt mỏi rã rời. Đột nhiên chàng nhìn thấy trước mặt mình hiện ra một cuộc đời mờ mịt và tuyệt vọng, không còn chút màu sắc, không còn cả vẻ đẹp lẫn vẻ duyên dáng của nó nữa. Chàng buồn chán muốn khóc.
– Lần cuối cùng tôi xin vĩnh biệt anh, anh Raun ạ.
– Không… không… – Chàng lắp bắp.
– Cần phải thế, anh bạn bé bỏng của tôi ơi. Tôi sẽ chỉ làm cho anh khổ thôi. Đừng có dính đến cuộc đời tôi. Anh đang có tham vọng, có sức lực, và có đủ những phẩm chất để anh có thể chọn cho mình hướng đi.
Rồi nàng hạ giọng:
– Con đường của tôi không tốt đâu, Raun ạ.
– Thế tại sao nàng vẫn theo, Giôdin? Đó chính là điều làm cho tôi lo sợ.
– Muộn quá rồi, tôi không thể từ bỏ nó được nữa.
– Thế thì tôi cũng thế!
– Không, anh còn trẻ. Hãy tự cứu lấy mình. Hãy thoát khỏi cái số mệnh đang đe dọa anh.
– Thế còn nàng thì sao, Giôdin?…
– Tôi ấy à, cuộc đời tôi là như vậy.
– Một cuộc đời đáng sợ chỉ làm cho nàng khổ mà thôi.
– Nếu vậy tại sao anh còn muốn chia sẻ với tôi?
– Bởi vì tôi yêu nàng.
– Lại thêm một lý do nữa để cho anh phải tránh xa tôi ra, anh bạn trẻ ạ. Giữa chúng ta mọi tình yêu đều bị kết án từ trước. Anh sẽ phải xấu hổ vì tôi, còn tôi sẽ không dám tin anh.
– Tôi yêu nàng.
– Hôm nay thì thế. Nhưng còn ngày mai? Raun, anh hãy tuân theo mệnh lệnh mà tôi đã ghi sau tấm ảnh của tôi ngay từ đêm đầu chúng ta gặp nhau: “Đừng tìm cách gặp lại tôi”. Anh hãy đi đi.
– Vâng, vâng – Raun thong thả đáp – Nàng nói đúng. Nhưng thật kinh khủng khi nghĩ rằng mọi chuyện giữa chúng ta sẽ kết thúc trước cả khi tôi kịp hy vọng… và rằng nàng sẽ không nhớ đến tôi nữa.
– Người ta không bao giờ quên người đã cứu mình hai lần.
– Đúng thế, nhưng nàng sẽ quên rằng tôi yêu nàng.
Giôdephin lắc đầu.
– Tôi sẽ không quên điều đó. – Nàng nói. Trở lại với giọng điệu ban đầu, nàng cảm động nói thêm: Niềm say sưa của chàng, nỗi hưng phấn của chàng… tất cả những gì là chân thành và tự phát trong con người chàng… và cả những chuyện khác mà tôi chưa biết rõ… tất cả những cái đó đã làm cho tôi vô cùng xúc động.
Họ vẫn nắm tay nhau và bốn mắt không rời nhau. Raun rùng mình trước vẻ dịu hiền của nàng. Nàng âu yếm bảo chàng:
– Khi người ta chia tay nhau mãi mãi, thì người ta phải trả lại những gì người ta đã cho nhau. Chàng hãy trả lại tôi tấm ảnh đi, Raun!
– Không, không bao giờ, – Chàng đáp.
– Thế thì tôi, – nàng nói và mỉm một nụ cười làm cho chàng ngây ngất, – tôi sẽ phải trung thực hơn và tôi sẽ trả lại cho chàng một cách đàng hoàng cái mà chàng đã cho tôi.
– Cái gì vậy, Giôdin?
– Cái đêm đầu… trong kho chứa rơm khô, lúc tôi đang ngủ, chàng đã cúi mặt xuống người tôi và tôi cảm thấy môi chàng đặt lên môi tôi.
Bằng đôi tay bắt chéo sau cổ Raun, nàng vít đầu chàng trai xuống và miệng họ gắn chặt lấy nhau.
– Ôi! Giôdin, – chàng choáng váng nói. – Nàng muốn làm gì tôi cũng được, tôi yêu nàng… tôi yêu nàng.
Họ cùng đi ra phía sông Xen. Đám cành lá lau sậy đung đưa trên đầu họ. Quần áo họ chạm sột soạt vào những tàu lá mỏng mảnh vươn dài đung đưa trước gió. Họ đang đi tới cõi hạnh phúc, trong đầu chỉ nghĩ đến những điều có thể làm cho những đôi tình nhân đang nắm tay nhau phải rùng mình.
– Thêm một câu nữa, Raun, – nàng kéo chàng đứng lại bảo. – Một câu thôi. Tôi cảm thấy là tôi sẽ ích kỷ và cứng rắn đối với chàng. Trong đời chàng có một người đàn bà nào khác nữa không?
– Không có ai cả.
– Nói dối à?
– Thế còn cô nàng Clarix Đêtigơ? Hai anh chị đã nhiều lần hẹn hò nhau ngoài đồng. Người ta đã nhìn thấy.
Chàng bực mình:
– Chuyện cũ mà… Một quan hệ bình thường thôi.
– Chàng thề chứ?
– Tôi thề.
– Càng tốt, – nàng trầm ngâm nói. – Càng tốt cho nàng. Và cầu trời đừng để cho nàng chen vào giữa hai ta! Nếu không thì…
Chàng kéo nàng đi:
– Tôi chỉ yêu mình nàng thôi, Giôdin à, tôi chưa yêu ai ngoài nàng cả. Cuộc đời tôi bắt đầu từ ngày hôm nay.