Cái giá của những cuộc tình như thế này chính là sự im lặng mà họ phải chịu đựng. Ngay cả khi họ nói chuyện với nhau thì những âm thanh phát ra cũng không khuấy động được những luồng suy nghĩ cô độc âm thầm của mỗi người. Người nào cũng theo đuổi một luồng suy nghĩ riêng mà không bao giờ xâm nhập được vào cuộc sống của người kia. Cuộc đối thoại đầy thất vọng mà Raun luôn sẵn sàng tham gia một cách thành thật đã càng ngày càng làm cho chàng phải đau khổ chịu đựng.
Cả Giôdin cũng phải chịu đựng cái cảnh này, đôi khi nàng tự cho là mình quá yếu đuối khi nàng thấy mình đứng trước giới hạn của sự giãi bày. Có một lần nàng bật khóc trong tay Raun với tất cả nỗi tuyệt vọng đến mức chàng chờ đợi một cơn thổ lộ. Nhưng nàng lại trấn tĩnh lại ngay và chàng lại cảm thấy nàng xa lạ hơn bao giờ hết.
Nàng không dám giải bày, – chàng nghĩ. – Nàng thuộc loại người sống tách biệt trong sự cô đơn vĩnh viễn. Nàng bị ám ảnh với cái thần tượng của chính mình, bị ám ảnh bởi cái câu đố mà nàng đã nghĩ ra và bị giam giữ trong cái mắt lưới vô hình của nó. Là con gái của Caliôxtrô nàng đã quen thuộc với bóng tối, với những chuyện rắc rối, với những âm mưu và với những vụ việc ngấm ngầm.
Về phần mình, Raun cũng giữ im lặng và tránh không nói gì đến cuộc phiêu lưu của họ và đến vấn đề mà họ đang tìm cách giải đáp. Chàng băn khoăn tự hỏi không biết liệu nàng đã chiếm được chiếc hòm gỗ chưa? Nàng đã tìm thấy chìa khóa mật mã chưa? Nàng đã thò được tay vào cái hòn đá cột mốc để vét hết mấy ngàn viên ngọc quý chưa?
Chàng không hề biết gì về những điều đó cả.
Vả lại, kể từ khi họ qua khỏi thành phố Ruăng thì quan hệ thân tình của họ trở nên lơi lỏng. Lêôna, mặc dù y muốn tránh mặt Raun, đã lại xuất hiện. Những cuộc gặp gỡ bí mật lại bắt đầu. Hàng ngày, chiếc xe ngựa cổ cùng hai con ngựa gầy kéo Giôdêphin Banxamô không biết mệt. Nàng đi đâu vậy? Và nhằm giải quyết việc gì? Raun ghi nhận rằng ở gần sông Xen có ba tu viện: Xanh-Gioóc-đờ-Bôsêvin, Giuymiegiơ, Xanh-Oanđriơ. Nhưng nếu nàng còn phải tìm kiếm quanh những khu vực này thì có nghĩa là nàng vẫn chưa tìm ra được đáp số chính xác.
Ý nghĩ đó đột nhiên thức tỉnh chàng lao vào hành động. Chàng quay lại quán trọ ở gần La He Đètigơ để lấy chiếc xe đạp và đạp thẳng đến vùng ngoại ô thành phố Liơbôn, nơi có bà mẹ của nàng Brigit đang sống. Tại đây chàng được biết rằng mười hai ngày trước đây – đúng vào thời điểm xảy ra chuyến đi của Giôdôphin Banxamô – bà quả phụ Rutxlanh đã khóa nhà để lên Pari thăm con gái. Những người hàng xóm khẳng định rằng tối hôm trước có một bà mệnh phụ đến thăm bà.
Mới mười giờ tối Raun đã quay trở về chiếc xà lan của Banxamô đang đậu ở một khúc ngoặt về phía Tây Nam thành phố Ruăng. Nhưng, trước khi về đến nơi, chàng đã gặp chiếc xe ngựa cổ của Giôdin đang khó nhọc chạy đằng sau hai con ngựa đã kiệt sức của Lêôna. Về tới bờ sông, Lêôna nhảy xuống, mở cửa xe và vác trên vai cái xác cứng đờ của Giôdin. Raun chạy lại. Cả hai đặt người đàn bà vào trong phòng của nàng và hai vợ chồng người dân chài liền có mặt ngay bên họ.
– Hãy trông nom cô chủ nhé, – y cục cằn bảo. – Cô ấy chỉ bị ngất thôi. Nhưng mà tình hình đang lộn xộn. Đừng có ai ra khỏi đây đấy!
Y bước ra xe và đi thẳng.
Suốt đêm hôm đó Giôdephin Banxamô nằm mê sảng không dứt, nhưng Raun không hiểu được một lời nào trong những câu nói mê lộn xộn thốt ra từ miệng nàng. Sáng hôm sau thì nàng khỏi ốm. Nhưng đến tối, trong khi đi vào chơi ở một làng gần đó, Raun đã kiếm một tờ báo hàng ngày xuất bản ở Ruăng để xem. Trong mục tin vắn của địa phương chàng đọc được một dòng tin như sau:
“Chiều hôm qua có một người tiều phu đến báo cho đội hiến binh Côdơbéc biết rằng bác ta nghe thấy tiếng một người đàn bà kêu cứu phát ra từ trong một lò vôi bỏ hoang ở một bãi rừng trống Môlêvriê, họ liền cử một đội trưởng và một người lính đến hiện trường. Khi hai vị đại diện cho nhà đương cục phi ngựa gần đến chỗ lò vôi thì họ nhìn thấy bên kia bờ dốc có hai người đàn ông đang lôi kéo một người đàn bà ra một chiếc xe ngựa mà cạnh đó có một người đàn bà khác đang đứng đợi.
Vì phải đi vòng qua quãng dốc, nên khi hai người hiến binh đến nơi thì chiếc xe đã chạy rồi. Thế mà họ liền lập tức đuổi theo. Nhưng chiếc xe được kéo bằng hai con ngựa chạy rất nhanh, và kẻ đánh xe chắc là người rất thông thạo địa bàn nên y đã chạy vòng vèo qua những con đường chằng chịt rồi thoát khỏi tay họ về phía Bắc, giữa Côđơbec và Mốttơvin. Với lại đêm cũng đã bắt đầu xuống nên họ không xác định nổi cái nhóm người kia đã thoát đi đâu”.
“Làm sao mà họ biết được điều đó, – Raun tự nhủ một cách tự tin. – Ngoài mình ra chẳng có ai hình dung nổi mọi điều xảy ra cả, bởi vì chỉ có một mình mình là biết rõ điểm xuất phát và điểm kết thúc của sự việc”.
Và sau một lát suy nghĩ, Raun đi đến kết luận như sau:
‘Trong một cái lò vôi bỏ hoang có một điều xảy ra không thể phủ nhận được là: bà quả phụ Rutxlanh đang ở đó dưới sự canh gác của một tên tay chân của ả Caliôxtrô, Giôdêphin Banxamô. Lêôna đã lừa bà ta ra khỏi Liơbôn và giam bà ở đây, rồi hàng ngày họ đến đây để khai thác tin tức cua bà. Hôm qua chắc là cuộc hỏi cung diễn ra hơi gay gắt. Bà quả phụ Rutxlanh đã kêu. Hiến binh đã tìm đến. Cuộc chạy trốn bắt đầu và họ đã chạy thoát. Dọc đường họ đã giam bà quả phụ vào một nhà giam khác đã chuẩn bị sẵn. Mặc dù họ đã thoát nạn nhưng sự hồi hộp đã làm cho Giôdêphin Banxamô bị ngất do ả thường yếu thần kinh”.
Raun lấy một tấm bản đồ mở ra: từ khu rừng Môlêvriê đến chỗ đậu của xà lan “Thong dong” dài khoảng ba mươi kilômét theo đường ngắn nhất.
Chắc là bà Rutxlanh bị giam quanh khu vực ở hai bên đường này.
“Vậy là địa bàn chiến đấu đã được xác định, – Raun tự nhủ, – và giờ nhập vai của mình đã điểm”.
Ngay từ ngày hôm sau Raun bắt đầu bắt tay vào việc. Chàng đi khắp các nẻo đường xứ Noocmăngđi để hỏi thăm xem có ai nhìn thấy “một chiếc xe ngựa cổ có hai con ngựa nhỏ kéo”, về mặt lôgic mà xét thì cuối cùng cuộc điều tra cũng sẽ đi đến kết quả.
Những ngày đó có lẽ là những ngày mà tình yêu của Giôdêphin và của Raun mang tính nghiệt ngã nhất và mê muội nhất. Vì biết là mình đang bị cảnh sát truy nã và vì vẫn chưa quên sự cố ở quán trọ Vátxơ ở Đuđơvin, nên người đàn bà không dám rời xà lan “Thong dong” để đi sục sạo khắp xứ Cô. Thế là giữa những lần đi ra ngoài, Raun lại được gặp nàng ở trong xà lan ‘Thong dong” và họ lại ôm lấy nhau với một nỗi thèm khát điên cuồng của những người muốn tranh thủ hưởng lạc thú khi họ cảm thấy cái kết cục đang đến gần.
Đó là những giây phút hưởng lạc đau đớn thường có ở những cặp tình nhân mà số phận đã làm cho họ phải xa cách, là những giây phút hưởng lạc trong nỗi nghi kỵ lẫn nhau. Cả hai đều đoán biết được những dự định bí mật của nhau, và những lúc làn môi của họ gặp nhau cũng là lúc họ vừa yêu nhau vừa xử sự như thể họ căm ghét nhau.
– Tôi yêu nàng, tôi yêu nàng, – Raun thì thầm như điên dại, trong khi trong thâm tâm chàng đang tìm cách cứu bà mẹ của cô Brigit Rutxlanh ra khỏi nanh vuốt của cô ả Caliôxtrô.
Đôi khi họ ôm riết nhau dữ dội như hai đối thủ đang vật lộn nhau. Trong những cái vuốt ve của họ có cái vẻ thô bạo, trong ánh mắt họ có thái độ đe dọa, trong ý nghĩ của họ có một nỗi căm ghét, và trong vẻ âu yếm của họ có một nỗi thất vọng. Có thể nói họ đang rình rập để đánh một đòn quyết định vào điểm yếu của nhau.
Một buổi đêm Raun đang ngủ bỗng thức dậy với một cảm giác áy náy. Lúc ấy chàng thấy Giôdin đang đứng bên giường chàng và nhìn ngắm chàng trong ánh đèn. Chàng rùng mình. Không phải vì gương mặt duyên dáng của Giôdin giờ đây có một cái vẻ gì khác hẳn với nụ cười hàng ngày. Mà vì chàng không hiểu tại sao đêm nay cái nụ cười ấy lại có vẻ xảo quyệt và độc ác đến thế?
– Nàng làm sao thế? – Chàng hỏi, – và nàng muốn gì tôi chăng?
– Không, có gì đâu… – Nàng đáp bằng một giọng lơ đãng và bỏ đi.
Nhưng nàng lại quay trở lại và chìa ra cho chàng xem một tấm ảnh.
– Tôi đã tìm thấy cái này trong ví chàng. Thật khó thể tin đươc rằng chàng lại giữ trong mình ảnh của một người đàn bà khác. Ai thế?
Chàng nhận ra ảnh của Clarix Đêtigơ, nhưng chàng ngập ngừng đáp:
– Tôi không biết… một sự tình cờ…
– Thôi đi, – nàng bỗng nổi cáu, – anh đừng nói dối nữa. Đó là con Clarix Đêtigơ. Anh tưởng tôi không biết mặt cô ta và không biết mối quan hệ của hai anh chị à? Cô ta đã là tình nhân của anh có phải không?
– Không, không, không bao giờ, – chàng hấp tấp đáp.
– Cô ta đã là tình nhân của anh, chắc chắn là như vậy, cô ta yêu anh, và anh chị vẫn chưa hề cắt đứt với nhau.
Chàng nhún vai, nhưng khi thấy chàng muốn bênh vực người con gái, Giôdin đã ngăn lời chàng:
– Thôi đủ rồi, Raun… Tôi đã báo trước cho anh rồi nhé. Tôi sẽ không bao giờ tìm cách gặp mặt cô ta, nhưng nếu như tình cờ tôi gặp cô ta trên con đường đi của tôi, thì càng khốn cho cô ta thôi.
– Và cũng càng khốn cho nàng, Giôdin ạ, nếu nàng chạm vào một sợi tóc của cô ta! – Raun vô ý kêu to.
Mặt Giôdin tái đi, cằm ả run lên nhè nhẹ, và ả đặt tay lên Raun nói lắp bắp:
– Anh dám đứng về phe cô ta để chống lại tôi hả!… Chống lại tôi hả!…
Bàn tay giá lạnh của ả co rúm lại. Raun có cảm giảc như ả đang sắp bóp cổ mình, chàng vội vàng nhảy phắt ra khỏi giường. Đến lượt mình, ả cũng né người vì tưởng là Raun tấn công mình, và ả vội rút trong ngực áo ra một con dao găm nhỏ có chiếc lưỡi mỏng sáng loáng.
Họ đứng nhìn nhau thủ thế, và cái cảnh đó thật là khó chịu đến mức Raun lên tiếng thì thầm:
– Ôi! Giôdin, thật đáng buồn biết bao! Chẳng lẽ chúng mình đi đến chỗ như thế này rồi sao?
Giôdin cũng xúc động không kém, nàng ngồi thụp xuống trong khi Raun phủ phục xuống chân nàng.
– Hôn em đi, Raun… hôn em đi… chúng mình đừng có nghĩ đến chuyện gì nữa nhé!
Họ ôm nhau say đắm, nhưng chàng nhận ra rằng tay nàng vẫn chưa rời con dao găm, và rằng chàng chỉ cần có một hành vi nhỏ thôi củng đủ để cho nàng cắm phập lưõi dao vào gáy chàng.
Ngay ngày hôm đó, đến tám giờ sáng, Raun ra khỏi chiếc xà lan ‘Thong dong”.
“Mình chẳng hy vọng gì được ở nàng cả, – chàng tự nhủ. – Nói đến tình yêu thì đúng là nàng yêu mình thực sự, và cũng như mình, nàng muốn cái cuộc tình này không bị hạn chế bởi một điều gì cả. Nhưng điều đó không thể có được. Nàng có một tâm hồn của kẻ thù. Nàng nghi ngờ tất cả mọi thứ và tất cả mọi người, trước hết là nghi ngờ mình”.
Nói cho cùng thì nàng vẫn là một con người khó hiểu đối với chàng. Mặc dù chàng đã phát hiện thấy nhiều điều nghi vấn cũng như những chứng cớ rõ ràng, và mặc dù nàng đang mang trong mình bản chất của cái ác, nhưng chàng vẫn không tin rằng nàng lại có thể đi đến chỗ gây ra tội ác được. Chàng không thể gán cái ý nghĩ tội phạm cho cái khuôn mặt dịu hiền kia được, cái khuôn mặt mà ngay cả khi nàng cáu giận nó cũng không kém phần hiền dịu hơn. Không, bàn tay của Giôdin không thể vấy máu được!
Nhưng chàng lại nghĩ đến Lêôna, và chàng tin chắc rằng gã ta có thể bắt bà Rutxlanh phải chịu những cực hình ghê gớm nhất.
Từ Ruăng đến Đuycle, và nhất là gần đến Đuycle, con đường xuyên giữa những vườn cây ăn quả trồng bên bờ sông Xen dốc đứng. Bên vách đá có những cái hang hốc được dùng làm nơi cất giấu dụng cụ của những người nông dân và công nhân, hoặc đôi khi dùng làm chỗ ở cho chính bản thân họ. Bởi vì cuốỉ cùng Raun đã phát hiện ra rằng trong một cái hang có ba người đàn ông đang ngồi đan sọt bằng thân cây sậy. Phía trước hang có một vườn rau xanh.
Sau khi theo dõi kỹ Raun đã phát hiện thấy những chi tiết đáng ngờ và chàng đi đến chỗ giả định rằng ba cha con ông Coócbuy này đều là những kẻ trộm sông trộm đồng có tiếng và họ thuộc những kẻ mà Giôdêphin Banxamô tuyển dụng tạm thời, đồng thời chàng cũng giả định rằng cái hang của họ cũng là một trong những chỗ trú chân của nàng như những quán trọ, nhà kho, lò vôi v.v…
Từ chỗ giả định chàng đã đi đến những kết luận chắc chắn. Thế là chàng tìm cách đảo lộn vị trí của kẻ thù, chàng liền trèo lên vách đá rồi lại quay lại phía sông Xen men theo một con đường hẻm có cây cỏ mọc um tùm ở hai bên. Chàng ẩn trong đám cây bụi men xuống một cái rãnh cho đến chỗ chỉ còn cách hang của cha con Coócbuy ở phía dưới bốn hoặc năm mét.
Chàng ở liền tại chỗ đó hai ngày đêm, chàng ăn thức ăn đem theo và ngủ giữa trời. Suốt thời gian này chàng ẩn kín trong đám cây cỏ để theo dõi hành vi của ba người phía dưới. Sang ngày thứ hai, qua câu chuyện giữa họ chàng hiểu được rằng cha con Coócbuy đang canh giữ bà quả phụ Rưtxlanh từ sau cuộc chạy trốn khỏi lò vôi Môlêvriê.
Làm thế nào để cứu thoát được bà? Hay ít nhất là làm thế nào để tiếp cận được bà và khai thác được những điều chỉ dẫn mà bà đã từ chối không nói cho Giôdêphin Banxamô? Raun đã đề ra bao nhiêu kế hoạch mà không xong. Nhưng, đến sáng ngày thứ ba, chàng nhìn thấy chiếc xà lan “Thong dong” xuôi dòng sông Xen và thả neo cách khu vực hang hốc chừng một cây số về phía thượng nguồn.
Đến năm giờ tối có hai người ra khỏi xà lan và đi dọc theo bờ sông. Nhìn dáng đi chàng nhận ra ngay Giôdêphin Banxamô mặc dù nàng ăn mặc theo lối dân thường. Đi bên nàng là Lêôna.
Họ dừng lại trước cái hang của cha con Coócbuy và nói chuyện vói họ như tình cờ gặp nhau. Sau đó, khi thấy đường vắng; họ liền bước nhanh vào vườn rau. Leôna nhanh chóng biến mất, chắc chắn là y đã vào trong hang. Giôdêphin Banxamô ngồi ngoài trời trên một chiếc ghế xích đu khuất sau một bụi cây.
Ông già Coócbuy đang làm cỏ ngoài vườn. Còn hai con trai ông thi ngồi đan sọt dưới một gốc cây.
“Lại bắt đầu hỏi cung rồi, – Raun nghĩ. – Làm thế nào để nghe được nhỉ!”.
Chàng quan sát Giôdin, khuôn mặt nàng gần như bị chiếc mũ rơm rộng vành che khuất, đó là một chiếc mũ rơm mà những người đàn bà nhà quê thường hay đội vào những ngày trời nắng.
Nàng cúi người chống khuỷu tay lên đầu gối và ngồi im không động đậy.
Thời gian trôi qua, và khi Raun đang tự hỏi không biết làm thế nào thì chàng bỗng cảm thấy như có một tiếng rên phát ra ngay bên cạnh mình rồi liền sau đó là những tiếng kêu bị bóp nghẹt. Đúng, những tiếng kêu đó phát ra ngay bên cạnh chàng. Chúng phảng phất cất lên giữa đám cây cỏ mọc xung quanh. Tại sao lại như thế nhỉ?
Chàng bò đến đúng cái chỗ có tiếng động phát ra rõ nhất và nhanh chóng hiểu ra mọi chuyện. Chàng tìm thấy một đống lá có lẫn đống gạch vụn nằm dưới lớp rễ cây và mùn lá. Đó là đống gạch vụn của một ống khói.
Vậy là đã rõ. Chiếc hang của cha con Coócbuy là một chiếc hang cụt ăn khá sâu vào trong vách đá và có một cái ngách ăn thông ngược lên trên làm thành một chiếc ống khói. Âm thanh đã phát theo ông khói này mà thoát ra ngoài.
Chàng lại nghe thấy hai tiếng kêu nữa to hơn. Chàng nghĩ đến Giôdêphin Banxamô. Chàng quay lại và vẫn thấy nàng ngồi bất động ở đầu vườn rau, người hơi cúi xuống và đang lơ đãng dứt một bông hoa sen cạn. Raun rất muốn nghĩ rằng nàng đã không nghe thấy tiếng kêu. Liệu nàng có biết gì không?
Mặc dù vậy Raun cũng run lên vì căm phẫn. Dù ả có chứng kiến trực tiếp cuộc hỏi cung đáng sợ kia hay không thì ả cũng là kẻ có tội. Giờ đây phải chăng những điều nghi vấn trong đầu chàng đã phải nhượng bộ trước một thực tế không thể chối cãi? Tất cả những gì còn là phỏng đoán trong đầu chàng, tất cả những gì mà chàng không muốn biết, thì giờ đây đều trở thành sự thật, bởi vì ả là người chỉ huy cuối cùng cái công việc mà Lêôna là người đang thừa hành, cái công việc mà ả không chịu được quang cảnh diễn biến ghê sợ của nó.
Raun thận trọng dỡ đống gạch vụn ra và gạt bỏ đống đất đi. Khi chàng làm xong thì không còn nghe thấy tiếng khóc nữa, nhưng những tiếng nói vọng lên nghe vẫn chưa được rõ. Thế là chàng lại phải moi tiếp cho cái lỗ thông hơi mở rộng thêm. Moi xong chàng rúc đầu vào đó và khi ấy chàng mới nghe rõ tiếng người nói:
Có hai giọng nói vọng lên: một giọng của Lêôna và một giọng phụ nữ, chắc chắn là giọng bà quả phụ Rutxlanh. Hình như người đàn bà bất hạnh này đã kiệt sức và đang trong cơn hoảng sợ không thể tả nổi.
– Vâng… vâng… – bà thều thào… – tôi xin nói, tôi đã hứa rồi mà, nhưng tôi mệt quá!… Xin ông thứ lỗi cho… Với lại mọi chuvện xảy ra đã quá lâu… những hai mươi tư năm qua rồi còn gì…
– Thôi đừng nói lôi thôi nữa, – Lêôna càu nhàu.
– Vâng, – bà nói tiếp… – Chuyện là thế này… Cách đây hai mươi tư năm, lúc ấy đang xảy ra cuộc chiến tranh với nước Phổ… và khi quân Phổ sắp tiến đến thành phố Ruăng, quê hương của chúng tôi, thì một hôm ông chồng khốn khổ của tôi – lúc ấy làm nghề đánh xe – phải tiếp hai ông khách lạ. Họ đem theo hành lý và muốn chuồn về nông thôn như nhiều người khác. Thế là hai bên nhanh chóng thỏa thuận giá cả, rồi, bởi vì họ đang vội nên ông chồng tôi lập tức đánh xe đưa họ đi ngay. Thật không may là do bị trưng thu hết cả nên chúng tôi chỉ còn có một con ngựa ốm yếu. Thêm vào đó tuyết lại rơi như trút… Đi được mười cây số thì con ngựa khuỵu xuống không đứng dậy được nữa.
Hai ông thuê xe run lên vì hoảng hốt, bởi vì quân Phổ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào… Đúng lúc đó có một người Ruăng đánh xe đi tới. Người này chồng tôi có biết. Đó là người hầu tin cẩn của Hồng y giáo chủ Bônnơsôdơ, tên là Giôbe…. Họ nói chuyện với nhau… Hai ông kia trả một khoản tiền lớn để mua con ngựa của ông Giôbe. Nhưng ông này từ chối. Họ hết van xin lại đe dọa ông, rồi cuối cùng họ lao vào đấm đá ông như những thằng điên cho đến khi ông ngất đi, mặc những lời van xin của chồng tôi… sau khi họ ngó vào trong xe của ông Giôbe, họ thấy chiếc hòm gỗ và thế là họ lấy luôn, rồi họ lấy ngựa của ông Giôbe thắng vào xe của chồng tôi đi tiếp, bỏ mặc ông kia nằm nửa sống nửa chết.
– Ông ta chết thật chứ không phải là nửa chết. Lêôna khẳng định rõ thêm.
– Vâng, mấy tháng sau khi có điều kiện quay trở về được Ruăng thì chồng tôi mới biết.
– Thế lúc ấy chồng bà không tố giác họ à?
– Không… đáng lẽ phải làm như vậy mới đúng – bà quả phụ Rutxlanh lúng túng… – chỉ có điều..
– Chỉ có điều, – Lêôna cười khẩy, – là bọn họ đã mua sự im lặng của ông ta rồi phải không? Họ đã mở hòm ra và thấy đựng đầy đồ trang sức – và thế là họ đã chia cho chồng bà một phần chiến lợi phẩm…
– Vâng… đúng thế… – bà nói… – họ cho mấy cái nhẫn – bảy cái nhẫn tất cả… Nhưng không phải vì thế mà chồng tôi im lặng… Ông chồng khốn khổ của tôi lúc ấy đang bị ốm… Ông đã mất gần như ngay sau khi trở về.
– Thế còn chiếc hòm?
– Chiếc hòm vẫn để trong xe. Chồng tôi đem về với mấy chiếc nhẫn kia. Tôi cũng không dám nói cho ai biết câu chuyện này. Lúc ấy mọi chuyện đã qua rồi, với lại tôi sợ bị lôi thôi… – Họ có thể kết tội chúng tôi. Tốt hơn là im lặng. Thế là tôi lui về sống ở Liơbôn với con gái, và chỉ đến khi con của tôi đi làm nghề hát xướng thì nó mới dùng đến những chiếc nhẫn đó… chứ tôi thì chẳng bao giờ nghĩ đến chúng cả… Thưa ông, tất cả câu chuyện chỉ có vậy thôi, xin ông đừng hỏi tôi nữa.
Lêôna lại cười gằn:
– Sao? Tất cả câu chuyện à…
– Tôi không biết gì hơn nữa. Bà Rutxlanh sợ sệt đáp.
– Nhưng câu chuyện của bà chẳng có gì đáng quan tâm cả, Chúng tôi tốn công sức để muốn biết một điều khác kia… mà bà biết rõ điều đó rồi đấy, mẹ kiếp!…
– Điều gì?
– Mấy chữ khắc bên trong cái hòm gỗ đó, tất cả câu chuyện là ở đấy…
– Mấy chữ đó bị mờ rồi, thưa ông, tôi xin thề là như vậy và tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đọc mấy chữ ấy.
– Cứ cho là như vậy đi. Nhưng như thế thì chúng ta lại vẫn quay về câu hỏi cũ: cái hòm gỗ đó bây giờ ra sao?
– Tôi đã nói rồi: hôm ông đến nhà tôi cùng với một bà che mạng thì hôm trước người ta đã đến lấy nó đi.
– Ai lấy?
– Một người…
– Có phải người đó đang đi tìm nó không?
– Không, người ấy tình cờ nhìn thấy nó trong góc nhà. Người ấy thích nó như là một thứ đồ cổ.
– Bà hãy cho biết tên người đó, đây là câu hỏi lần thứ một trăm rồi đấy.
– Tôi không thể nói được. Đó là một người đã giúp đỡ tôi nhiều trong cuộc sống, tôi không muốn làm cho ngtrời ta khổ, tôi không nói đâu.
– Chỉ có người này mới cho phép bà nói được thôi…
– Có thể… có thể,… nhưng làm sao mà biết được người ấy ở đâu? Tôi không biết người ấy ở đâu, tôi khôrg thể gửi được thư cho người ấy… – Thỉnh thoảng chúng tôi gặp mặt nhau… À, thứ năm tới, vào quãng ba giờ chiều chúng tôi có hẹn gặp nhau…
– Tại đâu?
– Không… tỏi không có quyền nói…
– Sao? Bà lại bắt tôi phải bắt đầu à? – Gã Lêôna càu nhàu vẻ sốt ruột.
Bà Rutxlanh sợ hãi.
– Không, không, ôi! thưa ông đừng! Tôi van ông. Bà kêu lên một tiếng đau đớn.
– Ôi! đồ kẻ cướp!… Mày làm gì tao thế này?… Ôi! Khốn nạn cái tay tôi…
– Thế thì nói đi, mẹ kiếp!
– Vâng, vâng… tôi hứa…
Nhưng người đàn bà không nói tiếp được nữa. Bà đã kiệt sức. Tuy nhiên gã Léôna vẫn cố gặng hỏi, và Raun nghe được lỏm bỏm vài câu nói hoảng sợ của bà: “Vâng… thế này đây… chúng tôi sẽ gặp nhau vào thứ năm… tại một cột tháp hải đăng cũ bỏ không… Ấy không… tôi không được phép… Tôi thà chết còn hơn… ông muốn làm gì thì làm… tôi thà chết còn hơn…”
Bà im lặng. Lêôna lầu hầu:
– Sao thế? Con mụ già ngoan cố này làm sao vậy? Chắc mụ chưa chết chứ?… A! Đồ con lừa, mi sẽ phải khai!… Ta cho mi mười phút suy nghĩ!…
Có tiếng cánh cửa mở ra rồi đóng lại. Chắc là gã Lêôna đi gặp ả Galiôxtrô để thông báo cho ả biết những lời khai vừa lấy được và để xin chỉ thị tiếp.
Raun ngẩng lên và nhìn thấy hai người đang ngồi bên nhau ngay dưới vách đá. Lêôna đang nói với vẻ sốt ruột. Còn ả Giôdin thì im lặng ngồi nghe.
Bọn khốn nạn! Raun ghê tởm cả hai. Tiếng rên rỉ của bà Rutxlanh đã làm cho chàng xúc động, chàng căm giận đến phát run cả người. Giờ đây không có cái gì có thể ngăn cản được chàng ra tay cứu giúp người đàn bà kia.
Theo thói quen, chàng sẽ ra tay hành động đúng lúc khi mà chàng hình dung được sự việc sẽ diễn ra theo trật tự lôgic của chúng. Trong những trường hợp như vậy, thái độ do dự sẽ có nguy cơ làm đổ vỡ mọi chuyện. Sự thành công phụ thuộc vào óc táo bạo dám nhanh chóng vượt qua cả những trở ngại không lường trước được.
Chàng liếc nhanh về phía địch thủ. Cả năm tên đang ở cách xa cửa hang. Chàng liền nhanh nhẹn chui vào ống khói lò sưởi, lần này chàng cho chân đi trước. Chàng dự định là sẽ cố gắng hết sức nhẹ nhàng moi một lối đi thông xuống hang, nhưng gần như ngay tức khắc chàng bị một đám đất đá lở kéo theo tụt xuống phía dưới rơi đúng vào đống gạch đá ngổn ngang.
“Bố khỉ, mong sao ở ngoài kia bọn chúng không nghe thấy!”
Chàng dỏng tai nghe ngóng. Không thấy ai chạy lại.
Xung quanh tối mò làm cho chàng tưởng rằng mình vẫn còn đang mắc kẹt trong lòng lò sưởi. Nhưng khi đưa tay ra sờ soạng chàng mới biết rằng ống khói dẫn thẳng xuống hang, hay đúng hơn là nó dẫn xuống một cái ngách được khoét sâu ở phía trong hang, và cái ngách này bé đến nỗi tay chàng lập tức chạm phải bàn tay nóng bỏng khác. Khi đã quen với bóng tối, chàng nhận ra có hai con mắt sáng long lanh đang nhìn thẳng vào mình và một bộ mặt tái xanh hốc hác đang run lên vì sợ hãi.
Người ngồi trước mặt chàng không bị trói và cũng không bị nhét giẻ vào mồm. Cần gì phải thế! Bà ta làm sao mà chạy trốn được khi mà sức lực đã kiệt quệ và bà chỉ còn lại nỗi kinh sợ trong người.
Chàng cúi người bảo:
– Bà đừng sợ. Tôi là người đã cứu cô con gái Brigit của bà thoát chết, cô ấy cũng là nạn nhân của những kẻ đang hành hạ bà vì chuyện cái hòm gỗ và mấy cái nhẫn ấy đấy. Tôi đã theo dõi bà kể từ hôm bà rời Liơbôn, và tôi cũng sẽ cứu bà, nhưng với điều kiện là không bao giờ bà được tiết lộ những điều đã xảy ra.
Nhưng tại sao lại phải giải thích lôi thôi khi mà người đàn bà bất hạnh kia không còn đủ sức để hiểu được nữa? Thế là không chậm trễ, chàng liền bế bà lên và xốc lên vai. Rồi chàng ra cửa hang, đẩy nhẹ cánh cửa mà chàng đoán chỉ là khép hờ.
Đằng kia, Lêôna và Giôdin vẫn tiếp tục trao đổi câu chuyện. Đằng sau họ, phía bên dưới, vườn rau là con đường cát trắng chạy dài đến tận thị trấn Đuycle, trên đường có mấy chiếc xe ngựa chở đồ của nông dân đang đi lại.
Thế là, nhằm lúc thuận lợi, chàng mở toang cửa, chạy lao qua vườn rau xuống đường và đặt bà Rutxlanh nằm xuống vệ đường.
Ngay tức khắc chàng nghe thấy tiếng la ó xung quanh. Ba cha con nhà Coócbuy cùng gã Lêôna đổ xô tới, cả bốn người đang hăng máu như muốn đánh. Nhưng bọn họ làm gì được chàng? Lúc này xe cộ đang đi lại. Tấn công Raun trước mặt những nhân chứng kia để cướp lại bà Rutxlanh thì lập tức sẽ bị cảnh sát điều tra và bị tòa án trừng phạt. Thế là cả bọn đứng im như phỗng. Tình hình diễn ra đúng như Raun đã dự đoán.
Với vẻ mặt vô cùng bình thản, chàng gọi một chiếc xe ngựa trên có hai cô tu sĩ và nhờ họ giúp đỡ một người đàn bà tội nghiệp mà chàng thấy nằm ngất bên đường với những ngón tay bị xe cán nát.
Hai bà này là những người quản lý một trại dưỡng lão và một bệnh xá tại Đuycle, nghe thấy thế họ liền vội vã ra tay. Họ đặt bà quả phụ Rutxlanh lên xe và lấy khăn choàng đắp cho bà, Lúc này bà vẫn còn mê sảng, bàn tay dập nát sưng vù và đầy máu me đang ngọ nguậy.
Rồi chiếc xe ngựa chuyển bánh phi nước kiệu, Raun vẫn đứng bất động, vì chàng đang còn bị ám ảnh bởi cái hình ảnh của một bàn tay bị hành hạ một cách dã man kia, và chàng bị xúc động mạnh đến nỗi không nhận ra bốn người đàn ông đang chia nhau đi vòng quanh mình. Đến khi chàng trấn tĩnh lại thì đã thấy họ vây chặt lấy người và đang dồn chàng về phía vườn rau… con đường lúc này vắng ngắt, gã Lêôna cảm thấy tình thế vô cùng thuận lợi nên y liền rút dao găm ra.
– Cất cái đó đi và để mặc chúng tôi, – Giôdin lên tiếng – Cả bố con ông Coócbuy nữa, đừng có làm điều gì dại dột nhé!
Từ nãy đến giờ ả vẫn ngồi yên trên ghế, chỉ đến lúc này ả mới xuất hiện.
Lêôna phản đốỉ:
– Dại dột à? Thả hắn ra mới là dại dột. Cứ giữ nó lại một lần nữa xem sao nào!
– Anh đi đi! Ả ra lệnh.
– Nhưng mà bà ấy… bà ấy sẽ tố giác chúng ta…
– Không. Bà Rutxlanh sẽ không thấy lợi lộc gì mà khai báo đâu. Ngược lại là đằng khác.
Đợi cho Lêôna lánh ra xa, ả liền bước tới bên Raun.
Raun nhìn ả hồi lâu, chàng nhìn bằng con mắt khó chịu làm cho ả thấy ngượng ngùng, đến nỗi ả phải lên tiếng ngay để phá tan sự im lặng:
– Mỗi người hành động theo lối của mình, phải không anh Raun? Chúng ta lần lượt thay phiên nhau giành thắng lợi. Hôm nay chàng đã thắng. Ngày mai… Nhưng mà làm sao thế kia? Trông chàng có một vẻ kỳ khôi quá! Và đôi mắt chàng trông nghiêm thế?..
Chàng đáp gọn:
– Vĩnh biệt, Giôdin.
Ả hơi tái mặt:
– Vĩnh biệt à? Chắc chàng muốn nói là “tạm biệt”?
– Không, vĩnh biệt.
– Thế thì… thế nghĩa là chàng không muốn gặp em nữa à?
– Tôi không muốn gặp cô nữa.
Ả cúi mặt. Một cơn rùng mình làm hai hàng mi ả nhấp nháy. Đôi môi có vẻ rạng rỡ và đồng thời cũng có vẻ vô cùng đau khổ.
Cuối cùng ả thì thầm:
– Tại sao vậy, anh Raun?
– Bởi vì tôi đã nhìn thấy một vật làm cho tôi không thể… và có lẽ tôi sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho cô được.
– Vật gì?
– Bàn tay của người đàn bà vừa rồi.
Ả có vẻ như kiệt sức và nói khẽ:
– A, tôi hiểu… tay Lêôna đã hành hạ bà ta. Tôi cũng đã cấm anh ta… và tôi cứ tưởng anh ta chỉ dùng biện pháp dọa nạt để bắt bà ta khai.
– Cô nói dối, cô Giôdin ạ. Cô đã nghe thấy bà ta kêu la, cũng như cô đã nghe thấy khi còn ở trong rừng Môlêvriê. Lêôna là kẻ thừa hành, còn cái ác thì ở trong cô, cô Giôdin ạ. Chính cô đã sai tay chân đến ngôi nhà nhỏ ở phố Môngmactrơ và cho phép giết cô Brigit Rutxlanh nếu cô ta kháng cự. Chính cô đã để lẫn thuốc độc cho Bômanhăng uống. Chính cô hai năm về trước đã triệt hai chiến hữu của Bômanhăng là Đơm Xanh-Êbe và Gioocgiơ Đixnôvan.
Ả phản đối:
– Không, không, tôi không cho phép anh nói thế… không đúng như vậy, anh biết đấy.
Chàng nhún vai:
– Vâng, để đạt được mục đích, cô đã dựng nên một câu chuyện hoang đường về một người đàn bà khác… một người đàn bà giống hệt cô và đó là người gây ra các tội ác kia, trong khi cô, Giôdêphin Banxamô, cô tự bằng lòng với những cuộc phiêu lưu ít thô bạo hơn! Tôi đã tin vào câu chuyện hoang đường này. Tôi đã bị những câu chuyện về con cháu của nhà Caliôxtrô làm cho rối trí. Nhưng giờ thì hết rồi, Giôdin ạ. Nếu như trước đây tôi đã cố tình nhắm mắt trước những cảnh hãi hùng, thì hôm nay cái hình ảnh về một bàn tay bị hành hạ đã mở mắt cho tôi nhìn thẳng vào sự thật.
– Nó mở ra cho anh những điều giả dối đấy, Raun ạ. Nó làm cho anh suy diễn sai lầm. Tôi không hề biết hai kẻ mà anh vừa nhắc tới.
Chàng mệt mỏi đáp:
– Có thể. Cũng có thể là tôi lầm, nhưng từ nay trở đi tôi không còn có thể nhìn cô trong lớp sương mù bí ẩn được nữa. Cô đã hiện rõ nguyên hình, nghĩa là cô là một kẻ giết người.
Chàng hạ giọng nói tiếp.
– Thậm chí như là một kẻ bệnh hoạn. Nếu như có một sự giả dốỉ nào đó thì đấy chính là cái sắc đẹp của cô.
Ả lặng im. Bóng râm của chiếc mũ cói làm cho khuôn mặt dịu hiền của ả càng thêm hiền dịu. Những câu nói lăng mạ của người tình không hề động đến được cái vẻ dịu hiền đó. Ả đứng đó với tòan bộ vẻ quyến rũ và hấp dẫn.
Raun bị xúc động đến tận đáy lòng. Chưa bao giờ chàng cảm thấy ả ta đẹp đẽ và khêu gợi đến như vậy, và chàng tự hỏi không biết có phải là điên rồ không nếu như chàng lại tự cho phép mình buông thả, điều mà chàng sẽ nguyền rủa nó kể từ ngày mai trở đi. Ả cất tiếng khẳng định:
– Sắc đẹp của em không phải là một sự giả dối đâu, anh Raun ạ, và em tin là chàng sẽ quay lại bởi vì sắc đẹp của em là để dành cho chàng.
– Tôi sẽ không quay lại đâu.
– Có, chàng không thể sống thiếu em được, chiếc xà lan “Thong dong” ở gần đây thôi. Ngày mai em đợi chàng ở đó.
– Tôi sẽ không quay lại đâu. – Chàng nói và một lần nữa chân chàng như muốn khuỵu xuống.
– Thế thì tại sao chàng lại run rẩy như thế kia? Tại sao mặt chàng lại tái đi như thế?
Chàng hiểu rằng muốn thoát khỏi người đàn bà này thì chàng phải giữ im lặng, phải trốn chạy ngay không một lời đáp và không được ngoái cổ lại.
Chàng liền gạt hai bàn tay của Giôdin đưa ra và bỏ đi.