Cậu hãy sai khiến ta đi! – Ông Khốttabít nói tiếp và nhìn Vônca bằng cặp mắt trung thành – Cậu có gặp phải tai họa nào không, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa? Hãy nói đi, ta sẽ giúp cậu ngay.
– Thôi chết rồi! – Vônca kêu lên, sau khi liếc nhìn chiếc đồng hồ báo thức đang tích tắc đều đặn trên bàn – Cháu đến thi muộn mất!…
– Cậu đến muộn cái gì, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa? – Ông Khốttabít hỏi với vẻ sốt sắng – Cậu dùng tiếng “thi” lạ lùng ấy để chỉ việc gì vậy?
– Đó chính là việc thử thách học lực. Cháu phải đến trường để thử thách học lực mà lại bị muộn mất rồi.
– Hỡi cậu Vônca, – Ông già phật ý – Cậu nên biết rằng cậu chưa đánh giá đúng mức khả năng kỳ diệu của ta đấy. Không, không và không! Cậu không đến thi muộn đâu. Cậu chỉ cần nói cậu thích đằng nào hơn: hoãn cuộc thi lại hay có mặt ở cổng trường ngay lập tức?
– Có mặt ở cổng trường ạ! – Vônca nói.
– Không có việc gì dễ hơn thế! Ngay bây giờ, cậu sẽ có mặt ở cái nơi mà cậu khát khao đến đấy với cả tâm hồn trẻ trung, cao thượng của mình. Và bằng những kiến thức của cậu, cậu sẽ làm cho các thầy cô, các bạn cậu phải kinh ngạc.
Ông già lại rứt một sợi râu kêu đánh “tưng”, tiếp đó lại rứt một sợi nữa.
– Cháu sợ là cháu chẳng làm ai kinh ngạc đâu. – Vônca vừa thở dài với vẻ biết điều, vừa vội vàng mặc bộ đồng phục học sinh – Xin nói thật rằng cháu chẳng kiếm được điểm “5” (1) về môn địa lý đâu ông ạ.
– Môn địa lý ư? – Ông già reo lên và trịnh trọng giơ cao hai cánh tay khẳng khiu – Cậu sắp phải thi môn địa lý à? Hỡi cậu thiếu niên kỳ diệu nhất trong tất cả các thiếu niên kỳ diệu, cậu nên biết rằng cậu gặp may chưa từng thấy, bởi vì ta, Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp, kẻ đầy tớ trung thành của cậu, giàu kiến thức về địa lý hơn bất cứ một ông thần nào. Ta sẽ cùng cậu đến trường, cầu chúc nền móng và mái nhà của trường được an toàn! Ta sẽ kín đáo nhắc cho cậu cách trả lời tất cả những câu hỏi mà các giáo viên đặt ra cho cậu, và cậu sẽ nổi tiếng trong các học sinh trường cậu cũng như các học sinh tất cả những trường ở thành phố tráng lệ của cậu. Các giáo viên của cậu cứ thử không cho cậu những điểm cao nhất xem, họ sẽ biết tay ta! – Nói đến đây, ông Khốttabít trở nên dữ tợn – Hừ, lúc bấy giờ họ sẽ rất, rất khốn! Ta sẽ biến họ thành những con lừa chuyên đi chở nước, thành những con chó hoang lở loét đầy mình, thành những con cóc ghê tởm và hèn hạ nhất. Ta sẽ trừng trị họ như thế đấy! Tuy nhiên, – Ông già nguôi giận cũng chóng như khi nổi giận – sự việc sẽ chẳng đến nỗi ấy đâu, bởi vì mọi người sẽ phải khâm phục trước những câu trả lời của cậu, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa.
– Cám ơn ông Gátxan Khốttabít! – Vônca thở dài nặng nề – Cám ơn ông, nhưng cháu không cần một lời nhắc bài nào cả. Chúng cháu, những đội viên thiếu niên tiền phong, do tính nguyên tắc, đang chống lại việc nhắc bài. Chúng cháu chống lại việc đó một cách có tổ chức.
Nhưng làm sao một ông thần già nua đã từng bị giam cầm bao nhiêu năm lại biết được cái từ “tính nguyên tắc” cao siêu nọ? Song cái thở dài mà vị cứu tinh trẻ tuổi của ông ta phát ra cùng với câu nói đầy cao thượng đáng buồn ấy đã khiến ông Khốttabít tin chắc rằng việc giúp đỡ của ông cần cho Vônca hơn bất kỳ bất lúc nào.
– Ta rất buồn vì cậu đã từ chối, – Ông Khốttabít nói, – nhưng cậu hãy chú ý đến điều cốt yếu này: không một ai nhận thấy việc ta nhắc bài cho cậu cả.
– Thôi, thôi! – Vônca nhếch mép cười chua chát. – Cô Vacvara Xtêpanốpna rất thính tai, chẳng qua được cô đâu!
– Bây giờ cậu chẳng những làm ta buồn mà còn làm ta bực mình nữa, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa. Nếu Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp nói rằng không ai nhận thấy thì sẽ không có ai nhận thấy cả.
– Không ai cả ư? – Vônca hỏi lại cho chắc.
– Không ai cả! Những điều ta được hân hạnh nhắc cho cậu sẽ truyền thẳng từ cái mồm đáng trọng của ta đến cái tai đáng kính của cậu.
– Quả là cháu không biết cháu phải xử sự với ông thế nào đây, ông Gátxan Khốttabít ạ. – Vônca thở dài vờ vĩnh – Cháu rất không muốn làm ông phải buồn về việc cháu từ chối… Thôi đành vậy!.. Cũng may là môn địa lý chứ không phải môn toán và môn tiếng Nga. Về môn toán hoặc môn tiếng Nga thì cháu không đời nào đồng ý để cho ông nhắc bài, dù chỉ nhắc chút xíu thôi. Nhưng môn địa lý dẫu sao cũng chẳng phải là môn quan trọng nhất… Nào, vậy thì ông cháu ta đi nhanh lên!.. Chỉ có điều là… – Nói đến đây, Vônca đưa mắt nhìn bộ quần áo khác thường của ông già với vẻ phê phán – E.. hèm… Sao ông lại ăn mặc như thế, ông Gátxan Khốttabít?
– Phải chăng quần áo của ta không vừa mắt cậu, hỡi cậu Vônca đáng kính nhất trong tất cả các cậu có tên là Vônca? – Ông Khốttabít phật ý.
– Bộ quần áo ấy vừa mắt, hết sức vừa mắt! – Vônca trả lời khéo léo – Nhưng ông ăn mặt… biết nói thế nào nhỉ… Ở nước cháu có mốt quần áo hơi khác… Bộ quần áo của ông sẽ đập vào mắt mọi người.
– Thế bây giờ các bậc trượng phu cao tuổi đáng kính ở nước cậu ăn mặc như thế nào?
Vônca thử cắt nghĩa rõ ràng cho ông già biết thế nào là áo véttông, quần tây, nhưng nó có cố gắng đến mấy cũng không thể nào cắt nghĩa dễ hiểu được. Nó đã hoàn toàn bí thì tình cờ nhìn thấy tấm ảnh ông nội treo trên tường. Nó liền dẫn ông Khốttabít đến trước tấm ảnh đã vàng ố vì thời gian. Ông già nhìn tấm ảnh trong chốc lát với vẻ tò mò và băn khoăn không che giấu nổi: ông thấy lạ và ngạc nhiên khi nhìn bộ quần áo không hề giống bộ quần áo của mình.
Một phút sau, từ tòa nhà mà gia đình Côxtưncốp bắt đầu ở từ hôm nay, Vônca nắm tay ông Khốttabít bước ra. Ông già rất oách trong bộ comlê mới tinh bằng vải thô, áo sơmi thêu kiểu Ucraina và chiếc mũ cói cứng. Cái duy nhất mà ông không chịu thay là đôi giày. Vin vào cái nốt chai có ở chân đã 3.000 năm nay, ông già vẫn đi đôi giày màu hồng mũi vểnh. Xưa kia, đôi giày này có lẽ là của một người đua đòi theo mốt nhất trong triều đình của quốc vương Harun An Rasít nghĩ ra.
Thế rồi Vônca cùng với ông Khốttabít đã cải trang đi gần như chạy đến cổng trường trung học số 124. Ông già soi mình làm dáng trong tấm cửa kính như soi trước gương và lấy làm hài lòng.
Bác gác cổng đứng tuổi đang uể oải đọc báo liền mừng rỡ đặt tờ báo qua một bên khi thấy Vônca và ông già cùng đi. Bác cảm thấy nóng nực và muốn trò chuyện.
Vônca nhảy một lúc mấy bậc, lao lên cầu thang. Các hành lang lặng lẽ và vắng tanh – một dấu hiệu rõ ràng và đáng buồn về việc cuộc thi đã bắt đầu, và Vônca thế là đã đến muộn.
– Còn ông, ông đi đâu? – Bác gác cổng hỏi ông Khốttabít toan đi theo cậu bạn trẻ của mình.
– Ông cháu cần đến gặp thầy hiệu trưởng ạ! – Vônca kêu lên từ trên cao.
– Xin lỗi ông, ông hiệu trưởng đang bận. Giờ này ông ấy đang coi thi. Xin mời ông đến vào gần cuối buổi chiều.
Ông Khốttabít cau mày bực bội:
– Nếu có thể được, ta ưng đứng đợi ông hiệu trưởng ở đây hơn, hỡi ông già đáng kính! – Sau đó, ông nói lớn với Vônca – Cậu đến ngay lớp mình đi, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa! Ta tin rằng cậu sẽ làm cho các thầy cô, các bạn cậu phải kinh ngạc về những kiến thức của cậu!
– Thưa ông, ông là ông nội của cậu ấy hay là thế nào ạ? – Bác gác cổng cố bắt chuyện.
Nhưng ông Khốttabít mím môi im lặng. Ông ta cho rằng trò chuyện với người gác cổng là hạ thấp phẩm giá của mình.
– Xin mời ông uống nước! – Bác gác cổng lại nói tiếp – Hôm nay trời nóng quá, phải cẩn thận đấy.
Rót nước trong bình ra một ly đầy, bác gác cổng quay mình để đưa ly nước cho ông già lạ mặt ít nói, nhưng bác hoảng sợ khi thấy ông già đã biến đâu mất, cứ như đã độn thổ vậy! Sửng sốt trước sự việc không thể tưởng tượng nổi, bác gác cổng uống ực một hơi ly nước dành cho ông Khốttabít, rồi lại rót và uống cạn ly nước thứ 2, ly nước thứ 3 và chỉ ngừng uống khi trong bình không còn một giọt nào cả. Bấy giờ, bác mới ngả người vào lưng ghế và phe phẩy tờ báo, người mệt lử.
Đúng lúc ấy, ở tầng 2, ngay trên đầu bác gác cổng, tại phòng học lớp 6B đang diễn ra cảnh tượng không kém phần hồi hộp. Các giáo viên đứng đầu là thầy hiệu trưởng Paven Vaxiliêvích ngồi sau chiếc bàn phủ tấm khăn dạ dùng trong dịp lễ, phía trước cái bảng lớn có treo bản đồ địa lý. Ngồi ở các bàn học trước mặt họ là những học sinh chỉnh tề, trịnh trọng. Trong lớp im lặng tới mức chỉ nghe thấy tiếng vo vo đều đều của một con ruồi bay đâu đó ở tít trên trần. Nếu những học sinh lớp 6B bao giờ cũng giữ được im lặng như thế thì đó hẳn phải là một lớp có kỷ luật nhất trong toàn thành phố Mátxcơva.
Nhưng cần phải nói thêm rằng sự im lặng trong lớp ấy không phải chỉ do thi cử, mà còn do Vônca vừa được gọi lên bảng, song nó vẫn chưa có mặt trong lớp.
– Vlađimia Côxtưncốp! – Thầy hiệu trưởng nhắc lại và đưa cặp mắt băn khoăn nhìn cả lớp đang im phăng phắc.
Lớp học lại càng im lặng hơn.
Bỗng từ ngoài hành lang vọng vào tiếng chân chạy huỳnh huỵch của ai đó và đúng vào lúc thầy hiệu truởng gọi lần thứ 3 và là lần cuối cùng: “Vlađimia Côxtưncốp!” thì cánh cửa ra vào chợt mở toang và Vônca vừa thở hổn hển vừa kêu the thé:
– Em có mặt.
– Em lên bảng! – Thầy hiệu trưởng nghiêm khắc nói- Còn chuyện em đến muộn thì chúng ta sẽ nói sau.
– Em… em… bị mệt ạ… – Vônca lắp bắp cái ý đầu tiên chợt đến trong đầu và ngập ngừng bước tới gần chiếc bàn đặt các phiếu thi.
Trong lúc nó đang ngẫm nghĩ xem nên chọn cái phiếu nào trong số các phiếu thi đặt trên bàn thì ở ngoài hành lang, ông già Khốttabít từ ngay trong tường hiện ra và với một vẻ lo lắng, ông đi xuyên qua bức tường khác vào phòng học bên cạnh.
Cuối cùng, Vônca quyết định: lấy cái phiếu thi bắt gặp đầu tiên, từ từ mở cầu may phiếu ra và mừng rỡ khi thấy rõ ràng là nó sẽ phải trả lời về nước Ấn Độ. Nó biết khá nhiều về đúng cái nước Ấn Độ ấy. Từ lâu, nó đã chú ý đến nước này.
– Nào, em hãy trả lời đi! – Thầy hiệu trưởng nói.
Phần đầu phiếu thi, Vônca thậm chí nhớ đúng từng chữ trong sách giáo khoa. Nó đã há mồm và muốn nói rằng bán đảo Hinđuxtan trông giống như một hình tam giác, rằng cái hình tam giác khổng lồ này được bao bọc bởi Ấn Độ Dương và các vùng phụ cận của nó: biển Arập ở phía Tây và vịnh Bengan ở phía Đông, rằng trên bán đảo này có 2 nước lớn là Ấn Độ và Pakixtan, rằng nhân dân hai nước này hiền hậu, yêu chuộng hòa bình, có một nền văn hóa lâu đời và phong phú; rằng bọn đế quốc Mỹ và đế quốc Anh luôn luôn cố tình gây xích mích giữa hai nước này, vân vân và vân vân. Nhưng đúng lúc đó, ở phòng học bên cạnh, ông Khốttabít áp sát vào tưòng, khum bàn tay trước miệng như cái loa và nói lầm bầm liên tục:
– Ấn Độ, hỡi thầy giáo đáng kính của tôi…
Và bỗng nhiên, trái với ý muốn của mình, Vônca bắt đầu nói hết sức lảm nhảm:
– Ấn Độ, hỡi thầy giáo đáng kính của tôi, ở gần tận cùng địa đất và xứ này bị ngăn cách bởi những sa mạc không có người ở và chưa ai đặt chân đến, bởi vì ở phía Đông không hề có dã thú, chim chóc sinh sống. Ấn Độ là một nước rất giàu và có nhiều vàng. Vàng ở đấy không đào ở dưới đất như ở các nước khác, mà do những con kiến mang vàng đặt biệt, mỗi con to gần bằng con chó, tìm kiếm được suốt ngày đêm, không mệt mỏi. Chúng đào chỗ ở cho mình ở dưới lòng đất và mỗi ngày đêm chúng 3 lần đưa lên mặt đất những hạt cát vàng và kim loại tự nhiên rồi chất thành các đống lớn. Nhưng rủi thay cho những người Ấn Độ không có sự khôn ngoan cần thiết mà lại muốn chiếm đoạt số vàng đó! Những con kiến nọ đuổi theo họ và khi đuổi kịp đã cắn chết họ ngay tại chỗ. Phía Bắc và phía Tây, Ấn Độ tiếp giáp với một nước có những người hói đầu sinh sống. Nước ấy, cả đàn ông lẫn đàn bà, cả người già lẫn trẻ con đều hói đầu, và những người kỳ lạ ấy thường ăn cá sống, trái cây. Nằm sát nước này còn có một nước mà người ta không thể nhìn về phía trước, không thể đi qua được, bởi vì ở đấy tung tóe vô số lông chim. Ở đấy, lông chim tràn ngập không trung và mặt đất, làm cản trở người ta nhìn…
– Thôi, thôi, Côxtưncốp! – Cô giáo địa lý Vácvara mỉm cười. – Không ai yêu cầu em kể lại những quan điểm của người xưa về địa lý tự nhiên của châu Á. Em hãy trình bày những quan điểm khoa học hiện nay về nước Ấn Độ.
Ôi, Vônca sẽ sung sướng biết bao nếu được trình bày những hiểu biết của mình về vấn đề này! Nhưng nó có thể làm gì được một khi nó không còn làm chủ được lời nói và cử chỉ của mình! Sau khi đồng ý để cho ông Khốttabít nhắc bài, nó đã trở thành món đồ chơi không còn một chút ý chí trong sự điều khiển của một người đầy thiện chí nhưng lại có đầu óc cổ lỗ. Vônca muốn khẳng định rằng đương nhiên những điều nó vừa nói không có gì chung với những quan điểm khoa học hiện tại, nhưng ông Khốttabít ở bên kia tường đã nhún vai băn khoăn, lắc đầu không chịu, và ở đây, trước bàn của ban giám khảo, Vônca cũng buộc phải nhún vai và lắc đầu không chịu:
– Hỡi cô Vácvara Xtêpanốpna đáng kính, những điều ta vừa hân hạnh nói với mi được dựa trên những nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất và không có những kiến thức nào khoa học hơn những điều ta vừa được phép trình bày với mi.
– Côxtưncốp, em bắt đầu xưng hô “ta, mi” với người lớn từ bao giờ thế? – Cô giáo địa lý ngạc nhiên – Và hãy thôi làm trò hề đi! Em đang dự thi chứ không phải ở trong buổi dạ hội hóa trang đâu nhé. Nếu em không hiểu cái phiếu thi ấy, em cứ nói thật thì hơn. Tiện thể, cô hỏi vừa rồi em nói lảm nhảm gì về cái đĩa đất thế? Chẳng lẽ em không biết trái đất hình cầu sao?
Vônca Côxtưncốp, thành viên thực thụ của nhóm thiên văn học trực thuộc Cung thiên văn Mátxcơva, lẽ nào lại không biết trái đất hình cầu? Bất cứ một em học sinh lớp 1 nào cũng biết điều đó!
Nhưng ở bên kia tường, ông Khốttabít đã phì cười và từ miệng Vônca, dù cu cậu tội nghiệp của chúng ta đã cố mím chặt môi, vẫn buộc ra tiếng cười kiêu ngạo:
– Mi lại dám chế giễu đứa học trò trung thành nhất của mi ư! Nếu trái đất hình cầu thì bao nhiêu nước sẽ trôi tuột xuống hết và loài người sẽ chết khát, cây cỏ sẽ chết khô. Hỡi cô giáo đáng kính và cao quý nhất trong tất cả các giáo viên, trái đất đã và đang có hình cái đĩa bằng phẳng, khắp các phía được bao bọc bởi một con sông vĩ đại gọi là “Đại dương”. Cái đĩa đất khổng lồ ấy được đặt trên 6 con voi, 6 con voi này lại đứng trên một con rùa khổng lồ. Thế giới được sắp đặt như vậy đó, hỡi cô giáo!
Các vị giám khảo nhìn Vônca với vẻ ngạc nhiên mỗi lúc một tăng. Còn Vônca thì toát mồ hôi hột vì khiếp đảm và vì nhận thấy sự bất lực hoàn toàn của mình.
Các học sinh trong lớp vẫn chưa thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra đến với cậu bạn Vônca, nhưng có đứa đã bắt đầu rúc rích cười. Thật là ngộ khi nghe nói về cái nước của những người hói đầu, về cái nước tràn ngập lông chim, về những con kiến mang vàng to bằng con chó, về trái đất hình đĩa được đặt trên 6 con voi và 1 con rùa. Còn Giênia Bôgôrát, cậu bạn chí thân và là tổ trưởng của Vônca thì lo lắng thật sự. Hơn ai hết, Giênia biết rõ Vônca là trưởng nhóm thiên văn học và dù sao chăng nữa thì cậu ta cũng phải biết trái đất hình cầu.
Chẳng lẽ Vônca tự nhiên lại giở trò càn quấy ở tại ngay cuộc thi? Có thể Vônca bị bệnh. Nhưng bệnh gì? Cái bệnh gì mà kỳ cục vậy? Và sau nữa, rất bực mình cho cả tổ. Cả tổ luôn luôn dẫn đầu về các chỉ tiêu thi đua, nay bỗng nhiên tất cả đều đi tong vì những câu trả lời nhảm nhí của Vônca, một đội viên thiếu niên tiền phong rất có kỷ luật và có ý thức!
Lúc đó, Gôga Piliukin ngồi ở bàn bên cạnh – một thằng bé hết sức khó chịu mà các bạn cùng lớp thường gọi đùa là “Thuốc viên” (2) – lại rắt muối thêm vào những vết thương mới bị của Giênia:
– Giênetrơca (3), tổ cậu thế là cháy rụi rồi! – Gôga nói thầm và cưòi hi hí với vẻ vui mừng độc địa. – Cháy rụi như một ngọn nến!..
Giênia lặng lẽ giơ nắm đấm về phía “Thuốc viên”.
– Thưa cô Vácvara Xtêpanốpna! – Gôga ré lên ai oán. – Bạn Bogôrát giơ nắm đấm dọa em ạ.
– Hãy ngồi yên! – Cô Vácvara nói với Gôga và lại quay về phía Vônca đang đứng đực trước mặt cô, sợ mất vía – Về những con voi và rùa, em nói nghiêm chỉnh đấy chứ?
– Nghiêm chỉnh hơn lúc nào hết, hỡi cô giáo đáng kính nhất trong tất cả các cô giáo. – Vônca lặp lại lời nhắc của ông già Khốttabít và ngượng chín người.
– Em không nói thêm gì nữa ư? Chẳng lẽ em cho rằng đã trả lời đúng phiếu thi của em?
– Không, không cần nói thêm gì cả. – Ở bên kia tường, ông Khốttabít lắc đầu từ chối.
Và Vônca khốn khổ vì sự bất lực trước sức mạnh đang đẩy nó đến chỗ thi trượt, cũng làm một cử chỉ từ chối.
– Không, không cần nói thêm gì cả. Có chăng thì chỉ cần nói rằng chân trời ở nước Ấn Độ giàu có được viền bằng vàng và ngọc trai.
– Thật là quá quắt! – Cô giáo vung tay lên tỏ vẻ kinh ngạc.
Không thể tin được rằng Côxtưncốp, một chú bé khá là kỷ luật, trong giờ phút quan trọng như thế này mà lại dám chế giễu các thầy cô một cách hỗn láo như vậy và thế là có cơ bị thi lại.
– Theo tôi, sức khỏe của cậu bé này không được bình thường cho lắm. – Cô Vácvara nói nhỏ với thầy hiệu trưởng.
Liếc nhìn thông cảm với Vônca đang lặng người đi vì buồn bã, các vị giám khảo bắt đầu thì thầm hội ý.
Cô Vácvara đề nghị:
– Ta nên đặt cho cậu bé này một câu hỏi riêng để em ấy trấn tĩnh lại chăng? Một câu hỏi trong chương trình năm ngoái cũng được. Năm ngoái, em ấy được điểm “5” môn địa lý đấy.
Các vị giám khảo khác đồng ý, và cô Vácvara lại quay về phía cậu bé Vônca bất hạnh:
– Côxtưncốp, em lau nước mắt đi, chớ mất bình tĩnh nhé! Em hãy nói thế nào là chân trời?
– Chân trời phải không ạ? – Vônca mừng rỡ – Đó là một điều hết sức đơn giản, chân trời là cái đường tưởng tượng…
Nhưng ở bên kia tường, ông Khốttabít lại bắt đầu ngọ nguậy, và Vônca lại trở thành nạn nhân của việc ông ta nhắc bài. Nó liền nói lại:
– Chân trời, hỡi cô giáo đáng kính, là cái ranh giới mà vòm trời pha lê tiếp giáp với rìa mặt đất.
– Mỗi lúc mỗi rắc rối thêm! – Cô Vácvara rên rỉ – Em bảo tôi nên hiểu những lời em nói về cái vòm trời phalê như thế nào: hiểu theo nghĩa đen hay theo nghĩa bóng?
– Theo nghĩa đen, hỡi cô giáo. – từ bên kia tường ông Khốttabít nhắc.
Và Vônca phải lặp lại theo ông ta:
– Theo nghĩa đen hỡi cô giáo.
– Theo nghĩa bóng! – Một cậu nào đó ở hàng ghế sau nói thì thầm.
Nhưng Vônca lại thốt lên:
– Tất nhiên, theo nghĩa đen, và không thể nào khác được!
– Thế nghĩa là thế nào? – Cô Vácvara vẫn không tin vào tai mình- Thế có nghĩa là theo em, vòm trời rắn?
– Rắn.
– Và có nghĩa là có nơi mặt đất kết thúc?
– Có cái nơi như vậy, hỡi cô giáo đáng kính của ta!
Bên kia tường, ông Khốttabít gật đầu tán thành và hài lòng xoa xoa hai bàn tay gầy guộc của mình.
Trong lớp im lặng một cách căng thẳng. Những anh chàng hay cười nhất cũng không dám cười. Rõ ràng là Vônca đã gặp phải một chuyện gì không ổn.
Cô Vácvara rời khỏi bàn, sờ trán Vônca với vẻ lo lắng. Trán Vônca vẫn mát như thường.
Nhưng ở bên kia tường, ông Khốttabít xúc động quá, liền cúi rạp người, đập tay vào trán và ngực theo phong tục phương Đông, rồi nói lẩm bẩm. Bị cưỡng bách bởi một sức mạnh ghê gớm, Vônca lặp lại chính xác những cử chỉ đó:
– Ta cám ơn mi, hỡi người con gái rộng lượng nhất của Xtêpan (4)! Ta cám ơn vì sự lo lắng của mi, nhưng sự lo lắng đó là không cần thiết, bởi vì ta, đội ơn Đức Ala, hoàn toàn khỏe mạnh.
Cô Vácvara âu yếm nắm tay Vônca, dắt nó ra khỏi lớp và xoa đầu nó đang cúi gục:
– Không sao đâu, Côxtưncốp, em đừng buồn. Có lẽ em bị mệt quá đấy… Em cứ nghỉ ngơi cho khỏe rồi lại đến thi, được chứ?
– Được ạ! – Vônca nói – Nhưng thưa cô Vácvara, em xin lấy danh dự đội viên thiếu niên tiền phong mà nói rằng em không hề, hoàn toàn không hề có lỗi trong chuyện này!
– Cô cũng không bảo em có lỗi kia mà! – Cô giáo trả lời dịu dàng – Thôi, bây giờ chúng ta sẽ ghé qua ông Piôtrơ Ivanứt.
Piôtrơ Ivanứt là bác sĩ của trường. Trong vòng 10 phút, ông đã nghe nghe gõ gõ trên ngực, trên lưng Vônca, bắt cậu bé nheo mắt, đứng chìa hai tay về phía trước, xòe các ngón tay ra; gõ vào dưới đầu gối nó, lấy ống nghe vách các đường trên thân thể cởi trần của nó.
Trong lúc đó, Vônca đã hoàn toàn trấn tĩnh. Má nó lại hồng hào, tâm trạng lại phấn chấn.
– Một cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh! – Ông Piôtrơ Ivanứt nói- Tôi có thể nói một cách chắc chắn: một cậu bé khỏe mạnh hiếm có! Cũng có thể cho rằng em hơi bị mệt… Em đã quá cố gắng trước kỳ thi… Nhưng em rất khỏe, rất kho-o-o-ỏ-e! Một Micula Xêlianinôvích (5), đúng là như thế!
Điều đó không ngăn cản ông bác sĩ, để phòng xa, đã nhỏ vài giọt thuốc gì đó vào ly nước và “Micula Xêlianinôvích” phải uống những giọt thuốc ấy.
Lúc đó, Vônca bỗng nảy ra một ý nghĩ táo bạo: lợi dụng sự vắng mặt của ông Khốttabít, thử trả lời đề thi cho cô Vácvara ngay tại đây, trong phòng làm việc của bác sĩ Piôtrơ Ivanứt?
– Tuyệt đối không được! – Ông Ivanứt xua tay – Không đời nào tôi cho phép như vậy. Tốt hơn hết là em hãy nghỉ vài ngày. Môn địa lý không chạy đi đâu mất mà sợ.
– Đúng thế! – Cô giáo nói với vẻ thoải mái, cô hài lòng khi thấy rằng rốt cuộc mọi việc đều êm đẹp. – Em Côxtưncốp, em đi về nhà và cứ nghỉ ngơi đi. Em cứ nghỉ cho khỏe rồi lại đến thi. Cô tin chắc rằng em nhất định sẽ được điểm “5”… Đồng chí nghĩ sao, Piôtrơ Ivanứt?
– Đại lực sĩ này ấy à? Cậu ấy không đời nào chịu nhận một điểm dưới “5” cộng đâu!
– Đúng như vậy đó… – Cô Vácvara nói – Nếu có ai dẫn em ấy về nhà thì sẽ tốt hơn chăng?
– Sao lại thế, sao lại thế, cô Vácvara Xtêpanốpna! – Vônca hoảng sợ – Em đi về một mình được mà…
Chỉ còn thiếu mỗi nước để người dẫn mình chạm trán ông già Khốttabít nham hiểm ấy nữa thôi!
Thấy Vônca đã hoàn toàn khỏe khoắn, cô giáo yên tâm cho nó về nhà một mình. Bác gác cổng lao tới đón Vônca:
– Côxtưncốp! Ông nội hay ai đó khi nãy đến đây với em đã…
Nhưng đúng lúc đó, ông già Khốttabít từ trong tường hiện ra. Ông ta vui vẻ như một chú chim sơn ca và hát khe khẽ một bài gì đó.
– Ối! – Bác gác cổng khẽ kêu lên và cố gắng một cách uổng công trong việc rót nước từ cái bình trống rỗng.
Lúc bác đặt cái bình vào chỗ cũ và ngoảnh lại thì ở tiền sảnh, cả Vônca lẫn ông già bí ẩn đi cùng với nó đã biến mất. Cả hai đã đi ra đường và rẽ vào một góc phố.
– Ta đã phù phép cho cậu, hỡi ông chủ trẻ tuổi của ta! – ông Khốttabít hãnh diện nói, phá vỡ sự im lặng kéo dài khá lâu. – Chắc cậu đã làm cho các thầy cô, các bạn cậu phải kinh ngạc về những kiến thức của cậu chứ?
– Đã làm kinh ngạc! – Vônca thở dài và nhìn ông già với vẻ bực tức.
Ông Khốttabít hể hả:
– Ta biết ngay mà!… Nhưng ta thấy hình như người con gái đáng kính nhất của Xtêpan vẫn không vừa lòng với những kiến thức sâu rộng của cậu?
– Ông nói gì thế? Ông nói gì thế? – Vônca sợ hãi xua tay, vì nó nhớ lại những lời đe dọa ghê gớm của ông Khốttabít – Ông chỉ cảm thấy như vậy thôi chứ chả đúng đâu.
– Ta đã toan biến cô ta thành cái thớt để các lão hàng thịt chặt thịt cừu trên đó, – ông già tuyên bố với vẻ dữ tợn (và Vônca lo sợ thật sự cho số phận cô giáo chủ nhiệm của mình) – nếu như ta không thấy cô ta tỏ lòng kính trọng cao nhất đối với cậu khi tiễn cậu ra tận cửa lớp và sau đó còn tiễn cậu tới gần sát cầu thang. Lúc bấy giờ, ta mới hiểu rằng cô ta đã đánh giá đúng những câu trả lời của cậu. Cầu chúc cô ta được bình an!
– Dĩ nhiên! Cầu chúc cho cô Vácvara Xtêpanốpna được bình an! – Vônca vội vàng tiếp lời. Nó cảm thấy như trút được gánh nặng.
Trong suốt mấy nghìn năm sống trên đời, ông Khốttabít đã nhiều lần tiếp xúc với những người gặp phải chuyện buồn phiền và ông biết cách làm cho họ vui lên. Dù sao chăng nữa thì ông ta cũng tin chắc rằng mình biết cách: phải tặng cho người đó một cái gì mà người đó hết sức mong muốn. Nhưng tặng cái gì bây giờ nhỉ?
Một dịp may đã gợi ý cho ông Khốttabít cách giải quyết khi Vônca hỏi một người qua đường.
– Xin lỗi, ông làm ơn cho cháu biết mấy giờ rồi ạ?
Người qua đường đưa mắt liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của mình:
– Hai giờ kém 5!
– Cám ơn ông! – Vônca nói và đi tiếp, hoàn toàn lặng thinh.
Ông Khốttabít lại phá vỡ sự im lặng:
– Hỡi cậu Vônca, hãy nói cho ta biết người qua đường ấy tại sao không cần nhìn mặt trời mà vẫn xác định được chính xác thời gian?
– Chính ông cũng thấy ông ta nhìn đồng hồ của mình đấy thôi.
Ông già trố mắt hỏi:
– Nhìn đồng hồ à?
– Vâng, nhìn đồng hồ. – Vônca giải thích thêm – Tay ông ấy có đeo chiếc đồng hồ… Chiếc đồng hồ hình tròn, vỏ mạ crôm ấy mà…
– Thế tại sao cậu lại không có một chiếc đồng hồ như vậy, hỡi vị cứu tinh đáng kính nhất trong tất cả các vị cứu tinh của những ông thần?
– Cháu mà đeo chiếc đồng hồ như vậy thì còn sớm quá! – Vônca ôn tồn đáp – Cháu chưa đến tuổi, ông ạ.
– Hỡi vị khách bộ hành đáng kính nhất, xin ngài cho phép ta được biết bây giờ là mấy giờ ạ? – Ông Khốttabít dừng người qua đường bắt gặp đầu tiên lại và nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ đeo tay của ông ta.
– Hai giờ kém 2 phút! – Người qua đường trả lời. Ông ta hơi ngạc nhiên trước câu hỏi cầu kỳ khác thường của ông già.
Sau khi cám ơn ông khách qua đường bằng những lời lẽ lịch sự nhất của người phương Đông, ông Khốttabít vừa tủm tỉm cười ranh mãnh, vừa nói với Vônca:
– Hỡi cậu Vônca tài ba nhất trong tất cả các cậu có tên là Vônca, xin cậu cho phép ta được biết bây giờ là mấy giờ ạ?
Và bỗng nhiên trên cổ tay trái Vônca sáng loáng một chiếc đồng hồ y hệt chiếc đồng hồ của người qua đường nọ, chỉ có cái khác là không phải bằng thép mạ crôm mà bằng vàng mười nguyên chất nhất.
– Cầu mong cho chiếc đồng hồ ấy xứng với cổ tay của cậu và với tấm lòng nhân hậu của cậu! – Ông già xúc động nói, thích thú trước sự sung sướng và kinh ngạc của Vônca.
Lúc bấy giờ, Vônca làm cái việc mà ở địa vị nó, bất cứ một cậu bé hay cô bé nào lần đầu tiên làm chủ một chiếc đồng hồ vẫn thường làm: áp chiếc đồng hồ lên tai để thưởng thức tiếng tích tắc của nó.
Ái chà chà!- Vônca kéo dài giọng – Chiếc đồng hồ này chưa lên dây cót. Phải lên dây cho nó mới được!
Vônca cố vặn cái núm lên dây, nhưng nó thất vọng biết chừng nào khi thấy cái núm đó không hề quay.
Bấy giờ Vônca liền móc con dao nhíp trong túi quần ra để mở nắp đồng hồ. Nhưng dù cố gắng hết sức, nó vẫn không tài nào tìm được một cái khe để có thể lách lưỡi dao vào.
– Chiếc đồng hồ này được làm bằng một cục vàng khối đấy! – Ông già nháy mắt kiêu hãnh nói với Vônca – Ta không phải là kẻ đem cho những đồ vật làm bằng vàng rỗng đâu!
– Thế có nghĩa là bên trong chiếc đồng hồ này chẳng có gì cả? – Vônca thất vọng kêu lên.
– Chẳng lẽ bên trong nó lại cần phải có cái gì đó sao? – Ông thần già băn khoăn.
Thay cho câu trả lời, Vônca lặng lẽ tháo chiếc đồng hồ và trả lại ông Khốttabít.
– Được rồi! – Ông Khốttabít đồng ý dễ dãi – Ta sẽ tặng cậu một chiếc đồng hồ chẳng cần phải có gì bên trong cả.
Chiếc đồng hồ vàng lại xuất hiện trên tay Vônca, nhưng bây giờ nó mỏng và dẹp. Mặt kính đã biến mất, và thay cho kim giờ, kim phút, kim giây là một cái đinh nhỏ bằng vàng dựng đứng ở chính giữa mặt đồng hồ. Quanh mặt đồng hồ này có những viên ngọc bích tốt nước tuyệt đẹp đính ở các điểm chỉ giờ.
– Chưa bao giờ và chưa một ai, kể cả những ông vua giàu có nhất trên thế giới, có được một chiếc đồng hồ mặt trời đeo tay như thế này! – Ông già Khốttabít lại nói, giọng đầy tự hào – Đồng hồ mặt trời có ở các quảng trường thành phố, các chợ, các vườn hoa, các sân, và tất cả những đồng hồ mặt trời này đều xây bằng đá. Còn chiếc đồng hồ mặt trời của cậu là do ta vừa nghĩ ra. Quả là cũng khá đấy chứ?
Quả thực, được làm người đầu tiên và duy nhất trên toàn thế giới có chiếc đồng hồ mặt trời đeo tay thì cũng khá là mê!
Vônca lộ vẻ thích thú ra mặt, làm cho ông già cũng cảm thấy khoái chí.
– Sử dụng chiếc đồng hồ này thế nào hả ông? – Vônca hỏi.
– Thế này nhé, – Ông Khốttabít thận trọng cầm cánh tay trái của Vônca đang đeo chiếc đồng hồ do ông vừa nghĩ ra – Cậu cứ để tay như thế và bóng của cái đinh vàng này sẽ ngả xuống con số chỉ giờ mà cậu cần biết.
– Muốn thế thì cần phải có ánh mặt trời. – Vônca nói và bực bội nhìn đám mây nhỏ vừa che khuất mặt trời.
– Đám mây nhỏ ấy sẽ bay đi ngay bây giờ, – Ông Khốttabít hứa và quả nhiên mặt trời lại chiếu sáng khắp nơi – Cậu thấy đấy, bây giờ bóng cái đinh chỉ vào khoảng giữa 2 và 3 giờ chiều. Tức là khoảng 2 giờ rưỡi.
Trong lúc ông già nói câu đó, mặt trời lại khuất sau một đám mây khác.
– Không sao cả! – Ông Khốttabít nói – Ta sẽ làm quang bầu trời mỗi khi cậu cần biết giờ.
– Thế còn mùa thu? – Vônca hỏi.
– Mùa thu thì sao?
– Về mùa thu và mùa đông, bầu trời thường bị những đám mây đen che khuất mấy tháng liền thì làm sao xem giờ được?
– Hỡi cậu Vônca, ta bảo đảm với cậu là mặt trời sẽ không bị mây che mỗi khi cậu cần xem giờ. Cậu chỉ cần ra lệnh cho ta là mọi chuyện sẽ ổn ngay.
– Thế nếu không có ông ở bên cạnh thì sao ạ?
– Ta bao giờ cũng ở bên cạnh cậu, chỉ cần cậu gọi ta một tiếng thôi.
– Còn buổi tối? Còn ban đêm? – Vônca hỏi với giọng châm chọc – Ban đêm khi trời không có mặt trời, thì làm sao xem giờ được?
– Ban đêm người ta phải nghỉ chứ không phải xem đồng hồ! – Ông Khốttabít cáu kỉnh trả lời.
Ông ta phải khó khăn lắm mới tự chủ được và không ra tay trừng phạt cậu bé bướng bỉnh này.
– Thôi được. – Ông Khốttabít nói dễ dãi – Vậy thì cậu hãy nói cho ta biết: cậu có thích chiếc đồng hồ mà cậu thấy trên tay người qua đường lúc nãy không? Nếu cậu thích thì nó sẽ là của cậu.
– Sao lại là của cháu được ạ? – Vônca ngạc nhiên.
– Đừng lo, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa, ta sẽ không đụng một ngón tay nào đến người ông ta đâu. Ông ta sẽ tự tay biếu cậu chiếc đồng hồ ấy với tất cả niềm sung sướng bởi vì cậu thực sự xứng đáng với những tặng vật quý báu nhất.
– Ông ép buộc ông ta, còn ông ta thì…
– Còn ông ta sẽ sung sướng, bởi vì ta đã không hất ông ta ra khỏi mặt đất, đã không biến ông ta thành một con chuột cống trụi lông, thành một con gián hôi hám thập thò sợ sệt trong những cái khe ở túp lều nát của một gã ăn mày mạt hạng…
– Hừ, đó là trò trấn lột thật sự! – Vônca phẫn nộ – Ông Khốttabít ạ, ở nưóc cháu mà giở những trò như thế ra là người ta lôi ngay lên đồn công an và đưa ra tòa.
– Đưa ra tòa hả? – Ông già hết sức tức tối – Ta? Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp? Cái lão qua đường đê tiện nhất trong tất cả những người qua đường ấy có biết ta là ai không đã? Hãy cứ hỏi bất cứ một lão gin nào, hay một lão ifrít hoặc lão saitan (6) nào, chúng sẽ vừa run lên cầm cập vì sợ hãi, vừa nói cho cậu biết rằng Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp là chúa tể của các thần linh vệ sĩ, số quân của ta gồm 72 bộ lạc, còn mỗi bộ lạc gồm 72.000 chiến sĩ, mỗi chiến sĩ lại cai quản 1.000 marít (7), mỗi marít lại cai quản 1.000 phụ tá, mỗi phụ tá lại cai quản 1.000 saitan, mỗi saitan lại cai quản 1.000 gin, và tất cả bọn chúng đều phải phụ thuộc vào ta và không được làm trái lệnh ta! Khô-ô-ông, phải trị cái lão qua đường ba lần hèn hạ nhất trong tất cả các lão qua đường hèn hạ ấy…
Trong lúc đó, người qua đường đang được nói đến vẫn thản nhiên đi trên vỉa hè, uể oải nhìn các tủ kính trong những cửa hàng, không hề ngờ đến cái nguy cơ khủng khiếp đang lơ lửng trên đầu ông ta chỉ vì trên tay ông ta sáng loáng chiếc đồng hồ bình thường nhất mang nhãn hiệu “Dênít”.
– Ta… – Ông Khốttabít hùng hùng hổ hổ trước mặt Vônca lúc đó đang cuống cả lên – ta sẽ biến lão ấy thành…
Mỗi giây lúc này đều quí. Vônca thét lên:
– Không cần!
– Không cần cái gì?
– Không cần đụng đến người qua đường ấy!… Không cần đồng hồ!… Không cần gì cả!…
– Hoàn toàn không cần gì cả? – Ông già nhanh chóng trấn tĩnh và tỏ vẻ nghi hoặc.
Chiếc đồng hồ mặt trời đeo tay duy nhất trên thế giới biến mất lúc nào không biết, cũng bất ngờ như khi nó xuất hiện.
– Hoàn toàn không cần gì cả… – Vônca nói và thở dài nặng nề đến nỗi ông già hiểu rằng lúc này, việc cốt yếu là làm cho vị cứu tinh trẻ tuổi của mình khuây khỏa, làm tiêu tan tâm trạng buồn bã của cậu ta.
—
(1) Điểm cao nhất ở Liên Xô trước đây. – N.D.
(2) “Thuốc viên” tiếng Nga là “Pilliulia”, phát âm gần giống với “Piliukin” – N.D.
(3) Tên gọi thân mật khác của Giênia – N.D.
(4) Vácvara Xtêpanốpna có nghĩa là Vácvara con gái của Xtêpan – N.D.
(5) Một thợ cày đại lực sĩ, nhân vật chính trong các tráng sĩ ca của Nga: “Vônga và Micula Xêlianinôvích”, “Tráng sĩ thần lực và Micula Xêlianinôvích” – N.D.
(6) tiếng Arập: hung thần – N.D.
(7) tiếng Arập: một loại thần – N.D.