Ông Già Khốttabít

CHƯƠNG 2 – CÁI BÌNH BÍ MẬT



Cuối cùng Vônca đã thu xếp được một chỗ ngồi tương đối tốt.
Bóng tối lờ mờ mát mẻ và bí ẩn bao trùm trong xe. Nếu nheo mắt lại, có thể tưởng tượng bạn đang đi không phải ở Ngõ Ba Ao mà bạn đã sống cả đời mình, mà ở một nơi nào đó tại vùng Xibia mênh mông xa lắc, nơi bạn phải chiến đấu khốc liệt với thiên nhiên để xây dựng một nhà máy mới khổng lồ của nền công nghiệp Xôviết. Và dĩ nhiên, Vônca Côxtưncốp sẽ đứng ở hàng đầu những người xuất sắc trên công trường ấy. Nó là người đầu tiên nhảy xuống xe khi đoàn xe tải đến nơi đã định. Nó là người đầu tiên dựng lều bạt của mình và nhường ngay cái lều ấy cho những người bị bệnh dọc đường, còn nó thì vừa nói đùa với các bạn cùng công trường, vừa ngồi sưởi bên đống lửa mà chính nó đã nhóm lên một cách nhanh nhẹn và khéo léo. Còn lúc giữa những cơn băng giá dữ dội hoặc những trận bão tuyết điên cuồng, một người nào đó tính giảm bớt nhịp độ lao động thì người ta sẽ nói ngay với anh ta: “Anh thật đáng xấu hổ! Hãy noi gương đội lao động kiểu mẫu của Vônca Côxtưncốp (1)…”
Đằng sau chiếc đivăng nhô lên cái bàn ăn chổng ngược bốn chân, nó bỗng trở nên hết sức lý thú và khác thường. Bên trong cái bàn, chiếc xô chất đủ thứ chai lọ kêu loảng xoảng. Chiếc giường mạ kềnh ánh lên lờ mờ ở bên thành thùng xe. Cái thùng tônô cũ kỹ mà bà vẫn thường dùng để muối dưa bắp cải vào mùa đông bỗng có cái vẻ bí ẩn và nghiêm trang đến nỗi Vônca chẳng hề ngạc nhiên tí nào, nếu nó biết rằng xưa kia chính nhà triết học Điôgien – người được nói đến trong môn lịch sử Hy Lạp cổ đại – đã từng ở trong một cái thùng như vậy.
Những tia nắng mỏng manh lọt qua các lỗ thủng nhỏ xíu ở thành xe làm bằng vải bạt. Vônca ghé mắt nhìn qua một cái lỗ thủng ấy. Trước mắt nó vùn vụt chạy qua như trên màn ảnh ở rạp chiếu bóng những đường phố vui vẻ và ồn ào; những ngõ hẻm yên tĩnh và râm mát; những quảng trường rộng lớn, trên đó các ngưòi đi bộ xếp hàng hai khắp tứ phía. Tiếp theo các người đi bộ là những cửa hiệu với các tủ kính lớn sáng loáng chứa đầy hàng hóa, trong đó là những người bán và những người mua có vẻ mặt băn khoăn; là những trường học và những sân trường đã thấy nhiều bóng áo trắng và khăn quàng đỏ của các học sinh nôn nóng nhất, thường đến trường rất sớm trong ngày thi; và những nhà hát, những câu lạc bộ, những nhà máy, những tòa nhà đồ sộ tươi màu gạch đỏ đang xây dựng, được ngăn cách với các người qua đường bằng những hàng rào ván ghép cao và bằng những vỉa hè lát gỗ hẹp.
Thế rồi chiếc xe tải của Vônca từ từ đi ngang qua rạp xiếc, một tòa nhà bí ẩn không cao lắm, có mái vòm hình tròn màu gạch. Trên tường rạp xiếc bây giờ không có những tấm bảng quảng cáo hấp dẫn với hình các con sư tử màu vàng tươi và các cô gái đẹp đứng duyên dáng một chân trên lưng những con ngựa đẹp không thể tả được. Trong dịp hè, đoàn xiếc chuyển đến Công viên Văn hóa và nghỉ ngơi, biểu diễn trong cái nhà bạt khổng lồ. Cạnh cái rạp xiếc bỏ trống không xa, chiếc xe tải vượt qua chiếc ôtô buýt màu xanh da trời chở những khách tham quan. Ba chục em nhỏ xếp hàng hai, nắm tay nhau đi trên vỉa hè và dõng dạc hát đồng ca, giọng lanh lảnh nhưng chẳng đều: “Chúng ta đâu cần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ! ..”. Có lẽ đây là các em ở vườn trẻ đang dạo chơi trên đại lộ… Trước mắt Vônca lại chạy qua những trường học, những hiệu bánh mì, những cửa hàng, những câu lạc bộ, những nhà máy, những rạp chiếu bóng, những thư viện, những khu nhà mới…
Thế rồi chiếc xe tải, xịt khói và thở phì phò mệt mỏi, đã đỗ lại trước cổng khu nhà mới của Vônca. Mấy bác công nhân khuân vác khéo léo chuyển đồ đạc vào nhà, rồi lên xe đi.
Sau khi mở một cách vất vả những thùng đựng các thứ cần thiết nhất, bố nói:
– Những thứ còn lại, chúng ta sẽ xếp đặt nốt khi đi làm về.
Và bố đến nhà máy.
Mẹ cùng với bà bắt đầu lấy nồi niêu bát đĩa ra, còn Vônca thì quyết định chạy ra sông một lát. Quả là bố đã cấm Vônca không được ra sông tắm mà không có bố đi cùng vì sông ở đây rất sâu, nhưng Vônca đã nhanh chóng tìm được cách bào chữa cho mình:
“Ta cần phải đi tắm để cho đầu óc được thảnh thơi. Làm sao ta lại có thể đi thi với cái đầu óc bí rì rì được! ”
Thật là lạ, bao giờ Vônca cũng biết nghĩ ra cách bào chữa khi cu cậu định làm những việc bị cấm đoán! …
Có một con sông ở gần nhà quả là hết sức tiện lợi. Vônca nói với mẹ rằng nó đi ra bờ sông để học bài địa lý, và quả thực nó đã định lật các trang sách giáo khoa chừng mươi phút. Nhưng lúc chạy đến bờ sông, không chậm một phút, Vônca đã cởi quần áo và lao xuống nước. Trên bờ không có một bóng người. Điều này vừa hay lại vừa dở. Hay vì chẳng ai có thể ngăn cản Vônca tha hồ vùng vẫy. Dở là vì không ai có dịp thích thú xem nó bơi đẹp, nhẹ nhàng ra sao và đặc biệt nó lặn giỏi như thế nào.
Vônca bơi và lặn cho đến khi mệt lả. Bấy giờ, nó quyết định rằng thế là đủ, đã trèo hẳn lên bờ rồi, nhưng nó nghĩ lại và cuối cùng lại lặn thêm một lần nữa, xuống chỗ nước trong veo mát rượi, ánh nắng ban trưa rực rỡ rọi tới tận đáy.
Đúng vào lúc Vônca đã tính ngoi lên mặt nước, tay nó bỗng chạm phải một vật gì đó thuồng thuồng ở dưới đáy sông. Vônca vớ luôn vật ấy và ngoi lên ở ngay cạnh bờ. Trong tay nó là một cái bình gốm phủ rêu nhầy nhụa, hình thù nom rất lạ. Có lẽ Vônca đã mò được một cái bình cổ. Miệng bình được trám chặt bằng một chất nhựa màu xanh lá cây, trên đó có đóng một cái gì trông tựa như dấu ấn.
Vônca ước lượng sức nặng của cái bình. Cái bình khá nặng, và Vônca đứng ngây người.
Một kho báu! Một kho báu chứa những vật cổ xưa có ý nghĩa lớn lao về mặt khoa học!… Tuyệt quá!
Mặc vội quần áo, Vônca lao nhanh về nhà để mở bình ra ở một cái xó vắng vẻ.
Trên đuờng chạy về nhà, trong đầu Vônca đã kịp hình thành một cái tin sáng mai nhất định sẽ xuất hiện trên tất cả các báo. Thậm chí, nó còn nghĩ cho cái tin đó một đầu đề: “Em thiếu niên tiền phong giúp ích cho khoa học”. Nội dung tin đó như sau:
“Hôm qua, em thiếu niên tiền phong Vlađimia Côxtưncốp đã đến đồn công an N. và trao cho người trực ban một kho báu gồm những vật hiếm cổ xưa bằng vàng mà em đã tìm thấy dưới đáy sông, tại một nơi rất sâu. Kho báu đã được các đồng chí công an chuyển cho Viện Bảo tàng Lịch sử. Theo những nguồn tin đáng tin cậy, Vlađimia Côxtưncốp là một tay lặn tài ba”.
Lén qua nhà bếp, nơi mẹ dang chuẩn bị bữa ăn trưa, Vônca lao vào phòng nhanh đến nỗi suýt nữa thì gãy cả chân: nó vấp phải cây đèn chùm chưa kịp treo lên. Đó là cây đèn chùm trứ danh của bà. Xưa kia, từ hồi trước cách mạng, ông nội quá cố đã tự tay sửa chiếc đèn dầu thành cây đèn chùm. Đó là vật kỷ niệm của ông mà không bao giờ bà rời xa nó. Vì treo nó ở phòng ăn không được đẹp lắm nên mới dự định treo nó ở chính cái phòng mà Vônca vừa lẻn vào. Một cái móc sắt to tiếng đã được đóng trên trần để treo cây đèn chùm đó.
Vừa xoa chỗ đầu gối bị bầm, Vônca vừa khóa trái cửa lại. Sau đó, nó móc trong túi ra một con dao nhíp và run run vì hồi hộp, nó cạy cái dấu ấn ở miệng bình.
Đúng lúc ấy, cả căn phòng bỗng mịt mù khói đen hăng hắc, rồi một cái gì đó tựa một vụ nổ không phát ra tiếng đã hất tung Vônca lên trần nhà và nó bị mắc quần vào đúng cái móc định dùng để treo cây đèn chùm của bà nội.
(1) Tức Vônca, gọi nguyên cả tên và họ – N.D.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.