Ông Già Khốttabít

CHƯƠNG 48 – CHIẾC VALI TAI HẠI



Vào cái giờ còn rất sớm của buổi sáng mùa hè tuyệt đẹp, ở thành phố Ghêrôna ít ra cũng có năm người đã thức dậy, mặc dù họ không hề phải lo đến chuyện miếng cơm manh áo.
Ông Khốttabít là một trong năm người đó. Ông sảng khoái nhỏm phắt dậy và đánh thức hai cậu bạn trẻ tuổi của mình (thế là các bạn có thêm hai người nữa) đang nằm ngủ trên hai chiếc giường rộng. Riêng ông già, theo lệ thường của mình, đã nằm ngủ trên sàn nhà, ở bên ngưỡng cửa, mặc dù trong khách sạn này chẳng thiếu gì phòng và giường trống.
Ông Khốttabít nói với hai cậu bé đang ngáp ngon lành:
– Hỡi các cậu bạn của ta, hãy tha lỗi cho việc ta đã phá mất giấc ngủ say ở tuổi niên thiếu của các cậu. Ta sắp ra biển lần thứ hai để tìm chú em yêu dấu và bất hạnh của ta là Ôma Iuxúp. Các cậu đừng lo cho ta. Lần này, ta sẽ hết sức thận trọng và ta xin cam đoan với các cậu rằng ta sẽ chẳng rơi vào cái lưới nào nữa đâu. Sau hai, ba giờ nữa ta sẽ trở về. Trong thời gian đó, ta sẽ kịp đi lùng khắp cái biển mà các cậu gọi là Địa Trung Hải này. Hãy ngủ lại đi, hỡi các cậu bạn của ta! Ta sẽ đánh thức các cậu dậy khi bàn chân ta lại đặt lên những tấm thảm tồi tàn ở căn phòng này.
– Khô-ô-ông! – Vônca nói. – Chúng cháu không thể ăn ngon ngủ kỹ trong cái giờ phút nghiêm trọng này được. Chúng cháu sẽ đợi ông trên bờ biển. Mình nói có đúng không, Giênia?
– Đúng lắm! – Giênia vươn vai xác nhận. – Ít ra thì chúng cháu cũng sẽ nằm ngủ ở trên bờ. Ngay tại bãi cát…
Các nhà du hành của chúng ta đã quyết định như vậy. Họ nhanh chóng mặc quần áo, rửa mặt rồi đi ra cái vịnh nhỏ quen thuộc mà ba người đánh cá mến khách vừa rời đi trước đó không lâu.
Người thứ tư dậy sớm là mixtơ Hari Oanđenđalét. Lão nóng lòng bắt tay vào việc mua sắm. Dù lão đến nước này hay nước nọ, thành phố này hay thành phố nọ với nhiệm vụ chính thức nào, trước hết lão đều nghĩ: “Liệu không biết ở đây có gặp may mà mua được một món gì thích hợp để có thể bán lại có lời ở nước Mỹ của mình?”. Là kẻ có lòng tham không đáy, lão dự định trước giờ các cửa hàng mở cửa, sẽ rảo qua chợ vài vòng xem có mua sắm thêm được gì không…
Nhưng Oanđenđalét biết rất rõ rằng những người Ý chính trực chẳng khoái gì các quân nhân và các nhà ngoại giao Mỹ, vì thế lúc ra chợ, lão đã mang theo gã hộ vệ của mình. Gã tóc hung, mặt rỗ hết sức khó coi này là kẻ “đã được thử thách” – hắn từng làm mật vụ dưới thời Mútxôlini (1). Hôm qua, lão cảnh sát trưởng Ghêrôna đã nói với Oanđenđalét rằng “mixtơ Oanđenđalét có thể tin cậy gã hộ vệ Chêdarê Xatôrétti như tin cậy em trai của mình”. Câu ví von này không được sát cho lắm, bởi vì anh em Oanđenđalét là những nhà kinh doanh chính cống, sẵn sàng vì một đồng đôla thừa mà mượn cớ rất nhỏ để hại nhau. Nhưng lão cảnh sát trưởng hẳn là chẳng có anh em. Chính Chêdarê là người thứ năm trong số năm người dậy sớm mà tôi đã nói đến ở đầu chương này.
Oanđenđalét chưa kịp bước đến mười bước trong chợ thì lão tin chắc rằng lão dậy sớm như vậy chẳng phải uổng công. Đi thẳng về phía lão là một chàng trai tóc xoăn, ăn mặc rất rách rưới, tay xách chiếc vali da tuyệt đẹp. Các bạn có thể tin rằng mixtơ Hari Oanđenđalét rất rành về vali! Đây là một chiếc vali đẹp và độc đáo hết sức. Quả là một kiệt tác của nghệ thuật thủ công: da thuộc tuyệt vời có in hình màu nổi hết sức tinh xảo. Cái quai tuyệt trần được đóng bằng những chiếc đinh mà đầu đinh trông chẳng khác gì vàng, bởi vì đó đúng là những đầu đinh bằng vàng thật. Ở các chỗ bịt góc vali đều có hình khắc rất đẹp, trông thật thích mắt: nào là những con cá nhỏ, nào là những con chim, nào là những chữ Arập gì đó…
Chớ vội nghĩ rằng Giôvanni (chàng trái tóc xoăn ấy như các bạn cũng đã đoán được) đi ra chợ mà không có những biện pháp đề phòng cần thiết. Chiếc vali được bỏ trong một cái bao vải gai cũ. Nhưng với một kẻ như lão Oanđenđalét, chỉ cần nhìn một góc nhỏ của một vật gì đó cũng đủ biết rõ ngay lập tức cái “vật gì đó” mua vào có lợi hay không và bán ra có lợi hơn không.
Oanđenđalét liền ra lệnh cho gã hộ vệ của mình:
– Mi hãy hỏi thằng kia xem nó muốn bán chiếc vali bao nhiêu tiền.
– Ê, cái thằng hậu đậu kia! – Chêdarê gọi chàng đánh cá trẻ tuổi. – Ông chủ Mỹ của tao hỏi mày muốn bán chiếc vali thổ tả của mày bao nhiêu?
– Chính mày là cái thằng hậu đậu thì có? – Giôvanni trả miếng. -Còn chiếc vali thì tao không bán. Tao đang cần đến nó.
– Mày không tính xách nó đi Nixơ (2) đấy chứ? – Chêdarê hỏi xỏ. – Ở đó, tất cả các ông hoàng, bà chúa của châu Âu đang buồn nhớ những thằng như mày đấy.
– Mày hãy bảo với bọn họ chớ có buồn. Thế nào tao cũng đi Nixơ ngay khi có điều kiện. – Giôvanni lầu bầu đáp lại và rảo bước. – Sẽ có lúc tất cả bọn tao đều kéo đến đó và các ông hoàng, bà chúa của mày sẽ phải ở chật lại một chút đấy!
– Chà, thì ra mày là một thằng đỏ!
– Tao ấy à? Đang xanh bủng (3) ra đây thì có? Ê, không được đụng vào vai của tao! – Giôvanni quát và đánh mạnh vào tay Chêdarê – Không được đụng, nghe chưa?
– A, mày muốn đánh nhau hả?! – Chêdarê vừa rít lên vừa xoa bàn tay bị đánh đau. – Hãy nói mau, mày muốn bán chiếc vali cà khổ của mày bao nhiêu tiền? Nếu không, mày sẽ khốn đấy! Mày biết ông người Mỹ này là ai không? Đó là khách của ai, mày có biết không? Đó là khách của ông em họ của ông bác của chính xinho nghị sĩ Matêô!
– Vậy thì hãy cứ để họ bán cho lão ấy những chiếc vali của họ. Họ cũng đã bán nước Ý cho bọn Mỹ rồi đấy!
– Mày ăn nói như thế hả! – Chêđarê hét lên. – Hiến binh đâu!
Hai tên hiến bình chạy lại, sợ sệt nhìn đám đông vây xung quanh. Trong đám đông nổi lên những tiếng nói đầy căm phẫn. Nhiều người biết Giôvanni là một chàng trai tốt bụng và lương thiện. Những người dân ở thành phố Ghêrôna còn biết Chêdarê nhiều hơn nữa: hắn là một tên mật vụ cáo già thời Mútxôlini. Riêng lão người Mỹ mặt đỏ thì chẳng ai ưa, chính vì lão mà bây giờ mới sinh chuyện ầm ĩ lên như thế.
– Hãy bắt thằng này lên đồn! – Chêdarê ra lệnh cho hai tên hiến binh. – Thằng khốn này đã ăn cắp chiếc vali của xinho người Mỹ!
Gã hộ vệ giật chiếc vali trong tay Giôvanni đang tái mặt vì phẫn nộ và lột cái bao rách nát tự làm lấy ra khỏi vali.
– Hãy để cho nó nói nó lấy đâu ra chiếc vali tuyệt đẹp thế này! – Chêdarê quay về phía đám người đứng vây quanh và nói lớn.
– Thưa các xinho, người ta cho tôi chiếc vali này? Người ta cho tôi, lời nói danh dự đấy!… – Giôvanni nói và thấy rằng chẳng ai tin lời anh cả. – Tôi xin lấy danh dự ra thề?! ..
Thật là bực mình, nhưng lần này hình như cái thằng mật vụ đáng nguyền rủa ấy đã nói đúng. Pha-a-ải! Nếu Giôvanni đáng thương – một chàng trai lương thiện nhất – mà cũng phải đi ăn cắp thì có nghĩa là cái thời hết sức tồi tệ đã đến rồi.
Đám đông từ từ tản ra, còn hai tên hiến binh thì giải Giôvanni về đồn cảnh sát.
Đi sau mấy bước là mixtơ Oanđenđalét và gã hộ vệ trung thành của lão. Chêdarê xách trong tay chiếc vali đen đủi…
– Mày lấy đâu ra chiếc vali này? – Tên thanh tra cảnh sát hỏi người đánh cá trẻ tuổi.
Hắn mở chiếc vali ra để xem bên trong thế nào.
Giôvanni đờ cả người: năm chục kilôgam cá sẽ đổ ra sàn nhà ngay bây giờ! Sau đó, còn tiếp tục đổ ra nữa! Lúc ấy sẽ mất oan món quà kỳ diệu của ông già hôm qua!
Nhưng, thật là không ngờ, chiếc vali lại trống rỗng. Có lẽ các bạn đọc đã đoán được rằng cá chỉ xuất hiện trong vali khi nào Giôvanni, Piêtrô hay Khrixtôphorô mở. Đối với những người khác thì đó chỉ là một chiếc vali bình thường, mặc dù chiếc vali này là một sản phẩm hết sức hiếm có.
Giôvanni thở phào nhẹ nhõm và nói:
– Ngườì ta đã cho tôi chiếc vali đó.
– Chà, người ta cho mày hả? – Tên thanh tra chớp lấy với giọng chế giễu. – Đích thực người ta đã cho mày?
– Đúng thế! – Giôvanni thật thà xác nhận.
– Cho bao giờ?
– Tối hôm qua.
– Ai cho?
– Một ông già.
– Chà, một ông già hả? Ông già hào phóng của mày tên là gì?
– Tôi không biết.
– Ông già ấy ở đâu, có lẽ mày không biết nốt?
– Không, tôi không biết.
– Mày cũng không biết ông già bí ẩn ấy làm nghề ngỗng gì?
– Không, không biết
– Mày quen ông già bí ẩn ấy đã lâu chưa?
– Chúng tôi mới quen ông ấy tôi hôm qua, thưa xinho thanh tra.
– Thế mà ông ấy đã lập tức cho mày chiếc vali quý báu này, một kỳ công của bàn tay con người?
– Đã cho lập tức, thưa xinho thanh tra. Ông già ấy không phải chỉ cho mình tôi, mà còn…
Nói đến đây, Giôvanni mới nghĩ ra là mình đã lỡ lời, liền im bặt. Dù tên thanh tra có cố đến mấy cũng không thể buộc được Giôvanni nói thêm câu nào.
Lúc bấy giờ, tên thanh tra mới vừa nói vừa lau mồ hôi trên bộ mặt húp híp của mình (mặt hắn có nước da vàng vọt bệnh hoạn, cặp lồng mày sâu róm vểnh lên như cặp ria mép):
– Tao rõ cả rồi! Chẳng ai cho mày chiếc vali ấy. Chính mày đã ăn cắp chiếc vali của vị khách kính mến của chúng tao.
Nói rồi, hắn kính cẩn ngả đầu về phía mixtơ Oanđenđalét đang ngồi trên chiếc đivăng êm ái, thở hồng hộc và nốc hết ly nước này đến ly nước khác được rót ra từ cái bình lớn.
– Sao ông dám gọi tôi là thằng ăn cắp? – Giôvanni vung nắm đấm, lao về phía tên thanh tra. – Suốt đời, tôi chưa bao giờ đụng đến tài sản của người khác.
– Chà, té ra mày không phải chỉ là một thằng ăn cắp, mà còn là một thằng du côn nữa! – Tên thanh tra thích thú nhận xét.
Sau khi ra lệnh tống Giôvanni vào trại giam, hắn ngồi viết biên bản.
(1) Tên độc tài phátxít đã thống trị ở Ý từ năm 1922 đến năm 1943. Bị các chiến sĩ du kích bắt và xử tử hình năm 1945 – N.D.
(2) Thành phố nghỉ mát nổi tiếng của Pháp, nằm trên bờ Địa Trung Hải – N.D
(3) Giôvanni đối đáp hóm hỉnh và sâu cay: tên Chêdarê bảo anh là “đỏ” ý nói cộng sản, anh nói mình “xanh bủng” vì nghèo đói, bệnh hoạn – N.D

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.