Ông Già Khốttabít

CHƯƠNG 42 – CHUYỆN KỂ CỦA NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TOA HẠNG NHẤT TRÊN ĐOÀN TÀU TỐC HÀNH MÁTXCƠVA – ÔĐÉTXA VỀ NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA TRÊN ĐOẠN ĐƯỜNG GIỮA GA NARA VÀ MALƯI IARÔXLAVÉT



(Nhân viên phục vụ toa kể cho người thay ca đã ngủ trong khi xảy ra chuyện lạ này)
“Cudima Êgôrứt, mình đã đánh thức cậu dậy vì trong toa chúng ta vừa xảy ra một chuyện kỳ lạ, hết sức khó hiểu.
Cậu biết đấy, mình đã trải giường cho mọi hành khách theo đúng quy định. Ở buồng số 7, lúc trải giường, mình để ý thấy hành khách ở buồng này gồm có một ông già nhỏ nhắn để râu, đội mũ cói kiểu trước cách mạng, và hai cậu bé. Mình nghĩ hai cậu bé này chắc là bằng tuổi nhau. Cậu biết không, ba người này không hề mang theo một chút hành lý nào cả. Tức là chỉ đi người không thôi!
Một cậu bé tóc vàng nhạt, mặt đầy tàn nhang, hỏi mình:
– Thưa đồng chí nhân viên phục vụ, em muốn đến toa ăn thì đi lối nào ạ?
Mình đáp:
– Rất tiếc là trên đoàn tàu chúng tôi không có toa ăn.
Lúc ấy, cậu bé nhìn ông già, ông già nháy mắt với cậu ta. Cậu ta bèn nói:
– Thôi được, nếu không có toa ăn thì chúng tôi cũng chẳng cần đến nước trà của đồng chí đâu.
Mình nghĩ lạ thật, làm sao từ đây đến tận Ôđétxa mà các vị lại không cần đến nước trà của tôi được? Sau đó, mình đi vào buồng riêng của chúng ta, nhưng cửa vẫn để he hé.
Lúc bấy giờ ở trong toa, mọi hành khách đã đi ngủ từ lâu và hẳn là đã mơ đến giấc mơ thứ ba rồi, nhưng ở buồng số 7 vẫn có tiếng nói chuyện rì rầm. Họ nói với nhau những gì, mình không nghe rõ. Mình chỉ biết là họ nói chuyện rì rầm với nhau mà thôi.
Sau đó, cửa buồng số 7 bỗng mở ra và đúng cái ông già nhỏ nhắn nọ thò đầu ra khỏi cửa. Ông già không nhận thấy mình đang theo dõi ông ấy. Ông hất cái mũ cói kiểu trước cách mạng ra sau gáy. Cudima Êgôrứt, cậu có đoán được ông ấy làm gì không? Mình xin thề là mình không bịa đâu! Ông ấy đã rút luôn một nắm râu trong bộ râu cằm của ông ta. Mình mà bịa thì mình sẽ chết thẳng cẳng ngay tại chỗ này!
Mình nghĩ: cha mẹ ơi, đúng là một lão điên rồi! Hừ, đúng là vớ bở! Nhè đúng ca trực của mình, lại tống cho một lão điên. Mình lẳng lặng đợi xem rồi sẽ ra sao. Sau đó, thì ra ông già ngắt nắm râu ấy ra làm nhiều phần rồi ném xuống sàn toa và lẩm bẩm một câu gì đó. Lúc ấy, mình lại càng tin chắc rằng ông hành khách luống tuổi này là không bình thường và ắt hẳn đến Brianxcơ thì phải mời ông ta xuống thôi. Mình nghĩ: Chao ôi, chẳng tránh khỏi lôi thôi với ông già này đâu! Có lẽ ngay bây giờ, ông ta sẽ nhảy xổ vào mọi người và đập vỡ cửa kính cho mà xem…
Mình nhìn kỹ thì không, ông già không hề nhảy xổ vào ai cả, vẫn đứng yên và lẩm bà lẩm bẩm. Sau dó, ông đi vào buồng của ông ta.
Thế rồi mình bỗng nghe thấy ở ngoài hành lang có tiếng người đi chân đất lạch bạch. Nhưng không ở đằng trước, mà ở đằng sau mình. Bấy giờ, mình mới hiểu rằng có ai đó đã từ ngoài cửa toa bước vào trong toa Nhưng mình lại ngạc nhiên hết sức, bởi vì khi tàu chạy, bao giờ mình cũng khóa cửa toa.
Mình nhìn về phía sau và Cudima Êgôrứt ạ, xin thề với cậu là mình không bịa…, mình thấy bốn chàng trai dũng mãnh có nước da rám nắng như ngườì đi tắm biển và chẳng mặc quần áo gì cả, chỉ quấn độc một cái khố mà thôi. Cả bốn đều đi chân đất. Người nào người nấy bắp thịt nổi lên cuồn cuộn!
Mình đi ra khỏi buồng riêng của chúng ta và nói với họ:
– Thưa các ông, có lẽ các ông vào nhầm toa rồi. Đây là toa hạng nhất các ông ạ và tất cả các buồng ở đây đều đã có người nằm.
Bốn chàng trai nọ đồng thanh nói:
– Hãy câm mồm, hỡi tên phản trắc kia! Bọn ta biết bọn ta phải đi đến đâu chứ. Đây chính là nơi bọn ta cần đến.
Lúc bấy giờ mình nói:
– Vậy thì tôi yêu cầu các ông cho xem vé.
Bốn gã lại đồng thanh nói
– Mi chớ phỉnh phờ bọn ta, hởi tên ngoại bang kia, bởi vì bọn ta phải vội đến với ông chủ của bọn ta?
Mình nói:
– Tôi lấy làm ngạc nhiên vì các ông lại gọi tôi là ngoại bang. Tôi là một công dân Xôviết và tôi đang ở tại đất nước thân yêu của mình. Đó là một. Hai là, ở đất nước chúng tôi, ngay từ hồi Cách mạng tháng Mười, đã không còn các ông chủ nữa.
Gã nhiều tuổi trong bọn nói:
– Tên phản trắc kia, mi phải lấy làm xấu hổ thì mới đúng! Mi lợi dụng lúc tay bọn ta bận bê bưng nên bọn ta không thể giết mi được vì cái tội hỗn láo của mi. Việc lợi dụng đó thật là bất chính.
Lúc ấy, mình mới nhận thấy rằng cả bốn gã trần trụi ấy đều đang è cổ bê đủ thứ món ăn. Một gã bê cái khay nặng, trên đó có nguyên cả một con cừu non quay vàng rộm và một ít cơm. Gã thứ hai bê một cái giỏ to tướng đựng toàn táo, lê, mơ, nho, mặc dù, Cudima Êgôrứt ạ, mình xin lưu ý cậu rằng còn hơn một tháng nữa mới đến mùa trái cây. Gã thứ ba đội trên đầu một cái nom tựa cái ché, trong cái ché ấy đựng thứ nước gì đó kêu lóc bóc. Ngửi mùi, mình đoán mùi rượu vang, tựa như rượu rixlinh. Còn gã thứ tư thì bê cái khay đựng đầy bánh nướng và bánh ngọt. Thú thực với cậu là mình đứng há hốc cả mồm.
Gã nhiều tuổi nhất bọn lại nói:
– Tên phản trắc kia, tốt hơn hết là mi chỉ cho bọn ta biết buồng số 7 ở đâu, bởi vì bọn ta phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Lúc ấy mình bắt đầu đoán ra và mình bèn hỏi:
– Ông chủ của các ông trông như thế nào? Có phải đó là một ông già nhỏ nhắn để râu cằm không?
Cả bốn gã đều nói:
– Đúng ông ấy rồi đấy. Đó chính là người bọn ta hầu hạ.
Mình dẫn họ đến buồng số 7. Trên đường đi, mình nói:
– Ông chủ của các ông sẽ phải nộp phạt vì các ông đi tàu không có vé. Các ông hầu hạ ông ấy đã lâu chưa?
Gã nhiều tuổi nhất bọn trả lời:
– Bọn ta hầu hạ ông ấy 3.500 năm rồi”.
Mình nghĩ là mình nghe lầm, bèn hỏi lại:
– Các ông nói bao nhiêu năm?
Gã nọ đáp:
– Ta đã nói bao nhiêu năm thì bọn ta hầu hạ bấy nhiêu năm. Ba nghìn năm trăm năm!”.
Ba gã còn lại gật đầu, ý nói gã cao tuổi nhất bọn đã nói đúng.
Mình nghĩ: “Cha mẹ ơi, một lão điên còn chưa đủ với con hay sao mà lại còn tống thêm bốn lão nữa!”.
Tuy nhiên, mình vẫn tiếp tục chuyện trò với họ như với nhưng hành khách tỉnh táo. Mình nói:
– Sao lại có thể tệ đến thế nhỉ! Các ông hầu hạ ngần ấy năm, vậy mà ông chủ chẳng buồn sắm cho các ông lấy một bộ quần áo làm việc cho nó tử tế. Ai lại để cho các ông, xin lỗi, cứ trần như nhộng thế kia!
Gã cao nhất bọn đáp:
– Bọn ta chẳng cần quần áo làm việc. Mà bọn ta thậm chí cũng chẳng biết quần áo làm việc là cái quái gì nữa.
Lúc ấy, mình bèn nói:
– Thật là kỳ lạ khi nghe điều đó từ mồm một người có thâm mến phục vụ cao như vậy. Các ông có lẽ không phải người ở đây? Các ông thường sống ở đâu vậy?
Gã nọ đáp:
– Bọn ta vừa từ nước Arabi cổ đại tới đây.
Mình nói:
– Vậy thì tôi đã hiểu hết rồi. Đây là buồng số 7. Các ông cứ gõ cửa đi.
Ngay lúc đó, ông già nhỏ nhắn nọ bước ra và cả bốn người hầu của ông ta lập tức quỳ xuống rồi dâng đồ ăn, thức uống cho ông già. Mình bèn gọi ông già qua một bên và nói:
– Thưa ông hành khách, đây là những người hầu của ông phải không?
Ông già đáp:
– Phải, đây là những người hầu của ta.
Lúc ấy, mình liền bảo ông ta:
– Họ đi tàu không có vé nên họ bị phạt. Thế nào, ông có đồng ý nộp phạt cho họ không?
Ông già nói:
– Đồng ý nộp ngay bây giờ. Nhưng ngươi hãy nói cho ta biết phạt nghĩa là thế nào?
Mình thấy ông già khá là biết điều, nên mình thì thầm bảo ông ta:
– Ông có một một gã người hầu loạn óc. Gã nói, gã hầu hạ ông đã ba nghìn rưỡi năm nay. Ông phải đồng ý với tôi rằng gã ấy bị loạn óc.
Ông già đáp:
– Ta không thể đồng ý được, bởi vì tên người hầu của ta không hề nói dối. Phải, đúng là nó đã hầu hạ ta 3.500 năm rồi. Thậm chí còn hơn nữa là khác vì khi ta bắt đầu sai bảo chúng thì ta mới hai trăm, hai trăm ba mươi tuổi thôi.
Lúc ấy, mình liền nói thẳng với ông già:
– Xin ông thôi ngay cái trò chế giễu tôi đi? Ở tuổi ông mà làm cái trò đó thì thật là khó coi. Ông hãy nộp phạt ngay, nếu không đến ga tới, tôi sẽ cho họ xuống liền! Tôi thấy ông cũng đáng nghi lắm. Ai lại đi đường xa thế mà chẳng mang hành lý gì cả.
Ông già hỏi:
– Hành lý nghĩa là gì vậy?
Mình đáp:
– Hành lý là túi xách, vali, vân vân…
Ông già tủm tỉm cười và nói:
– Ấy chết, sao ngươi lại nghĩ rằng ta không mang theo hành lý? Hãy nhìn lên giá xem!
Mình nhìn lên giá, thấy hành lý xếp đầy. Lúc nãy nhìn thì vẫn chẳng thấy gì cả. Thế rồi bỗng nhiên – kỳ lạ chưa? – bây giờ lại có cả đống vali, túi xách.
Lúc ấy, mình bèn nói:
– Ông hành khách! Ở đây có điều gì đó không ổn. Ông hãy nộp phạt mau lên. Đến ga tới, tôi sẽ dẫn người phụ trách toa lại đây và mặc cho ông ấy giải quyết. Chẳng biết vì sao tôi hết hiểu nổi mọi chuyện ở đây.
Ông già lại cười tủm tỉm:
– Phạt gì nhỉ? Nộp phạt thay cho ai?
Lúc bấy giờ, mình tức không chịu được: mình quay người, chỉ tay ra hành lang. Thế nhưng ở đấy chẳng có ma nào cả!
Mình chạy khắp toa tàu, ngó khắp mọi nơi. Bốn “con thỏ” (1) của mình đã biến mất tăm mất tích.
Ông già nói:
– Đi về buồng của mình đi, hỡi gã nhân viên phục vụ toa!
Thế là mình đi về buồng.
Cudima Êgôrút, bây giờ thì cậu hiểu tại sao mình lại đánh thức cậu dậy rồi chứ. Cậu không tin à? Cậu có muốn mình hà hơi cho cậu xem để cậu hiểu rằng mình hoàn toàn tỉnh táo không? Không, thế nào mình cũng phải… Sao? Cậu bảo mình sặc sụa mùi rượu vang hả? Bậy nào, Cudima Êgôrứt? Có bao giờ mình lại dám uống rượu trên đường đi công tác đâu? Từ ngày hôm qua, mình không hề nếm một ly rượu nhỏ nào. Cậu bảo sao? Không nếm một ly rượu nhỏ nhưng lại nốc hai cốc rượu lớn? Ái chà chà, cái cậu Cudima Êgôrứt này! Ha ha ha! Hi hi hi! Này, Cudima Êgôrứt, ta cùng hát một bài nào! Sao? Ta sẽ phá giấc ngủ của hành khách ư? Vậy thì ta hát khe khẽ thôi:
“Có những ngày vui
Ta, một chàng cừ khôi
Ta đi dạo chơi…”
Thôi được, thôi được, mình sẽ đi ngủ. Mình là một tay hiền lành, người anh em Cudima Êgôrứt ạ. Cậu bảo mình đi ngủ hả? Vâng, mình sẽ đi ngủ một cách thích thú. Chúc cậu một đêm yên lành, Cudima Êgôrút…”
 
Một giờ trước khi tàu đến Ôđétxa, anh nhân viên phục vụ toa vào buồng số 7 dọn giường. Ông Khốttabít đãi anh mấy quả táo.
– Chắc ông đã mua táo tại hiệu thực phẩm ở Matxcơva?
Anh nhân viên phục vụ toa nói với vẻ kính trọng và cất táo vào túi để phần cho đứa con trai nhỏ của mình. Anh nói tiếp:
– Vào mùa này, táo là thứ của hiếm đấy. Rất cám ơn ông!
Rõ ràng là anh nhân viên phục vụ toa chẳng hề nhớ chút nào về chuyện anh đã gặp phải trên đoạn đường giữa ga Nara và ga Malưi Iarôxlavét.
Lúc anh ta rời khỏi buồng số 7, Giênia thốt lên với vẻ khâm phục:
– Vônca dù sao cũng là tay cừ!
– Sao lại còn có chữ “dù sao” nữa? – Ông Khốttabít nói. – Chữ ấy hoàn toàn thừa. Cậu Vônca con trai của Aliôsa rõ ràng là một tay cừ và cái đề nghị của cậu ấy dứt khoát là đáng được khen.
Vì các bạn đọc cuốn truyện này của tôi có thể không hiểu rõ ý nghĩa của hai câu đối thoại trên, nên tôi phải giải thích ngay.
Số là hồi đêm, lúc anh nhân viên phục vụ toa rời buồng số 7, đầu óc rối tinh rối mủ, Vônca liền nói với ông Khốttabít:
– Ông có thể làm cho anh ấy quên hết mọi chuyện không ạ?
– Đó là một việc dễ ợt đối với ta, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa!
– Vậy thì ông làm việc đó đi và làm càng nhanh càng tốt. Anh ấy sắp đi ngủ rồi và sáng dậy sẽ chẳng còn nhớ gì cả.
– Tuyệt lắm, hỡi cái kho tàng khôn ngoan của ta! – Ông Khốttabít tỏ vẻ khâm phục.
Việc đó xảy ra đúng vào lúc anh nhân viên phục vụ toa hà hơi vào mặt Cudima Êgôrứt, người thay ca của mình.
(1) Từ ám chỉ những kẻ đi lậu vé – N.D.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.