Ông Già Khốttabít

CHƯƠNG 45 – THẢM BAY – THỦY PHI CƠ “VC–1”



Cậu bơi đi đâu vậy? – Vônca gọi Giênia đang bơi nhanh về một phía nào đó. – Dẫu sao thì cũng chẳng bơi đến bờ được đâu đừng phí sức, cứ nằm ngửa là hay nhất.
Giênia nghe theo. Cả ông Khốttabít cũng nằm ngửa, tay phải thận trọng giơ cao chiếc mũ cói của mình.
Thế rồi bắt đầu cuộc hội nghị có một không hai trong lịch sử hàng hái thế giới: hội nghị của những người bị đắm tàu, các diễn giả vừa nằm ngửa trên mặt nước vừa phát biểu ý kiến
Vônca tự tiện giành lấy quyền chủ tọa, nói với giọng gần như thích thú:
– Thế là chúng ta bị đắm tàu rồi! Ông Khốttabít, ông định làm gì vậy? – Vônca hỏi khi thấy ông già dùng bàn tay trái rảnh rang giật giật bộ râu của mình.
-Ta muốn lấy lại con tàu của chúng ta. Rất may là bộ râu của ta gần như không bị ướt.
– Vẫn còn kịp chán! – Vônca lạnh lùng ngăn ông già lại. – Còn có vấn đề là liệu chúng cháu có muốn lên lại con tàu ấy không đã. Như cháu đây chẳng hạn thì cháu không muốn đâu. Phải nói trắng ra rằng quy chế trên con tàu đó không phải là quy chế nhân đạo, lại càng không phải là quy chế Xôviết! Chỉ cần nghĩ lại chuyện đó thôi cũng đã thấy tởm rồi.
– Cháu cũng nghĩ như Vônca, – Giênia ủng hộ cậu bạn của mình. – Cho tàu “Ôma thân yêu” đi tiêu luôn! Ông Khốttabít, bây giờ ông chỉ cần mau mau cứu lấy các thủy thủ. Nếu không thì họ sẽ bị chết cùng với con tàu đấy.
Ông Khốttabít cau mặt:
– Xin các cậu chớ có bận tâm về số phận bọn đầy tớ hèn hạ của ta. Bọn chúng đã có mặt ở Arabi ít ra là năm phút rồi. Bọn chúng thường trú ở đấy và bây giờ chúng cũng đang ở đấy để đợi những mệnh lệnh sau này của ta. Những hỡi những cột buồm của lòng ta, các cậu hãy giải thích cho ta hiểu tại sao chúng ta lại không tiếp tục cuộc hành trình trên tàu “Ôma thân yêu”?
– Hình như chúng cháu đã nói rõ với ông rồi. – Vônca đáp.
– Và nói chung tàu buồm là loại tàu chẳng lấy gì làm an toàn cho lắm và lại chạy chậm nữa, – Giênia nhận xét. – Lúc nào cũng phải phụ thuộc vào mọi sự thay đổi của thời tiết…. Khô-ô-ông, dứt khoát là phải cho tàu “Ôma thân yêu” đi tiêu luôn.
– Hỡi các mỏ neo hạnh phúc của ta! – Ông Khốttabít bắt đầu than vãn ai oán. – Ta sẽ làm tất cả để…
– Cho tàu “Ôma thân yêu” đi tiêu luôn, khỏi phải bàn cãi gì nữa! – Vônca lại ngắt lời ông già. Nó co ro, cảm thấy rất khó chịu khi phải nằm trên mặt nước mà vẫn để nguyên quần áo, giày dép. – Bây giờ, chỉ cần xem ông có thể đề nghị cách giải quyết nào nữa.
– Ta có thể cắp các cậu dưới nách và bay đi…
– Thôi đi ông ơí! – Vônca trả lời cộc lốc. – Không được đâu, ai lại bay dưới nách một người nào đó?
– Không phải một người nào đó mà là ta! – Ông Khốttabít phật ý.
– Ngay cả ông cũng không được.
– Vậy ta xin mạo muội đề nghị với các bạn thông thái của ta cách giải quyết này: thảm bay. Đó là phương tiện di chuyển tốt nhất, hỡi các cậu bạn khó tính của ta!
– Thế mà ông cũng đòi nói là tốt nhất! Ở trên đó thì lạnh cóng, hơn nữa lại bay chậm rì và chẳng có tiện nghi gì cả. – Vônca trầm ngâm nói và bỗng nhiên nó reo lên: – A, cháu nghĩ ra rồi, nói thật đấy!
Ngay lúc đó, Vônca bị chìm nghỉm, bởi vì trong cơn khoái chí, cu cậu chẳng nghĩ được trò gì hay hơn là vỗ tay khen ngợi chính mình. Vônca ngoi lên, thở phì phì và khạc nhổ ầm ĩ, rồi lại nằm ngửa thuận tiện hơn trên mặt nước và nói tiếp như chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
– Cần phải cải tiến thảm bay: làm cho nó có dạng thuôn này, lắp các thiết bị sưởi ấm này, lắp các giường cá nhân này, đặt nó lên các phao này.
Khó khăn hơn cả là làm cách nào giải thích cho ông Khốttabít hiểu được đề nghị của Vônca. Thứ nhất, ông già không biết thế nào là “dạng thuôn”. Thứ hai, ông không hề có chút khái niệm nào về các phao thường dùng cho thủy phi cơ (1).
Nội cái điều tưởng chừng đơn giản là “dạng thuôn” là cũng phải giải thích rất lâu, cuối cùng mới nghĩ ra cách nói rằng tấm thảm bay dạng thuôn trông giống như trái dưa leo, dĩ nhiên là một trái dưa leo đã khoét ruột.
Hai cậu bé đã giải thích cho ông già cả về các phao thủy phi cơ, tất nhiên cũng hết sức vất vả.
Cuối cùng, chiếc thảm bay – thủy phi cơ dạng thuôn “VC-1” đã lao lên không trung và bay theo hướng Nam Tây – Nam. Nếu dịch từ ngôn ngữ thiết kế hàng không sang ngôn ngữ thông thường thì “VC-1” có nghĩa là “Vlađimia Côxtưncốp. Kiểu thứ nhất”.
Chiếc thảm bay – thủy phi cơ có mái che này giống như một trái dưa leo khổng lồ, đằng sau có cái đuôi bé tí tẹo mà những trái dưa leo vừa hái ngoài vườn thường có. Nó có ba chỗ nằm và mỗi bên lại có hai ô cửa nhỏ được trổ trên tấm thảm lông dày cộp.
Về tính năng bay thì cái công trình do Vônca thiết kế hóa ra không cao hơn một chiếc thảm bay thường là mấy.
Lướt nhanh bên dưới các nhà du hành của chúng ta là Hắc Hải, Bôxpho, Đácđanen (2), Tiểu Á (3) và những bình sơn nguyên (4) bị cằn khô vì nóng nung nấu của bán đảo Arabi (5). Sau đó là tới những bãi cát vàng của sa mạc Xinai(6). Vệt kênh đào Xuy (7) nhỏ hẹp đã ngăn cách sa mạc này với những bãi cát vàng cũng hệt như thế của sa mạc Arabi (8) và qua đó là châu Phi, Ai Cập.
Từ nơi đây, ông Khốttabít định bắt đầu cuộc tìm kiếm ông em Ôma Iuxúp tại Địa Trung Hải: từ điểm tận cùng phía Đông đến điểm tận cùng phía Tây của vùng biển này.
Nhưng chiếc “VC-1” chưa kịp hạ xuống độ cao 200 mét thì ông Khốttabít đã cáu kỉnh gọi mình là “lão già ngu ngốc”, rồi chiếc thảm bay – thủy phi cơ lại vọt lên cao và bay về hướng Tây. Trong thời gian bị giam cầm trong bình gốm, ông Khốttabít quên mất rằng đây là chỗ sông Nin đổ vào Địa Trung Hải và nước ở đây quanh năm đục ngầu vì bùn và cát mà con sông lớn đầy nước này dã cuốn xa ra biển. Làm sao có thể tìm kiếm được ở chỗ nước đục vàng khè này? Chỉ tổ mỏi mắt mà thôi!
Ông Khốttabít quyết định hoãn việc tìm kiếm ở khu vực bất tiện này lại cho tới khi nào đã tìm kiếm khắp phần còn lại của Địa Trung Hải mà vẫn không phát hiện ra Ôma Iuxúp.
Một lát sau, ba ông cháu hạ xuống một cái vịnh nhỏ xíu ở gần thành phố Ghêrôna (9).
(1) Loại máy bay lắp phao bên dưới thay cho bánh xe, có thể cất cánh và hạ cánh trên mặt nước – N.D.
(2) Bôxpho và Đácđanen là hai eo biển ở Thổ Nhĩ Kỳ – N.D
(3) Bán đảo ở Tây Á, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ – N.D.
(4) Vùng trước kia có núi cao nhưng đã bị bào mòn rất nhiều nên trở thành bằng phẳng gần như đồng bằng – N.D.
(5) Bán đảo ở Tây – Nam Á lớn nhất thế giới (hơn 2,4 triệu km2) – N.D.
(6) Bán đảo ở Bắc Hồng Hải, thuộc AI Cập – N.D.
(7) Kênh đào thuộc Ai Cập nối Hồng Hải với Địa Trung Hải – N.D.
(8) Sa mạc nằm giữa đồng bằng sông Nin và Hồng Hải, thuộc Ai Cập – N.D.
(9) Ông Khốttabít đưa đầu ra cam đoan rằng thành phố này đúng là có tên Ghêrôna. Chúng ta chẳng tranh cãi với ông già làm gì cho mệt xác (chú thích của tác giả). Thực ra, ở Ý chỉ có thành phố Ghênoa, ta thường dịch là Giênơ, chứ không có thành phố Ghêrôna – N.D.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.