Lúc ba ông cháu lên bờ và chiếc thảm bay – thủy phi cơ đã biến mất theo hiệu lệnh bằng tay của ông Khốttabít, Vônca ra lệnh:
– Trước hết phải thận trọng. Và không được ba hoa đấy. Chúng ta vẫn chưa biết chúng ta đặt chân lên nước nào.
– Ta sẽ căn cứ vào máy bay mà xác định, – Giênia nói. – Có một chiếc đang bay kia kìa!
Một chiếc máy bay lớn đang bay từ đâu đó ở phía Tây đến. Cần phải nói để các bạn biết rằng trong cả trường trung học số 124, không một học sinh nào am hiểu về hàng không hơn Giênia Bôgôrát. Chỉ cần thoạt nhìn, Giênia đã xác định ngay được chiếc máy bay kia là của nước nào. Nó biết tới 40 dấu hiệu riêng của máy bay các nước.
Chiếc máy bay rú thấp trên đầu các nhà du hành của chúng ta và khuất sau một ngọn đồi ở gần ngay đấy.
– Máy bay Mỹ! – Giênia kết luận. – Ngôi sao năm cánh màu trắng là dấu hiệu riêng của hàng không Mỹ.
Lại một chiếc máy bay nữa bay qua và cũng khuất sau ngọn đồi nọ. Chiếc máy bay này cũng có ngôi sao trắng của Mỹ ở dưới cánh. Vônca nói:
– Chúng ta đang ở một trong hai nước: hoặc là Hy Lạp, hoặc là Ý.
Đúng lúc đó, có tiếng trẻ con the thé từ xa vọng lại: “Xinho (1) Umbéctôôô! Xinho Umbéctôôô! Ngài chủ gọi ông đấy!”
-Nếu ngươi ta nói xinho thì có nghĩa là chúng ta đang ở nước Ý! – Vônca nói.
– Lạ thật, những chiếc máy bay Mỹ kia bay trên nước Ý cứ như bay trên lãnh thổ của Mỹ vậy! Thật là láo xược hết sức? – Giênia trầm ngâm nói – Nếu mình là người Ý thì mình…
Nhưng các nhân vật chính của chúng ta hẳn là còn phải ngạc nhiên hơn nữa nếu biết được kẻ nào vừa bay đến nước Ý trên chiếc máy bay đầu. Trong lúc hai cậu bé bày tỏ sự thắc mắc và phẫn nộ của mình về việc bọn Mỹ làm mưa làm gió ở đất nước xinh đẹp này thì trên sân bay ở sau ngọn đồi nọ, người ta đẩy cái thang cao bằng đuyara tới sát chiếc máy bay vừa hạ cánh. Và theo chiếc thang đó, mixtơ Hari Oanđenđalét dẫn xác xuống, cặp mắt heo ti tí trố ra vái vẻ ngạo mạn.
Nhưng hai cậu bé và ông Khốttabít vẫn chưa biết chuyện đó.
– Nước Ý! Chúng ta đang ở nước Ý! Tuyệt thật! – Giênia không kìm nổi, reo lên. – Buổi sáng còn ở Ôđétxa, một giờ trước đây bay trên kênh đào Xuyê, còn bây giờ thì đã có mặt ở nước Ý! Tuyệt quá, phải không nào?
Vônca xua tay để Giênia nói khẽ thôi.
– Chúng ta phải đề phòng hết sức cẩn thận! – Vônca nói. – Và cái chính là đừng có ba hoa thiên địa.
– Ở đây có ai hiểu được chúng ta nói gì nào? Chúng ta đâu có biết nói tiếng Ý! – Giênia cười hì hì.
– Người ta không hiểu thì cũng vậy thôi. Thậm chí lại còn gay hơn nữa nếu người ta không hiểu.
– Tại sao người ta lại không hiểu được các cậu, hỡi các cậu bạn trẻ tuổi của ta? – Ông Kháttabít phật ý. – Một khi ta đã đi cùng các cậu thì người ta sẽ hiểu tiếng nói của các cậu và các cậu cũng hiểu tiếng nói ở đây như ta hiểu thứ tiếng đó.
– Cần phải đề phòng cẩn thận hơn! – Vônca lại nhấn mạnh.
Ông Khốttabít muốn đi tìm Ôma Iaxúp ngay lập tức, nhưng hai cậu bé lại rủ ông đi xem thành phố với chúng. Trên con đường rộng đẹp đẽ chạy dọc bờ biển thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi lao vút qua hoặc một chú lừa chở nặng bước đi chậm rãi, móng chân gõ nhẹ xuống mặt đường.
Chẳng mấy chốc đã thấy hiện ra một bãi tắm lớn. Trên bãi chẳng có một ai cả, ngoài mấy gã sĩ quan và lính Mỹ.
Các nhà du lịch của chúng ta chẳng dừng chân, tiếp tục đi xa hơn và một lúc sau đã đi vào thành phố.
Những tòa nhà cao, nhiều tầng, lâu đời nằm xen kẽ với những căn nhà tồi tàn một tầng cũng lâu đời không kém. Trời nóng, ngột ngạt. Trên các đường phố chật hẹp và bẩn thỉu có nhiều người đi lại, người nào cũng ăn mặc xoàng xĩnh, mặt mũi phờ phạc nhưng vui vẻ. Họ sôi nổi bàn tán về một chuyện gì đó, vui nhộn khoa tay hát ca, dừng lại bên các cửa sổ mở toang, tì tay vào bậu của sổ, nhiệt tình kể lại chuyện gì đó cho những người từ trong cửa sổ ló đầu ra.
– Có lẽ hôm nay là ngày nghỉ của họ. – Vônca đoán và hỏi một cậu bé ngồi trên cái ngưỡng cửa lỗ chỗ của ngôi nhà ba tầng tối tăm, xám xịt, hai cánh cửa mở toang và đang làm tàu thủy bằng hộp xì gà cũ:
– Cậu bạn ơi, cậu hãy nói cho tôi biết hôm nay có phải là ngày nghỉ của các bạn không?
Người dân trẻ tuổi ở thành phố Ghêrôna ngơ ngác nhìn Vônca và hai ngươì cùng đi với nó:
– Cậu bảo sao? Ngày nghỉ à? Ngày nghỉ gì vậy?
– Hôm nay là ngày chủ nhật của các bạn phải không? – Vônca sửa lại.
– Cậu làm như chính cậu không biết hôm nay là thứ Sáu ấy? – Cậu bé Ghêrôna trả lời với giọng giễu cợt.
– Nếu vậy thì có lẽ hôm nay là ngày hội nào đó chăng? – Vônca hỏi tiếp.
– Sao cậu lại nghĩ như vậy? – Cậu bé Ghêrôna ngạc nhiên. – Nếu là ngày hội thì người ta phải rung chuông chứ?
– Thế tại sao trong giờ làm việc mà lại có nhiều người đi dạo trên đường phố như vậy?
– Có lẽ cậu không phải là người ở đây rồi. – Cậu bé Ghêrôna nghiêm nghị trả lời. – Hoặc cậu không phải là người ở đây, hoặc cậu là người loạn óc, chỉ có vậy mà thôi.
– Tôi không phải là người ở đây, – Vônca nói nhanh. – Tôi là người hoàn toàn bình thường, nhưng không phải là người ở đây. Tôi từ… từ Naplơ (2) đến.
– Chẳng lẽ ở thành phố Naplơ chúng mày, công nhân không bãi công chống chính phủ và chống bọn chuột cống Mỹ? – Người dân trẻ tuổi ở thành phố Ghêrôna phát cáu. – Mày muốn sống thì hãy xéo đi! Cánh trẻ con chúng tao ở đây không thích những đứa đến quấy rầy bằng các câu hỏi ngớ ngẩn!… Khoan đã đi, khoan đã đi! Hay có lẽ mày thích bọn cầm quyền nước tao và những tên chủ Mỹ của chúng? – Cậu bé Ghêrôna lớn tiếng nói với theo Vônca vừa bỏ đi. – Mày hãy nói thẳng đi! Mày thích bọn chúng chứ gì?
– Bậy nào! – Vônca cũng nổi cáu. – Cậu lăng mạ những người chưa quen biết như vậy mà không thấy xấu hổ sao? Tôi cũng căm thù bọn đó chứ thích cái nỗi gì!
– Tôi cũng căm thù bọn đó! – Giênia nói. – Nếu cậu muốn biết thì tôi xin nói: chúng tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu tại sao các cậu lại có thể chịu được bọn đó…
– Mày bảo ai là “các cậu”? Những người dân thành phố Ghêrôna hả?
– Không, những người Ý! Một dân tộc tuyệt vời, có tinh thần chiến đấu như vậy mà lại…
– Sao mày lại bảo những người Ý là “các cậu”? (3) Thế mày là người Babilon hay sao?… Các cậu ơi-i-i! – Người dân trẻ tuổi ở thành phố Ghêrôna bỗng gọi các cậu bé hàng xóm, giọng nó gào lên có vẻ dữ tợn. – Các cậu ơi, lại đây-y-y…
– Chúng ta hãy biến mau, ông Khốttabít! – Vônca thì thầm rất nhanh. – Mau lên!
Ba ông cháu liền biến mất, làm cho người dân trẻ tuổỉ ở thành phố Ghêrôna vô cùng sửng sốt. Vì sự bất ngờ và không giải thích nổi ấy, cậu bé Ghêrôna đâm ra hết sức khó xử với các cậu bạn mà nó vừa gọi tới.
– Mình đã bảo cậu: hãy giữ mồm giữ miệng! – Vônca bực tức nói với cu cậu Giênia đang cảm thấy mình có lỗi và chẳng biết trốn vào đâu cho khỏi xấu hổ. – Con người hay ăn nói bộp chà bộp chộp có thể gây ra những chuyện gì, thật có trời mà biết! … Đấy, vì cậu mà bây giờ chúng ta chẳng đi xem thành phố được nữa!
Ông Khốttabít liền nói cho hai cậu bạn nhỏ yên tâm:
– Hỡi cậu học sinh khôn ngoan nhất trong tất cả các học sinh ở trường trung học số 124, ta tự an ủi mình bằng hy vọng rằng chúng ta vẫn có thể đi xem tất cả các phố xá, quảng trường và nhà cửa ở thành phố này. Còn nếu cậu ngại gặp cái thằng bé cứng đầu đã làm cho các cậu phải sợ đến thế thì cậu chỉ cần nói một tiếng thôi, ta sẽ tống cổ nó đi khỏi chỗ này ngay lập túc.
– Ông cứ liệu đấy! – Vônca nổi nóng. – Đó là một cậu bé tuyệt hết sức. Nếu ở địa vị cậu ấy, cháu cũng xử sự đúng như thế.
– Cháu cũng vây! – Giênia nói, mắt nhìn đi chỗ khác với vẻ biết lỗi. – Nào, ta giải hòa với nhau thôi, Vônca. Mình có lỗi nhưng mình sẽ không phạm lỗi như thế nữa. Đồng ý chứ?
– Đồng ý! – Vônca độ lượng trả lời và nắm chặt bàn tay rụt rè chìa ra của Giênia Bôgôrát. – Giải hòa thì giải hòa!
Ông Khốttabít sốt ruột đề nghị:
– Chúng ta đi ra bờ biển đi, để ta có thể bắt tay ngay tức khắc vào việc tìm kiếm chú em bất hạnh của ta.
Cuộc nói chuyện trên đây diễn ra trên con đường nhựa mà khi nãy ba ông cháu đã theo đó đi vào Ghêrôna, đầu óc chứa đầy các kế hoạch du lịch lý thú. Bây giờ, họ đi theo hướng ngược lại, vừa đi vừa tìm một chỗ hẻo lánh cách xa đường cái và xa những nơi có nhà cửa.
—
(1) Tiếng Ý: Ông, ngài – N.D.
(2) Một thành phố cảng ở phía Nam nước Ý – N.D.
(3) Cậu bé Ghêrôna vẫn tưởng Giênia là người Ý như mình – N.D.