Ông Già Khốttabít

CHƯƠNG 52 – ƯỚC MƠ VỀ TÀU “LAĐÔGA”



Đến đây, tôi thấy cần phải lùi lại một chút để kể tại sao ba người bạn của chúng ta lại có mặt trên tàu “Lađôga”.
Bạn đọc hẳn chưa quên chuyện Vônca do lỗi của mình là chính (không được trông mong vào việc nhắc bài!) nên đã thi trượt môn địa lý một cách thảm hại. Sự việc như thế thì khó mà quên được. Dĩ nhiên, Vônca cũng vẫn còn nhớ và cu cậu đã chuẩn bị cẩn thận để thi lại. Nó quyết định thế nào cũng phải thi được điểm “5”.
Nhưng mặc dù Vônca có nguyện vọng hết sức chân thành là cố chuẩn bị thi lại sao cho thật tốt, song việc đó hoàn toàn chẳng đơn giản chút nào. Ông Khốttabít đã ngăn cản. Chính Vônca đã không dám nói cho ông già biết những hậu quả thực sự mà việc nhắc bài nguy hại của ông đã gây ra. Vì thế, bây giờ cũng phải giấu cả việc Vônca cần chuẩn bị thi lại. Vônca sợ ông Khốttabít sẽ trừng phạt các giáo viên, trước hết là cô Vácvara về việc Vônca thi trượt.
Đúng vào hôm trận đấu bóng đá giữa đội “Saiba” và đội “Dubilô” kết thúc một cách kỳ quái, đã xảy ra một chuyện hết sức bực mình.
Hôm ấy, ông Khốttabít lòng đầy hối hận về việc mình đã làm Vônca buồn phiền ở sân vận dộng, nên ông không rời Vônca nửa bước, cố tìm mọi cách lấy lòng cậu bé, hết lời khen ngợi nó và luôn luôn đưa ra những đề nghị hấp dẫn nhất. Mãi đến 11 giờ đêm, Vônca mới có thể cầm được cuốn sách giáo khoa.
– Hỡi cậu Vônca, xin phép cậu cho ta đi ngủ, bởi vì ta buồn ngủ quá rồi. – Cuối cùng, ông Khốttabít vừa ngáp vừa nói và chui vào chỗ quen thuộc của mình ơ dưới gầm giường.
– Ông Khốttabít, chúc ông ngủ ngon và có nhiều giấc mơ đẹp! – Vônca đáp, ngồi vào bàn và ngó về chiếc giường của mình với vẻ tiếc rẻ thực sự.
Nó mệt phờ và rất muốn đánh một giấc năm trăm, sáu trăm phút theo cách nói của nó. Nhưng cần phải học và Vônca đành gắng gượng chăm chú vào cuốn sách giáo khoa.
Than ôi, tiếng sột soạt của các trang sách đã làm cho ông thần đang thiu thiu ngủ phải chú ý. Từ dưới gầm giường, ông thò bộ râu xồm xoàm của mình ra và hỏi với giọng ngái ngủ:
– Khuya lắm rồi mà sao cậu vẫn chưa đi nằm, hỡi cái sân vận động của tâm hồn ta?
– Chẳng hiểu sao cháu không ngủ được, ông ạ. – Vônca nói dối. – Cháu bị bệnh mất ngủ.
– Chậc chậc chậc! – Ông Khốttabít chậc lưỡi thông cảm. – Thật là đáng tiếc! Mới tí tuổi đầu như cậu mà đã bị bệnh mất ngủ thì thật là nguy. Nhưng cậu chớ lo, bởi vì đối với ta, chẳng có việc gì là không làm được.
Ông liền rút mấy sợi râu, thổi phù phù vào những sợi râu ấy, rồi lẩm nhẩm một câu gì đó, thế là Vônca đã lập tức gục đầu xuống bàn ngủ khì, chẳng kịp phản đối sự giúp đỡ không phải lúc và không cần thiết của ông Khốttabít.
– Đội ơn đức Ala, vậy là mọi việc đều ổn! – Ông Khốttabít chui ra khỏi gầm giường và lẩm bẩm. – Cậu bé sẽ ngủ một mạch cho tói tận bữa ăn sáng.
Ông già nhẹ nhàng bế Vônca đang ngủ lên, thận trọng đặt nó xuống giường, đắp chăn và vừa hả hê lầm bầm ề à, vừa chui vào gầm giường.
Suốt cả đêm, ánh sáng của bóng đèn điện ở trên bàn đã rọi một cách vô ích xuống cuốn sách giáo khoa địa lý mở ra trơ trọi ở trang thứ 11…
Các bạn có thể hình dung Vônca đã phảí vất vả như thế nào và phải giở bao nhiêu mánh khóe để có thể chuẩn bị thi lại một cách chu đáo! Đó chính là cái lý do quan trọng đã khiến Vônca cùng với ông Khốttabít và Giênia phải bay từ Ghêrôna về lại Mátxcơva, chứ không phải bay ra bờ Đại Tây Dương.
Nhưng hóa ra việc chuẩn bị tốt để thi lại mới chỉ là phân nửa công việc. Còn phải nghĩ cách làm sao thoát khỏi ông Khốttabít một khoảng thời gian cần thiết để đi thi lại.
Kể đến đây, tác giả cuốn truyện trung thực này thấy cần thiết phải báo cho các bạn đọc biết rằng đúng vào chiều hôm trước, máy điện thoại đã được chuyển từ phòng làm việc của bố Vônca ra phòng ngoài để mọi người tiện sử dụng.
Sự việc đó mới xem qua thì tưởng chừng không đáng kể, nhưng các bạn đọc chúng ta sẽ thấy rõ ngay bây giờ bất thình lình, nó đã dẫn đến một bước ngoặt quan trọng trong tâm trạng và những hoài bão của ông Khốttabít.
Số là lúc Vônca đang lo lắng nghĩ cách làm sao chuồn ra khỏi nhà mà ông Khốttabít không hay biết thì ở phòng ngoài, chuông điện thoại réo lên. Giênia gọi đến.
– Mình nghe đây! – Vônca nói. – Chào cậu… ừ, hôm nay. Đúng 12… Ông ấy vẫn còn ngủ. Sao?… Ồ, hoàn toàn khỏe mạnh. Nói chung, ông ấy là một ông già rất khỏe mạnh… Sao? Chưa, vẫn chưa nghĩ ra cách nào cả… Sao? Cậu điên mất rồi! Ông ấy sẽ buồn bực ghê gớm và bày ra những trò mà cậu có sống đến 300 tuổi cũng không hiểu ra nổi đâu… Thế có nghĩa là cậu sẽ đến mình lúc 10 giờ rưỡi? Chào cậu!
Từ cửa phòng Vônca, ông Khốttabít thò đầu ra. Ông thì thầm với vẻ trách móc:
– Hỡi cậu Khốttabít, tại sao cậu lại nói chuyện với cậu Giênia con trai của Côlia, người bạn tốt nhất của cậu và của ta, ở phòng ngoài? Như thế là bất lịch sự. Ví thử cậu mời cậu ấy vào phòng mình thì chẳng tốt hơn sao?
– Làm sao cậu ấy vào đây được trong khi lúc này cậu ấy vẫn còn ở nhà cậu ấy ạ?
Ông Khốttabít bực tức:
– Ta không hiểu tại sao cậu lài nỡ chế giễu một ông thần già rất yêu mến cậu! Đôi tai của ta chưa bao giờ đánh lừa ta cả. Chính ta vừa nghe cậu nói chuyện với cậu Giênia đấy thôi.
– Cháu nói chuyện với cậu ấy qua điện thoại, ông không hiểu hay sao? Qua – điện – thoại! Chao ôi, khốn khổ thân cháu! Thế mà cũng đòi bực tức! Ông đi ra đây với cháu, cháu sẽ chỉ cho ông rõ mọi chuyện ngay bây giờ.
Hai ông cháu bước ra phòng ngoài.
Vônca nhấc ống nghe, nhanh chóng quay con số quen thuộc và nói:
– Xin bác làm ơn gọi Giênia cho cháu.
Sau đó nó đưa ống nghe cho ông Khốttabít:
– Đây ông có thể nói chuyện với Giênia.
Ông Khốttabít thận trọng áp ống nghe vào tai và nở một nụ cười bối rối:
– Cậu đấy ư, hỡi cậu Giênia may mắn con trai của Côlia? Cậu bây giờ đang ở đâu?… Ở nhà à? Thế mà ta lại ngỡ rằng cậu đang ngồi trong cái ống đen mà ta cầm bên tai mình. Đúng, cậu đã không lầm, đây chính là ta, Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốt táp, người bạn trung thành của cậu… Cậu sắp đi đến đây à? Vậy thì xin chúc cậu đi đường bình an?…
Mặt tươi roi rói vì thích thú, ông Khốttabít trả lại ống nghe cho Vônca đang tủm tỉm cười.
– Lạ thật! – Ông già kêu lên. – Ta đã nói chuyện, thậm chí không cần cất cao giọng, với cậu Giênia ở cách ta hai giờ đi bộ!
Lúc quay về phòng Vônca, ông Khốttabít đưa mắt nhìn quanh với vẻ ranh mãnh rồi búng các ngón tay trái toanh toách, thế là ở trên tường, bên trên bể nuôi cá, lập tức xuất hiện một cái máy điện thoại y hệt cái máy treo ở phòng ngoài.
– Bây giờ, cậu có thể tha hồ nói chuyện với các bạn mà không phải rời khỏi phòng mình.
– Cảm ơn ông! – Vônca xúc động nói rồi nhấc ống nghe, áp vào tai và lắng nghe một hồi lâu mà chẳng nghe thấy một tiếng “tút tút” nào cả.
– Alô! Alô! – Vônca gào lên.
Nó hết lắc rồi lại thổi vào ống nghe. Tiếng “tút tút” vẫn chẳng thấy.
– Máy hỏng rồi, ông ơi! – Vônca nói với ông Khốttabít. – Bây giờ, cháu sẽ mở nắp ra xem bên trong có sao không.
Nhưng dù Vônca cố gắng hết sức, vẫn chẳng thể nào mở hộp máy ra được.
– Cái máy này được làm bằng nguyên cả cục cẩm thạch đen loại nhất! – Ông Khốttabít nói với vẻ hãnh diện.
– Thế có nghĩa trên trong đó chẳng có gì cả? – Vônca thất vọng hỏi.
– Chẳng lẽ bên trong cái máy này cũng phải có một cái gì sao? – Ông già băn khoăn. – Cũng như trong đồng hồ ấy à?
– Ồ bây giờ thì cháu mới hiểu tại sao cái máy điện thoại này lại không làm việc được… – Vônca nói. – Ông chỉ làm được mô hình máy điện thoại thôi, còn bên trong thì chẳng có tất cả những thứ cần thiết. Mà bên trong máy mới là cái quan trọng nhất.
– Vậy ở bên trong ấy cần phải có những gì? Một cái ruột đặc biệt chăng? Một cái ruột như ở trong đồng hồ chứ gì? Phải có đủ thứ bánh xe nhỏ? Cậu hãy giải thích đi, ta sẽ làm ngay lập tức tất cả những thứ cần thiết cho mà xem.
– Không phải như ở trong đồng hồ đâu, mà hoàn toàn khác. Nhưng không thể giải thích chuyện đó một cách dễ dàng được. – Vônca nói với vẻ quan trọng. – Để hiểu chuyện đó trước hết phải học về điện, ông ạ.
– Vậy cậu hãy dạy ta về cái mà cậu gọi là điện ấy đi!
– Để hiểu về điện, – Vônca hào hứng, – Để hiểu về điện, trước đó phải học số học, đại số, hình học, lượng giác, vẽ kỹ thuật và nhiều môn khoa học khác nữa.
– Vậy thì cậu hãy dạy ta cả các môn khoa học đó.
– Cháu… cháu… cháu vẫn chưa biết hết những môn khoa học đó. – Vônca thú nhận.
– Vậy cậu hãy dạy ta những gì mà cậu đã biết.
– Muốn thế, cần phải có nhiều thời gian, ông ạ.
– Dù thế nào ta cũng đồng ý. – Ông Khốttabít trả lời dứt khoát. – Cậu hãy trả lời ngay, đừng làm tình làm tội ta nữa, cậu có chịu dạy ta các môn khoa học có thể đem lại cho mỗi con người cái sức mạnh kỳ diệu đến thế không?
– Với điều kiện ông phải làm bài cẩn thận! – Vônca nghiêm nghị đáp. – Thôi, bây giờ ông hãy đọc báo đi, cháu phải chạy lại đằng này có chút việc.
Cậu bé giúi vào tay ông Khốttabít số báo Sự thật thiếu niên tiền phong mới phát hành và đi đến trường.
Ngôi trường xám nhạt trở nên yên tĩnh, vắng vẻ lạ thường. Chỉ có thầy hiệu trưởng, thầy trưởng phòng giáo vụ và cô Vácvara đang chuyện trò gì đó trong phòng làm việc ở lầu một, còn ở trên đấy hai lầu thì rộn lên tiếng nói vui vẻ của những người thợ quét vôi và thợ trát nữa: việc tu sửa trường lớp đã bắt đầu.
– Đồng chí Vácvara Xtêpanốpna thân mến, biết nói gì với đồng chí đây? – Thầy hiệu trưởng mỉm cười. – Một chuyến đi nghỉ phép như vậy thì ai cũng phải thèm. Đồng chí đi có lâu không?
– Hình như một tháng hay gần một tháng.
Vônca mừng rỡ, vì thế là ít ra trong vòng một tháng, cô Vácvara sẽ tránh được mối nguy là bị ông Khốttabít tình cờ bắt gặp. Chà, mong sao cô ra đi cho sớm!
– A-a-a, chào cái vòm trời phalê! – Thầy hiệu trưởng chào đùa Vônca. – Thế nào, em bình phục rồi chứ?
– Thưa thầy Paven Vaxiliêvích, em bình phục rồi ạ. Em hoàn toàn khỏe mạnh.
– Thế thì hay lắm! Em đã ôn thi xong chưa?
– Xong rồi ạ, thưa thầy Paven Vaxiliêvích!
– Thôi được, nếu vậy thì chúng ta bắt đầu cuộc thi vấn đáp nào.
Hai thầy trò đã vấn đáp về toàn bộ chương trình địa lý lớp 6. Nếu như Vônca bấm được giờ, nó sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng cuộc thi vấn đáp đã kéo dài gần 20 phút. Nhưng nó chẳng có thì giờ xem đồng hồ. Vônca cảm thấy thầy hiệu trưởng hỏi nó không được kỹ cho lắm. Nó muốn mỗi câu hỏi phải trả lời năm, mười phút kia. Nó đang có cái cảm giác vừa mệt mỏi lại vừa sung sướng của một học sinh thuộc làu làu môn học, và nó sợ nhất là ban giám khảo không nhận thấy điều đó. Qua nét mặt của cô Vácvara, nó đã thấy từ lâu rằng cô hài lòng với những câu trả lời của nó. Tuy nhiên, lúc cuối cùng thầy Paven nói: “Giỏi lắm! Bây giờ mới rõ là các thầy cô đã chẳng uổng công dạy dỗ em”, Vônca vẫn cảm thấy cái lành lạnh dễ chịu chạy khắp cơ thể, còn trên bộ mặt đầy tàn nhang của nó vẫn tự nhiên nở một nụ cười tươi tới mức cả thầy hiệu trưởng, thầy trưởng phòng giáo vụ và cô giáo địa lý cũng đều cười theo. Thầy trưởng phòng giáo vụ nói:
– Đúng, chúng ta có thể thấy ngay rằng Côxtưncốp đã học hành nghiêm chỉnh, theo đúng phong cách của một đội viên thiếu niên tiền phong.
Ôi nếu như thầy hiệu trưởng, cô Vácvara và thầy trưởng phòng giáo vụ biết được Vônca đã phải chuẩn bị cho cuộc thi vấn đáp này trong hoàn cảnh khó khăn chưa từng thấy ra sao! Nó phải tìm đủ mưu mẹo lẩn trốn ông Khốttabít như thế nào để có thể yên ổn ngồi cầm cuốn sách giáo khoa địa lý! Suốt thời gian đó, nó phải vượt qua những trở ngại khó khăn kỳ lạ ra sao mà ông Khốttabít đã gây ra cho nó trong khi chính ông cũng không hay biết về chuyện ấy! Nếu họ biết được như vậy thì sự trân trọng của họ đối với những thành công mà Côxtuncốp đạt được sẽ tăng lên biết chừng nào!
Vônca muốn khoe cả những thành công sư phạm của mình (không phải người nào cũng có thể khoe là đã dạy được một ông thần biết chữ), nhưng nó dã kịp thời kìm lại.
Thầy Paven trịnh trọng nói:
– Nào, Côxtưncốp, thầy chúc mừng em được lên lớp 7! Em hãy nghỉ ngơi cho đến tháng 9. Hãy bồi bổ sức lực. Chúc em mạnh khỏe!
– Cám ơn thầy Paven Vaxiliêvích! – Vônca trả lời nghiêm chỉnh như một học sinh lớp 7 cần phải trả lời. – Chào cô Vácvara Xtêpanốpna ạ? Chào thầy Xécgây Xêmiônôxêvích ạ!…
Lúc Vônca đi thi về, ông Khốttabít đang ngồi thoải mái dưới bóng cây sồi to lớn và đang đọc làu làu cho Giênia nghe báo Sự thật thiếu niên tiền phong.
– Mình thi xong rồi! Được điểm “5”! – Vônca thì thào báo tin cho cậu bạn của mình, và nằm xuống bên cạnh ông Khốttabít. Cùng một lúc, nó cảm thấy ít nhất là ba niềm vui: thứ nhất, vì nó được nằm trong bóng mát; thứ hai, vì nó đã thi xong một cách xuất sắc; và niềm vui thứ ba, không kém phần quan trọng, mà có lẽ là niềm vui lớn nhất: nỗi tự hào của một thầy giáo đang thích thú với những thành công mà học sinh của mình (1) đã đạt được.
Trong khi đó, ông Khốttabít (thường đọc chẳng sót mục nào trên báo) đã chuyển sang mục “Tin thể thao”. Ngay cái tin đầu tiên đã khiến cho hai cậu bạn của chúng ta phải thở dài buồn bã và ghen tị.
Ông Khốttabít đọc:
– “Trung tuần tháng 7, tàu phá băng “Lađôga”, do Cục Tham quan Trung ương thuê, sẽ rời Áckhanghenxcơ lên đường đi Bắc Cực. Sáu mươi tám người lao động xuất sắc nhất của Mátxcơva và Lêningrát sẽ sử dụng thời gian nghỉ phép của mình trong chuyến đi này. Chuyến đi hứa hẹn rất thú vị”.
– Đúng như thế đấy! – Vônca nói với giọng mơ ước. – Đi thế mới là đi chứ! Cho hết cả mọi thứ để được đi cũng chả tiếc!
– Hỡi các cậu bạn tốt nhất của ta, các cậu chỉ cần ra lệnh cho ta là các cậu có thể đi tới bất cứ nơi nào mà các cậu muốn! – Ông Khốttabít sôi nổi nói, nóng lòng muốn làm một cái gì đó để đền ơn hai thầy giáo trẻ tuổi của mình.
Nhưng thay cho câu trả lời, Vônca lại chỉ thở dài. Còn Giênia thi buồn bã giải thích cho ông già:
– Không được đâu, ông Khốttabít ạ, chúng ta chẳng lên tàu “Lađôga” được đâu! Chỉ những người nổi tiếng mới có thể hy vọng lên đấy thôi.
(1) Tức là ông Khốttabít – N.D.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.