Trong kỳ nghỉ Đông, Giênia đi thăm những nguời bà con ở Dvenigôrốt. Ngày mồng 4 tháng giêng, nó nhận được một bức thư. Bức thư này hết sức lý thú, ít ra là trên ba phương diện. Thứ nhất, thư gửi đích danh Épghêni Nicôlaêvích Bôgôrát, chứ không phải Giênia hoặc chỉ Épghêni không thôi. Thứ hai, đó là bức thư đầu tiên mà ông Khốttabít tự tay viết cho cậu bạn trẻ tuổi của mình. Nhưng lý thú hơn cả là chính nội dung cái bức thư hết sức đáng chú ý đấy.
Dưới đây là bức thư (có lược bớt đôi chút):
“Hỡi cậu Épghêni con trai của Nicôlai thuộc dòng họ Bôgôrát nổi tiếng và cao quý, cậu bạn đáng yêu nhất và quý báu nhất của ta, niềm tự hào tuyệt mỹ và có một không hai của các nhà trường và các bãi thể thao, niềm hy vọng chứa chan của nền khoa học và nghệ thuật nước nhà, niềm sung sướng và tự hào của bố mẹ và bạn bè! Người học trò của cậu là Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp cầu chúc cho con đường đời của cậu trải đầy những đóa hoa hồng không gai và kéo dài mãi mãi!
Ta hy vọng cậu còn nhớ rằng nửa năm về trước, ta sung sướng và biết ơn biết chừng nào khi cậu – người bạn trẻ tuổi của ta và bạn của vị cứu binh trẻ tuổi của ta – đã giải thoát khỏi cảnh giam cầm khủng khiếp trong cái bình đồng chú em bất hạnh của ta là Ôma Iuxúp con trai của Khốttáp, người mà ta phải đau đớn phân ly trong suốt mấy nghìn năm đăng đẵng.
Nhưng tiếp ngay sau niềm sung sướng của cuộc hội ngộ mong đợi bấy lâu ấy lại là nỗi thất vọng nặng nề, bởi vì chú em ta là một kẻ vô ơn, thiển cận, hay gây gổ và hay ghen tị.
Và hẳn là cậu vẫn còn nhớ, chú em ta đã quyết định bay lên mặt trăng để chứng kiến tận mắt xem có thật là bề mặt của nó phủ đầy núi non như cậu bạn học cao của chúng ta là Vônca con trai của Aliôsa, dựa vào môn khoa học gọi là “thiên văn học” đã nói, hay không.
Than ôi! Chú em chẳng biết điều của ta bị dẫn dắt không phải bởi lòng khát khao kiến thức vô tư, cũng không phải bởi lòng mong muốn cao cả và đáng khen là nhận biết thế giới, mà bởi cái ý muốn thấp hèn và ngu xuẩn là làm nhục con người đã cố cản ngăn chú ấy đừng có cái hành động không sao cứu vãn nổi.
Chú em ta còn không đếm xỉa tới các số liệu của một môn khoa học khác có tên là “cơ học” và chính vì thế chú ấy đã tự rước vào thân cái họa là quay vĩnh viễn và vô tích sự xung quanh trái đất, còn trái đất, như ta vừa mới được biết, lại quay xung quanh mặt trời (ai mà có thể ngờ được!).
Ngày mồng một tháng giêng, ta nhận được của cậu, hỡi cậu Giênia con trai của Côlia, một bức có tên khoa học là “điện tín”, trong đó cậu đã thân ái chúc mừng ta nhân dịp năm mới.
Lúc bấy giờ, ta mới sực nhớ rằng chú em khó chịu nhưng hết sức bất hạnh của ta đang bay suốt ngày đêm ở trên trời và chẳng có ai chúc mừng chú ấy nhân dịp năm mới cả.
Và lúc bấy giờ, ta liền chuẩn bị lên đường và đúng giữa trưa, ta đã bay đi các khoảng trời xa xăm để thăm chú Ôma Iuxúp chúc mừng chú ấy và nếu có thể thì giúp chú ấy quay về trái đất.
Hỡi cậu Giênia con trai của Côlia, ta sẽ chẳng quấy rầy sự rộng lòng quan tâm của cậu bằng việc tả lại chuyện ta đã nắm được định luật vạn vật hấp dẫn ra sao, bởi vì đó không phải là cái điều cốt yếu mà ta muốn kể trong thư này. Ta chỉ cần nói thế này là đủ: thoạt tiên, ta đã bay đúng với vận tốc mà chú Ôma Iuxúp đã bay và cũng như chú ấy, ta đã biến thành một vệ tinh của trái đất, nhưng chỉ biến tạm thời thôi và biến vừa đúng một khoảng thời gian cần thiết để ta gặp chú Ôma. Rồi sau đó, khi ta thấy đã tới lúc phải quay về trái đất, ta ngoảnh mặt về phía đó và tăng thêm cho cơ thể mình một vận tốc cần phải có để thắng cái lực đã khiến ta quay xung quanh trái đất như cái thùng con đầy nước quay trên đầu dây căng trong tay một chú bé. Với vận tốc ấy như thế nào, ở đây không tiện viết ra. Lúc nào ông cháu ta gặp nhau, ta sẽ cho cậu xem tất cả những phép tính mà ta đã làm từ trước nhờ những kiến thức về toán học, thiên văn học và cơ học (để có những kiến thức đó, ta phải mang ơn cậu và cậu Vônca con trai của Aliôsa rất nhiều, vì các cậu đã tỏ ra độ lượng và hết sức kiên nhẫn đối với ta). Nhưng bây giờ không phải là lúc kể chuyện đó. Ta muốn đi thăm chú em của ta…”
Viết đến đây, có lẽ ông Khốttabít đã không cầm được nước mắt, bởi vì ở đoạn thư này mục đã bị nhòe. Bức thư viết tiếp:
“Sau khi rời trái đất đang chan hòa ánh nắng rực rỡ ban trưa, chẳng bao lâu ta đã lọt vào cái khoảng không tối như hũ nút, ghê rợn và lạnh không chịu nổi. Trong bóng tối lạnh lẽo ấy, những chấm sao xa vẫn lấp lánh như cũ và vầng mặt trời hơi vàng đang rực cháy vẫn làm chói mắt.
Ta bay một hồi lâu giữa cạnh lạnh lẽo, tối tăm, lặng lẽ và đã hoàn toàn tuyệt vọng trong việc tìm gặp chú Ôma Iuxúp thì bỗng nhiên trên màn nhung đen của bầu trời xuất hiện một thiên thể dài nghêu, gầy guộc, được mặt trời chiếu sáng. Nó bay lại gần ta với tốc độ rất lớn. Căn cứ vào bộ râu dài phất phơ như đuôi sao chổi và căn cứ vào tiếng lầu bầu giận dữ không ngớt, ta dễ dàng nhận ra đó là chú em của mình.
– Xêliam alâycum, chú Ôma thân yêu! – Ta reo lên, khi ta bay ngang hàng chú ấy. – Chú vẫn mạnh khỏe chứ?
– Vẫn vậy thôi, không sao cả! – Chú Ôma Iuxúp trả lời ta với vẻ miễn cưỡng và lạnh nhạt. – Bác thấy đấy, tôi đang quay chung quanh trái đất. – Chú ấy cắn môi và lạnh lùng nói thêm: – Nào, bây giờ bác cần gì thì nói ngay đi! Đừng quên là bác đã bay đến gặp một ông thần đang bận rộn. Xong việc thì bác bay đi cho.
– Chú bận việc gì vậy, hỡi chú em thân yêu của ta? – Ta hỏi.
Và chú ấy đáp:
– Việc gì ấy à? Tôi đã bảo với bác là tôi đang làm vệ tinh của trái đất mà. Tôi phải quay suốt ngày đêm, không được nghĩ ngơi lấy một phút!
– Ôi, khổ thay cho ta! – Ta bèn kêu lên với vẻ đau buồn hết sức – Giữa cái cảnh lạnh lẽo và tối tăm quanh năm suốt tháng, lại phải quay liên tục và vô tích sự ở một chốn cách biệt với toàn bộ sự sống, cuộc đời của chú thật là buồn thảm và vô vị!
Và ta đã rơi nước mắt, bởi vì ta thương chú em ta vô hạn. Nhưng đáp lại những lời phát ra từ đáy lòng ta, chú Ôma Iuxúp chỉ lạnh lùng và kẻ cả nói:
– Bác khỏi phải thương hại tôi, bỡi vì tôi cần đến sự thương hại ít hơn bất kỳ một người nào. Bác hãy mở mắt ra mà nhìn và bác sẽ thấy rõ: tôi là một thiên thể lớn nhất trong tất cả các thiên thể. Quả là mặt trái đất và mặt trăng có chiếu sáng và thậm chí còn chiếu khá sáng nữa là đằng khác, còn tôi thì không chiếu sáng, nhưng tôi lại lớn hơn mặt trời và mặt trăng nhiều. Tôi không thèm nói đến các vì sao, bởi vì chúng nhỏ tới mức có nhiều ngôi có thể nằm gọn trong móng chân của tôi. – Nói đến đây, trên mặt chú em ta xuất hiện một cái gì đó giống như một nụ cười ngụ ý tốt, rồi chú ấy nói tiếp: – Nếu bác muốn, bác hãy liên kết với tôi, trở thành một vệ tinh của tôi và chúng ta sẽ cùng quay với nhau. Lúc bấy giờ, nếu không kể tôi, bác sẽ là thiên thể lớn nhất trong tất cả các thiên thể.
Thoạt tiên, ta cũng lấy làm mừng trước sự biếu hiện tình cảm huynh đệ ấy, mặc dù cách biểu hiện quả là kỳ cục, nhưng sau đó ta mới biết là mình đã mừng hụt, bởi vì chú Ôma Iuxúp đã nói rõ đề nghị của mình như thế này:
– Tất cả các tinh tú đều có vệ tinh, còn tôi thì không. Tôi cảm thấy ngượng ngùng thế nào ấy đối với các tinh tú khác…
Ta ngạc nhiên trước sự dốt nát và sự ngông cuồng ngu xuẩn của chú em ta.
Hiểu rằng chú Ôma Iuxúp không muốn quay trở về trái đất nữa, ta buồn bã bão chú ấy:
– Xin vĩnh biệt chú bỡi vì ta đang vội: ta còn phải về cho kịp đế gửi thư chúc mừng một cậu bạn trẻ tuổi của ta.
Nhưng có lẽ chú Ôma rất khoái cái ý định của mình, nên chú ấy rống lên:
– Vậy thì ai sẽ làm vệ tinh cho ta. Muốn sống thì ở lại đây với ta, nếu không ta sẽ xé xác mi ra thành từng mảnh!
Nói rồi, chú ấy túm ngay lấy chân trái ta, nhưng ta không lúng túng, liền quay ngoắt sang một bên và vùng khỏi tay chú Ôma, để lại trong tay chú ấy một chiếc hài của ta. Dĩ nhiên là chú ấy muốn đuổi theo ta, nhưng không thể làm việc ấy được bởi vì chú ấy phải tiếp tục con đường vô tận của mình theo cái đường cong kín gọi bằng danh từ khoa học là “quỹ đạo”.
Nhưng sau khi bay được một quãng khá xa, ta vẫn cảm thấy thương hại chú em khó chịu và ích kỷ của mình, ta bèn nói to với chú ấy:
– Hỡi chú Ôma Iuxúp, nếu quả là chú cần các vệ tinh thì việc đó nào có khó gì!
Ta liền rứt 5 sợi râu, ngắt chúng thành ra những phần nhỏ và thổi chúng bay đi tứ phía. Thế là nhiều quả cầu đẹp đủ màu, cỡ từ hạt đậu đến trái bí đỏ, bắt đầu quay xung quanh chú Ôma Iuxúp. Về kích thuớc và vẻ đẹp, các vệ tinh đó hoàn toàn tương xứng với chú ấy.
Là một người thiển cận, có lẽ trước đó chú em ta không hề nghĩ ra rằng tự chú âý cũng có thể tạo ra cho mình các vệ tinh. Còn bây giờ, với cái tính kiêu ngạo ghê gớm, chú ấy lại muốn mình phải có một vệ tinh to bằng quả núi. Và quả là một vệ tinh như thế đã lập tức xuất hiện bên cạnh chú ấy Nhưng bởi vì khối vật chất chứa đựng trong quả núi ấy lớn hơn nhiều lần trọng lượng cơ thể chú em bốc đồng và dại dột của ta, cho nên chú ấy lập tức bị hút vào cái thiên thể mới mà chính chú ấy đã tạo nên, rồi chú ấy lại nảy tung ra như quả bóng đá và vừa gào thét vừa bắt đầu quay vùn vụt xung quanh thiên thể đó.
Vậy là chú Ôma Iuxúp đã trở thành nạn nhân của thói hiếu danh quá quắt của mình: chú ấy lại biến thành vệ tinh của chính cái vệ tinh do chú ấy tạo nên.
Thế rồi ta quay trở về trái đất và ngồi viết cho cậu bức thư này, hỡi cậu bé chứa đựng trong con người mình mọi mặt tốt, để cậu biết mọi chuyện gì đã xảy ra.
Ta cũng phải báo ngay cho cậu biết rằng ta đã thấy trong cửa hàng bán rađiô ở góc phố Goócki có bày một chiếc rađiô 9 bóng cực kỳ tốt và những ưu điểm của nó thì nhiều vô kể. Còn về hình thức, nó làm vừa lòng cả những người khó tính nhất. Ta. đã nghĩ rằng nếu lắp vào chiếc rađiô ấy…”.
Tiếp đó là đoạn thư tiêu biểu của một người chơi rađiô nghiệp dư rất say mê và dẫn đoạn này ra đây thì chẳng có ý nghĩa gì cả, bởi vì những người ham thích rađiô sẽ chẳng tìm thấy một điều gì mới mẻ cho mình, còn những người không ham thích ngành công nghiệp chế tạo các phương tiện thông tin liên lạc ấy cũng sẽ chẳng tim thấy điều gì đáng chú ý cả.