Cái Dũng Của Thánh Nhân
CHƯƠNG IV: LỄ ĐỘ
Đừng tưởng lầm, lễ phép đặt ra là để làm phiền rộn đời người. Mặc dầu, nó kềm thúc hành vi chúng ta, về mặt điêu luyện. Điềm đạm, trong bước đường đầu phải cần đến nó rất nhiều.
Tín đồ của Điềm Đạm, trước hết, phải là một người lễ độ nhu nhã hết sức. Người lễ độ nhu nhã đúng mực là người khéo tự trị lấy những náo động nhất thời, những cử chỉ nóng nảy, những lời nói vụt chạc. Dẫu giận tức đến đâu, lễ độ buộc ta phải thản nhiên đừng tỏ vẻ thô tục cộc cằn. Kẻ thô lỗ, bất kỳ là trong thái độ hay lời nói, là kẻ còn sống trong thiên tính của loài vật, chưa biết tự chủ.
Người xưa sở dĩ quá chú trọng về Lễ, là vì muốn gìn giữ sự giao dịch giữa loài người, đừng phải có sự xô xát. Lễ, là để kềm chế tư dục. Đời càng văn minh chừng nào, thì Lễ càng tinh mật và đơn giản hơn chừng nấy.
Tuỳ tánh-chất của loài người, Âu hay Á đều có lối Lễ phép riêng.
Người Á Đông, về Lễ, lại nghiêm nhặt hơn Âu Tây rất nhiều. Phải nhớ: Á Đông và Âu Tây rất khác nhau về tính chất vì một đàng háo Tĩnh, một đàng háo Động. Đấy là nói chung về dân tộc. Bởi vậy, Lễ ở phương Đông, chủ về Tĩnh; Lễ ở phương Tây, chủ về Động.
Xem ngay trong cách thổ lộ chân tình: người phương Tây hành động theo tình cảm tự nhiên; người phương Đông cử chỉ trầm tĩnh dè dặt. Cha con, vợ chồng, bầu bạn xa nhau lâu ngày, gặp nhau vẫn không thấy bôn chôn rộn rực. Những cái xá dài, những lễ phép phiền phức, toàn là những cử động tự trị, không cho thổ lộ ra ngoài. Tâm tình thường chịu ẩn hơn hiện. Cái đó, không phải giả dối, không phải lạt lẽo, không phải vô tình. Ấy là tự trị vậy.
Áo quần theo Lễ của người Á Đông thường trọng quần dài áo rộng. Cái đó cũng có cái lý của nó.
Trong những cánh tay áo dài lụng thụng, quần áo thênh thang, người ta như bị nhốt trong một khuôn khổ hoạt động Cử động con người, trong bộ áo ấy, kể như bỏ rồi: Giận mà đi tới cũng khó khăn, sợ mà chạy lui cũng không tiện. Một cách diên trì để thì giờ suy nghĩ.
Lễ phép tuy đối với kẻ điềm đạm là một điều trở ngại cho tinh thần tự do: nhưng, đối với kẻ chưa điềm đạm, kẻ còn bị tình dục và ích kỷ thống trị nơi lòng, thì nó là một cương kỷ đầu tiên rất cần thiết.
Lễ phép đây, tôi muốn nói những cách nhã nhặn, điềm đạm, dùng để kềm thúc những cử chỉ náo động của tình dục như: nóng nảy, vụt chạc, vân vân.
Dầu xử vào cảnh nào trái ngược đến đâu, cũng không quên lễ độ, đó mới thật là Lễ. Đừng hiểu lầm với những lối xã giao của bọn người xu-viêm bôn-cạnh, cốt dùng những câu thuận lòng đẹp ý nịnh hót bơm ngọt nhau. Với bọn người ấy gặp nhau, thì tha hồ là lời và lời, nói là nói. Trái lại, kẻ nào không biết qua qua lợi lợi, dài chuyện nhiều lời, kẻ ấy họ cho là kém lịch sự. Hiểu như thế, Lễ là thù địch của người điềm đạm. Những thói xã giao ấy, theo tôi, không phải là lễ độ, mà là những cử chỉ của bọn háo danh vụ lợi. Lễ của bọn “tôi đòi”.
Dùng Lễ để kềm chế náo động của dục tình là một việc, mà dùng Lễ để thỏa mãn lòng tư dục lại là một việc khác, rất trái ngược nhau. Ta phải để ý phân biệt cho kỹ. Không thì, thay vì tìm đường giải thoát, ta lại sa vào nô lệ. Đó là vì mình lẫn lộn mà đảo ngược phương tiện làm cứu cánh vậy.
Người lễ độ, theo tôi, là người không bao giờ vô lễ với ai cả, mặc dầu người ta hết sức khiếm nhã với mình. Người ta thường bảo: kẻ bị nhục mà không biết thẹn và trả thù, là người nhu nhược. Cho nên lắm khi, trong lòng không bất bình mà cũng vẫn phải làm ra dáng bất bình kẻo bị phải kẻ khác khinh thị. Cho nên người ta mắng mình, mình phải mắng lại, người ta đánh mình, mình phải đánh lại, đó là người anh dũng. Ta quên rằng: kẻ mắng ta, đánh ta, là kẻ không tự chủ. Nếu ta mắng và đánh lại, ta sẽ là kẻ ngang hàng với hạng người ấy, hay sao? Đó là cái dũng của kẻ thất phu.
Người điềm đạm, ở trong trường hợp nầy, vẫn giữ gìn lễ độ, không vì người ta nhục mình, mà chịu khuất thân làm kẻ tiểu nhân như họ. Danh dự thật, ở nơi chân-giá-trị của mình, không phải ở nơi lời khen tặng của con người.
Cho nên người ta có khen hay chê, không phải vì đó mà giá trị mình tăng lên hay giảm xuống. Marc-Aurèle nói: “Cách trả thù hay nhất là đừng tự mình giống với kẻ dữ”.[5] Bacon cũng nói: “Trả thù là đứng ngang hàng với kẻ nghịch, tha lỗi là đứng lên trên kẻ ấy”.[6] Đó cũng là Lão Tử bảo: “Dĩ đức báo oán” vậy.
Theo phái Thiền môn (Zen), người ta thường dùng những cử động bất nhã một cách rất đột ngột, để thử lễ độ, – hay muốn nói cho đúng hơn, để thử sự điềm tĩnh của các đệ tử mới nhập môn.[7]
Đụng chạm nặng nề đến bản ngã là một cách luyện tập hoặc thử thách tinh thần điềm đạm, vì Thiền, nghĩa của là nó là tỉnh ngộ chớ không phải là ru ngủ. Những lối chiều chuộng thị dục của con người, như khen tặng, bưng bợ, những lối xã giao phiền phức của xã hội tạo ra, toàn là những cách ru ngủ tâm hồn bẩn chật của bản ngã.
Câu chuyện nhà võ sĩ trứ danh Tokiyori lúc mới vào xin làm đệ tử của phái Thiền môn, bị ông thầy mình bất ngờ đánh cho một bạt tai mà không biết giận là một chứng cứ của điều tôi đã nói trên. Tokiyori, một tay đánh kiếm có danh, sức mạnh ít người địch nổi, thế mà hở cơ bị đánh một bạt tai, vẫn thản nhiên không biết giận, thật lòng tự chủ của ông đã đến bực! Ông tự thú: “Trước kia tôi vẫn tưởng tôi là người đại dũng lúc mà trong tay cầm mấy vạn tinh binh đánh nam dẹp bắc; trước kia tôi không có một người nào dám cản đường. Thế mà khi phải bị đánh một bạt tai, tôi trấn tĩnh được ngay, quả tim tôi không đập mạnh, lòng tôi yên lặng như không có việc gì, bấy giờ, tôi mới cảm thấy cái khí độ hùng dũng trước kia, sánh với bây giờ, rất còn nhu nhược, hèn thấp đến bực nào. Tự chủ được cái lòng tự tôn tự đại của mình mới là đại dũng đó”.
Đó là chỗ Lão Tử bảo: “Thắng nhơn giả hữu lực; tự thắng giả cường.”[8]
Chú thích:
[5] La meilleure manière de se venger, e’est de ne pas se rendre semblable aux méchanis (Marc-Aurèle).
[6] En se vengeant, on se rend égal à son ennemi; en lui pardonnani, on se montre supérieur.
[7] E. Steinilber Oberlin: Les Sectes bouddhiques japonaises. Paris Éditions G. Crès el C., trang 130.
[8] Thắng người là có sức; thắng mình là mạnh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.