Cái Dũng Của Thánh Nhân

PHẦN THỨ HAI – CHƯƠNG I: TINH THẦN ĐỘC LẬP



Trở lên, là bàn về công phu luyện tập bên ngoài, từ đây sẽ nói về công phu luyện tập bên trong, khó khăn hơn, nhưng hiệu nghiệm hơn.

Trước hết, cần phải tìm những nguyên nhân vì đâu ta có tính hay sợ, nghĩa là, không có đặng một tinh thần điềm đạm?

Nguyên nhân của tính hay sợ tuy nhiều, nhưng nếu phải nói ra cho tột lẽ, thì chỉ có một tiếng nói là cùng: Bản Ngã.

Bản Ngã, là một tiếng nói hết sức trừu tượng. Muốn rõ cái thực trạng nó, ta cần phải chú ý đến những hiện tượng của nó như thế nào, mới trông trừ khử nó một cách ráo riết. Đi ngay vào nguyên nhân duy nhất nó, để khám phá, để tiêu diệt nó, đó là một công việc hết sức khó khăn, hết sức mạo hiểm, cần phải có một tinh thần quả cảm hơn người, một sự hiểu biết thâm sâu, và rộng rãi hơn người; nghĩa là nếu không phải là người có thiên tư tót chúng, ý chí phi phàm, tưởng cũng khó lòng mà đi tới nơi tới chốn đặng. Phần này, tôi đã dành riêng trong quyển sách sau nầy: “Giải thoát Tinh Hoa Luận”. Ở đây, tôi chỉ bàn về phần thiển cận, thông thường, bất kỳ là ai, miễn có chí cũng đi tới được, mặc dầu chưa được hoàn toàn siêu thoát.

Sợ, có nhiều đẳng cấp, có nhiều phương diện.

Xin bàn đến phần hạ đẳng của nó trước hết: Sợ dư luận.

Hiện tượng nầy có nhiều cái trớ trêu. Tuy thuộc về phần hạ đẳng, nhưng đừng tưởng nó tầm thường. Lắm kẻ anh hùng oanh liệt, thường vào chốn tên bay đạn lạc như chơi, thế mà nếu phải nói chuyện với một người đàn bà, họ thấy trong lòng hồi hộp, lo sợ

Họ mất cả sự điềm tĩnh.

Nếu phải đem những bực vĩ nhân trong lịch sử ra mà kể thì phải cả một quyển sách cũng chưa đủ Sợ dư luận, là một tâm bệnh hết sức nguy hiểm cho sự phát triển nhân cách của con người.

Pascal nói: “Dư luận, là chúa tể của thế gian”. Nó là một sức mạnh phi thường, từ bực trên hết thiên hạ đến hạng cùng dân mạt rệp trong đời, đều bị ở dưới quyền chỉ huy của nó.

Muốn khen, sợ chê, đó là sinh mạng thứ hai của con người. Lắm kẻ thà chết hơn sống mà bị dư luận chê bai. Thật, trong đời, nếu giải thoát đặng cái nô lệ ấy, là đã đi đặng gần phân nửa con đường giải thoát rồi vậy.

Dư luận, rất có ích cho những kẻ còn phải cần một kềm chế, một xiềng xích để sống đừng sa ngã trụy lạc, đừng làm hại đến xã hội chung quanh. Nhưng nô lệ nó, đến mất cả tinh thần sáng tạo, tê liệt cả lòng tự tín, tự trọng, thì nó là quân thù số một, phải lo trừ khử một cách khẩn cấp mới được. Quá sợ dư luận bên ngoài, sao ta không quá sợ dư luận bên trong? Ai biết ta bằng ta? Ai hiểu ta bằng ta? Người quân tử sợ mình hơn sợ người; sợ dư luận của mình hơn sợ dư luận của người.

Nếu tự mình có điều đáng khinh, thì thiên hạ dẫu có tôn sùng bấy nhiêu, cũng vẫn tự xem là xấu hổ. Tự mình biết có điều đáng khen, mà thiên hạ có ruồng bỏ, khinh miệt thế nào, cũng vẫn tự xem là quí trọng.

Kẻ sống, mà đi hạ mình ăn mày ăn xin từ miếng dư luận của bọn người không biết mình, đều là những kẻ tôi tớ người ta, không đáng kể vào hàng tín đồ của Điềm Đạm.

Kẻ nô lệ lấy dư luận, đi đâu cũng khép nép lo sợ, ở đâu cũng nhút nhát rụt rè

Người biết tự trọng, không bao giờ chịu đem tâm hồn mình mà phó thác cho kẻ qua đường. Chỉ có những kẻ, tự mình thấy có nhiều thiếu thốn bên trong, mới tìm cách phô trương, ra dáng khoe để “bù” những nghèo nàn của tâm hồn mình.

Cũng như kẻ hèn nhát, thường hay làm dáng điệu kẻ anh hùng. “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Họ làm ra vẻ người thông thái, ra điệu kẻ có tiền để cho chung quanh hiểu lầm mà tôn kính họ. Họ tìm sự tôn trọng là vì họ sợ bị khinh khi. Theo Tâm lý học, người ta gọi là những người bị “tự ty mặc cảm” (complexe d’infériorité).

Kẻ thật thông thái, thường có tính khiêm tốn, làm như kẻ ngu khờ. Đời càng không biết đến họ chừng nào, lại là một cơ hội họ thấy mình sung sướng. Của quí mà thiên hạ đều biết là quí, là đã mất cái quí của nó rồi.

Kẻ háo danh, trọng dư luận, là kẻ rất sợ phê bình. Họ tự cho có một cái giá quá cao đối với chung quanh. Họ tưởng rằng, bất kỳ là chỗ nào họ đi qua, thiên hạ đều chăm chú vào họ, để quan sát, tìm tòi những cái hay cái dở của họ. Bất kỳ là ở đâu, họ vẫn tưởng mình là trung tâm điểm của xã hội. Mảng lo sợ những dư luận như thế, nên họ mất cả tự do tư tưởng và hành động.

Muốn giải thoát tính nô lệ dư luận, phải làm thế nào?

Phải tạo cho mình một tinh thần độc lập.

Kẻ nào có một tinh thần độc lập, không chuộng hư danh, là kẻ đứng trên thiên hạ rồi vậy. Tư tưởng, ý kiến, quyết đoán của họ bất kỳ thuộc về phương diện nào, cũng đều do nơi họ trước hết, còn dư luận của thiên hạ, họ luôn luôn để ra sau.

Họ có hoài bão một điều gì, thì nhứt định họ để yên lặng trong tâm hồn, không đem ra mà bàn bạc với ai cả, ngoài những kẻ sẽ cùng họ cộng tác. Họ không cần phải có người khuyến khích khen ngợi mới làm: sự xét đoán của họ đủ rồi. Phải giải thoát những ảnh hưởng của chung quanh mình trước hết mới có thể mong giữ được tấm lòng thản nhiên trầm tĩnh, đối với sự khinh khi chế nhạo

Nói thế đâu phải bảo ta phải tự tôn tự đại, đừng thèm đếm xỉa gì đến lời khuyên nhủ của kẻ khác, giàu trí thức hơn, giàu kinh nghiệm hơn.

Không! Nói thế là bảo ta nên để ý đến nó nhưng không nên nô lệ nó. Nhân ý kiến của người mà suy cứu cân nhắc lợi hại, rồi tự mình nhứt định lấy, không nên để ai ảnh hưởng được mình. Phải tập có tánh ham trách nhiệm. Đừng để cho ai suy nghĩ thế cho mình cả. Nếu đã suy nghĩ chín chắn, cân nhắc phải quấy, lợi hại rõ ràng rồi, thì dẫu có ai bảo ta: “Làm thế không khéo để trò cười”, hãy thản nhiên đáp: “Cái đó cũng không quan hệ gì, miễn là tự tôi, tôi không cho đó là đáng cười thì thôi”.

Đừng bắt chước kẻ khác, cũng đừng sợ thua sút kẻ khác. “Đừng ép tài mình”. Sénèque bảo với con: “Tại sao con xấu hổ vì diễn thuyết không được hay như kẻ khác?”. Người ta ở đời sở dĩ có tánh rụt rè nhút nhát, là tại ngờ mình và ham bắt chước kẻ khác. Mỗi vật trong đời đều có cái sở năng không ai giống ai, mà cũng không ai bắt chước ai được. Trang Tử nói: “Không ai kéo cẳng vịt cho dài, thúc giò hạc cho ngắn được”.

Bất bình đẳng là một luật tự nhiên, nhưng giá trị của mỗi vật nếu hoàn toàn cũng đồng như nhau. Lấy theo sinh lý thì con người có thể chia ra làm bốn hạng, do hình thể mà phân loại: hạng não chất, hạng tỳ chất, hạng cân chất và hạng phế chất. Hạng não chất mà bắt chước theo hạng phế chất hay cân chất, làm việc xốc vác nặng nề, dầm sương chải gió, thì sẽ không nên trò trống gì, lại còn thêm bệnh là khác. Còn hạng cân chất mà bắt làm việc trong phòng văn, thiếu hoạt động, thiếu không khí ắt phải bị lao và không nên thân gì cả. Nhưng, không phải vì thế mà hạng nầy cao trọng hơn hạng kia. Nếu hạng nào biết lợi dụng cho đúng cách, những tài năng của mình, hạng ấy là hạng sẽ trở nên hoàn toàn, rất có ích cho toàn thể nhân loại. Vậy, không giống hoặc không làm được như kẻ khác, đâu phải là nhục. Vọng tưởng như vầy là tài, như kia là quý, mà quên mất địa vị trọng yếu của mình trong guồng máy xã hội, đó là nguyên nhân sanh ra cái tánh ham bắt chước kẻ khác, trọng người mà khinh mình. Phải dám “mình là mình” – đó là một cách để gìn giữ sự độc lập của tinh thần vậy.[9]

Cái cảnh “độc lập về tinh thần” ấy, không phải dễ làm. Nhưng nếu trì chí kiên tâm, không sớm thì muộn, trong năm ba tháng, bạn sẽ thấy tinh thần mình vững vàng mạnh mẽ hơn xưa nhiều.

Không hề gì! Có dại mới có khôn, có hư mới có nên; bất kỳ là việc gì, đừng nhút nhát rụt rè, phải có đủ can đảm mà làm theo ý mình. Ta cũng không cần phải bàn cãi với ai làm chi cho nhọc, cứ ừ ừ hữ hữ rồi thì, việc mình tính mình làm, đừng làm mích lòng ai bằng sự cãi cọ vô ích.

Bất kỳ là đứng trước mặt một người nào mà mình biết là tay lỗi lạc nhứt, cũng đừng sợ dư luận của họ, vì họ là họ, mà mình là mình.

Không cần phải đợi gặp những trường hợp ấy mới tập đối đầu để gìn giữ thái độ độc lập của mình. Lúc nhàn rỗi, hãy sống bằng tưởng tượng ấy đi. Hãy tưởng tượng mình có một cử chỉ đàng hoàng, thản nhiên tiếp chuyện với bất cứ là hạng người nào, vô ra các công sở lớn, như vô ra chỗ quán nước trong xó làng Lâu ngày, việc ấy nó thấm thía vào tiềm thức: sau nầy nếu gặp những cảnh ngộ như thế, ta sẽ tự nhiên cư xử như khi sống trong tưởng tượng trước kia, không miễn cưỡng, ngượng ngùng gì nữa cả.

Tóm lại, muốn giữ được thái độ độc lập điềm tĩnh, trước hết phải quyết tâm ham muốn nó.

Kế đó, phải khéo gìn giữ lời nói. Nhứt định đừng để cho ai lôi cuốn, bó buộc mình phải nói. Im lặng tập cho mình cương quyết và trầm tĩnh. Thử gìn giữ sự im lặng trong một thời gian ngăn ngắn, một tuần lễ hay mười lăm ngày, ta sẽ thấy rõ, tinh thần ta trở nên cương nghị hơn nhiều.

Sự im lặng, tự mình hạn định cho mình, rất dễ mà tuân theo, nếu ta ở một mình nơi chốn quạnh hiu cô tịch. Cái đó không hay. Sống giữa xã hội, nhứt là sống giữa những người thân yêu mà kiểm soát được ngôn hạnh, ấy mới tài. Ở chung với những người thân yêu hằng ngày thường xui ta hay tỏ ý kiến, tư tưởng cùng những kế hoạch của ta, hoặc phê bình nhân sự, những câu chuyện vụn vặt chung quanh của mắt thấy tai nghe, hoặc thố lộ can tràng, giãi bày tâm sự Có một sức mạnh vô hình, nó quyến rủ, nó xô đẩy ta đi vào con đường nghiêm cấm ấy. Đừng để cho mình phải bị nó lôi cuốn. Hãy lẳng lặng làm thinh, đó là ta đã đi được một bước rất dài trên con đường “độc lập của tinh thần”.

Nhưng về lối xã giao ở đời, làm vậy, có kẻ cho là khó coi. Muốn người ta đừng ác cảm, hiểu lầm mình, hãy dùng cái mẹo sau nầy, thì ổn thoả: Trong câu chuyện, lập thế gợi cho kẻ khác nói chuyện họ cho ta nghe.

Thỉnh thoảng, điểm cho một vài câu phê bình để tán đồng, khích lệ một cách khôn khéo là đủ. Bỏ câu chuyện của mình đi. Tìm những cái chi quan hệ đến người, để bắt họ bày tỏ ý kiến họ, và giải quyết vấn đề riêng của họ. Làm thế, ta có nhiều cái lợi:

1. Gìn giữ thái độ trầm tĩnh của mình;

2. Không để người ta bắt buộc phải nói chuyện, để giữ cái độc lập về tinh thần của mình;

3. Được người ta vui lòng nhiều, vì họ có được một người bạn biết chiều họ, nghĩa là một người bạn biết thích nghe họ khoe khoang mà không biết mỏi

Ảnh hưởng của thiên hạ đối với mình một ngày sẽ một giảm nếu mình khéo giữ gìn cái quy luật ấy: làm thinh. Không phải một cách tuyệt đối. Phải biết tuỳ cơ ứng biến mới đặng.

Trong một thời gian không lâu, các bạn sẽ thấy tinh thần mình vững vàng, không lay chuyển, không động cảm, không bị lôi cuốn theo ai cả.

Gặp phải việc, nên có can đảm từ chối bằng một tiếng nói thôi. Không cần phải cắt nghĩa vì lẽ gì mình từ chối. Cũng đừng nói một cách cộc lốc đột ngột. Phải từ chối một cách vui vẻ, nhã nhặn để khỏi phải làm đau đớn kẻ khác vô ích.

Sự chế nhạo hay hùm hổ của kẻ khác, cũng không làm cho tâm hồn mình lay động nổi.

Tóm lại, sự điềm đạm, trí sáng suốt và tinh thần tư tưởng của mình hết còn bị dưới quyền chỉ huy của hoàn cảnh và xã hội chung quanh nữa. Ấy, mình đã đạt được sự “độc lập của tinh thần” rồi vậy.

Muốn cho tinh thần được độc lập một cách vững vàng hơn, phải tập quyết định lấy những hành động của mình, bất kỳ là việc nhỏ hay việc lớn. Thường, hễ sự hoạt động về trí não kém, con người hay có cái tánh buông trôi ý chí mình cho kẻ khác, tha hồ ai muốn lôi cuốn về phương hướng nào cũng mặc, hơn là suy nghĩ, phán đoán và quyết định theo mình. Họ lựa chọn những tư tưởng nào mà phần đông công nhận, hay là phải tự mình biện biệt, nghĩ ngợi.

Hãy xem chung quanh ta thì rõ: phần đông con người, nếu gặp phải cảnh khó khăn, hay đem việc mình mà bàn bạc với kẻ khác. Chủ ý họ là được người khác khuyên bảo, và giúp cho sự quyết đoán hay quyết đoán hộ cho. Nếu các bạn muốn giữ độc lập cho tinh thần, thì phải xa lánh cái cử chỉ bạc nhược ấy đi. Thay vì tìm những ý tưởng ấy chung quanh bạn, bạn hãy tìm nó nơi bạn trước hết. Muốn vậy phải kiếm nơi yên lặng để trầm tư mặc tưởng, để quan sát những vấn đề ấy đủ mọi phương diện Nếu bạn thấy sự hiểu biết của bạn còn thiếu sót, và bạn cần phải nghiên cứu cho tinh tường, chừng đó bạn sẽ tìm đến kẻ khác, giàu kinh nghiệm, giàu học hỏi hơn để thỉnh giáo. Nhưng, bạn đừng có đem công việc của bạn mà nói ra, hãy khéo cật vấn bằng một vài câu hỏi cần thiết về vấn đề bạn muốn biết là đủ. Bạn đã tránh cho bạn sự tản mác tinh thần, mà bạn cũng tránh cho người ân nhân của bạn một sự phung phí vô ích về khí lực.

Trừ ra những kẻ buông lỏng số phận mình cho vận mạng, cho hoàn cảnh hên xui, mỗi một người của chúng ta, cần phải hữu tâm lấy cái mục đích nhất định của đời mình, những điều mình phải làm để đi đến mục đích ấy. Vậy, phải học, phải quan sát lấy mình, để hiểu mình, để biết trình độ trí thức và những sở năng vừa với thể chất của mình như thế nào Nhờ đó, mới quyết định đặng hành động của mình ra sao, và, chỉ có một mình mình biết rõ mình hơn ai hết cả. Đừng đợi kẻ khác khám phá việc ấy thế cho ta. Ở đời, ta chớ vô tâm thái quá như thế. Kẻ khác dầu học lực uyên thâm đến bực nào, cũng không làm sao hiểu mình bằng mình đặng. Bất quá, là họ biết được đại khái là cùng.

Vậy, đừng cậy đến ai, đừng ỷ lại vào ai cả.

Một khi đã quan sát kỹ lưỡng rồi, thì hãy có đủ can đảm nhứt định rạch một con đường hạp với tôn chỉ và lý tưởng của mình. Cứ theo đó mà đi, đừng đếm xỉa gì đến lời dị nghị chung quanh nữa.

Cũng có thể bạn đi lầm đường mà hỏng việc; nhưng không quan hệ gì, phải có gan “sống một cách nguy hiểm”. Thất bại là mẹ của thành công; nó là những giai đoạn của một cuộc thành công rực rỡ sau nầy.

Những kẻ, sớm đã tập bay nhảy một mình, hẳn là kẻ không có tánh rụt rè nhút nhát. Ảnh hưởng kẻ khác có động tới họ được không? Hẳn là không? Những kẻ ấy, bước đi của họ trên đường đời không bao giờ bỡ ngỡ, dụ dự chút nào cả. Họ là những kẻ đầy can đảm, nhìn thẳng và sự thật, nhìn thẳng vào bất kỳ là gương mặt của ai, không một chút rụt rè gì cả. Ta hãy bắt chước họ. Ai nói gì, ai khuyên gì thì cũng nên chú ý đến, nhưng đến khi quyết định, thì hãy quyết định theo mình.

Chú thích:

[9] Xem quyển “Thanh Dạ Văn Chung và Toàn Chân Triết Luận”, cùng một tác giả.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.