Cái Dũng Của Thánh Nhân

PHỤ LỤC



I. PHƯƠNG PHÁP TĨNH TỌA CỦA CƯƠNG ĐIỀN

NHƯ các bạn đã thấy trước đây, luyện tập Điềm Đạm đến cõi chí cực, chỉ có những phương pháp Thiền Tọa hay Tĩnh Tọa là có hiệu quả hơn hết.

Dưới đây, sưu tập cho các bạn một phương pháp tĩnh tọa rất đắc dụng trong toàn cõi Á Đông (Trung Hoa và Nhật Bổn), để dùng làm tài liệu nghiên cứu. Tuy sơ lược nhưng cũng vừa đủ để thực hành. Bài nầy soạn theo thể tài bản dịch hán văn của Tưởng Duy Kiều, do nhà Thương Vụ xuất bản.

Sự thế của Cương Điền

Phàm muốn nhập môn cách thực hành phương pháp Tĩnh Tọa của Cương Điền, trước nên biết qua sơ lược về sự thế của tiên sinh.

Tiên sinh là một bực đại tu dưỡng nước Nhật, lúc nhỏ vốn hư nhược và nhiều bệnh tật. Cha mẹ lo cho tiên sinh không sống lâu được. Thế mà đến khi tiên sinh lên mười ba, mười bốn tuổi, thân tâm hốt nhiên biến hóa, trí tuệ quang minh, gây cho tiên sinh cái nguyên động lực sau nầy phát minh ra phép tĩnh tọa.

Tiên sinh sưu tập tất cả các phép tu dưỡng về tinh thần của các nước Âu Mỹ, dung hòa với các tinh túy các tôn giáo Á Đông để so sánh nghiên cứu. Đến năm Minh Trị thứ 32 tiên sinh sang tận các nước Âu Mỹ để khảo sát, đến khi trở về nhân cái học thực nghiệm của mình, sáng lập ra phép tĩnh tọa.

Cân nhục tiên sinh phát đạt một cách viên mãn

Trước kia, tiên sinh vốn là người nhỏ thó; khi sang Âu Mỹ, chỉ cân được ba mươi cân là cùng.

Thế mà cách chẳng mấy năm, thân thể tiên sinh phát đạt đến cực điểm: tiên sinh ngồi như gấu, đi như hổ, tay, chân, lưng, bụng, gân cốt nẩy nở đều đặn rất đẹp. Thân thể tiên sinh sở dĩ phát đạt đến thế, không phải vì tiên sinh có luyện tập theo các nhà quyền thuật, mà chính chỉ nhờ theo có một phép tĩnh tọa đó thôi.

Bấy nhiêu, đủ biết cái linh diệu của phép tĩnh tọa ấy to tát như thế nào.

Thể cách hùng vĩ của tiên sinh

Tiên sinh, vì nhờ tĩnh tọa, bao nhiêu tinh lực dồn xuống đơn điền[24], nên đứng rất vững vàng như một cội lão thọ. Tiên sinh đứng, không có cái gì làm cho tiên sinh lay chuyển đặng. Dầu gặp phải những tay quyền thuật cũng không làm sao cho tiên sinh chuyển động hay té ngã. Tiên sinh thường nói: “Nếu tôi ngồi xe, rủi xe lật đổ, cũng không làm sao ngã tôi cho đặng.” Cái công phu ấy cũng do phép tĩnh tọa mà nên vậy.

Cách sinh hoạt đồng hóa với tự nhiên của tiên sinh

Tiên sinh không phải sống theo chủ nghĩa khắc kỷ, cấm dục. Cấm dục, khắc kỷ đều là những phương pháp ức chế cái tiểu ngã. Còn tiên sinh thì lại không đếm xỉa gì đến tiểu ngã, chỉ trọng đại ngã thôi. Tôn chỉ của tiên sinh là bỏ cái tư ngã của mình đi, để đem mình đồng hóa cùng vạn vật. Cái chỗ mà thường nhân cho là vô vị, tiên sinh cho là hứng vị. Chỗ mà thường nhân cho là khổ cực, tiên sinh cho là sung sướng. Chỗ mà thường nhân lo sợ âu sầu, tiên sinh cho là thản nhiên tự thích. Đó là một chỗ bảo: cùng với tự nhiên mà đồng hóa. Lối sinh hoạt ấy, nếu là bực thường nhân mà xen vào, tất sẽ cho là khổ hạnh. Nhưng khổ hạnh là khi nào tâm ý cùng với tự nhiên đối chọi. Ở đây, cách sinh hoạt của tiên sinh không có chỗ nào nghịch lại với tự nhiên cả, mà chính là cùng với tự nhiên đồng hóa.

Tiên sinh không tin có bệnh

Cách sinh hoạt của tiên sinh đồng hóa với tự nhiên cho nên tiên sinh không tin có bệnh.

Bệnh là gì? Là cái kết quả trái với luật tự nhiên nên mới mất cái hạnh phúc viên mãn phát dục đi. Tĩnh tọa là cái phương pháp sinh hoạt thuần theo tự nhiên của tạo hóa. Bởi vậy, người theo phép tĩnh tọa mà sinh hoạt không tin có bệnh.

Tiên sinh không tin có chết

Tiên sinh cũng không tin có chết nữa. Theo sinh lý cái chết không nên gọi là chết, mà phải kêu là “thục” nghĩa là “chín mùi”. Chết, tức là cái cơ phát dục đã đến cõi hoàn toàn.

Hoặc chưa đến chỗ thành thục. Chưa đến thành thục mà chết, cũng như quả cây chưa phát dục hoàn toàn mà rụng, là cái chết không tự nhiên rất thống khổ. Đó là triệu chứng mình chưa tới nhân cách hoàn toàn. Cái chết của người hoàn toàn chỉ là một cái nhân cách đã thành thục đến cực điểm mà thôi. Cái chết ấy bất quá như ta đi ngủ, nào đâu có gì phải đau khổ. Cái khí tượng của tiên sinh bao giờ cũng vẫn tươi tỉnh, là vì cái nhân cách của tiên sinh luôn luôn hoàn toàn đến cùng cực.

Bởi vậy, muốn đạt đến cái mục đích ấy chỉ có phương pháp tĩnh tọa mà thôi.

Nhân cách chân không

Nhân cách chân không, tức là chỗ chí cực của tu dưỡng.

Theo tiên sinh thời cái yếu điểm của tu dưỡng là cốt đạt thành cái tư cách “chân không”.

Tĩnh tọa pháp không phải chỉ để tìm sự khang kiện về vật chất mà thôi, nó còn có một mục đích tối cao tối diệu hơn nữa là tạo cho mỗi người của chúng ta cái nhân cách “chân không”. – Phàm con người trên thế, cái chân hạnh phúc không phải nơi phú quí, cũng không phải nơi quyền thế, danh dự: mà chỉ nơi chỗ phá cái “ngã chấp”[25] của ta đi, cùng vạn vật hòa làm một thể: kẻ thường nhân thì chỉ biết chìm đắm trong vòng danh lợi, lo quanh nghĩ quẩn khiến cho tâm khí mất bình hòa, tinh thần hỗn trược. Thân thể vì đó lần lần kém cả cơ năng, khí huyết vì đó lần lần mất sự điều hòa. Bên trong hỗn loạn, ngoại tà nhân đó mà xâm vào. Phàm các bệnh tật đều do đó mà sinh ra. Nếu trong lòng giữ được sự thản nhiên điềm đạm thì thân thể tất nhiên cường tráng. Bởi vậy mới nói: chỗ chí cực của phép tĩnh tọa là cốt ở sự quên mình, khiến cho lòng được “chân không”. Chân không, là không tin có bệnh, không tin có chết; chân không, là không biết sợ cái gì cả. Đến cái bản ngã của mình mà không thèm đếm tới, thời còn cái gì nữa mà phải sợ. Lòng đã chân không, thời hòa bình tự tại, vật ngoài không còn lay động gì nữa đặng. Cứ theo được như thế mãi, thời sẽ sạch hết tư dục, tâm hồn trong trẻo, thân tâm càng ngày càng tiến lên đến ưu mỹ. Trong lòng hòa bình, thời tinh thần linh mẫn, cơ thể cường tráng, tính cách hoàn toàn.

Dẫu xử vào những cảnh bần cùng, muôn phần cay đắng, ngàn nỗi truân chuyên, mà giữ được tấm lòng hòa bình thì khổ hóa sướng, buồn hóa vui, cũng không có cái gì làm bận đến lòng mình được. Được vậy, cũng nhờ nơi công phu tĩnh tọa.

Bởi thế, những ai đến yết kiến tiên sinh, đều thấy vẻ mặt của tiên sinh bao giờ cũng tươi tỉnh như hoa buổi sáng, hòa nhã như gió mùa xuân.

Cái chân nghĩa của phép tĩnh tọa là không chủ ở sự cầu cạnh, ao ước gì cả. Tĩnh tọa mà còn mong vọng niệm, cầu sự khang kiện, thời không sao đạt đến được cái diệu cảnh của phép tĩnh tọa. Cái hiệu quả của tĩnh tọa thuộc về phương diện tinh thần, đã chẳng những trừ được tà niệm, tuyệt bỏ vọng tưởng, mà lại còn phá được ác tập, nuôi thành đởm lực khiến cho tinh thần bao giờ cũng hoạt bát, điềm đạm dầu gặp phải việc to tát khó khăn đến đâu cũng xem như thường.

Tóm lại, tĩnh tọa chẳng phải chỉ ở có một sự kiện khang mà thôi. Cực chỉ của phép tĩnh tọa, là cốt nuôi thành cái nhân cách “chân không”, tinh thần sáng suốt. Nhân có được cái tinh thần ấy, khí huyết tự nhiên mới điều hòa, thân thể phát dục, đó là cái lẽ đương nhiên có gì lạ. Lấy quả làm nhân, lấy nhân làm quả, là chưa hiểu được tới nguyên lý của phép tĩnh tọa vậy.

Phương pháp tĩnh tọa

Muốn nhập môn phép tĩnh tọa trước hết cần phải biết hai cái yếu nghĩa nầy:

Một là: tư thế ngay chánh.

Hai là: hô hấp điều hòa.

Những điều kiện nầy, trong phép tĩnh tọa, không xem là hai được, vì thiếu một, tĩnh tọa không được hoàn toàn.

a) Bàn về tư thế

1. Quì hai gối. Hai ngón chân cái để chồng lên. Hai gót chân xòe ra. Ngồi lên bọng chân.

2. Đầu thẳng. Đôi mắt hơi nhắm. Miệng ngậm cho kín.

3. Hai tay buông trước gối. Tay mặt nắm lấy tay trái, hai ngón cái để tréo lại.

4. Xương sống phải cho thật thẳng. Nếu hơi cong cong khòm khòm, là có hại cho sự điều khí.

5. Bụng, nên ưỡn ra đằng trước.

NÊN NHỚ: – Khi mới tập, ngồi như thế, có hơi khó chịu, có khi tê mỏi. Vậy, duỗi cẳng ra cho bớt mỏi, không sao. Tập lâu sẽ thành thói quen, rồi cũng không tê mỏi nữa.

b) Hô hấp

1. Khi hút vào, thì phình bụng ra; khi thở ra, thì hót bụng vào.

2. Thở, hút, phải từ từ. Đừng vội vàng. Cần hơi cho dài, nhưng đừng rán sức.

3. Thở, hút cốt cho đều đều là quí, đừng quá dùng sức. Phải cho thơ thới. Lâu dần, hô hấp sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng.

Tâm cảnh trong khi tĩnh tọa

1. Trong lúc tĩnh tọa, đừng lo gì, cũng đừng cầu vật gì.

Chớ cầu hết bệnh, cũng đừng cầu kiện khang; nhứt thiết việc gì cũng không nên tư vọng.

Thậm chí sự vô niệm, cũng không nên cầu. Nếu còn cầu vô niệm, thì ắt không thể nào vô niệm đặng.

(Chính là chỗ mà trước kia, tôi đã nói: phải tập làm mà không mong đến kết quả của việc làm).[26]

2. Trong lúc tĩnh tọa, đừng cho tai nghe việc gì Tuyệt hẳn với ngoại giới, để cho lòng trống không, tâm phẳng lặng. Khó thật, nhưng không phải không làm đặng.

Sự dao động thân thể trong khi tĩnh tọa

Trong khi tĩnh tọa, lâu ngày sẽ thấy thân thể dao động. Đừng lấy làm lạ, đó là cái động lực phát minh trong thân thể. Cái hiện tượng dao động ấy, tuy bản tánh và cơ thể của mỗi người mỗi khác; đừng lo sợ, hãy để tự nhiên như vậy.

Thân thể dao động, đừng sợ; mà không thấy thân thể dao động, cũng đừng lo. Thấy dao động là tự nhiên, thì không thấy dao động cũng là tự nhiên, không thể cầu mà được. Cố nên “thuần để theo tự nhiên”[27], đừng dụng đến sức người.

Thời gian tĩnh tọa

1. Mỗi ngày tĩnh tọa một lần. Trước khi ngủ. Buổi sáng mới dậy, hoặc buổi trưa. Bất luận giờ nào khác cũng được.

2. Mỗi khi tĩnh tọa, nên chịu khó ngồi ba mươi phút là ít hơn hết. Càng ngồi được lâu chừng nào, càng quí chừng nấy.

3. Phải chuyên tâm hằng ngày, không nên gián đoạn. Một tháng như một ngày; một năm như một tháng. Tĩnh tọa là phẩm cách của con người, nó là tu nghiệp của suốt một đời. Cho nên dầu có tập đã lâu ngày mà chẳng thấy có hiệu quả gì, cũng không nên nóng nảy. Phải kiên tâm mãi không thôi, rồi sau sẽ thấy kết quả.

Kết quả thấy sớm hoặc chậm, ta không nên bận lo đến.

Ta há quên rằng: tĩnh tọa chẳng những vô tưởng, vô niệm, mà lại tuyệt nhiên vô cầu nữa hay sao?

Ta hãy để mặc tự nhiên mà thôi.

Kết luận

Yếu điểm của tĩnh tọa pháp, bao giờ cũng lấy “trong lòng bình hòa” làm yếu điểm. Tâm mà được bình hòa rồi, thì thân ắt nhân đó mà cũng được bình hòa. Cho nên, con người mà còn đau yếu bệnh tật là tại nhân cách của mình chưa lên tới bực ưu mỹ, chưa được hoàn toàn vậy. Không cần cầu nghĩ đến kiện khang mà kiện khang ắt đến. Kiện khang không phải là cái gốc tĩnh tọa, mà là cái ngọn. Gốc vững thì ngọn tốt. “Bổn lập nhi đạo sinh”.

II. ĐIỀM ĐẠM CÁCH NGÔN

1. Khí tượng như chim phụng hoàng liệng trên mây xanh thì những lợi hại cỏn con không động được tâm nữa.

2. Nuốt đặng cái cay đắng trong cái cay đắng mới làm được hạng người trên loài người.

3. Thân ở trong muôn loài, tâm ở trên muôn loài.

4. Kẻ sĩ mà còn quyến luyến những sự thuận tiện yên vui cho xác thịt thì tâm lụy, chí hèn, không đáng gọi là kẻ sĩ.

5. Ta có tai, mắt ta nghe, ta trông; ta có tâm tư, ta suy, ta nghĩ; ta đối với người xưa, có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chiu. Ta theo lý, nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.—Lương Khải Siêu

6. Yên vui, thư nhàn là thuốc độc, không nên quyến luyến ham mê.—Tả Truyện

7. Nghe lời chê bai mà giận là làm ngòi cho người gièm pha; nghe câu khen ngợi mà mừng là làm mồi cho người nịnh hót.—Văn Trung Tử

8. Ở đời cái gì thung dung thì còn mà cấp bách thì mất; việc mà thung dung thì có ý vị, người mà thung dung thì thường sống lâu.—Lữ Khôn

9. Tâm không bình, khí không hòa thì nói hay lầm lỗi.—Hứa Hành

10. Điều dưỡng cái khí lúc đang giận; đề phòng câu nói lúc sướng mồm; lưu tâm sự lẫm lúc bối rối; biết dùng đồng tiền sẵn sàng.—Uông Thụ Chi

11. Nói đương sướng hả mà nín ngang được; ý đương hớn hở mà thu hẳn lại được; tức giận, ham mê đương sôi nổi, nồng nàn mà tiêu trừ biến mất được; không phải là người kiên nhẫn thì không tài nào được như thế.—Vương Thủ Nhân

12. Ít sắc dục để nuôi tình, ít ngôn ngữ để nuôi khí, ít tư lự để nuôi thần.—Tuân Sinh Tiên

13. Những cách làm cho sống lâu: Từ, Kiệm, Hòa, Tĩnh, thì Tĩnh là cao siêu hơn hết.—Cổ Ngữ

14. Biết người ta dối mà không thèm nói ra miệng, phải người ta khinh mà không thèm giận ra mặt, như thế thì có ý vị vô cùng và thụ động vô cùng.—Súc Đức Lục

15. Nhịn điều người ta không thể nhịn được, dung điều người ta không thể dung được, chỉ có người kiến thức và độ lượng hơn người mới được như thế.—Trình Di

16. Làm nhà bên đường, gặp ai cũng bàn, thì ba năm không xong.—Tào Bao Truyện

17. Người mà tính khí thất thường, suốt đời không làm nên được việc gì.— Tăng Quốc Phiên

18. Có yên tĩnh mới nẩy ra tinh thần, có tinh thần mới nẩy ra trí lực.—Hồ Lam Đức

19. Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết: vật gì thịnh lắm thì suy.—Thái Trạch

20. Tâm địa bình tĩnh thì tự nhiên khoan khoái công minh.—Trình Hiệu

21. Phàm việc đã tốt mà cho tốt quá, nhiều khi hay hỏng.—Tạ Tôn Phương

22. Người tri túc không vì lợi mà lụy thân.—Trang Tử

23. Người ta mà nóng nảy, nông nổi, hẹp hòi thì xử việc, việc hay hỏng, tiếp người, người hay giận, mà chính mình cũng phải thiệt thòi.—Lữ Khôn

24. Người đã biết nuôi chí thì không nghĩ đến hình.—Trang Tử

25. Ai mà thân được nhàn rỗi thì chí thường hẹp hòi.—Gia Ngữ

26. Người sinh ở đời, nếu trong lòng không tự đắc thì đi đến đâu mà chẳng khổ; nếu trong lòng thản nhiên thì đi đến đâu mà chẳng sướng.—Mã Tồn

27. Chớ đem vọng tưởng mà làm hại chân tâm; chớ đem khách khí mà làm hại nguyên khí.—Hồ An Quốc

28. Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, nếu chẳng để cho thâm tâm yên lặng đặng một lúc, nghĩ cũng đáng thương.

29. Đá đập được mà không làm mất được tính rắn; son mài được, mà không thể làm mất được sắc đỏ.—Lữ Thị Xuân Thu

30. Lửa bốc lên cao, nước chảy xuống thấp, thế mà bao giờ lửa cũng thua nước.

31. Người ta ở đời, đối với loài người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận?

Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan.

32. Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.—Thích Ca

33. Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không lỡ đâm phải ta; như cơn gió dữ lỡ tạt nhằm ta, ta nghĩ cho cùng thì có gì đáng giận.—Mạnh Tử

34. Than van, khóc lóc khẩn cầu đều là khiếp nhược.—A. de Vigng

35. Kẻ nào biết xem bằng một cặp mắt vô tư, kẻ xấu như người tốt, kẻ thù như người thân, kẻ lạ như người quen, kẻ ấy là người đã vượt thoát kẻ khác rất xa trên con đường đạo đức vậy.—Bhagavad Gita

36. Khi nào ta không còn cảm thấy bị bận mắc trong các sự vật hữu hình, cũng không còn bận mắc trong hành vi hay trong tưởng tượng của dục tình nữa, chừng ấy ta mới gọi là hoàn toàn đặng.—Bhagavad Gita

37. Còn ham muốn một kết quả cho hành vi là còn nô lệ lấy ngoại vật.—Bhagavad Gita

38. Làm mà mong cho Nên, thì tất phải sợ Hư. Chưa nên mà đã lo hư, nên rồi còn phải lo giữ: hành vi ấy là hành vi nô lệ.

39. Làm chủ lấy mình và luôn luôn điềm tĩnh.

Vui buồn, sướng khổ, ấm lạnh, nhục vinh đều xem như nhau; Biết xem cục đất như hòn vàng, cục đá như hòn ngọc;

Đối với một kẻ thân như người sơ, kẻ nghịch như người bạn; Không nô lệ một hy vọng hay một dục vọng nào;

Đối với vạn vật đều xem như một.—Bhagavad Gita

40. Những điều không thể tránh khỏi, đừng để cho nó bận lòng mình.

41. Một thân thể không đau, một tâm hồn không ghẻ lở: chân hạnh phúc của con người chỉ có bấy nhiêu thôi.—Epicure

42. Được thì tự cao, mất thì điên đảo, đó là tâm hồn của đứa tiểu nhân.—Gnomol

43. Điều chỉnh đời mình theo thiên nhiên thời không bao giờ nghèo; điều chỉnh đời mình theo dư luận của con người, thời không bao giờ giàu.—Sénèque

44. Lúc cần phải trở lại với tâm hồn mình, là lúc bị áp bách phải chen lộn với quần chúng.[28]—Sénèque

45. Tự túc, là đã được một thứ của quí vô giá: tự do.—Epicure

46. Tìm được sự yên ổn về phần vật chất đâu có ích gì, nếu khi nghĩ đến cái chết, cái khoảng mênh mông vô tận của trời đất mà trong lòng hãy còn run sợ?—Epicure

47. Kẻ thấy nghèo không sợ, thấy khổ không nao là người không ai khiếp-phục được.—Epicure

48. Không có cái gì làm cho vừa lòng được cái người đã có đủ mà cứ tưởng cho mình còn thiếu thốn mãi.—Epicure

49. Hễ muốn, tất sẽ được.—Voltaire

50. Với một tấm lòng can đảm, không có gì gọi là khó cả.—Jacques Coeur

51. Nản lòng thối chí, không còn gì đáng sợ hơn nữa: đó là sinh lực đến thời tàn tạ.—Sénèque

52. Kẻ nhẫn nại quí hơn người dũng sĩ: kẻ làm chủ được tâm hồn mình hơn kẻ thâu thành cướp lũy.—A. Kempis

53. Nước chảy đá mòn.—Franklin

54. Giá trị thật của con người ở nơi nhân cách, không phải ở nơi của cải.—Blackie

55. Hay nóng giận, nản lòng là triệu chứng của một tâm hồn yếu đuối.—Plutarque

56. Bị người nhục mà giận, là đem cái lỗi của người mà hành hạ báo thù mình.—Swift

57. Mỗi khi Socrate thấy trong lòng chao động sự nóng giận muốn khởi lên, ông liền thay đổi sắc cho tươi cười, giọng nói êm dịu, nhờ đó ông được tâm hồn luôn luôn bình thản.—Plutarque

58. Kẻ bị sỉ nhục, dùng sỉ nhục để báo thù, có khác gì người sỉ nhục họ kia không? Chẳng qua là những kẻ cùng làm quấy như nhau, nhưng chỉ kẻ trước người sau mà thôi vậy.—Tertullien

59. Thóa mạ là những lý lẽ của bọn lầm lỗi.—J. J. Rousseau

60. Mình bị phải sự bất công của một kẻ dữ: hãy tha thứ cho nó đi, để cho mình với nó khỏi làm hai đứa dữ.—Saint Augustin

61. Ít nói, không phải là nói ít, mà là đừng nói những điều vô ích.—Francois Salle

62. Biết làm thinh quí hơn biết nói.—Ambroise

63. Lắm khi lời nói ra, như mũi gươm ngược lưỡi đâm mình.—Plutarque

64. Những điều chưa nói, mình làm chủ nó; nói ra rồi, mình là tớ nó.—Imitation de J. C.

65. Tạo hóa sanh ra con người có hai lỗ tai và một lỗ miệng, là để cho ta tập nghe nhiều hơn nói.[29]—Nabi Effendi

66. Phải dùng lời như dùng vàng bạc vậy.—Joubert

67. Người quân tử chỉ có cúi đầu trước lương tâm của mình thôi: nhưng lương tâm ấy, trên thế gian nầy, không ai làm chủ nó được.—Wagner

68. Tự do không bao giờ đi chung với yếu đuối.—Vauvenargues

69. Một chiếc ghe trên con sông, có thể hoặc tự để trôi theo dòng nước; hoặc chèo ngược, bơi ngang, tùy ý.

Con người, đối với sức lôi cuốn của sự vật cũng một thế. Tự Do ở nơi đó và chỉ có bao nhiêu đó mà thôi.—Thiers

70. Không được tự do, mà tưởng mình đã được tự do, không có nô lệ nào đau đớn bằng.—Goethe

71. Không tự do, đời chỉ là một guồng máy thôi.—Lacordaire

72. Không nên có cái gì dư.—Solon

73. Không bao giờ nâng cao tâm hồn được, nếu không lo giải thoát nó.—Socrate

74. Tâm hồn, như con chim, càng lên cao chừng nào, càng khoan khoái chừng nấy.—V. Hugo

75. Nếu gọi giàu, kẻ không thiếu thốn gì cả, thì người giàu nhất chỉ có người quân tử thôi.[30]—La Bruyère

76. Không có cách nào báo thù những kẻ làm ác với mình hay bằng cách nầy: đừng giống họ.—Marc-Aurèle

77. Biết yêu kẻ đã xúc phạm mình, đó là hạnh phúc của người quân tử. Muốn được vậy, phải biết nghĩ rằng: Những kẻ ấy là họ hàng thân thích mình; – Những kẻ ấy phạm lỗi, là vì không biết chớ không phải là cố ý;

– Những kẻ ấy rồi chẳng bao lâu cũng cùng với ta mà chết cả; – Mà thứ nhứt, những kẻ ấy không có làm thiệt hại cho mình chút gì cả, bởi họ không từng làm cho tâm tính mình hư đi được.—Marc-Aurèle

78. Cái thuật ở đời, giống như phép đấu võ hơn là phép khiêu vũ; phải vững chân mà đứng, sẵn sàng đợi sự bất ngờ nó vụt đến.—Marc-Aurèle

79. Con mắt lành thì vật gì cũng phải trông thấy được, chứ không thể nói: “Tôi chỉ trông một sắc xanh thôi”, vì thế là con mắt mình đã hư rồi vậy. Cái tai lành, cái mũi lành cũng phải nghe được mọi tiếng, ngửi được mọi mùi. Tì-vị tốt thì đồ ăn nào cũng phải tiêu được, như cái cối xay lúa, thứ lúa nào cũng phải xay được.

Vậy thời, cái óc thông minh bao giờ cũng phải sẵn sàng mà tiếp nhận lấy các sự vật xẩy ra. Chứ cái óc, chỉ biết nguyện: “Ước gì cho con cái ta được sống lâu”, hay là “Ước gì cho việc gì ta làm cũng được thiên hạ khen”, thời có khác gì con mắt chỉ muốn nhìn sắc xanh, cái răng chỉ muốn nhai vật mềm mà thôi đâu.—Marc-Aurèle

80. Người nào phiền não hay tức giận về việc gì, không khác con heo phải đem chọc huyết mà còn giẫy giụa, kêu la. Người nào nằm trên giường một mình mà lẩm nhẩm than cái nỗi phiền lụy ở đời cũng vậy. Phải biết rằng duy có kẻ có trí khôn biết lẽ phải, mới biết đem ý nguyện thuận theo những việc xẩy ra.—Marc-Aurèle

81. Có lẽ còn có một chốc lát nữa thời chết đấy; thế mà hiện nay trong lòng hãy còn chưa bình tĩnh, yên ổn, chưa thoát đặng cái lầm tưởng rằng ngoại vật có thể hại được mình, hoặc đem lại hạnh phúc, thật không còn gì ngao ngán bằng!—Marc-Aurèle

82. Cái xấu của mình, có thể tránh được lại không tránh; cái xấu của người không thể tránh được, lại cố tránh; thật cũng nực cười!—Marc-Aurèle

83. Hoặc có kẻ đứng bên cạnh cái suối nước trong và ngọt mà chửi rủa cái suối, cái suối vẫn chảy không ngừng, ném đất bùn, ném dơ bẩn vào, nó cuốn sạch đi ngay, không còn chút bợn lại. Làm sao cho trong người của mình cũng có một cái suối trong vô tận như thế. Là lúc nào cũng giữ cho trong mình được tự do, êm ái, bình tĩnh, khiêm hòa.—Marc-Aurèle

84. Nếu biết đem tư tưởng mà bao quát cả vũ trụ;

Nếu biết nghĩ đến cái thời gian thiên cổ vô cùng tận;

Nếu biết xét đến mỗi vật biến thiên mau chóng là dường nào; xét từng phần một, từ khi sanh ra đến khi chết, ngắn ngủi dường nào, mà cái thời gian trước khi sinh ra với cái thời gian sau khi diệt đi, bát ngát, mênh mông, không bờ không bến;

Nếu biết thế, thời khỏi được lắm nỗi phiền lòng vô ích vì những cái danh lợi cỏn con; biết thế thì cuộc đời sẽ được thảnh thơi yên tĩnh.

—Marc-Aurèle

III.

Quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân” in lần đầu vào năm 1951 đã gây một dư luận khá sôi nổi. Nhiều độc giả gởi thư đến tác giả để chất vấn, để tán thành cũng có. Báo chí cũng có nói đến. Để mở rộng đường dư luận mà nhất là để độc giả hiểu rõ ý của tác giả hơn, dưới đây chúng tôi xin lục đăng 2 bài báo: một bài của ông Huỳnh Khắc Dụng bàn về quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân”, đã đăng trong “Khoa học tạp chí” số xuân Nhâm Thìn, và bài của tác giả trả lời cho ông Huỳnh Khắc Dụng, đăng trên tuần báo “Thế Giới” số 77, 78, 79.

(Nhà xuất bản)

Bàn về quyển “Cái Dũng Của Thánh Nhân”

Nhà sách P. Văn Tươi vừa cho xuất bản một quyển sách do ông Nguyễn Duy Cần viết, nhan đề “Cái Dũng của Thánh Nhân”.

Sách dày hơn 150 trang, trình bày khéo léo, ấn loát kỹ càng.

Tác giả đã ra công rút các tinh hoa trong sách Á Âu để giải một cách rành mạch cái “Dũng” của thánh nhân.

Sau khi cử nhiều ví dụ, và kể những mẩu chuyện con con rất có duyên, ông Cần lại chỉ cho ta phương pháp để mong đến chỗ siêu việt ấy.

Dũng là mạnh, nhưng đây không phải sức mạnh của xác thịt, võ lực thiên bẩm hoặc do sự luyện tập cơ thể mà có. Đây là sức mạnh của tâm hồn, làm cho con người trở nên bực siêu nhân, sống tự do thư thái, với trọn nghĩa thanh cao của chữ “sống”.

Người dũng, dầu lâm vào trường hợp ngang trái, khó khăn đến đâu cũng một mực, không kinh, không giận. Lúc nào cũng tự chủ, thất tình bị kềm hãm bên trong; họ quan niệm cái bệnh, cái chết một cách thản nhiên, đứng trước nguy cơ, mặt không đổi sắc, tim không đập nhanh, đầu không choáng, trí rất bình, lượng sức mình mà đối phó với cảnh ngộ.

Muốn đạt cái dũng, phải dày công luyện tập cái tánh căn bản là sự điềm đạm.

Trong lúc xã hội ta đang vật lộn với nhiều ảnh hưởng tai hại lăm le tiêu diệt cái văn hóa cổ truyền tốt đẹp của ta, quyển sách ông Nguyễn Duy Cần mang đến cho tâm hồn người Việt Nam một nguồn an ủi và một mong mỏi nhiệt thành ở tương lai.

Hai văn hóa Á Âu đã gặp gỡ nhau trên dòng sông lịch sử, và dầu muốn dầu không, ai cũng phải nhận định sự ấy. Nếu hỏi tôi: sự gặp gỡ kia đã cấu tạo việc hay, hay việc dở thế nào trên non sông nước Việt, thật tôi sẽ luống cuống. Tôi sẽ mời các ngài ôn lại kết quả của sự Âu hóa trong nước ta. Đành rằng cái tinh túy của văn minh hai cõi giống nhau, nhưng cái vỏ ngoài khác hẳn. Một đàng thì háo động, một đàng lại háo tịnh. Hành vi, cử chỉ, lễ độ, nhứt nhứt đều trái ngược, làm cho kẻ không quen suy nghĩ phải phân vân, chẳng khác người nhà quê ra tỉnh, ngơ ngác không tìm được lối chánh mà đi.

Mấy năm sau nầy, do nhiều yếu tố hỗn hợp, chẳng những phong hóa nước ta bời rời, mà đạo đức nước ta cơ hồ trải qua một cơn khủng hoảng. Thay vào cái điềm đạm thời xưa, ta thấy cái náo động vô ý thức nó khiến cho ta mất thăng bằng, như con chim bạt gió.

Phải chăng là với thời gian, mọi sự đều tuân theo luật biến chuyển?

Thử hỏi có thể đem tư tưởng “tịnh” áp dụng cho một xã hội “động” được chăng?

Người đánh mình, mình cứ khư khư bất động được chăng, nếu mình cho rằng đối phương có một cử chỉ bất công?

Xét rằng vạn sự ở thế gian đều động chớ không tịnh, – tôi không tin phương pháp tĩnh tọa sẽ dắt ta đến tánh điềm đạm và từ chỗ ấy, đến cái Dũng của tâm hồn.

Đọc quyển sách của ông Nguyễn Duy Cần, không phải vô bổ, vì ở đời, tốt hơn vững tin nơi năng lực tiềm tàng của ta, hơn là ỷ lại vào người.

Thấu lẽ mọi vật của ngoại cảnh, ta hãy cố điêu luyện dung hòa tâm với vật, và sống, để điều khiển con tâm cho ngay chánh. Như thế, ta mới có cơ hiểu luật điều hòa của vũ trụ.

Vì chưng loài người không thống trị được con tâm, không dìm được thú tánh, mới có chuyện tham tàn, xô xát, giết hại lẫn nhau, mới có mạnh hiếp yếu, gây thế giới chiến tranh, chung quy cũng tại mất thăng bằng bên trong vậy.

Kết luận, nếu mọi người hun đúc được cái dũng của thánh nhân, thì xã hội sẽ đến đại đồng sống trong nhung lụa, giữa hòa bình, trật tự và an ninh, sẽ là một xã hội lý tưởng.

Nhưng tôi vừa viết: “Nếu”

Huỳnh Khắc Dụng

“Khoa học tạp chí”

Cuộc tranh luận giữa hai nhà văn về sức mạnh của tâm hồn và bạo lực

Dưới đây là bức thư không niêm của ông Nguyễn Duy Cần viết để trả lời ông Huỳnh Khắc Dụng về quyển sách “Cái Dũng của Thánh Nhân” của ông.

Chúng tôi xin đăng nguyên văn và nhường phần phán đoán cho bạn đọc.

Lời tòa soạn Tuần báo THẾ GIỚI

Kính Anh,

Rất cám ơn cái nhã ý của anh đã trình bày quyển sách của tôi với những lời phê bình nồng hậu trong lúc nó đang bị trầm ngâm trong bầu không khí thờ ơ lạnh lẽo của các thức giả Sài thành.

Rất tiếc trong bài giới thiệu ấy[31] có vài khoản hoài nghi mà tôi tưởng có phận sự phải trả lời để bày tỏ ý tưởng của tôi được đầy đủ rõ ràng hơn trong khi tôi chưa có cơ hội đề cập đến.

Anh hỏi: “Người đánh mình, mình cứ khư khư bất động đặng chăng nếu mình cho rằng đối phương có một cử chỉ bất công”.

Câu ấy có thể gieo vào lòng độc giả một sự hoang mang, hơn nữa một ngộ nhận rất tai hại cho quyển sách của tôi: người ta sẽ hiểu nó là một lối tư tưởng dạy làm người khiếp nhược, khư khư cúi đầu chịu đựng mọi nỗi ngang trái trong đời với một cử chỉ hèn nhát Không bao giờ có thể giải thích câu “nhu thắng cang, nhược thắng cường” một cách hình thức như thế được. Nó là một phương pháp tranh đấu kia mà, là một lối tranh đấu ráo riết dùng sức mạnh của tâm hồn hơn là dùng bạo lực.

Quyển sách tôi chỉ có một mục đích thôi: đào tạo cho mỗi một người của chúng ta cái tinh thần điềm đạm. Còn vấn đề hôm nay thuộc về một vấn đề ở ngoài phạm của nó: áp dụng phương pháp nhu nhược thắng cang cường một vấn đề mà tôi đã dành ở nơi một quyển sách khác sắp xuất bản nay mai.[32]

Tôi đã định nghĩa cái Dũng của Thánh nhân như thế này: bất kỳ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ. Gọi là cái dũng của Thánh nhân là để phân biệt với cái dũng của thất phu, chỉ biết dùng cường lực để đối phó hay lung lạc con người. Không biết sợ bất cứ là ở vào trường hợp ngang trái nào, đâu phải có thể hiểu là khư khư bất động (immobile, inerte) mà phải biết cho đó là một sự điềm tĩnh (calme) để đối phó có hiệu quả hơn. Vả lại anh cũng đã nhận thấy lẽ ấy trong khi anh viết: “Người dũng đứng trước nguy cơ, mặt không đổi sắc, tim không đập mạnh, đầu không choáng, trí rất bình, lượng sức mình mà đối phó với cảnh ngộ”. Thế thì sao lại có thể hiểu lầm người như thế là người khư khư bất động (khi người ta đánh mình!)

A. Trước hết, tôi xin anh để ý đến cái đặc điểm nầy của sách triết học Á đông, nhứt là của phái Lão Trang mà tôi đã dùng làm cơ sở cho quyển sách của tôi.

Triết học Lão Trang là một triết học thoát thai nơi Dịch Kinh, lấy mâu thuẫn của âm dương làm trụ cốt. Dịch có nghĩa là biến, nghĩa là một thứ triết lý động chứ không phải tịnh Nó hơi giống với cái học Biện chứng của Âu châu ngày nay. Cho nên phàm hễ nói đến âm là đã có dương, nói dương là đã có âm, nói đến tịnh là đã có động, nói đến động là đã có tịnh, không bao giờ nên hiểu theo cái nghĩa triệt để một mặt mà thôi được. Tôi có trích dẫn Trang tử, nơi trang 112[33] đoạn nầy: “Mỗi mỗi đều có 2 phương diện; muốn có phải mà không có quấy; muốn có trị mà không có loạn là chưa rõ cái lý của trời đất Ấy là mơ âm mà không dương, hai phương diện đồng có của mỗi vật. Muốn phân hai phương diện tương đối ấy ra như hai vật có thật riêng ra thì là vu phản, nếu không phải là ngu xuẩn “ Người ta thường thấy sự vật có một bề, nào có dè sự thật nào cũng có mâu thuẫn ẩn trong. Họ quên rằng không mâu thuẫn thì sự biến chuyển đều ngưng cả thảy hay sao? “Nhu trung hữu cang, nhược trung hữu cường” người rành triết học Á đông nhứt là Trang Lão đều không bao giờ ngộ nhận nhu nhược ở đây là khư khư bất động được.

Sách Lão Tử thường có những câu như thế nầy: “Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu; dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp” (Mình là bực thông minh trí thức hơn người, hãy làm như kẻ ngu; mình là kẻ sức mạnh rung rinh thiên hạ, hãy làm như người nhát). Cái đạo “hậu kỳ thân nhi thân tiên; ngoại kỳ thân nhi thân tồn” của ông trong thiên hạ có những bực đại trí như Trương Lương, Phạm Lãi mới học được thôi. Bực trí mà như cỡ Hàn Tín, Văn Chủng cũng không sao hiểu kịp. Những lối tư tưởng ấy, ta không nên hiểu nó một cách hình thức như phần đông xưa nay đã hiểu

Bởi hiểu hình thức (formel) mà không chịu hiểu theo biện chứng (dialectique) những tư tưởng của Á đông nên phần đông người Âu châu khi đọc triết học Á đông, cho Á đông có một lối tư tưởng tịnh gần như bất động (inerte) theo cái nghĩa hình thức và có một bề của nó.

Huống chi anh cũng đã có nhận “sự vật luôn luôn động chứ không tịnh”, nghĩa là anh cũng quan niệm sự vật theo biện chứng, lẽ dĩ nhiên anh cũng nhận luật mâu thuẫn trong sự vật chứ! Cớ sao lại còn nói “Tôi không thể tin phương pháp tĩnh tọa sẽ dắt ta đến tánh điềm đạm và từ chỗ ấy đến cái dũng của tâm hồn”? Có lẽ nào quen quan niệm sự vật theo biện chứng như anh mà lại không thể tin được rằng trong cái tĩnh cũng có cái động, mà “tịnh cực thì động sanh” hay sao?

Thế thì, câu hỏi của anh về phép tĩnh tọa cũng có thể gọi trả lời tạm dứt khoát rồi vậy. Tôi đã nói: “ cái đó đã cao xa mà uyên áo không phải ai ai cũng hiểu được và làm được. Nếu ta chưa từng vào đó thì đừng nên vội phê bình nó một cách cẩu thả như phần đông đã làm”.[34] Chưa vào trong đó, mà vội cho nó là không thể tin được thì không khác nào bảo võ Judo làm cho người yếu thắng một người mạnh là không thể tin được trong khi mình chưa tập luyện đến môn võ ấy vậy.

B. Trong phép tranh đấu có hai cách: dùng cương cường chế cương cường hoặc dùng nhu nhược chế cương cường.

Dùng phép cương hay phép nhu đều có những nguyên tắc riêng của nó.

Dùng sai đều nguy cả.

Phép cương chế cương là một phương pháp thô sơ tạm bợ, chỉ dùng trong những trường hợp bất đắc dĩ thôi, vì một khi đã dùng cường lực chế trị cường lực rồi, dầu cường lực của đối phương tan rã cũng vẫn còn lưu lại cái thù oán ngấm ngầm và sẽ nổ bùng một ngày kia khi mà lòng oán hận đến mực mùi rồi Cái đà quá mạnh của bên dùng cường lực, nếu bên yếu biết lợi dụng một cách bình tĩnh, chắc chắn sẽ đem lại thắng lợi về mình không sai vậy, như trong phép đấu võ Judo của Nhật mà có lẽ anh cũng đã biết qua nguyên tắc: nhượng bộ để chiến thắng (céder pour vaincre). Chính Judo, là chữ Nhu đạo mà âm ra vậy.

Trong phép xử thế hằng ngày, tôi thường nhận thấy không biết bao nhiêu việc xảy ra không tốt chỉ vì thiếu điềm tĩnh trong một phút mà để ân hận suốt đời. Kẻ giàu kinh nghiệm sẽ thấy lời nói của tôi ở đây không quá đáng chút nào cả.

Bàn đến việc cầm quân cũng vậy. Binh thơ có nói: “Người ta rối loạn mà mình nghiêm chỉnh, người ta cấp bách mà mình nhàn hạ thì đánh đâu thắng đó”. Câu nói thật là giản dị, nhưng có thể tóm tắt được tất cả cái thuật cầm quân, bất kỳ là ở vào thời buổi nào.

Bàn đến việc lớn cũng vậy. Chỉ có những kẻ trầm tĩnh mới có thể gánh vác nổi việc lớn trong thiên hạ mà thôi.

Câu chuyện Trương Lương và Hán Đế xưa kia há không đáng cho ta suy gẫm hay sao?

Trương Lương thấy Hán Cao Tổ còn do dự trong việc dùng Hàn Tín, bèn bảo: “Diệt cái vũ dũng của Hạng Vương trong thiên hạ không ai qua Hàn Tín. Việc lòn trôn của anh ta, chứng rằng anh là người biết tiểu nhẫn coi thường tiểu tiết để lưu cái thân hữu dụng về sau. Những kẻ vũ phu tiểu khí, cũng như mọi người ắt đã đem cái thất phu chi dũng để thỏa mãn cái huyết khí chi nộ của nhất thời rồi Những kẻ như thế mà đem tánh mạng thiên hạ giao cho thì nguy. Nếu Chúa công muốn tìm những kẻ tai sai dưới trướng và sức mạnh địch nổi muôn người, thì kẻ dũng sĩ trong thiên hạ tôi chở về cho Chúa công mấy xe cũng có. Nhược bằng muốn dùng một người an bang tế thế, diệt Sở phá Tề, thì phi người đó không còn ai nữa”. Thật có đúng như thế, Sở Bá vương về sau trước khi chết phải ngậm ngùi ân hận, không biết nghe lời Phạm Tăng đến phải chết về tay một người mà mình tưởng lầm là khiếp nhược.

Đến như Hán Cao Đế, người đã khéo dùng đạo “hậu kỳ thân, nhi thân tiên”, thế mà lúc nghe Hàn Tín muốn xưng vương ở Tề, không giữ đặng sự bình tĩnh của mình, giận lộ ra sắc mặt Bấy giờ, nếu không có Trương Lương bấm chân, nhắc cho câu “tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” mà phong vương cho Hàn Tín, thì có lẽ đại nghiệp của ông ta đã hỏng rồi. Hàn Tín, binh quyền trong tay, lại tài năng quán chúng mà sanh biến thì Cao Tổ ắt cũng khó mà tồn thân, lựa là làm xong đại nghiệp. Coi đó đủ thấy khí cương cường của Cao Đế đến đó cũng vẫn còn, xuýt chút nữa làm hư đại sự.

Bởi vậy Tô Đông Pha luận đến Trương Lương có bảo: Hán Cao Tổ sở dĩ lập nên nghiệp đế là nhò nơi Tử Phòng dạy cho chữ Nhẫn.

Một câu chuyện nữa mà hiện nay cần nhắc đến để ta suy gẫm thêm, là câu chuyện giữa Liêm Pha và Lạn Tương Như. Lạn Tương Như được phong làm Tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như thì giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiên đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn hợp nhau hỏi Tương Như: “Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu Ngài, tức coi Ngài là bực trượng phu nên mến mà theo. Nay Ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm nói dọa, Ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao Ngài lại sợ quá thế vậy? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi không ở nữa”. Tương Như nói: “Các người xem Liêm tướng quân có hơn được vua Tần không?”

Bọn xá nhân đáp: “Không”. Tương Như nói: “Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như nầy dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thề không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng mà thù riêng là khinh vậy thôi.” Bọn xá nhân mọp lạy mà rằng: “Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của Tướng Công”. Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như, cả thẹn than rằng: “Ta thật kém Lạn Tương Như còn xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng: “Tôi tánh thô bạo, đội ân Tướng quốc bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau.

Xem đấy đủ thấy, những bậc vĩ nhân làm nên đại sự đều là những người trầm tĩnh ung dung.

Những kẻ gặp nhục chỉ biết “tay tuốt gươm vươn mình xốc đánh” đều là những kẻ chưa đủ để bàn đến đại sự trong thiên hạ.

Giờ hãy bàn đến chuyện gần đây. Có lẽ anh còn nhớ câu chuyện Uy-hải-Vệ (Wei-hai-Wei)? Bấy giờ là năm 1894. Các đạo binh Nhựt vừa chiếm Hải cảng Uy-hải-Vệ làm cho Đức bất bình, vì Đức cũng muốn nhúng tay mình vào bản đồ của Trung Quốc, Đức cậy sức mạnh, gởi cho Nhựt một bức tối hậu thơ với những lời lẽ rất ngạo mạn như thế nầy: “Xin hãy triệt thối binh sĩ ra khỏi Uy-hải-Vệ trong 24 tiếng đồng hồ, bằng không, tôi lấy làm tiếc phải bị bắt buộc nhúng tay vào việc của các anh”. Đức bây giờ là một nước hùng cường, còn Nhựt đang ở vào thời kỳ thử lông thử cánh Nhựt suy nghĩ, điềm tĩnh và mỉm cười, – một cái mỉm cười đặc sắc của Á đông – nhượng bộ rút quân ra khỏi hải cảng đúng theo lời bắt buộc của bức tối hậu thơ.

Hai mươi năm về sau, vào năm 1914, Đức say sưa trong sức mạnh của mình, khai chiến với thế giới thì lại bị nước khác đi trước mình. Nước ấy là nước Nhựt. Lúc bấy giờ Nhựt chiếm một địa thế rất gần Uy-hải-Vệ, bèn đổi tên Uy-hải-Vệ làm Thanh-đảo, tìm lại bức tối hậu thơ năm xưa (1894), không thêm bớt một dấu phết nào cả, chỉ bôi cái tên cũ thêm vào cái tên mới thôi, gởi trả lại cho Đức và bắt buộc Đức “ hãy triệt thối binh sĩ ra khỏi Thanh đảo trong 24 tiếng đồng hồ, bằng không tôi lấy làm tiếc phải bị bắt buộc nhúng tay vào việc của các anh”.

Lẽ dĩ nhiên là Đức khôn ngoan riu ríu rút binh ra khỏi Thanh đảo một cách não nề.[35]

Nói về phương diện cách mạng, thì phép “nhu nhược thắng cang cường” lại càng thấy kết quả rõ ràng hơn trong cuộc giải phóng dân Ấn-độ do Gandhi điều khiển. Chánh sách đề kháng bất bạo động của Gandhi đã làm cho thế giới hết sức ngạc nhiên và thán phục. Để người ta nhao nhao nói: “Á đông nhu nhược! Á đông hèn yếu!…”

Đâu phải người ta không biết dùng bạo động, nhưng vì người ta cho đó còn là hạ sách. Gandhi “Nếu ta bị bắt buộc phải chọn một trong hai lẽ, khiếp nhược hay bạo động, thì tôi sẽ khuyên nên bạo động Tôi dạy sự yên lặng can đảm chịu chết hơn là giết người. Nhưng với những ai không có đủ cái can đảm ấy, thì tôi muốn họ thà tập luyện thuật giết người, còn hơn là khiếp nhược chạy trốn một cách nhục nhã trước nguy cơ Tôi chịu thấy Ấn-độ dùng đến khí giới để binh vực danh dự mình hơn là khư khư khiếp nhược cúi đầu chứng kiến sự nhục nhã của mình Nhưng tôi biết chắc rằng bất bạo động còn cao hơn bạo động vô cùng; sự tha thứ còn hùng dũng hơn sự trừng phạt Bao dung là món trang sức của nhà chiến sĩ. Nhưng không trừng phạt mà sở dĩ được gọi là bao dung, khi mà mình có quyền hay có thể trừng phạt mà không thèm trừng phạt kìa. Bằng không thì nó không có ý nghĩa gì nữa cả Tôi tin rằng Ấn-độ không phải là vô lực. Một trăm ngàn người Anh làm gì mà đến ba trăm triệu người Ấn phải sợ kìa! Bất bạo động đâu phải chiều lụy kẻ kẻ làm hại mình. Bất bạo động, là dùng cả sức mạnh của tâm hồn để chống lại với cường quyền của kẻ độc tài. Một người như thế thôi, cũng đủ khiêu khích cả một đế quốc và làm cho nó “tan tành nghiêng ngửa”.[36]

Thật là hết sức rõ ràng Thế mà người ta cứ vẫn còn ngộ nhận. Nhân cái chết của Gandhi, Maryse Choisy, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Psyché, viết một bài về “sứ mạng của Gandhi trong thế giới hiện đại” có câu: “Trong khi hàng thức giả Âu châu đều bùi ngùi thương tiếc Gandhi, cớ sao lại có được những hạng trí thức sơ đẳng và cả trung đẳng nữa họ nhao nhao châm vào những lời phê bình nông nổi của họ câu sáo ngữ nầy: “Bất bạo động, cái ấy dùng ở Ấn độ thì có kết quả được, chứ cái ấy không dùng gì được ở cái cõi Âu châu văn minh nầy”. Thế mà cái ấy, nó lại nhè thắng ngay một đại cường quốc Âu châu có tiếng là có một chánh sách thuộc địa “thiết thực” nhứt Người ta hiểu lầm cho chủ nghĩa bất bạo động, là một thứ im lặng gần như bất động, và cho đó là thứ bạc nhược, lười biếng, bi quan, thuận mạng của Á đông Thật là những tin tưởng ngây ngô của bọn dốt nát.”[37]

Sau khi dùng phân tâm học giải thích rất kỹ phương pháp chiến đấu ấy của Á đông, tác giả bài ấy nói tiếp: “Có lẽ rồi đây Âu châu cần phải có một Gandhi vãn cứu cho.”[38]

Romain Rolland bảo: “Sức mạnh của bạo lực, thế mà còn phải chịu quì gối trước sự mềm dịu anh hùng”.[39]

Ông Tam Ích, trong một số báo về Gandhi[40] còn nói: “ người ta không giải quyết được cái gì cả bằng cường lực, nhưng người ta đoạt được tất cả bằng sự hiểu nhau và lòng bác ái, và chỉ có những người nầy thôi, mới có thể cứu được nhân loại điên cuồng”. Cũng trong số báo ấy, ông Trịnh Huy Tiên tỏ vẻ bùi ngùi: “ Nếu dân tộc Việt Nam chúng ta biết áp dụng phương pháp ấy của Gandhi, biết đâu chúng ta không đến nỗi lầm than như thế nầy.”

Không cần phải dẫn chứng chi cho dông dài thêm nữa, bấy nhiêu thôi, tôi tưởng có lẽ cũng vừa đủ để trả lời câu hỏi thắc mắc của anh: “Thử hỏi có thể dùng tư tưởng tịnh trong một xã hội động được không?”.

Nhứt là trong một xã hội đang náo động điên cuồng như xã hội ngày nay, chúng ta cần có những tay dẫn đạo bình tĩnh, sáng suốt để điều khiển chiếc thuyền đang ngửa nghiêng trên những luồng sóng dữ

Bởi vậy, trong quyển sách của tôi, nơi bài tựa có nói: “Thế giới đang cần những cá nhân siêu đẳng những cá nhân đứng giữa cơn dông tố bão bùng, rền rĩ những tiếng la thét của đoàn trừu mất đường lạc lối, mà vẫn giữ được sự tinh minh phi thường của tâm trí.”

C. Đành rằng sống là tranh đấu, nhưng phải biết tranh đấu ở trong vòng danh dự của con người. Tranh đấu theo người phải có khác với cách tranh đấu của giống sài lang. Dùng bạo động thì tàn bạo ắt sanh ra. Lấy oán báo oán, thì oán oán chập chồng, lẽ dĩ nhiên nó phải vậy. Khó mà đi ra khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy một khi đã dùng đến bạo lực. Không khéo rồi đây nhân loại sẽ tàn sát nhau đến không còn một bóng người sống sót trên trần.

Người xưa có nói một câu rất chí lý: “Tranh đấu với người thì sanh ra chiến tranh; tranh đấu với mình thì mưu được hòa bình”. Tranh đấu với mình là tranh đấu cho tấm lòng tham lam ích kỷ của mình nhứt là với cái lòng yếu đuối khiếp nhược của mình. Đừng tưởng thắng là dễ. Thắng người còn dễ hơn là thắng mình.

Người ta sở dĩ phải dùng đến bạo lực trong khi tranh đấu, phải chăng chỉ vì cái Sợ mà gây ra không? Thử hỏi kẻ trộm kia mà gây tội giết người, nào phải họ có muốn như vậy, mà chỉ hốt hoảng nên đột nhiên phải dùng đến thủ đoạn sát nhân. Bạo động là con đẻ của cái Sợ. Nó là sức mạnh của những tâm hồn yếu đuối, chưa làm chủ được mình. Người ta chưa giải thoát được cái Sợ thì chớ mong bàn đến sự điềm tĩnh làm gì.

Ta thử giở lịch sử mà xem, sẽ thấy trong các cuộc cách mạng, sở dĩ có những sự tàn bạo ghê hồn đều do cái Sợ mà ra cả. Những kẻ bị cái Sợ ám ảnh thường rất dễ trở nên những người tàn bạo như các nhà độc tài xưa nay vậy. Vụ tàn sát khổng lồ mà lịch sử Pháp thường gọi là Massacre de Septembre năm 1792 rùng rợn bạo ác đến bực nào, nguyên do vì đâu, nếu không phải vì sự khiếp hoảng của dân chúng Pháp trước nạn ngoại xâm mà gây ra không? Chánh sách võ trang triệt để của các cường quốc thế giới hiện thời phải chăng chung qui chỉ vì cái sợ mà gây ra không? Thảo nào người ta không bảo: đây là thế kỷ của cái sợ (le siècle de la peur).

Huống chi dùng bạo động đã là một thói quen của ta hằng ngày, và quen đến gần thành một thiên tính, thật nhất đán mà trừ khử nó đi, đâu phải là một việc dễ Nếu không phải là một người có đại chí và hết sức nhẫn nại thì cũng khó lòng mà sửa đổi nó đi cho được. Một người bạn của tôi rất rành về môn nhu thuật (Jiu-jistu) có nói với tôi: “Những người hay học ngạnh công (võ cứng), bây giờ muốn theo học nhu công, khó mà hay cho mau được. Là tại họ bị phải cái thói quen hay tấn công và đánh mạnh. Thói quen ấy lâu ngày lại thành như một thiên tính thứ hai, nên muốn sửa nó lại là cả một vấn đề kiên nhẫn cho người dạy nó cũng như cho người học nó”. Lấy câu này mà suy, ta thấy người ta sở dĩ không tin đến điềm tĩnh trước bạo lực, cũng có cái lý do của nó vậy.

Tóm lại, kẻ sợ mới dùng đến bạo lực, người không sợ, thì không thèm dùng đến bạo lực, mặc dầu họ cũng biết dùng đến bạo lực như ai, vì một kẻ thất phu kia, không cần ai dạy, cũng dư biết cách phản động tự nhiên ấy rồi từ khi họ còn “để chóp”. Bởi vậy đối với những ai chưa thắng được cái sợ nơi lòng, mà bảo họ phải dùng đến điềm tĩnh thì họ làm gì dám tin được. Trái lại, bảo với kẻ đã đạt đến tinh thần bất úy rồi mà phải dùng đến bạo động, thì chắc chắn họ sẽ mỉm cười vì họ biết chỉ có họ mới hiểu nổi và làm nổi những phương sách cao hơn mà những kẻ thất phu tiểu khí không làm gì hiểu nổi. Như trước đây tôi đã nói, bọn xá nhân của Lạn Tương Như làm gì lượng nổi cái chí của Tương Như, cũng không làm gì làm nổi cái việc của Tương Như. Và cũng bởi thế mà Tương Như mới là Tương Như, còn bọn xá nhân chỉ là những bọn xá nhân theo hầu dưới trướng thôi.

Kết luận

Quyển sách Cái Dũng của Thánh Nhân chỉ bàn về cách tập luyện để đi đến một tinh thần điềm tĩnh, và ta hãy biết cho nó chỉ ở trong phạm vi ấy mà thôi. Còn như dùng đến sự điềm tĩnh ấy để làm gì, đó lại thuộc về một vấn đề khác.[41] Một đàng nói về đạo tu thân, một đàng bàn về thuật xử thế: hai lẽ ấy ta không nên không để ý đến cái phạm vi của mỗi thứ.

Cũng như câu chuyện Socrate mà tôi dẫn chứng trong quyển sách của tôi để nêu một cái gương kiên nhẫn của ông, sở dĩ chịu đựng một cách nhẫn nại tính khí bất thường của một bà vợ quá sức mất dạy, đâu phải, như người ta đã hiểu một cách vụng về, là tại ông có tánh khiếp nhược, làm cái gương “khư khư bất động” trước mọi nỗi ngang trái trong đời. Nhà thể thao kia muốn tập nhảy cao, cớ sao lại ôm trái tạ và cột bao cát nơi chân làm gì Cái thân thể mình kia cũng chưa có đủ nặng rồi sao? Có ai mà ngu si như thế không? Chắc chắn là không có ai cho người đó là ngu cả. Thì người vợ quá hung hăng nầy, đối với Socrate, chỉ là cái bao cát, trái tạ không hơn không kém, mà ông đã khéo lợi dụng, để tập luyện cái tính thản nhiên điềm tĩnh của ông thôi. Bảo rằng: “Với những người đàn bà mất dạy ấy, thì hãy cho nó ít tát cho kêu là êm chuyện”, thì có khác nào bảo với nhà thể thao kia hãy bỏ quách cái bao cát và trái tạ đi cho rồi, cho khỏe thân vậy Cái hay của Socrate là biết xoay cái hại thành cái lợi, lợi dụng những điều ngang trái lặt vặt trong đời để tập luyện cái tinh thần tự chủ và điềm đạm của mình.

Dầu sao, dùng đến phép nhu hay phép cương – vì ở đời chấp kinh cũng phải biết tùng quyền – người dùng nó, trước hết phải là người hết sức điềm tĩnh mới được.

Ngôn có tận mà ý không cùng. Xin anh hiểu cho.

Nguyễn Duy Cần.

Chú thích:

[24] Đơn điền: một huyệt dưới rốn lối 6, 7 phân tây.

[25] Chấp có Ta: Chữ dùng bên Phật gia.

[26] Lời của dịch giả.

[27] Thuần nhậm tự nhiên.

[28] Lúc sống chen lộn với quần chúng là lúc cần phải tĩnh tâm, không khéo sẽ bị lôi cuốn mà mất cả bản tính.

[29] Cũng như biết nghe hay hơn biết nói.

[30] Người quân tử là người không ham muốn gì cả.

[31] Đăng trong “Khoa học tạp chí” số xuân Nhâm Thìn.

[32] Quyển “Thuật Xử Thế của Người Xưa”.

[33] Quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân”.

[34] Quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân”.

[35] Les forces spirituelles de l’Orient. (Claude Farrère), Paris, Flammarion, trang 168-169.

[36] Gandhi (Romain Rolland).

[37] Psyché, Janv, 1948.

[38] Psyché, Janv, 1948.

[39] Gandhi (R. Rolland).

[40] France-Asie, no 32 (1948).

[41] Xem quyển “Thuật Xử Thế của Người Xưa”, cũng một tác giả bàn về vấn đề nầy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.