Để Kén Thành Bướm

2. Nghi thức của sự hanh thông



Thế vào lúc nào thì sự thay đổi tiến lên thành sự chuyển hóa? Và sự chuyển hóa là gì?

Jim Curtan, một người bạn của chúng tôi, có thủ một vai thú vị trong phim “Một mình trên hoang đảo” (Cast Away) do Tom Hanks đóng vai chính. Bộ phim chuyển tải thông điệp sâu sắc về viễn cảnh của quá trình chuyển hóa. “Một mình trên hoang đảo” không chỉ là câu chuyện thú vị về sự thay đổi mang tính bi kịch lớn mà còn là một minh chứng tuyệt vời về nghi thức hành đạo, gồm ba giai đoạn do các nhà nhân loại học mô tả về quá trình chuyển hóa qua các giai đoạn khác nhau trong đời.

Nhân vật chính trong phim, Chuck Noland, là anh chàng kỹ sư luôn nhìn đồng hồ, làm việc quần quật, cống hiến tất cả thời gian của mình cho hệ thống phát triển nhanh của công ty FedEx. Đây là một ẩn dụ, ám chỉ Chuck là kẻ tôn thờ Chronos, thần thời gian. Tiếng tích-tắc, tích-tắc của đồng hồ lúc nào cũng văng vẳng trong đầu anh ta, không có gì quan trọng bằng việc phải giao hàng nhanh hơn thời gian quy định vài phút. Kết nối tình thâm là nỗi ám ảnh đáng sợ trong đời Noland bởi cách làm việc không bao giờ ngơi nghỉ của anh. Trông anh chẳng khác nào một chiến binh đường phố luôn bị quấy rầy, không có thời gian dành cho người phụ nữ mà anh yêu hết mực. Anh ăn ào ào, uống ào ào, chạy ào ào. Chủ yếu là tọng, nhét, nuốt, ực. Thậm chí, anh không thể nhìn thẳng vào mắt của bạn đồng nghiệp mình – người bạn có vợ đang hấp hối vì bệnh ung thư. Noland không phải là người xấu, chỉ là kẻ vô tâm và lơ đãng mà thôi.

Lối sống cũ của Noland kết thúc một cách đột ngột khi chiếc phi cơ của hãng chuyển phát nhanh FedEx chở anh đến Malaysia bị rơi ở phía Nam Thái Bình Dương, và anh là người duy nhất sống sót. Sống một mình trên hoang đảo xa xôi trong 4 năm, anh tồn tại được là nhờ có chiếc đồng hồ bỏ túi cổ xưa mà vị hôn thê đã tặng cho anh vào đêm Giáng sinh khi anh từ biệt cô để đi công tác. Máy đồng hồ đã bị hỏng khi phi cơ rơi và như thế thời gian đã ngừng lại – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thật ra, hình tượng thời gian ở đây không liên quan gì tới chiều kích mới mà Noland lâm vào. Chiếc đồng hồ ngưng chạy nhắc nhở anh về một tình yêu đã mất, thôi thúc anh phải sống để mà tìm lại những thứ đã mất đi. Vài bưu kiện bị trôi giạt lên bờ cùng với anh, và quả bóng da trong một bưu kiện đã cứu rỗi linh hồn anh. Noland dùng máu từ bàn tay bị thương của mình để vẽ lên đó một khuôn mặt và đặt tên là Wilson bởi anh coi gương mặt trên quả bóng là một người bạn. Chính người bạn tưởng tượng này trở thành nhân vật không thể thiếu cho sự phát triển lòng nhân ái của Noland.

Thời gian 4 năm một mình trên hoang đảo giữa đại dương mênh mông của Chuck Noland là thời kì chuyển hóa. Lối sống cũ của anh tan rã cùng với chiếc phi cơ, nhưng anh vẫn chưa tìm được một cuộc đời mới.

Đúng lúc sự biến đổi từ một người “cũ” thành một người “mới” của anh sắp được hoàn thành thì những mảnh vỡ buồng vệ sinh của chiếc phi cơ trôi giạt vào bờ để anh có thể đóng một chiếc bè để vượt biển. Quá trình thử thách giữa đại dương trên chiếc bè nhỏ bé quả là khủng khiếp, và thời khắc được định rõ khi quả bóng Wilson rơi qua mạn bè và trôi xuống biển trong một cơn bão.

Bị giằng xé giữa hai tình huống, hoặc là nhảy xuống biển để cứu bạn mình (quả bóng) hay là ở lại trên bè để cứu mạng mình, Noland đã chọn sự sống cho mình. Nhưng nỗi buồn mất bạn không thể nào nguôi trong tâm hồn anh. Sự dấn thân để tạo nên lòng nhân hậu với đời đã hình thành mạnh mẽ trong anh suốt thời gian thử thách trên đảo hoang. Rồi phép mầu đã xảy ra: một con cá voi bơi song hành cùng anh, hát lên những bài ca huyền bí về cái đẹp, đúng lúc đó thì một chiếc tàu đi ngang qua và cứu sống Noland.

Một Chuck Noland trở về Mỹ khác với một Chuck Noland trước đây. Anh có thể nhìn thẳng vào đôi mắt của người bạn có vợ đang hấp hối lúc anh ra đi. Bằng sự sẻ chia chân thành, Noland xin lỗi bạn về sự vắng mặt trong giờ phút đau buồn đó. Anh đã cắt đứt mọi đam mê và tham vọng để trở thành người có trí tuệ, biết cách giải quyết những vấn đề liên quan đến chia rẽ, hận thù, thành kiến và vị kỷ. Còn vị hôn thê của anh, vì tin rằng anh đã chết, đã lập gia đình và có một người con. Khoảnh khắc tái hợp của họ thật cảm động. Anh hiểu rằng cô quyết định từ bỏ cuộc hôn nhân để trở về với anh và tìm một cuộc sống mới cho mình là điều đáng trân trọng.

Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh của một Noland trưởng thành, đứng một mình với tâm trạng suy tư ở ngã tư đường, nơi giao nhau giữa bốn con đường đất ở miền quê, và cũng là nơi bộ phim bắt đầu. Đó là một biểu tượng sâu sắc. Ngã tư đường làng chính là hình ảnh của chiếc thập tự giá. Cha Thomas Keating, một tín đồ Cơ đốc giáo hiện đại, nói rằng chiếc thánh giá tượng trưng cho sự giằng co giữa hai người trong một thân thể, giữa hai chiều hướng tốt và xấu đan xen trong cuộc sống. Thanh ngang đại diện cho quan niệm về cái chết của bản ngã lòe bịp bị trói buộc vào thời gian, hay còn là một cái tôi được hình thành rất sớm trong đời, nhằm che chở cho chúng ta được an toàn do phải tuân thủ những ý niệm, những quy ước trong xã hội. Thanh đứng đại diện cho sự hồi sinh của một chân lý vĩnh hằng, một thực tại vĩnh cửu, nơi mà bản tính thực của chúng ta đang trú ẩn.

Chuyển đổi từ cuộc sống này sang cuộc sống khác – từ thế giới đáng sợ của sự ràng buộc vào thời gian cho đến thế giới của lòng nhân ái, không bị vướng bận vào thời gian – là trọng tâm của quá trình chuyển hóa. Nhưng trong thực tế, điều này có nghĩa là gì? Tức là, sự thay đổi về bản chất từ câu chuyện này sang câu chuyện khác xảy ra như thế nào? Đôi khi trong cuộc sống, đặc biệt là khi tấm thảm đỏ bị kéo khỏi chân, chúng ta không còn tin tưởng vào lối suy nghĩ sáo mòn và hành vi xưa cũ để giữ cho chúng ta an toàn và hạnh phúc thì lúc đó chúng ta mới sáng tỏ và thấu hiểu vấn đề.

Sự cố gắng vô vọng của vua Lear để giữ lấy ngai vàng và khoa trương sức mạnh quyền lực mặc dù đã qua tuổi thanh xuân là một minh chứng. Chỉ có ông là không nhận ra ngôi vị hoàng đế của mình đã chấm dứt vì sức tàn lực kiệt. Cuối cùng, bị những sự kiện trần trụi trong đời sỉ nhục, bản tính quý tộc cao quý thật sự của ông mới xuất hiện. Khi tấn bi kịch trò đời lên đến cao trào, nhân vật chính của Shakespeare mới nhận thức rằng: “Ta là lão già ngu xuẩn đáng thương”.

Vào khoảnh khắc đó, sự chuyển hóa có khi sửng sốt, có khi bỡ ngỡ: lớp vỏ bọc mà trước đây vua Lear dựng lên, để bày tỏ cho thế giới thấy đây là đặc tính của riêng mình đã bị bóc tách, vỡ tan. Và thật thú vị, vượt qua được cái thị rồi sẽ thấy cái như. Chân như, chân giá trị tỏa sáng của một cái tôi chân thật. Vua Lear trở nên dễ bị tổn thương. Một con người thật của chính mình khi không còn vướng mắc dục vọng, hận thù gì nữa. Đó là bí mật của sự chuyển hóa: ngày nào đó ta chợt nhận ra ta.

CHUYẾN HÀNH TRÌNH QUA BA GIAI ĐOẠN

Trong những câu chuyện về nghi thức hanh thông, các nhân vật chính nhận ra và thể hiện cái tôi của mình trong một hành trình gồm ba giai đoạn. Thoạt tiên, họ bị ép buộc để từ bỏ thế giới quen thuộc của mình, thế giới mà họ yêu quý – sự mất mát và nỗi thống khổ bị chia lìa là điều không tránh khỏi. Có lẽ các bạn đã có sự trải nghiệm đó: mất việc làm, bị phá sản, có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe….

Khi ai đó bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư hay bệnh AIDS, họ thường bảo rằng bầu trời như sụp đổ, mặt đất như chao đảo và nuốt chửng lấy họ. Không có cảm giác nào giống như giây phút này – con người cũ của họ đã chết nhưng họ chưa thể tái sinh thành một con người khác. Bất ngờ bị hất tung ra khỏi thế giới quen thuộc và rơi vào một thế giới xa lạ là sự kết thúc giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển hóa.

Bước vào giai đoạn hai, nhân vật chính chuyển sang thời kì quá độ, thời kì diễn ra những gì mà nhà nhân loại học Cornell Victor Turner (người đã nghiên cứu nghi thức hành lễ của bộ lạc Ndembu ở Tây Nam Zambia) gọi là “tâm ngưỡng kích thích”. Sự khai tâm đạt ở ngưỡng kích thích, ngưỡng của cái mới mẻ, nhưng người này chưa đạt được ngưỡng của sự chuyển hóa. Chẳng hạn, trong trường hợp một đứa bé trai rời khỏi mái nhà, khỏi vòng tay thân yêu của mẹ để tiến vào rừng bắt đầu cho nghi thức cắt bao quy đầu thì nó không còn là thằng bé nữa, nhưng nó vẫn chưa thể trở thành người đàn ông thực thụ. Đây là giai đoạn trung gian, nơi mà sự hỗn độn thống trị; nhưng theo thời gian, cậu bé có thể vượt qua.

Nhà khoa học Mỹ gốc Bỉ Ilya Prigogine, nhân vật từng đoạt giải Nobel Hóa học năm 1977 với học thuyết “cấu trúc phân ly”, đã mở ra sự hiểu biết mới về giá trị của sự hỗn loạn. Về cơ bản, ông thừa nhận sự hỗn độn là một lực của quá trình tiến hóa, ở đó sự sụp đổ của lề lối xưa cũ có thể đưa đến những thành tựu tiến bộ không ngờ, một khi đã thoát ra được tình trạng rắc rối, phức tạp để tiến lên một trình độ cao hơn. Giai đoạn quá độ, đầy náo loạn trong hành trình thay đổi, thường được đánh dấu bằng thành tựu bất thường như thế. Như thể là cấu trúc thời gian và không gian bị phá vỡ, cho phép những sự kiện bất ngờ xảy ra.

Tính nhất quán trong thời kì quá độ của sự thay đổi, quá trình chữa lành, hay sự thấu hiểu thường được đánh dấu bằng sự kiện đáng kinh ngạc, vượt quá khả năng nhận thức của chúng ta. Những con người mới xuất hiện, trở thành bạn đồng minh của ta trong chuyến hành trình, trí tuệ đạt được hiện nguyên hình hài, đôi khi dưới những hình thức diệu kì. Con cá voi đồng hành cùng Chuck Noland trong hành trình kết thúc ở tâm ngưỡng kích thích trên chiếc bè giữa biển khơi là một người bạn đồng minh khác thường, một yếu tố để gợi mở lòng tin hay một ân huệ được Chúa ban cho loài người, thường xuyên xuất hiện khi sự hỗn loạn ở giai đoạn khốc liệt nhất.

Vượt qua thời kì quá độ đầy tính hỗn mang của tâm ngưỡng kích thích trong nghi thức của sự hanh thông có liên quan đến việc phải đối mặt với vô số trở ngại, thách thức: Noland phải vượt biển trên một chiếc bè mỏng manh; Jason phải chiến đấu với rồng thiêng mới lấy được lọn tóc xoăn bằng vàng trong câu chuyện thần thoại Hy Lạp; nàng Bạch Tuyết ăn phải trái táo có tẩm độc và chỉ có tình yêu mới đánh thức nàng khỏi giấc ngủ thiên thu.

Một trong những điều đặc biệt của những thách thức này là ta không thể đương đầu và vượt qua chúng trong thế giới phẳng, nơi mọi thứ xảy ra theo trật tự thời gian. Sự khai tâm phải được tĩnh tại và từ bỏ mọi ham muốn cá nhân để hòa hợp với sự hanh thông tuệ giác ở mức độ cao hơn.

Thử thách này là đúng đắn và hợp lý bởi nó đi ngược lại với cách thức thông thường mà cái tôi vận hành là sử dụng mong ước cá nhân để thúc đẩy sự việc. Ở ngưỡng cửa của thời kì quá độ luôn có những vận hội mới lẫn hiểm nguy rình rập. Nguy hiểm vì ta quá căng thẳng mong mau thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực đang đè nặng lên tâm hồn mình: mọi tức giận, tị hiềm, buồn nản đưa đến thoái chí và nản lòng. Nhưng nếu bạn liên tục chiêm nghiệm về những tác hại của cảm xúc tiêu cực thì ý thức của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ khác thường và cơ hội sẽ đến khi bạn nhận thức được rằng: những cảm xúc tiêu cực đó thật vô nghĩa, điên rồ và xuẩn ngốc.

Giai đoạn thứ ba của nghi thức hanh thông được nối tiếp, đứa bé trai của bộ lạc Ndembu rời khỏi túp lều của mẹ trong giai đoạn đầu tiên của chuyến hành trình thường trải qua một hay hai năm trong khu rừng hoang vắng trước khi trở thành người đàn ông thật sự. Trong thời kì quá độ, cậu ta học hỏi kinh nghiệm từ những người đàn ông khác để trở thành một chiến binh có lòng nhân ái. Cậu ta cũng phải trải qua khoảnh khắc đơn độc để chiêm nghiệm về bản thân (giống như Chuck Noland đã từng trải). Cuối cùng người trở về từ sự khai tâm không giống như người đã ra đi. Cậu bé đã trở thành một người đàn ông thực thụ, được rèn luyện về trí tuệ và nhân cách để cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng.

Joseph Campbell gọi trình tự chuyển hóa trải qua ba giai đoạn của sự tự giác ngộ là “Hành trình của vị anh hùng”. Các nhà làm phim Hollywood thường sử dụng trình tự này để làm cốt truyện bởi bản chất nội tại của mỗi chúng ta đều có sự nhận thức bẩm sinh. Chúng ta đang xem một cốt truyện tuyệt vời nhất: chuyến hành trình mang “tâm” về nhà. Trình bày hệ thống những câu chuyện về sự thay đổi trong cuộc đời mỗi chúng ta như nghi thức của sự hanh thông, hành trình của những vị anh hùng, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc và giải phóng tâm trí khỏi ngục tù.

Một nhà sư sau khi tu hành đắc đạo đã bộc bạch rằng: “Lúc chưa đi tu, tôi thấy núi là núi, thấy sông là sông. Trong lúc đi tu, thấy núi chẳng phải núi, thấy sông chẳng phải sông. Nay khi đã đạt được bản ngã thật của chính mình, lại thấy núi là núi, thấy sông là sông”. T. S. Eliot diễn tả rất hay cái bình thường nghịch lý về sự trải nghiệm mang tính chuyển hóa khác thường này trong tác phẩm Little Gidding: “… và kết thúc tất cả sự khám phá của chúng tôi là sẽ đến nơi mà chúng tôi bắt đầu và lần đầu tiên biết đến nó”.

SUY NGẪM

Nếu bạn đang trong quá trình thay đổi, thì bạn đang ở giai đoạn nào trong nghi thức hanh thông? Bạn có được sự trải nghiệm của tính đồng nhất ở tâm ngưỡng kích thích không? Bạn có được sự tĩnh tại trong tâm để từ đó đạt được sự thấu hiểu sâu sắc ở trạng thái quá độ không? Và cuối cùng, sự thay đổi sẽ như thế nào nếu bạn nhìn thấy nó từ sự khai tâm bước sang sự chuyển hóa để đạt được bản chất thật của tâm?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.