Để Kén Thành Bướm

3. Hành trình đến tự do



Chúng ta có thể tiến đến tự do thông qua quá trình tìm hiểu. Tìm hiểu là quá trình đương đầu với những sự kiện trong đời bằng đôi mắt mở to. Đó là sự chống đối lại những ảo tưởng, niềm tin, thoát khỏi những ấn tượng sâu sắc nào đó hay một sự kìm hãm để đi đến sự thay đổi nhằm khám phá ra những điều mới mẻ. Theo bản tính tự nhiên, trẻ thường hay tò mò, cố gắng tìm hiểu sự thật về mọi thứ – điều này phản ánh bản năng mạnh mẽ muốn hiểu tận cùng bản chất của cuộc sống, để nhìn thấu mọi khía cạnh của thực tế từ bề mặt đến bề sâu của vấn đề. Những thắc mắc như “Vào mùa đông, loài chim di trú đến đâu?”, hay “Tại sao mây bay?”… là những câu hỏi phát sinh từ mong ước muốn khám phá những bí mật của thế giới tự nhiên.

Tuy nhiên, những câu hỏi đại loại: “Tại sao cha nổi giận với mẹ?”, “Có gì sai trái khi học sinh lớp chín quan hệ tình dục?”, hay “Tại sao có chủ nghĩa khủng bố?”… thì phức tạp hơn nhiều. Vấn đề ở đây là trẻ đang tìm hiểu về các cảm xúc, về tính nhạy cảm trong mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, về chính trị, lịch sử và giá trị đạo đức. Trẻ bị lôi kéo vào quá trình hình thành nên những mối tương quan nhận thức phức tạp được mở rộng ra thế giới bên ngoài. Còn những câu hỏi: “Chuyện gì xảy ra khi chúng ta chết?”, hay “Có Thượng Đế hay không?”… là sự tìm hiểu có liên quan đến thuyết sinh tồn nhằm hướng đến mối quan hệ thân tình hơn với vũ trụ bao la.

Nhưng khi đã trưởng thành, hầu hết chúng ta không còn đặt quá nhiều câu hỏi. Chúng ta bắt đầu có những quan điểm của riêng mình – và mang những ý niệm đó suốt đời dù chưa thật sự hiểu chúng thấu đáo. Có lẽ chúng ta vừa mới tiếp thu những kiến thức này từ cha mẹ, thầy cô hay qua quá trình tìm hiểu cuộc sống hàng ngày; cho đến khi ta hiểu được kĩ càng mọi thứ thì chúng giống như tượng thánh vô hồn hay những dữ liệu trống rỗng trong máy vi tính.

Tôi là người Do Thái lớn lên trong khu phố toàn người Ai Len theo đạo Thiên Chúa. Ngày nọ, có hai thằng bé rượt đuổi theo tôi từ trường về nhà, ném đá vào tôi và hét lớn: “Cút khỏi đây, đồ Do Thái bẩn thỉu!”. Tôi quát lại chúng, theo cái cách mà chúng đã làm với tôi: “Tao bẩn thỉu cái gì?”. Thằng bé gầm gừ: “Tao không biết, nhưng cha tao nói thế!”.

Các ý niệm, niềm tin là động lực thúc đẩy và là bộ máy gạn lọc có tác động mạnh mẽ. Nếu bạn có những quan niệm tiêu cực về một dân tộc nào đó, bạn có thể tấn công họ như hai đứa trẻ trên. Hoặc có thể bạn tránh xa họ và không bao giờ tìm hiểu họ thật sự là ai. Tuy nhiên, khi chúng ta tự tách mình ra khỏi người khác thì chính chúng ta sẽ chịu nhiều thiệt thòi, mất mát từ hành vi của chính mình. Không có tình thâm và tâm hồn rộng mở thì sẽ không có sự tiến hóa và chúng ta mãi mãi thu mình trong bản ngã nhỏ bé của chính mình. Khi biết hòa mình vào cộng đồng, chúng ta mới chiêm nghiệm được bản ngã chân thực, to lớn hơn của bản thân. Đó chính là một trong những yếu tố cơ bản hình thành nên cuộc sống.

Quá trình tìm hiểu là phương thức để kết nối tình thâm. Nếu sau này những đứa trẻ đã từng rượt đuổi tôi lớn lên, có lẽ họ sẽ nhìn lại và suy ngẫm: Tại sao mình ghét người Do Thái đến thế? Dù cha mẹ họ hay những vị linh mục cho rằng người Do Thái là “kẻ đã giết Chúa”, nhưng lúc này họ đã là những thanh niên có đủ khả năng để suy nghĩ kĩ càng hơn và tự hỏi: “Làm thế nào một đứa bé gái nhỏ bé lại có thể giết chết Ngài được?”. Sau vài lần trăn trở như thế, tính không hợp lí của việc ghét bỏ cả một dân tộc – hay một người không quen biết – sẽ trở nên rõ ràng hơn. Khi ranh giới do con người thiết lập nên giữa “họ” và “chúng ta” không còn nữa, tính phân biệt chủng tộc sẽ biến mất. Những người đó sẽ khám phá ra một mối quan hệ tốt đẹp hơn nhiều có liên quan đến một chiều hướng mới trong cuộc sống, hoàn toàn nằm ngoài sự trải nghiệm của họ: vạn vật không tồn tại độc lập, chúng hòa nhập trong một mạng lưới gồm những mối quan hệ vô cùng tinh vi giăng khắp vũ trụ.

VÌ SAO NGƯỜI TỐT THƯỜNG GẶP NHIỀU BẤT HẠNH?

Mỗi khi xảy ra bi kịch hay những thay đổi không như ý trong đời, chúng ta hay tự hỏi: “Tại sao lại là mình?”. Những khúc mắc như thế cho ta suy nghĩ tích cực, nhắc nhở chúng ta về vai trò của mình trong vũ trụ bao la. Nhưng quan trọng hơn hết là nó giúp chúng ta xuyên thủng tấm khiên phòng vệ bền cứng, tự cho mình là trung tâm và những suy nghĩ nông cạn về cái tôi: “Tại sao không phải là mình? Điều gì làm mình khác biệt so với mọi người trên thế giới này để mình không bị ảnh hưởng bởi tính tạm thời và miễn nhiễm với nỗi khổ đau mà người khác phải gánh chịu?”.

Từ thuở khai thiên lập địa cho đến nay, mỗi khi phạm phải sai lầm, tội lỗi hoặc có điều gì đó không may xảy ra, con người thường bỏ qua việc truy tìm căn nguyên, mà họ thường nghĩ rằng mình đã gây ra một nghiệp chướng nào đó để giờ đây phải gánh chịu hậu quả. Suy nghĩ đó dễ khiến con người buông xuôi cuộc đời mình cho số mệnh. Nếu chúng ta suy nghĩ và hành động khác đi thì mọi việc sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hơn. Vì không muốn chấp nhận sự thật rằng những điều bất hạnh cũng có thể xảy ra cho người tốt, chúng ta thường tìm lý do bằng cách nghĩ rằng họ (hay cả chúng ta nữa) đã phạm phải sai lầm nào đó để bây giờ phải nhận hậu quả.

Cách suy nghĩ đáng sợ này là cội rễ của mọi lỗi lầm có từ thời thanh xuân và những sai lầm về đức tin tôn giáo ở tuổi già. Thời trẻ, người ta tự trách mình về những suy nghĩ chưa chín chắn; còn về già, họ tin rằng mình đã xúc phạm Thượng Đế và giờ đây đành chịu sự trừng phạt. Cả hai cách suy nghĩ như thế đều ngăn cản dòng chảy của quá trình tìm hiểu cuộc sống. Chuyện về Job trong kinh thánh cổ xưa kể rằng, khi nhiều nỗi mất mát khổ đau xảy đến với anh, bạn bè ngồi lại cùng anh và hỏi tại sao những việc không may lại xuất hiện trong đời anh như thế. Họ muốn tin rằng anh đã tạo ra nghiệp chướng và giờ đây phải hứng chịu hậu quả tương ứng. Họ không thể chấp nhận lời giải thích của Job rằng anh không có lỗi gì cả, vì điều đó có nghĩa là không ai trong chúng ta có thể khống chế được những bi kịch nảy sinh trong đời. Nhưng quả thật đúng là như vậy, những điều không như ý có thể xảy ra với bất kì ai trong chúng ta.

Chẳng hạn, khi xảy ra việc thảm sát người Do Thái, mẹ tôi mất lòng tin vào Chúa – “Người kiến tạo sự bình an cho muôn loài”. Cuộc sống của người Do Thái lúc ấy không còn yên ổn, mọi khổ đau đều giáng xuống những con người vô tội. Bà phản ứng bằng cách trút sự oán hận lên mình Chúa và giậm chân bỏ đi như một đứa trẻ giận dỗi. Tôi không biết bà đã chất vấn Chúa những gì, nhưng những gì tôi nghe được là bà không còn tin có Chúa trên đời – nơi con người phải gánh chịu những nỗi đau khổ thật phi lý.

QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU CÁ NHÂN

Khi xem xét những giả định về vấn đề tại sao khổ đau thường xảy đến với người tốt, có vài phương pháp có thể giúp cho quá trình tìm hiểu được rõ ràng hơn. Đầu tiên, thử ghi lại những suy nghĩ, nhận xét của bạn vào nhật kí hoặc cuối mỗi chương sách. Đừng chỉnh sửa lại, cũng đừng quan tâm cách viết ra sao – vấn đề là bạn đang tìm hiểu bản chất thật của sự việc, đừng cố để làm hài lòng ai đó. Sau khi đã ghi lại mọi suy nghĩ, hãy tự đặt những câu hỏi khó, và cứ kiên trì viết, bạn sẽ thông suốt mọi việc. Khi viết xong, thử thẩm tra niềm tin của mình một lần nữa.

Trong suốt quá trình thực hiện, hãy chú ý đến cảm xúc của bản thân, vì mọi xúc cảm là sự giao thoa giữa cơ thể và trí não. Phản ứng tình cảm đối với mọi suy nghĩ của bạn là lời nhận xét xác thực về nội hàm của sự việc. Có thể bạn sẽ viết: “Tôi đang đau khổ/tức giận/chán nản khi sự việc này lại xảy ra với tôi”. Bạn sẽ thấy mình căng thẳng và bồn chồn. Khi suy ngẫm về cảm giác đó, bạn nhận ra mình đang giận dữ. Lần theo dòng suy nghĩ của mình bạn sẽ biết được sự thật. Trọng tâm của quá trình tìm hiểu là câu hỏi đơn giản: “Điều làm tôi cảm thấy tách biệt khỏi mọi trải nghiệm và những người khác là gì? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi phá vỡ mọi rào cản ấy?”.

TÌM HIỂU THÔNG QUA SỰ CHIA SẺ

Một hôm tôi đi ngang qua vị giáo sư của mình ở Đại học Harvard – nơi tôi từng học và hiện đang công tác. Khuôn mặt hiện rõ vẻ hằn học, ông không chào tôi, cũng chẳng thèm liếc nhìn tôi. Tôi nghĩ mọi việc đang chĩa vào tôi, chắc ông ấy đang giận mình về chuyện gì đó. Tôi vào văn phòng, ngồi suy nghĩ một mình, cảm thấy băn khoăn và lo lắng. Ngay lúc đó, nhân viên kỹ thuật của sếp tôi bước vào, nhìn thấy bộ dạng phiền não của tôi, cô hỏi thăm và tôi thật tình kể: “Tiến sĩ X không thèm chào tôi”. Cô ấy bước đến gần, hỏi tôi một câu đơn giản: “Sao cô không đến gặp ông ấy và hỏi chuyện gì đã xảy ra? Biết đâu chẳng có gì liên quan đến cô cả?”.

Trong cảm giác bối rối và e ngại, tôi rón rén đến phòng ông. Tôi do dự mãi rồi cuối cùng cũng gõ cửa. Lúc cửa mở, trông ông vẫn còn đang giận dữ. Nhưng tôi cũng nêu lên được nỗi băn khoăn của mình: “Chào thầy, sáng nay em có gặp thầy ở đại sảnh, thầy dường như đang giận. Em hy vọng em đã không làm điều gì sai?”.

Ông ngước nhìn tôi, nhoẻn miệng cười và nói đại khái là: “Em cho điều này là có liên quan đến em à? Thầy xin lỗi, Joan ạ. Thầy không chú ý bởi vì đang suy nghĩ về việc gia hạn khoản trợ cấp và các số liệu phải báo cáo. Có vài chỗ chưa được rõ ràng”.

Chúng tôi dành một giờ để cùng xem lại các số liệu và trao đổi với nhau. Tôi thật sự xúc động khi thấy mình được đối xử giống như một đồng nghiệp. Sự ngăn cách giữa tôi và người thầy của mình không còn nữa. Việc kiểm tra hết sức đơn giản để tìm ra sự thật đã tạo nên mối quan hệ gần gũi, cho phép chúng tôi cởi bỏ lớp mặt nạ, tiến tới bản chất thật của mình – và điều tốt đẹp nhất là tính sáng tạo được phát triển. Đó là một thí dụ về hình thức tìm đến tự do thông qua sự chia sẻ giữa cá nhân với cá nhân hơn là dạng tìm hiểu có xu hướng xem xét nội tâm của mỗi người. Nhưng cho dù ở trường hợp nào thì nguyện vọng tha thiết để hiểu sâu hơn về con người đằng sau dáng vẻ bề ngoài và khám phá sự thật ẩn chứa bên trong cũng làm cho sự tìm hiểu trở thành quá trình thực hành để tìm đến tự do.

SUY NGẪM

Hãy ngẫm xem bạn đang có cảm giác gì? Rồi hãy tiếp tục suy ngẫm: “Tại sao những điều không vui thường xảy ra cho người tốt?”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.