Để Kén Thành Bướm
11. Chế ngự cái tôi ngụy tạo
Khi đối diện với những đau khổ lớn lao, con người dễ trở nên gần gũi và thân thiết, bởi khi đó mỗi người đều thể hiện đúng con người thật của mình. Đó là một cái tôi không tô điểm, dễ bị công kích và tổn thương. Nhưng một khi cơn khủng hoảng trực tiếp tan biến đi, cái tôi có xu hướng trở lại trạng thái ngụy trang, để che giấu tâm trạng thật của mình.
Để cái tôi chân chính hiện ra rõ nét trong suốt quá trình thay đổi và được ổn định như thành trì vững chắc, chúng ta cần phải hiểu rõ cái tôi giả tạo được hình thành như thế nào. Nhận ra nỗi sợ hãi bám víu vào cái tôi giả tạo như thế nào, chúng ta sẽ sớm tìm được dũng khí cũng như sự tinh tế để giữ vững cái tôi chân chính, để mãi là con người thật của mình.
Nhà giáo Pema Cho ¨n – một Phật tử – ¨dro định nghĩa bản chất của sự không sợ hãi (hay lòng gan dạ) là không dối gạt bản thân. Ý nguyện xem xét bản thân và đương đầu với bản chất thật của tâm hồn cần có lòng dũng cảm, bởi chắc chắn chúng ta sẽ phải đối đầu với những điều chúng ta không mong đợi. Thông thường, chúng ta không sẵn sàng nắm bắt những điều chúng ta chưa biết. Cái tôi thật lanh lẹ, bất cứ điều gì làm cho nó ngượng ngùng, xấu hổ thì nó sẽ len lỏi, ẩn nấp vào lớp vỏ bọc. Do đó, cách duy nhất để chúng ta giành lại cái tôi thật của mình trong mọi tình huống là hãy hiểu rõ những điều chúng ta phê bình, phán xét về người khác. Điều này sẽ thể hiện những gì ta muốn phán xét gắt gao nhất đối với chính bản thân mình.
Đây là một đoạn trích trong nhật kí của tôi để minh họa thêm ý nghĩa của vấn đề trên:
Tôi đang bàn với một người bạn về dự án từ thiện của một người mà cả hai chúng tôi đều quen biết. Ông ta thường đi đến những vùng xa xôi để làm điều thiện cho người dân ở đó. Tôi buột miệng nói ra những lời hơi cay độc, nhiều câu nghe thô lỗ, ngạo mạn, có tính chỉ trích, phê bình. Chẳng hạn: “Tôi nghĩ ông ta chẳng có quan tâm thật sự gì đến những người ông ta đang giúp đâu. Ông ta chỉ là một khán giả có chút từ tâm, quan tâm nhiều đến hình ảnh của mình hơn là tấm lòng hảo tâm thực sự, và dự án này sẽ mang đến cho ông ta nhiều tiếng tăm hơn bất cứ dự án nào khác”.
Ngay lập tức tôi cảm thấy xấu hổ và nhận ra mình đã lỡ đưa ra những suy nghĩ, dự đoán đầy vẻ dè bỉu, xấu xa. Tôi không chia sẻ, không tham gia vào động cơ làm việc của ông ta, nhưng tôi biết đôi khi mình làm điều tốt để chứng tỏ với người khác mình cũng là người tốt để ảo tưởng rằng mình cao thượng hơn nhiều.
Tất cả mọi người thường giấu kín những hành vi, những ước mơ và mọi xúc cảm làm họ cảm thấy xấu hổ vào sâu tận tâm can của mình, vượt xa khỏi tầm nhìn của người khác và cố gắng làm cho chúng trở nên vô hình. Nhưng thực tế chúng không biến mất mà chỉ bị biến thành cái bóng của mỗi người.
Bác sĩ Virginia Satir so sánh những điều chứa đựng trong cái bóng con người như một bầy chó đang cào cấu vào cánh cửa đóng sập của hầm rượu, cố đòi ra ngoài. Chúng ta tốn nhiều công sức để chặn cánh cửa lại, nhưng rồi chúng cũng tẩu thoát dù bạn có nỗ lực đến đâu chăng nữa. Và con đường tẩu thoát thông thường nhất là phóng ra ngoài, giống như chúng ta lỡ lời đưa ra một nhận xét, suy nghĩ nào đó.
Do đó, nếu bạn là người tốt, dễ mến, bạn sẽ chia sẻ tình cảm của mình với những người đang giận bạn. Nếu bạn không có khả năng hiểu biết và thông cảm, bạn sẽ buộc tội người khác là không thân thiện. “Suy bụng ta ra bụng người” là cách mà cái tôi – một bản ngã hay phán xét sai lầm – duy trì mãi tính chất tách rời, tự đưa mình ra khỏi chân lý vĩnh hằng và dòng chảy nhận thức lớn lao hơn tất cả bản chất của sự việc.
Khi tôi kết tội người mà tôi không biết tí gì về tính tư lợi cũng như sự nhân hậu của người ấy, thì đó chính là cái bóng sợ hãi và lòng tràn ngập nỗi hổ thẹn của tôi đã thốt lên tất cả những lời nói ấy.
TRÁNH XA SỰ CHỈ TRÍCH
Để không tự lừa dối mình, sống bằng con người thực không chỉ trích, phê bình, tị nạnh hẹp hòi bạn cần phải có nhận thức đúng đắn và can đảm để vượt qua sự cám dỗ của các thói xấu đó. Bạn sẽ nhận thấy mình thật thảnh thơi, tập trung vào công việc nhiều hơn, không có khuynh hướng “suy bụng ta ra bụng người”. Thời điểm thích hợp nhất để phát hiện tính cách hay suy diễn “từ bụng ta ra bụng người” là những khi bạn mệt mỏi và căng thẳng – khi mà sự thấp kém ẩn giấu từ lâu trong con người như muốn lộ ra ngoài.
Thí dụ, thỉnh thoảng khi về đến phi trường Denver sau một chuyến đi dài, tôi thật sự ngạc nhiên về tính ác nghiệt của mình. Tâm trí tôi xoay quanh mọi ý nghĩ phê bình một cách ác ý về đủ loại thiếu sót của người khác. Tôi như một cảnh sát mặc thường phục với đủ thứ suy đoán, nghi ngờ. Khi điều đó xảy ra, phản ứng đầu tiên của tôi là tự phê bình, thậm chí còn hổ thẹn và tự cách ly với mọi người để kiểm điểm thái độ của mình một cách gắt gao.
Thay vì tự xét đoán, lòng dũng cảm đòi hỏi một sự dịu dàng, tế nhị và khoan dung khi chúng ta đương đầu với tính hay suy diễn của bản thân. Bạn đang cảm thấy mình trở nên thấp hèn hay cao thượng? Không sao, cứ để bản tính tự nhiên bộc lộ, miễn là bạn đừng giả vờ đóng kịch hay xúc phạm đến tình cảm của người khác. Sau giây phút suy diễn đủ thứ ở phi trường, tôi cay đắng nhận ra chân tướng tốt đẹp quan trọng với tôi biết nhường nào, và “cái tôi” dễ bị tổn thương, dễ công kích khi bị bình phẩm đã làm tan nát cõi lòng mình. Đắm chìm vào suy nghĩ, tôi cảm nhận được tiếng vọng của thời thơ ấu cô đơn đang thì thầm một lời rên rỉ, ai oán thấm sâu vào từng tế bào. Cảm thấy cổ họng nghẹn lại và nước mắt dâng trào, tôi thấy thương cho bản thân mình, và khoảnh khắc xa xưa đó biến thành phút giây thực tại, vỡ òa, bao trùm lấy tôi, khiến lòng tôi tràn ngập nỗi niềm thương cảm đối với những người tôi vừa mới phê bình. Tôi hiểu rằng tất cả chúng ta đều rất giống nhau. Chúng ta chỉ là những con người, đều cố gắng hết sức để được yêu thương.
HÃY LÀ CHÍNH MÌNH
Có một câu chuyện ngụ ngôn rất hay của người Hasidic về anh chàng Rabbi Zusya cả đời cố gắng để trở thành một người tốt, chính trực. Cuối cùng, anh qua đời do kiệt sức vì cố gắng quá mức. Và khi anh đứng trước Thượng Đế, Ngài phán: “Này Zusya, ngươi quả là một người tuyệt vời, thông thái và dũng cảm. Nhưng hãy nói cho ta biết tại sao ngươi không thể là chính mình?”.
Nói cách khác, con người thường e rằng nếu chỉ là chính mình thì chưa đủ. Ai cũng mong muốn đạt đến một sự hoàn thiện nào đó. Nhưng như vậy ta lại gặp phải khó khăn ở chỗ: những ai chân thật và có nhược điểm, có sai sót dường như đáng yêu hơn so với những ai toát lên vẻ bề ngoài quá hoàn hảo. Tôi nhớ đến một nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý: họ cho các sinh viên xem hai tấm hình của cùng một thiếu nữ, một tấm với hình ảnh cô gái ăn mặc rất đẹp, còn tấm kia cho thấy cô gái vừa mới làm đổ cà phê lên vạt áo. Các sinh viên đều cho rằng họ thích cô gái có vạt áo dính cà phê hơn nhiều so với cũng chính cô với vạt áo sạch sẽ.
Sự thật đáng buồn là cho dù cố gắng thế nào đi nữa thì cái tôi giả tạo cũng không có được bản tính đáng yêu vốn có, mà nó chỉ toát ra vẻ nghiêm khắc và đạo mạo. Những ai biểu hiện một hình ảnh lý tưởng thường làm chúng ta cảm thấy không thoải mái – họ quá hoàn thiện để trở thành những con người thật, và thật khó để giao tiếp với họ vì lớp mặt nạ ngụy trang ngăn cản mối thân tình.
Tuy nhiên, khi họ trò chuyện với chúng ta bằng sự chân thật và tự cho phép bản thân dễ bị tổn thương, thì lúc đó có một con người thật tạo nên mối quan hệ. Do đó, hãy là chính mình, là một “Zusya duy nhất”. Thật đơn giản và dễ dàng, nhưng điều đó có đủ sức mạnh để chuyển hóa cả bạn lẫn những người xung quanh.
Khi có ai đó nói lên một điều chân thật thì đó là lúc xua tan đi những e ngại, căng thẳng. Chẳng hạn khi tôi nói chuyện với một nhóm người về đề tài thiền định, mọi người trao đổi với nhau rất lịch sự; đến khi tôi chuyển sang phong cách của nhà giáo thì cả nhóm cư xử như là các sinh viên. Chúng ta hiểu rõ những vai trò này – chúng được rèn luyện và trau chuốt kỹ. Nhưng khi có ai đó bắt đầu tâm sự, chẳng hạn: “Cách đây một năm, con trai tôi bị chẩn đoán là mắc chứng loạn thần kinh, và tôi đã nghĩ chắc mình chẳng bao giờ hết muộn phiền. Tôi rất lo buồn. Sự thiền định ở đây có ích lợi gì?”.
Lúc đó bạn có thể nghe cả tiếng đinh ghim rơi trong phòng, rồi đột nhiên là tiếng thở dài của mọi người. Bạn có thể cảm nhận sự ngọt ngào của lòng khoan dung, nhân từ lan tỏa khắp phòng như làn gió ấm áp khi mà lớp mặt nạ ngụy trang rơi xuống, và các cuộc trò chuyện trở nên thân tình và sâu sắc.
SUY NGẪM
Điều gì khiến bạn có khuynh hướng chỉ trích, phê bình người khác?
Nếu bạn có khuynh hướng bộc lộ sự giận dữ hay lòng ghen tị, hãy tự hỏi mình: “Tại sao ta lại nổi điên lên như thế?” hay: “Tại sao ta lại tị hiềm đến vậy?”. Hãy thường xuyên tự vấn mình những câu hỏi tương tự, đặc biệt trong những lúc bạn bắt gặp mình đang suy diễn vấn đề theo kiểu “suy bụng ta ra bụng người”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.