Đọc sách như một nghệ thuật
3 Cấp độ đọc đầu tiên – Đọc sơ cấp
Suốt thế kỷ XIX, tại châu Mỹ, người ta chủ yếu dùng phương pháp ABC để dạy học đọc. Trẻ em được dạy cách đánh vần từng chữ cái trong bảng chữ cái (phương pháp này còn được gọi là đọc sơ cấp) và kết hợp chúng thành âm tiết. Ban đầu là hai chữ một, sau đó là ba, bốn, bất kể các âm tiết đó có nghĩa hay không. Khi một đứa trẻ có thể kể tên tất cả các cách kết hợp đã được xác định, coi như em đã thông thuộc bảng chữ cái.
Sau đó, hình thức dạy đọc tổng hợp này đã bị chỉ trích nặng nề, và người ta đề xuất hai cách thay thế. Một là hình thức biến thể của phương pháp dạy chữ cái phân tích, gọi là phương pháp ngữ âm. Theo đó, từ được nhận biết bằng âm chứ không phải bằng các chữ cái. Các hệ thống in phức tạp và tài tình được phát minh nhằm thể hiện các âm khác nhau của một chữ cái, đặc biệt là các nguyên âm.
Hai là phương pháp sử dụng thị giác để tiếp nhận các từ trước khi chú ý đến từng chữ cái hay từng âm. Say này, người ta phát triển phương pháp này để giới thiệu với học sinh một câu đầy đủ tượng trưng cho một đơn vị ý nghĩ. Tiếp đó, học sinh mới học cách nhận biết các từ cấu thành câu đó, và cuối cùng là các chữ cái tạo nên các từ. Trong những năm 1920, 1930, phương thức này rất thông dụng. Đây cũng là thời kỳ có sự chuyển đổi từ việc đọc to sang đọc thầm. Người ta nhận ra rằng có khả năng đọc to không có nghĩa là có khả năng đọc thầm. Việc đọc thầm nhanh và toàn diện đã trở thành kỹ năng được đặc biệt quan tâm trong những năm từ 1920 đến 1925.
Trên thực tế, các phương pháp trên có thể hiệu quả với một số học sinh này, nhưng không hiệu quả với những học sinh khác. Chính vì thế, nhiều nhà nghiên cứu đã cho ra đời các công trình nghiên cứu về phương pháp dạy đọc với nhiều cách thức tiếp cận mới.
Các giai đoạn học đọc
Các giai đoạn trong quá trình học đọc đã được nhiều nhà nghiên cứu tập trung phân tích. Đa số ý kiến cho rằng có ít nhất bốn giai đoạn trong quá trình học đọc từ khi bắt đầu đến lúc được coi là có khả năng đọc chín muồi. Giai đoạn đầu tiên gọi là “sẵn sàng đọc”. Người ta đã chỉ ra rằng, khả năng này bắt đầu xuất hiện từ lúc trẻ ra đời, và thường tiếp diễn đến khi trẻ lên sáu hay bảy tuổi.
Sẵn sàng đọc gồm nhiều kiểu chuẩn bị học đọc khác nhau. Chuẩn bị về mặt thể chất tức là có thính giác và thị giác tốt. Chuẩn bị về mặt trí tuệ tức là làm sao để trẻ có thể tiếp thu, nhớ nguyên một từ và những chữ cái tạo nên từ đó. Chuẩn bị về mặt ngôn ngữ liên quan đến khả năng nói rõ ràng, và nói được nhiều câu theo đúng trật tự. Chuẩn bị về mặt cá nhân liên quan đến khả năng kết hợp với những trẻ khác, làm theo các hướng dẫn…
Giai đoạn sẵn sàng đọc được đánh giá qua các bài kiểm tra, hoặc được giáo viên – những người rất giỏi phát hiện ra khi nào một học sinh sẵn sàng đọc – ước đoán. Điều quan trọng cần nhớ là dục tốc bất đạt. Đứa trẻ nào chưa sẵn sàng đọc sẽ cảm thấy sợ hãi nếu người ta cứ cố dạy nó, và nó có thể giữ mãi nỗi ám ảnh đó cho đến khi đi học, thậm chí đến khi đã trưởng thành. Vì thế, không có gì là nghiêm trọng khi ta hoãn dạy đọc cho trẻ đến khi nào trẻ thật sự bước vào giai đoạn sẵn sàng đọc. Cũng không cần thiết phải lo rằng con mình sẽ tụt hậu, hay không theo kịp bạn bè cùng trang lứa.
Đến giai đoạn thứ hai, trẻ học đọc các loại sách báo đơn giản. Ở Mỹ, trẻ thường bắt đầu giai đoạn này bằng việc học một số từ có tính trực quan, và cố gắng học thành thạo khoảng ba, bốn trăm từ khi kết thúc năm học đầu tiên. Trong giai đoạn hai, trẻ được học các kỹ năng cơ bản như sử dụng ngữ cảnh, hay các gợi ý về nghĩa và các âm đầu của từ. Kết thúc giai đoạn này, học sinh có thể tự mình đọc được các cuốn sách đơn giản.
Giai đoạn thứ ba, trẻ tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển từ vựng và nâng cao kỹ năng phát hiện nghĩa của những từ mới thông qua các gợi ý trong ngữ cảnh. Trong giai đoạn này, trẻ có nhiều mục đích học đọc khác nhau, và đọc nhiều nội dung khác nhau như khoa học, nghiên cứu xã hội, ngôn ngữ, nghệ thuật… Trẻ học được rằng việc đọc không chỉ là điều phải thực hiện ở trường, mà còn là việc người ta có thể tự làm để thoả mãn trí tò mò, hay để mở rộng tầm hiểu biết.
Cuối cùng, giai đoạn bốn là sự trau chuốt và nâng cao các kỹ năng mà trẻ đã lĩnh hội được trước đó. Học sinh có thể bắt đầu đồng hoá các kinh nghiệm đọc của mình – tức là mang những khái niệm của một tài liệu này chuyển sang một tài liệu khác, và so sánh quan điểm của các tác giả khác nhau về cùng một chủ đề. Trẻ cần đạt đến giai đoạn đọc chín chắn này khi ở tuổi vị thành niên. Và thật lý tưởng nếu trẻ tiếp tục bồi đắp khả năng đó trong suốt quãng đời còn lại.
Giai đoạn và cấp độ
Chúng tôi mô tả bốn cấp độ đọc, và cũng đã tóm lược bốn giai đoạn học đọc ở trình độ sơ cấp. Vậy mối quan hệ giữa các giai đoạn và cấp độ này là gì?
Bốn giai đoạn được tóm lược ở đây chính là tất cả các giai đoạn của cấp độ đọc đầu tiên – đọc sơ cấp, và có thể được phân chia theo chương trình giảng dạy của trường tiểu học. Giai đoạn đầu của đọc sơ cấp – sẵn sàng đọc – tương ứng với việc theo học ở các trường dự bị và mẫu giáo. Giai đoạn hai – nắm bắt từ vựng – tương ứng với việc theo học lớp một, với kết quả là học sinh đó làm chủ được các kỹ năng đọc ở giai đoạn hai, nói cách khác lả khả năng đọc hay biết chữ ở lớp một. Giai đoạn ba – vốn từ vựng tăng lên và biết sử dụng ngữ cảnh – hầu hết các trẻ thường đạt được vào khoảng cuối lớp bốn. Trẻ có thể dễ dàng đọc các biển báo trên đường, lời chú thích trên các bức tranh, điền vào các biểu mẫu đơn giản… Giai đoạn đọc sơ cấp thứ tư và cũng là cuối cùng có thể đạt được vào cuối cấp tiểu học, hay trung học cơ sở. Đôi khi người ta gọi đó là cấp độ biết chữ tám, chín, hay mười. Đứa trẻ đã là một độc giả “trưởng thành” theo nghĩa có thể đọc hầu hết mọi thứ, nhưng vẫn chưa được nhuần nhuyễn. Nói đơn giản là trẻ đã đủ trưởng thành để có thể học trung học phổ thông.
Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa hẳn là một độc giả “trưởng thành” theo nghĩa chúng tôi muốn đề cập. Em đã nắm vững cấp độ đọc đầu tiên và chỉ có thế; em có thể tự đọc và sẵn sàng học thêm về cách đọc. Nhưng em vẫn chưa biết cấp độ đọc cao hơn cấp độ đọc sơ cấp.
Đây là một vấn đề rất quan trọng. Giả định rằng, các bạn có trình độ văn hoá lớp chín, đã thông thạo cấp độ đọc sơ cấp, nghĩa là đã vượt qua thành công bốn giai đoạn nêu trên. Suy ngẫm về điều này, các bạn sẽ thấy chúng tôi không thể giả định một mức thấp hơn. Không ai có thể học từ một cuốn sách hướng dẫn trước khi đọc được nó.
Sự khác biệt giữa khám phá có trợ giúp và không có trợ giúp thể hiện rõ ở điểm này. Thông thường, trẻ em có thể thành thục bốn cấp độ đọc sơ cấp với sự giúp đỡ của các giáo viên. Mặc dù, mỗi trẻ có khả năng khác nhau thậm chí một số cần được giúp đỡ nhiều hơn. Giáo viên sẽ trả lời các câu hỏi và giúp khắc phục những khó khăn nảy sinh trong suốt những năm tháng trẻ học tiểu học. Chỉ khi đã nắm vững cả bốn giai đoạn đọc sơ cấp, trẻ mới có sự chuẩn bị cho các giai đoạn cao hơn, bước đầu đọc một cách độc lập và tự mình học hỏi. Chỉ lúc đó, chúng mới có thể bắt đầu trở thành một độc giả thực thụ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.