Đọc sách như một nghệ thuật
Phần 2 Cấp độ đọc thứ ba – Đọc phân tích – 6 Phân loại một cuốn sách
Như đã nói ở phần đầu, phương pháp đọc trình bày trong cuốn sách này có thể áp dụng được với mọi loại tài liệu bạn phải đọc hay muốn đọc. Tuy nhiên, khi diễn giải các quy tắc đọc phân tích, chúng ta dường như bỏ qua lưu ý này.
Có rất nhiều khó khăn mà bất cứ độc giả nào cũng có thể gặp phải khi đọc trọn vẹn một cuốn sách, đặc biệt là một cuốn sách dài và khó. Đọc truyện ngắn thường dễ hơn tiểu thuyết, và đọc một bài báo thường dễ hơn đọc một cuốn sách cùng chủ đề. Vì vậy, nếu bạn đọc được một thiên sử thi bằng thơ hay một cuốn tiểu thuyết, thì bạn hoàn toàn có thể đọc dễ dàng một bài thơ trữ tình hay một cuốn truyện ngắn. Tương tự, nếu bạn có thể đọc một cuốn sách dài về lịch sử, triết học, hay một chuyên luận về khoa học thì việc đọc báo hay bản tóm tắt cùng lĩnh vực đó sẽ chỉ là chuyện nhỏ.
Do đó, tất cả những gì chúng tôi đã trình bày về việc đọc sách cũng có thể áp dụng được với tất cả các loại tài liệu khác. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể áp dụng những quy tắc này hoàn toàn giống như khi đọc một cuốn sách, nhưng việc điều chỉnh chúng cho phù hợp với loại tài liệu đang đọc không có gì khó.
Tầm quan trọng của việc phân loại sách
Phân loại sách chính là quy tắc đầu tiên của kỹ năng đọc phân tích, và có thể được diễn đạt như sau. QUY TẮC 1: BẠN PHẢI BIẾT CÀNG SỚM CÀNG TỐT LOẠI SÁCH MÌNH ĐANG ĐỌC LÀ GÌ, TỐT NHẤT LÀ TRƯỚC KHI BẠN BẮT ĐẦU ĐỌC CUỐN SÁCH ĐÓ.
Ví dụ, bạn phải biết mình đang đọc thể loại sách có nội dung hư cấu (như tiểu thuyết, sử thi, thơ trữ tình…), hay một tác phẩm có tính chất mô tả về lĩnh vực nào đó. Hầu hết mọi độc giả đều nhận biết được một tác phẩm hư cấu khi mới đọc qua. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Portnoy’s Complaint (Lời than phiền của Portnoy) là tiểu thuyết hay một nghiên cứu phân tích tâm lý? Naked Lunch (Bữa trưa trần trụi) là một truyện hư cấu hay một ghi chép chống lại việc lạm dụng thuốc? Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) là một tác phẩm lãnh mạn hay chính là lịch sử của miền Nam nước Mỹ trước và trong cuộc nội chiến? Main Street (Con đường chính) và The Grapes of Wrath (Chùm nho phẫn nộ) là những tác phẩm văn chương hay những nghiên cứu về xã hội?
Dĩ nhiên, tất cả những cuốn sách đó đều là tiểu thuyết, đều nằm trong danh sách những tác phẩm văn học bán chạy nhất. Nhưng những câu hỏi phía trên cũng không thừa vì có rất nhiều yếu tố khoa học xã hội trong các cuốn tiểu thuyết đương đại, và cũng không ít yếu tố hư cấu trong một tác phẩm về xã hội học khiến chúng ta khó có thể phân biệt. Điều này cũng tương tự với một số cuốn sách chứa đựng kiến thức về vật lý hay hoá học.
Một cuốn sách khoa học có mục đích chính là truyền tải kiến thức. Một cuốn sách chủ yếu nói đến ý kiến, lý thuyết, giả thuyết hay suy đoán đúng trong một số trường hợp cũng truyền đạt kiến thức cho người đọc, vì thế cũng là một tác phẩm khoa học. Cũng giống như tác phẩm văn chương, hầu hết độc giả có thể nhận ra một tác phẩm khoa học ngay khi nhìn thấy nó. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải phân biệt được nhiều loại sách khoa học khác nhau. Thông tin, kiến thức mà tác phẩm lịch sử và triết học cung cấp không giống nhau. Vấn đề phải giải quyết ở một cuốn sách về vật lý khác với vấn đề phải giải quyết ở một cuốn sách về đạo đức. Tất nhiên, hai tác giả cũng sẽ sử dụng các phương pháp hoàn toàn khác nhau để giải quyết những vấn đề không giống nhau đó.
Vậy bạn sẽ áp dụng quy tắc 1 thế nào? Đầu tiên là kiểm soát cuốn sách. Bạn đọc tên sách, phụ đề, mục lục, xem qua lời mở đầu của tác giả và phụ lục ở cuối sách. Nếu cuốn sách quá cũ, bạn có thể đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản. Đó là những lá cờ chỉ dẫn mà tác giả giương lên để chỉ cho bạn thấy gió sẽ thổi hướng nào.
Những điều bạn có thể học được từ tên một cuốn sách
Chúng tôi đã từng hỏi sinh viên của mình cuốn sách họ đọc nói về vấn đề gì, và yêu cầu họ miêu tả một cách khái quát nhất xem cuốn sách đó thuộc loại nào. Song để trả lời những câu hỏi này không phải là việc đơn giản.
Chúng tôi xin nêu ra một ví dụ về sự nhầm lẫn khi đọc tên một cuốn sách. Năm 1859, Darwin xuất bản một cuốn sách rất nổi tiếng. Tên cuốn sách được nhắc đến liên tục trong rất nhiều cuộc thảo luận. Ảnh hưởng của nó được đánh giá bởi cả những nhà thông thái và những bình luận viên bình thường. Cuốn sách viết về thuyết tiến hóa, trong tiêu đề sách có từ “species” (các loài). Vậy tiêu đề chính xác của cuốn sách là gì?
Nếu bạn trả lời là The origin of Species (Nguồn gốc các loài) tức là bạn đã đúng. Nhưng có thể bạn sẽ trả lời là The origin of the Species (Nguồn gốc của loài người). Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với 25 độc giả, và hơn nửa trả lời là “Nguồn gốc của loài người”. Nguyên nhân là họ chưa bao giờ đọc cuốn sách này, và cho rằng cuốn sách phải liên quan gì đó đến sự phát triển của loài người. Sự thật là cuốn sách hầu như không đề cập đến con người mà đối tượng này được Darwin nhắc tới trong cuốn sách sau của ông – cuốn The Descent of Man (Nguồn gốc loài người). Còn cuốn Nguồn gốc các loài nói đến sự sinh sôi, phát triển của muôn vàn loài động thực vật trong thế giới tự nhiên. Chúng tôi nhắc đến sai lầm phổ biến này vì rất nhiều người nghĩ họ biết tiêu đề cuốn sách mặc dù thực tế hiếm người thật sự đọc cẩn thận, và suy nghĩ xem tiêu đề sách muốn nói gì.
Trong ví dụ sau đây, chúng tôi không yêu cầu bạn nhớ tiêu đề sách, mà suy nghĩ xem tiêu đề đó muốn nói gì. Tác giả Gibbon đã viết một cuốn sách nổi tiếng về Đế chế La Mã, mang tên The Decline and Fall of the Roman Empire (Sự suy tàn và diệt vong của Đế chế La Mã). Rất nhiều người biết tên cuốn sách này ngay cả khi họ không có sách trong tay. Trên thực tế, cụm từ “suy tàn và diệt vong” đã trở thành thành ngữ. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi 25 độc giả rằng tại sao chương đầu tiên của cuốn sách lại có tên là “Quy mô và lực lượng quân sự của Đế chế La Mã trong thời kỳ cai trị của Antonines”, tất cả đều không biết. Họ không biết suy luận nếu cuốn sách có tên là Sự suy tàn và diệt vong của Đế chế La Mã thì nội dung thường sẽ bắt đầu bằng thời kỳ hoàng kim của đế chế, rồi mới đến suy tàn và diệt vong. Vì thế, họ dịch một cách vô thức cụm từ “decline and fall” (suy tàn và diệt vong) thành “rise and fall” (phát triển và suy tàn). Họ bối rối vì không thấy cuốn sách nhắc đến nền Cộng hoà La Mã – chế độ tồn tại trước thời kỳ trị vì của Antonines đến 150 năm. Nếu họ đọc kỹ tiêu đề sách, họ có thể suy đoán rằng thời kỳ trị vì của Antonines là thời hoàng kim của Đế chế La Mã. Nói cách khác, tiêu đề sách có thể cung cấp cho độc giả những thông tin cần thiết về cuốn sách trước khi họ bắt đầu đọc nội dung. Nhưng đa số độc giả thường không đọc kỹ tiêu đề sách, cả những cuốn họ đã biết hay chưa từng biết.
Một nguyên nhân khiến nhiều người bỏ qua tiêu đề sách và lời mở đầu là họ không nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại sách. Họ không tuân theo quy tắc đầu tiên của việc đọc phân tích. Các tác giả viết sách thường cố gắng viết phần mở đầu thật đơn giản, dễ hiểu, và đặt tiêu đề hoặc phụ đề sách có tính miêu tả. Hai nhà vật lý Einstein và Infeld khi viết lời tựa cho cuốn The Evolution of Physics (Sự phát triển của vật lý học) đã thổ lộ rằng họ mong muốn độc giả biết việc đọc một cuốn sách khoa học dù phổ thông thế nào cũng không thể giống cách đọc một cuốn tiểu thuyết. Vì thế, hai ông đã xây dựng một mục lục đầy tính phân tích để báo trước cho người đọc phần trình bày nội dung chi tiết. Trong bất cứ trường hợp nào, những tiêu đề chương được liệt kê ở phía trước cũng có tác dụng khuếch đại tầm quan trọng của tiêu đề chính.
Độc giả nào bỏ qua nội dung trên sẽ rất khó trả lời câu hỏi “Cuốn sách bạn đọc thuộc loại nào?”. Và nếu chưa bao giờ tự hỏi bản thân câu hỏi này thì sẽ còn nhiều câu hỏi khác về cuốn sách họ không thể trả lời được.
Đọc tiêu đề sách cẩn thận rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Mặc dù có những tiêu đề rất rõ ràng nhưng cũng không thể giúp bạn phân loại được cuốn sách đó, trừ phi bạn có một danh mục các loại sách ở trong đầu.
Tóm lại, để tuân thủ nguyên tắc 1 của việc đọc sách bạn phải biết đó là loại nào.
Sách lý thuyết hay sách thực hành
Ai cũng đã ít nhiều dùng các từ “lý thuyết” và “thực hành”, nhưng chưa hẳn tất cả đều hiểu hết ý nghĩa của chúng. Với những người có đầu óc thực tế, từ “lý thuyết” mang tính hão huyền thậm chí là xa với; còn từ “thực hành” có nghĩa là một việc gì đó được thực hiện và mang lại lợi nhuận tức thì.
Chúng ta đều biết rằng hành động thông minh phải bắt nguồn từ tri thức. Tri thức hay kiến thức có thể được sử dụng theo nhiều cách, không chỉ để chế ngự thiên nhiên hay sáng chế ra máy móc, những công cụ hữu dụng, mà còn để định hướng phẩm cách và điều chỉnh hoạt động của con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có một số cuốn sách cũng như một số giáo viên chỉ quan tâm đến những kiến thức mà họ phải truyền đạt, nhưng điều này không có nghĩa họ phủ nhận giá trị sử dụng của những kiến thức đó. Nhiều người lại có mối quan tâm vượt ra ngoài khuôn khổ kiến thức đơn thuần. Họ muốn tìm hiểu sâu hơn vè những kiến thức có thể giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Họ vừa truyền kiến thức, vừa nhấn mạnh đến việc áp dụng kiến thức vào thực tế.
Để kiến thức mang tính thực tế, chúng ta phải biết chuyển chúng thành nguyên tắc hoạt động, từ việc biết đó là trường hợp nào sang việc biết phải làm gì để đạt được mục tiêu trong trường hợp đó. Đó là sự khác biệt giữa biết cái gì và biết cách nào. Sách lý thuyết dạy bạn về bản chất lý lẽ. Sách thực hành dạy bạn cách làm những điều bạn muốn hoặc nghĩ là nên làm.
Bất kỳ cuốn sách hướng dẫn nào, hoặc những cuốn sách chỉ cho bạn biết nên làm gì hoặc làm như thế nào đều là sách thực hành. Sách thực hành bao gồm những cuốn sách mô tả nghệ thuật dành cho người học; những cuốn sổ tay về bất cứ lĩnh vực nào như cơ khí, y khoa, nấu ăn; và cả những sách chuyên luận về kinh tế, đạo đức hay chính trị. Chúng tôi sẽ giải thích tại sao những cuốn sách chuyên luận về kinh tế, đạo đức hay chính trị (thường được coi là những sách mang tính quy chuẩn, quy phạm) lại là một nhóm rất đặc biệt trong danh mục sách thực hành.
Bất cứ một cuốn sách đạo đức nào cũng đều dạy ta cách sống, chỉ bảo ta những điều nên và không nên làm, thông tin cho ta biết về cả “phần thưởng” và “hình phạt” gắn với việc thực hiện hay không thực hiện những điều đó. Vì thế, chúng là những cuốn sách thực hành. Một số nghiên cứu xã hội học chỉ đơn thuần mô tả, chứ không đánh giá hay nhận định gì về thái độ, hành vi thực tế của con người thì không được coi là sách về đạo đức hay sách thực hành. Chúng chỉ là những tác phẩm lý thuyết – những công trình khoa học.
Ta có thể lý giải tương tự với một cuốn sách về kinh tế học. Bên cạnh những báo cáo, những con số liên quan đến toán học và thống kê – phần nặng về lý thuyết hơn thực hành – thì những cuốn sách này thường dạy ta cách tổ chức đời sống kinh tế ở nhiều quy mô từ cá nhân đến tập thể hay quốc gia; chỉ cho chúng ta nên hay không nên làm gì và thông tin về những hậu quả tương ứng nếu ta không làm những việc phải làm.
Immanuel Kant đã viết hai tác phẩm triết học nổi tiếng là The Critique of Pure Reason (Bàn về suy luận thuần tuý) và The Critique of Practical Reason (Bàn về suy luận mang tính thực hành). Cuốn thứ nhất nói về cái gì là gì, và chúng ta hiểu nó như thế nào chứ không phải làm cách nào để hiểu nó. Cuốn thứ hai nói về việc con người nên kiểm soát bản thân như thế nào, và điều gì tạo nên phẩm giá, đức hạnh của con người. Cuốn sách này đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của bổn phận như là nền tảng cho mọi hành động đúng đắn và sự nhấn mạnh đó có thể khiến nhiều độc giả hiện đại khó chịu. Họ cho rằng, niềm tin vào bổn phận như một quan niệm đạo đức có giá trị là điều phi thực tế. Nhưng điều này không làm mất đi tính thực hành trong cuốn sách của Kant.
Ngoài những loại sách trên, còn có một loại sách thực hành nữa. Một bài diễn văn, một bài phát biểu mang tính chính trị, hay lời kêu gọi hành động chứa đựng những nội dung thuyết phục bạn nên làm gì và nên cảm thấy như thế nào về một sự việc đó.
Mặc dù cuốn sách thực hành nào cũng mang tính khích lệ, cổ vũ nhưng những yếu tố này không được đặt ngang hàng với yếu tố thực hành. Có sự khác biệt rõ ràng giữa một bài kêu gọi hành động với một chuyên luận chính trị, giữa một tờ tuyên truyền về kinh tế với một bài phân tích những vấn đề kinh tế.
Đôi khi bạn có thể dựa vào tên một cuốn sách để nhận biết rõ nó có thiên về thực hành hay không. Bạn có thể nhanh chóng nhận ra loại sách đó nếu tên sách có những cụm từ như “nghệ thuật để” hoặc “cách để”. Hoặc nếu tên tác phẩm đề cập đến những lĩnh vực mang tính thực hành mà bạn biết như đạo đức, chính trị, kinh doanh, thậm chí có thể là kinh tế học, luật pháp hay y khoa, thì bạn có thể phân loại cuốn sách đó khá dễ dàng.
Khi miêu tả nghệ thuật đọc kiểm soát, chúng tôi đã lưu ý bạn sau khi đọc trang đầu và có thể cả phần phụ lục, bạn không nên dừng lại mà nên đọc cả những đoạn văn có tính chất tổng kết hay tóm tắt xuyên suốt cuốn sách. Các bạn cũng nên đọc cả phần mở đầu, phần kết và những phần chính của cuốn sách.
Việc này hoàn toàn cần thiết, nhất là trong những trường hợp bạn không thể phân loại cuốn sách dựa vào tên sách hay những trang đầu. Khi đó, bạn phải dựa vào các ký hiệu xuất hiện trong phần chính của cuốn sách. Bạn sẽ phân loại được một cuốn sách mà không phải đọc quá kỹ nếu chú ý đến câu chữ và ghi nhớ những mục sách cơ bản trong đầu.
Trong một cuốn sách thực hành thường xuất hiện những từ như: nên, phải, tốt, xấu, mục đích, phương tiện. Câu đặc trưng của một cuốn sách thực hành thường nói rằng điều gì đó nên làm; hoặc đây là cách đúng đắn để làm việc gì đó; hoặc hướng tới cái đích nào thì tốt hơn; hay chọn phương tiện nào thì phù hợp hơn. Ngược lại, một cuốn sách lý thuyết lại liên tục nhắc đến từ “là” thay vì “nên” hay “phải”. Nó cố gắng chứng minh điều gì đó là đúng, là sự thật, chứ không phải mọi việc sẽ tốt hơn nếu đặt trong tình huống ngược lại.
Trên đây, chúng tôi mới chỉ gợi ý một số dấu hiệu mà bạn có thể sử dụng khi bắt đầu phân biệt một cuốn sách. Bạn càng hiểu những dấu hiệu giúp phân biệt sách lý thuyết với sách thực hành bao nhiêu, bạn càng sử dụng chúng tốt bấy nhiêu.
Tuy nhiên, bạn cũng cần học cách nghi ngờ những dấu hiệu đó. Như đã nói ở trên, mặc dù kinh tế học thường là vấn đề thực tiễn, nhưng vẫn có sách kinh tế học thuần tuý lý thuyết. Tương tự, vấn đề về hiểu biết thường mang tính lý thuyết nhưng vẫn có sách dạy bạn “nghĩ như thế nào”. Cũng có thể, bạn sẽ gặp một tác giả không hiểu gì về sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành, như những tiểu thuyết gia không phân biệt được đâu là hư cấu, đâu là xã hội học. Hoặc có thể bạn sẽ thấy những cuốn sách vừa thuộc loại này vừa thuộc loại khác. Dù thế nào, việc tìm hiểu cách tác giả tiếp cận vấn đề vẫn rất có ích đối với các độc giả.
Các loại sách lý thuyết
Cách phân loại truyền thống đối với sách lý thuyết là chia chúng thành các lĩnh vực như lịch sử, khoa học và triết học. Hầu như ai cũng biết sơ qua về sự khác biệt giữa các loại sách này. Ví dụ, tiêu đề sách lịch sử luôn có những nét đặc trưng như có từ “lịch sử” xuất hiện, nếu không thì những từ còn lại thường báo cho độc giả biết cuốn sách này viết về chuyện đã xảy ra. Thêm nữa, một cuốn sách lịch sử điển hình luôn hành văn theo lối kể. Nhà sử học thường phải viết một cách văn vẻ, tức là phải tuân theo những nguyên tắc để kể một câu chuyện hay.
Tiêu đề một tác phẩm khoa học ít có tính biểu lộ như tiêu đề một cuốn sách sử học. Từ “khoa học” thỉnh thoảng cũng xuất hiện nhưng thường thì tên của lĩnh vực khoa học sẽ có mặt trên tiêu đề sách, ví dụ như tâm lý học, địa chất học hay vật lý học. Rắc rối xảy ra khi bạn không phân biệt rõ ràng giữa vật lý học và tâm lý học – những lĩnh vực mà các nhà khoa học và triết học đã tranh luận rất nhiều qua các thời kỳ. Thậm chí rắc rối nằm ngay trong những từ như “triết học” và “khoa học” vì chúng vốn được sử dụng rất đa dạng. Aristotle gọi cuốn Physics (Vật lý) của ông là một chuyên luận khoa học, mặc dù theo cách dùng hiện nay thì cuốn sách đó mang tính triết học nhiều hơn. Tương tự, Newton đặt tên tác phẩm vĩ đại của mình là Mathematical Principles of Natural Philosophy (Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên), mặc dù với chúng ta cuốn sách đó là một trong những tác phẩm khoa học kinh điển.
Triết học giống khoa học và khác sử học ở chỗ nó thiên về tìm kiếm những chân lý phổ quát hơn là mô tả những sự kiện cụ thể dù ở quá khứ gần hay quá khứ xa. Những nhà triết học không đặt câu hỏi giống của nhà khoa học, và họ cũng không sử dụng phương pháp tương tự để trả lời.
Vậy làm như thế nào để phân biệt được sách về triết học và sách khoa học? Nếu một cuốn sách tập trung nói về những điều nằm ngoài phạm vi kinh nghiệm thường ngày, lặp đi lặp lại của bạn, thì đó là sách khoa học. Bằng không, đó là một tác phẩm triết học. Cần nhớ rằng, tiêu chí phân loại này chỉ áp dụng với những cuốn sách hoặc là khoa học hoặc là triết học, chứ không áp dụng với những cuốn sách viết về các lĩnh vực khác.
Sự phân biệt này có vẻ khác lạ. Chúng tôi xin minh hoạ cụ thể. Cuốn Two New Sciences (Hai ngành khoa học mới) của Galileo đòi hỏi bạn phải tưởng tượng, hoặc tự mình làm một số thí nghiệm với mặt phẳng nghiêng. Cuốn Opticks (Quang học) của Newton nói đến những thí nghiệm trong phòng với hình lăng trụ, gương và những chùm sáng được kiểm soát đặc biệt. Thí nghiệm mà các tác giả trên nói đến chưa chắc đã được họ thực hiện trong phòng thí nghiệm. Còn trong cuốn Nguồn gốc các loài, Darwin tường trình lại những điều mà ông đã quan sát qua nhiều năm nghiên cứu. Đó là những điều có thể hoặc đã được kiểm chứng bởi các nhà quan sát khác, nhưng lại không thể kiểm chứng được bằng kinh nghiệm thường ngày của một người bình thường.
Ngược lại, một cuốn sách triết học không bao giờ đề cập đến những thực tế hay quan sát nằm ngoài kinh nghiệm của một người bình thường. Một triết gia sẽ dẫn người đọc hướng tới kinh nghiệm chung, thông thường của họ để kiểm chứng, xác thực hay ủng hộ những gì người viết đưa ra. Ví dụ cuốn Essay Concerning Human Understanding (Luận bàn về hiểu biết của con người) của Locke đưa ra đều gắn liền với kinh nghiệm mà người nào cũng có thông qua hoạt động của hệ thần kinh. Trong khi đó, rất nhiều tác phẩm của nhà tâm lý học Freud là tác phẩm khoa học vì Freud đưa ra rất nhiều quan điểm thông qua việc tường thuật lại những điều ông quan sát được trong điều kiện đơn giản của văn phòng một nhà phân tích tâm lý.
Tuy nhiên trường hợp của William James – một nhà tâm lý học vĩ đại – lại là người “đứng giữa dòng”. Ông tường thuật lại nhiều ví dụ về những thí nghiệm đặc biệt mà chỉ những người quan sát cẩn thận và được đào tạo bài bản mới có thể hiểu được. Nhưng ông cũng thường xuyên yêu cầu người đọc đánh giá xem những điều ông nói có đúng với kinh nghiệm của bản thân họ không. Do đó, cuốn Principles of Psychology (Những nguyên tắc tâm lý học) của ông vừa là một tác phẩm khoa học vừa là một tác phẩm triết học mặc dù mục tiêu chính của nó liên quan đến khoa học.
Nếu nói một cách đơn giản, khoa học liên quan đến thí nghiệm hoặc phụ thuộc vào những nghiên cứu và quan sát tỷ mỷ. Còn triết học đơn thuần là dựa ghế suy ngẫm. Điều này không có nghĩa một triết gia chỉ đơn thuần là một nhà tư tưởng, và một nhà khoa học chỉ làm một quan sát viên. Cả hai đều phải quan sát và suy nghĩ nhưng họ nghĩ về những loại thông tin khác nhau mà họ quan sát được, đưa ra những cách chứng minh kết luận khác nhau. Nhà khoa học sẽ chỉ vào kết quả từ những trải nghiệm đặc biệt của mình, còn nhà triết học chỉ vào những kinh nghiệm đã quen thuộc với tất cả mọi
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.