Thuật Tư Tưởng

Chương IV CHỦ QUAN VÀ KHÁCH QUAN



A. Phán đoán về giá trị: chủ quan

 

Trong khi phán đoán, cần phải biết phân biệt thế nào là phán đoán về giá trị và thế nào là phán đoán về sự thật.

 

Mỗi thứ phán đoán đều có cái giá riêng của nó, nhưng nếu không biết phân biệt cho rành, thì tư tưởng ta sẽ hỗn độ hoang mang thật không phải là không có hại vậy.


 

Trong câu chuyện hằng ngày nghe lẫn lộn hai phán đoán này. Người nói ra, đến người nghe nó, cũng không mấy ai để ý phân biệt.

 

Nhưng khi ta nói: “Cái bàn này tròn”… “Người thợ mộc đóng ra cái bàn một ngày”… “Sắt đốt nóng thì giãn ra”, đó là những phán đoán về sự thật, những phán đoán chỉ về tính chất của sự vật, không có một dục vọng, một mảy yêu ghét gì của mình chen vào cả. Những phán đoán ấy, nhà triết học gọi là phán đoán khách quan.

 

Trái lại, khi ta nói: “Cái bàn này rất đẹp, và tiện lắm”… “người này dễ thương và đẹp trai quá”… “vàng quý hơn sắt”, ta không còn phán đoán khách quan nữa, mà đã chen tình ý ta vào đó. Ta không quyết định sự vật theo cái giá trị riêng của nó đối với nó, mà là giá trị của nó đối với sự ưa ghét, trọng khinh của mình. Đó là phán đoán về giá trị, những phán đoán chủ quan.


 

Phán đoán về giá trị, là lối phán đoán của những nhà luân lí, tôn giáo, mỹ thuật, chính trị, kinh tế. Giá trị đây tức là giá trị đối với lòng ao ước của người. Thật vậy, một sự, một vật mà ta không ao ước gì cả thì còn gọi là giá trị gì nữa. Cố nhiên là những cái chí ta ao ước thèm muốn nhiều, ta ban cho nó một giá trị cao. Muốn mà càng thấy khó đạt được mục đích chừng nào, thì vật ấy lại càng thêm đắt giá. Tỉ như, người vợ chưa cưới bao giờ cũng cao giá hơn người vợ đã cưới lâu ngày. Nếu người ấy lại là người nhiều kẻ gấm ghé như mình, thì cái giá của họ đối với ta lại càng gấp bội. Lấy một tỉ dụ khác về sự vật thường như cái nón, đôi giày cũng thế. Về kinh tế, ta thấy hễ những món đồ mà nhiều người ưa thích thì được bán giá cao. Món nào ta tao ước thì bao nhiêu cũng mua cho được, nhưng đến không còn thèm muốn nữa, thì có mất đi, cũng không biết tiếc. Bởi vậy, giá trị của sự vật cao thấp thế nào, chỉ do nơi lòng ham muốn của ta nhiều hay ít mà thôi vậy.

 

Giá trị sự vật đều tùy sự ưa ghét của ta mà tăng giảm, thế thì, nó không phải là tuyệt đối, nghĩa là chung cho tất cả con người bất kì là ở vào thời buổi nào. Giá trị sự vật chỉ ở vào một thời gian, một khu vực, một dân tộc hay một phe phái, một tôn giáo. Ta đừng lầm lẫn nó với phán đoán sự thật.

 

Phán đoán về sự thật, ở vào thời buổi nào, ở vào hoàn cảnh nào cũng đều không biến thiên giá trị của nó. Dầu ta là người Việt Nam hay người Tàu, người Nhật hay người Pháp,bao giờ và ở đâu, cũng phải công nhận sự thật này: “Lửa thì nóng”.

 

Nếu ta nói: “Nhà thi sĩ đáng yêu”, thì sẽ có kẻ cãi: “Nhà thi sĩ đáng ghét”. Trái lại, nếu mình nói: “Nhà thi sĩ làm thơ” thì ắt không còn ai cãi với ta nữa cả, dầu người ấy ở vào thời buổi nào hay ở vao xứ sở nào.

 

Tuy nhiên, có kẻ sẽ vặn rằng: Ở đời không có một phán đoán nào là khách quan cả. Vì đã gọi là phán đoán là đối với một chủ quan rồi. Ánh sáng của mặt trời là gì nếu không có cặp mắt thấy nó? Luật hấp dẫn có làm gì nếu không có một tư tưởng để hiểu nó? Bởi vậy dầu sao, đã có phán đoán là có chủ quan rồi vậy.

 

Đúng như vậy ở đây, không cần ta phải mở ra cuộc bàn cãi cũ kĩ này lại làm chi nữa. Theo nhà duy tâm, ta cũng nhận cho rằng: Phán đoán về sự thực là một phán đoán chủ quan nhưng chỉ là một thứ phán đoán mà phần chủ quan chỉ là một “đơn số” thôi, còn phán đoán về giá trị, là thứ phán đoán mà phần chủ quan tăng lên đến “bội số”, vì chẳng những nó biểu lộ bản tính ta mà lại đượm thuần thêm ý hướng của tình cảm ta nữa. Thật vậy, nếu ở đây, ta lược bỏ cái tình cảmđi, thì những giá trị trong đời cũng liền theo đó mà tiêu ma tất cả.

 

Tóm lại, phán đoán về giá trị, và phán đoán về sự thực sở dĩ khác nhau xa là nơi một đàng để Tình Cảm xen vào, một đàng không chịu để cho Tình Cảm lẫn lộn nơi trong.


 

Phán đoán về giá trị, như ta đã thấy, là lối phán đoán theo Tình Cảm của ta. Thế thì, nó không phải là một vật có thật ngoài ra, mà chỉ là một sáng tạo của ta sao? Vậy, với lối phán đoán ấy, ta tha hồ muốn thay đổi thế nào cũng đặng, tùy sự ưa ghét của ta, có được không?

 

Được, mà không.

 

Được, là bao giờ nó chỉ là một thẩm định của ta thôi, chưa phải là một thẩm định chung của phần đông.

 

Không, là khi nào thẩm định ấy là thẩm định của một số đông người, đã thành một giá trị xã hội rồi. Chừng đó, những giá trị ấy trở lại cưỡng ép ta, dầu ta muốn hay không muốn nhận cũng không được. Chính như những giá trị của phong tục, tập quán, luân lý, tôn giáo… mà phần đông chúng ta phải cúi đầu nhận lấy. Cái mà xã hội chung quanh hiện tại đã nhìn nhận và cho là giá trị, ta không quyền khinh rẻ. Tóm lại, giá trị sở dĩ thành mệnh lệnh là vì nó có tính cách xã hội ở trong. Bởi vậy, phải coi chừng, đừng có chạm đến lòng tín ngưỡng của xã hội chung quanh một cách vô ích.


 

Xã hội nào cũng có một bản giá trị riêng. Nhưng lúc thái bình thì khác mà lúc loại ly thì khác. Bởi vậy, sau khi giặc giã, người ta hay kêu gào: Hãy sửa đổi và định lại những giá trị của xã hội. Những giá trị của một xã hội dân chủ khác với những giá trị của một xã hội đế quyền. Quan niệm về sang, hèn, vinh, nhục của hai bên đều khác. Nói về luân lý, tôn giáo cũng vậy. Xã hội Á đông không quí đàn bà bằng xã hội Âu tây. Một người quân tử theo quan niệm Âu tây không giống với người quân tử theo quan niệm Á đông. Xã hội nước Pháp trước và sau đại chiến 1914-1918 có những giá trị khác nhau.

 

Trong một xã hội, cùng một thời, lại cũng phân ra nhiều thứ giá trị khác nhau. Là vì nhân cái luật phân công trong công việc làm của xã hội mà sinh ra. Kinh tế hay mỹ thuật, tôn giáo hay luân lý, mỗi một thứ giá trị lại làm thành một khu vực riêng, không ăn chịu gì đến các khu vực khác. Hễ mình đứng vào giới nào, thì phải nhận những giá trị riêng của giới ấy. Nếu ta đứng về phương diện mỹ thuật mà phê bình, thì phải vịn vào những giá trị riêng của giới mỹ thuật, không thể dùng những giá trị riêng của giới luân lý hay tôn giáo được. Với luân lý, thời sự trần truồng là bất nhã khả ố, mà đối với mỹ thuật thì khác, người ta lại lấy đó làm một nguồn hứng rất hay vẹp. Dưới con mắt của nhà khoa học thì sự dâm dục là một việc thường không lấy gì làm gai mắt, nhưng dưới con mắt nhà luân lý, thì trái lại, là một việc khả bỉ. Mỗi giới có một bản giá trị riêng, thế thì, con người ở trong xã hội, có phải vì đó mà bị chia phân nhau ra, nghĩa là, người ở trong giới này, không thể bắt tay với người ở trong giới khác chăng? Không. Tiếc rằng nhiều phe phái trong một xã hội, vì quá nhiệt tâm bảo hộ bản giá trị của phe mình, họ lập thành một “quốc gia” trong một quốc gia thành thử con người trong một nước như vậy bị chia rẽ nhau, kình chống nhau, tranh đấu nhau như kẻ thù.

 

Không, đây là do con người không phân biệt được thực sự và giá trị. C. Bougle nói: “Ta hãy thử xem cái tâm trí của người cổ lỗ với tâm trí của một kẻ văn minh mà so sánh thì rõ: Không lẫn lộn loại này với loại kia, biết đứng trên nhiều phương diện khác nhau để xem xét sự vật, biết trọng kính và không lầm lẫn với nhau những qui luật của các ngành hoạt động của mình đang làm, đó là cái biểu hiện rằng mình là người có giáo dục cao… Kẻ nào không biết phân biệt và đảo lộn tất cả những tiêu chuẩn, tức là đứng ở phương diện chính trị mà phê bình một công cuộc kinh tế, hoặc đứng theo phương diện luân lý mà phê bình một công trình mỹ thuật, người đó thật là một người không kịp thời rất đáng chán… Biết theo chỗ phân biệt giữa các giá trị của mọi vật để phê bình, đó là tiêu biểu của một lối tự do siêu đẳng”.[22]

 

Thật vậy, tôi thường thấy có nhiều nhà phê bình đứng trên nền tảng luân lý mà phê bình một tác phẩm về văn chương như Truyện Kiều, thật là sai lầm lắm vậy.


 

Tinh thần con người, trước sau chỉ có Một, nhưng nếu phải vừa nhận bản giá trị này, vừa nhận bản giá trị kia thì làm sao tránh cho khỏi sự phân vân ly tán trong đàu óc. Không đâu. Chính nơi đây là chỗ phân biệt tinh thần của người bán khai với kẻ văn minh.

 

Đời sống càng ngày càng phức tạp: Ngành hoạt động trong xã hội phải phân chia ra, để cho mỗi phần được phát triển đến cực điểm. Nhưng đã là con người thời không thể nào hờ hững với những điều có dính líu đến con người cho được. Nhà khoa học, cũng không thể chỉ biết đến khoa học thôi, mà không thiếu gì đến triết học hay mỹ thuật. Muốn cho tư tưởng mình sáng suốt, phán đoán mình đúng đắn không thiên tư… thời phải “thông bác để giúp ích cho sự chuyên môn của mình”. Thử tưởng tượng một bác sĩ, chỉ xem xét mọi sự vật theo khuôn khổ của ngành chuyên môn của mình thôi, chỉ biết vịn theo một bản giá trị của nghề nghiệp mình mà phán đoán tất cả mọi sự vật ở đời ta sẽ nghĩ cho sự phán đoán của người ấy như thế nào? Hoặc một nhà đạo đức, chỉ biết vịn theo một bản giá trị rất cũ kỹ của luân lý Việt Nam mà phê bình tất cả luân lý các nước, luôn cả nghệ thuật văn chương của vạn quốc, thì người ấy như thế nào?

 

Biết phân biệt các loại giá trị, là một sản phẩm mà cũng vừa là một điều kiện của đời sống văn minh”. (C. Bouglé). Thật đúng như thế: Ta hãy xem ngay tinh thần của người bán khai thì rõ. Mình đừng tưởng lầm rằng tinh thần họ phó mặc cho dục vọng chi phối. Họ cũng có lý luận, tư tưởng họ cấu tạo cũng phức tạp lắm. Ta cứ xem ngay địa vị của thần thoại và nghi lễ trong xã hội của họ kia, đủ rõ tinh thần họ không phải đơn sơ như con trẻ mà xưa nay ta lầm tưởng. Nhưng, cái chỗ mà tinh thần họ không thể đạt đến là “biết phân biệt giá trị của các loại, và biết lý luận theo từng khu vực, không để cho sự hội ý tha hồ kết cấu”. (C. Bouglé). Theo họ, bất cứ cái gì cũng can dự lẫn nhau. Với họ, chỗ phân biệt giữa mọi sự vật rất lờ mờ. Họ lẫn cái nọ với cái kia, hữu hình với vô hình, mộng tưởng với thực tế, sống với chết, phần tử với toàn thể… Họ đa cảm đến đỗi họ xáo trộn cả tư tưởng với dục vọng lại làm một. Với họ, luân lý toàn là lối lý luận theo tình cảm, lấy Tình làm Lý, lấy Lý làm Tình, hỗn độn mơ màng, không biết đâu là ranh hạn. Lại nữa, họ không bao giờ biết suy nghĩ một mình trong tĩnh mịch. Thường họ chỉ biết suy nghĩ theo quần đoàn, trong những lúc bị phấn kích mãnh liệt mà thôi. Bởi vậy, tư tưởng họ lại càng dễ mù mờ pha tạp với dục tình của họ.

 

Tóm lại, tư tưởng con người lúc ban đầu chưa biết phân biệt được đâu là phán đoán về thực sự, đâu là phán đoán về giá trị, nghĩa là khó hạnh định được tính chất của sự vật mà không để cho tình cảm chen vào.

 

Tinh thần của người văn minh thì khác. Với họ, Lý là Lý mà Tình là Tình. Lý luận của họ không bao giờ lộn xộn như người bán khai. Văn Minh mà tôi muốn nói đây là tinh thần thật văn minh, chớ không phải chỉ chung những người sống trong xã hội văn minh ngày nay mà vẫn còn giữ đầu óc của dân tộc bán khai đâu. Vì chưa chắc những người sống trong thời đại bây giờ mà người ta gọi là Văn Minh, thật là văn minh cả đâu. Sống cùng với dân tộc bán khai nhưng tinh thần tiến hóa rất cao, là người văn minh. Sống cùng với dân tộc văn minh mà đầu óc thô sơ, tinh thần kém cỏi là người bán khai. Người ta vì có sự phân công trong việc làm, vì chia phe chia nhóm, chia nghiệp đoàn, chia tông phái, chia dân tộc… rồi thì hay phê bình kẻ khác khiến cho xã hội kình chống rối ren như tơ nuồi… đó đâu phải là văn minh. Bấy giờ, họ tập lấy cái đức khoan dung để cho thiên hạ được hòa bình tạm lại. Nhưng mà đâu có dễ gì. Vì con người dục vọng còn nhiều, có khi còn hơn người bán khai nữa, cho nên sự cố chấp lan tràn trong xã hội.

 

C. Bougle nói: “Con người trong xã hội dã man dường như ít có đủ tư cách đứng trên nhiều phương diện khác nhau như nghệ thuật, luân lý tôn giáo hay kinh tế để phê bình sự vật. Tư cách ấy, lần lần tăng lên theo trình độ văn minh tiến bộ của họ”.


 

Những quan niệm về thị phi, thiện ác là những phán đoán theo giá trị. Nó tùy dân tộc, tùy thời gian, tùy tôn giáo, tùy luân lý mà biến đổi. Cho nên, nó không phải là tuyệt đối mà phải biết tùy nghi sửa đổi cho hạp thời thuận cảnh. Luân lý Khổng Mạnh có những bản giá trị khác với luân lý Lão Trang. Chỗ trọng khinh của hai bên đối với sự vật trong đời thật là khác hẳn như trời vực.

 

Giá trị của mọi sự vật đều là tương quan cả. Những giá trị sai lầm của một xã hội thường hay lôi kéo xã hội ấy vào con đường trụy lạc hay bại vong. Vậy phải có can đảm phá hoại nó đi, đừng có đui mù mà tôn thần thánh nó. Những bậc đại nhân xã hội như Gia Tô, Thích Ca, Khổng Tử… ra đời đều có mang theo một bản giá trị riêng để sửa đổi cái tệ bại của thời đại. Giá trị của mỗi học thuyết đều có cái giá riêng của nó đối với thời đại bấy giờ. Khi phán đoán hay phê bình phải biết để ý đến sự tương quan và tạm thời của mỗi loại giá trị.

 

Đừng bắt chước Voltaire mà kêu án gắt gao nào là vô luân tàn bạo hay tà dâm những nghi tiết kì khôi về các tín ngưỡng của dân tộc thời cổ, như: giết người để cúng thần, nhảy múa lõa lồ trước bàn thần v.v… Phải coi chừng, về vấn đề luân lý đừng có phê bình hết thảy người ta theo cái tầm luân lý của mình. Cái chỗ mình cho là vô luân, chưa ắt đối với người xưa đó cũng là vô luân.

 

Trong những bài diễn thuyết về Tôn Giáo, Khoa Học và Luân Lý, F. Buison kể lại câu chuyện thương tâm như vầy: “Theo nhiều bộ lạc người da đỏ, có một điều cấm kị này, là người đàn bà gần sinh phải đi ra khỏi làng mình mà sinh. Khi kia có một người đàn bà gần sinh, nhưng trời lạnh lắm. Người chồng liền buộc lòng phải đào ngoài xa một lỗ lớn trong tuyết và bồng người vợ đem bỏ vào lỗ ấy. Trong khi ấy người chồng khóc thảm thiết, vì biết chắc vợ mình thế nào rồi cũng phải chết”. F. Buisson lại nói: “Giá người chồng có đủ cam đảm phá cái điều cấm kị ấy, không biết sợ oai tế các bậc trưởng lão trong làng, không sợ lời dị nghị chê bai của chung quanh và sự hăm he của thầy phù thủy, chỉ biết nghe lòng nhân ái của mình thôi để chống lại với tập quán xã hội, đó là một lối luân lý tự do của cá nhân đã lẻn vào được trong bộ lạc ấy rồi”.

 

Công việc của người chồng ấy đã làm có thể là một việc phi lý, chớ không phải là vô luân, vì luân lý của người ta nhận cho đó là “phải”, và ai làm trái lại là “quấy”.


 

B. Phán đoán theo sự thực: Khách

 

Như chúng ta đã thấy ở trên: Phán đoán về giá trị chẳng phải để bày tỏ tính chất tự nhiên của sự vật mà chỉ là để biểu minh những sự ao ước thèm muốn của con người trong xã hội mà thôi.

 

Những phán đoán theo sự thực, trái lại, toàn là những sự thật, những sự mà ta đã có thể thí nghiệm, hoặc dùng lý luận mà chứng minh được.

 

Thẩm định một sự vật, cho nó là đáng ưa hay đáng ghét, có ích hay có hại, đẹp đẽ hay xấu xa là một việc; mà quả quyết nó là có, phân loại nó theo bản chất hay tính chất nó, tìm những định lệ của nó, và đặt ra những quan hệ giữa các định lệ ấy lại là một việc khác nữa. Muốn cho nó được hết sức khách quan, thì phải biết làm cho im bặt cả sự thẩm định chủ quan đi dàu rằng xã hội bó buộc ta phải làm trái lại.

 

Những quy tắc của phương pháp Descartes: “Đừng cho cái gì là đã xong nghĩa là không còn phải sửa đổi nữa; đừng để cho cái gì nhồi sọ”, đó là những câu khuyên ta giải thoát – giải thoát lấy quyền thế của người trước. Đó là tinh thần khoa học vậy. Brunschwicg, bàn giải triết học Descartes có câu: “Trước Descartes, mỗi khi các dân tộc tự hỏi: Phải biết cái chi? Phải tin cái gì? Phải làm sao đây?, họ liền ngó lại đàng sau họ, nghĩa là họ đi tìm những câu trả lời sẵn từ trong sách vở, thuộc về sách thánh hay sách phàm. Từ Descartes sắp xuống đến ta, trái lại, chúng ta ngó đàng trước ta. Đành rằng, không phải tìm lại hết, nhưng phải biết đem tất cả những điều cựu lệ mà xét lại, xem nó bằng cặp mắt của ta, phê phán nó bằng đầu óc của ta”.

 

Hơn nữa, ta nên để ý rằng, bất kì là một việc phát minh nào, không bao giờ do một số đông người hợp lại mà tìm ra. Lập ra hội này hội kia là để cổ lệ, chớ phát minh sáng tạo là công việc riêng của từng người, của từng cá nhân trầm tư mặc tưởng trong yên lặng và tịch mịch.

 

Giải thoát lấy quyền thế của người xưa, của xã hội chung quanh, là để cho tinh thần mình được sáng suốt vô tư mà xét đoán sự vật.


 

Những giá trị của xã hội bày ra, gìn giữ… và buộc ta gìn giữ, ít khi là giá trị thuần về Lý, mà phần nhiều là giá trị thuần về Tình. Đó là những giá trị biểu hiện cả lòng dục vọng ích kỉ của con người. Đặt ra luật pháp, để buộc hết thảy người dân trong nước phải tuân theo, là để gìn giữ cái quyền lợi cho từng người. Trộm cướp là “quấy”, là “ác” vì nó hại cho lòng lo tư riêng của mỗi người. Những quan niệm về Trung, Liêm, Hiếu, Để… rất cần thiết cho sự sinh tồn của xã hội

 

Giá trị của xã hội đặt ra, thuần là thiên về Tình, về Dục Vọng hơn là thiên về Lý. Đó là một lẽ cố nhiên: Con người phải nghĩ đến sự sống về vật chất của mình trước hết. Ăn, mặc, ở… thích vui sướng, ghét đau khổ… đó là những nguyện vọng đầu tiên của con người. Đó là nguyên nhân của các giá giá trị về luân lí mà ai ai cũng phải tuân theo một cách chu đáo mới đặng. Vì nhu cầu cần thiết ấy, xã hội bao giờ cũng phải lấy quyền thế mà bó buộc cá nhân tuân theo.

 

Tuy nhiên, ảnh hưởng xã hội đàn áp rất có lợi cho cá nhân về phần vật chất… nhưng về phần tinh thần thì tất nhiên là phải có hại. Lý luận chúng ta, thường thiên về xã hội hơn về cá nhân, thiên về Tình hơn là Lý. Và chính đây là chỗ nguyên nhân của Tín ngưỡng, sẽ bàn nơi chương Luận lý của Tình cảm sau đây.

 

Lý trí muốn giải thoát được ra khỏi cái vòng của Tình Cảm, thật là một vấn đề to tát, đâu phải là một việc dễ dàng. Mỗi khi ta lý luận, nếu để ý cho kĩ mà quan sát, sẽ thấy toàn là tìm sự thỏa mãn, yên ủi hơn là tìm chân lý. Miễn là thỏa mãn dục vọng của bản ngã mình là đủ, vả lại tìm đủ cách để lý luận, để chứng minh sự tín ngưỡng ấy.

 

Lý Trí vừa mới nẩy sinh là đã bị quyền thế trong xã hội khuôn khổ, điều khiển. Nhưng rồi cho đến một lúc, nó chống lại với tập quán, với tất cả các quyền thế của xã hội.

 

Tư tưởng lấy mình chẳng những đó là cái quyền của mình, mà là một phận sự tối cao tối trọng và khẩn cấp hơn hết của những cá nhân biết xem sự tự do của trí huệ là điều kiện tối yếu của nhân phẩm con người.

 

Tư tưởng khách quan là làm cho Lý Trí được giải phóng, được phục sinh lại vậy. Phương pháp khoa học, là phương pháp giải phóng tinh thần con người ra khỏi sự nô lệ của tôn giáo nghĩa là của dục vọng, của thiên tính.


 

Phán đoán theo giá trị và phán đoán theo sự thực là hai lối phán đoán không nên lầm lẫn với nhau trong tư tưởng hay phê bình.

 

Phán đoán theo sự thực, là phán đoán cận với sự thật. Một nhà triết học có nói: “Những tín ngưỡng của phần đông là mặt nước ao tù; còn những chân lý thênh thang của khoa học là mặt biển rộng lớn mênh mông kia”. Phán đoán theo giá trị, người ta chỉ phán đoán theo từng khu vực, theo từng quốc gia, theo từng đoàn thể. Còn phán đoán theo sự thực, người ta phán đoán ra ngoài cương giới của gia đình, của quốc gia, của dân tộc. “Khoa học không có quê hương”. Khoa học mà chỉ biết phụng sự cho quốc gia thôi, không còn phải là khoa học nữa. Tư tưởng theo khoa học, phán đoánà phán đoán mà biết đứng ở ngoài vòng của Bản Ngã.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.