Thuật Tư Tưởng

Phần thứ nhất – Chương I KHÁI NIỆM VỀ TƯ TƯỞNG



Thông minh là biết nhận thấy sự liên quan giữa sự vật”.

A. Tư tưởng là gì?

Huệ Tử nói việc gì cũng hay thí dụ. Có người bảo với vua nước Lương: “Nếu nhà vua không cho thí dụ, thì Huệ Tử không nói gì được nữa”.

 

Hôm sau vua đến thăm Huệ Tử: “Xin tiên sinh nói việc gì cứ nói thẳng, đừng thí dụ nữa”.

 

Huệ Tử nói: “Nay có một người ở đây không biết nỏ là cái gì, mới hỏi hình trạng cái nỏ thế nào. Nếu tôi đáp rằng: Hình trạng cái nỏ như cái nỏ, thì người ấy có hiểu không?”.

 

Vua nói: “Hiểu làm sao được?”.

 

Huệ Tử nói: “Thế nếu tôi bảo người ấy: Hình trạng cái nỏ giống như cái cung có cán, có lãy, thì người ấy có biết được không?

 

Vua nói: “Biết được”.

 

Huệ Tử nói: “Khi nói với ai, là đem cái người ta đã biết làm thí dụ với cái người ta chưa biết, để khiến người ta biết. Nay nhà vua bảo tôi đừng thí dụ nữa thì không được”.

 

Một đứa trẻ đi vào vờn bách thú, thấy cọp beo, voi, gấu… Nó sẽ đem những loài thú rừng ấy sắp vào hạng loại rất hạn định như chó, mèo, heo, ngựa… mà nó đã biết trước thôi. Bởi vậy, gặp con cọp nó nói: Con chó lớn. Còn gặp con gì cao mà chân dài, nó đều gọi là con ngựa cả…

 

Trái lại, nhà động vật học đem những loài thú rừng ấy sắp vào hạng loại cực kỳ tinh tế hơn.

 

Dầu sao, cách phán đoán của hai đàng, cũng cùng một cách thức như sau: Đem vật mình chưa biết sắp vào hạng loại mình đã biết. Vì thế, người học hỏi sâu rộng, thường có được những hán đoán tinh vi đúng đắn hơn kẻ học nông thấy hẹp.


 

Như ta đã thấy, trong quyển Óc sáng suốt[2], sở dĩ ta biết được một điều gì, là nhờ so sánh với những điều cùng một loại với nó mà ta đã có thấy, có hiểu trước.

 

Bởi vậy, khi ta nói: Trái đất tròn, là tại ta thấy trái đát có hình giống như viên đạn mà ta đã biết trước. ta đem trái đất sắp vào một hạng loại với viên đạn, và bởi viên đạn hình tròn mà trái đất lại hình viên đạn, ta mới quyết đoán: Trái đất tròn.

 

Bất kì là ở vào lúc nào, mỗi một người của chúng ta đều có sẵn trong đầu một mớ ít nhiều khái niệm như thế, nghĩa là một mớ hạng loại (catégory) đã biết trước. Nếu có một sự vật nào hiện ra trước mắt, ta liền tìm cách đem nó sắp vào hạng loại ta đã biết qua một lần… Hễ làm được là ta tư tưởng đấy, ta hiểu biết đấy. Bằng không, ta chỉ có cảm qua thôi, chớ không tư tưởng gì cả.

 

Tư tưởng là phán đoán, mà phán đoán là nhận thức và quyết định được sự liên lạc giữa hai tư tưởng, hai sự vật. Phán đoán là một sự sắp đặt[3].


 

Phán đoán được đầy đủ rồi thì lẽ cố nhiên ta tin nó đúng với sự thật. Khi ta bảo: Ông X… vô tội, ta tin và quả quyết rằng ông ấy có thật như thế.

 

Sư phán đoán, bao giờ cũng đi tới cái mức cuối cùng ấy, là quả quyết và tin tưởng. Tuy nhiên, cũng có khi sự phán đoán không được đầy đủ, buộc phải dừng lại nửa chừng thôi. Như khi ta nghĩ: “Trên các hành tinh có lẽ cũng có sinh vật”, ta chỉ quan niệm được sự liên lạc giữa các hành tinh và trái đất ta đang ở đây mà nghĩ qua như thế thôi, chớ ta chưa dám quả quyết và tin tưởng việc


 

Phán đoán mà quả quyết là một việc làm của Ý chí, vì quả quyết là tự buộc một trách nhiệm. Khi tôi bảo “Ông X. vô tội” tôi tự hẹn thầm ba điều:

 
 
  1. Trước hết, tôi tự hẹn không bao giờ nói trái lại điều tôi vừa nói đó. Những người vô học thường hay thay đổi ý kiến của mình, hoặc bởi họ bị phản đối, hoặc vì họ không có chủ định gì cả, nên họ mâu thuẫn với họ luôn luôn.
  2. Kế đó, tôi tự hẹn phải hành động theo sự phán đoán của tôi. Quả quyết rằng: “Ông Xoài vô tội”, đó là tôi nhất định xem ông ấy là người vô tội, không khinh bỉ, không ngờ vực nữa.
  3. Sau rốt, tôi tự hẹn, sẽ ráng làm cho kẻ khác công nhận phán đoán của tôi. Thật vậy, quả quyết cũng là một cách sai khiến nữa mà là sai khiến một cách phong nhã, kín đáo… Mỗi khi ta quả quyết một ý kiến hay một điều tin tưởng nào, cố nhiên là ta muốn cho kẻ khác cũng tán đồng. Bởi vậy, tánh cố chấp tuy là một tật xấu rất to, nhưng nó là một hiện tượng rất tự nhiên của tâm lý. Phải có một hiểu biết thật rộng, tư cách thật cao mới có thể hiểu và dung được những tư tưởng trái nghịch của kẻ khác, nghĩa là có thể hiểu được kẻ khác, mà không một lòng nào bực dọc cả. Nhưng mà tin tưởng thái quá, lại thành ra Tín ngưỡng.

 

B. Phán đoán và tín ngưỡng

 

Bất kỳ một ý tưởng nào mà không gặp ý tưởng khác phản đối thì được quả quyết là có thật”.

 

Đó là định lệ của sự tín ngưỡng.

 

Những dân tộc bán khai, cùng là trẻ con hay đàn bà nhẹ tính, bất kì ai quả quyết cái gì họ cũng tin theo, đó là tại họ không biết có những tư tưởng đối đích, nghĩa là trái nghịch lại. Chỉ có khi nào sự tin tưởng của ta bị phản đối – phản đối mà ta không còn lý lẽ nào bênh vực được nữa – mới có thể làm cho ta không tin cái điều ta đã quả quyết trước kia nữa mà thôi.

 

Đó là cái lẽ nó phải vậy. Nhưng sự thật ở đời, phần đông đã một khi tin tưởng cái gì rồi, thì dẫu gặp phải những tư tưởng đối đích, họ cũng bỏ qua, và cứ giữ đức tin họ vững vàng kiên cố mãi. Là tại nhiều duyên cớ, như sau đây:

 

1. Thị dục:[4]

 

Ta chỉ thừa nhận những ý kiến nào thuận với sự ta thèm thuồng ao ước mà thôi, không kể gì nó có đúng với sự thật hay không. Ở đây, cũng không có lý lẽ nào vô đánh đổ đức tin của ta cho được.

 

Người mẹ quá yêu con không bao giờ chịu tin rằng con mình là một người dở dang hèn hạ, mặc dầu sự thật đã đem đến cho bà nhiều bằng cứ xác đáng. Bà ao ước con bà là một người tốt, cho nên, chỉ có những ai khen con bà, thì bà thích và nhận là thật mà thôi. Ngoài ra, những tin gì có thể hại đến danh giá con bà, thì bà loại ra một bên, không bao giờ ai đánh đổ được đức tin của bả cả. Hoặc bà sẽ có những lý luận của bà để bênh vực, để gột rửa sự ngờ vực không tốt của bà.

 

Những người ham đi coi bói, thường thích những ông thầy bói nói họ sẽ làm giàu, làm quan, chỉ có nhiều phước đẹp duyên lành… Bao nhiêu lời nói vừa với lòng ao ước của họ, là họ ghi nhớ, họ thừa nhận đúng cả, mặc dầu họ không biết sẽ có thật như thế không. Trái lại, những lời đoán sai với lòng ao ước của họ, là họ không chịu tin, hoặc nửa ngờ, có khi lại đem lòng oán hận là khác.

 

Nếu sự ao ước kia lại thành một thị dục (une passion) mãnh liệt, nó sẽ xô đẩy người ta vào sự cuồng tín (fanatisme) như chơi. Tỉ như lòng ái quốc tăng đến cực điểm, có thể làm cho người si mê. Óc bè phái, óc tôn giáo có lẽ cũng như thế.

 

Người ta không dùng đến lý trí nữa, mà chỉ tin những cái gì thuận với lòng mình ao ước thôi, và tìm những lý lẽ để bênh vực nó.

 

2. Ảnh hưởng của xã hội

 

Một ý tưởng nào mà được xã hội đồng thanh quả quyết và tin tưởng, thì khó lòng mà ta không cùng chia sẻ được. Bởi vậy, phong tục, tập quán là những tin tưởng mà ta nhắm mắt làm theo không suy nghĩ gì cả. Người ta thường thấy trong xã hội có những phong trào tư tưởng là thế.

 

Nói hẹp lại thời ảnh hưởng gia đình cũng không phải nhỏ. Hễ ông bà cha mẹ là người theo đạo Gia Tô, thì con cháu cũng theo đạo Gia Tô. Họ tin theo, là vì cả gia đình hay dòng họ tin như thế. Họ đâu có suy nghĩ chi nữa mà làm gì. Chung quanh họ, đều đồng thanh quả quyết và tin tưởng một cách triệt để, lại không bao giờ gặp hoặc nghe có sự phản đối, thảo nào họ không tin theo. Một ý tưởng mà được đại đa số tín ngưỡng là một sức mạnh phi thường, không có một lý lẽ nào đánh đổ nổi.

 

Ảnh hưởng của xã hội đối với tư tưởng và hành vi của chúng ta thật là mãnh liệt vô cùng. Nó làm cho ta không còn biết suy nghĩ là gì nữa. Những điều mà ta gọi là suy nghĩ, toàn thị là vô tâm theo một cái chiều nào mà ta không làm chủ được. Nó ám ảnh đầu óc ta, nó sai sự chỉ huy ta như một bộ máy. Sách vở, báo chí, những cuộc bàn cãi, những tình thế hưng vong xảy ra trong thời buổi… tạo thành một luồng sóng đưa đẩy ta vào một khuynh hướng nào… những luồng sóng ấy có khi là kết tinh của một tinh thần sáng suốt, thanh cao; lắm khi lại là cặn bã của một dục vọng, âm u hèn thấp cũng không chừng. Nhưng chắc chắn là nó sẽ đưa quần chúng đi vào một con đường vinh hiển hay bại vong.

 

Những ý tưởng do hoàn cảnh xã hội vun đúc thật là mạnh mẽ một cách rõ ràng, ai ai cũng có thể nhận thấy được. Mạnh mẽ đến, hễ một cá nhân nào bỏ hoàn cảnh xã hội của mình đi vào một hoàn cảnh xã hội khác, là thấy đã thay đổi cả tư tưởng chí hướng của mình liền.

 

Một nhà hoàn toàn thuộc về xã hội cách mạng, mà đến khi lên nắm chính quyền, liền thấy mình dễ dàng trở nên một nhà rất trung thành với phe bảo thủ. Lịch sử chỉ cho ta thấy rõ Napoléon khi lên ngôi, đem những tay thù nghịch của chính thể quân chủ mà ông chưa kịp đưa ra pháp trường, phong hầu cả thảy một cách hết sức dễ dàng, và những người ấy liền trở nên “quân chủ hơn đấng quân chủ” nữa[5].

 

Hoàn cảnh xã hội ảnh hưởng ta, tuy mãnh liệt như thế, nhưng không ảnh hưởng sâu nặng bằng cái xã hội của mình đang sống. Người ta phần đông suy nghĩ phán đoán toàn theo giai cấp, phe phái, tôn giáo hay nghiệp đoàn của mình. Những điều họ cho là phải hay quấy đều là những điều mà nhóm xã hội của họ cho như thế. Họ không cãi lại, hoặc không dám cãi lại. Họ tin tưởng nó như một tín điều thiêng liêng bất khả xâm phạm. Thật vậy, nếu người nào không nhận những ý tưởng của nhóm mình, thì không thể sống ở trong nhóm đó được nữa.

 

Một thị dục mà được phần đông công chúng hoan nghênh thừa nhận, sẽ là một tính ngưỡng có một lực lượng phi thường. Đối với tín ngưỡng của quần chúng – dầu là tín ngưỡng về chính trị hay tôn giáo cũng vậy, – thời không thể dùng đến lý luận đánh đổ được nữa. Bởi vậy, tín ngưỡng ấy là hiện thân của một Dục vọng không bờ bến, như một cuồng phong vô cùng mãnh liệt. Ảnh hưởng của nó rất to tát, vậy trước tình thế này, ta phải biết nhẫn nại mà chiều theo. Pascal nói: “Tại sao ta lại phải chiều theo phần đông? Đâu phải vì họ có lý hơn ta, mà chỉ vì họ mạnh hơn ta đó thôi”.

 

Chiều theo họ, là để mà sửa đổi họ, không phải để a dua, nếu mình là một bậc thức giả.

 

3. Dốt nát và Hoài nghi

 

Dốt nát, cũng là một nguyên nhân làm cho ta tin tưởng một cách mê mu

 

Thật vậy, đã dốt nát thì làm gì tìm thấy được những tư tưởng đối đích đánh đổ sự quả quyết và tin tưởng của ta. Lẽ cố nhiên là ta tín ngưỡng một cách êm đềm không phải có một cái chi đến lung lạc đức tin của ta cả. Một người dốt nát làm gì biết đến những hiện tượng của điện khí là gì. Bởi vậy, họ tin “trời đánh” (sét đánh) là có lôi công cầm búa đi tìm người gian ngụy để giết chết. Đức tin ấy của họ, có làm gì gặp được những bằng cứ đối đích của khoa học phản đối. Cho nên họ vẫn yên tâm mãi trong sự mê tín của họ. Sự lầm lạc của ta, một phần rất lớn đều do nơi sự ngu dốt của ta mà gây nên cả.

 

Muốn phá những tập quán, thành kiến đã ăn sâu vào trí não con người, không có phương pháp nào hay hơn là gợi sự ngờ vực nghi nan trong lòng người. Cái đó, André Gide gọi là sự “ngờ vực phá hoại” (le doute destructeur). Léon Pierre Quint trong quyển André Gide có câu: “Không một tiếng kêu gọi lớn lao, không một chút bạo động nào cả. Gide chỉ dùng phương pháp ngờ vực phá hoại để lung lạc đức tin con người đối với cổ tục, tập quán… Phản đối một cách đột ngột, hùng hồn, không bằng khêu gợi mối hoài nghi trong lòng người. Những quyển sách có kết luận đàng hoàng, thời hỏng mất. Gide cho rằng, những tiểu thuyết có luận đề (roman à these) vì muốn chứng giải mà thành ra mất cả sức mạnh của nó đi. Một quyển sách cần phải để lại nơi lòng người một mối nghi ngờ không giải quyết, một câu hỏi không có tiếng trả lời. Điều mà con người không thể chịu nổi là đối với điều mình tôn sùng ngưỡng mộ mà phải có sự ngờ vực nghi nan. Làm cho con người không sống đặng êm đềm trong sự tin tưởng của họ nữa, thời mới mong cải cách được việc gì”.[6]

 

Socrate, với cái tài hùng biện riêng của ông, chỉ hạch hỏi mà thôi, gợi cho các đệ tử một mối nghi ngờ… để phá cái lòng mê tín của họ.[7]

 

Phật, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng dùng một phương pháp ấy để cảnh tỉnh đệ tử ruột của mình là A Nan.


 

Phán đoán thì tất nhiên phải quả quyết.

 

Quả quyết thì cố nhiên là tin tưởng, mà hễ tin tưởng nhiều rồi thì lại biến thành Tín ngưỡng. Đó là con đường tự nhiên, ai ai cũng phải trải qua.


 

Tuy nhiên, tín ngưỡng cũng có nhiều thứ: Có thứ tín ngưỡng mà mê muội, có thứ tín ngưỡng mà sáng suốt.

 

Nếu biết đen óc phê bình mà kiểm tra những quyết đoán của ta, thì sự tin tưởng hay tín ngưỡng của ta kia, được gọi là chánh tín (Croyance rèflechie). Nhược bằng để cho thị dục, xã hội và sự ngu dốt điều khiển tư tưởng ta, thì tín ngưỡng của ta gọi là mê tín.

 

Những tín ngưỡng đem ra xem xét chu đáo, dùng lý trí điểm tra lại, lấy sự thực để đối chứng; đó là những quyết đoán có khoa học, nghĩa là có phương pháp và được kiểm soát một cách vô tư. Để tự nhiên, thời người ta ai ai cũng tin tưởng theo lòng ao ước, theo thị dục, hoặc theo xã hội chung quanh ám thị.

 

Nếu có óc phê bình, người ta sẽ không còn bị lôi cuốn theo những lối tin tưởng vu vơ như thế nữa; người ta sẽ tin khi nào đã lựa chọn, kiểm điểm kĩ lưỡng rồi, nghĩa là sau khi tìm được những tư tưởng phản nghịch mà cũng vẫn thấy nó có đủ lẽ đứng vững được nữa.

 

Goblot nói: “Một tin tưởng mà mình ao ước hay ưa thích, đó là nguồn gốc của sự lạc lầm”.[8] Muốn ngừa sự lạc lầm trong khi ta tư tưởng hay phán đoán, điều kiện đầu hết là phải biết hoài nghi. Hoài nghi để khỏi phải sa vào cái bẫy của Tình cảm và Ý chí.[9]

 

Ở đời phải có một lý tưởng để làm phương châm cho hành động hàng ngày của mình. Ai ai cũng có quyền có tín ngưỡng cả. Nhưng không nên đem những tín ngưỡng của mình mà cho nó là những chân lý khách quan. Người mà được gọi là có một cơ sở triết học và giáo dục hoàn toàn, là người biết dùng một cách đúng đắn, không lầm lẫn với nhau những câu nói này:

 

Tôi biết;

Tôi tưởng rằng tôi biết; và

Tôi tin.
[10]

 

Kẻ thiếu óc phê bình, thiếu học thức, là kẻ không đủ sức phân biệt được cách dùng những tiếng nói trên đây. Điều mình tưởng là biết chưa phải là điều mình biết, mà điều mình tin chưa ắt là điều mình biết. Biết đâu mình tin là vì nó thuận với lòng ao ước hay thị dục của mình, hoặc vì mình bị ảnh hưởng gia đình, xã hội chứ không phải vì đã dò xét rõ ràng rồi mà tin, tin như nhà khoa học.

 

Cổ nhân có nói: “Biết, thì biết là mình biết; không biết, thì biết là mình không biết, mới thật là biết vậy” (Tri chi vi tri chi; bất tri vi bất tri, thị tri dã).[11]


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.