Thuật Tư Tưởng

Chương III SAI LẦM VÌ LÝ LUN



Muốn lý luận cho đúng đắn, cần phải để ý thêm về những nguyên nhân sai lầm sau nầy trong những phép luận kể trước đây.

 

I. Sai lầm của phép diễn dịch

 

1. Dùng chữ có nhiều nghĩa khác nhau trong một câu luận

 

Trong “tam đoạn luận” có ba phần: Đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận. Nếu dùng một chữ, mà ở đại tiền đề ta dùng một nghĩa, tiểu tiền đề lại dùng với một nghĩa khác, thời sự suy diễn của ta tất phải sai lầm. Một tiếng nào bất kỳ, đều có nhiều nghĩa. Nhưng, nếu ta định nghĩa dùng nó riêng về một nghĩa nào ở đại tiền đề, thời phải thể theo nó luôn luôn cho tới cùng, không đặng quyền thay đổi nghĩa ấy. Tỉ như trong câu luận này:

 

Bất kỳ là ai được tự do thời phải có trách nhiệm

Mà con chim được tự do;

Cho nên, con chim cũng phải có trách nhiệm.

 

Ở đây, chữ tự do dùng đại tiền đề là nói về tự do tinh thần (liberté morale), còn tự do ở tiểu tiền đề lại chỉ về tự do thể chất (liberté physique). Luận như thế, là luận sai. Luận cho đúng thời chữ tụ do ở đại tiền đề nếu muốn dùng chỉ về loại tự do tinh thần, thời ở tiểu tiền đề phải dùng chữ tự do cùng nghĩa như trên mới đặng.

 

Lại cũng như trong câu này:

 

Người ta là loài có máu nóng;

Mà anh A. thấy đồng loại bị nhục mà bỏ qua nghĩa là người không có máu nóng;

Ấy nên anh A… không phải là con người.

 

Chữ “máu nóng” dùng ở đại tiền đề, cùng với chữ “máu nóng” dùng ở câu tiểu tiền đề có 2 nghĩa khác nhau. Dùng lẫn lộn hàm hồ như thế, là ngụy luận vậy.


 

Lại cũng có một lối luận kỳ khôi này, là đổ dồn nhiều câu hỏi. Như hỏi: Tại sao con cá chết lại nặng hơn con cá sống?

 
Câu hỏi này lẽ ra phải phân ra làm hai câu hỏi riêng nhau mới đúng, là:

 
  1. Con cá chết thì nặng hơn con cá sống, có thật vậy không?
  2. Nếu quả có thật vậy, thì tại làm sao như thế?
 

Người hỏi câu như thế là hỏi hàm hồ, mà người lo trả lời câu hỏi ấy nếu không biết phân biệt nó ra làm hai vấn đề, để theo trật tự trước sau mà giải quyết, lại lo loay hoay tìm cách trả lời, thật đáng thương hại không biết là chừng nào.

 

2. Nguyên tắc sai

 

Nếu ở tiền đề mình đặt một nguyên tắc sai, thời khi diễn dịch cũng sai mất, vì theo phép luận này “hễ tiền đề sai thì kết luận sai”.

 

Như trong câu thông thường này của luận lý học:

 

Người ta đều không bao giờ chết:

Mà ông Xoài là người;

Cho nên ông Xoài không bao giờ chết.

 

Cách luận ở đây thời phải phép, nhưng câu kết luận thì sai là vì câu đại tiền đề dùng làm nguyên tắc đã sai với sự thật rồi.

 

Lối luận này là lối luận nguy hiểm lắm, cần phải xem xét cho kỹ, coi nguyên tắc ấy có đúng với sự thật không, nhiên hậu sẽ nhận câu kết luận cũng không muộn.

 

Đây là lối tiên thiên mà các nhà tôn giáo chính trị ưa dùng nhất: đại tiền đề của họ là một câ sách thánh hoặc một câu khẩu hiệu của bè phái mà họ đã nhận suông như một nguyên tắc tuyệt đối. Những câu nguyên tắc ấy, là những quả quyết suông, những ức thuyết còn đợi sự thí nghiệm. Ta cần phải thận trọng cho lắm, không khéo lại sa vào cạm bẫy của họ như chơi. Tỉ như cây này:

 

Kẻ nào không đọc sách thì bị họa:

Anh X. không chịu đọc sách

Bởi vậy anh mới bị họa.

 

Lại như câu:

 

Chỉ có những ai theo chủ thuyết X mới thật phụng sự cho Tiến bộ thôi;

Anh không theo chủ thuyết ấy;

Anh không phụng sự cho sự Tiến bộ.

 

Hoặc nói:

 

Nhà văn sĩ yêu nước, phải ca tụng chính sách Y…

Anh Ổi không chịu ca tụng chính sách Y.

Anh Ổi không phải là văn sĩ yêu nước.

 

Trên đây là những tỉ dụ giản dị để cho ta thấy được chỗ vô ý thức của lối luận này. Phần nhiều những nguyên tắc tiên thiên của nhà chính trị hay tôi giáo đưa ra không phải đều đơn giản như trên đây, họ khéo trình bày nó trong một lớp sơn rất lộng lẫy, rất thỏa mãn lòng tự ái cho mỗi người, cho nên những kẻ vô tâm khó lòng mà nhận thấy được dễ dàng.


 

3. Đi lạc đề

 

Luận theo tam đoạn luận mà cho đúng phép, thời câu kết luận phải nằm trong tiền đề, không được phép ra khỏi đó.

 

Trái lại, nhiều kẻ không chịu ôm sá theo tiền đề, tất nhiên khi kết luận, đi lạc vào chỗ khác.

 

Tỉ như câu:

 

Ở thành thị thì không khí không tốt;

Mà Sài gòn là một thành thị;

Bởi vậy, ở Sài gòn khó thể làm ăn.

 

Câu kết luận không “nằm trong” tiền đề, lại đi lạc vào một vấn đề khác, là vấn đề làm ăn, không ăn chịu gì đến vấn đề không khí cả.

 

Câu tỉ dụ thô sơ, dễ buồn cười, nhưng ở đời người ta cũng hiếm thấy kẻ hay luận “bướng” như thế lắm.


 

4. Luận chứng ngoài vấn đề

 

Đây là lối y luận, trong đó những luận chứng của ta đều không ăn vào đề.

 
Có 3 cách ra ngoài vấn đề:

 
  1. Chứng luận quá đề;
  2. Chứng luận thiếu sót;
  3. Chứng luận lạc đề.
 

Tỉ như, trong một cuộc hội nghị, người ta bàn cãi coi phải nên đánh hay không nên đánh giặc. Có 2 người lại bàn: “Chiến tranh là bất công”. Đó là chứng luận quá đề, vì ở đây người ta không hợp với nhau để bàn chung về vấn đề chiến tranh mà là để bàn về một cuộc chiến tranh riêng biệt nào.

 

Có kẻ lại bảo: “Cuộc chiến tranh này sẽ có lợi cho chúng ta, nếu chúng ta thắng trận”. Đó là chứng luận thiếu sót, vì chiến tranh chẳng phải vì lợi mà thôi, là đủ để khai chiến, ta phải coi nó có được công bình không đã, và nhất là xem xét coi mình có đủ sức chiến thắng tới cùng không?

 

Cũng có kẻ viện lẽ: “Mình phải lo làm cho quốc gia được cường mạnh thêm lên”. Đó là chứng luận ra ngoài vấn đề (prouver à côté de question) vì cũng có biết bao phương thế khác có thể mưu cho quốc gia được cường thịnh gấp bội, lựa phải dùng đến chiến tranh. Vấn đề đang bàn cãi đây là: Nên đánh hay không nên đánh. Những chứng luận ở trên, đều là chứng luận ngoài vấn đề cả.

 

Cũng như nhà chính trị kia, muốn thay một vài đạo luật trong nước lại đi cắt nghĩa và chứng giải sự cần thiết của luật pháp cho dân chúng nghe. Vấn đề “cần thiết của luật pháp” có ăn chịu gì với vấn đề sửa đổi một vài đạo luật đâu!


 

5. Tuần hoàn luật pháp

 

Cắt nghĩa câu này bằng câu kia: Những câu kia chính nó cũng còn cần phải cắt nghĩa nữa mới đặng. Hay nói một cách khác: Điều mình đem ra để chứng dẫn, tự nó cũng cần phải chứng giải mới đặng.

 

Cũng như câu: “Á phiện làm cho ta ngủ tại nó có tính chất làm cho ta ngủ”. Nói như thế thì ta cũng không cắt nghĩa được vì sao á phiện làm cho ta ngủ. Nói rằng “tại nó có tính chất làm cho ta ngủ” thời ta cũng không biết được tại sao nó có cái tính chất ấy. Đó là phép luận tuần hoàn.

 

Lại như câu luận này tìm ra chính trong sách của Aristote, có thể dùng làm khuôn mẫu cho lối ngụy luận này:

 

Bản tính của các vật nặng là hút vào trung tâm trời đất (centre du monde).

Kinh nghiệm chỉ cho ta thấy rằng các vật nặng đều hút và trung tâm quả đất (centre de la terre).

Ấy vậy, trung tâm quả đất là trung tâm của trời đất
”.

 

Cái nguyên tắc ở đại tiền đề trên đây là một nguyên tắc phải chứng giải trước khi đem nó dùng làm nguyên tắc. Trong sách “Logique de Port Royal” bảo: “Chúng ta thấy rõ, phàm hễ vật nặng thì hút vào trung tâm trời đất, Aristote vịn vào đâu mà nói thế, nếu chẳng phải vì ông ấy đã nhận trước rằng, trung tâm quả đất cũng là trung tâm của trời đất nữa”.

 

6. Cái vòng luẩn quẩn

 

Lấy cái này giải cái kia, rối lấy cái kia giải lại cái này. Lấy B giải A, rồi nếu có buộc phải giải B, thời lại trở lấy A mà giải lại B.

 

Như câu này của Descartes: “Trời là có thật, vì cái lý của ta không thể sai lầm được. Mà lý của ta sở dĩ không sai lầm được, là bởi do Trời mà ra vậy”. Đây là lối luận theo cái vòng luẩn quẩn.

 

Ta thường thấy trong các tự điển cẩu thả, hay dùng lối ngụy giải này. Tỉ như chữ “Thiện”, giải là “không Ác”, đến chữ “Ác” thì giải là “không Thiện”… Từ chữ Thiện qua chữ Ác, ta cứ lẩn quẩn qua lại mà cũng không bao giờ hiểu được chữ Thiện là cái thứ gì, luôn cả chữ Ác cũng vậy. Câu chuyện con gà mái với hột gà là một tỉ dụ rất ngộ nghĩnh của lối luận này: Cái gì sinh ra con gà mái? Hột gà! Cái gì sinh ra hột gà? Con gà mái! Và cứ thế mà đi, đi luẩn quẩn mãi trong cái vòng bất tận.

 

Muốn tránh những cái lối trên đây, cần nhất là phải ôm sát đề. Một vấn đề mà đặt trúng cách và rõ ràng, là có thể xem như đã được giải quyết rồi vậy. Muốn đặt một vân đề cho trúng cách, trước hết phải thể theo sự thật, và để ý phân biệt cho kĩ cái nào là cái chính, cái nào là cái phụ, và nhất định nắm lấy cái cốt của nó, lượt bỏ tất cả những chi tiết không ăn chịu hoặc chỉ quan hệ một cách xa xôi với nó. Những điều kiện thiết yếu không thể thiếu sót hay bỏ qua. Thế rồi, nhận cho kĩ nghĩa lý của ngôn ngữ văn tự của mình dùng. Được vậy, là tránh được nhiều lỗi sai lầm rồi vậy.


 

II. Sai lầm của phép qui nạp

 

Phép luận qui nạp căn cứ vào nguyên tắc này: Tạo vật đều tuân theo những qui luật tự nhiên bất di bất dịch, nghĩa là phàm những sự kiện giống nhau, bao giờ những kết quả cũng sẽ giống nhau.

 
Lối luận này thường hay sanh ra những sai lầm như sau

1. Luật ngẫu nhiên

 

Nhận thấy một vài ông thầy thuốc Nam học vấn lôi thôi, trị bệnh cẩu thả với năm ba toa thuốc gia truyền, liền qui nạp “bướng” rằng: Thầy thuốc Nam không đáng tin cậy; hoặc, thuốc Nam dở.

 

Có nhiều kẻ tưởng rằng ở miền Nam thì luôn luôn nóng nực mà ở miền Bắc thì luôn luôn lạnh lẽo. Cái đầu óc đơn sơ chất phác ấy làm cho phần đông con người hay lấy một vài việc riêng mà kết luận chung, hoặc lấy một vài luật chung mà cho những việc riêng đều phải như thế cả. Nếu họ thấy một vài ông thầy tu lường gạt tín đồ của họ, tức khắc họ kết án tất cả các ông thầy tu đều là phường dối trá. Hoặc họ gặp một vài người nào đó vô liêm sỉ, họ cũng kết án chung rằng: người cả dân tộc đó vô liêm sỉ.

 

Cái tính hay bao quát như thế để luận, mà ta thường gọi là “vơ đũa cả nắm”, làm cho nhà văn sĩ kia khi đến một xứ nọ, lúc tàu đậu bến, thấy vài người đàn bà đến đó, tóc hoe hoe, liền viết bài du kí rằng: xứ ấy đàn bà đều tóc hoe cả. Nhân đó mà lý luận mới đặt cho lối ngụy luận ấy cái tên “ngụy luận người đàn bà tóc hoe” (sophisme de la femme rouse).

 

Trong Án Tử Xuân Thu cũng có một câu chuyện ngộ nghĩnh về lối ngụy luận trên đây: Vua Sở thấy lính dẫn một người tù, giả làm người nước Tề đi ngang qua. Liền hỏi: Tội gì thế? Lính trả lời: Tội ăn trộm. Vua Sở hỏi Án Tử: “Người nước Tề ăn trộm cả hay sao?” Đó là lối luận “vơ đũa cả nắm”.

 

Dạo nào, báo chí xứ ta dẫy đầy cái nạn lý luận ấy: Nhà báo nọ thuật một câu chuyện chủ đánh đày tớ, rồi kết luận: Bọn giàu là bọn dã man. Cũng như có nhiều kẻ bảo bướng rằng: Con gái cho học giỏi thì hư. Là vì họ thấy trong xóm họ có một cô gái học giỏi mà hư hỏng mất nết…

 

Có kẻ lại nói: Ông thầy thuốc này đại tài, không bệnh nào mà ông không cứu nổi. Là vì họ thấy hôm nào ông ấy có cứu được một người trong xóm bị trúng thực gần chết. Luận như thế là sai, vì có khi ông ấy chỉ chuyên môn bệnh này mà không chuyên môn bệnh khác, hoặc biết đâu ngờ mà ông cứu được bệnh ấy. Ngẫu nhiên mà cứu được, chưa ắt là luôn luôn và bất kỳ là bệnh nào ông cũng được cái may mắn ấy nữa. Cái lối luận này đã giết người không biết bao nhiêu rồi: Có kẻ cảm mạo thương hàn, mua thuốc hoàn tán uống hết, liền cho nó là thần dược trị bệnh thương hàn của ai cũng đặng cả, liền chỉ cho người bạn mua uống: “Hôm ấy tôi đâu như anh, thế nhờ thuốc này mà khỏi”. Anh bèn nghe lời, uống vào, bị “phát tán vong dương”, chết liền trong nháy mắt. Bệnh thương hàn có nhiều cách, mà người đau thương hàn cũng có nhiều cách… Vì thuốc tr được người này chưa ắt cũng trị được người kia. Tôi thấy hiếm bậc trí thức mà cũng có cái tật giới thiệu thuốc uống một cách cẩu thả như thế. Cho hay một phán đoán mà sai lầm có hại cho mình và cho người đâu phải nhỏ.

 

André Gide có nói: “Giá trị của người này trong một giới này, không đủ đảm bảo giá trị của họ trong một giới khác” (La valeur d’un home dán un domaine ne constitue pas une garatie de sa valeur dans un autre domaine). Nghĩa là, người tài giỏi ở bên môn này, không đủ đảm bảo rằng họ cũng tài giỏi luôn về môn khác. Nhà bác sĩ đại danh là người tài giỏi bên y giới thôi, chưa ắt vì lẽ ấy, vì tên tuổi họ mà cho họ cũng tài giỏi luôn bên chính trị hay văn chương, nếu ta chưa thấy đủ bằng cớ. Nhiều người thường nói: “Ông này ăn học giỏi lẽ nào thất nghiệp”. Hoặc: “Ông này học rộng tài cao, nếu ra buôn bán chắc không ai theo kịp”. Là vì họ thấy phần đông kẻ buôn bán ít thấy có người ăn học giỏi. Cái đó chưa ắt. Có nhiều bậc bác học, nếu theo qua nghề buôn, lại có khi vụng về hơn một kẻ quê mùa dốt nát.

 

Có nhiều kẻ đi xem trò ảo thuật của mấy anh bán thuốc dạo, rồi mua ngay thuốc họ bán mà dùng. Chỉ vì anh ấy “thuật tài quá”. Óc đơn giản thật thà của người ta đến thế! Tôi còn nhớ khi xưa, cùng bút chiến với một vị túc học ở Bắc hà về một vấn đề văn tự. Ông ấy bảo với tôi: “Viết văn mà còn chữ bọt chữ thừa thì học lực tư tưởng có bao nhiêu mà dám cầm viết viết báo”. Không cần phải nói, ai ai cũng thấy rõ lối ngụy luận của ông: ông lầm lột nhà tư tưởng với nhà làm văn, mà “vơ đũa cả nắm”. Chưa ắt nhà làm văn sành sỏi là nhà tư tưởng cao siêu, mà nhà tư tưởng cao siêu cũng chưa phải là nhà văn sành sỏi. Ca dao tục ngữ có câu: “Thương ai thương hết cả nhà, ghét ai ghét hết cả bà cả con”. Ông Le Senne, trong quyển “Le Mensonge et le Caractère” có nêu ra rất nhiều vụ quan sát của ông về lối luận đặc biệt này, như sau đây:

 

“Anh Jacques S… có nhiều lối luận như vầy: a) Trong một việc nào đó, anh bất bình với một anh học sinh trường Bách nghệ, anh liền nghĩ ngay rằng “bọn học sinh trường Bách nghệ đều không đáng đồng xu”; b) Được một người kia tiếp đãi ân cần niềm nở, anh liền để ý cho người ấy là người có đủ tài đức hơn người, và tán tụng không hết lời; c) Bất bình một anh Do Thái, anh bèn để ý ghét cả dân Do Thái rất lâu, đến một khi kia anh gặp một người Do Thái khác làm cho anh cảm động, anh liền trở lại yêu người Do Thái… trước sau chỉ toàn vì một duyên cớ không đáng kể. Đây cũng là lối lý luận của trẻ con. Hễ ai làm vừa lòng nó thì nó thương và cho là người tốt. Trái lại, nó ghét và cho là người xấu. Người lớn hiếm ai lý luận và phán đoán liều lĩnh như thế. Kén dâu chọn rể họ cũng kén chọn theo cái óc giản lược đó. Thấy đứa rể khéo chiều chuộng bưng bợ, thì cho “thằng ấy dễ thương tử tế”. Thấy con dâu ăn nói ngọt ngào thì cho đứa ấy khôn ngo hiền hậu”.

 

Óc giản lược (spirit simpliste) lại cũng làm cho ta lắm khi bỏ qua không chịu để ý đến vấn đề “thời gian khác nhau”. Tỉ như có kẻ so sánh cuộc cách mạng nước Pháp 1789 với cuộc cách mạng của Nga sau này và cho nó đồng một nguyên nhân, một nguyên tắc với nhau. Cũng là cách mạng, mà thời buổi khác nhau, không thể lẫn lộn với nhau mà luận liền như thế được. Thường ngày, ta cũng hay cẩu thả, bỏ qua vấn đề thời buổi khác nhau ấy. Lúc nghỉ hè thì nếu gặp phải trời mưa, ta cứ tự tiện ở nhà, khi khác đi chơi cũng chẳng muộn. Trái lại, trong khi đi làm việc ở công sở, mà cũng luận như thế thì “nguy” mất, vì thế nào cũng bị quở trách.


 

Phần đông những nhà luận lý, những nhà chính trị hay lập ra những lý thuyết về “con người mẫu” (homme type). Họ nghiên cứu chung về con người, và cho rằng ai ai cũng như thế. Họ đem tất cả con người trong thiên hạ mà “đổ chung vào một bao”, không hay rằng: người ta có nhiều loại, tùy dân tộc, tùy văn hóa, sự khác biệt giữa con người ngày càng hiện ra rõ rệt.

 

Nhưng mà “thái quá vu bất cập”. Quá giản lược có hại mà quá phiền phức cũng không hay gì. Có kẻ vì quá sợ sự giản lược, hoặc vì óc quá tỉ mỉ, quá phân tích nên thường hay có cái thói “bới lông tìm vết”. Người ta tử tế với mình thì tưởng người ta muốn lợi dụng mình gì đây. Trong từng cử chỉ lời nói rất thật thà của người ta, mình lại tìm đủ thế để hiểu rằng đó là những lối dối giả để dụ gạt. Bị chủ quở rầy, lại không hiểu cái nghĩa của sự bị rầy ấy do nơi đâu, cứ đi tìm mãi đâu đâu mà nghĩ rằng thế nào rồi đây cũng sẽ bị mất sở. Sự thật lại khác: Chủ rầy là để cho mình đừng làm sai như thế nữa. Chỉ có thế thôi.


 

Thường trong khi tìm hiểu một điều gì, ta cần phải tạo ra một ức thuyết để dìu dắt sự quan sát của ta cho có trật tự. Cái đó rất có lợi, như ta đã thấy ở Óc Sáng Suốt[18]. Tuy nhiên nếu dng nó mà quá lạm dụng nó, quá tin nó… trái lại, nó là một nguyên nhân thường khiến ta hay sa vào chỗ sai lầm. Vì óc quá giản lược, mình thích thấy cái ức thuyết mình là đúng, để khỏi phải quan sát đi, quan sát lại, suy nghĩ tới, suy nghĩ lui cho mệt. Bởi vậy, bất kì những sự kiện nào không ăn chịu với ức thuyết ta, ta loại nó ra ngay, không chút ngần ngại gì cả. Những kẻ theo thuyết tiến hóa phần đông không chịu nhìn nhận những sự kiện nào có thể trái cái thuyết của họ đang thờ. Họ thường cưỡng ép những sự kiện khác với lý thuyết của họ, phải chiều theo đường lối đã vạch sẵn của lý thuyết họ.

 

Lạm dụng ức thuyết như cái trường hợp của bồi thẩm kia, đinh ninh quả quyết tên bị cáo nọ là thủ phạm. Cho nên bất kì người ấy khai điều gì, làm việc gì ông ấy để ý thấy rõ ràng là cử chỉ của một đứa sát nhân. Những lời nói nào không thuận với ức thuyết của ông đều bị ông loại ra, không chịu để ý đến. Hoặc cũng lời nói ấy, một người khác sẽ thấy người ấy vô tội, mà với thiên kiến ông, ông thấy rõ là có tội. Vấn đề này, đã nói rõ ở trước rồi, nay khỏi bàn lại làm chi.

 

Những kẻ bị thiên về chức vụ thường có cái óc giản lược ấy. Nếu là bác sĩ theo Thái tây, thì bệnh gì cũng nghi là bị vi trùng. Nghe ho, là nghi bị vi trùng Koch. Bất kì là thấy một trạng thái nào lạ, thì nghi mắc bệnh thần kinh. Dưới con mắt bác sĩ, thiên tài cũng chỉ là một chứng bệnh. Người Pháp nói: “Cứ nghe ông Jose nói, ta biết ông là người thợ bạc. (À écouter M. Jose, on le reconnait orfèvre)”. Óc thiên về chức vụ, rất đáng sợ nhất, là “óc thiên” của các ông bồi thẩm đã “chai lòng”: biết bao kẻ bị thác oan hay bị tội oan chỉ vì vô tình đưa ra một vài bằng cớ ăn khớp với những ức thuyết nhất định của các ông. Nếu các ông ấy nghi mình là tội phạm rồi thì với một cái nháy mắt, một tiếng nói vô tình của mình cũng đủ làm cho mình bị kết án, không thể nào chạy khỏi.

 

Tại sao người ta phần đông hay sa vào cái lối luận giản lược này?

 

Là vì bản tính của con người rất ưa sự giản dị, rất ghét sự phiền phức. Mà thực sự ở đời lại rất phức tạp, không có cái gì là đơn giản cả. Nếu mỗi mỗi đều phải để ý đến từng sự liên quan mật thiết các sự vật, thì nhọc trí là dường nào. Cho nên người ta bao giờ cũng tìm cách để giản lược bất kỳ vấn đề nào, đặng vừa thỏa được lòng ham muốn đòi hỏi ý nghĩa sự vật, vừa thỏa được cái óc đơn giản nghĩa là cái óc biếng nhác của mình. Sở dĩ các thuyết giáo mà được bành trướng dễ dàng là nhờ nó giản lược được tất cả vấn đề phiền rộn của nhân sinh. Bao nhiêu sự gì rắc rối không thể hiểu được hay giải quyết được thì mình cứ đổ trút vào “Ông Trời” là xong chuyện. Nếu mình không tin có “Ông Trời” thì kiếm lấy một cái gì khác bất cứ là “chế độ tư bản hay kinh tế tư bản” hay một cái gì… không cần cho lắm, miễn dùng được nó, để giải nghĩa được tất cả mọi sự là hay.

 

Những kẻ có cái tật suy nghĩ giản lược như thế không bao giờ trở nên nhà khoa học chân chính được. Trước kia, óc giản lược xui người cứ đổ dồn về một “Ông Trời”, bất kì điều gì khó nghĩ. Nay thì có khác. Bàn cãi về Xã hội, hoặc về các vấn đề quan trọng gì về con người… ta không còn có cái lối “đổ thừa” cho “Ông Trời” nữa, nhưng óc giản lược vẫn xui ta qui cả mọi việc vào một vài luật kinh tế. Giản lược thật là thái quá! Nhưng mà ở đây, sự sai lầm của ta chưa thấy liền sự tai họa. Hình phạt của ta, chính do sự không giải quyết được vấn đề hòa bình và hạnh phúc, và cũng không thể ra khỏi được cái “ao tù xã hội” (mare sociale) mà ta đang lội chập chững đó. Ta không bao giờ có thể giải quyết được những vấn đề nhân sinh nếu ta không theo gương các nhà khoa học thực nghiệm mà xóa bỏ “cái óc giản lược” thái quá của ta đi… và phải “thể” theo sự vật chớ không bao giờ nên theo một ức thuyết rất đơn giản nào của ta mà bỏ qua những thực sự không ăn chịu với ức thuyết của ta. Chừng ấy, ta mới mong thấy được đủ phương diện sự vật, và giải quyết nó một cách đầy đủ hoàn toàn không thiên lệch.

 

2. Nhận lầm nguyên nhân

 

Cho là nguyên nhân một hiện tượng không phải là nguyên nhân, mà chỉ là một hiện tượng có trước thôi. Lối luận này cho rằng hễ A đứng trước B, thì A là nguyên nhân của B. Tôi uống thứ thuốc này mà lành bệnh, vậy thời thuốc này là nguyên nhân của sự lành bệnh của tôi. Luận như thế, chưa ắt đúng với sự thật, vì biết đâu, điều mà ta cho là nguyên nhân chỉ là một hiện tượng có trước hiện tượng ta đang thấy đây chớ không phải là nguyên nhân của nó.

 

Ta cần phải để ý điều này: Ta chỉ được quyền gọi A là nguyên nhân của B, khi nào ta bỏ A ra ngoài thì B không thể có được nữa. Cũng như ta chỉ có quyền nói rằng: Thuốc này là nguyên nhân của sự lành bệnh của ta khi nào không uống thuốc ấy, bệnh của ta không thể lành được. Lại như khi ta bảo: Vi trùng này là nguyên nhân của chứng bệnh này: thì ta phải có đủ bằng cớ rằng, khi nào tiêm vi trùng ấy vào là ta bị vương bệnh ấy; và nếu ta trừ được vi trùng ấy, thì bệnh ấy liền khỏi.

 

Một phần các thứ mê tín của quần chúng đều do lối luận như trên: họ thấy nhật thực, nguyệt thực hoặc sao chổi… rồi liền kế đó thấy có bậc vĩ nhân chết, họ liền ráp hai việc ấy lại và cho cái có trước kia là nguyên nhân của cái có sau, nghĩa là họ cho cái chết của bậc vĩ nhân kia do nơi nhật thực, nguyệt thực hay sao chổi mọc. Cũng như có nhiều người tin rằng: hễ chim ụt kêu là có tai nạn. Là vì một khi kia, trong nhà có người đau, ban đêm lại nghe chim ụt kêu. Sáng ra người ấy chết. Họ liền cho chim ụt kêu là nguyên nhân sự chết của người bệnh nọ. Hai hiện tượng khác nhau, xảy ra trong thời gian gần nhau, họ liền ráp “bướng” lại, cho cái hiện ra trước là nguyên nhân của cái hiện ra sau. Luận như thế là luận “ngang” thái quá. Họ sao không nghĩ lại như vầy: nếu ụt không kêu người bệnh ấy chắc không chết được không, trong khi mạch lạc họ đã mất hết rồi? Và những người bệnh đã chết trong lúc ấy có lẽ cũng không phải có nghe ụt kêu trước mới đặng sao? Vả trong lúc ấy, trong thiên hạ chẳng lẽ chỉ có một người ấy chết mà thôi. Còn như đợi có nhật thực, nguyệt thực hay sao chổi mọc mới có bậc vĩ nhân chết, thời các bậc vĩ nhân trong thiên hạ đều chết trong một lúc với nhau cả hay sao? Hoặc mỗi ông phải đợi có sao chổi mọc mới chết đặng sao? Lại cũng có kẻ nhận thấy người kia có tang đến nhà người nọ, sau đó trong nhà người nọ bị tai nạn. Họ liền “ráp” hai việc đã xảy ra ấy làm một, và cho việc xảy ra trước là nguyên nhân của việc xảy ra sau. Nhân đó mới có câu mê tín này: “Người có tang đến nhà ai, nhà ấy bị xui suốt năm”.

 

Stuart Mill trong quyển Luận Lý của ông có cử ra một tỉ dụ đặc sắc này: “Nhân thấy nước Anh vừa bị nợ công trái thì nước Anh lại được trở nên phồn thịnh. Người ta bèn kết luận: Nợ công trái là nguyên nhân của sự phồn vinh của xứ Anh”.[19]


 

3. Liệt cử thiếu sót

 

Người ta thường tưởng lầm rằng chỉ liệt cử được 5, 10 bằng cớ thuận với ức thuyết của mình là đã có đủ điều kiện để chứng nhận rằng ức thuyết của mình là đúng.

 

Ta nên biết rằng: “Những bằng cứ thuận, dầu nhiều đến bậc nào, cũng không chứng nhận gì được cả”.[20]

 

Những nhà bán thuốc cao đơn hoàn tán của ta hay dùng đến cái lối luận này lắm: Họ đưa ra một mớ chứng thư của một số bệnh nhân đã dùng thuốc họ có công hiểu để tỏ rằng: thuốc ấy là thánh dược. Họ quên hoặc không chịu đưa ra cho ta những bằng cứ “nghịch” lại, rằng thuốc ấy đã không cứu được hoặc đã lỡ giết bao nhiêu người rồi. Có khi họ chỉ đưa một bằng cứ thôi, do một người có tên tuổi để “thôi miên” lòng tín nhiệm kẻ khác. Những nhà buôn thường dùng lối luận này để quảng cáo mối hàng của họ.

 

Các ông thầy thuốc, thầy tướng… gặp ta thường chỉ kể những chứng bệnh hoặc những điều các ông ấy đã cứu được hoặc đã đoán trúng mà thôi. Vô tình hay hữu ý, họ bỏ qua cả những bệnh nhân mà họ đã cứu không đặng, hoặc những thân chủ mà họ đã tiên đoán sai. Đó là họ sa vào lối ngụy luận mà nhà luận lý gọi là “liệt cử thiếu sót”. Đây cũng là một lối “qui nạp không đúng phép”. Nói rằng: món thuốc này đã trị 200 bệnh nhân, cũng không đủ chứng nhận rằng nó là thuốc thánh. Ta cần phải hỏi lại: Thuốc này đã cứu được 200 bệnh nhân, mà là 200 phần trăm (200/100) hay là 200 phần ngàn (200/1000) hay là 200 phần mười ngàn (200/10.000)? Nghĩa là trong số 200 ấy chỉ là số 200 người lành bệnh trong số 1000 hay 10.000 người uống thuốc ấy? Quan hệ nhất là chỗ đó. Kẻ nào chỉ kể cho mình vỏn vẹn con số trên mà bỏ qua con số dưới, kẻ ấy họ xem thườngẻ con vậy. Đành rằng không có môn thuốc nào trị bệnh đều lành cả trăm phần trăm, nhưng cần phải cho người ta biết cái số phần trăm kia được bao nhiêu, để người phỏng định được cái sức hay nó tới đâu. Nếu chỉ cho ta biết nó đã trị được 1000 bệnh đi nữa, mà không cho biết cái số phần trăm của nó, thì cũng không có nghĩa lý gì cả. Thế mà phần đông kẻ thiếu óc phán đoán hay tin lối luận này lắm: Những quảng cáo chỉ in cho họ chừng vài trăm chứng thư khen hay là đủ cho họ tin rồi. Họ không đòi hỏi gì nữa.

 

Những kẻ mê tín cũng thường dùng lối luận này: Họ rất tin những sách “đoán điềm giải mộng” và quả quyết rằng chiêm bao rất linh, hoặc hễ tắc kè kêu là trong nhà có người đau. Họ không phải chỉ tin suông mà không mai cử bằng cứ cho mình đau. Họ thuật cho mình nghe cả một mớ bằng cứ, chứng rằng thuyết họ tin là đúng. Thật vậy: họ đã để ý như thế nhiều lần, lần nào cũng linh nghiệm. Nhưng họ quên làm một bản thống kê có cả bên có và bên không. Nếu họ chịu khó ra công làm một bản thống kê có cả bên Có bên Không, và mỗi khi họ chiêm bao mà không có thật hiện thì biên bên “không”. Chừng ấy so sánh, ta sẽ thấy trong 100 lần chiêm bao chỉ có một vài lần ứng nghiệm thôi. Người ta thường có óc thiên lệch: hễ trong ngàn lần mà chỉ có một lần thấy chiêm bao ứng nghiệm thì liền căn cứ vào đó để giải quyết sự tin tưởng của mình, bỏ qua cả 999 lần không ứng nghiệm kia đi. Là vì nó hạp với sự tin tưởng của mình.


 

Những người của một phe phái hay một lý thuyết nào cũng thường có cái óc thiên lệch ấy: Bất kì sự gì vật gì xảy ra mà trái với thuyết của mình đang thờ, mình không mấy khi để ý đến, hoặc có để ý đến rồi cũng mau quên, chỉ nhớ rất kĩ những điều gì xảy ra hạp với lý thuyết mình thôi. Nếu cần phải đưa bằng cứ ra để chứng nhận thuyết mình, thì mình lại quên mất những việc đã xảy ra không “ăn” với thuyết mình, và chỉ nhớ những việc nào “thuận” với thuyết mình thôi. Bởi vậy, mình mới bị lầm lạc một cách hết sức vô tình. Nhưng cũng có những kẻ hữu ý gạt bỏ những bằng cớ “bất lợi” cho lý thuyết họ để lường gạt dụ dỗ người khác. Đó là hạng người “cố tâm” và thích sống trong sai lầm, không cần bàn đến trong quyển sách này.


 

Trong khi nghiên cứu một vấn đề nào, cần nhất là phải liệt cử ra đủ mọi phương diện và nghiên cứu từng chi tiết, đừng bỏ sót một mặt nào cả.

 

Nghiên cứu về vấn đề hạnh phúc của con người, thời không thể chỉ liệt cử những phương diện vật chất mà bỏ qua những phương diện tinh thần. Nghiên cứu về vấn đề giáo dục, thời cũng không thể liệt cử những phương diện trí dục mà bỏ qua những phương diện đức dục và thể dục

 

Trong những lối luận “song quan” mà ta đã thấy trước đây, ta thường chỉ liệt cử có hai phương diện đối đích mà quên những phương diện kẽ giữa của vấn đề. Lối luận này lắm khi không đúng với sự thật, là vì mình làm như kẻ chận bắt kẻ gian trong nhà mà chỉ chận nghẹt của trước và cửa sau thôi. Không thấy tăm dạng gì của tên bợm cả, ta bèn kết luận rằng, tên gian ấy không có trong nhà, không dè tên ấy không ra hai cửa đó, lại trổ cửa sổ đi mất mà mình không hay. Ví như trong câu luận này của một ông quan toàn đưa ra để kết án một anh lính có tội để quân giặc vào thành: “Có hai lẽ: hoặc anh có mặt tại cửa thành, hoặc anh không có mặt tại đó. Nếu anh có mặt tại đó, mà quân địch vô thành anh không cho hay, đó là anh thông đồng với binh giặc. Tội anh đáng chết. Hoặc anh không có mặt tại đó. Thế thì anh lại phạm vào tội đào nhiệm. Tội anh cũng đáng chết!”. Luận thế mới thấy dường như không còn gì chối cãi được nữa. Ông quan tòa luận thế, là lấy theo pháp luật mà nói. Phàm theo pháp luật, thì không có luật “xen kẽ”, bởi vậy mới có bày ra “tình trạng giảm khinh” là vì sợ có sự sai lầm trong khi luận hai đầu mà quên “chặng giữa”. Như tên lính đây, nếu luận như trên, thì có khi không đúng với sự thật. Là vì, mặc dầu anh đã để cho quân giặc lọt vào thành, anh không phải phạm tội đồng lõa với quân giặc, mà cũng không phải anh phạm vào tội đào nhiệm nữa. Trong khi binh giặc vào thành mà sở dĩ anh không hay là vì anh bị bên địch ám hại trọng thương, nên lúc ấy “bất tỉnh nhân sự” không kịp ra dấu hiệu cho quân mình. Luận hai đầu mà quên “chặng giữa” là cũng phạm vào cái lỗi “liệt kê thiếu sót”.


 

Tóm lại, lối luận này, chẳng phải vì “liệt kê thiếu sót” mà thôi, mà phần nhiều là tại chỉ liệt cử những bằng cứ tích cực mà bỏ qua những bằng cứ tiêu cực. Hoặc chỉ đem ra những phương diện cực đoan mà quên những phương diện “kẻ giữa” của hai lẽ cực đoan ấy.


 

III. Sai lầm của phép loại suy

 

Ở đây ta cần phải để ý điều này: Phần đông người ta hay lầm lẫn phép loại suy là phép tỉ luận. Cả hai đều có chỗ giống nhau, nhưng kì thật là khác nhau rất xa vậy.

 

Phép tỉ luận dùng để dẫn dụ, không như phép loại suy dùng để dẫn chứng.

 

Như trong câu chuyện Án Tử đối đáp với vu nước Sở về vụ người nước Tề ăn trộm.

 

Án Tử nói: “Tôi thường nghe quít Giang Nam ngọt mà đem trồng nơi Giang Bắc thì chua. Là tại nơi thổ nghi. Nay người nước Tề ở Tề thì không ăn trộm mà sang Sở lại ăn trộm. Cũng là tại thổ nghi vậy”.

 

Đó là ông dùng phép tỉ luận, đem quít mà so sánh với người để dẫn dụ. Dùng phép loại suy mà luận thì không thể luận như vậy đặng nữa. Tỉ như câu luận này: “Trái đất là hành tinh có người ở, là vì có không khí. Mà Sao Hỏa cũng là một hành tinh, cho nên cũng có người ở”. Luận thế là luận sót điều kiện. Trái đất là một hành tinh có không khí. Rồi tại sao, khi bắt qua hành tinh Sao Hoả lại bỏ qua điều kiện không khíđi, để kết luận như trên, là sai. Như trên đây, nếu đứng về phương diện phép loại suy mà nói, thì Án Tử đã luận thiếu điều kiện. Phàm muốn so sánh, thì phải là vật đồng tính với nhau. Hành tinh sánh với hành tinh, kim khí sánh với kim khí, người sánh với người, không được sánh với loài cỏ cây, những loại vô tri vô giác. Cách con người phản động với hoàn cảnh không giống với cách cây cỏ phản động với thủy thổ. Như trong trường hợp hành tinh Sao Hỏa và Trái Đất, ta thấy rằng: đã cùng một loại hành tinh mà luận thiếu điều kiện không khí cũng đủ cho ta bác ngay, huống hồ người và cây cỏ là hai vật không cùng loại.

 

Trong khi suy nghĩ cần phải tránh xa lối luận này. Người có óc “giản lược” hay suy nghĩ bằng phép “loại suy thiếu điều kiện” như trên. Họ thường lấy mình mà độ kẻ khác, hoặc lấy phương diện con người mà độ tất cả hành vi vạn vật. Napoléon sở dĩ thắng được địch thủ ông một cách dễ dàng là nhờ ông không bao giờ lấy mình mà độ người. Trái lại ông nói: “Đứng trước một tình thế nguy cấp mỗi người có mỗi cách phản ứng riêng tùy tính khí của mình”. Cái tài “bá chiến bá thắng” của ông, một phần lớn do nơi cái tài đặc biệt biết người của ông vậy.

 

Lối suy nghĩ giản lược bằng cách loại suy này chẳng những dễ khiến ta sa vào chỗ sai lầm, mà lắm khi rất nguy hiểm cho cả vận mạng một quốc gia hay một thế hệ. Tỉ như, ta thường nghe nhiều phái giảng rằng: “Người ta chỉ nên và rất có thể tự diệt cá tính đi, và chỉ biết có cái óc xã hội, cái tinh thần đoàn thể thôi, bởi có nhiều loài thú vật như loài ong, kiến đã làm xong sứ mạng ấy”. Người ta quên rằng, loài ong, kiến đâu cần phải diệt cá tính của nó, trong khi nó chưa bao giờ có. Vấn đề tự diệt cá tính để xã hội hóa của loài ong, kiến không thể thành vấn đề như ở xã hội loài người.

 

Đó là người luận giản lược thái quá, đến đem những luật tâm lý cầm thú mà so sánh với những luật tâm lý của loài người. Về giới khoa học, triết học, không biết bao nhiêu kẻ thích dùng lối luận giản lược để dẫn dụ độc giả.

 

Bởi thế, khi nào ta nghe ai bảo với ta như vầy: “Thử lấy so sánh này”, ta phải coi chừng kẻo bị họ lừa ta vào cái bẫy ngụy luận của họ. Nói thế, không phải bảo đừng bao giờ dùng đến luận. Một khi mà cái thuyết của mình đã tự nó vững chắc rồi, thì dùng đến kĩ xảo khéo léo để cho tư tưởng ấy được sáng sủa, rõ ràng hơn, thật không gì hay bằng. Nhưng nên biết rằng, tỉ dụ ấy chỉ dùng để khêu gợi sự hiểu biết, chớ đừng lầm tưởng nó là chứng cứ. Có câu ngạn ngữ này, nên nhớ mãi trong khi lý luận hay nghe người khác lý luận: So sánh không phải là luận cứ.[21]

 

Vậy muốn tránh cái sai lầm khi suy nghĩ hay lý luận bằng loại suy, ta cần để ý đến sự đồng tính của hai hiện tượng, nghĩa là, vật mình đem ra để so sánh cần phải đồng tính với vật mình đang muốn giãi bày. Vật chất ảnh hưởng tinh thần, như sự ảnh hưởng vật chất đối với tinh thần của loài người lẽ cố nhiên không thể đem so sánh với ựu ảnh hưởng vật chất đối với tinh thần của loài vật.

 

Tóm lại, trong khi mình suy nghĩ phán đoán nên xem xét lại coi tư tưởng mình có sa vào những sai lầm đã kể trên không. Được vậy, mình có thể yên trí rằng mình không đến sai lầm nặng nề như khi mình sống vô tâm hay cẩu thả trước kia nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.