Thuật Tư Tưởng
Phần thứ nhì – Chương I THUẬT TƯ TƯỞNG
“Luôn luôn lo tránh sự sai lầm,
đó là tất cả tư cách làm việc
theo khoa học”
(Gustave Lanson)
Biết được các điều ã nói trước đây là đã có vừa đủ một cái vốn hiểu biết cần thiết để suy nghĩ đúng đắn.
Tôi nói: “Có một vài vốn hiểu biết vừa đủ để suy nghĩ đúng đắn”, chớ không phải bảo “các bạn sẽ suy nghĩ đúng đắn”. Có một cái vốn để suy nghĩ là một việc; mà biết dùng đến nó để suy nghĩ cho đúng đắn lại là một việc khác.
Biết bao nguyên nhân làm cho ta suy nghĩ sai lầm. Thay vì luyện tập trí não mình để tìm chân lý, cần phải tập cho nó biết phòng ngừa lấy những sự sai lầm trước đã. Suy nghĩ mà đừng sai lầm đã là một việc khó khăn hết sức rồi. Mỗi người thiếu tư cách về tinh thần như thiếu can đảm, thiếu nhẫn nại, thiếu công bình, thiếu liêm sỉ… nhất là thiếu ý chí, thì nhất định là không bao giờ suy nghĩ mà khỏi sai lầm. Bởi vậy, đâu phải “suy nghĩ ít sai lầm” là dễ dàng…
Ở đây tôi sẽ không bàn về phương pháp đi tìm chân lý, mà chỉ bàn về sự sai lầm về những nguyên nhân tạo ra nó để phòng khi suy nghĩ thôi.
Tìm phải dùng đến Trực Giác, không thể dùng đến Lý Trí được nữa. Bởi vậy, ở đây tôi chỉ vụ lấy sự thiết thực thôi, nghĩa là tìm cách để hành động, chớ không phải tư tưởng để tìm chân lý, cái chân lý của nhà triết học hay tôn giáo.
Tư tưởng là gì?
Mỗi khi ta thấy cần phải suy nghĩ, quyết là vì đã có một vấn đề gì hiện ra trong đầu óc, mà mình phải tìm cho nó một giải quyết rõ ràng và thiết thực. Vậy tư tưởng tức là để ý đến một vấn đề nào.
Những vấn đề thường xảy đến cho ta thường ngày, thật là phiền phức, ta cũng có thể phân nó ra làm hai loại:
A. Vấn đề thuộc về hành động
a) Ta muốn làm gì? Ta muốn điều gì?
b) Muốn đạt đến những mục đích ấy phải làm cách nào? Phải dùng đến những phương pháp nào?
Phải tổ chức công việc như thế nào cho chu đáo? Đó là những vấn đề thuộc về tổ chức.
Phải làm cách nào để chỉ huy công việc hoc có kết quả chắc chắn và mau lẹ với mớ tài liệu của ta có sẵn đây? Đó là những vấn đề thuộc về phương pháp.
Rồi lại còn phải nghĩ đến những vấn đề qui pháp nữa. Làm cách nào cho kẻ dưới tay hay người cộng sự với mình biết thừa hành mạng lệnh của mình? Vì hiếm kẻ làm chủ, chẳng luận làm chủ hãng hay công sở, họ chỉ thấy có cái điều cần phải làm, chớ không nghĩ đến cách phải làm như thế nào, và cũng không thèm nghĩ đến phải làm sao cho kẻ khác thi hành việc cho đúng theo ý muốn của mình. Bấy nhiêu vấn đề ấy liên lạc nhau rất mật thiết. Phàm muốn thi hành một ý nghĩ nào, cần phải để ý đến ngần ấy vấn đề mới được: Vấn đề tổ chức, vấn đề phương pháp, vấn đề quy pháp…
B. Vấn đề thuộc về tri thức
a) Để giải quyết những vấn đề ở trên, công việc đầu tiên của chúng ta là đi tìm tài liệu và tìm tài liệu chuyên môn. Thiếu tài liệu, nhất định không nên quyết đoán một điều gì cả.
Ở đây ta nên để ý điều này: Học biết rộng nhưng thiếu chuyên môn, đó là học để tiêu khiển, không thể ứng dụng được một cách rõ ràng. Trái lại chuyên môn mà thiếu học rộng, thì sự hiểu biết hẹp hòi, phán đoán thường sai lầm mà cũng không tinh tấn gì được nữa. Có vừa một cái học rộng rãi vừa một cáià một điều rất cần thiết cho bất kỳ kẻ nào muốn hiểu biết một cách chính đính, dầu ở trong ngành hoạt động nào.
b) Tuy nhiên, hiểu biết không phải chỉ thu trữ được rất nhiều sự hiểu biết của kẻ khác, mà chính nhờ sự quan sát suy nghĩ riêng của mình. Ta cũng nên biết rằng, dầu là ở nơi học đường hay hơi công xưởng không bao giờ ai dạy mình được tất cả mọi việc, không thể dạy được. Chỉ có làm lấy, rồi thì vừa học vừa tìm ra những cái bí quyết của việc làm của mình thôi. “Có rèn, mới trở nên anh thợ rèn”. Có viết văn, có làm sách thời mới biết được cách làm nhà văn, nhà trước thuật.
Bởi vậy, ngoài vấn đề tìm tài liệu, ta còn phải quan tâm đến vấn đề tìm tòi của riêng mình nữa. Trang Tử có bài ngụ ngôn rất lý thú này “Vua Hoàn Công đọc sách trên lầu. Có người thợ mộc đang đẽo bánh xe ở dưới nghe đọc, bỏ chàng, đục, chạy lên nói vua rằng: – Cả dám hỏi nhà vua học những gì thế? – Hoàn Công đáp: Những câu của Thánh nhân.
– Thánh nhân hiện nay còn sống không?
– Đã chết rồi.
– Thế những câu nhà vua học chỉ là những cặn bã của cổ nhân đấy thôi.
– Ta đang đọc sách, sao dám nghị luận như thế? Hễ nói có lẽ, thì ta tha; không có lẽ, thì ta bắt tội.
– Tôi đây cứ lấy việc làm mà xem. Khi đẽo cái bánh xe, để rộng thì mộng cho vào dễ, nhưng không chắc; để hẹp thì mộng cho vào khó, nhưng không ăn. Còn làm không rộng không hẹp, vừa vặn đúng đắn, thì trật tự tâm tôi liệu mà nẩy ra tay tôi làm như đã có cái phép nhất định chớ miệng tôi không có thể nói ra được. Cái khéo ấy tôi không có thể dạy được cho con tôi, con tôi cũng không thể học được tôi. Bởi thế, tôi năm nay đã 70 tuổi mà vẫn giữ nghề đẽo bánh xe. Người cổ đã chết, thì cái hay người cổ không thể truyền lại được, cũng đã chết cả rồi. Thế thì những câu nhà vua học thật chỉ là những cặn bã của cổ nhân mà thôi”
c) Nếu muốn đem sự hiểu biết của người làm sự hiểu biết của mình tất phải suy nghĩ phê phán nó để cho thật hiểu nó mới có thể dùng đến nó được. Mà suy nghĩ phê phán, tức là so sánh. Vậy muốn chuyển cái biết của người thành cái biết của mình phải đả động đến một vấn đề “tỉ giảo”.
Bởi vậy, hiếm kẻ vì lười biếng nên phó mặc đời sống của mình cho sự hên xui của số mạng, sống ngày nào hay ngày nấy, ai sao mình vậy, không cần suy nghĩ làm chi cho nhọc. Như kẻ đui mù, chúng ta cam lòng nhắm mắt mà đi, tới đâu hay tới đó, nhưng đến khi đụng đầu với một trở ngại hay một thất bại đau đớn nào, bấy giờ những vấn đề ấy trở lại buộc ta phải suy nghĩ và giải quyết lại một lần nữa. Tiếc rằng đến lúc ấy, vì thiếu tập luyện, trí não không đủ điều kiện để giải quyết dễ dàng và đúng đắn được như ý muốn. Sợ khó, mà xao lãng bỏ qua,lo đào luyện óc phán đoán, rất có hại cho ta sau này. Không thèm để ý đến những vấn đề quan trọng trong đời ta hằng ngày, đâu phải là có thể trốn tránh nó, vì nó sẽ trở đi trở lại mãi và bắt buộc mình phải giải quyết nó một lần mới được.
Nguyên nhân của những tư tưởng sai lầm:
Gustave Lanson nói: “Óc phê bình, tức là óc khoa học sáng suốt không chịu tin cậy nơi các quan năng của mình để tìm chân lý, trái lại chỉ lo tìm cách tránh sự sai lầm trước hết mà thôi”[44].
Bởi vậy, ta cần phải biết rõ ràng những nguyên nhân của sự sai lầm, vì có biết rõ nó mới có thể tránh được nó.
Sai lầm có nhiều thứ: Mỗi vn đề có những mối sai lầm riêng của nó, nghĩa là “bao nhiêu vấn đề là bấy nhiêu thứ sai lầm”.
Nhưng tựu trung, ta có thể chia ra làm hai loại như sau đây:
A – Loại thuộc về phần lý luận.
B – Loại không thuộc về phần lý luận.
“Thuộc về phần lý luận”, là bàn về những sai lầm do nơi lý luận không đúng mà ra[45].
Dưới đây, bàn về loại sai lầm “không thuộc về phần lý luận”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.