Thuật Tư Tưởng

Chương II VÌ ĐÂU MÀ SAI LẦM



A. Không rành việc

 

Ngạn ngữ có câu: “Biết thời thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Nếu không biết mà cứ nói càn, nói bướng, là nói sai, nói bậy. Lắm kẻ phê bình học thuyết này, bài bác học thuyết kia, cổ võ học thuyết nọ… mà chính mình cũng chưa hiểu rành rọt học thuyết ấy. Một nhà triết học có nói: “Phàm muốn phê bình một học thuyết nào, điều kiện đầu tiên, là phải vào trong nó, và điều kiện kế đó là phải ra cho khỏi nó”. Điều kiện đầu tiên, khuyên ta nên thật biết rõ học thuyết ấy bằng cách nghiên cứu tận tình, còn điều kiện kế đó khuyên ta nên ngừa sự thiên lệch của tình cảm một khi mình ưa thích nó. Câu này, cần phải lấy nó làm câu châm ngôn vàng ngọc, ghi sâu vào tâm khảm.

 

Biết bao sự sai lầm chỉ nguyên do vì một sự không hiểu, hoặc có hiểu mà không hiểu rành vấn đề mình đang muốn biết ấy. Hiếm kẻ nghe thuật sơ qua một vụ án mạng về tình, hay một vụ tù tội, vội kêu án một cách gắt gao tội phạm, trong khi mình chưa có đủ tài liệu hay bằng cứ đích xác để kêu án như thế. Dầu có nhiều tài liệu do báo chí đưa đến, nhưng còn lắm điều khuất khúc mà mình chưa thể rõ được hết, mình cũng không nên quá vội vàng mà võ đoán. Hiếm vụ án mạng mới nghe qua thật là hết sức tàn nhẫn, thế mà khi ta thấy được rõ những tình tiết bên trong, ta không khỏi đem lòng trắc ẩn mà dung thứ.

 

Ta chỉ có thể phê phán đúng đắn được những vấn đề ta biết thôi. Bởi vậy, đứng trong địa hạt chuyên môn của mình, ai ai cũng tin chắc phán đoán của mình cả. Cái đó là lẽ cố nhiên. Nhưng khi ta rời khỏi địa hạt chuyên môn của ta để phê bình những vấn đề khác, thật là có hại to vậy. Nguy hơn nữa, là khi đã ra ngoài địa hạt của mình rồi mà cũng vẫn còn tin cậy mãi nơi sự phán đoán của mình cũng như khi mình phán đoán trong địa hạt chuyên môn của mình. Ta há không thấy hiếm nhà bác học, nhưng khi ra ở đời, thường lại bị lầm lẫn nặng nề như một kẻ ngu dốt hay sao? Ta há không thấy lắm nhà văn sĩ, tưởng rằng hễ có người có học tất phải làm nên sự nghiệp hơn mấy kẻ dốt nát nên đâm ra buôn bán, nhưng vì chưa rành vấn đề thương mãi mà họ phải bị thất bại một cách đau đớn hay sao? Các vị quan tòa thận trọng, vì sợ phê phán sai lầm, thường hay giao những vấn đề gì ngoài luật pháp cho những kẻ chuyên môn, họ định đoạt thế cho.

 

Trái lại, ở đời, hiếm kẻ không biết gì cả, thế mà không một vấn đề gì là không có họ phê bình tới: Họ bàn chính trị, kinh tế, giáo dục…, như họ bàn đến những vấn đề của nghề nghiệp họ. Mình nên tránh những người ấy cho xa là hơn.

 

Ta cần phải có kiến văn, hiểu biết nhiều để giúp cho trí thức rộng đường so sánh, cân nhắc… Vì, như ta đã thấy, phán đoán là lấy một điều chưa biết mà so sánh với điều đã biết cho dễ thấy sự thật hơn. Thiếu kinh nghiệm của người trước, ta mất một kho tàng quí báu của tri thức, vì nếu mỗi mỗi đều phải cần thí nghiệm lại cả thì suốt một đời của mình không thấm vào đâu cả.

 

Những điều hiểu biết của kẻ khác chỉ có thể xem là những tài liệu thôi. Phải coi chừng đừng bao giờ bắt chước theo kẻ khác mà phê phán. Cái đã qua với cái hiện tại giống nhau bất quá giống nhau về cái cách, chớ không giống nhau về cái thế”. Ta phải cẩn thận chỗ đó cho lắm, không khéo lại phải sa vào cái tệ, là nô lệ cổ nhân, hay nô lệ tư tưởng của những kẻ đồng thời mà mất cả óc phán đoán của mình.

 

Thiếu tài liệu, hoặc có nhiều tài liệu mà không biết dùng, đều có hại cho tư tưởng cả.

 

Tóm lại, điều kiện để có được một tư tưởng, một phán đoán đúng đắn là phải biết tìm kiếm tài liệu cho đầy đủ về vấn đề mình đang truy cứu ấy.

 

Một bài toán, nếu muốn giải quyết nó, trước hết cần phải biết hết các đề của nó. Thiếu một trong các đề cần thiết ấy là ta không đủ điều kiện để giải quyết. Vậy trước khi phán đoán hay quyết định về một vấn đề nào, ta cũng cần phải đòi hỏi hoặc tìm kiếm cho có đủ tất cả các yếu tố cần thiết về vấn đề ấy. Phải tìm cho sự phán đoán mình một nền tảng chắc chắn, một tài liệu, một điều tra dồi dào không thiếu sót mới đặng. Vậy bất kì gặp vấn đề nào, ta phải tự hỏi trước hết:

 

a) Ở đâu, làm cách nào và với ai, ta mới có thể có những tài liệu, những điều tra cần thiết và đích xác về vấn đề ta đang muốn biết đó.

 

b) Ta phải căn cứ nơi đâu để kiểm tra những tài liệu ấy? Ta nên biết rằng, có sẵn tài liệu chưa phải đủ, cần phải biết phê bình nó, vì những tài liệu ấy phần nhiều không phải tự mình tai nghe mắt thấy, mình không nên trọn tin nơi nó.

 

Tìm mà trả lời những câu hỏi trên đây không phải là một công việc dễ dàng. Ở đây ta phải nhớ kĩ những điều khuyên nơi chương bàn về thuật quan sát[46], để tự mình tìm lấy những tài liệu đúng đắn dồi dào. Bấy nhiêu công việc để tìm tài liệu như trên thật là hết sức khó khăn và nhọc nhằn cho trí não… Vì vậy người ta ít ai chịu nghiên cứu tìm tồi chi cho khổ công nhọc sức, họ phán đoán càn, quyết định hướng cho rồi, có phải khỏe hơn không? Vậy chớ quyết định không phải là để thoát nợ, để “bỏ qua cho rồi” vấn đề mình đang suy nghĩ đó sao?

 

Những ai muốn tư tưởng cho đúng cần phải lánh xa cái tật lười biếng ấy. Phải biết nhất định suốt đời không bao giờ chịu bàn đến một vấn đề nào mà mình chưa rõ được ngọn nguồn. Một khi đi tìm tài liệu hay bằng cứ, thì phải đi đến nơi đến chốn. Nếu thấy nhọc mệt mà sanh lười biếng hãy gác tạm nó qua một bên, sau khi nghỉ ngơi cho thật khỏe, bấy giờ sẽ tiếp tục công việc truy cứu. Phải nhất quyết: Không bao giờ chịu quyết đoán càn, dầu là trong một việc nhỏ mọn. Đó là mình tập cho mình một thói quen rất tốt, và cần thiết cho một tinh thần cường kiện và chính đính.

 

Có được một cái học rộng thì tài liệu của mình tìm tất sẽ dồi dào đủ mọi phương diện, sự nhận xét sẽ có phần đúng đắn hơn kẻ chỉ biết trong một phạm vi chật hẹp của phần chuyên môn của mình mà thôi.

 

B. Thiếu phương thế

 

Thiếu bằng cứ, thiếu tài liệu, không phải chỉ vì “lười biếng” mà thôi. Thường hiếm kẻ sẵn lòng, sẵn chí nhưng vì không đủ phương thế nên không biết phải làm cách nào tìm kiếm cho đủ tài liệu để phê phán cho đúng đắn. Phần đông vì chật vật mãi với vấn ề sinh nhai, hoặc vì phải đảm nhận lấy những công việc khổ cực mà rồi thời giờ không đủ để đeo đuổi theo sự nghiên cứu tìm tòi… những kẻ ấy làm gì có đủ tài liệu để phê phán. Ta thử nghĩ một kẻ không thông văn tự, thiếu thời giờ nhàn rỗi, thiếu sách đọc, không có cơ hội giao thiệp với bậc trí thức… kẻ ấy làm gì có một kiến văn rộng rãi để phán đoán cho khỏi sai lầm. Người ta sở dĩ dốt nát, ngu muội, một phần vì hoàn cảnh như đã kể trên, không phải ít.

 

Tuy nhiên, cũng có kẻ giàu của, giàu phương tiện để có đủ sách vở đặng huấn luyện tinh thần trí não, để tìm kiếm cho mình đủ tài liệu cần thiết cho sự phán đoán của mình, nhưng trái lại, họ bị bó buộc trong luật pháp của xứ họ: Vì quyền lợi riêng, nhà cầm quyền không muốn cho họ được thấy xa hiểu rộng, vì nếu để họ sáng suốt, thì họ đâu có để cho ai nhồ sọ họ dễ dàng. Bởi vậy, đối với kẻ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở, thiếu giờ nhàn rỗi kia, họ cũng không hơn không kém gì. Dầu địa vị họ có phần cao quí hơn, kiến thức họ cũng vẫn hẹp hòi, trí não họ cũng vẫn bị ràng buộc, không hoạt động tự do. Ta cứ xem ngay các nước độc tài thì rõ: “Ở đây họ có thèm đếm xỉa gì đến sự thật, cũng đâu có thèm đưa bằng cứ gì đúng đắn để chứng minh điều họ bảo với mình đâu. Ở đây, tất cả mọi người đều bị buộc phải nhìn nhận một tôn giáo của chính thể quốc gia ấy, lẽ cố nhiên, là phải thừa nhận một cách mù quáng những ý kiến sẵn có của tôn giáo ấy…”. Bất luận kẻ trí hay người ngu, thảy đều phải tư tưởng theo một chiều, không thế, sẽ bị xem là bọn người có óc phản nghịch và bị truy tố.

 

Tuy vậy, tình cảnh của kẻ mà ta đã nói trước đây – chật vật về vấn đề sinh nhai – còn khốn nạn hơn tình cảnh kẻ nói sau đây bội phần, là vì kẻ nói sau đây họ còn được tự do theo cùng không theo, nhận cùng không nhận… chớ những kẻ nói trước đây, dầu họ có muốn cách nào đi nữa, họ cũng không sao muốn cho được.

 

C. Thiếu ý chí

 

Lại cũng có một hạng người không thể tìm được tài liệu chẳng phải vì họ không có đủ phương thế để tìm kiếm, trái lại, những tài liệu ấy ở bên mình họ, chỉ vì họ không muốn dùng đến mà thôi. Là vì lòng họ quá lo sợ nếu thấy rõ sự thật thêm, biết đâu những tài liệu điều tra thêm ấy sẽ không làm cho vừa lòng họ như họ đã ao ước cho nó phải xảy ra như thế nào. Tôi thường thấy l kẻ ngờ vực người yêu bội bạc, thế mà trước một bức thư có thể là một bằng cứ chắc chắn thêm vụ ngờ vực ấy, họ không đủ can đảm đọc bức thư ấy. Họ chịu thà không biết gì còn hơn.

 

Cũng có lắm kẻ nghe ai nói đến điều xấu xa của con cái mình, anh em hay bè bạn của mình thì lại một mực hoài nghi, tìm đủ lý lẽ để bỏ qua, không chịu kiểm tra lại đặng tìm sự thật.

 

Có kẻ ở xa trông tin nhà, mà khi được một bức điện tín, cầm lấy cả buổi không dám mở ra đọc: Là vì họ sợ bức điện tín ấy sẽ đem lại cho họ một cái tin không hay mà không muốn có…

 

Cũng có kẻ không bao giờ dám tính lại sổ sách hoặc điều tra công việc làm ăn của mình hiện thời ra sao… là vì họ sợ tình thế làm ăn của họ có điều không được vững vàng thỏa mãn…

 

Lắm kẻ vì quá ham mê sự vui chơi, cờ bạc rượu chè; hoặc vì biếng nhác nên họ rất ghét đọc những sách nghiêm trang như sách học, sách nghiên cứu… mà chỉ thích những cái gì nhảm nhí để mua vui, khỏi suy nghĩ. Bởi vậy, dầu họ là bậc thông minh, có tiền của, nghĩa là có đủ điều kiện để có được một óc phán đoán tinh vi sáng suốt bậc nào, họ cũng vẫn tối tăm dốt nát nhưng những kẻ bạc phúc nói trên. Lẽ cố nhiên, là khi nào họ cần phải suy nghĩ, họ suy nghĩ theo kẻ khác, theo phần đông, theo thành kiến, theo tập tục… Họ là kẻ có những tư tưởng nô lệ, bạc nhược.

 

Những kẻ có đủ tiền bạc, nhàn rỗi, thông minh, thế mà lại cam bó mình trong sự dốt nát tối tăm được, thật là một điều hết sức tủi nhục cho cái kiếp sống con người. Chỉ vì họ thiếu Ý chí, thiếu Lý tưởng, thiếu cả thể thống con người. Những kẻ đui mù, thế nào rồi cũng phải để cho kẻ sáng mắt họ dắt dìu. Kẻ nào trí não mờ ám tối tăm, chắc chắn bao giờ cũng sẽ là những kẻ làm tôi mọi cho kẻ khác không sai, vì họ là kẻ phải ỷ lại luôn luôn vào kẻ khác để suy nghĩ hay quyết đoán.

 

D. Sai lầm của nhận thức

 

Thường các nhà luận lý gọi là sai lầm của giác quan. Nhưng, sự thật không thể gọi có sự sai lầm của giác quan được mà phải nói là sai lầm của sự giải thích các nhận thức của giác quan, mới đúng – cố nhiên là phải trừ ra những “ca” bất thường do bnh tật gây nên.

 

Một người kia, trong bóng mờ thấy sợi dây đỏi, cho là con rắn. Sự nhận thức của người ấy, đâu phải sai. Sai, là tại sự giải thích của người đó, thay vì cho là sợi dây, lại tưởng tượng là con rắn.

 

Tại sao lại có sự giải thích sai lầm như vậy? Là tại trí não con ngườibao giờ chịu được có sự nghi ngờ. Bởi vậy, nếu quan sát mà nhận thức không đầy đủ, tất nhiên cái thiếu sót ấy phải có cái chi “” vào mới đặng. Bù vào sự thiếu sót của nhận thức chỉ có trí tưởng tượng ta là đắc lực mà thôi, vì nó có quyền tạo được tất cả cái gì mà sự thật không đủ sức cung cấp. Thật vậy, nếu ta để ý xem sợi dây cho thật kỹ lưỡng thì sự nhận thức của ta sẽ được đầy đủ, hoàn toàn, làm gì có sự lẫn lộn nó với con rắn cho đặng. Trái lại ta xem xét vội vàng quá nên nhận thức của ta phải thiếu sót. Những chỗ thiếu sót ấy, trí tưởng tượng ta mới phải tìm cách “” vào cho đầy đủ: Lẽ cố nhiên là cái nó “” vào đó không thể đúng được với sự thật. Nó đem một hình ảnh, hình ảnh con rắn mà trước kia nó đã có biết để thế vào. Đó là nguyên nhân của sự sai lầm mà ta thường gọi là sai lầm của giác quan. Sự cộng tác chặt chẽ giữa sự nhận thức và trí tưởng tượng là một điều thường xảy ra hằng ngày trong đời sống của ta. Xem ngay sự đọc sách hay nghe nói chuyện thì đủ rõ. Ta đọc một câu sách hay nghe một câu chuyện, nào phải ta đọc kỹ lưỡng từng chữ hay từng tiếng một đâu… Ta chỉ đọc hoặc nghe thoáng qua, là độ chừng biết chữ ấy liền không cần đánh vần từng chữ hay nghe nói rõ ràng từng tiếng. Vì vậy khi viết, lắm khi ta viết sai viết sót mà không dè. Trong khi quan sát, phương pháp duy nhất để tránh sự sai lầm của giác quan là phải lo tiêu trừ cái phần trí tưởng tượng ấy được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, và nếu có thể được thì hãy nên tiêu diệt hẳn nó đi trong sự nhận thức của ta mới mong thoát khỏi sự sai lầm trong khi quan sát.

 

E. Nguyên tắc sai và thành kiến

 

Thường có nhiều kẻ luận đúng phép lắm, nhưng họ luận sai… là tại họ căn cứ vào những nguyên tắc sai lầm.

 

Voltaire bàn đến lối ngụy biện này một cách rất ngộ nghĩnh, đại khái như vầy: Anh khùng ở thành Athenes tin rằng những chiếc tàu buôn đậu bến Piree đều là của anh ta tất cả. Bấy giờ anh ta mới tính coi bấy nhiêu chiếc ấy chở được bao nhiêu hàng hóa, và bao nhiêu ngày đoàn tàu ấy sẽ tới Pirre, một cách hết sức tài tình. Biết bao kẻ nguy dại như anh khùng này, họ cũng tính toán, cũng lý luận tài tình như thế. Họ đặt cả sự lý luận, tính toán của họ trên một nguyên tắc vô lý, họ lại nhân đó mà kết luận và kết luận… những sự không đâu. Một người kia có thể đi giỏi lắm, nhưng họ cũng có thể đi lạc vậy. Hễ họ càng đi giỏi chừng nào, thì nếu họ đi lạc, họ đi lạc càng xa chừng nấy. Đâu phải tại người ta thiếu lý luận, mà chính là tại người ta thiếu cái chỗ căn bản của luận lý. Anh có cần gì phải nói: Sáu chiếc tàu ấy của tôi, mỗi chiếc chở được 200 thùng. Một thùng nặng được 2000 livres, vậy tôi có được cả thảy 2.400.000 livers hàng hóa ở tại bến Piree. Cần yếu nhất là hỏi coi những chiếc tày ấy có phải thật là của anh không đã, đó là nguyên tắc trọng yếu nhất, rồi anh sẽ tí toán sau, cũng chẳng muộn”.[47]

 

Trong khi luận, người ta thường lấy đại tiền đề làm nguyên tắc và căn cứ vào đó mà tìm kết luận. Nếu nguyên tắc sai với sự thật, thì cái “giàn” lý luận của ta cũng “đổ nát” theo.

 

Đại tiền đề phải là một nguyên tắc mà ta đã nhận là chân lý, sau một cuộc điều tra chín chắn, thí nghiệm rõ ràng, nhận xét tinh vi, không còn phải nghi ngờ gì nữa. Nhưng nếu nó chỉ là một ức thuyết, một thành kiến, một tín ngưỡng của một học thuyết hay tôn giáo ta đang mê say sùng bái, thời phải coi chừng sa vào ngụy biện này một cách dễ dàng, vì nguyên tắc này là nguyên tắc chưa có bảo đảm, còn cần phải có sự khảo sát, thí nghiệm lại mới được. Ví dụ như câu:

 

Người ta không bao giờ chết – (đại tiền đề)

Ông Xoài là người; – (tiểu tiền đề)

Vậy ông Xoài không bao giờ chết. – (kết luận)

 

là sai, vì đại tiền đề, tức là nguyên tắc của cái “giàn” lý luận này tự nó đã là một điều sai hẳn với sự thật rồi. Nếu ta không để ý nghiên cứu đến cái nền tảng ấy, có khác nào ta xây một cái đài lộng lẫy trên một bãi phù sa…

 

Người ta thường lấy những điều mình hiểu biết để làm cái mực cho những hiểu biết sau này. Những điều hiểu biết ấy thường là những điều hiểu biết tiên thiên mà ta đã nhờ giáo dục hay tập quán hun đúc, lưu truyền cho, và xem nó như những nguyên tắc bất di bất dịch. Nếu có một điều gì ta thấy hạp hoặc giống với những nguyên tắc ấy, ta sẽ ưng thuận và cho đó là đáng tin hơn hết mà thôi. Trái lại, nếu nó đi ngược với thành kiến ta tức là đi ngược với những nguyên tắc ấy, ta sẽ không thể nào tin là có thể được.

 

Xưa kia người ta tin theo Kinh Thánh cho rằng trái đất hình vuông và đứng mãi một chỗ và mặt trời cùng các tinh tú thì xoay chuyển chung quanh. Cái nguyên tắc sai lầm ấy, người ta đã lấy nó làm một nguyên tắc tuyệt đối (vì nó ở trong sách Thánh Kinh) rồi nên khi có một Galilée chủ trương thuyết “trái đất hình tròn và lại xoay chung quanh mặt trời”, bấy giờ không ai chịu cho đó là có thể có được, bởi nó đã sai với nguyên tắc mà hầu hết đã tin tưởng kia. Người ta đã chẳng những không tin mà lại còn đem Galilée ra xử trước tòa Inquisition là khác.

 

Lòng tôn kính của ta đối với những nguyên tắc ấy lớn lao thế nào, và thế lực của nó mạnh mẽ thế nào, đến dẫu rằng sờ sờ trước mắt có những bằng cớ trái ngược bao nhiêu đi nữa, ta cũng vẫn không chịu tin theo, huống hồ đối với những bằng cứ do kẻ khác đ cho ta. Kẻ đã tin có một “đấng thượng đế” chấp chưởng kiền khôn rồi thì đừng trông gì đem lý lẽ để bài bác cái tín ngưỡng ấy của họ được nữa. Kẻ đã cho Phật là cao siêu rồi, thời cũng đừng mong làm cách nào cho họ ngờ vực cái tín ngưỡng ấy được nữa. Trái lại, nếu có một học thuyết nào mà phảng phất với cái học thuyết của Phật, họ mới sẽ chịu cho học thuyết ấy là cao mà thôi[48]. Tâm lý người đời là như thế cả.

 

Vậy, ta phải coi chừng; mỗi khi cần phải nhận một điều gì làm nguyên tắc, ta phải biết để cả óc phê bình mà xem xét, suy nghĩ, cân nhắc, thí nghiệm… cho tới nơi tới chốn rồi sẽ nhận. Vì như ta đã thấy[49], một khi ta đã nhận một nguyên tắc sai lầm rồi thời tư tưởng của ta bao giờ cũng bị thiên và bị đưa về một con đường sai lạc chưa biết đâu mà lượng trước được. Và ta cũng khó lòng mà cởi bỏ nó một khi nó đã ăn sâu vào trí não. Thành kiến, tập tục, lý thuyết đương thời…, là cái nguồn bất tận cung cấp cho trí não ta nhng nguyên tắc tiên thiên và sai lầm ấy.

 

Lúc còn thơ ấu, chúng ta bị tục lệ, luân lý, tôn giáo nhồi nắn cho những cái “nguyên tắc sẵn sàng” ấy… lâu ngày nó ăn sâu trong tâm khảm, mọc nhánh mọc rễ rồi đến khi lớn lên thành người, không trông gì mà sửa đi một cách dễ dàng cho được nữa. Ta thường thấy một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình đạo Thiên Chúa, thì về sau lớn lên cũng theo đạo Thiên Chúa. Một đứa khác sinh ra trong một gia đình đạo Phật, lớn lên về sau cũng theo đạo Phật.

 

Kẻ nào có nhiều thành kiến là kẻ ít thấy được sự thật ở đời hơn hết. Là vì họ chỉ hiểu hoặc chịu hiểu những điều gì hạp với những tư tưởng sẵn của họ, với những nguyên tắc tiên thiên của họ mà thôi. Họ đã thiên về một chủ nghĩa nào rồi, trong đời họ chỉ nhìn với cặp kiếng màu (tức là thành kiến) ấy. Họ đã có sẵn một mớ thành kiến về luận lý, học thuyết, tôn giáo… nên bất luận là gặp một ý tưởng nào mới lạ, họ đều loại ra ngoài trí não của họ cả, trừ ra cái nào hạp với những nguyên tắc tiên thiên của họ thôi. H. Bergson có nói: “Triết luận không khó, nếu ta đừng đem thành kiến của ta chen ngăn giữa trí não ta và sự vật”. Tôi thấy nhiều kẻ say mê chủ nghĩa duy vật biện chứng đến đỗi bất kỳ là cái gì của họ đọc hay họ nghe, họ đều đem so sánh lại với chủ nghĩa họ: Nếu hạp, thì họ cho là đúng, còn không hạp, thì họ bỏ qua một bên, cho là sai lầm; hơn nữa họ sẽ cho đó là tư tưởng của bọn phản động, phản tiến hóa v.v… Tư cách ấy, có khác gì tư cách độc tôn, hẹp hòi của những kẻ theo một tôn giáo. Hễ sách nào nói về những điều giống với tôn giáo họ, thì họ cho là phải, là chính đạo, ngoài ra đều là tà giáo cả họ bị lôi cuốn vào trong giới tín ngưỡng mà không hay, nên rất dễ bị sa vào cuồng tín, khó thể tránh được. Óc tôn giáo là thù địch thứ nhất của tinh thần khoa học. Óc tôn giáo, tức là chỉ về óc thành kiến, óc nô lệ, toàn bắt tín đồ phải nhìn nhận một cách mù quáng một mớ nguyên tắc tiên thiên, không được đòi hỏi bằng cứ hay lý do gì cả. Bởi vậy, lối ngụy luận này là lối ngụy luận của những kẻ bị giam mình bất luận trong một tôn giáo nào, hay một phe phái nào. Nói thế, không phải bảo rằng những nguyên tắc tiên thiên của các tôn giáo đều là sai lầm tất cả… mà là để sự tai hại của một mớ nguyên tắc tiên thiên có khi sai lầm mà mình vẫn đinh ninh là chân lý, nên không để ý kiểm tra lại, trước khi nhận nó. Ta nên theo lề lối của Descartes mà hoài nghi tất cả những gì của kẻ khác đưa đến cho ta mà ta chưa đủ bằng cứ để tin theo.

 

Tuy nhiên, cho rằng lối ngụy luận này không phải do phép luận sai mà là do sự dùng nguyên tắc sai, cũng không thật đúng cho mấy. Là vì những nguyên tắc ấy phần nhiều do qui nạp hay diễn dịch sai lầm mà ra. Thì như cái tín ngưỡng này: “Vàng uống được, là vị thuốc trị được tất cả các thứ bệnh”. Sở dĩ có cái thành kiến ấy là tại vì người ta suy luận sai lầm như vầy: Vàng, giúp cho ta thật nhiều công việc có ích rất lớn lao, lẽ cố nhiên, công việc khẩn thiết và lớn lao hơn hết là sức khỏe, vô lý nó lại không giúp ta được một cách đắc lực hay sao? Đó là qui nạp sai, nghĩa là lý luận sai.

 

F. Quyền thế và uy danh

 

Những sai lầm do quyền thế gây nên thật là đáng sợ, vì ở đây tình cảm dục vong chen vào một phần để cấu thành nó. Mỗi khi nhận hay không nhận một điều gì, chẳng phải là vì tự mình suy nghĩ phán đoán lấy mà là vì nó do một kẻ ta tin cậy nói ra hoặc viết ra. Đó gọi là tin tưởng, chớ không phải là hiểu biết.

 

Dường như đã là một nhà bác học chuyên môn, một nhà triết học hay học giả có đại danh thì không bao giờ còn sai lầm được nữa vậy. Cổ nhân hay danh nhân đối với ta, là một bảo đảm chắc chắn. Ta khỏi phải sợ có sự sai lầm gì nữa cả. Bởi vậy, ta tin tưởng sách vở, xem nó như “khuôn vàng thước ngọc”, nhất động nhất tịnh đều ỷ lại vào quyền thế đó, để suy nghĩ hoặc bàn cãi với ai điều gì: Nếu ta rõ được những nguyên nhân bí mật xui những đại danh nhân kia hành động, ta sẽ biết chắc chắn là không phải họ luôn luôn vì chân lý mà làm… Cũng đừng có bảo vì phần đông công nhận, mà cho đó là một đảm bảo đáng tin cậy. Vậy ta không biết rằng, bất kỳ là một điều lầm nào, cũng có kẻ đui mù họ tin theo sao?

 

Tuy nhiên, đâu phải nói thế là bảo không nên tin cổ nhân, mà là bảo chớ quá tin cổ nhân mà không chịu suy nghĩ phê bình lại. Nào đâu phải Tín ngưỡng tự nó là sai lầm. Nguyên nhân sai lầm, chính là nơi cái quan niệm sai lầm này là lẫn lộn tín ngưỡng với trí thức, xem tín ngưỡng như một chân lý khoa học. Thế nhưng, nếu ta cắc cớ lấy ngay lịch sử Việt Nam của người Pháp, người Trung Hoa, người Việt Nam, mà đọc, ta sẽ thấy những câu chuyện ít khi phù hợp với nhau. Bấy nhiêu đủ thấy: Lịch sử thuộc về tín ngưỡng hơn là thuộc về khoa học, mặc dầu có nhiều kẻ tự xưng là viết sử theo phương pháp khoa học.

 

Muốn trừ khử những sai lầm của quyền thế, ta cần phải phê bình gắt gao những điều hiểu biết của ta, đừng cho có sự lầm lẫn giữa một điều ta tin với một điều ta biết.


 

Cái tinh thần nô lệ cổ nhân ấy, làm cho ta mất cả óc phán đoán và phê bình. Không thoát khỏi cái tinh thần nô lệ ấy thật rất khó lòng suy nghĩ cho chính đính được. Vương Dương Minh nói: “Thiên thánh gia quá ảnh, lương tri nãi ngô sư”.[50] Đó là lời khuyên ta giải thoát lấy cái ách của cổ nhân, của sách vở để tự mình suy nghĩ phê phán. Descartes khuyên ta: “chỉ nên nhận một điều gì là thật, khi nào tự mình nó hiển nhiên như thế…” Với câu nguyên tắc này, Descartes giải thoát tinh thần con người ra khỏi cái ách quyền thế của cổ nhân, của sách vở, nghĩa là của tất cả quyền thế ở ngoài, luôn cả quyền thế nơi trong như tình dục, trí tưởng tượng, lòng tự ái… tức là những điều xui ta phán đoán “hối hả và thiên lệch” mà trước đây đã bàn riêng trong một chương[51].

 

Ta cũng nên để ý đến thế lực của một kẻ có đại danh đối với tự phán đoán của con người. Kẻ có uy danh, lới nói họ có quyền thế to tát không biết chừng nào… Một Jesus, một Thích Ca, một Khổng Tử, hay một Lão Tử hay một K. Marx… lời nói của mấy bậc ấy là một quyền thế thiêng liêng bất khả xâm phạm đối với đầu óc của một số đông người. Về thế lực nó như thế nào, đã có bàn qua trước đây, không cần lặp lại chi nữa.


 

G. Ngôn ngữ

 

Tư tưởng mà sai lầm phần nhiều cũng do nơi định nghĩa không rạch ròi, những lời lẽ qua lại. Người ta nói một đàng, mình hiểu một ngả. Hoặc mình muốn nói một đàng, lại viết hoặc nói ra một ngả. Là tại “danh từ” dùng không được thích đáng.

 

Người ta hiểu mình được, hay mình hiểu người ta được, nghĩa là, mình nói ra mà muốn kẻ khác đừng hiểu lầm, hoặc người ta nói ra mà muốn cho mình đừng hiểu lầm, cũng nhờ nơi “danh từ” dùng đúng theo cái nghĩa của nó

 

Muốn tư tưởng cho đúng đắn, trước hết cần phải biết rõ cái điều mình nói và để ý thật kỹ đến sự dùng ngôn ngữ cho được thích đáng. Những câu văn hàm hồ hay không định nghĩa, là một trong nhiều nguyên nhân gây lắm sự sai lầm cho tư tưởng.

 

Dùng chữ, phải coi chừng đừng dùng chữ cũ với một nghĩa mới. Ta thường tưởng lầm rằng mình tha hồ muốn dùng chữ gì thì dùng, miễn mình đừng quên định nghĩa nó lại theo cái nghĩa riêng mình muốn dùng là được. Sự thật đâu có dễ dàng như thế. Ta quên rằng một chữ mà đã dùng quen lâu đời, nó không khác nào một cái cây, gốc rễ đã ăn sâu vào tiềm thức của con người rồi, dầu có định nghĩa nó lại cẩn thận đến đâu, cũng không làm sao thay đổi được sức khêu gợi của nó. Các nhà triết học, vì thiếu chữ, nên thường dùng những chữ trùng với cái nghĩa của phần đông đã dùng để biểu diễn một ý tưởng sâu sắc hơn hoặc thiển cận hơn. Mặc dầu họ đã không quên định nghĩa lại những chữ họ dùng theo nghĩa mới của họ, họ vẫn làm cho độc giả hiểu lầm họ mãi. Vậy đọc sách triết học, kẻ đọc sách có phương pháp, bao giờ cũng lo tìm hiểu cái định nghĩa riêng biệt về danh từ của mỗi triết gia trước hết. Những kẻ cẩu thả, cứ hiểu theo cái nghĩa thông thường là hiểu cái xa với nguyên ý của tác giả. Tỉ như, cũng thời chữ “cách vật” mà Châu Hi hiểu khác, Vương Dương Minh hiểu khác. Đọc sách Vương Dương Minh mà không để ý tìm hiểu trước cái định nghĩa riêng biệt của những chữ thường dùng của ông, là không thể hiểu ông được, vì chữ ông dùng tuy toàn lấy trong Đại Học, nhưng cái nghĩa của ông muốn nói thì lại khác với cái định nghĩa của Đại Học theo Châu Hi, nghĩa là theo phần đông học giả theo cái học truyền thống. Cũng như đọc Lão Tử, mà không rõ được cái định nghĩa những chữ thường dùng của Lão Tử, như Vô vi, Tự Nhiên, Thiên, Đạo, Đức v.v… thì không bao giờ hiểu được Lão Tử hoặc có tự cho là hiểu đi nữa, thì chắc chắn là hiểu sai rồi. Vì chữ của Lão Tử dùng không cũng một nghĩa với đồng thời. Và cũng vì lẽ ấy mà Lão học là cái học người ta thường hiểu lầm hơn hết. Tôi thấy có lắm học giả nước ta còn lầm tưởng Lão học là cái học thần quyền, là vì họ hiểu lầm chữ “Thiên” của Lão Tử là chỉ về đấng Thượng Đế của phái thần quyền.

 

“Không định nghĩa, không biết định nghĩa, bao giờ cũng là một điều bất lợi cho sự truyền đạt tư tưởng và cảm tình. Người ta nói người viết phải luống cuống mà không làm cho người nghe, người đọc hiểu ý, nếu thiếu sự định nghĩa vì một lẽ gì. Năm xưa có hai người tiếng tăm to ở xứ này cãi nhau mà không định nghĩa danh từ của mình dùng. Thành thử, đờn nam mà hát bắc, nhắm đông mà xông tây, không đâu vào đâu. Rốt cuộc ai giữ lẽ nấy, không ai ngã lẽ được ai; mà có lẽ hai bên cũng nghĩ giống nhau. Một đàng thì quyết rằng người đi học bên Pháp phần nhiều nên, một đàng thì quyết trái rằng người đi học bên Pháp hư à phần nhiều, “Nên, hư” là nghĩa làm sao, thời bên nào cũng không nói rõ. Tệ đoan ở chỗ đó, sự cãi nhau biết ngưng đậu ở bến bờ nào?”[52]

 

Leibnitz bảo rất ngộ nghĩnh: “Tôi thiên về sự tin rằng hễ người ta càng suy cứu cho thấu triệt đến chỗ khuyết điểm của ngôn từ hơn nữa, thời một phần to những sự cãi cọ sẽ tự nó tiêu tan đi và con đường trí thức hoặc nữa có lẽ cả con đường hòa bình cũng sẽ mở rộng cho loài người”.

 

Adré Lanlande, giáo sư triết học Sorbonne, chính vì muốn bổ thiên cứu tệ vấn đề này, tránh cho cách nhà triết học khỏi cái nạn hiểu lầm cãi vã với nhau, mới ra công viết thành bộ “Volcabulaire technique et critique de la philosophie”, đem phân tích ra từng nghĩa các chữ thường dùng trong triết học một cách rõ ràng tinh tế. Kẻ học triết học không thể thiếu bộ sách căn bổn này được, nếu muốn tránh có sự hiểu lầm trong các danh từ triết học.

 
Tóm lại, người ta sở dĩ đã bị sai lầm vì ngôn ngữ, đại khái do những duyên cớ sau đây:

 
  1. Dùng những chữ mà tự mình chưa hiểu thật rõ cái nghĩa rộng hẹp của nó như thế nào. Tỉ như, những chữ Tự Do, Bình Đẳng, Tiến Bộ, Văn Minh v.v… là những chữ người ta thường dùng nhất, thế mà nếu ta cắc cớ hỏi thử lại những kẻ dùng thường những chữ ấy, cái nghĩa thật của nó như thế nào, ta sẽ thấy phần nhiều ngơ ngác như kẻ lạc vào sa mạc. Đó là tại họ học thuộc lòng chữ, trước khi họ tìm hiểu cái nghĩa của chữ ấy.
  2. Dùng có một chữ, mà tự mình khi thì dùng theo nghĩa này, khi thì dùng theo nghĩa kia, hàm hồ lộn xộn, làm cho người nghe hay người đọc không hiểu mình muốn nói cái gì. Trong khi bút chiến, hoặc trong khi bàn cãi với nhau thường nếu ta để ý cho kỹ, sẽ thấy cùng một chữ mà kẻ thì dùng ngay nghĩa này, người thì dùng theo nghĩa kia, thành ra ai nói nấy nghe, không ai hiểu ai được. Vậy chữ thông dụng đương thời có nhiều nghĩa, mỗi khi dùng nó theo nghĩa nào, thì phải định nghĩa rạch ròi mới được.
  3. Dùng chữ “đã xưa rồi”, hay “ít dùng đến”, nhất là dùng những chữ ấy lại dùng theo nghĩa mới mà không chịu định nghĩa lại cho rõ ràng.
  4. Những chữ “mới”, bất luận là chữ mình đặt ra hay của thiên hạ đặt ra, dùng nó mà không chịu định nghĩa cũng là gây lắm việc sai lầm trong tưởng tượng.
  5. Dùng một cách quá lạm những câu văn bóng bẩy làm cho kẻ khác dễ bề lẫn lộn nghĩa đen với nghĩa bóng.

 

Nhưng định nghĩa, thì phải định nghĩa cách nào?

 
Trước hết, ta cần phải để ý tránh những lối này:

 
  1. Định nghĩa rộng quá h hẹp quá.
  2. Định nghĩa thừa, nghĩa là thêm nhiều chi tiết không cần thiết.
  3. Lấy vật này mà định nghĩa cho vật kia, mà không có vật nào được cắt nghĩa rõ ràng.
  4. Định nghĩa bằng một ẩn dụ.
  5. Định nghĩa bằng cách nói trái lại cái nghĩa của ns, như nói: “Thiện là gì? Là không làm việc ác”… “Tự Do là gì, là không nô lệ” v.v…
 
Biết được những lỗi trên đây, tức là đã biết được cái qui tắc của sự định nghĩa là như thế nào rồi. Qui tắc ấy có thể tóm lại trong ba điều kiện này:

 
  1. Định nghĩa cần phải đầy đủ: Không đủ không thiếu, nghĩa là ở trong một phạm vi rõ rệt.
  2. Nó phải vắn tắt, vì nó chỉ dùng để cắt nghĩa trước hết.
  3. Nó phải rõ ràng, vì nó chỉ dùng để cắt nghĩa trước hết.
 

H. Đặt vấn đề thiếu điều kiện

 

Phàm muốn giải quyết một vấn đề nào, phải tìm trước hết, đủ những điều kiện của nó, rồi sẽ nghĩ đến sự giải quyết sau. Cũng như trong số học nếu cho ra một bài toán mà thiếu điều kiện hay là trái điều kiện, thời đến khi giải quyết cũng bị “đụng đầu” vào những điều không thể giải quyết được. “Chỉ có những vấn đề có thể giải quyết được mới có thể giải quyết được”. “Vấn đề đặt ra cho đúng cách, cần phải biết tùy theo những điều kiện có thật”. Một nhà xã hội tối trọng ở đầu thế kỷ này đã nói mường tượng như vầy: “Bảo một đứa bé gái bốn tuổi đẻ con, thì nó đẻ sao cho được. Nói như thế là nói, là phát vấn đề lầm, tất phải giải quyết trong mộng tưởng, chớ làm sao có được một giải quyết xác thực…

 

Ta lại cũng nên biết rằng, có hai thứ vấn đề. Một thứ phát ra chiếu theo điều kiện thực tại. Một thứ phát ra, chiếu theo điều kiện có thể xảy ra. Phát vấn đề chiếu theo điều kiện có thể xảy ra, thời được gồm cả vấn đề chiếu theo điều kiện thực tại. Mà phát vấn đề chiếu theo điều kiện thực tại, thời khi giải quyết không được xen vào đó những điều kiện có thể xảy ra. Thật tại, nghĩa là cái hiện có rõ ràng, với cái khả năng nghĩa là cái có thể xảy ra, hai cách đó khác với nhau vậy[53]. Vì nói cái gì có thể xảy ra, thời cũng hiểu ngầm được là nó cũng có thể không xảy rađược.

 

Người ta sở dĩ hay sa vào cái lầm lạc này chỉ vì quá ỷ lại vào trí khôn, mà không thiết gì đến thực tế nữa. Thật vậy:… “Theo sự thí nghiệm và điều tra của các nhà giáo dục khoa học hiện thời, như Piaget bên Suisse, thời trẻ con dưới cái tuổi biết nhận ýề chịu giải quyết những vấn đề phát ra không đúng cách. Tỉ như hỏi trẻ con dưới tuổi ấy (lối năm, sáu tuổi): Nếu em có cánh, thì em có muốn bay liệng như con én trên trời không? Nó sẽ trả lời: “Không được”, là vì nó không nhận sự có cánh, bởi vì nó không có cánh. Nói một cách khác nữa là đứa bé con không thừa nhận cái điều gì không ăn đề. Đến như người lớn, đã có trí khôn rồi, vì hay cậy có cái trí khôn ấy, mới buông lung phóng khoáng thừa nhận những điều có tiếng “nếu” đằng đầu, mà rồi bổng lổng thêu lêu rượt đuổi những vấn đề bông lông chấp chới ở trên tận cửu tiên của lý tưởng…”.

 

Gặp một vấn đề gì bất kỳ, đừng vội vàng lo giải quyết. Phải tự hỏi: Nó đã có đủ điều kiện rồi chưa, và những điều kiện ấy có phải là những điều kiện thiết thực không? Đặt vấn đề cho trúng cách, đủ điều kiện, thì sự giải quyết đã có sẵn nơi trong rồi. Ta thử bàn đến một vấn đề thiết thực nhất, là vấn đề thành bại trong công việc làm hằng ngày: Có kẻ làm việc đầu tắt mặt tối, thế mà rốt cuộc công ăn việc làm lại hư hỏng. Ta biết chắc là tại người ấy đã suy nghĩ phán đoán sai lầm, người ấy đã giải quyết một vấn đề thiếu điều kiện, hoặc người ấy chưa có đủ điều kiện để giải quyết vấn đề ấy.

 
Những công việc làm hư hỏng, thường xảy ra do nơi một trong những trường hợp sau này:

 
  1. Hoặc vì không tôn chỉ, không lý tưởng, không có một ý tưởng gì về tương lai cả;
  2. Hoặc vì đối với công việc mình làm, mình không thấy có cái lợi gì để kích thích lòng ham muốn của mình trong công việc ấy;
  3. Hoặc vì mình thiếu kiên nhẫn. Biết bao kẻ đã phát minh ra lắm điều hay, thế mà rồi nửa đường lại bỏ, vì thiếu kiên nhẫn: Hễ gặp có điều gì khó khăn là vội chán nản;
  4. Hoặc vì họ thiếu quyết định cho lẹ làng. Ta nên biết: Trong mỗi công việc làm nào cũng có những cơ hội tốt qua rồi không trở lại. Nếu thiếu quyết định cho lẹ làng, là bỏ hoảng cơ hội tốt mà hỏng luôn cả việc;
  5. Hoặc vì thiếu phương thế để thực hành ý nghĩ của mình. Biết bao nhà phát minh sáng tạo vì thiếu tiền bạc, thiếu thế lực, thiếu cả tư cách tài năng để làm cho kẻ khác tin mình và ủng hộ mình… nên không sao thực hành được công việc mình đã sáng kiến;
  6. Hoặc vì làm biếng, không đủ nghị lực để lợi dụng tất cả những phương thế sẵn có của mình.
  7. Hoặc vì siêng năng, mà lại làm việc không phương pháp, thiếu trật tự trong công việc làm, cho nên làm nhiều mà kết quả ít, hoặc không có kết quả gì.
  8. Hoặc vì thiếu tập dượt hay tập dượt sơ sài hối hả nên không hiểu rạch ròi công việc của mình làm, nhất là không tùy theo những điều kiện vật chất và kinh tế mà làm càn.
 

Những ai muốn tránh sự thất bại cần phải để ý kĩ những yếu tố trên. Thiếu hoặc sơ sót một trong này mà có bị thất bại trên đường đời đừng có đổ thừa cho sự “hên xui của số mạng”.


 

I. Đi lạc đề

 

Phương pháp làm việc của thống soái Foch chỉ quan hệ trong câu: “Việc gì đây?”, mà bất kỳ là đứng trước một vấn đề gì, ông tự hỏi liền trong trí.

 

Để chi? Để tìm cái chính đề, và giải quyết liền vấn đề ấy trong phạm vi nó, không hoang mang ln quẩn theo những việc ngoài đề.

 

Trong khi đeo đuổi theo một vấn đề gì, người ta thường hay bị xao lãng theo những điều không ăn chịu vào đề, thành ra bị lôi cuốn vào những chuyện không đâu mà quên mất cái cốt yếu của vấn đề mình đang giải quyết. Câu châm ngôn của thống soái Foch mới xem thật là giản dị và tầm thường, nhưng nếu đem nó ra thực hành, sẽ thấy nó là một phương pháp tuyệt hay để tránh sự sai lầm trong khi cần phải giải quyết một vấn đề gì.[54]

 

Andre Landande bàn về thuật tư tưởng, khuyên ta cần phải để ý đến vấn đề này trước hết. Ông bảo đại khái như vầy: “Con dao sở dĩ cắt được dễ dàng là nhờ cái lưỡi của nó: Bao nhiêu sức mạnh của cái cán, của cái sống dao đều qui vào một chỗ lưỡi rất mỏng ấy, nên mới cắt đưc rất dễ dàng. Tư tưởng sở dĩ được đúng đắn, theo tôi nghĩ, – dầu là ở trong phạm vi triết học hay thực dụng, – là do nơi sự qui tụ tất cả ý tưởng vào một điểm đặc biệt nào. Tức là cái khiếu biết phân biệt được cái nào cần thiết, và biết duy trì nơi chỗ đó mãi, không chịu ra khỏi đó, nghĩa là phải biết hi sinh, hi sinh những cái gì không cần thiết đến vấn đề mình đang nghiên cứu…” Trong một hội nghị kia nhóm lại để bàn bạc về một vấn đề đặc biệt về sử học, có một bậc thông thái kia lại đem những ý kiến về tôn giáo chen vào cuộc thảo luận ấy. Bấy giờ viên hội trưởng thấy vấn đề bắt đầu muốn sôi nổi, liền cho các hội viên hay rằng: Những điều các ông đang bàn cãi không ăn thua gì đến vấn đề của cuộc hội nghị hôm nay cả. Ông nói: “Chân lý hay chương trình nghị sự hôm nay? Hiện ta phải theo cái nào?”.

 

Tư tưởng đúng là phải biết buộc mình tuân theo vấn đề nghị sự và phải biết hy sinh tất cả những vấn đề khác không ăn chịu với nó, mặc dầu là những vấn đề rất trọng hệ hơn, rất hứng thú hơn…

 

Nói thế, không phải bảo mình có óc hẹp hòi, thiên kiến khi giải quyết một vấn đề gì. Hạn định một vấn đề vào một phạm vi rõ rệt, đâu phải là bảo giải quyết nó một cách thiên lệch hay thiếu thốn. Có một đầu óc hẹp hòi một việc, mà giải quyết một vấn đề trong phạm vi nhất định của nó lại là một việc khác. Ta không nên lẫn lộn hai điều ấy.


 

Nói rộng ra một chút nữa: Thường người ta sai lầm trong khi bàn cãi là tại họ thêm vào những điều kiện mà khi trước lúc họ “đưa ra” hay “đặt” vấn đề ấy, họ chưa đề cập đến, “Vấn đề đã phát ra như thế nào, giải quyết phải ở trong ranh rấp của vấn đề, không được ngoài cái ranh rấp ấy. Hoặc chuyện có thấy rộng hơn mà vì một điều kiệ̣n gì, phải phát vấn đề chỉ ăn thua với một phần nhỏ của chuyện, thời trong khi như vậy, tôi cũng buộc mình, không được ra khỏi ranh rấp của vấn đề đó” – Hay nói một cách khác: “Đã phát một vấn đề có mấy điều kiện thời khi giải quyết không được thêm điều kiện khác”, bởi hễ “điều kiện thêm, thời vấn đề đổi”.

 

J. Tính khí: Óc sai ngoa

 

Người ta thường để ý rằng: Có nhiều đầu óc tự nhiên chính đính lại cũng có nhiều đầu óc tự nhiên sai ngoa. Đó phần nhiều là do nơi tính khí.

 

Descartes bảo: “Người ta ai ai cũng có lương tri, tức là cái khiếu biết phân biệt ngay lẽ tà điều chính, lẽ tốt điều xấu”. Thế thì nếu phần đông lại có kẻ phán đoán sai lầm là tại vô tình hay hữu ý họ bằng lòng sống trong sai lầm, mà không đủ can đảm phản ứng lại. Bởi vậy sai lầm phần nhiều lại là một vấn đề thuộc về tính khí.

 

Thật vậy, sở dĩ có một đầu óc sai ngoa là tại họ thiếu nghị lực để phản động lại với dục vọng, với tính dễ dãi, cẩu thả biếng nhác… Không phải học cho nhiều, nhớ cho giỏi hoặc có nhiều kinh nghiệm là cần thiết cho sự phán đoán của mình được chính đính mà quyết là nhờ nơi sự huấn luyện ý chí, nghĩa là nơi sự chính đính về tinh thần trước hết.

 

Nếu chúng ta chỉ phê phán về những điều mà trong đó chúng ta không có một mảy tư lợi gì cả, có lẽ sự phê phán của chúng ta sẽ không sai với nhau là mấy. Tuy nhiên, đó chỉ là một ức thuyết thôi, chớ kỳ thật, làm sao lại có được một vấn đề ta để ý suy nghĩ đến, mà nó lại dửng dưng không có một mảy may lợi hại nào đối với ta? Nhà tâm lý học nói rất chí lý: Ta suy nghĩ với tất cả tính khí của ta. Nhưng kẻ có tính công bình, ngay chính thì tư lợi của họ không đủ làm chủ họ được, nên sự phán đoán của họ được vô tư hơn, đúng đắn hơn. Trái lại, kẻ có tính dục lợi tham danh, bất công bất chính thì tư lợi của họ đứng trên hết mọi sự, phán đoán của họ tất nhiên thiên lệch sai lầm. Đó cũng là một lẽ cố nhiên vậy.


 
Nếu ta để ý quan sát kỹ, s thấy óc sai ngoa có những đặc tính như sau đây:

 
  1. Óc sai ngoa, phê phán bao giờ cũng dựa theo một lý thuyết, lý thuyết ấy có thể là một lý thuyết mà ta thờ phụng suốt đời hay chỉ sùng bái tạm trong một lúc thôi. Nhân đó mới có sinh ra hai hạng óc sai ngoa: Hạng chấp nhất và hạng hiếu kỳ. Hạng chấp nhất, thời suốt đời chỉ thờ có một chủ nghĩa nào cả, họ theo thời theo buổi, chạy theo thời thượng, khi nhận lý thuyết này, khi nhận lý thuyết kia, toàn là vì hiếu danh, hoặc vì muốn tỏ ra mình có óc tân kỳ. Nhưng nếu họ thấy thời cuộc xoay trở, thì họ bỏ ngay lý thuyết ấy để chạy theo một lý thuyết khác “đương thời” hơn. Hoặc họ nhận “bừa” một nghịch thuyết nào để lập dị đấy thôi. Nếu họ thấy công chúng không ai để ý đến dị thuyết của họ, lập tức họ bỏ nó ngay, không chút gì ngượng nghịu cả.
  2. Bất kỳ vấn đề gì, óc sai ngoa chỉ xem xét có một phương diện thôi. Quan sát tất cả mọi phương diện là một công phu không phải nhỏ và dễ dàng đâu. Bởi vậy, đối với một việc gì, hay đối với một nhân vật nào một quyển sách nào… họ chỉ có một quan niệm thôi. Hễ họ là người thích văn chương thời một quyển sách có hay về tư tưởng bậc nào, họ cũng không nhận là hay nếu văn chương quyển ấy không được như ý họ. Họ chỉ quan sát theo một phương diện thôi. Họ thích những gì cho thật đơn giản, họ không chịu những việc phiền phức, cần phải đụng đến óc tinh nhuệ, phân biệt những chỗ tinh vi: Nếu họ là người theo phái duy vật, thời bất kỳ là những tư tưởng gì không giống với chủ trương của họ đều thuộc về duy tâm cả. Đối với họ, hễ không giống với duy vật là duy tâm, không trắng là đen, không phải là quấy. Họ rất ghét cái gì làm mệt óc, cho nên, tìm thấy đủ mọi phương diện của một sự vật nào, là một điều rất phiền rộn, rất cực nhọc, họ không bao giờ buồn để ý đến.
  3. Óc sai ngoa, hễ theo một tư tưởng nào thời lại “chết” theo tư tưởng đó: Họ rất ghét ai phải đối họ. Bất kỳ là lý lẽ nào của bên địch, dẫu có được vững vàng đanh thép đến nước nào họ cũng không chịu hiểu hoặc tìm mà hiểu.
 

Trái lại đối với lý thuyết họ đang thờ, họ là một chiến sĩ rất nhiệt thành, nhiệt thành hơn cả ông tổ sư của lý thuyết ấy nữa. Họ không còn biết có sự thật nào ngoài lý thuyết của họ: Dẫu là sự thật “mười mươi” đi nữa, cũng không sao lay chuyển đức tin của họ đặng. Trái lại, càng bị phản đối chừng nào họ càng trung thành với lý thuyết họ chừng nấy.

 

Óc sai ngoa hay qui nạp một cách liều lĩnh hết sức. Nhận thấy một vài người đi học bên Pháp về mà tư cách không tốt, họ bèn kết án chung tất cả những người đi du học bên Pháp về đều là những kẻ tư cách không tốt. Bị một người Tàu lường gạt họ bèn đâm ra ghét cả người Tàu, cho họ là giống người dối trá cả. Nhân một vài nhà sư dối đời họ bèn phê bình Phật học là giả dối không đáng

 

Thậm chí hạng trí thức, họ lại cũng thường luận như thế: Một người bạn tôi, hiện đang làm giáo sư bảo với tôi: “Lạ quá! Tại sao, bọn có học như chúng ta, mà cũng có kẻ đeo đuổi theo học khoa thuốc bắc… như anh K… của chúng ta. Thật là đáng tiếc”. Tôi đang ngơ ngẩn chưa kịp trả lời thì anh lại nói tiếp: “Chỉ có những người như hạng đàn bà quê dốt họ mới tin theo thuốc bắc!”. Tôi bèn hỏi anh, vì sao anh lại có câu phê bình nghiêm khắc thế ấy đối với thuốc bắc. Anh bèn thuật cho tôi nghe một khi anh có đứa con đau, uống nhằm phải thuốc bắc mà chết và anh đổ thừa lỗi ấy cho vợ anh. Lối luận này là lối luận ngẫu nhiên mà tôi đã dành riêng cho nó một chương nơi trước.

 

Óc sai ngoa không bao giờ biết đặt để sự vật đúng vào địa vị của nó. Họ lẫn lộn cái gốc với cái ngọn, cái cứu cánh với phương tiện, cái chính với cái phụ… Họ không thấy được chỗ quan hệ giữa mọi sự vật cho nên sự phán đoán của họ bao giờ cũng sai lầm.

 

Bấy nhiêu điều đã nói trên nguyên do chỉ vì một sự kém cỏi về tinh thần mà ra. Tại sao lại phải dựa vào một lý thuyết? Là vì lý thuyết có sẵn miễn cho ta khỏi phải mỗi vấn đề mỗi phải xem xét suy nghĩ lại, cứ theo cái khuôn khổ có sẵn mà suy nghĩ theo có phải khỏe trí hơn không? Tại sao lại chỉ suy nghĩ theo một chiều, xem xét theo một phương diện mà thôi? Ở đây cũng chỉ sợ nhọc trí. Tại sao lại có sự cố chấp, sự qui nạp liều lĩnh, sự lẫn lộn cái chính và cái phụ, cái gốc và cái ngọn như thế? Thì cũng chỉ vì tính trì độn của mình mới có sanh ra những đầu óc sai ngoa như thế.

 

Nhưng nếu phải nói cho đúng hơn, thì sở dĩ có tính trì độn chính là do nơi thể chất của ta với những sở trường sở đoản của nó mà ra. Thật vậy: Kẻ thuộc về hạng “thần kinh chất” khó mà tránh khỏi sự sai ngoa trong khi phán đoán bằng anh thuộc hạng lãnh đạm chất, vì kẻ thuộc hạng “thần kinh chất” bị nhiều kích động dễ sa vào sự thái quá hơn người thuộc về hạng “lãnh đạm chất”. Kẻ đa cảm đa tình, cũng khó mà tránh sự sai ngoa trong tư tưởng không thua gì anh “thần kinh chất”. Nhưng nếu anh đa cảm và anh thần kinh chất muốn suy nghĩ phán đoán cho chính đính thời đâu phải là không thể đặng, nếu họ biết trầm tĩnh và ham mê chân lý.

 

Nếu ta chỉ biết thờ chân lý mà thôi thì không bao giờ ta chịu bỏ qua cơ hội để tìm cho ra sự thật, cố nhiên là không bao giờ chịu trốn tránh sự cố gắng, dẫu có cực thân khổ trí bậc nào cũng không màng. Trái lại, kẻ có đầu óc sai ngoa nhất định là vì họ không có tính thật ham mê sự thật. Bởi thế, họ cẩu thả biếng nhác… mà lương tâm họ vẫn không thắc mắc xốn xang, dẫu họ phải làm những bất công bất chính cũng mặc.Suy nghĩ phán đoán cho đúng đắn là suy nghĩ phán đoán cho công bình. Thật vậy, vì tư lợi, vì tư dục mà phán đoán thì tất nhiên phán đoán phải thiên lệch và sai ngoa. Cho nên tìm sự thật lại cũng có nghĩa là tìm sự công bình.

 

Tôi có biết một vị quan tòa, có tính biếng nhác, nhưng ông lại có tính rất công bình chính trực. Một khi kia, vì lười biếng cẩu thả, xem xét một vụ án mạng không chu đáo nên đã kêu án oan một người vô tội. Ông lấy làm đau đớn vô cùng, lương tâm ông dày vò ông suốt đêm ngày… Từ đó về sau, ông nguyện không bao giờ cẩu thả trong khi xét đoán nữa. Ông nhờ tấm lòng tôn thờ công lý mà trừ được ngay cái bệnh cẩu thả trì độn của ông. Cho hay, chỉ có kẻ biết ham chuộng công lý và chân lý là có thể suy nghĩ phán đoán đúng đắn mà thôi. Người công bình rủi mà phán đoán sai, nghi lầm bạn cộng tác hay kẻ dưới tay mình, họ thấy trong lương tâm như có điều chua xót tội lỗi vậy. Trái lại, kẻ thường có tính bất công, họ có cần thận trọng làm gì trong khi phê phán, dẫu họ có nghi oan cho ai cũng mặc… Lương tâm họ đã bế tắc rồi, cố nhiêu dầu họ sai ngoa chỉ vì họ quen sống trong sự bất công, chớ không phải họ không biết cách lý luận cho chính đính. Vậy chớ ta không thường thấy, có nhiều bậc thông thái mà khi phê phán, đầu óc họ vẫn sai ngoa như kẻ ngu phu ngu phụ kia sao? Là bởi họ để tư lợi tư dục nằm trên tấm lòng yêu sự thật của họ.

 

Tóm lại, nếu muốn chính đính tư tưởng của mình, cần phải chính đính tâm tính mình trước đã.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.