Sống Đời Đáng Sống
PHẦN THỨ HAI: ĐỜI SỐNG THUYẾT PHỤC – Chương 1
~oOo~
Hồi đầu chiến tranh, một sinh viên của tôi bảo tôi: “Giáo sư muốn mua chiếc xe hơi của tôi không? Tôi để lại cho giáo sư đấy”. Tôi đã thấy chiếc xe Chevrolet kiểu 1931 đó rồi, nên nghiêm trang đáp: “Cảm ơn anh”. Sinh viên đó nói tiếp: “Tôi sắp nhập ngũ và cần hai mươi lăm đôla. Giáo sư có thể lái chiếc xe đó đi dạy học và để dành chiếc xe tốt của giáo sư. Với lại, tôi chắc rằng cậu em ở nhà sẽ thích nó.” Thế là tối hôm đó tôi về nhà với chiếc xe cổ lỗ đó.
Thằng con trai của tôi tên là Guy mê nó; mỗi lần qua cửa, dây điện chạm nhau, còi tự nhiên kêu, và nó la lên: “Ba, cái xe này có phép thần, còi muốn kêu lên lúc nào thì kêu”. Một buổi sáng, chúng tôi lái xe ra, thằng Guy thấy những chiếc xe hàng xóm đều kiểu mới, thấp, đường cong uyển chuyển, duy có chiếc Chevrolet của chúng tôi là cao ngồng, cao hơn những chiếc xe khác đến sáu bảy tấc. Mắt nó sáng lên, khoe với tôi: “Ba, xe chúng mình cao nhất trong xóm”. Quả thực chiếc Chevrolet chỉ được mỗi đặc điểm đó, còn về điểm nào cũng thua kém những chiếc kia. Nhưng thằng Guy không nghĩ tới những chỗ xấu, mà chỉ nghĩ tới điểm là xe chúng tôi cao hơn những xe khác.
Không ai thành công được nhờ những đức tính mà mình không có. Nhưng ai cũng có thể thành công ít nhiều nhờ phát triển ưu điểm của mình. Bạn có thể giúp người khác bằng cách khen những ưu điểm của họ. Muốn được người khác tận tâm với ta thì phải biết khen những đức tính tốt của họ.
Ông John Burroughs, nhà vạn vật học danh tiếng, có lần thề trước lò sưởi rằng không khi nào nói xấu ai hết. Bạn luyện cái tánh chỉ nhìn thấy cái gì tốt nhất ở chung quanh mình, rồi bạn sẽ được sống trong một thế giới mới: Một thế giới tương thân tương ái.
Somerset Maugham, nhà viết tiểu thuyết trứ danh của Anh bảo: “Hiểu người khác là khen tư cách của người. Là tìm được giá trị nó làm cho đời họ đáng sống”. Khi tôi hỏi Lawrence, ông vua không ngôi ở Ả Rập[5], rằng ông làm cách nào mà được người Ả Rập quý mến như vậy thì ông đáp rằng ông đối đãi với họ như ông muốn rằng họ là người Anh hết. Lời đó tôi cho là đúng: Cứ tự nhiên với mọi người, đừng ngó lên cao, đừng ngó xuống thấp. “Ta muốn gì thì làm cho người cái đó”. Đó là con đường đưa đến sự hiểu biết nhau.
Tìm ra những cái hay của người là một việc vừa có lợi cho người vừa có lợi cho mình. Lợi cho người vì người ta sẽ tự tin hơn; lợi cho mình vì mình sẽ được người quý mến hơn. Bác sĩ quân y Paul C. Boomsliter ở Đại học Cornell, kể chuyện:
“Hồi ở trong quân đội, tôi trị bệnh cho một người bị bệnh thần kinh và ngọng. Người ta chỉ thấy phần xấu của mình và những cái làm cho mình đau khổ. Không chịu cho ai khen mình cả, tin chắc rằng thiên hạ chỉ nói dối mình để mình thấy dễ chịu hơn thôi. Muốn chữa cái thói đó, tôi bảo ông ta làm việc này: Ra tỉnh, kiếm một tiệm bán đồ nữ trang, nhìn kỹ một chiếc đồng hồ bày ở cửa tiệm, rồi về tả cho tôi xem ông ta thấy nó đẹp ở chỗ nào. Ông ta về, chỉ chê thôi: Nào là chữ đứng xa đọc không được, nào là hình thì xấu xí, nào là cái dây kiểu đó dễ đứt… Ông ta mới đầu chỉ nói: Tôi không thích vì thế này thế nọ. Tôi bảo ông ta tả những cái ông thích cho tôi nghe. Ông ta ráng làm và sau chịu nhận là thích. Tôi hỏi tại sao thích thì ông ta lúng túng, không trả lời được, hình như làm biếng không muốn tìm lý do. Sau năm sáu lần gắng sức ông mới nói được là thích vì mặt đồng hồ lớn, vì lối chữ số thích hợp với kiểu đồng hồ, và vì dây đeo mềm, không cứa vào cổ tay khi cử động”.
Tập lần lần như vậy rồi sau ông ta nhận được ưu điểm của mỗi vật, rồi tới mỗi người ở chung quanh ông, sau cùng tới bản thân ông. Ông ta đã có được những tư tưởng mới, tình giao du mới, nhận thấy những điều mới, nói tóm lại là được sống một đời sống mới. Ông ta hóa ra hoạt bát lên, vui vẻ lên, tích cực lên.
John Erskine, một nhà giáo dục kiêm tiểu thuyết gia, bảo: “Theo tôi, nghệ thuật hiểu người là nghệ thuật phỏng đoán rằng người khác tốt hơn là họ tưởng. Phần đông chúng ta được nghe ai khen mình thì vui sướng và ráng hành động cho xứng với lời khen đó dù là chỉ ráng được một lúc.
“Riêng phần tôi, tôi thích đời sống tích cực hơn là đời sống tiêu cực, và tôi luôn luôn phỏng đoán rằng những người cộng tác với tôi có nghị lực, có mục đích đó và muốn được người khác giúp để họ có một đời sống đầy đủ hơn, thỏa mãn hơn.”
Có nhiều cách để phát triển khả năng phê bình tích cực. Có khi chỉ một bức thư cũng giúp nhiều cho một người khác. Ông Ernst O. Sayfarth ở Boston đã có kinh nghiệm về điều đó. Ông kể:
“Trước chiến tranh, ông luật sư đó và tôi, thường đi chung một chuyến xe lửa mà không bao giờ ngồi chung một ghế. Gặp nhau ở sân ga, chúng tôi chỉ “Hi” rồi mỗi người lảng đi một nơi. Nghĩ cho cùng, ngồi chung với người nào đó có thể trở thành khách hàng của mình, vẫn có lợi hơn chứ.
Rồi chiến tranh xảy ra. Tôi hay tin ông đó nhập ngũ hơn một năm nhưng chẳng lần nào thấy nhớ ông ta cả. Một buổi sáng nọ, tôi nghe nói rằng ông tỏ ra can đảm phi thường ở mặt trận và được bội tin. Ông ta chiến đấu cho ai nhỉ? Tôi tự hỏi câu đó mà thấy lòng hơi xúc động, mắc cỡ rằng không hề tỏ cảm tình với ông ta mặc dầu đã có nhiều lần muốn lắm. Tôi bèn viết một bức thư cho ông hay rằng tôi lấy làm vinh dự thay cho ông, và xin ông đừng trả lời tôi vì tên tuổi ông vang lừng, thì tất nhận được nhiều thư lắm, hơi đâu mà trả lời cho hết.
Chiến tranh kết liễu. Một buổi sáng nọ, chúng tôi lại gặp nhau trên sân ga. Nhưng lần này ông chạy lại, vồ lấy và la lên: ”Kìa bác Ernst, may quá, được gặp bác. Đọc thư bác, tôi vui lắm“. Thế là chúng tôi cùng lên xe với nhau, cùng ngồi một ghế và nói chuyện huyên thuyên. Những lần sau cũng vậy. Bây giờ chúng tôi thành bạn thân, và đời sống chúng tôi đã phong phú thêm nhờ hiểu biết nhau hơn.”
Người Anh chúng ta theo tục lệ do Thanh giáo chủ nghĩa truyền lại nên không được nhã nhặn, niềm nở. Chúng ta không được tự nhiên, cởi mở, khó chung vui với người khác. Hồi xưa tôi được cái may mắn học giáo sư Gilbert K. Chesterton. Giáo sư phục tinh thần nhã nhặn của dân tộc Pháp. Có lần ông nói: “Có một bức tượng của Shakespeare ở trong Hàn lâm viện Pháp, và dưới bức tượng có hàng chữ: ”Thực đáng tiếc cho ta, ông không phải là một người Pháp“. Chỉ có người Pháp mới làm được cái việc đó, có được thái độ đó. Chúng ta thử tưởng tượng có một bức tượng của Voltaire ở Balliol với hàng chữ này: ”Đáng tiếc không khi nào ông ấy tới đây!“ Có tưởng tượng nổi điều đó không? Tuyệt nhiên không”.
Tìm được cái hay ở người khác không phải là một đức di truyền. Phải luyện tập mới có. Khốn nỗi, đa số chúng ta không bao giờ để ý đến thái độ của mình cả. Chẳng hạn như bạn, bạn có thấy mình buồn rầu không? Một đêm diễn thuyết ở Richmond, Virginia, tôi được Frank Carter kể cho nghe câu chuyện này: “Cha mẹ tôi đã dành cả cuộc đời cho việc chữa bệnh cho người mù. Một việc xảy ra năm ngoái làm cho tôi quyết định cũng đi theo con đường đó. Một trong những bệnh nhân của chúng tôi mù tự hồi mới sanh, nhờ mổ mắt một cách thần tình mà thấy được ánh sáng. Chúng tôi tò mò muốn biết, sau hai chục năm sống trong cảnh tối tăm, nay được thấy thế giới rực rỡ, muôn hình vạn trạng ở chung quanh thì cô ta cho cảnh nào hay vật gì là lạ lùng nhất. Cô ta đáp: “Vật lạ lùng nhất là cái mặt người. Trước kia tôi luôn luôn tưởng tượng rằng nó phải tươi đẹp, rực rỡ lắm. Tôi tưởng nó phản chiếu được những cái đẹp dị thường của trời biển, sông núi và của loài người. Nhưng không. Mặt con người sao mà buồn thế, buồn không thể tưởng tượng được”.
Elihu Rooth năm chín mươi hai tuổi khuyên các nhân viên trong ban Quản đốc của Hội Carnegie: “Mọi vật bây giờ đều tốt đẹp hơn mọi thời từ xưa tới nay. Vậy cứ tin tưởng nhìn thẳng vào sự vật”. Lời đó chẳng những đúng với thời đại chúng ta mà còn đúng cả với chúng ta nữa. Tập thói quen nhìn thấy cái đẹp ở chung quanh đi.
Edward Corsi, giám đốc nhà Lao động ở tiểu bang Nữu Ước, thấy rằng thái độ tìm cái tốt đẹp đó có ảnh hưởng lớn tới tội nhân. Khi ông làm trong ủy ban Di trú ở đảo Ellis, mỗi tháng Hiệp chủng quốc đẩy qua đảo khoảng một ngàn tội nhân. Ông mở cửa phòng giấy tiếp đón bất kỳ một tội nhân nào muốn nói chuyện với ông. Lối cư xử đó được tội nhân hoan nghênh, và tất cả tội nhân các khám đường từ Canada tới Mexico đều nghe danh ông, mến ông. Họ bảo nhau: “Cầu trời cho ông Corsi làm được cái gì”.
Nỗi lo lắng chung của bọn người bị đày đó là: “Tôi già quá rồi, làm sao gây dựng lại cuộc đời mới ở xứ lạ này được”. Nghe vậy, ông thường bảo họ: “Vậy ra anh em không biết rằng cái họa của mình chính là cái phước ư? Này nhé, anh em được bắt đầu lại một đời sống mới ở một nơi không ai biết mình, một nơi mà anh em có thể quên quá khứ đi, có thể sống cuộc đời mới theo ý muốn của mình, cuộc đời lương thiện. Trước kia anh em bị giám sát hoài. Mỗi khi có việc gì xảy ra ở hàng xóm, thì luật pháp dòm ngó tới và bắt giam các bạn liền, thành thử không bao giờ các bạn được hàng xóm kính trọng – mà sự kính trọng đó lại là nhu cầu lớn nhất của các bạn. Bây giờ thì tên tuổi các bạn không còn ghi trong sổ Công an nữa. Các bạn có thể tìm bạn mới, có thể tìm công việc làm ăn khác, để tạo một cuộc sống bình thường, lương thiện được mọi người trọng, đó đâu phải là việc khó? Ai bảo rằng không cần sự kính trọng của đồng bào là nói láo. Ở đây, các bạn có thể xây dựng một đời sống mới. Vậy thì nên mừng chứ?”
Đa số tội nhân hiểu ông và vui vẻ sống cuộc sống mới. Ông Paul Henri Spaak, nguyên là chủ tịch thứ nhất Đại hội đồng Liên hợp quốc; và được bầu làm Thủ tướng Bỉ hồi mới ba mươi chín tuổi. Chưa có vị Thủ tướng nào mà trẻ tuổi như vậy. Ông bảo: “Tất cả các hành động của tôi đều theo quy tắc này: Mọi người có một cái gì trong bản thân đáng cho người khác chú ý; và khi tìm ra được cái đó thì cá nhân của ta phong phú lên. Nhưng chúng ta luôn luôn tìm cái tốt ở kẻ khác. Nếu chỉ lâu lâu mới tìm thì không có lợi gì mấy”. Lợi có đúng. Kẻ nào kém cỏi, xấu xa tới đâu cũng có chỗ khả thủ; biết tìm ra chỗ khả thủ đó thì có thể phát huy khả năng của người đó, biến đổi người đó thành một người hữu dụng hơn.
Nếu bạn lại nhớ thêm rằng tật hay lỗi của một người phần lớn cũng tại nền giáo dục người đó đã nhận được, thì đời bạn sẽ sung sướng hơn. Bạn dễ hiểu người thân cùng bằng hữu hơn mà không oán trách họ. Tại sao ta tha thứ cho mình thì dễ mà tha thứ cho người thì khó như vậy? Lý do là ta hiểu ta mà không hiểu người.
Vậy lần sau, mỗi khi muốn rầy ai thì bạn ráng tự chủ lại đi, tự nhủ: “Hắn có lầm lẫn như vậy thì lần sau hắn mới khôn”. Điều ta trách người thì chính người cũng tự trách người rồi. Bài học mà người đó tự tìm ra có sức mạnh hơn tất cả các lời thuyết giáo trong Thánh kinh. Cái gì ta nói với họ, họ chỉ nghe thôi. Cái gì họ tự nói với họ thì họ mới tin.
Ông Bernard F. Gimbel, giám đốc một công ty danh tiếng tóm tắt nguyên nhân thành công của ông như vầy: “Hồi trẻ, tôi được ba tôi dạy cho tôi biết xử thế. Người đóng một vai quan trọng trong sự phát triển của công ty. Tôi không bao giờ thấy người rầy mắng ai trước mặt người khác. Người thường gọi vào phòng riêng, trước hết khen người đó đã làm được những việc gì, rồi sau mới vạch lỗi và chỉ cho cách nên làm ra sao”.
Tỏ ý quý mến ai thì thế nào cũng được người đó ủng hộ mình. “Chúng ta được cái gì mà chúng ta cho”, đó là chân lý rất đúng, trong khu vực giao tế nó còn đúng hơn trong những khu vực khác.
Khi hỏng việc, bạn nên nhớ thêm điều này nữa: Chính mình cũng chịu một phần trách nhiệm. Nếu nhận một phần trách nhiệm về mình thì các người cộng sự với ta sẽ cảm động lắm. Bạn nên noi gương ông Louis Mountbatten, nguyên phó vương Ấn Độ, một trong những nhà chỉ huy hải quân có tài trong chiến tranh vừa rồi.
Tháng Chạp năm 1939, chiếc tàu Kelly của Hoàng gia Anh chạy vào khu quân Đức thả thủy lôi ở cửa sông Tyne. Thủy thủ trong tàu đều thấy một thủy lôi trồi lên, chạy trên boong tàu, xuống phòng máy rồi tới phòng các sĩ quan, sau cùng chạm phải cánh quạt chân vịt rồi mới nổ. Một người lính thợ máy trong phòng máy hoảng hồn, bỏ cả máy móc leo vội cầu thang lên trên boong để tránh nạn.
Khi về tới bến, Mountbatten kêu bắt người thợ máy đó, dẫn lại trước mặt ông hỏi: “Chú có biết đào ngũ khi gặp quân địch là bị tội gì không?”
Thanh niên đó run lẩy bẩy, đáp nho nhỏ:
— Thưa ngài, bị xử tử ạ.
— Đúng. Ta hoãn vụ đó lại, sẽ xét sau.
Ít giờ sau, ông kêu họp hết tất cả nhân viên trong tàu lại tuyên bố:
— Hôm nay chúng ta đã trải qua một thử thách lớn nhất. Chúng ta đã hồi hộp thấy một trái mìn chạy từ trên boong xuống, nơm nớp lo nó nổ lúc nào không biết. Cũng may là trái mìn đó xấu, mãi tới lúc chạm phải chân vịt mới nổ. Trong số 260 người trên chiếc tàu này, có 159 người giữ được thái độ đàng hoàng, thái độ mà họ phải có: Trừ một người không tự chủ được đã bỏ chỗ làm và bỏ bạn bè ở trong phòng máy để chạy trốn. Hai giờ trước, tôi đã cho dẫn người đó lại trước mặt tôi và người đó đã thưa với tôi rằng biết rõ hình phạt là bị xử tử trong trường hợp như vậy. Tuy thế tôi đề nghị tha tội người đó; rồi tôi tự rầy tôi nữa vì tôi có lỗi là bốn tháng nay tôi không khắc được sâu vào trí não mỗi người trong tàu cần phải tránh cho những chuyện như vậy đừng khi nào xảy ra cả. Từ nay tôi muốn mọi người phải hành động như 159 người kia, phải giữ phận sự của mình cho tới cùng.
Từ đó, nhân viên trong chiếc Kelly tỏ ra can đảm, có kỷ luật, nghị lực rất đáng làm gương. Khi nó bị tấn công bằng thủy lôi ở Bắc Hải, không một người bỏ phận sự, cả những người ở trong các phòng kế nơi thủy lôi nổ; một lần nữa trong chiến tranh ở Crète, năm 1941, cũng vậy, khi được lệnh bỏ tàu họ mới dời chỗ làm việc của họ.
Mountbatten đã theo lời khuyên của George Eliot: “Muốn chỉ huy, người ta phải có trí óc sắc bén trong một cái bao nhung”. Mà không phải cái óc sắc bén đó làm cho người khác kính mến ta đâu, chính là cái bao nhung.
• Vậy nếu muốn được người khác tận tâm với mình, bạn nên làm như vầy:
1. Phát triển óc phê bình một cách tích cực, xây dựng.
2. Tìm giá trị và tài đức của người quanh ta.
3. Hợp tác với ai thì vẽ một bức chân dung đẹp nhất cho người đó.
4. Nhớ rằng có lỗi lầm rồi mới khôn.
5. Suy nghĩ trước khi rầy ai.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.