Sống Đời Đáng Sống

Chương 2 NẾU LÀM ĐƯỢC NHƯ VẦY THÌ BẠN SẼ CHINH PHỤC ĐƯỢC THẾ GIỚI



                                                          ~oOo~

Mấy năm trước,[6] người ta đã đặt ra một chức vụ quan trọng nhất từ xưa đến nay, chức Tổng thư ký Liên hiệp quốc. Nhiều chính khách cho rằng sự bầu cử người giữ chức đó sẽ là sự vấp váp đầu tiên trong công cuộc hợp tác quốc tế. Tất nhiên là người giữ ghế đó phải được lựa chọn bằng sự thỏa thuận của các nhân viên Hội Đồng Bảo An, nhất là của hội viên Ngũ Đại Cường[7]. Các quốc gia khác ngại ngùng lắm, nhưng chẳng có ảnh hưởng gì mấy trong sự quyết định.

Người ta bàn cãi lâu để ráng tìm một người được tất cả các cường quốc và được các quốc gia khác tin cậy. Sau cùng người được lãnh vinh dự đó là ông Trygve Lie, Bộ trưởng ngoại giao Na Uy thời chiến tranh.

Ông Trygve Lie có những đức gì mà được vạn quốc lựa như vậy? Ông William H. Stoneman, cố vấn chuyên môn của Tổng thư ký bảo tôi: “Hiện nay ông Trygve Lie làm cái việc tìm hiểu kỹ mỗi người mà ông phải giao thiệp – ngoại trưởng của mỗi nước, người lái xe cho ông ngoại trưởng đó và những nhân viên trong phái đoàn của ngoại trưởng. Ông cho rằng công việc của ông là tìm hiểu đời sống trong gia đình của người đó ra sao, họ lo nghĩ gì, tiêu khiển ra sao, quan niệm của họ về chính trị và xã hội thế nào. Ông Lie là một nhà chuyên môn về sự hiểu biết người. Ông vui vẻ, nhã nhặn nghe họ nói; mặc dầu rất tin tưởng vào cái quyết định sáng suốt của mình, ông bao giờ cũng để cho người khác cái quyền suy nghĩ khác ông, nghĩa là ai nói gì ông cũng kiên nhẫn nghe, tới khi nào người đó không còn giữ lễ độ thì ông mới bỏ đi hoặc ngắt lời.

Ông Chester Bowles cũng nói với tôi như vầy: “Sau năm năm làm việc trong nội các, tôi tin rằng chín phần mười vấn đề của ta là ở chỗ các nhóm kinh tế có hiểu được những vấn đề của nhau hay không”.

Nếu bạn muốn thuyết phục người khác thì bạn phải tập tính tôn trọng cảm giác tư tưởng của họ. Phải hiểu quan điểm của họ. Phải tập suy nghĩ và hành động sao cho hợp với nhu cầu của họ – nhất là khi quyền lợi của hai bên khác nhau.

Chẳng hạn ông Clark H. Minot, hội trưởng công ty điện Quốc tế, đã kể cho tôi nghe được một kinh nghiệm học được ở Trung Hoa. Ông nói: “Chúng tôi đang xây một cái xưởng mới. Máy đã đặt và người ta đang dạy cho thợ Trung Hoa dùng những lưỡi khoan tự động. Họ chưa dùng những máy móc đó bao giờ. Tất nhiên có vài người vô ý bị máy kẹp nát ngón tay và bị thương. Thình lình họ đình công, bảo rằng có ma quỷ trong máy và đòi trừ tà ma rồi họ mới chịu làm tiếp. Sau cùng chúng tôi phải đón một thầy pháp lập đàn cúng ở trong sân. Thầy pháp đọc thần chú, cầm một nhánh thông dụ tà ma ở máy ra hưởng các đồ cúng ngoài sân. Thấy thức ăn vơi lần đi. Tôi ngờ rằng thầy pháp cầm nhánh thông và cái chai lớn đi chung quanh đàn đá đá thức ăn cho rớt vào đống lửa! Khi tà ma ăn no nê rồi, thầy pháp lấy cánh thông dụ chúng chui vào trong một cái chai, bịt kín lại. Thế là thầy pháp lãnh một số tiền lớn rồi ôm cái chai nhốt tà ma đi. Thợ thuyền thỏa mãn, vui vẻ làm việc lại.”

Ông Clark Milore tất nhiên không tin cái trò bắt tà đó, nhưng thợ thuyền Trung Hoa thì tin. Cho nên ông phải làm theo ý họ. Tôn trọng cảm giác, tư tưởng của người khác là thế đấy.

Đừng bao giờ bắt người khác theo quan niệm của mình, dù mình chắc mười mươi rằng mình có lý. Khi bắt buộc như vậy, mình tỏ rằng mình biết nhiều hơn, kinh nghiệm hơn người. Mà con người thường không chịu cho ai dạy đời như vậy. Theo luật tâm lý, không thể nào một người từ bỏ kinh nghiệm của mình được. Nó là một phần bản ngã của người đó. Nếu ta bác kinh nghiệm đó đi thì người ta sẽ chống cự lại đến cùng.

Năm 1944, quân đội Mỹ muốn cất một phi trường nhỏ ở Chabua, Ấn Độ. Ban kỹ sư cho chở ngàn chiếc xe một bánh để tải đá, cát, xi măng. Nhưng lao công Ấn Độ không chịu dùng những xe đó. Có người khuyên ông Stilwell bắt buộc họ phải dùng. Hiểu được tâm lý họ, ông không nghe, bảo đưa xe cho họ, rồi họ muốn làm gì thì làm. Bạn có biết họ làm gì không? Họ làm theo cách của họ, nghĩa là hai người đỡ bao cát đặt trên đầu một người thứ ba, và người này đội cát đi, mỗi bao nặng gần bằng hai họ. Thế có khổ đời họ chứ! Họ điên ư? Theo kinh nghiệm của mình thì họ quả thực là điên. Nhưng theo họ, thì không. Họ đã quen đội như vậy, những bắp thịt ở cổ vai họ đã nẩy nở mạnh mẽ nên họ đội thấy nhẹ nhàng như không.

Bạn đừng tưởng hễ có một ý mới là đủ truyền cho người khác được. Khoan đã, hãy kiên nhẫn một chút. Nếu chỉ nói suông cho họ thì họ chẳng nhận đâu, chính họ phải có kinh nghiệm rồi mới chịu nhận[8]. Có một hồi chúng mình phải té đau rồi mới tìm được cái luật lệ về trọng lượng, phải chăng? Bạn ráng tránh cho họ phải té như mình, nhưng khá lâu và phải kiên nhẫn đấy.

Xin bạn nghe lời khuyên của mình một người có tài thuyết phục nhất thời này, ông Franklin Delano Roosevelt. Ba ngày trước khi mất, ông viết, nét run run, cho Thượng nghị sĩ Claude Pepper: “Chúng ta không thể nhảy vọt tới cái mà ta cho là hoàn hảo, nếu người khác chưa đi hết con đường của họ, họ có thể nghĩ rằng quan điểm của họ cũng tốt hơn quan điểm của ta”. Claude Pepper đóng khung lời nói đó và treo trong phòng giấy của ông ở Thượng nghị viện. Lời của Roosevelt cũng tự như lời của William Trotter, nhà tâm lý học kiêm xã hội học Anh: “Nhà lãnh tụ nào bỏ xa quần chúng thì sẽ không được quần chúng biết tới nữa”.

Khi bạn chỉ huy thì nghệ thuật thuyết phục giúp bạn làm tròn được trách nhiệm. Trong quân đội, người ta thường nhận thấy như vậy. Một trung úy trẻ tuổi bảo tôi:

“Trong chiến tranh vừa rồi, tôi chỉ huy một nhóm người sửa xà lan cho Hải quân, trên Thái Bình Dương. Tinh thần của họ xuống quá: Đã lâu không nhận được tin tức của gia đình, thức ăn thì thiếu mà quần áo thì rách rưới. Khi nhận được thư của nhà, được đầy đủ thực phẩm và y phục, tôi tưởng tinh thần của họ sẽ lên. Nhưng không. Họ cũng vui vẻ thật, nhưng không ham gì công việc cả. Tôi thất vọng, tôi lấy làm hãnh diện được giúp việc cho Hải quân và tưởng họ cũng hãnh diện như tôi. Tôi cưng chiếc xà lan như con tôi.

Tôi đã lầm… Cái gì tôi cũng bảo là của tôi. Công việc của tôi. Chiếc xà lan của tôi. Tôi không đứng vào địa vị người khác mà nói.

Tôi thất vọng, thay đổi phương pháp. Tôi giao cho mọi người một công việc nhất định, để cho họ chịu trách nhiệm về công việc đó. Tôi ráng làm cho họ có cảm tưởng rằng họ dự phần vào công việc chung.

Có một người làm chẳng được việc gì cả. Tôi quyết định giao cho anh ta một việc rất dễ, và tôi quan trọng hóa việc đó lên. Tôi cho anh ta coi ban sơn, giữ gìn mười cái chổi sơn và mười hộp sơn. Mới đầu khó làm cho anh ta thấy công việc đó là quan trọng. Rồi một hôm, một viên thuyền trưởng lại tôi nhận chỉ thị. Khi viên thuyền trưởng xin sơn, tôi gọi anh ta lại hỏi: “Anh Mac à, ông thuyền trưởng muốn biết mình còn đủ chổi sơn không để đưa cho ông đấy”. Anh ta hãnh diện tả ban sơn của anh ta như là một bộ phận quan trọng trong xà lan.

Ít lâu sau, chúng tôi tới một hải cảng với một khu trục hạm. Một hôm có người cho tôi hay anh ta đánh nhau với một người ở khu trục hạm. Nguyên nhân chỉ vì người này dám khinh chiếc xà lan của chúng tôi là đồ bỏ, nên anh ta đánh để bênh vực cho xà lan của chúng tôi.”

Viên trung úy đó đã khéo chỉ huy vì đã tìm hiểu tâm lý của người dưới, tâm lý đó là muốn nhận trách nhiệm, muốn được người khác thừa nhận mình.

Quy tắc ấy áp dụng được trong một chiếc xà lan, trong một toa xe lửa, trong một tiệm lớn ở Nữu Ước. Bất kỳ ở đâu đó có người làm việc, đem áp dụng nó cũng được vì bao giờ con người cùng thèm khát được khen, được hiểu. Cái ly của họ nhỏ xíu mặc dầu họ cũng vẫn muốn nó được đầy. Quan trọng hóa họ đi, họ sẽ tận tâm hợp tác với ta.

William Randolph Hearst đã gây dựng được một tập đoàn nhật báo lớn nhất thế giới nhờ chân lý giản dị này: “Người ta chỉ muốn mua tờ báo nào mà ngoài cái công việc thông tin còn cho người ta cảm tưởng rằng nó diễn tả tư tưởng, cảm xúc gần đúng như của người ta”.

Kenneth Connell, nhà quảng cáo tinh ý nhất mà tôi được biết, có lần bảo tôi rằng: “Tôi thấy rằng Sears Roebuck đã khôn hơn Montgomery Ward nhiều vì biết nghĩ đến một thói quen của chúng ta. Sears in tập rao hàng nhỏ hơn Montgomery. Khi chúng ta xếp những tập đó thì tập nào chúng ta để lên trên? Tất nhiên là tập nhỏ nhất, chỉ khi nào chúng ta tìm trong tập nhỏ mà không thấy mới mở tập lớn ra. Vậy là Sears nghĩ đến thói quen của chúng ta mà Montgomery thì không”.

Vậy lần sau, nếu bạn đã lỡ nói: “Tôi muốn…“ thì bạn ngưng ngay lại đi. “Chúng ta muốn…”. Như vậy là bạn sẽ được cái mà chúng ta muốn một cách mau lẹ lạ thường”.

Ông William A. Patterson, chủ tịch Công ty Hàng không Hoa Kỳ tin rằng người quan trọng hơn máy và ông coi trọng người hơn máy. Một hôm có người bị tai nạn trong xưởng của ông. Ông suy nghĩ:

“Một cái máy hư thì ta có liệng nó đi không? Con người bị tai nạn này, người đó ngồi ngày này qua ngày khác để làm việc, đem hết cả năng lực ra làm, bây giờ bị thương, ta có loại người đó ra không? Sao lại nỡ như vậy?

Chúng tôi ráng luyện cho nhân viên hiểu được triết lý của chúng tôi. Triết lý đó như vầy: Tôi định giá trị công việc cho mỗi người. Chẳng hạn một người nào đó lãnh hai ngàn đôla một năm. Tôi tưởng tượng rằng muốn có số tiền đó thì phải bỏ ra một số vốn phỏng chừng là năm chục ngàn đô la. Vậy giá trị người đó là năm chục ngàn đô la. Người đó mất tức là gia đình người đó mất một số vốn năm chục ngàn đôla.

Nghĩ vậy, tôi hóa ra thận trọng. Truất quyền một người thì dễ, phục quyền lại mới khó. Phá hoại bao giờ cũng mau hơn là xây dựng.”

Để ý tới người khác thì ta hiểu ngay lòng tự trọng của họ. Tên nô lệ nào cũng biết tự trọng. Con người cần lòng tự trọng mới sống nổi. Khi người ta đã tự khinh mình thì không còn muốn sống nữa.

Trong chiến tranh vừa rồi, xưởng chữa tàu Todd ở Portland, Maine, phải đóng cửa vì một cơn bão tuyết ghê gớm. Sau cơn bão, công ty ra lệnh bất kỳ người làm công nào cũng phải xúc tuyết, quét tuyết và ăn lương như thường ngày. Hay lệnh đó, nhân viên bỏ ra về hết ráo. Ban giám đốc phàn nàn với ông William J. McCaffrey, đại diện toàn quốc cho kỹ nghệ đóng tàu: “Chúng tôi đối với họ tử tế. Chỉ có xúc tuyết đổ đi mà trả ba đôla mỗi giờ. Họ bỏ ra về thế là thiếu lòng ái quốc”.

Ông McCaffrey mời họ lại, nhã nhặn nghe họ sừng sộ: “Chúng tôi là thợ chuyên môn, không phải là bọn xúc tuyết. Không ai ra lệnh cho chúng tôi xúc tuyết được. Chiến tranh hay không chiến tranh cũng vậy”. Và họ la ầm lên.

Ông McCaffrey bắt đầu hiểu rồi: Lòng tự ái của họ bị thương tổn. Ông nói:

— Xúc tuyết ở lề đường nhà anh em thì anh em có ngại không?

Họ đáp là không ngại, nhưng xúc tuyết cho người khác thì họ không chịu.

Ông McCaffrey bảo:

— Các anh em có lý. Anh em không phải là hạng người xúc tuyết mà là những thợ chuyên môn danh giá, muốn giúp quốc gia một cách đắc lực để thắng chiến tranh này. Nhưng hiện nay tuyết là kẻ thù của anh em, vì nó ngăn trở công việc đóng tàu của anh em. Thế thì anh em trừ tuyệt nó đi để có thể đóng tàu giúp quốc gia thắng trận.

Thế là họ vui vẻ đi xúc tuyết. Công ty đã làm cho họ có cảm giác là thuộc hàng nô lệ; ông McCaffrey cho họ cái cảm giác là thuộc hạng anh hùng.

Gandhi đã nhận xét: “Gặp người đói thì Thượng đế cũng chỉ dám hiện hình thành cái bánh, chứ không dám hiện hình thành một vật nào khác”.

Bruce Barton, nhà quảng cáo danh tiếng nhất thế giới, có một cách mới để lúc nào cũng nhớ tới nhu cầu của người khác, là treo một bức ảnh thật lớn, phủ hết một bức tường trong phòng giấy của ông ở Nữu Ước, hình chụp một đám đông quần chúng đông đảo đứng chật cả một khu ở Atlantic City. Ông nói: “Họ là những người mà chúng ta phải nhớ tới. Thị truờng chúng ta phải đạt được là quần chúng. Họ muốn cái gì thì cái đó mới là quan trọng, chứ không phải cái chúng ta muốn là quan trọng. Tấm hình đó luôn nhắc chúng ta nhớ tới họ”.

Ông Paul Mallon, nhà báo danh tiếng, sở dĩ thành công trong sự phỏng vấn mọi giới người là nhờ cái thuật suy nghĩ về người khác hoài cho tới khi người đó nhập vào bản thể của ông.

Mới rồi tôi được cái may mắn nói chuyện với ông Arthur Godrey cả một buổi chiều. Tôi hỏi ông ta làm cách nào mà cả triệu người có cảm tưởng rằng biết rõ ông như một người thân. Ông đáp rằng ông luôn luôn thành thực với họ và dùng ngôn ngữ của họ. Ông biết họ muốn gì, ông chú ý đến họ nên họ chú ý đến ông.

Bạn bảo tôi: “Các vị đó là những danh nhân. Còn hạng chúng mình đây làm sao theo gót họ được”.

Vâng, nhưng bạn có được coi một tấm bảng ở ga Pennsylvania tại Nữu Ước không? Tấm bảng đó có những hàng chữ này:

THÂN ÁI VỚI LOÀI NGƯỜI 
1910 WILLIAM H. EGAN 1943 
XẾP GA

Được mọi hành khách đi qua ga này và tất cả nhân viên trong ga yêu mến; tận tâm với những hành khách cô độc, cũng như với các vị Tổng thống, vua chúa, các đào hát danh tiếng. Từ người thấp hèn nhất đến những người danh vọng nhất trên mọi đường đời đều lấy làm vinh dự được biết ông.

ÔNG YÊU MỌI NGƯỜI 
ĐƯỜNG XE LỬA PENNSYLVANIA

Từ ngày mai, bạn bắt đầu đặt mình vào địa vị tâm sự một người khác đi. Hãy tìm hiểu những hy vọng, lo âu, ước mơ của họ. Suy nghĩ một lúc về vấn đề của họ. Có nhiều cái lặt vặt có thể làm cho đời người đó tươi lên. Một bộ quần áo hợp người đó, một cuốn sách mà người đó thích, một thứ hạt giống để người đó gieo trong vườn. Chú ý đến người khác như vậy thì tất nhiên người khác sẽ tận tâm với ta.

• Nếu bạn muốn hiểu người khác thì làm như vầy:

1- Nhớ lời nói của Gandhi: “Gặp người đói thì Thượng đế cũng chỉ dám hiện hình thành cái bánh, chứ không dám hiện hình thành một vật nào khác”.

2- Nghĩ đến nhu cầu của người khác trong khi tính toán, hành động.

3- Lần sau, nếu bạn đã lỡ nói: “Tôi muốn…” thì ngừng ngay lại, suy nghĩ một phút rồi bắt đầu nói: “Chúng ta muốn…”. Như vậy bạn sẽ được cái mà chúng ta muốn một cách mau lẹ lạ thường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.