Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối

02: KẾT NỐI CẦN BẠN TẬP TRUNG TỐI ĐA VÀO ĐỐI PHƯƠNG



Bạn đã từng háo hức chia sẻ kinh nghiệm với một người nào đó quan trọng, nhưng rồi bất ngờ bị phủ nhận? Đó là những gì đã xảy ra với tôi cách đây vài năm.

Trên đường đi công tác Nam Mỹ, tôi có dịp đến thăm Machu Picchu, thành phố trên đỉnh núi của đế chế Inca cổ đại, được coi là một trong bảy kỳ quan thế giới. Hướng dẫn viên của tôi rất tuyệt vời, phong cảnh đáng kinh ngạc và toàn bộ trải nghiệm khiến tôi ngỡ ngàng. Khi trở về, tôi đã quyết định đưa vợ tôi đến đây.

Không lâu sau đó, chúng tôi đã chọn một ngày đẹp trời và mời bạn bè thân thiết của chúng tôi, Terry và Shirley Stauber đi cùng. Để khiến chuyến đi đặc biệt hơn nữa, chúng tôi đã đặt phòng ở một tu viện từ thế kỷ XVI được chuyển đổi thành một khách sạn ở Cusco. Và chúng tôi đã đặt vé trên chuyến tàu hạng sang của Orient Express. Tôi muốn biến trải nghiệm một-lần-trong-đời này trở nên đặc biệt nhất có thể.

NHỮNG KỲ VỌNG LỚN

Với sự chuẩn bị chu đáo, chúng tôi đã lên tàu cùng với gia đình Stauber, bạn bè của chúng tôi, Robert và Karyn Barriger, những người đã sống ở Peru 25 năm. Họ đã đến Machu Picchu nhiều lần, nhưng họ vẫn đồng ý tham gia với chúng tôi như các hướng dẫn viên và chủ nhà không chính thức. Khi chuyến tàu trải qua cú trườn dài vắt qua vùng đồng quê, chúng tôi đã không bị thất vọng. Phong cảnh tuyệt đẹp lướt qua cửa sổ trong 3 tiếng rưỡi đã khiến chúng tôi có cảm giác như đang xem tạp chí National Geographic số ra đặc biệt. Thực phẩm và dịch vụ trên tàu cũng “miễn chê” và cuộc trò chuyện với bạn bè thật ấm áp và tuyệt vời.

Chúng tôi tới ga vào buổi trưa và bắt xe buýt đến thành phố cổ. Chúng tôi đã leo lên đây cùng với sáu người khác và Carlos, hướng dẫn viên của chúng tôi. Khi lên đến đỉnh núi, tôi đã cố gắng kết nối với Carlos. Tôi phát hiện ra những trải nghiệm sẽ tuyệt vời hơn nếu hướng dẫn viên và chúng ta hiểu về nhau. Tôi cố gắng bắt chuyện với Carlos, đặt câu hỏi về xuất thân và gia đình để hiểu thêm về anh chàng, nhưng cậu ấy có vẻ thờ ơ. Cậu ấy trả lời nhã nhặn nhưng kiệm lời. Tôi thích nói chuyện với cậu ấy, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng cậu ấy không thực sự hứng thú với tôi hay bất cứ ai khác trong nhóm. Và cậu ấy cũng không cố gắng để kết nối với chúng tôi.

Ngay khi bước xuống xe, chúng tôi đã cảm nhận được vẻ đẹp đậm chất lịch sử nơi đây. Chúng tôi cố gắng để đắm mình vào nó, nhưng Carlos đã nhanh chóng tập hợp chúng tôi lại và tua một tràng những lời hướng dẫn được lập trình sẵn. Có vẻ những gì cậu ấy muốn nói với chúng tôi quan trọng đối với cậu ấy hơn bất cứ ai trong chúng tôi. Trong 4 giờ sau đó, chúng tôi gần như rơi vào tình trạng quá tải thông tin. Carlos liên tục nhồi nhét cho chúng tôi các sự kiện, những con số, ngày tháng và các chi tiết. Trải nghiệm tuyệt vời trong chuyến đi trước của tôi mà tôi hy vọng sẽ chia sẻ với Margaret và bạn bè của mình đã bị Carlos hủy hoại bằng mớ thông tin tẻ nhạt của cậu ấy. Bất kỳ câu hỏi nào chúng tôi đặt ra đều khiến Carlos khó chịu. Khi ai đó muốn chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ, Carlos nhanh chóng kéo chúng tôi trở lại “bài thuyết giảng” của cậu ta. Rõ ràng, Carlos đã không mang lại bất cứ giá trị nào cho chúng tôi, những người lắng nghe cậu ấy.

Mỗi phút trôi qua, cảm giác không thoải mái ngày một đè nặng lên nhóm của chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi bắt đầu cảm thấy bị cậu ta và lịch trình của cậu ta gây phiền phức. Chẳng bao lâu sau, tôi quan sát thấy các thành viên trong nhóm bắt đầu dần tách khỏi Carlos.

Vào giữa buổi chiều, nhóm đã phân tán trong khi Carlos vẫn đang độc thoại. Từ xa, tôi sửng sốt khi thấy Carlos vẫn tiếp tục loanh quanh mà không có nhóm nào đi theo. Chỉ khi hết thời gian, xe buýt chuẩn bị xuất phát trở về, mọi người mới miễn cưỡng lại gần cậu ta.

KHÔNG TIẾP NHẬN ĐƯỢC THÔNG ĐIỆP

Một hướng dẫn viên thành công là người biết thu hút những người xung quanh. Sau khi đọc câu chuyện của tôi về Carlos, nhà thiết kế hoa Isabelle Alpert đã viết rằng trong chuyến du lịch đến Hawaii, hướng dẫn viên nhiệt tình và chu đáo của cô ấy đã kết nối cả nhóm và khiến mọi người cảm thấy họ như một phần của hòn đảo xinh đẹp này. “Tôi sẽ mãi trân trọng chuyến du lịch ấy, bởi nó đã trở thành một phần trong tôi,” Isabelle bùi ngùi. “Mặc dù kỳ vọng ban đầu của tôi chỉ là ngắm cảnh, nhưng thực ra tôi muốn đắm mình vào khung cảnh ấy.”

Carlos đã sai lầm giống như những người không kết nối: Họ thấy mình là trung tâm của cuộc hội thoại. Nhiều người đã phàn nàn với tôi rằng họ cũng đã rơi vào tình trạng như thế. Barb Giglio kể về một trải nghiệm của cô khi bán các sản phẩm Revlon: “Tôi đã nói quá nhiều và quá nhanh về các sản phẩm. Tôi cho rằng khách hàng của mình là mẹ con, nhưng hóa ra họ là chị em! Tôi đã xúc phạm họ và cảm thấy thật quê mùa.” Gail McKenzie, một huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ, nói: “Tôi thường phải giúp khách hàng quyết định việc tiếp theo. Tôi đã không có được thành công mà tôi ích kỷ nghĩ rằng mình sẽ có được trong quá trình phát triển kinh doanh và tôi biết lý do tại sao. Tôi đã không thực sự kết nối. Tôi đúng là một hướng dẫn viên cứng nhắc và giáo điều!”

Kiểu tự cho mình là trung tâm này xảy ra trong mọi khía cạnh cuộc sống và ở mọi cấp độ kinh doanh. Joel Dobbs đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một CEO mới, người đã không thể điều hành công ty vượt qua khủng hoảng bởi anh ta không bao giờ làm bất cứ điều gì để kết nối với các nhân viên khác trong tổ chức. Thay vào đó, anh ta tự cô lập mình với đội ngũ nhân viên và ngồi lì trong văn phòng rộng thênh thang thuộc bộ phận điều hành. Joel nói:

Thi thoảng khi có lịch họp tại một tòa nhà khác, thay vì đi bộ qua khuôn viên xinh đẹp cách tòa nhà khoảng vài trăm mét, anh ta sẽ dùng thang máy riêng đến nhà để xe riêng, nơi lái xe riêng sẽ lái xe đưa anh ta đến khu vực họp nhằm tránh gặp mặt nhân viên. Ở đó, một vài nhân viên an ninh sẽ tháp tùng anh ta đến thang máy trống và đang để ngỏ, sau đó đưa anh đến tận tầng tổ chức cuộc họp… Sự khép mình và thiếu kết nối với các nhân viên của công ty đã khiến anh không lèo lái được công ty vượt qua khủng hoảng và kết quả là hội đồng quản trị đã thay người. CEO mới là một người giao tiếp tuyệt vời và biết kết nối. Một trong những hành động đầu tiên của ông là tái cơ cấu bộ phận điều hành. Ông nói với chúng tôi rằng văn phòng của cựu CEO “quá lớn”, các cửa sổ lại không quay ra khuôn viên của công ty! Ông đã dùng một văn phòng nhỏ với cửa sổ hướng về phía chỗ ngồi của các nhân viên. CEO mới đã kết nối với các nhân viên của công ty và dẫn dắt công ty tạo nên bước ngoặt thành công.

Tất nhiên, đây không phải là một hiện tượng chỉ diễn ra trong kinh doanh. Tôi còn biết nhiều giáo viên và diễn giả tự coi mình là trung tâm. Mỗi cuộc trò chuyện là cơ hội để họ thể hiện sự thông minh và chia sẻ chuyên môn. Bạn tôi, Elmer Towns, là giáo sư kiêm Hiệu trưởng Đại học Liberty, từng nói với tôi rằng các giáo viên tự cho mình là trung tâm đều có chung một triết lý phổ biến:

Nhồi vào – Nút vào,

Đầu của sinh viên đều trống rỗng cả.

Nhồi vào – nhét vào,

Càng có nhiều điều cần phải theo sát hơn.

Những người như vậy thường bỏ lỡ các cơ hội quý giá trong cuộc sống do không biết kết nối. Các giáo viên, các nhà lãnh đạo và diễn giả giỏi không xem mình là chuyên gia trước các khán giả thụ động mà họ cần gây ấn tượng. Họ cũng không xem lợi ích của mình là quan trọng nhất. Thay vào đó, họ coi mình như các hướng dẫn viên và tập trung vào việc giúp đỡ mọi người học hỏi. Bởi họ đánh giá cao những người khác, nên họ nỗ lực kết nối với những người mà họ đang giảng dạy hoặc cố gắng để giúp đỡ. Giáo viên âm nhạc Pete Krostag nói: “Tôi kết nối với các sinh viên của mình để họ kết nối với khán giả. Tôi cũng được coi như một nhạc sĩ bất cứ lúc nào tôi kết nối với âm nhạc thay vì cái tôi của mình, khán giả cũng sẽ làm vậy. Một trải nghiệm về âm nhạc có thể biến mất khi nhạc sĩ chỉ tập trung vào bản thân thay vì âm nhạc bởi khán giả sẽ không thể cùng chia sẻ khoảnh khắc đó.

Tôi thừa nhận rằng khi bắt đầu sự nghiệp từ vị trí của một mục sư, tôi không hiểu điều này. Tôi chỉ chăm chăm tập trung vào bản thân. Khi tôi tư vấn cho những người đang gặp khó khăn, thái độ của tôi là: Nhanh lên và mau nói cho tôi nghe vấn đề của bạn để tôi có thể đưa ra giải pháp. Khi bắt đầu đưa ra bất kỳ sáng kiến nào, tôi không ngừng tự hỏi: “Tôi có thể khiến mọi người tiếp nhận tầm nhìn của tôi bằng cách nào để họ giúp tôi hoàn thành những ước mơ của mình?” Khi nói chuyện với khán giả, tôi tập trung vào mình thay vì họ. Tôi tìm kiếm các phản hồi tích cực và mục tiêu của tôi là luôn phải ấn tượng. Tôi còn đeo kính để trông trí thức hơn, bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thật đáng xấu hổ.

Phần lớn những gì tôi đã làm chỉ là vì bản thân mình, thế nhưng tôi vẫn không thành công. Tôi thường coi mình là trung tâm và đó là nguồn gốc của hầu hết các vấn đề và thất bại của tôi. Tôi rất giống anh chàng trong bức hoạt họa này của Randy Glasbergen:

Tôi cảm thấy thất vọng và không thỏa mãn. Tôi cứ mãi tự đặt ra những câu hỏi như: “Tại sao mọi người không nghe tôi? Tại sao mọi người không giúp tôi? Tại sao mọi người không làm theo tôi?” Hãy chú ý các câu hỏi của tôi, chúng chỉ tập trung vào tôi. Khi tôi kêu gọi hành động, nó thường bắt đầu bằng lợi ích của tôi thay vì của mọi người. Tôi, tôi và chỉ tôi! Kết quả là, tôi đã không thể kết nối với mọi người.

KHOẢNH KHẮC Lóe SÁNG

Sau đó, một điều gì đó đã xảy ra và làm thay đổi thái độ của tôi. Năm 29 tuổi, cha tôi đã để anh rể tôi, Steve Throckmorton và tôi tham dự một Hội thảo về Thành công ở Dayton, Ohio. Khi lớn lên, tôi đã nghe về một số nhà truyền giáo vĩ đại. Một số người trò chuyện với niềm đam mê cháy bỏng, số khác là bậc thầy về thuật hùng biện. Nhưng tại hội thảo này, tôi được lắng nghe một diễn giả am hiểu về cách kết nối với mọi người. Tôi như bị thôi miên.

Lúc đó, tôi đã nghĩ: Đây là người rất am hiểu về thành công. Tôi thích ông ấy. Nhưng quan trọng hơn – ông ấy thực sự rất hiểu tôi. Ông ấy biết niềm tin của tôi. Ông ấy hiểu suy nghĩ của tôi. Ông ấy nắm được cảm nhận của tôi. Ông ấy có thể giúp tôi. Tôi rất muốn trở thành bạn của ông ấy. Tôi có cảm giác như ông ấy đã là bạn của tôi vậy.

Diễn giả đó là Zig Ziglar. Cách ông ấy kết nối với khán giả đã hoàn toàn làm thay đổi suy nghĩ của tôi về giao tiếp. Ông kể chuyện. Ông khiến tôi cười, tôi khóc, tôi tin vào bản thân mình. Ông cũng chia sẻ những hiểu biết, mẹo mực mà tôi có thể ghi nhớ và áp dụng vào bản thân. Ngày hôm đó, tôi cũng được nghe ông ấy nói về một điều đã làm thay đổi cuộc sống của tôi: “Nếu bạn giúp mọi người có được những gì họ muốn trước, họ sẽ giúp bạn có được những gì bạn muốn.” Cuối cùng, tôi đã hiểu bản thân còn thiếu gì về khả năng giao tiếp. Tôi nhận ra mình đang cố tiến lên phía trước bằng cách điều chỉnh người khác trong khi tôi nên cố gắng để kết nối với họ.

Tôi bước ra khỏi buổi hội thảo với hai quyết tâm. Trước tiên, tôi sẽ nghiên cứu về các nhà giao tiếp giỏi, việc mà tôi chưa từng làm. Thứ hai, tôi sẽ cố gắng kết nối với những người khác bằng cách tập trung vào họ và nhu cầu của họ thay vì của riêng tôi.

Tôi đang cố gắng tiến lên phía trước bằng cách điều chỉnh người khác trong khi tôi nên cố gắng để kết nối với họ.

KHÔNG CHỈ TẬP TRUNG VÀO BẢN THÂN!

Kết nối không bao giờ chỉ có riêng bản thân bạn mà còn có người mà bạn giao tiếp. Nếu muốn kết nối với những người khác, bạn phải vượt qua chính mình. Bạn phải di chuyển trọng tâm ra khỏi bạn để tập trung vào người khác. Điều tuyệt vời là bạn hay bất cứ ai đều có thể làm được điều đó, bạn chỉ cần có ý chí để thay đổi, quyết tâm làm theo đến cùng và áp dụng một số kỹ năng!

Tại sao rất nhiều người bỏ lỡ điều này? Tôi nghĩ có vô vàn lý do, nhưng tôi có thể nói cho bạn biết lý do tại sao tôi bỏ lỡ nó và lý do tôi nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ” trong quá trình giao tiếp và làm việc với những người khác.

Chưa chín chắn

Khi bắt đầu dẫn dắt và giao tiếp với những người khác một cách chuyên nghiệp, tôi còn trẻ và chưa trưởng thành. Ở độ tuổi 20 và chưa có tầm nhìn bao quát, tôi chỉ thấy mình; tất cả mọi người và mọi thứ khác đều làm nền cho tôi. Donald Miller, tác giả của Blue Like Jazz (Tạm dịch: Buồn như nhạc Jazz), đã ví sự non nớt như vậy trước cuộc sống như một bộ phim mà trong đó bạn là ngôi sao. Tôi có quá nhiều mục tiêu cần theo đuổi, quá nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành liên quan đến những ước muốn, tiến bộ và thành công của tôi. Giờ đây khi nhìn lại, tôi cũng phải ngỡ ngàng trước thái độ ích kỷ của bản thân.

Trưởng thành là khả năng bạn quan sát và hành động vì người khác. Những người chưa trưởng thành không nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của người khác. Họ hiếm khi quan tâm xem điều gì là tốt nhất cho người khác và hành động như những đứa trẻ theo nhiều cách.

Margaret và tôi có 5 đứa cháu. Chúng tôi rất vui khi chơi đùa với chúng. Nhưng cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, chúng không dành nhiều thời gian cho những việc chúng có thể làm cho người khác. Chúng không bao giờ nói: “Bố mẹ, chúng con muốn dành cả ngày để chăm sóc bố mẹ và làm bố mẹ vui lòng!” Và chúng tôi cũng không hy vọng chúng làm được vậy. Chúng tôi quan tâm đến chúng. Chúng tôi nhận ra rằng một phần của việc nuôi dạy con cái là giúp bọn trẻ hiểu chúng không phải là trung tâm của vạn vật.

Trưởng thành là khả năng bạn quan sát và hành động vì người khác.

Tôi thích thông tin mà tôi đọc gần đây có tên “Luật Sở hữu trong mắt một đứa trẻ mới biết đi” của Michael V. Hernandez. Nếu bạn có con, cháu hay từng dành thời gian với một đứa trẻ, bạn sẽ thấy rằng những điều sau hoàn toàn đúng:

1. Nếu con thích nó, nó là của con.

2. Nếu nó ở trong tay con, nó là của con.

3. Nếu con có thể lấy nó từ ta, nó là của con.

4. Nếu con cầm nó một lát, nó là của con.

5. Nếu nó là của con, nó sẽ không bao giờ là của ta nữa bằng mọi giá.

6. Nếu nó trông giống cái của con, thì nó là của con.

7. Nếu con nhìn thấy hoặc tìm thấy nó trước, nó là của con.

8. Nếu con nghĩ rằng nó là của con, thì nó là của con.

9. Nếu con muốn hay cần có nó, nó là của con.

10. Nếu con nói nó là của con, nó là của con.

11. Nếu ta không ngăn con chơi với nó, nó là của con.

12. Nếu ta cho con chơi với nó, nó là của con.

13. Nếu ta khiến con khó chịu khi lấy nó từ con, nó là của con.

14. Nếu con nghĩ con có thể chơi với nó tốt hơn ta, nó là của con.

15. Nếu con chơi với nó đủ lâu, nó là của con.

16. Nếu nó bị hỏng, nó là của ta không phải của con.

Theo thời gian, chúng ta hy vọng thái độ tự cho mình là trung tâm của chúng sẽ giảm dần và tư duy của chúng sẽ thay đổi. Trong thời gian ngắn, chúng ta hy vọng mọi người sẽ trưởng thành. Nhưng sự trưởng thành không tỷ lệ thuận với tuổi tác, nhiều người có lớn mà không có khôn.

Hầu hết trong tâm khảm, chúng ta đều muốn thấy mình quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chống lại thái độ ích kỷ bẩm sinh này. Tôi tin đây là một cuộc chiến trường kỳ và vô cùng quan trọng. Bởi chỉ có những người trưởng thành tập trung vào những người khác mới thực sự tạo ra được kết nối.

Sự trưởng thành không tỷ lệ thuận với tuổi tác, nhiều người có lớn mà không có khôn.

Cái tôi cá nhân

Những người của công chúng luôn tiềm ẩn rủi ro rất lớn nếu phát triển cái tôi mạnh mẽ không lành mạnh. Các nhà lãnh đạo, diễn giả và giáo viên có thể có quan điểm lệch lạc về tầm quan trọng của bản thân. Bạn của tôi, Calvin Miller, trong cuốn The empowered Communicator (Tạm dịch: Nhà giao tiếp được trao quyền) đã mô tả vấn đề này và các tác động tiêu cực mà nó gây ra cho những người khác dưới dạng một bức thư. Bức thư có nội dung như sau:

Thưa diễn giả,

Cái tôi của ngài đã trở thành một bức tường ngăn cách ngài và tôi. Ngài không thực sự quan tâm đến tôi, phải vậy không? Ngài chỉ quan tâm đến việc bài phát biểu này có thực sự hiệu quả, quan tâm đến việc ngài có thực sự làm tốt về phần mình hay không. Ngài sợ tôi sẽ không vỗ tay, phải vậy không? Ngài sợ tôi sẽ không cười khi ngài pha trò, không nhỏ lệ trước những câu chuyện cảm động của ngài. Ngài đang để mình bị cuốn vào việc tôi sẽ đón nhận bài phát biểu của ngài ra sao mà chẳng đoái hoài gì đến tôi. Tôi có thể đã quý trọng ngài, nhưng ngài chỉ nghĩ đến bản thân mà bỏ qua cảm xúc của tôi. Nếu tôi không quan tâm đến ngài, thì đó là vì tôi cảm thấy không cần thiết.

Khi nhìn thấy ngài trên bục phát biểu, tôi thấy một Narcissus1 đang soi mình trong nước… Cà vạt của ngài đã thẳng thớm chưa? Mái tóc đã gọn gàng chưa? Cách cư xử hay từ ngữ của ngài có hoàn hảo không?

Ngài có vẻ kiểm soát được mọi thứ trừ khán giả của ngài. Ngài nhìn thấy mọi thứ trừ chúng tôi. Nhưng tôi e việc đó khiến chúng tôi bỏ ngoài tai những lời nói của ngài. Chúng tôi phải đi ngay bây giờ. Xin lỗi ngài. Hãy gọi cho chúng tôi sau nhé. Chúng tôi sẽ quay trở lại khi ngài thực sự nhìn thấy chúng tôi… sau khi những giấc mơ của ngài tan vỡ… sau khi trái tim của ngài tan vỡ… sau khi sự kiêu ngạo của ngài đã biến mất cùng sự tuyệt vọng. Lúc đó sẽ có chỗ cho tất cả chúng tôi trong thế giới của ngài. Lúc đó, ngài sẽ không quan tâm xem chúng tôi có vỗ tay ủng hộ sự thông minh của ngài không. Ngài sẽ là một người trong số chúng tôi.

Lúc đó, ngài sẽ phá bỏ bức tường bản ngã và sẽ xây dựng một cây cầu mối quan hệ ấm áp. Chúng tôi sẽ gặp ngài trên cây cầu đó. Lúc đó, chúng tôi sẽ lắng nghe ngài. Mọi diễn giả đều vui vẻ hiểu khi họ với tay đến sự thấu hiểu.

– Khán giả của ngài

Lần đầu tiên đọc lá thư của Calvin Miller, tôi đã sốc khi nó miêu tả chính xác hình ảnh của tôi khi mới rời trường đại học. Tôi rất tự mãn. Tôi nghĩ mình biết mọi thứ, nhưng sự thật tôi chẳng biết gì. Tôi đã tham gia các khóa học về thuyết trình, nhưng khóa học ở đại học mà tôi đã hoàn thành để lấy bằng chỉ dạy tôi cách xây dựng một đề cương hoàn chỉnh. Nghiên cứu của tôi không thể giúp tôi kết nối với khán giả. Các giáo sư đã khuyến khích chúng tôi chú ý đến chủ đề của mình. Chúng tôi được dạy phải tập trung vào một điểm trên bức tường cuối căn phòng. Việc truyền đạt của tôi khó khăn và cứng nhắc. Tệ hơn nữa, bất cứ lúc nào thuyết trình hoặc nói chuyện, tôi đều không hứng thú với đối phương; tôi đang tìm kiếm những lời khen ngợi mà tôi mong nhận được sau khi thông điệp của mình được chuyển đi. Không ai có thể kết nối với kiểu thái độ đó.

Không đề cao mọi người

Ngày nay, tôi thấy mục đích của mình là bổ sung giá trị cho người khác. Nó đã trở thành tâm điểm trong cuộc sống của tôi và bất cứ ai quen biết tôi đều hiểu tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, để bổ sung được giá trị cho người khác, trước tiên bạn phải đề cao người khác. Trong những năm đầu sự nghiệp, tôi đã quá tập trung vào lịch trình của mình đến mức phớt lờ và bỏ qua nhiều người. Nếu họ không quan trọng đối với việc làm của tôi, họ sẽ không bao giờ được tôi dành thời gian hoặc quan tâm đến.

Tôi nghĩ thái độ sai lầm này rất phổ biến. Một trong những câu chuyện hay nhất mà tôi từng được nghe kể bởi một y tá đã minh họa cho luận điểm này. Cô ấy kể lại:

Vào năm thứ hai tại trường điều dưỡng, giáo sư đã giao cho chúng tôi một bài kiểm tra. Tôi làm rất nhanh các câu hỏi cho đến khi đọc tới câu cuối cùng: “Tên của cô lao công ở trường là gì?” Chắc chắn đây là một câu hỏi tếu táo. Tôi đã gặp cô ấy nhiều lần, nhưng sao mà biết được tên cô chứ? Tôi đã nộp bài kiểm tra và để ngỏ câu hỏi cuối. Trước khi giờ học kết thúc, một bạn đã hỏi giáo sư rằng câu hỏi cuối cùng trong bài kiểm tra có được tính điểm không. “Chắc chắn có”, vị giáo sư trả lời. “Trong sự nghiệp, các em sẽ gặp rất nhiều người. Tất cả đều đặc biệt. Họ đáng được các em quan tâm và chăm sóc, ngay cả khi tất cả những gì các em có thể làm là mỉm cười và nói xin chào.” Tôi sẽ không bao giờ quên bài học đó. Tôi cũng biết được tên cô ấy là Dorothy.

Để thành công trong cuộc sống, chúng ta phải học cách làm quen và thân thiện với người khác. Một cây làm chẳng nên non cũng như một người không thể làm việc một mình mà mong mang lại hiệu quả lớn. Như John Craig chỉ ra: “Dù có thể làm bao nhiêu việc đi nữa, dù có đam mê thế nào đi nữa, bạn cũng không thể tiến xa trong kinh doanh nếu bạn không hợp tác với người khác.” Điều đó buộc bạn phải nhìn thấy những giá trị mà người khác sở hữu.

Khi chúng ta học cách chuyển sự tập trung từ bản thân sang người khác, cả thế giới sẽ dang tay chào đón chúng ta. Những người thành công hiểu rõ sự thật này trong mỗi bước đi trong cuộc sống. Tại một cuộc họp quốc tế gồm các giám đốc điều hành công ty, một doanh nhân người Mỹ đã hỏi một giám đốc đến từ Nhật Bản về thứ ngôn ngữ quan trọng nhất đối với thương mại thế giới. Doanh nhân người Mỹ nghĩ tiếng Anh sẽ là câu trả lời. Nhưng giám đốc người Nhật Bản, với sự hiểu biết toàn diện hơn về kinh doanh, đã mỉm cười và đáp: “Đó là ngôn ngữ của khách hàng của tôi.”

Khi kinh doanh, có một sản phẩm hoặc dịch vụ tốt thôi không đủ, trở thành một chuyên gia về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cũng không đủ. Biết rõ sản phẩm của bạn, thay vì khách hàng của bạn đồng nghĩa với việc có cung mà không có cầu. Và giá trị mà bạn đặt vào những người khác phải chuẩn mực. Như Bridget Haymond nhận xét: “Bạn có thể khăng khăng khẳng định bạn quan tâm đến họ, nhưng từ trong tâm can, mọi người đều biết liệu bạn có thực sự quan tâm đến họ không.”

Để bổ sung được giá trị cho người khác, trước tiên bạn phải đề cao người khác.

Sự thiếu tự tin

Đây là lý do cuối cùng cho việc mọi người thường tập trung thái quá vào bản thân thay vì người khác. Tuy đây không phải là một trong những vấn đề của tôi khi bắt đầu sự nghiệp, nhưng đó là trường hợp phổ biến với nhiều người.

Chew Keng Sheng, một giảng viên tại Trường Khoa học Y tế thuộc Đại học Sains Malaysia, tin rằng lý do của sự thiếu trưởng thành và bản ngã lớn, đặc biệt là ở các diễn giả là sự thiếu tự tin. “Tôi có thể nhớ vài lần đầu tiên khi tôi được đề nghị làm diễn giả,” Keng Sheng viết. “Tôi thực sự bối rối. Khi diễn giả dễ dao động, họ sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ khán giả. Càng muốn tìm kiếm sự ủng hộ của khán giả, họ càng tập trung vào bản thân và tìm cách để gây ấn tượng với người khác. Kết quả là, nhiều khả năng họ không đáp ứng được nhu cầu tức thời. Quả thật đó là một chu kỳ tiêu cực, đặc biệt là nếu một người không nhận được hoặc nhận ra sự ủng hộ như mong muốn.

VẤN ĐỀ VỀ VIỆC KẾT NỐI

Một vài năm trước, tôi có bài phát biểu tại một hội nghị quốc tế ở Dubai được tổ chức bởi một công ty mà Nabi Saleh là nhà sáng lập. Nabi là một chuyên gia về cà phê và trà. Ông bắt đầu sự nghiệp vào năm 1974, làm việc tại các đồi chè và đồn điền cà phê ở Papua New Guinea. Ông tiếp thị, sản xuất và đã hoạt động trong ngành công nghiệp này kể từ đó, mạnh nhất là ở Úc. Năm 1995, ông đã ghé thăm một chuỗi các cửa hàng cà phê ở Mỹ mang tên Gloria Jean được khởi sự bởi Gloria Jean Kvetko ở Chicago. Nabi và đối tác kinh doanh của ông, Peter Irvine, đã có quan điểm rất mạnh mẽ về việc này đến mức họ nỗ lực đạt được các quyền mở cửa hàng tại Úc. Vào năm 1996, họ đã mở hai cửa hàng Gloria Jean ở Sydney, nhưng gặp khó khăn.

Họ đã quan sát khách hàng để tìm câu trả lời và ngay sau đó họ phát hiện ra vấn đề. “Chúng tôi xây dựng các cửa hàng dựa trên mô hình của Mỹ,” Nabi nói, “hoàn toàn phản Úc. Mọi người thích cà phê, họ thích sản phẩm, nhưng họ nói: ‘Chỗ ngồi đâu, đồ ăn đâu?’ Đó là các cửa hàng theo mô hình Take away (Đồ mang về). Chúng tôi biết rằng nếu tiếp tục như vậy, chúng tôi sẽ không thể trụ được lâu. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu tái cơ cấu.”

Họ đã dành gần 2 năm để điều chỉnh các cửa hàng, sửa chữa và làm mới chúng cho đến khi họ kết nối được với khách hàng.

Sau đó, Nabi và Peter bắt đầu nhượng quyền thương mại. Trong thời gian 10 năm, họ đã mở hơn 300 cửa hàng, vào năm 2005, họ mua bản quyền quốc tế Gloria Jean’s Coffees và mở rộng vượt ra ngoài biên giới Úc và Mỹ. Ngày nay, Gloria Jean đã có 470 cửa hàng tại 15 quốc gia trên toàn thế giới.

Dù thành công trong kinh doanh, nhưng Nabi vẫn không ngừng quan sát mọi thứ. Khi chúng tôi cùng tham gia hội nghị, Nabi đã nói với tôi rằng: “Chúng tôi không kinh doanh cà phê, để phục vụ mọi người. Chúng tôi đang hoạt động trong lĩnh vực con người và phục vụ cà phê.”

Nabi đã đưa ra lời khuyên này cho những người hoạt động trong ngành công nghiệp dịch vụ: “Bạn phải tâm huyết với việc phục vụ. Bạn phải được chuẩn bị để phục vụ các nhu cầu của những người mà bạn tiếp xúc. Luôn phải quan sát xem khách hàng muốn gì. Không phải thứ tôi muốn, Peter muốn, mà là mong muốn của người trả tiền để duy trì hoạt động của chúng tôi.” Nói cách khác, bạn phải nhớ rằng kinh doanh liên quan đến tất cả những người khác. Đó là những gì cần thiết để thành công.

“Chúng tôi không kinh doanh cà phê, để phục vụ mọi người. Chúng tôi đang hoạt động trong lĩnh vực con người và phục vụ cà phê.”

– Nabi Saleh

BA CÂU HỎI MỌI NGƯỜI VẪN THƯỜNG HỎI BẠN

Phải tập trung vào những người khác thường là trở ngại lớn nhất mà mọi người phải đối mặt khi kết nối. Đó là vấn đề về việc có thái độ đúng đắn. Nhưng chỉ điều đó thôi không đủ. Bạn phải có khả năng thể hiện lòng vị tha trong giao tiếp. Tôi tin rằng bạn làm điều đó bằng cách trả lời ba câu hỏi mà mọi người luôn tự hỏi khi tương tác với những người khác, dù đó là một khách hàng, đối tác, khách mời, khán giả, bạn bè, đồng nghiệp, hoặc nhân viên.

1. “Anh có quan tâm đến tôi không?”

Hãy suy nghĩ về những trải nghiệm tuyệt vời nhất mà bạn có với mọi người trong cuộc sống. Hãy dừng lại một lúc và nhớ lại 3 – 4 trải nghiệm. Chúng có điểm chung gì? Tôi cá là những người liên quan đến chúng đều thực sự quan tâm đến bạn!

Sự quan tâm lẫn nhau tạo ra sự kết nối giữa mọi người. Không chỉ bạn bè và các thành viên gia đình mới muốn dành thời gian cho nhau? Mong muốn đó đến từ việc bạn kết nối với họ. Thật tuyệt vời nếu bạn có thể mở rộng khả năng quan tâm đến những người khác ngoài vòng tròn cá nhân của bạn. Nếu có thể học cách quan tâm đến người khác, bạn có thể kết nối với họ, giúp đỡ họ, và bạn có thể khiến cả cuộc sống của cả bạn và họ tốt hơn. Cho dù nghề nghiệp của bạn là gì. Hãy đọc các trích dẫn sau của những người thành công từ rất nhiều ngành nghề:

Kinh doanh: “Bạn không thể khiến đồng nghiệp cảm thấy sự hiện diện của bạn là quan trọng nếu bạn ngầm hiểu anh ta chẳng là gì.”

– Les Giblin,

Cựu nhân viên bán hàng của năm kiêm diễn giả nổi tiếng.

Chính trị: “Để khiến một người ủng hộ hành động của bạn, trước tiên, bạn phải thuyết phục anh ta rằng bạn là người bạn chân thành của anh ta.”

– Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.

Giải trí: “Một số ca sĩ muốn khán giả yêu mến họ. Còn tôi yêu khán giả.”

– Luciano Pavarotti, huyền thoại opera giọng nam cao của Ý.

Tôn giáo: “Tôi truyền giáo bởi tôi yêu mến mọi người và muốn giúp họ.”

– Norman Vincent Peale, mục sư kiêm tác giả.

Kết nối với những người khác bằng cách quan tâm đến họ vượt ra ngoài ngành nghề và thậm chí cả giống loài, theo như huấn luyện viên động vật Laura Surovik chia sẻ. Với cương vị trợ lý phụ trách và nghiên cứu về loài cá heo tại SeaWorld ở Orlando, Florida, Laura chia sẻ:

Tôi đã là một huấn luyện viên trong 24 năm, đã được “kết nối” và hướng dẫn nhiều người kết nối với chú cá heo Shamu trong nhiều năm. Shamu là một trong những giáo viên vĩ đại của tôi. Khi nhìn vào mắt một con cá heo, bạn sẽ nhận ra mình không phải là số 1. Kết nối được tạo ra khi chúng biết sự hiện diện của bạn là vì chúng – đó là cách xây dựng lòng tin thông qua tình yêu thương và sự chăm sóc. Bạn phải chân thành và làm gương để kết nối và xây dựng một mối quan hệ với chúng.

Đối với con người cũng vậy.

Hầu hết mọi người đều có một mong muốn mãnh liệt là kết nối với mọi người, nhưng họ đều gặp khó khăn trong việc kết nối. Họ thường bận rộn với những lo lắng và nhu cầu của bản thân.

Khi nào bạn có thể giúp người khác hiểu rằng bạn thực sự quan tâm đến họ, bạn mở lòng để kết nối, giao tiếp và tương tác thì từ thời điểm đó, bạn có tiềm năng tạo ra một thứ gì đó có lợi cho cả bạn và họ, bởi những mối quan hệ tốt đẹp thường dẫn đến những điều tốt đẹp: ý tưởng, sự phát triển, các quan hệ đối tác và hơn thế nữa. Mọi người sống tốt hơn khi họ quan tâm đến nhau.

Sự quan tâm lẫn nhau tạo ra sự kết nối giữa mọi người.

2. “Anh có thể giúp tôi không?”

Một buổi tối nọ, Tom Arington và tôi ăn tối cùng nhau và tôi đã hỏi vài câu hỏi về thành công của ông ấy trong kinh doanh. Tom là nhà sáng lập kiêm CEO của Prasco, một công ty dược phẩm tư nhân. Ông nói với tôi, ông có được thành công là nhờ một câu hỏi mà ông luôn đặt ra trong mọi tình huống: “Tôi có thể giúp gì được anh/chị/bạn nào?” Bằng cách giúp đỡ những người khác, ông cũng đã giúp chính mình. “Tôi luôn giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào có thể. Khi giúp đỡ người khác, nâng họ lên, tôi nhận ra rằng tôi cũng tự nâng mình lên.”

Có một câu ngạn ngữ cổ trong kinh doanh: Không ai muốn bị bán đứng, nhưng mọi người đều muốn được giúp đỡ. Người thành công trong kết nối biết rằng những người khác luôn tự hỏi: “Những người này có thể giúp tôi không?” Một trong những cách họ trả lời câu hỏi đó là tập trung vào những lợi ích mà họ có thể mang lại cho một ai đó.

Trong cuốn Presenting to Win (Tạm dịch: Thuyết trình để chiến thắng) của mình, Jerry Weissman đã chỉ ra rằng khi mọi người giao tiếp, họ tập trung quá nhiều vào các tính năng của sản phẩm hoặc dịch vụ của họ thay vì trả lời câu hỏi: “Anh có thể giúp tôi điều gì?” Weissman nói, chìa khóa cho vấn đề này là tập trung vào quyền lợi, không phải các tính năng. Ông viết:

Một tính năng là chất lượng của sản phẩm công ty bạn bán, hoặc ý tưởng bạn đang đưa ra. Ngược lại, một lợi ích là cách mà chất lượng sẽ giúp được đối phương. Khi bạn tìm cách thuyết phục, việc trình bày về các tính năng của sản phẩm hoặc dịch vụ thôi không đủ, mỗi tính năng luôn phải được biến thành một lợi ích. Trong khi đó, một tính năng có thể không liên quan đến nhu cầu hoặc lợi ích của khách hàng tiềm năng, nhưng một lợi ích, theo định nghĩa, luôn gắn liền với họ.

Trong thế giới hiện tại, hàng ngày mọi người bị vùi trong hàng loạt các thông tin về các tính năng của sản phẩm này hoặc tiện ích kia. Họ có xu hướng bỏ qua chúng. Nếu bạn muốn có được sự chú ý của ai đó, hãy cho họ thấy bạn có thể giúp họ.

Không ai muốn bị bán đứng, nhưng mọi người đều muốn được giúp đỡ.

3. “Tôi tin anh được không?”

Bạn đã bao giờ mua một chiếc xe hơi? Nếu rồi, thì cảm giác của bạn như thế nào? Đối với nhiều người, đó là sự khủng khiếp bởi họ không tin tưởng người đang cố gắng bán xe cho họ. Phần lớn ngành công nghiệp này đều có vẻ khiến khách hàng tiềm năng của họ mất thăng bằng và hoài nghi.

Chữ tín rất quan trọng trong bất cứ ngành nghề nào và là yếu tố thiết yếu với cuộc sống. Tác giả kiêm diễn giả Jeffrey Gitomer đã nói với tôi rằng niềm tin thậm chí còn quan trọng hơn cả tình yêu!

Nếu từng mua một chiếc xe hơi, khi bạn bước vào phòng trưng bày xe hơi, dù cố tình hay không, bạn nhìn nhân viên bán hàng và tự đặt ra ba câu hỏi quan trọng từ chương này:

1. Anh/chị có quan tâm đến tôi không?

2. Anh/chị có thể giúp tôi không?

3. Tôi có thể tin tưởng anh/chị không?

Rất có thể, trong một trải nghiệm mua xe không mấy vui vẻ, bạn không thể trả lời “có” cho tất cả ba câu hỏi trên. Bạn thậm chí không thể trả lời “có” cho một trong ba câu hỏi đó! Kết quả là, bạn không kết nối được với những người liên quan.

Đương nhiên, đó không phải là trải nghiệm của tất cả mọi người. Thực tế, Emran Bhojawala đã viết thư kể cho tôi nghe về trải nghiệm của anh với Lloyd, một nhân viên bán xe hơi ở Washington, DC., một người rất đáng tin cậy, dễ gần và thân thiện khi Emran mua một chiếc xe từ thời sinh viên và sau đó mua thêm một chiếc xe nữa từ anh ta sau khi Emran chuyển đến Minnesota. “Khi tôi muốn mua một chiếc xe,” Emran giải thích, “tôi không phải lo lắng về bất cứ điều gì. Tôi nói với anh ấy về khoản ngân sách cho phép của tôi và bay đến Virginia để lấy chiếc xe mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy.” Sau đó, Emran đã lái xe trong suốt 23 giờ để về nhà. “Anh ấy là một huyền thoại khi nói đến việc bán xe ô tô ở khu vực gần trường tôi,” Emran viết. “Anh ấy không quảng cáo và công việc của anh ấy đều đến từ các khách hàng cũ và qua giới thiệu. Tôi nghĩ rằng đó là một ví dụ hoàn hảo về sự thành công trong việc kết nối với mọi người.” Hoặc như Mike Otis nói: “Kinh doanh đi theo hướng mà nó muốn, nhưng nó ở nơi mà nó được coi trọng.”

“Niềm tin quan trọng hơn cả tình yêu.”

– Jeffrey Gitomer

NẾU TÔI LÀ Bạn,…

Mọi người đều có lý do riêng khi làm bất cứ việc gì. Đó là lý do tại sao chúng ta phải biết lịch trình của họ và cố gắng nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của họ. Nếu không, chúng ta chỉ lãng phí thời gian của cả họ lẫn chúng ta.

Vài năm trước, tôi đã dành một vài ngày ở thành phố New York để đến thăm một số nhà xuất bản sách hàng đầu quốc gia với Sealy Yates, đại diện của tôi và một số thành viên chủ chốt của công ty. Mục tiêu của chúng tôi là nhận được một hợp đồng xuất bản cuốn sách mới. Trước cuộc họp với các nhà xuất bản, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để thảo luận về những gì chúng tôi nghĩ sẽ quan trọng đối với các nhà quản trị mà chúng tôi sẽ gặp mặt. Sealy đã thông báo cho chúng tôi về những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp và mang đến cho chúng tôi cái nhìn sâu sắc về các nhà xuất bản tư nhân. Một trong những nhân viên của tôi đã nói qua các điểm chính mà anh nghĩ là quan trọng xét trên quan điểm của công ty tôi. Tất cả chúng tôi đều đặt ra các câu hỏi và tìm câu trả lời. Chúng tôi muốn có sự chuẩn bị tốt nhất có thể.

Đêm trước khi chúng tôi có cuộc họp đầu tiên, tôi đã dành thời gian ở một mình trong phòng khách sạn để chuẩn bị tinh thần cho ngày hôm sau. Tôi luôn tự hỏi rằng: Nếu tôi đại diện một nhà xuất bản nói chuyện với một tác giả, tôi muốn biết gì? Nếu tôi ở vị trí của họ, tôi sẽ hỏi John Maxwell những gì? Tôi tin nếu mình có thể trả lời những câu hỏi này, tôi sẽ có một cơ hội kết nối với họ và đưa ra một hợp đồng có lợi cho cả hai bên.

Tôi đưa ra rất nhiều ý tưởng, nhưng câu hỏi mà tôi liên tục trở lại là: “Anh muốn viết bao nhiêu cuốn sách?” Tôi tin rằng đó là chìa khóa, vì vậy trong vòng 2 giờ, tôi đã suy nghĩ về câu trả lời cho câu hỏi đó. Tôi đã viết ra danh sách các cuốn sách tôi muốn viết trong vài năm tới. Danh sách càng lớn, thì sự phấn khích và dự đoán của tôi cho ngày tới cũng tăng lên. Và khi chúng tôi gặp nhà xuất bản đầu tiên vào sáng hôm sau, sau vài phút trò chuyện về hợp đồng tiềm năng, một giám đốc điều hành đã hỏi: “John, anh đã viết 30 cuốn sách. Anh định viết thêm bao nhiêu cuốn nữa?”

Với sự nhiệt tình rất lớn, tôi đã chia sẻ các ý tưởng và tựa 10 cuốn sách mà tôi muốn viết. Tôi nghĩ một số người trong phòng đã có chút ngạc nhiên khi tôi có thể đưa ra câu trả lời nhanh đến vậy và rất hứng thú với chủ đề này. Khi tôi nhiệt tình chia sẻ các tựa sách, mọi người cũng hào hứng theo. Mọi người bắt đầu ghi chép và đặt câu hỏi. Và từ phản ứng của họ, tôi có thể nắm được những chủ đề mà họ yêu thích nhất. Chúng tôi đã kết nối! Tất cả những gì tôi đã làm là dành thời gian để suy nghĩ dựa trên quan điểm của các nhà xuất bản và khám phá ra những điều quan trọng đối với họ.

Bạn có thể kết nối với những người khác nếu đã sẵn sàng đặt lịch trình của bạn sang một bên, để nghĩ về họ và cố gắng hiểu họ là ai và họ muốn gì. Nếu bạn thực sự muốn giúp mọi người, kết nối sẽ trở nên tự nhiên hơn và ít cứng nhắc hơn. Nếu sẵn sàng học cách kết nối, bạn sẽ ngạc nhiên trước những cánh cửa sẽ mở ra với bạn và những người bạn sẽ kết nối. Tất cả những gì bạn phải làm là tự nhắc nhở bản thân rằng kết nối liên quan đến những người khác.

Mọi người đều có lý do riêng khi làm bất cứ việc gì.

KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI Ở MỌI CẤP ĐỘ

10295.jpg

Nguyên tắc kết nối: Tất cả kết nối đều liên quan đến những người khác.

Khái niệm chính: Kết nối bắt đầu khi người khác cảm thấy được tôn trọng.

KẾT NỐI TRỰC TIẾP VỚI MỘT NGƯỜI

Bạn kết nối trực tiếp với một người như thế nào? Bằng cách khiến họ cảm thấy được coi trọng. Bạn làm việc đó bằng cách nào?

• Biết những gì họ coi trọng bằng cách trở thành người biết lắng nghe khi bạn giao tiếp với họ.

• Tìm hiểu lý do họ coi trọng những điều này bằng cách đặt câu hỏi.

• Chia sẻ các giá trị riêng của bạn gần giống họ.

• Xây dựng mối quan hệ của bạn dựa trên những giá trị chung.

Bằng cách đó, giá trị được bổ sung vào cả hai người.

KẾT NỐI TRONG NHÓM

Điểm mấu chốt để khiến người khác cảm thấy được coi trọng trong một nhóm hoặc một đội là lôi kéo họ tham gia vào vòng kết nối. Người thông minh nhất trong phòng không bao giờ tỏ ra thông minh hơn tất cả mọi người. Sự hòa hợp tạo ra sức mạnh tổng hợp, nhu cầu và kết nối.

Để kết nối với mọi người trong một nhóm, hãy:

• Khám phá và xác định sức mạnh của mỗi người.

• Ghi nhận giá trị của thế mạnh và đóng góp tiềm năng của mỗi người.

• Mời tham gia và cho phép mọi người làm chủ lĩnh vực thế mạnh của họ.

KẾT NỐI VỚI KHÁN GIẢ

Một trong những lý do mà các diễn giả không thể kết nối đó là họ mang lại ấn tượng rằng họ và thông tin cần truyền tải của họ quan trọng hơn khán giả. Kiểu thái độ đó có thể tạo ra một rào cản giữa diễn giả và khán giả. Thay vào đó, hãy cho khán giả của bạn thấy rằng họ quan trọng với bạn bằng cách:

• Thể hiện bạn coi trọng họ và mong được gặp gỡ họ càng sớm càng tốt.

• Làm điều gì đó đặc biệt cho họ nếu có thể, chẳng hạn như chuẩn bị nội dung ấn tượng cho họ và để họ biết rằng bạn làm như vậy là vì họ.

• Gặp khán giả theo nhóm (khoảng 10 người), để nhận được phản ứng tích cực từ họ.

• Khi bạn kết thúc bài thuyết trình, hãy nói cho họ biết bạn cảm thấy vui mừng khi được gặp họ đến mức nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.