Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối

03: KẾT NỐI NẰM NGOÀI CẢ LỜI NÓI



Trong một chương trình thực tế trên truyền hình, hai người đều có tài năng ngang nhau cùng hát một bài hát, một người khiến khán giả reo hò; người còn lại khiến khán giả lẳng lặng rời đi. Tại sao vậy?

Hai giáo sư tại một trường đại học dạy cùng lớp trong cùng một khoảng thời gian và cùng dựa trên cuốn sách giáo trình theo quy định. Các sinh viên đứng xếp hàng đăng ký vào lớp giáo viên đầu tiên, trong khi lớp của vị giáo sư còn lại dần thiếu hiệu quả và số sinh viên tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại sao vậy?

Hai nhà quản lý cùng điều hành một nhà hàng. Mỗi người đều có 20 nhân viên làm việc thường xuyên. Khi người quản lý đầu tiên cần giúp đỡ và đề nghị mọi người làm thêm giờ, họ rất sẵn sàng. Nhưng người quản lý còn lại đưa ra đề nghị tương tự trong tuần tới, tất cả các nhân viên đều viện lý do không thể ở lại. Điều gì đã làm nên sự khác biệt?

Cha mẹ cùng nuôi một đứa trẻ trong gia đình, áp dụng các quy tắc giáo dục tương tự nhau. Một phụ huynh được tuân thủ trong vui vẻ, còn người kia bị ra sức kháng cự. Tại sao vậy?

Không phải lời của bài hát gợi lên phản ứng giống nhau ở cả hai ca sĩ sao? Không phải một khóa học có sức hấp dẫn giống nhau với sinh viên sao? Không phải cả hai nhà quản lý đều đưa ra đề nghị giống nhau sao? Không phải bố và mẹ đều dạy dỗ con với cùng một phương pháp sao?

Về trực giác, bạn có thể biết câu trả lời là không. Phản ứng của mọi người với những người khác nhau không chỉ đơn thuần dựa trên lời nói được sử dụng mà trên kết nối họ trải nghiệm với người đó.

HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN QUÁ MẠNH MẼ, TÔI KHÔNG THỂ NGHE THẤY TIẾNG CỦA BẠN

Khi mọi người cố gắng giao tiếp với người khác, nhiều người tin rằng thông điệp nói ra là tất cả. Nhưng thực tế, giao tiếp vượt ra ngoài những lời nói thông thường. Trong một nghiên cứu quan trọng, giáo sư tâm lý danh dự của UCLA, Albert Mehrabian, đã phát hiện ra rằng giao tiếp trực tiếp với một người có thể được chia thành ba thành phần: từ ngữ, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể. Ngạc nhiên thay, trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi các thông điệp bằng lời không phù hợp, thì những gì chúng ta làm và giọng điệu chúng ta sử dụng còn giá trị hơn bất cứ lời nói nào trong quá trình giao tiếp. Trong các trường hợp được truyền đạt:

• Những gì chúng ta nói chỉ chiếm 7% những gì được tin tưởng.

• Cách chúng ta nói chiếm 38%.

• Những gì người khác nhận thấy chiếm 55%.

Thật ngạc nhiên, hơn 90% ấn tượng chúng ta thường truyền tải không liên quan nhiều đến những gì chúng ta thực sự nói. Vì vậy, nếu tin rằng giao tiếp liên quan đến từ ngữ, thì bạn đã sai lầm và bạn sẽ luôn gặp khó khăn khi kết nối với những người khác.

Trong khi những số liệu thống kê này có thể cho thấy những hạn chế của từ ngữ trong một số tình huống giao tiếp, thì chúng lại không thể giúp mình tìm ra cách giao tiếp tốt hơn với người khác. Vậy giải pháp là gì? Howard Hendricks, người từng là cố vấn từ xa cho tôi trong nhiều năm, đã nói rằng giao tiếp có ba thành phần cần thiết: trí tuệ, tình cảm và ý chí. Nói cách khác, khi cố gắng giao tiếp, chúng ta phải có:

Suy nghĩ: Thứ chúng ta biết

Cảm xúc: Thứ chúng ta cảm nhận

Hành động: Thứ chúng ta làm

Tôi tin rằng ba thành phần này cũng rất cần thiết để kết nối với những người khác. Khi không có bất cứ thành phần nào trong ba thành phần đó, sự gián đoạn với mọi người và sự cố trong giao tiếp sẽ xảy ra. Cụ thể hơn, đây là cách tôi nghĩ sự cố sẽ xảy ra. Nếu tôi cố gắng giao tiếp:

• Thứ tôi biết nhưng không cảm nhận được, giao tiếp của tôi không có cảm xúc.

• Thứ tôi biết nhưng không làm, giao tiếp của tôi chỉ mang tính lý thuyết.

• Thứ tôi cảm nhận được nhưng không biết, giao tiếp của tôi là vô căn cứ.

• Thứ tôi cảm nhận được nhưng không làm, giao tiếp của tôi là giả tạo.

• Thứ tôi làm nhưng tôi không biết, giao tiếp của tôi đầy kiêu ngạo.

• Thứ tôi làm, nhưng không cảm nhận được, giao tiếp của tôi máy móc.

Khi có đủ cả ba thành phần – suy nghĩ, cảm xúc và hành động – giao tiếp của tôi có niềm tin, niềm đam mê và uy tín. Kết quả đạt được là kết nối. Tôi tin rằng bạn có thể đạt được kết quả tương tự khi bạn đưa cả ba thành phần vào trong hoạt động kết nối của bạn.

Hơn 90% ấn tượng chúng ta thường truyền tải không liên quan nhiều đến những gì chúng ta thực sự nói ra.

CÁC ĐẶC TÍNH CỦA KẾT NỐI

Bất kỳ thông điệp nào bạn cố gắng để truyền tải phải có một phần của bạn trong đó. Bạn không thể chỉ nói suông. Bạn không thể chỉ truyền tải thông tin. Bạn cần phải có nhiều hơn một thông điệp. Bạn phải là một phần của thông điệp mà bạn muốn chuyển tải, nếu không, bạn sẽ không có được sự tin cậy và bạn sẽ không thể kết nối.

Bạn đã từng phải truyền tải tầm nhìn của người khác chưa? Rất khó phải không? Thật khó để đưa cảm xúc của bạn vào quá trình trình bày ý tưởng của người khác. Tuy nhiên, nếu làm việc trong bất kỳ tổ chức nào và bạn không phải là nhà lãnh đạo hàng đầu, đó chính là những gì bạn được kỳ vọng thực hiện. Bạn làm việc đó với niềm tin nào? Bằng cách biến nó thành tầm nhìn của bạn. Ý của tôi là trước tiên, bạn phải khám phá ra việc tầm nhìn tác động tích cực đến bạn ra sao. Bạn phải kết nối với nó ở cấp độ cá nhân. Một khi làm được điều đó, bạn sẽ làm được nhiều hơn việc chỉ đơn thuần chuyển tiếp thông tin mà còn là truyền đạt cảm hứng. Không gì có thể xảy ra thông qua bạn nếu nó không xảy ra với bạn.

Loại sở hữu này rất cần thiết không chỉ đối với các nhà lãnh đạo và diễn giả mà cả với các tác giả. Để một cuốn sách kết nối được với độc giả, nó phải không chỉ là một cuốn sách đơn thuần. Nó phải sở hữu một phần của tác giả. Nếu không, nó sẽ thiếu tính xác thực và độ tin cậy. Nó có thể cung cấp thông tin tuyệt vời, nhưng chưa chắc đã để lại dấu ấn nếu tác giả không kết nối với các độc giả.

Đó là những gì tôi luôn cố gắng làm với cương vị một tác giả: đưa một phần cái tôi của mình vào cuốn sách. Tôi không truyền tải bất cứ điều gì mà tôi chưa trải nghiệm. Ví dụ:

• Developing the Leader within You (Phát triển kỹ năng lãnh đạo)2 thuyết phục độc giả bởi tôi đã xây dựng bản thân thành một nhà lãnh đạo.

• Trong Failing Forward (Tạm dịch: Tiến lên từ thất bại), tôi muốn chứng minh các cách tôi thường sử dụng để vượt qua những thất bại của riêng tôi.

• Khi tôi viết Winning with People (Thuật đắc nhân tâm3), tôi muốn cuốn sách ảnh hưởng đến những người khác theo cách cuốn Đắc nhân tâm (How to Win Friends and Influence People) của Dale Carnegie ảnh hưởng đến tôi từ thời niên thiếu.

• Thinking for a Change (Tạm dịch: Suy nghĩ đến một sự thay đổi) chia sẻ cách suy nghĩ hàng ngày của tôi. Vợ tôi, Margaret, nói rằng nó “thể hiện con người tôi” nhiều hơn bất kỳ cuốn sách nào khác.

• The 21 Irrefutable Laws of Leadership (21 nguyên tắc vàng của nghệ thuật lãnh đạo2) cung cấp các nguyên tắc lãnh đạo thử-và-đúng mà tôi đã sử dụng để trang bị cho hơn 4 triệu người trên toàn thế giới.

Tôi nỗ lực để khiến mỗi cuốn sách của mình không chỉ là một cuốn sách, là giấy và mực in hay tệp tin điện tử được bán ra thị trường. Mỗi cuốn sách đều xuất phát từ trái tim và linh hồn tôi. Tôi tin nó và thực sự hy vọng nó sẽ giúp đỡ được bất cứ ai đọc nó.

Thông điệp phải chân thành và xuất phát từ trái tim, nhưng tất nhiên điều đó là không đủ. Thông điệp của bạn còn phải có giá trị, phải được đưa ra dựa trên cam kết mang lại cho khán giả của mình và phải có khả năng thay đổi cuộc sống của người khác. Đó là mục tiêu của tôi mỗi khi tôi viết một cuốn sách hoặc chuẩn bị nói chuyện với khán giả.

Mỗi năm, tôi đều trở thành diễn giả cho các công ty và tổ chức khác nhau. Thường thì, tôi cần trao đổi qua điện thoại với ai đó trong tổ chức trước buổi nói chuyện để có thể nắm được các kỳ vọng của nhà tổ chức và thông tin về khán giả. Mục tiêu của tôi là không bao giờ chỉ đơn thuần đưa ra một bài phát biểu. Tôi muốn bổ sung giá trị cho mọi người. Và để có cơ hội làm điều đó, những gì tôi nói và làm phải nằm trong bối cảnh của bức tranh lớn hơn về mục đích, nhiệm vụ và mục tiêu của tổ chức. Tôi luôn dành thời gian để khiến những gì tôi sắp nói phù hợp với thứ họ cần.

Sau khi phát biểu xong, tôi cũng dành thời gian để đánh giá xem tôi có kết nối với khán giả và giúp được nhà tài trợ không. Tôi làm điều đó bằng cách xem lại Danh mục kiểm tra Kết nối của tôi, trong đó bao gồm các câu hỏi sau:

• Sự trọn vẹn – Tôi đã nỗ lực hết sức mình chưa?

• Kỳ vọng – Tôi có làm hài lòng nhà tổ chức của tôi không?

• Sự xác đáng – Tôi có hiểu và thuyết phục được khán giả không?

• Giá trị – Tôi có bổ sung giá trị cho mọi người không?

• Áp dụng – Tôi có cung cấp cho mọi người một kế hoạch cho sự thay đổi không?

• Thay đổi – Tôi có tạo ra sự khác biệt không?

Nếu có thể thành thật trả lời “có” cho những câu hỏi này, tôi cảm thấy chắc chắn rằng kết nối của mình với khán giả là hiệu quả và có thể xứng đáng với thời gian mà họ đã dành cho tôi.

Nếu bắt đầu bất cứ buổi diễn thuyết nào, bạn có thể sử dụng một danh sách tương tự nhằm đảm bảo bạn đang làm mọi thứ để kết nối. Tuy nhiên, ngay cả khi phát biểu trước đám đông không nằm trong những việc bạn phải làm, vẫn có một nguyên tắc hữu ích dành cho bạn. Khi bạn chịu trách nhiệm kết nối với những người khác và bạn quyết định chiều lòng mọi người thay vì chính mình, cơ hội bạn kết nối với những người khác sẽ tăng đáng kể. Nên nhớ, thái độ của bạn thường quan trọng hơn lời nói.

Bất kỳ thông điệp nào bạn cố gắng để truyền tải phải có một phần của bạn trong đó.

BỐN THÀNH PHẦN CỦA KẾT NỐI

Nếu muốn kết nối thành công với người khác, bạn cần phải chắc chắn thông điệp của bạn vượt ra khỏi lời nói. Làm sao bạn có thể làm được điều đó? Bằng cách kết nối trên bốn cấp độ: trực quan, trí tuệ, cảm xúc và lời nói.

1. Những gì mọi người thấy – kết nối trực quan

Trong cuốn sách How to talk so people listen (Tạm dịch: Nói sao để mọi người lắng nghe bạn), Sonya Hamlin đã đưa ra lời khuyên rằng giữa thính giác và thị giác, thị giác quan trọng và mạnh mẽ hơn trong giao tiếp. Cô viết: “Như một loài động vật bậc cao, chúng ta nhớ 85-90% những gì chúng ta nhìn thấy nhưng ít hơn 15% những gì chúng ta nghe thấy. Điều đó có nghĩa rằng nếu muốn tôi học và ghi nhớ, bạn cũng phải hỗ trợ lời nói bằng cách chỉ cho tôi các ý tưởng của bạn… Bây giờ, bạn cần phải sử dụng sức mạnh của thị giác để giúp duy trì hứng thú của khán giả và đưa nó lên tầm hiểu biết mới.” Cô viện chứng cho việc này bằng ví dụ sau chỉ ra rằng mọi người ngày nay trực quan hơn trước đây:

• 77% người Mỹ nhận được khoảng 90% tin tức từ truyền hình.

• 47% nhận được tất cả tin tức từ truyền hình.

• Các tập đoàn lớn của Mỹ có các hãng phim truyền hình của riêng họ.

• Họp hội nghị qua video và web đang thay thế các cuộc họp trực tiếp.

• Các hệ thống lưu trữ video kỹ thuật số đang dần trở nên phổ biến trong các gia đình và văn phòng.

• Tính đến năm 19 tuổi trẻ em dành khoảng 22.000 giờ để xem truyền hình đến năm 19 tuổi, nhiều hơn gấp đôi thời gian chúng dành cho việc học.

Chúng ta đang sống trong thời đại hình ảnh. Mọi người dành rất nhiều thời giờ xem YouTube, Facebook, Vimeo, PowerPoint, trò chơi điện tử, phim ảnh và các phương tiện truyền thông khác. Bạn chắc chắn có thể hiểu được tầm quan trọng của những gì xuất hiện trong văn hóa của chúng ta. Mọi người mong muốn mọi loại thông tin liên lạc đều là một trải nghiệm trực giác.

Bất cứ lúc nào bạn đứng trước những người khác để giao tiếp – cho dù đó là trên sân khấu, trong một phòng họp, trên một sân bóng, hoặc bên bàn cà phê – ấn tượng trực quan mà bạn tạo ra sẽ giúp đỡ hoặc cản trở bạn. Nhà điều hành truyền hình, tư vấn viên truyền thông, kiêm tác giả của cuốn sách You are the Message (Tạm dịch: Bạn là một thông điệp), Roger Ailes đã chia sẻ trên Tạp chí Success rằng:

Bạn chỉ có 7 giây để tạo ấn tượng đầu tiên phù hợp. Ngay sau khi bạn mở lối, bạn phát các tín hiệu bằng lời và không lời định hình hình ảnh của bạn trong mắt đối phương. Trong kinh doanh, 7 giây quan trọng đầu tiên này có thể quyết định xem bạn có giành được thiện cảm của họ, hoặc thành công trong một cuộc đàm phán căng thẳng hay không.

Bạn tự tin? Thoải mái? Chân thành? Hay vui mừng khi ở đó? Trong 7 giây đầu tiên, bạn mang đến cho đối phương “các tín hiệu” tinh tế. Và cho dù mọi người có nhận ra hay không, họ sẽ phản hồi ngay lập tức trước biểu hiện trên khuôn mặt, cử chỉ, thái độ và nhiệt huyết của bạn. Họ phản ứng với giọng nói của bạn – giọng điệu và cường độ. Đối phương, dù là một người hay hàng trăm người, theo bản năng sẽ đánh giá được động cơ và thái độ của bạn.

Mọi người có thể cảm nhận được rất nhiều trong 7 giây đó. Họ có thể quyết định rằng họ không muốn nghe bất cứ điều gì từ đối phương, hoặc có thể ấn tượng hay bị thu hút bởi một ai đó. Người theo chủ nghĩa bài nô lệ kiêm mục sư Henry Ward Beecher đã khẳng định: “Có người quá rạng rỡ, quá vui tính, quá tốt bụng, vì vậy bạn cảm thấy vui lây với sự hiện diện của họ đến mức bạn thể hiện thái độ tích cực của mình theo đó.”

Nếu bạn muốn tăng khả năng kết nối với mọi người một cách trực quan, hãy làm theo lời khuyên sau đây:

Loại bỏ các phiền nhiễu cá nhân. Nó gần như có thể biến mất mà không cần nói, nhưng điểm xuất phát cho kết nối trực quan là tăng cơ hội để mọi người chú ý đến những điều đúng đắn và không bị phân tâm. Nếu bạn cũng chuẩn bị chu đáo, chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh, thì đó là một khởi đầu tốt. Vô số người đã để mất cơ hội kinh doanh, hủy hoại các cuộc phỏng vấn xin việc, hoặc bị từ chối những cuộc hẹn hò bởi diện mạo của họ không phù hợp với các mong đợi của đối phương.

Cũng là một ý tưởng khôn ngoan khi loại bỏ bất kỳ thói quen cá nhân gây mất tập trung nào. Hỏi gia đình và bạn bè xem bạn có thường xuyên thể hiện các hành vi khiến họ chú ý và kéo sự tập trung của họ khỏi những gì bạn truyền đạt. Và nếu thực hiện bất cứ hoạt động diễn thuyết nào trước công chúng, thì một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là tự quay video về mình. John Love, một mục sư đã nhận xét trên blog của tôi, viết: “Tôi không bao giờ biết được mình đã mắc lỗi không lời nhiều đến vậy cho đến khi tự quay video về bản thân. Giờ đây, đó là việc làm thường xuyên của tôi khi xem lại bản thân qua các đoạn băng để xác định không chỉ những gì tôi nói, mà cả cách tôi diễn đạt. Những cuộn băng luôn ghi lại sự thật.”

Mở rộng mức độ thể hiện cảm xúc. Các diễn viên tài năng có thể kể toàn bộ câu chuyện mà không thốt ra một lời, chỉ đơn giản bằng cách sử dụng nét mặt. Và dù chúng ta có nhận thức được điều đó hay không, chúng ta cũng đều chuyển tải các thông điệp bằng những biểu hiện trên gương mặt. Ngay cả những người có khuôn mặt lạnh lùng, hay cố ý không để người khác biết suy nghĩ của họ, cũng đang truyền tải thông điệp tới những người khác – sự lạnh lùng, thờ ơ. Và hành động đó khiến việc kết nối với những người khác gần như bất khả thi. Nếu khuôn mặt của bạn thay bạn “nói” lên nhiều điều, thì bạn hoàn toàn có thể để nó truyền tải một điều gì đó tích cực.

Khi trông thấy các cháu, vợ chồng tôi sẽ ra đón và cho chúng thấy chúng tôi rất vui khi được gặp chúng. Khi bọn trẻ đến, chúng tôi dừng mọi việc đang làm lại để chúng nhận thấy được sự vui mừng của chúng tôi khi thấy chúng và chúng tôi đã giao tiếp không chỉ bằng lời mà còn bằng cả nụ cười, những cái ôm, những nụ hôn. Chúng tôi muốn chúng cảm thấy được sự yêu thương, khi chúng tôi ở bên.

Khi giao tiếp với đối phương, các biểu hiện trên gương mặt trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Và nói chung, đám đông khán giả càng lớn, các biểu hiện trên khuôn mặt càng cần được thể hiện nhiều hơn. Tất nhiên, công nghệ đã ảnh hưởng đến cách mọi người giao tiếp với một lượng lớn khán giả. Tôi vẫn nhớ trải nghiệm nói chuyện lần đầu tiên với một khán giả được quay phim lại và hình ảnh của tôi xuất hiện trên một màn hình lớn. Đó là ở Nhà thờ Crystal tại Quận Cam, California. Màn hình lớn cách tôi vài mét về phía bên trái và tôi thấy mất tự tin khi mọi người cứ nhìn qua đó chứ không nhìn vào tôi. Nhưng sau đó, tôi đã pha trò và làm cả mặt xấu khiến khán giả cười ồ và tôi lấy lại được sự tự tin. Mặc dù mọi người vẫn nhìn vào màn hình thay vì nhìn vào tôi, nhưng tôi đã kết nối được với họ.

Dù bạn là ai hay đang cố gắng giao tiếp với ai, bạn có thể cải thiện khả năng của mình bằng cách mỉm cười với mọi người và thể hiện biểu cảm trên gương mặt. Ngay cả khi bạn làm việc trong một môi trường khắc nghiệt hoặc một nền văn hóa doanh nghiệp trang trọng, bạn cũng không cần phải giữ một khuôn mặt nghiêm trang. Tôi phát hiện ra điều này từ rất sớm. Năm lớp Ba, tôi nhớ đã soi gương vào một buổi sáng và nghĩ, tôi không phải là một anh chàng điển trai. Tôi sẽ phải làm gì với một khuôn mặt như thế này? Sau đó, tôi mỉm cười. Và tôi nghĩ, đó chính là điểm mấu chốt.

Nếu khuôn mặt của bạn thay bạn “nói” lên nhiều điều, thì bạn hoàn toàn có thể để nó truyền tải một điều gì đó tích cực.

Di chuyển có mục đích. Khi còn học đại học, tôi muốn có được công việc tại một cửa hàng tạp hóa địa phương. Steve Benner, bạn đại học của tôi cũng vậy, chúng tôi đã cùng đi xin việc. Người quản lý gặp chúng tôi ở trước cửa hàng và yêu cầu chúng tôi theo anh đi ra phía sau. Có rất nhiều đơn xin việc. Sau khi phỏng vấn, ông nói rằng sẽ đưa ra quyết định vào ngày hôm sau. Steve là người được lựa chọn.

Một vài tuần sau đó, tôi đã đến gặp người quản lý để hỏi về lý do ông ấy không chọn tôi. Tôi tự hỏi liệu đơn xin việc của tôi có điểm gì không đạt yêu cầu. “Tôi không chọn người qua đơn xin việc,” ông đáp lại. “Tôi chọn Steve bởi cậu ấy đã ra sau cửa hàng nhanh và nhiệt tình hơn cậu.”

Tôi không bao giờ quên trải nghiệm đó. Không phải là nhận thức của chúng ta về những người khác nhau tùy theo cách họ thể hiện bản thân sao? Một người thu hút được sự chú ý trong khi người khác bị phớt lờ. Một người được tôn trọng trong khi người còn lại thì không. Tôi nghe nói rằng những tên cướp và móc túi lựa chọn nạn nhân dựa vào ngôn ngữ cơ thể. Nếu ai đó đi nhanh, tự tin và tỉnh táo, bọn chúng thường bỏ qua họ và tìm kiếm các nạn nhân thiếu tự tin hơn.

Sự di chuyển luôn chuyển tải một thông điệp rõ ràng khi ai đó muốn giao tiếp. Tôi luôn nhận thức được điều này bất cứ khi nào tôi ở trên sân khấu. Tôi di chuyển nhanh và tự tin lên sân khấu bởi tôi muốn mọi người biết rằng tôi đang háo hức trò chuyện với họ. Tôi biết việc tôi di chuyển đến gần hơn với khán giả sẽ tạo ra một cảm giác gần gũi hơn. Tôi cũng biết rằng nếu mình di chuyển xung quanh vài phút một lần, mọi người sẽ cảm nhận được nhiệt huyết của tôi và có nhiều khả năng gắn bó với tôi hơn.

Duy trì một tư thế cởi mở. Các rào cản vật lý thường là một trong số những trở ngại lớn nhất về kết nối với một người nào đó đang cố gắng để giao tiếp. Tôi đã mất nhiều năm để phát hiện ra điều này và để tạo được hiệu quả hơn trong giao tiếp. Lần đầu tiên nói chuyện với khán giả, tôi thường đứng sau bục và không di chuyển. Kết quả là, tôi cảm thấy tách biệt với họ. Khi bắt đầu đi xung quanh sân khấu và phát hiện ra nơi mà mọi người có thể nhìn thấy tôi, kết nối của tôi với mọi người được cải thiện rất nhiều.

Tạo ra sự cởi mở về tâm lý cũng đã giúp tôi rất nhiều trong việc kết nối. Tôi tình cờ biết được điều này sau khi bị chấn thương ở lưng khi chơi quần vợt với một người bạn. Chấn thương buộc tôi phải nằm nghỉ ngơi ba ngày và khiến tôi khó có thể đến một buổi nói chuyện theo lịch trình ở Harrisburg, Pennsylvania. Cách duy nhất giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ là đưa vợ tôi đi cùng để giúp tôi chuẩn bị quần áo và sẵn sàng nói chuyện, đồng thời yêu cầu ban tổ chức cung cấp ghế để tôi ngồi.

Trong suốt chương trình, tôi đã khám phá ra một điều đáng kinh ngạc rằng việc sử dụng ghế khiến tôi có nhiều nhiệt huyết hơn bình thường – ngay cả khi bị thương ở lưng. Đồng thời, tôi cũng cảm thấy thoải mái và kết nối với khán giả nhiều hơn. Sau khi phân tích tình hình, tôi nhận ra rằng, tôi giao tiếp thoải mái hơn khi ngồi.

Kể từ đó, tôi đã nhận thức được sự cần thiết của việc luôn giữ thể chất và tinh thần của tôi cởi mở trong quá trình giao tiếp. Khi ở văn phòng, tôi không ngồi ở bàn khi nói chuyện với một ai đó. Chúng tôi ngồi ở những chiếc ghế thoải mái, đối mặt với nhau mà không có bất cứ thứ gì ngăn cản giữa chúng tôi. Hoặc nếu cần phải làm việc, chúng tôi ngồi cạnh nhau ở cùng một phía.

Bất cứ lúc nào bạn loại bỏ các trở ngại và hạn chế khoảng cách, kết nối sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và sự va chạm về thể chất cũng hoàn toàn loại bỏ khoảng cách. Một cái bắt tay, một cái vỗ nhẹ vào lưng, hoặc một cái ôm có thể giúp thúc đẩy kết nối. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Sue Duffield đã kể với tôi một câu chuyện về cha cô để minh họa cho sức mạnh của sự va chạm và cách nó có thể giúp mọi người kết nối:

Tôi sẽ không bao giờ quên bàn tay của cha. Ông ấy là một công nhân chăm chỉ, luôn sử dụng bàn tay của mình hàng ngày – nhưng bằng cách nào đó vẫn chăm sóc nó cẩn thận và hoàn hảo… Một ngày, khi tôi nằm trong phòng cấp cứu với những vết thâm tím và bị thương nặng sau một vụ va chạm xe, tôi, một cô gái 17 tuổi đã gần như kiệt sức cho đến khi cảm nhận được bàn tay của cha chạm vào vai. Tôi biết ngay đó là ai mà không cần quay đầu lại. Tôi cảm nhận được năng lượng của ông qua cái chạm vai đó, và một kết nối quen thuộc và thân thương với ý nghĩa: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi, con gái ạ.”

Hãy làm bất cứ điều gì bạn có thể để loại bỏ các chướng ngại vật và thu hẹp khoảng cách giữa bạn và người mà bạn muốn kết nối. Và bất cứ khi nào thích hợp, hãy chạm để giao tiếp với người mà bạn quan tâm.

Chú ý đến môi trường xung quanh. Môi trường đóng một vai trò quan trọng bất cứ khi nào chúng ta cố gắng để giao tiếp với người khác. Bạn đã từng cố gắng để kết nối với người thích xem tivi hơn nói chuyện với bạn chưa? Bạn đã từng cố gắng để trao đổi hoặc trò chuyện trong một khu vực ồn ào như công trường xây dựng, hay trong một buổi hòa nhạc chưa? Một môi trường khó khăn có thể khiến việc kết nối khó suôn sẻ hoặc thậm chí là không thể.

Ngay cả khi được mời diễn thuyết, bạn cũng không thể cho rằng một chương trình được sắp xếp sẽ có lợi cho việc kết nối, ngay cả khi nó được thiết kế để giao tiếp. Đó là lý do tôi luôn cố gắng xem địa điểm trước khi được đặt lịch diễn thuyết. Tôi muốn chắc chắn mọi sự chuẩn bị đều hỗ trợ tốt nhất cho khoảng thời gian mà tôi dành cho khán giả.

Steve Miller, con rể tôi, thường xuyên sát cánh trong các buổi tôi làm diễn giả và Steve thường đến địa điểm tổ chức trước tôi. Nhờ kinh nghiệm, Steve biết tôi cần gì để có thể kết nối với mọi người. Điều đầu tiên con rể tôi kiểm tra là khoảng cách giữa khu vực dành cho diễn giả và khán giả. Điều đó rất quan trọng bởi tôi sẽ khó kết nối với khán giả nếu khoảng cách giữa tôi và họ khá xa. Tôi nghĩ rằng điều này cũng đúng đối với nhiều nhà giao tiếp khác. Khi Jay Leno trở thành người dẫn chương trình The Tonight Show, ông đã tạo ra những thay đổi nhanh chóng khi tiếp nhận chương trình. Người dẫn chương trình cũ, Johnny Carson, thường bước ra từ sau cánh gà và trình diễn màn độc thoại bởi phong cách của ông ta có phần lạnh lùng. Nhưng không phải diễn giả nào cũng vậy. Khi Leno đảm nhận chương trình, ông đã phải vật lộn trong vài tháng đầu khi sân khấu không phù hợp với phong cách giao tiếp của ông. Tuy nhiên, ngay sau khi sân khấu được thiết kế lại, mọi chuyện lại khác. Tấm màn sân khấu đã được gỡ bỏ và sân khấu mới đã được dựng để ông đứng rất gần với khán giả. Thực tế, khi Leno làm người dẫn chương trình, bất cứ khi nào được giới thiệu, ông đều bắt tay với khán giả ngồi hàng ghế đầu trước khi bắt đầu nói – một sự thay đổi về môi trường đã tạo nên sự khác biệt.

Điều thứ hai mà Steve quan sát là hệ thống ánh sáng. Tôi muốn mọi người nhìn thấy rõ tôi trên sân khấu bởi tôi là một người giao tiếp trực quan. Tuy nhiên, tôi cũng muốn có ánh sáng tốt cho khán giả vì hai lý do: tôi thường đưa ra các đề cương và muốn mọi người có thể ghi chú, đồng thời, tôi muốn quan sát khán giả trong khi nói chuyện. Nhiều kỹ năng kết nối của tôi phù hợp với những người khác, chỉ khi nhìn rõ khán giả, tôi mới có thể cảm nhận được những gì cần phải làm để tăng cường phản ứng của họ.

Điều thứ ba Steve cần kiểm tra là hệ thống âm thanh. Âm thanh kém khiến việc giao tiếp gần như bất khả thi. Tôi luôn ngạc nhiên trước những hệ thống âm thanh giá rẻ được cung cấp cho các hội nghị tại những khách sạn cao cấp. Nhiều khách sạn không có gì ngoài một chiếc micro cổ ngỗng gắn ở bục phát biểu. Phải sử dụng nó khi diễn thuyết không khác gì một vận động viên Olympic cố gắng giành chiến thắng trong một cuộc đua với tay và chân bị xích. Không chỉ âm thanh dở tệ, mà nó còn ngăn diễn giả di chuyển xung quanh hoặc tiến đến khán giả.

Nếu muốn kết nối với những người khác, bạn cần phải sẵn sàng điều chỉnh. Nếu đang cố gắng kết nối với vợ/chồng của bạn, hãy tắt tivi đi. Nếu đang có kế hoạch ăn trưa với một đồng nghiệp hoặc khách hàng, hãy chọn một nơi yên tĩnh đủ để trò chuyện. Nếu đang phụ trách một cuộc họp hoặc nhóm nhỏ gặp mặt, hãy chọn căn phòng phù hợp và chắc chắn rằng việc chuẩn bị giúp mọi người có thể kết nối với nhau. Và nếu đang chuẩn bị làm diễn giả, hãy kiểm tra địa điểm để loại bỏ những trở ngại đối với việc kết nối. Đến khi bạn đứng trên sân khấu, thì đã quá muộn để thay đổi. Để kết nối hiệu quả, hãy chịu trách nhiệm về việc cung cấp cho người khác cơ hội để kết nối với bạn một cách trực quan.

“Nếu bạn không sống với nó, bạn sẽ không thể thể hiện được nó.”

– Nghệ sĩ Charlie Parker

2. Những gì mọi người hiểu – kết nối tri thức

Để kết nối hiệu quả với mọi người về cấp độ trí tuệ, bạn phải biết hai điều: chủ đề của bạn và bản thân bạn. Chủ đề rất rõ ràng. Mọi người đều đã từng nghe người khác trình bày chi tiết về một chủ đề mà họ không biết gì. Tốt nhất đó là sự hài hước. Tệ nhất đó có thể là sự tra tấn. Nhưng hầu hết thời gian, nó chỉ đơn giản là giả dối. Nghệ sĩ nhạc jazz Charlie Parker có lần nhận xét: “Nếu bạn không sống với nó, bạn sẽ không thể thể hiện được nó.”

Tôi đọc một câu chuyện về diễn viên tài năng Charles Laughton đã minh họa cho sự khác biệt giữa một diễn giả giỏi và một người thực sự hiểu họ nói gì. Người ta nói rằng Laughton đã tham dự một bữa tiệc Giáng sinh với một gia đình tại London. Trong suốt buổi tối, chủ nhà đã đề nghị tất cả mọi người tham dự kể lại một đoạn văn yêu thích mang tinh thần Giáng sinh nhất. Khi đến lượt Laughton, ông khéo léo đọc lại bài thánh ca 23. Mọi người đều vỗ tay ủng hộ và chương trình vẫn tiếp tục.

Người cuối cùng tham gia là một cô lớn tuổi, người đã ngủ gật trong một góc. Một người nào đó đã nhẹ nhàng đánh thức cô, giải thích những gì đang xảy ra và đề nghị cô tham gia. Cô suy nghĩ một lúc và sau đó bắt đầu bằng giọng run rẩy: “Chúa là người soi đường cho tôi, tôi không muốn…” Khi cô ngừng lời, tất cả mọi người đều khóc.

Khi Laughton ra về, một thành viên của gia đình cảm ơn anh vì đã đến và được gia đình hỏi về sự khác biệt giữa hai người đọc lại bài thánh ca. Khi được hỏi về sự khác biệt, Laughton đã trả lời: “Tôi biết thánh ca, còn cô ấy hiểu về Chúa.”

Không gì có thể thay thế cho trải nghiệm cá nhân khi chúng ta muốn kết nối với trái tim mọi người. Nếu bạn biết một thứ gì đó mà không thực hiện nó, khán giả sẽ không tin bạn. Nếu bạn làm điều gì đó nhưng không biết đủ rõ để giải thích về nó, khán giả sẽ thất vọng. Bạn phải dung hòa hai yếu tố đó để kết nối liên tục.

Quan trọng như việc biết rõ chủ đề của bạn, bạn cũng cần phải biết rõ chính mình. Các nhà giao tiếp hiệu quả là những người có tâm thế rất thoải mái. Họ tự tin bởi họ biết họ có thể và không thể làm gì và họ hướng về điểm hiệu quả nhất trong giao tiếp khi họ nói chuyện với mọi người.

Như đã đề cập, tôi từng mất một thời gian để tìm hiểu về điều này. Những trải nghiệm đầu tiên của tôi về việc diễn thuyết là vào năm 1967, khi tôi đang học đại học. Vào thời điểm đó, chiến lược của tôi là bắt chước các diễn giả mà tôi ngưỡng mộ. Thật thảm họa! Khi điều đó không mang lại hiệu quả, tôi đã cố gắng để gây ấn tượng với mọi người bằng kiến thức chủ đề của mình nhưng không ai lắng nghe. Tôi phải mất tám năm để “tìm được đường riêng” trong vai trò một diễn giả. Và thật tuyệt là: khi bạn tìm thấy chính mình, bạn sẽ tìm thấy khán giả của bạn.

Khi bạn tìm thấy chính mình, bạn sẽ tìm thấy khán giả của bạn.

3. Cảm nhận của mọi người – kết nối cảm xúc

John Kotter, một tác giả và cũng là một người bạn của tôi, gần đây đã viết một cuốn sách có tựa đề A Sense of Urgency (Tạm dịch: Cảm giác về sự hối thúc). Trong đó, anh ấy tuyên bố: “Trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã nghe về câu nói: ‘Những nhà lãnh đạo vĩ đại giành được trái tim và tâm trí của người khác.’ Hãy lưu ý rằng anh ấy không nói các nhà lãnh đạo vĩ đại giành được tâm trí của người khác hay xếp tâm trí lên trước trái tim. Trái tim phải được chiếm lĩnh trước. Và nếu muốn trở thành nhà giao tiếp giỏi, chúng ta cần luôn nhớ điều đó. Nếu bạn muốn giành được thiện cảm của người khác, đầu tiên phải giành được trái tim họ, từ đó việc giành được tâm trí họ sẽ là lẽ đương nhiên.”

Tôi đã chứng kiến rất nhiều diễn giả và giáo viên dựa quá nhiều vào trí tuệ của mình để thuyết phục người khác. Ngoài ra, nhiều trong số họ cũng đánh giá cao sự tiếp nhận tự nhiên của mọi người với thông điệp và mong muốn thay đổi vì nó. Những diễn giả và giáo viên này tin rằng tất cả những gì họ cần làm là đưa ra những lý luận hợp lý và đương nhiên họ sẽ giành được thiện cảm của mọi người. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Bác sĩ chuyên khoa kiêm chuyên gia lãnh đạo Rabbi Edwin H. Friedman từng nhận xét:

Sự hiểu lầm to lớn của thời đại chúng ta là giả định rằng cái nhìn sâu sắc sẽ hiệu quả với những người không có động lực thay đổi. Giao tiếp không phụ thuộc vào các quy tắc, hoặc tài hùng biện mà vào bối cảnh cảm xúc trong đó thông điệp được truyền tải. Mọi người chỉ có thể nghe thấy bạn khi họ đang di chuyển về phía bạn và họ không có khả năng đó khi lời lẽ của bạn bám riết lấy họ. Ngay cả những từ ngữ được chọn lọc nhất cũng đánh mất sức mạnh của chúng khi chúng được sử dụng để chế ngự. Thái độ là nhân tố quyết định thành công của bài phát biểu.

Dù suy nghĩ của bạn là tích cực hay tiêu cực, nó đều sẽ xuất hiện khi bạn giao tiếp với những người khác. Câu ngạn ngữ: “Suy nghĩ của một người cho thấy anh ta là người như thế nào” rất đúng. Điều đó xuất hiện và tác động đến cách người khác phản ứng với bạn. Mọi người có thể nghe thấy lời bạn nói, nhưng họ cảm nhận thái độ của bạn. Điều đó hoặc sẽ cho phép bạn kết nối với mọi người và giành được thiện cảm của họ, hoặc sẽ khiến họ xa lánh bạn. Trong thực tế, thái độ của bạn thường xuyên áp đảo lời nói của bạn khi nói chuyện với người khác. Như Jules Rose của Sloan’s Supermarket đã chỉ ra: “Những từ ngữ chính xác mà bạn sử dụng ít quan trọng hơn so với năng lượng, cường độ và sức thuyết phục được chuyển tải qua chúng.”

Những người có thể kết nối với người khác ở cấp độ tình cảm thường có danh hoặc uy. Họ nổi bật trong đám đông, luôn hấp dẫn những người khác. Như một người nào đó thừa nhận: “Mọi người không phải lúc nào cũng nhớ những gì bạn nói hay làm. Tuy nhiên, họ sẽ luôn nhớ cảm nhận bạn mang lại cho họ.”

Tại sao một số người lại có khả năng này? Một người bạn và cũng là đồng nghiệp của tôi, Dan Reiland, đã giúp tôi hiểu điều này. Một ngày anh ấy hỏi tôi: “John, anh có biết tại sao một số người có uy tín trong khi số khác thì không không?”

“Nhân cách,” tôi trả lời ngay lập tức. “Một số biết cách làm hài lòng mọi người trong khi số khác thì không.”

“Tôi không nghĩ vậy,” Dan trả lời. “Tôi không tin uy tín là một đặc điểm trong nhân cách mỗi người. Nó thuộc về thái độ.” Anh ấy đã giải thích về cách những người có uy tín đạt được sự tập trung hướng ngoại thay vì hướng nội. Họ chú ý đến người khác và mong muốn bổ sung giá trị cho những người đó.

Tôi nhận ra Dan đã đúng. Những người có “danh” có một thái độ quảng giao khiến họ luôn đề cao người khác. Họ sở hữu thái độ tích cực, luôn tự nhắc nhở tìm kiếm và tập trung vào điều đúng đắn với một niềm tin không thể lay chuyển.

Câu chuyện yêu thích của tôi về sự tự tin liên quan đến cuộc phỏng vấn với Larry King cùng với Ty Cobb, một trong những cầu thủ bóng chày vĩ đại nhất mọi thời đại. Cobb, lúc đó 70 tuổi, đã được hỏi: “Nếu ngài còn chơi bóng chày, ngài nghĩ mình sẽ đánh được bao nhiêu quả?”

Cobb, người có kỷ lục cao nhất là 367 lượt đánh bóng, đã nói: “Khoảng 290, hoặc có lẽ là 300.”

“Đó là do việc phải di chuyển, các trận chơi thâu đêm và sân cỏ nhân tạo… phải không?” Larry hỏi.

“Không,” Cobb trả lời. “Đó là bởi tôi đã 70 tuổi.”

Sự tự tin như thế – khi truyền tới người khác – sẽ giúp mọi người cảm thấy kết nối với người sở hữu nó và khiến họ tự tin vào bản thân.

Còn uy tín thì sao. Bạn không cần phải là một người tuyệt vời, một thiên tài, hay một nhà hùng biện bậc thầy để có được uy tín và kết nối với những người khác. Bạn chỉ cần luôn chủ động, tin vào chính mình và tập trung vào những người khác. Chỉ thế thôi, bạn đã có cơ hội tuyệt vời để kết nối bởi bạn có thể khiến họ cảm nhận được cảm xúc của bạn, đó là bản chất của kết nối ở cấp độ cảm xúc. Điều đó đúng đắn dù bạn kết nối trực tiếp với một người, kết nối với khán giả, hay một đội nhóm.

Steven Hiscoe, giảng viên tại một học viện cảnh sát tỉnh ở Canada, chuyên đào tạo về tự vệ và sử dụng vũ lực trong các tình huống bạo lực. Ông nói rằng ông sẽ cố gắng dạy cho các nhân viên cảnh sát cách kết nối trên cấp độ tình cảm để đề phòng trường hợp họ rơi vào một cuộc đối đầu bạo lực. Steven giải thích: “Khi các nhân viên cảnh sát tham gia vào một cuộc đối đầu bạo lực, họ phải giải thích về hành động của mình cho những người không có mặt tại đó sau cuộc đối đầu.” Ông hướng dẫn các cảnh sát rằng: “Đừng chỉ đưa ra các sự kiện, mà phải đưa vào cả cảm xúc và nhận thức của các bạn, để họ cảm nhận được tình hình.” Đó là mục tiêu bất cứ lúc nào bạn muốn kết nối với mọi người. Hãy giúp họ cảm nhận được điều bạn cảm nhận.

Mọi người có thể nghe thấy lời bạn nói, nhưng họ cảm nhận thái độ của bạn.

4. Mọi người nghe thấy gì – kết nối bằng lời

Tôi hy vọng đã thuyết phục được bạn rằng giao tiếp vượt xa hơn cả ngôn từ và rằng để kết nối với mọi người, chúng ta phải thu hút họ về cả trực quan, trí tuệ và tình cảm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua sức mạnh của lời nói.

Là một nhà văn kiêm diễn giả, cuộc sống của tôi tràn ngập từ ngữ. Các trò chơi yêu thích của tôi cũng liên quan đến từ ngữ như Boggle và Upwords. Sở thích của tôi là đọc sách. Tôi yêu thích các câu trích dẫn. Tôi tin, như Thủ tướng Anh, Benjamin Disraeli, đã nói: “Sự khôn ngoan của người khôn ngoan và kinh nghiệm của người cao tuổi có thể được bảo vệ bằng các trích dẫn.”

Khi lắng nghe bài phát biểu của Martin Luther King Jr., bạn sẽ được truyền cảm hứng từ lời nói của ông. Đọc một vở kịch của Shakespeare, nhà viết kịch vĩ đại nhất thế giới, bạn sẽ thấy các cụm từ mà đến nay, sau 400 năm, vẫn còn được sử dụng phổ biến và nhiều người nói mà không biết mình đang trích lời của Shakespeare. Ngôn từ là mạch nguồn của các ý tưởng và có khả năng thay đổi thế giới.

Những điều chúng ta nói và cách chúng ta nói có sức ảnh hưởng rất lớn. Mọi người phản ứng với ngôn ngữ chúng ta sử dụng. Từ ngữ chúng ta chọn lựa để nói chuyện có thể cổ vũ hoặc khiến người giao tiếp với chúng ta thất vọng. Chúng có thể tạo nên hoặc phá vỡ một thỏa thuận. Chúng có thể biến một cuộc nói chuyện nhàm chán thành một khoảnh khắc đáng nhớ.

Khi nói chuyện trực tiếp với một người khác, tôi cẩn thận lựa chọn những từ ngữ tích cực và truyền tải sự tự tin của mình đến họ, thậm chí ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Khi nói chuyện với khán giả, tôi cố gắng khiến những gì mình nói có sức thuyết phục và đáng nhớ. Như Mark Twain đã nói: “Sự khác biệt giữa những lời gần đúng và những lời đúng đắn thực sự là một vấn đề rất lớn – nó là sự khác biệt giữa con đom đóm và một tia chớp.”

Cách ai đó nói cũng truyền tải rất nhiều thông điệp. Hershel Kreis, một giám sát viên liên lạc khẩn cấp 911, giải thích: “Một trong những khiếm khuyết đối với người trong nghề là chúng tôi chỉ có thể giao tiếp với những người gọi đến bằng lời. Tuy nhiên, việc không thể nhìn thấy những người gọi đến không ngăn chúng ta thu thập được thông tin và giao tiếp hiệu quả. Chúng tôi có thể nghe được tốc độ của giọng nói, tiếng ồn xung quanh, giọng điệu… chúng tôi không chỉ nghe giọng nói của những người gọi đến mà còn kết nối họ mặc dù không có được mọi đầu mối không lời theo ý muốn.”

Mọi người sẽ tiếp nhận được thông tin từ cách người khác nói. Đó là lý do tôi chú ý nhiều đến cách nói trong quá trình trò chuyện. Giọng điệu, ngôn từ, khối lượng, tốc độ – mọi thứ liên quan đến giọng nói của bạn truyền tải một thông điệp nào đó và có khả năng giúp bạn kết nối hoặc ngắt kết nối với những người khác khi bạn nói chuyện.

KẾT HỢP MỌI YẾU TỐ

Nghệ thuật giao tiếp vượt ra ngoài ngôn từ đòi hỏi khả năng tổng hợp cả bốn yếu tố với nhau – sử dụng từ ngữ với cảm xúc đúng đắn trong khi khôn ngoan thuyết phục và tạo ra ấn tượng trực quan thuyết phục. Tất cả những điều này cần phải được thực hiện với giọng điệu, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể tích cực.

Tôi biết điều này nghe có vẻ phức tạp nhưng nó cũng mang tính trực quan. Lời khuyên tốt nhất tôi có thể dành cho bạn là học cách trở thành chính mình. Các diễn giả chuyên nghiệp tài ba nhất biết rõ mình và thế mạnh của mình – thường là thông qua thử và sai – họ cũng tận dụng chúng như là lợi thế lớn nhất của họ. Các họa sĩ truyện tranh độc lập, các chính trị gia, nghệ sĩ và các nhà lãnh đạo cũng vậy. Mỗi người đều có phong cách riêng, nhưng tất cả đều có chung khả năng kết nối trực quan, trí tuệ, tình cảm và bằng lời nói.

Nếu bạn chưa phát hiện ra cách phát triển phong cách của bản thân, hãy tìm hiểu từ các nhà giao tiếp khác. Hãy thử nghiệm các cách khi nói chuyện với mọi người. Nếu bạn “mượn” các kỹ thuật hiệu quả từ người khác cũng không sao nhưng bạn phải biến chúng thành “của bạn”. Đừng làm những gì mà J. Jayson Pagan thú nhận từng thử trước đó trong sự nghiệp của mình sau khi nghe một thông điệp trên CD mà ông rất thích và nghĩ tất cả mọi người trong tổ chức cần phải nghe. “Tôi nghe đĩa CD đó và ghi lại từng lời,” Jayson giải thích. “Đến lúc thích hợp, tôi tung nó ra đúng như cách tôi đã được nghe. Tuy nhiên, việc làm đó hầu như không mang lại hiệu quả.” Jayson tóm lại: “Mọi người cần ảnh hưởng của bạn, nhưng không có nghĩa là họ cần những người mà bạn ngưỡng mộ.”

Thông điệp bạn đưa ra phải là của riêng bạn. Phong cách của bạn cũng vậy. Hãy khám phá ra phong cách đó và phát triển các kỹ năng như một nhà kết nối trong mọi tình huống. Và khi bạn học được những kỹ năng này, hãy nhớ chú ý đến mức độ giao tiếp trực quan vượt ra khỏi ngôn từ. Và hãy ghi nhớ những lời của Ralph Waldo Emerson: “Bạn nói quá to khiến tôi không thể nghe thấy những gì bạn nói.”

“Bạn nói quá to đến mức tôi không thể nghe thấy những gì bạn nói.”

 Ralph Waldo Emerson

KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI Ở MỌI CẤP ĐỘ

Nguyên tắc kết nối: Kết nối vượt ra khỏi lời nói đơn thuần.

Khái niệm chính: Càng vượt ra xa khỏi ngôn từ, bạn càng có cơ hội lớn hơn để kết nối với mọi người.

KẾT NỐI TRỰC TIẾP VỚI MỘT NGƯỜI

Mọi người thường bỏ qua tầm quan trọng của các khía cạnh phi ngôn ngữ trong giao tiếp. Khi cố gắng kết nối với một người khác, họ không đi xa hơn kết nối ngoài lời nói. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện được khía cạnh này nếu:

• Kết nối trực quan bằng cách dành trọn sự chú ý của bạn cho người khác. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn; hãy quan sát người khác bằng trái tim và thể hiện thiện chí của bạn với họ.

• Kết nối tri thức bằng cách đặt ra các câu hỏi, thận trọng lắng nghe và chú ý đến những gì không được nói ra.

• Kết nối cảm xúc thông qua những cú chạm nhẹ (chú ý với những ranh giới cấm kỵ và lựa chọn hành động phù hợp với người khác giới).

KẾT NỐI TRONG NHÓM

Kết nối trong nhóm là một cách tuyệt vời để học cách suy nghĩ và giao tiếp như một huấn luyện viên. Đó là một môi trường tương tác, nơi bạn thực sự có thể cho mọi người thấy họ phải làm gì và sau đó bạn có thể yêu cầu họ chứng minh trong khi bạn cung cấp cho họ thông tin phản hồi. Trong môi trường nhóm:

• Kết nối trực quan bằng cách đưa ra ví dụ. Mọi người trong nhóm sẽ làm những gì họ nhìn thấy.

• Kết nối tri thức bằng cách đầu tư vào sự phát triển con người. Xây dựng dựa trên những gì họ đã hiểu để phát triển đến một mức độ cao hơn.

• Kết nối cảm xúc bằng cách vinh danh những nỗ lực của nhóm và khen thưởng thành quả của họ.

KẾT NỐI VỚI KHÁN GIẢ

Nói chuyện với khán giả là hoạt động khó khăn nhất trong ba hoạt động giao tiếp ngoài lời. Bởi hầu hết giao tiếp của chúng ta đều bằng lời. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện những cải thiện ngay lập tức về giao tiếp phi ngôn ngữ bằng cách thực hiện ba điều sau, đặc biệt là vào đầu bài thuyết trình:

• Kết nối trực quan bằng cách mỉm cười. Việc làm này cho phép mọi người biết bạn cảm thấy vui khi được giao tiếp với họ.

• Kết nối tri thức bằng cách tạm dừng đúng lúc để khán giả có thời gian suy nghĩ về điều bạn vừa nói.

• Kết nối cảm xúc thông qua các nét mặt, nụ cười và cả những giọt nước mắt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.