Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối

05: KẾT NỐI THIÊN VỀ KỸ NĂNG HƠN TÀI NĂNG



Trong chương này, tôi sẽ trao quyền kiểm soát cho Charlie Wetzel, nhà văn của tôi từ năm 1994 để anh ấy chia sẻ với bạn một số điều về kết nối dựa trên quan điểm của anh ấy. Charlie là một quan sát viên tận tâm, một nhà tư tưởng đáng học hỏi và một người dày dạn kinh nghiệm về lãnh đạo và giao tiếp. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy quan điểm của anh ấy rất thú vị khi tiếp cận cách kết nối bằng văn bản. Nhưng trước tiên, tôi muốn nói với bạn một số điều về những người mà tôi coi là nhà kết nối tuyệt vời.

KẾT NỐI Ở MỨC CAO NHẤT

Kết nối là thứ có thể học được, nhưng người ta phải nghiên cứu về giao tiếp để cải thiện nó. Trong bốn thập kỷ, tôi luôn học hỏi về giao tiếp. Bất cứ khi nào lắng nghe mọi người, tôi không chỉ lắng nghe những gì họ nói, mà còn chú ý đến phong cách và các kỹ thuật của họ với tư cách một nhà kết nối. Thỉnh thoảng, tôi tham dự các sự kiện có sự xuất hiện của các nhà giao tiếp bởi tôi thích lắng nghe và học hỏi từ họ.

Vài năm trước, tôi đã đến một hội nghị ở San Jose, California, với sự tham gia của 10 nhân vật nổi tiếng và rất nhiều các nhân vật của công chúng. Tôi hy vọng sẽ được gặp gỡ và trò chuyện với tất cả bọn họ. Tôi muốn xem ai trong số họ sẽ kết nối với khán giả và giao tiếp hiệu quả.

Tôi chia sổ ghi chú của mình thành hai cột “Người kết nối” và “Người không kết nối”. Vào cuối ngày, tôi đã có sáu cái tên trong cột “Người kết nối” và bốn cái tên ở cột còn lại. Tôi sẽ miêu tả phong cách giao tiếp của họ thay vì liệt kê tên chính xác:

Người không kết nối thứ nhất: Chính trị gia này nói bằng giọng điệu đều đều. Giọng nói của ông hoàn toàn không có niềm đam mê hay niềm tin. Ông vẫn tiếp tục nói cho dù chúng tôi đã bỏ ra ngoài. Và chúng tôi không biết liệu ông ấy có còn ở đó không!

Người không kết nối thứ hai: Một chính trị gia khác khá dễ chịu nhưng lại bộc lộ tính cách già cỗi. Sau khoảng 50 phút nói chuyện, ông vẫn chưa truyền tải được gì.

Người không kết nối thứ ba: Một nhà báo có giọng điệu trịch thượng. Rõ ràng, cô ấy cảm thấy mình thuộc “chiếu trên” với tất cả chúng tôi. Mọi thứ cô nói đều gửi đi một thông điệp: Tôi biết thứ mà các anh/chị không hề biết.

Người không kết nối thứ tư: Diễn giả này là một tác giả sách kinh doanh và thành thực mà nói, tôi đã mong chờ được nghe anh ta nói nhất. Tuy nhiên, tôi đã rất ngạc nhiên và thất vọng trước thái độ giận dữ của anh ta. Ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và lời lẽ của anh ta cho thấy một thái độ tiêu cực. Anh ta không đưa ra ví dụ thực tế nào trong suốt thời gian nói chuyện.

Mỗi người trong bốn diễn giả này đều đánh mất khán giả. Một số người đã bỏ đi ngay lập tức, số khác thì lâu hơn. Khán giả đều thở phào khi vị diễn giả đó ngừng lời. Nhưng khi một trong những diễn giả xuất sắc – sáu người kết nối – xuất hiện trên sân khấu, niềm hy vọng trào dâng trong khán phòng. Dưới đây là những người kết nối với khán giả vào ngày hôm đó:

Mark Russell: Ông đã trình diễn lại một màn hài kịch đã kéo dài ở quận Columbia 20 năm qua. Mark đã khiến chúng tôi cười, nhưng ông cũng buộc chúng tôi phải suy nghĩ. Ông ấy đã đặt ra hàng trăm câu hỏi trong phần phát biểu của mình và tất cả mọi người đều tham gia nhiệt tình.

Mario Cuomo: Cho đến nay, diễn giả tôi đam mê nhất là cựu thống đốc bang New York. Ông là người rất sôi nổi. Tôi có thể cảm nhận được nhiệt huyết của ông. Ông khiến mọi người trong khán phòng phải di chuyển và khi ông dứt lời, tất cả đều đứng lên và vỗ tay.

C. Everett Koop: Tôi phải thừa nhận người đã từng đứng đầu ngành quân y này đã khiến tôi ngạc nhiên trước khả năng kết nối của ông. Ông là một bậc thầy trong việc sử dụng hình ảnh minh họa. Ông đưa ra một tuyên bố hợp lý và sau đó chứng minh và lồng ghép nó vào một câu chuyện tuyệt vời. Mỗi luận điểm đều được ông dùng những lời lẽ chặt chẽ, đanh thép để giải thích. Sau phần nói chuyện của ông, tôi đã nhớ được toàn bộ bảy điểm ông đưa ra.

Elizabeth Dole: Cựu thượng nghị sĩ Mỹ và là chủ tịch Hội Chữ thập đỏ đã khiến mọi người trong khán phòng đều cảm thấy họ là người bạn tốt nhất của bà. Bà tin rằng chúng tôi sẽ vui vẻ khi đến đây.

Steve Forbes: Trong tất cả các nhà giao tiếp tôi gặp ngày hôm đó, tôi đã học được nhiều nhất từ ông. Tổng biên tập của Tạp chí Forbes là người rất thông minh và hiểu biết. Ông đã khiến mọi thứ ông nói ra đều trở nên mới mẻ.

Colin Powell: Khi vị tướng trước đây của quân đội Mỹ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao cất lời, ông mang lại cho chúng tôi một cảm giác an toàn và thoải mái. Giọng nói và thái độ của ông rất tự tin và khi nói, ông khiến chúng tôi cũng tự tin vào chính mình. Quan trọng nhất, ông đã mang đến cho chúng tôi niềm hy vọng.

Mỗi diễn giả xuất sắc đều có các nền tảng, phong cách và giá trị khác nhau. Họ nói về các chủ đề khác nhau, họ có những tài năng và kỹ năng khác nhau. Họ thực sự chỉ có một điểm chung. Đó là những nhà kết nối tuyệt vời – điều mà mọi nhà giao tiếp tài ba và các nhà lãnh đạo vĩ đại đều có. Và kết nối là một kỹ năng có thể học được!

KẾT NỐI KHÔNG TỰ NHIÊN MÀ CÓ

Các nhà giao tiếp giỏi có chung khả năng kết nối. Điều đó không phải tự nhiên mà có. Bạn không thể mong đợi có được thành công nhờ may mắn.

Người chỉ huy cùng đội quân tiên phong vượt qua các vùng đồng bằng phương Tây. Khi người quan sát phát hiện một đám bụi mờ từ xa đang di chuyển về phía họ, họ biết sắp có chuyện chẳng lành. Chắc chắn, một bộ tộc da đỏ đang kéo đến và người chỉ huy ra lệnh cho người của mình ẩn nấp phía sau một ngọn đồi.

Người chỉ huy quyết định đối mặt với người đứng đầu bộ tộc da đỏ và cố gắng giao tiếp với ông ta bằng ngôn ngữ ký hiệu. Sau đó, người đứng đầu bộ tộc đã lùi lại và quay trở về phía đoàn người của mình.

“Chuyện gì xảy ra vậy?” Những người trong đội quân hỏi.

“Chúng ta không thể hiểu ngôn ngữ của đối phương,” ông nói, “vì vậy tôi sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Tôi đã vẽ một vòng tròn trên cát bằng ngón trỏ để cho họ thấy rằng tất cả chúng ta đều là một trên vùng đất này. Ông ta nhìn vào vòng tròn và vẽ một đường cắt ngang nó. Ý ông ta là có hai quốc gia, chúng ta – và họ. Nhưng tôi đã chỉ ngón tay lên trời ám chỉ rằng chúng ta cùng ở dưới một bầu trời. Sau đó, ông ta lấy ra củ hành từ chiếc túi và đưa cho tôi. Để ông ấy biết tôi đã hiểu ý của ông ấy, tôi đã ăn củ hành. Sau đó, tôi lấy một quả trứng từ túi áo khoác của mình để thể hiện thiện chí của chúng ta, nhưng có vẻ ông ta quá kiêu hãnh để chấp nhận món quà đó, ông ta quay lưng và bỏ đi.”

Các chiến binh da đỏ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công và chờ lệnh từ tộc trưởng, nhưng người chiến binh đã giơ tay và kể lại trải nghiệm của mình.

“Khi đối mặt,” ông nói, “ta lập tức biết người đàn ông đó và ta không có cùng tiếng nói. Người đàn ông đó vẽ một vòng tròn trên cát. Ta biết ông ta có ý rằng chúng ta đang bị bao vây. Ta đã vẽ một đường cắt ngang hình trong của ông ta để cảnh báo rằng chúng ta sẽ cắt họ làm đôi. Sau đó, ông ta lấy ngón tay chỉ lên trời ám chỉ rằng ông ta sẽ tiễn chúng ta lên đó. Sau đó, ta đã đưa cho ông ta một củ hành với ý rằng ông ta sẽ sớm nếm trải những giọt nước mắt cay đắng của thất bại và cái chết. Nhưng ông ta ăn hành để thách thức chúng ta! Sau đó, ông ta đưa cho ta một quả trứng để ám chỉ vị thế của chúng ta mong manh đến nhường nào. Phải có những người khác ở gần đây. Chúng ta hãy ra khỏi đây.”

Lars Ray đã nhắc đến câu chuyện về sự hiểu lầm này. “Tôi chuẩn bị hoàn thành một nhiệm vụ dài 2 năm ở Mexico City cho công ty,” anh viết. Anh chỉ biết một chút tiếng Tây Ban Nha và mặc dù nhiều cộng sự của anh nói tiếng Anh rất giỏi, nhưng anh vẫn gặp nhiều vấn đề. “Có rất nhiều lần hiểu lầm và những rủi ro về giao tiếp, tất cả đều do sự đa nghĩa của từ ngữ”. Những gì mục sư kiêm nhà hoạt động Jesse Giglio từng nói hoàn toàn đúng đắn: “Vấn đề lớn nhất trong giao tiếp là ảo tưởng rằng giao tiếp đã diễn ra.”

ĐIỀU GÌ KHIẾN MỌI NGƯỜI LẮNG NGHE?

Bạn không thể chỉ dựa vào sự may mắn nếu muốn trở thành một người giao tiếp tốt hơn hay một nhà lãnh đạo tốt hơn. Bạn phải học cách kết nối với những người khác bằng cách tận dụng hầu hết các kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn có. Khi lắng nghe các nhà giao tiếp tài ba, tôi nhận thấy có rất nhiều yếu tố thu hút mọi người lắng nghe họ. Hãy xem bạn có thể sử dụng yếu tố nào để kết nối với người khác:

Các mối quan hệ – bạn biết những ai?

Tại sao hàng triệu người lắng nghe Tiến sĩ Phil McGraw, một nhà tâm lý học đã giúp các luật sư ở vị trí tư vấn xét xử và bắt đầu áp dụng các lời khuyên của ông vào cuộc sống, tình yêu và những mối quan hệ? Vì sao hàng triệu người lắng nghe Tiến sĩ Mehmet Oz tư vấn về các vấn đề sức khỏe. Cả hai người đều đã xuất hiện trên chương trình của Oprah Winfrey.

Tuy cả hai đều có bằng cấp cao: McGraw có bằng tiến sĩ về tâm lý học và Oz là một bác sĩ phẫu thuật tim mạch kiêm giáo sư Đại học Columbia. Nhưng hầu hết mọi người đều không biết và cũng không quan tâm đến chúng. Ngay sau khi biết Oprah Winfrey rất tin tưởng vào hai vị tiến sĩ này, những người theo dõi cô cũng đã tin tưởng vào họ.

Một trong những cách nhanh nhất để có được sự tín nhiệm với một cá nhân, một nhóm người là mượn nó từ một người đã có uy tín với họ. Đó là cơ sở của những lời giới thiệu bán hàng và quảng cáo truyền miệng. Một người quen có thể mở ra cánh cửa để bạn kết nối với một ai đó. Tất nhiên, một khi cửa đã được mở ra, bạn vẫn phải tự nỗ lực!

Tầm nhìn – bạn biết gì?

Hầu hết mọi người đều muốn cải thiện tình trạng sống của họ. Khi tìm thấy một người mang lại thứ gì đó giá trị, họ sẽ lắng nghe. Nếu những gì họ học được thực sự mang lại hiệu quả, cảm giác kết nối giữa họ có thể nhanh chóng phát triển.

Nhân vật lịch sử của nước Mỹ mà tôi ngưỡng mộ nhất là Benjamin Franklin. Ông có một sự nghiệp đáng chú ý và là một trong những người làm nên thành công cho nước Mỹ. Franklin chỉ được đến trường trong hai năm, nhưng ông được đánh giá cao nhờ kiến thức và tầm nhìn sâu sắc của mình. Là một người ham đọc và luôn say mê tìm tòi kiến thức, ông đã trở thành một chuyên gia đa lĩnh vực: in ấn, xuất bản, chính trị, các hoạt động dân sự, khoa học và ngoại giao. Ông là một nhà phát minh sáng tạo, người thành lập các thư viện công cộng đầu tiên ở Mỹ, từng là chủ tịch đầu tiên của Hội Triết học Mỹ và góp phần soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Walter Isaacson gọi Franklin là “người Mỹ toàn diện nhất trong thời đại của ông.” Ông có tầm ảnh hưởng rất lớn và mọi người trong thời đại của ông đều cảm nhận được sợi dây kết nối khi ông chia sẻ kiến thức của mình.

Nếu có chuyên môn và sẵn sàng chia sẻ nó với những người khác, bạn đã cho mọi người lý do để tôn trọng bạn và phát triển sợi dây kết nối với bạn.

Hầu hết mọi người đều muốn cải thiện tình trạng sống của họ. Khi họ tìm thấy một người mang lại điều gì đó giá trị, họ sẽ lắng nghe.

Thành công – bạn đã làm được gì?

Rất nhiều người đã hỏi tôi về xuất phát điểm của một diễn giả ngoài một nhà thờ địa phương như thế nào. Họ muốn biết chiến lược tiếp thị của tôi là gì và tôi đã bước chân vào lĩnh vực này như thế nào. Sự thật là tôi không có kế hoạch trở thành diễn giả như bây giờ. Mọi người biết được thành công của tôi trong việc dẫn dắt và phát triển một nhà thờ, sau đó, họ bắt đầu mời tôi đến nói chuyện về các chủ đề. Họ muốn nghe tôi nói bởi những gì tôi đã làm.

Mọi người muốn thành công và họ tìm kiếm những người đã làm được điều gì đó để có được lời khuyên. Nếu bạn thành công, sẽ có người muốn lắng nghe bạn. Nhiều người cho rằng nếu ai đó có thể thành công trong một lĩnh vực, họ có đủ kiến thức và kinh nghiệm để chia sẻ với người khác. Và nếu thành công của người đó thuộc cùng lĩnh vực với họ, khả năng kết nối còn mạnh mẽ hơn.

Năng lực – bạn có thể làm gì?

Các cá nhân có năng lực chuyên môn cao thường nhận được sự tín nhiệm ngay lập tức từ người khác. Mọi người ngưỡng mộ họ, muốn được như họ và cảm thấy kết nối với họ. Khi họ nói, những người khác lắng nghe – ngay cả khi lĩnh vực kỹ năng của họ không liên quan gì đến những lời khuyên họ đưa ra.

Michael Jordan là một ví dụ. Anh kiếm được bội tiền từ các hợp đồng hơn là chơi bóng rổ, không phải nhờ kiến thức của anh về các sản phẩm anh quảng bá, mà bởi những gì anh làm được với bóng rổ. Khi một diễn viên khuyên chúng ta nên mua chiếc xe nào đó, chúng ta nghe lời họ không phải vì kiến thức của họ về động cơ, mà bởi chúng ta ngưỡng mộ tài năng của họ. Sự xuất sắc đã tạo ra kết nối. Nếu bạn có tài năng về một lĩnh vực nào đó, những người khác có thể muốn kết nối với bạn vì điều đó.

Hy sinh – bạn đã sống như thế nào?

Mẹ Teresa đã được các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới tôn trọng và lắng nghe. Mọi người từ mọi tôn giáo đều ngưỡng mộ bà. Tại sao họ lại lắng nghe bà – một cô giáo nghèo, nhỏ bé sống trong khu ổ chuột ở Ấn Độ? Bởi mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình vì mọi người.

Tôi nghĩ rằng trái tim chúng ta luôn tan chảy trước những người đã hy sinh hoặc phải chịu đựng đau khổ. Ví dụ như sự cảm thông và kết nối mà mọi người dành cho các nhân viên cứu hỏa đã phục vụ tại New York trong vụ tấn công ngày 11/9 vào Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới. Hay sự tôn trọng được dành cho các gia đình quân nhân đã bỏ mạng tại Iraq và Afghanistan. Hãy suy nghĩ về sức nặng trong lời nói của các nhà lãnh đạo dân quyền, những người đã giúp mở đường cho cuộc bầu cử Barack Obama, tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Hoa Kỳ.

Nếu bạn đã hy sinh, chịu đựng bi kịch, hoặc vượt qua những trở ngại đau đớn, nhiều người sẽ coi trọng bạn. Và nếu bạn vẫn có suy nghĩ tích cực nhưng khiêm tốn giữa những khó khăn trong cuộc sống, những người khác sẽ ngưỡng mộ và có thể kết nối với bạn.

Năm yếu tố kết nối này chỉ là khởi đầu. Tôi chắc rằng bạn có thể đang nghĩ đến các lý do khác khiến mọi người kết nối với nhau. Vấn đề là bạn tận dụng mọi thứ bạn có để kết nối ra sao. Càng đưa ra nhiều yếu tố, bạn càng sử dụng chúng tốt hơn và càng có nhiều cơ hội hơn để kết nối. Bạn phải tận dụng thế mạnh của bản thân, phát triển phong cách riêng và trau dồi những kỹ năng có thể để kết nối với mọi người.

Làm một ký hiệu ngăn cách phần này (gạch ngang ngắn hoặc ba dấu hoa thị…) vì đây là phần tác giả nhường cho người khác chia sẻ.

***

NGHỆ THUẬT KẾT NỐI

– CHARLIE WETZEL –

Một trong những câu hỏi mà mọi người luôn đặt ra cho tôi đó là: “John thực sự là người như thế nào?” Tôi lấy làm vui mừng khi trả lời rằng John Maxwell mà tôi gặp ngoài đời thường trong hơn 15 năm qua không khác gì một John Maxwell trước đông đảo khán giả. Tôi đã gặp anh trong hàng trăm tình huống – nói trước hàng ngàn người, thuyết giảng trong các nhà thờ, giảng dạy những bài học về lãnh đạo cho hàng chục người, tham dự các cuộc họp, đàm phán giao dịch, dành thời gian bên gia đình, đi du lịch, hay chỉ đơn giản là pha trò cười. Và tôi có thể cho bạn biết, anh ấy đã dành thời gian luyện tập những gì anh ấy giảng dạy. Và anh luôn kết nối với mọi người.

Thành thật mà nói, lần đầu tiên thấy John nói chuyện tại nhà thờ, tôi có chút hoài nghi. Anh ấy nói quá trơn tru trong bài thuyết giảng. Anh ấy bước lên bục với sự chỉn chu từ trang phục, đến thái độ thoải mái và cả nụ cười. Anh ấy có một sự tự tin dễ dàng – như thể đang nói chuyện với những người bạn lâu năm.

Khi lớn lên, tôi theo học tại một nhà thờ với khoảng 35 người; nhưng có một ngàn người trong lễ đường nhà thờ của John. Tôi đã quen với một dàn hợp xướng tám người và chiếc đàn organ cũ kỹ; âm nhạc tại nhà thờ của anh ấy có chất lượng tuyệt vời. Mục sư thời thơ ấu của tôi là một kỹ sư sống nội tâm, nghiêm khắc; nhưng John là một chuyên gia giao tiếp đã mài giũa kỹ năng diễn thuyết của mình suốt 25 năm. Có thể nói, tôi cần điều chỉnh các kỳ vọng của mình. May mắn thay, tôi chỉ mất một vài tuần để nhận ra rằng John là một nhà giao tiếp đích thực. Và tôi nhanh chóng nhận ra những bài thuyết giảng hàng tuần của anh ấy đã thực sự mang lại sự khác biệt trong cuộc sống của tôi.

Tôi thừa nhận rằng quan điểm hiện tại của tôi về John cũng có đôi chút thiên vị. Tôi biết ơn anh ấy về nhiều điều. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những nhận định của tôi rất chân thành và chính xác. Ngoài gia đình anh ấy, có rất nhiều người biết anh ấy rõ hơn tôi. Tôi quan sát anh ấy trong những giây phút tự nhiên nhất như tất cả các nhà văn khác – nên tôi nghĩ mình có thể xác định những phẩm chất kết nối của anh như trước khán giả, với một người hoặc thậm chí bằng văn bản.

Kết nối với khán giả

Năm năm đầu tiên làm việc với John, tôi là một sinh viên tốt nghiệp ngành truyền thông. Tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu phong cách giao tiếp của anh với khán giả. Trước khi trở thành nhà văn, tôi là một giáo viên. Và tôi nghĩ mình là một giáo viên khá giỏi. Thế mạnh của tôi là truyền tải thông tin phức tạp một cách đơn giản, nhanh chóng và thực tế. Nhưng tôi đã không có kỹ năng thu hút khán giả theo cách John đã làm và tôi thường mất nhiều tuần nói chuyện với một lớp học trước khi bắt đầu kết nối với chúng. Tôi đã tiếp cận John cũng như các nhà giao tiếp lớn khác và học hỏi từ họ. Tôi phát hiện ra rằng John, giống như mọi nhà giao tiếp mà tôi rất ngưỡng mộ, sở hữu năm phẩm chất sau:

Sự tự tin.Những người giao tiếp tuyệt vời đều tự tin. Như tôi đã đề cập, ban đầu, tôi thấy sự tự tin của John có chút khó chịu do môi trường mà anh ấy diễn thuyết. Nhưng đó thực sự là suy nghĩ mang tính cá nhân. Thực tế là rất khó để kết nối và yêu mến diễn giả nào đó có dấu hiệu ba hoa hoặc thiếu tự tin. Chính sự nghi ngờ của họ về bản thân khiến bạn cũng nghi ngờ họ và trở nên phân tâm. Việc đó khiến họ không thể bình tĩnh và thoải mái khi lắng nghe do thiếu tự tin làm dấy lên câu hỏi liên quan đến uy tín của họ. Dù cố ý hay vô thức, bạn đang liên tục tự hỏi. “Điều đó có đúng không?” Khi diễn giả nói ra điều gì đó nhưng không tự tin về nó, chúng ta chắc chắn sẽ hoài nghi.

Nếu muốn trở thành một người giao tiếp tốt và kết nối với khán giả, bạn cần phải nỗ lực để đạt được sự tự tin. Việc đó có thể khó khăn như xem xét lại các vấn đề cá nhân liên quan đến quá khứ của bạn, hoặc có thể đơn giản như chuyện chọn trang phục phù hợp khi nói chuyện, hoặc dành thêm thời gian với khán giả bằng cách thuyết trình thêm. Dù cần gì đi chăng nữa, hãy hành động!

Sự chân thành.John đã thu hút tôi ngay trong những tuần đầu tiên thuyết trình nhờ sự chân thành của anh ấy. John luôn là chính mình. Như mọi người, anh ấy cũng có những điểm yếu và thế mạnh, nhưng anh ấy sẵn sàng thừa nhận cả hai.

Khi đã thân quen, tôi nhận thấy John không tin vào sức ép của chính mình. John hài lòng khi mọi người nói với anh ấy rằng anh ấy đã giúp họ, nhưng đó là trên tinh thần biết ơn và cảm nhận rằng anh ấy đã hoàn thành mục đích của mình. Tôi đã từng nghe ca sĩ George Michael nói về sự nổi tiếng tại một cuộc phỏng vấn với Chris Cuomo trong chương trình Good Morning America. Michael nói: “Tôi không ham việc quá nổi tiếng. Điều đó rất nguy hiểm.” Đó cũng chính là thái độ của John.

Một trong những rủi ro của việc nghiên cứu về các nhà kết nối là rơi vào cái bẫy cố gắng bắt chước họ. Ban đầu, tôi muốn có khả năng nói như John, nhưng tất cả đã khiến tôi lo sợ và mất tự tin. Tôi mất nhiều năm để định hình phong cách và nhịp điệu nói của mình. Tôi không thể giống John. Anh ấy đã khỏa lấp không gian diễn thuyết bằng cá tính riêng, cho dù đó là phòng khách hay sân vận động. Tôi thì không. Thay vào đó, mục tiêu của tôi là nói chuyện thực sự bằng giọng điệu của mình. Để kết nối với mọi người, hãy là chính mình một cách chân thật nhất. Đó là điều mà ai cũng có thể học được.

“Các nhà giao tiếp xuất sắc sở hữu sự tự tin tuyệt vời.”

– Charlie Wetzel

Chuẩn bị kỹ lưỡng.Tôi chưa bao giờ thấy John thiếu sự chuẩn bị khi nói chuyện với khán giả. Anh ấy đã kể về công tác chuẩn bị của anh ấy khi nói đến việc các nhà tổ chức muốn gì và hiểu rõ khán giả của mình ra sao, vì vậy tôi sẽ cho các bạn biết những điều khác về anh ấy.

John là một người rất tỉ mỉ. Với kinh nghiệm và tính cách của mình, anh ấy có thể dễ dàng bỏ qua sự chuẩn bị, nhưng John không bao giờ làm vậy. Anh ấy luôn viết ra tất cả các luận điểm nhỏ, đưa mọi trích dẫn và các câu chuyện vào trong bản phác thảo. Anh ấy đọc rất nhiều, không ngừng lưu trữ các trích dẫn và hình ảnh minh họa. Nhờ đó, John có rất nhiều tài liệu để đưa vào mọi thông điệp của mình. Anh ấy viết ra các phác thảo bằng một chiếc bút bốn màu, ghi băng các trích dẫn để đưa vào bản phác thảo, luôn nhắc nhở bản thân về những câu chuyện cá nhân bằng cách đánh dấu đầu dòng trước các câu viết.

Hơn thế nữa, John có sự chuẩn bị ngay cả khi những người khác không ngờ tới. Bất cứ khi nào di chuyển, anh đều mang theo hàng chục các tấm thẻ nhiều lớp, mỗi lớp thẻ để bản phác thảo một bài phát biểu cho từng thời điểm. Khi chúng tôi thực hiện một chuyến quảng bá sách cách đây vài năm, tại một trong các điểm dừng chân, nơi anh ấy sẵn sàng giao tiếp, có người từng nghe anh ấy diễn thuyết ở đó một năm trước đã chia sẻ rằng anh ta rất thích lắng nghe buổi nói chuyện của John trước đó. Và nó rất giống với những gì John đã chia sẻ lần này. Trong nháy mắt, John đã rút ra một tấm thẻ khác của mình và nói về một chủ đề khác. John không bao giờ bỏ lỡ bất cứ giây phút nào.

“Để kết nối với mọi người, hãy là chính mình một cách chân thật nhất.”

                                                                                                                                                                                                                                                           – Charlie Wetzel

Sự hài hước. John là người hài hước cả trên sân khấu lẫn ngoài đời thực. Anh ấy thích những trò đùa thú vị. Anh ấy rất nhanh trí, dí dỏm và cũng dễ dàng cười chính mình. Khi John tìm kiếm tài liệu để lưu lại, sự hài hước là một trong số đó.

Điều thi thoảng làm tôi ngạc nhiên là sự cổ lỗ của John. Anh ấy có thể nói nhiều thứ và kể các câu chuyện trên sân khấu mà không ai trên thế giới này có thể kể được nhiều như vậy. John làm điều đó bởi anh ấy nghĩ rằng việc đó thực sự rất hài hước. Và hãy tin tôi đi, không ai muốn có những giờ phút vui vẻ hơn John.

Hiếm có nhà giao tiếp nào có thể kết nối mà không cần đến sự hài hước. Điều quan trọng là hãy gắn mình với những gì bạn thấy hài hước nhưng đừng quá gò ép nó.

Tập trung vào người khác. John đã dành cả một chương để viết về cách kết nối hướng đến những người khác, không phải bản thân mình. Và nếu đã từng nghe anh ấy nói, thì bạn sẽ nhận thấy rằng khi biết về địa điểm nói chuyện của mình, anh ấy đã cân nhắc về những người mà anh ấy sẽ nói chuyện. Nếu có thể, anh ấy sẽ gặp và chào mọi người trước. Và khi bắt đầu bài phát biểu, anh ấy sẽ nói một cách tích cực về nhà tổ chức hay ai đó mà anh ấy biết hoặc gặp trong nhóm khán giả. Khi kết thúc phần việc của mình, John sẽ đi xung quanh để chào mọi người, bắt tay và ký sách.

Khi chuẩn bị viết chương này, tôi đã liên lạc với mọi người để hỏi về cái nhìn sâu sắc của họ dành cho cách John kết nối. Một trong số đó là Marty Grunder. Ông đã kể lại một trải nghiệm với John để minh họa cho cách John đã áp dụng năm điều trên. Marty cho biết:

Năm năm trước, John biết đến tôi khi tôi gửi cho anh ấy một bản sao cuốn sách của tôi (anh ấy còn gửi lại cho tôi tấm thiệp cảm ơn viết tay tuyệt đẹp). Khi chuẩn bị đến nói chuyện ở Dayton, Ohio, anh ấy đã bảo Linda Eggers, trợ lý của anh ấy, gọi cho tôi và mời tôi tham dự. Trong suốt buổi nói chuyện, anh ấy đã mời tôi lên trước khán giả và dành cho tôi những lời nói tích cực trước đám đông khán giả quê hương tôi. Tôi biết một vài người trong số hàng ngàn khán giả phía dưới và họ đã vô cùng sửng sốt khi tôi biết John. Anh ấy còn mời tôi ăn trưa cùng. Anh ấy đã nói chuyện với tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi, giống như tôi là người duy nhất trong phòng. Bạn có thể tưởng tượng tôi cảm thấy thế nào không?

Sự cởi mở này là một dấu hiệu về cuộc sống của John. Anh ấy sở hữu một khả năng kỳ lạ trong việc tạo ra những khoảnh khắc đặc biệt và tôn vinh người khác. Anh ấy không làm điều đó nếu không có sự chuẩn bị. Tôi đã xem anh ấy lập kế hoạch cho một việc gì đó đặc biệt một năm trước. John mất hàng tháng để tìm ra những gì sẽ làm nên khoảnh khắc đặc biệt cho ai đó. Anh ấy có khả năng tính toán thời gian rất khéo léo và sự nhạy cảm tuyệt vời về các khoảnh khắc.

Tôi cũng từng là người vinh dự được đón nhận một trong những khoảnh khắc đặc biệt này. Mỗi tháng, John thường dạy một bài học lãnh đạo kéo dài một giờ cho các nhân viên của mình, được ghi âm và sau đó gửi đến hơn 10 nghìn người theo dõi thường xuyên. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày John dạy bài học mang tên “Tìm kiếm Đại bàng”, trong đó, anh ấy giải thích những yếu tố cần tìm kiếm ở một nhà lãnh đạo tiềm năng. Tôi đã làm việc cho John được vài tháng. Ở cuối bài học anh ấy nói: “Tôi muốn giới thiệu với các bạn về một chú đại bàng vừa đến làm việc với tôi.” Sau đó, anh ấy tiếp tục nói nhiều điều tốt đẹp về tôi và kể một câu chuyện về sáng kiến mà tôi đã làm cho anh ấy.

Điều đó có thể không quá to tát, nhưng tôi nghĩ rằng đó là lần đầu tiên tôi được công khai tuyên dương cho công việc của mình. Vợ tôi cũng đang ở trong phòng vào thời điểm đó! Chủ tịch công ty của John và toàn bộ nhân viên của anh ấy cũng ở đó. Và hàng ngàn người trên khắp đất nước đã nghe thấy anh ấy ca ngợi tôi. Việc làm đó khiến tôi bật khóc. Điều đó thật bất ngờ. Anh ấy đã làm điều đó bằng tình cảm từ tận trái tim mình. Tôi đã cảm thấy gắn bó với John kể từ đó. Anh ấy thực sự quan tâm đến mọi người và có cách đặc biệt để thể hiện điều đó.

“Hiếm có nhà giao tiếp nào có thể kết nối với mọi người mà không cần đến sự hài hước.”

– Charlie Wetzel

Kết nối trực tiếp với một người

Trong những năm qua, tôi đã gặp rất nhiều diễn giả và người nổi tiếng. Một số người cảm thấy dễ dàng tỏ ra duyên dáng, thoải mái và hấp dẫn trên sân khấu, nhưng ở ngoài đời, họ lại gặp khó khăn trong việc gắn kết với những người khác. Nhưng John thì không. Theo tôi, anh ấy thực sự giỏi kết nối với mọi người trong tình huống trực tiếp với một người hơn là trước một lượng lớn khán giả. Anh ấy thực sự hiểu mọi người và muốn giúp đỡ họ. Tôi nghĩ thế mạnh của anh ấy trên sân khấu trước hết xuất phát từ những phẩm chất đó. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Carole King từng nói: “Tất cả liên quan đến các kết nối. Tôi muốn kết nối với mọi người; tôi muốn mọi người nghĩ rằng: ‘Vâng, đó là cách tôi cảm nhận.’ Và, nếu tôi có thể làm điều đó, đó là một thành công.” John đã làm như vậy trong mọi tình huống trên sân khấu, trong một nhóm và trực tiếp với một cá nhân.

Có vô vàn sự tương tác cá nhân giữa tôi và John. Tôi có thể miêu tả cách anh ấy nâng vé của tôi lên hạng thương gia trong chuyến đi đầu tiên cùng anh ấy và cách anh ấy đã chuẩn bị món bánh mì cho bữa ăn sáng của tôi khi chúng tôi nói chuyện – đó không phải là một việc lớn, nhưng khá bất thường khi là hành động của một CEO với một nhân viên mới. Hoặc tôi có thể kể cho các bạn biết về khoảng thời gian anh ấy muốn cử tôi đến một hội nghị các tác giả, nhưng để tham dự, tôi đã bỏ lỡ kỷ niệm một năm ngày cưới. Anh ấy đã trả phí để tôi và vợ tôi được đi cùng nhau. Anh ấy cũng là người đầu tiên gọi cho tôi và hỏi thăm tình hình sau khi mẹ tôi qua đời.

Tất cả mọi người xung quanh John có thể cho bạn biết những câu chuyện tương tự. Tất cả những gì tôi có thể nói là anh ấy đã luôn khiến tôi cảm thấy như một người bạn, thay vì một nhân viên. Và nếu bạn đã đọc cuốn 25 thuật đắc nhân tâm , tôi có thể đảm bảo với bạn rằng anh ấy luôn làm tất cả những điều như thế. Cuốn sách này là một khóa học về kết nối với những người khác và John đã sống với điều đó mỗi ngày.

Tôi sẽ kể cho bạn nghe về điều mà John luôn làm để giúp anh ấy kết nối với những người khác mà bạn có thể dễ dàng học hỏi. Tôi gọi đó là chủ ý kết nối. Anh ấy khiến mọi người cảm thấy được hoan nghênh và đón nhận. Anh ấy đưa họ vào trải nghiệm mà họ có thể không có. Khi tham dự một cuộc họp, John không chỉ đưa đến những người cần thiết cho cuộc họp đó mà còn mời người có thể học hỏi và phát triển được từ trải nghiệm đó. Khi anh ấy có vé xem các trận đấu bóng hay mua vé xem một chương trình biểu diễn nào đó, anh ấy luôn mua đủ để đưa những người khác đi cùng. Anh ấy giới thiệu người này với những người khác để họ có thể xây dựng các kết nối. Ví dụ, Anne Beiler của Auntie Ann’s Pretzels đã luôn muốn gặp Truett Cathy, nhà sáng lập Chick-fil -A, vì vậy John đã mời cả hai đến ăn tối tại nhà của anh ấy.

John tiếp tục tìm kiếm cách để tăng thêm giá trị cho mọi người. Và anh đã cố gắng khiến mọi thứ trở nên vui vẻ với những người xung quanh. Có lần, chúng tôi được đi trên một chiếc limousine và được cảnh sát hộ tống đến sân bay. John liền lấy điện thoại ra và gọi cho Linda Eggers, trợ lý của anh ấy, người đã không thể đi cùng chúng tôi. Anh ấy “tường thuật trực tiếp” cho Linda để cô ấy có thể chia sẻ khoảnh khắc đó với chúng tôi.

Nếu bạn chủ ý kéo những người khác vào các trải nghiệm tuyệt vời và những điều yêu thích nhất, bạn sẽ dần trở thành một nhà kết nối tuyệt vời.

“Tất cả liên quan đến các kết nối. Tôi muốn kết nối với mọi người; tôi muốn mọi người nghĩ rằng: ‘Vâng, đó là cách tôi cảm nhận.’ Và, nếu tôi có thể làm điều đó, đó là một thành công.”

– Carole King

Kết nối thông qua văn bản

Sau khi lắng nghe hàng trăm diễn giả và tác giả, tôi đã đi đến kết luận rằng có hai kiểu người trong giới giao tiếp: các diễn giả viết và các tác giả nói. Tôi chưa gặp người giỏi ở cả hai khía cạnh đó.

Theo tôi, John là một diễn giả giỏi viết. Trước hết, John tỏa sáng trước khán giả. Anh ấy kết nối bởi biết chính xác mọi người đang nghĩ gì và John biết cách nói những điều đúng đắn với giọng điệu phù hợp để khán giả cảm thấy thoải mái, khiến mọi người cười, hoặc chạm vào trái tim của họ. Không giống như một số diễn giả có thể khiến khán giả thưởng thức từng khoảnh khắc trên sân khấu, John có thể cung cấp những ý tưởng tuyệt vời. Trong thực tế, khi mọi người gặp tôi và tìm hiểu xem tôi viết gì về John, họ thường nói một điều gì đó kiểu như: “Cái gì? Ý anh là John có được danh tiếng nhờ các ý tưởng của anh?”

“Không,” tôi giải thích. “John là chàng trai đầy những ý tưởng. Anh ấy sống bao lâu cũng không đủ để chia sẻ mọi ý tưởng mà anh ấy có. Tôi chỉ lấy các ý tưởng của anh ấy và chuyển chúng thành lời để mọi người đọc chúng ở dạng văn bản.” Đó là một kỹ năng khác với việc tương tác với khán giả.

Giống như hầu hết các nhà giao tiếp tuyệt vời khác, John đã truyền tải một lượng lớn ý nghĩa thông qua nét mặt, khả năng lựa chọn thời điểm và ngôn ngữ cơ thể. Điều đó đến một cách tự nhiên khi anh ấy trên sân khấu. Nhiều diễn giả phải trải qua khoảng thời gian khó khăn để giao tiếp ở cùng cấp độ thông qua văn bản. John có thể viết, nhưng trước tiên, anh ấy là một diễn giả.

Vậy làm thế nào anh ấy có thể kết nối bằng văn bản? Tôi sẽ cho bạn biết một bí mật nhỏ mà tôi chưa bao giờ nghe bất kỳ tác giả nào nói đến. Khi đọc các cuốn sách của John, tôi không cố gắng thuật lại chính xác những gì anh nói theo cách của anh ấy. Bởi chúng sẽ mất đi mọi ngôn ngữ giao tiếp ngoài lời của một nhà giao tiếp tài năng. Vì vậy, tôi đã lấy các ý tưởng của John và cố gắng tạo ra phản ứng tương tự ở người đọc rằng John sẽ làm vậy nếu anh ấy trực tiếp truyền đạt chúng. Tôi cố gắng khiến người đọc có cảm giác tương tự khi gặp trực tiếp John. Nói cách khác, nhiệm vụ của tôi là đảm bảo các ý tưởng của anh ấy kết nối với mọi người.

TRỞ THÀNH NHÀ GIAO TIẾP KẾT NỐI LÀ CẢ MỘT QUÁ TRÌNH

Tôi hy vọng bạn thấy những lời nhận xét của Charlie hữu ích. Thành thật mà nói, tôi sợ các độc giả sẽ cho rằng những thông tin được đưa ra trong cuốn sách này có phần phiến diện. Tôi hy vọng vấn đề không phải vậy. Nhưng để khiến mọi thứ rõ ràng, tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện để bạn thấy tôi là một nhà giao tiếp tồi tệ như thế nào khi mới bắt đầu sự nghiệp. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ mang lại hy vọng cho bất cứ ai.

Khi tôi đang học đại học để trở thành một mục sư, các nhà thờ nhỏ thường mời các mục sư tương lai đến nói chuyện với giáo hội của họ. Một tuần trước buổi thuyết giảng đầu tiên trong vai trò của một mục sư tương lai, tôi đã đi cùng một người bạn tên Don đến để xem buổi thuyết giảng đầu tiên của anh ấy.

Don đứng trước giáo hội và thuyết giảng. Nhưng chỉ ba phút sau, cậu ấy đã cứng họng vì không còn gì để nói. Sau một vài phút lắp bắp, cậu ấy nhanh chóng ngồi xuống khiến mọi người đều bị sốc.

Trên đường trở về trường, tôi luôn tự nhủ rằng “bài thuyết giảng của tôi phải dài hơn ba phút.” Thời gian còn lại trong tuần, tôi đã dành hết cho việc chuẩn bị bài thuyết giảng. Trong thời gian đó, tôi liên tục bổ sung các điểm vào bản phác thảo của tôi. Đến Chủ nhật, tôi đã có bản phác thảo gồm chín điểm. Tôi đã không mảy may suy nghĩ đến việc kết nối với khán giả. Tôi chỉ có mục tiêu duy nhất: kéo dài bài phát biểu hơn ba phút.

Margaret và tôi đính hôn vào thời điểm đó và cô ấy thường theo tôi đến nhà thờ nhỏ trong bước ngoặt quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp này của tôi. Khi thực hiện bài thuyết giảng, tôi hài lòng với bản thân và cảm thấy khá vui vẻ. Tôi nghĩ mình đã làm tốt.

Trên đường trở về, Margaret im lặng một cách bất thường. Cuối cùng, tôi hỏi cô ấy: “Sáng nay, em thấy bài thuyết giảng của anh ra sao?”

“Em nghĩ lần đầu anh làm được thế là tốt rồi,” cô ấy trả lời sau một lúc do dự. Cô ấy có vẻ không mấy nhiệt tình, nhưng dù sao đó cũng là một lời khích lệ.

“Anh đã nói trong bao lâu?”

Sau một lúc im lặng, cô ấy trả lời: “55 phút.”

Tôi đã tránh được thất bại! Bạn có tưởng tượng ra mọi người đã cảm thấy thế nào khi họ rời nhà thờ không? Tôi không biết mình đã nói trong bao lâu và bài thuyết giảng của tôi nhàm chán đến mức nào. Và họ biết tôi không biết điều đó. Nhưng họ có thể làm gì? Họ không thể bỏ ra ngoài vì giữ phép lịch sự, họ đã bị mắc kẹt với một diễn giả thiếu kinh nghiệm không biết giao tiếp. Họ có vẻ thích buổi nói chuyện 3 phút của Don hơn.

Triết gia kiêm nhà thơ Ralph Waldo Emerson nói: “Tất cả các diễn giả lớn đều không phải là những diễn giả giỏi khi mới bắt đầu.” Những lời này chắc chắn đúng với tôi. Tôi có một khởi đầu rất tệ và phải mất nhiều năm tập luyện để cải thiện khả năng nói. Tôi tiến bộ hơn nhiều sau khi biết được rằng mọi nhà giao tiếp giỏi đều có một điểm chung: họ kết nối.

Tôi không biết mục tiêu của bạn là gì hoặc tiềm năng trở thành một người giao tiếp ra sao, tôi không biết bạn đang sở hữu giấc mơ nào, nhưng tôi có thể nói với bạn điều này: Bạn có nhiều khả năng đạt được chúng nếu trở thành một người giao tiếp hiệu quả và điều đó xuất phát từ việc trở thành một kết nối tuyệt vời. Max De Pree, tác giả của cuốn Leadership is an art (Tạm dịch: Lãnh đạo là một nghệ thuật), khẳng định: “Trong những nỗ lực của chúng ta nhằm đạt được công việc có ý nghĩa và thỏa mãn các mối quan hệ, không gì quan trọng hơn việc học cách luyện tập nghệ thuật kết nối.” Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định đó.

Nếu muốn có các mối quan hệ được cải thiện, muốn thành công, hay trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn, hãy kết nối với các mục tiêu của bạn. Để làm điều đó, hãy học hỏi về giao tiếp nếu đó không phải chuyên ngành bạn học. Nghiên cứu các diễn giả thành công và không thành công, quan sát những gì hiệu quả và những gì không. Hãy suy nghĩ về những gì khiến mọi người lắng nghe người khác và bắt đầu tập trung vào làm mới những đặc điểm này. Dù ở đâu, bạn hãy quan sát cách các nhà kết nối xuất sắc tương tác với mọi người trực tiếp. Bạn có thể kết nối tốt hơn nếu sẵn sàng nỗ lực.

KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI Ở MỌI CẤP ĐỘ

10795.jpg

Nguyên tắc kết nối: Kết nối cần nhiều kỹ năng hơn tài năng.

Khái niệm chính: Những kỹ năng kết nối bạn học được ở cấp độ này có thể sử dụng để bắt đầu kết nối ở cấp độ tiếp theo.

KẾT NỐI TRỰC TIẾP VỚI MỘT NGƯỜI

Hầu hết mọi người tin rằng kết nối trực tiếp với một người dễ dàng hơn với một nhóm hoặc đám đông khán giả. Tôi tin rằng điều đó thường đúng bởi kết nối với một cá nhân thực tế hơn một nhóm. Cách để vượt qua nỗi sợ khi nói chuyện với đám đông là áp dụng các kỹ năng và tài năng bạn có khi kết nối trực tiếp với một người.

Để kết nối trực tiếp với một người, bạn cần phải:

• Quan tâm đến người đó.

• Đặt giá trị vào người đó.

• Đặt lợi ích của họ lên trước bản thân bạn.

• Thể hiện lòng biết ơn và cho họ thấy điều đó.

KẾT NỐI TRONG NHÓM

Một khi đã bắt đầu kết nối tốt với một người, hãy lưu lại các kỹ năng bạn vừa phát triển và những bí quyết thành công trong lĩnh vực đó. Bây giờ, hãy xem bạn có thể sử dụng những thứ đó ra sao để kết nối trong nhóm. Những gì có thể dễ dàng thay đổi? Những gì phải được “thay đổi” theo một cách nào đó để phù hợp với kết nối nhóm? Hãy sử dụng những kỹ năng đó. Ngoài ra, hãy sử dụng bốn yếu tố được đề cập dưới đây để kết nối trực tiếp với một người và mở rộng chúng để áp dụng cho một nhóm:

• Hãy quan tâm đến từng người trong nhóm của bạn bằng cách đặt ra các câu hỏi cho mỗi người.

• Đặt giá trị vào mỗi người bằng cách chỉ ra giá trị của họ cho những người khác trong nhóm.

• Biến điều đó thành mục tiêu của bạn để bổ sung giá trị cho tất cả mọi người trong nhóm và cho họ biết đó là ý định của bạn.

• Thể hiện lòng biết ơn của bạn đối với mỗi người trước những người còn lại.

“Tất cả các diễn giả lớn đều không phải là những diễn giả giỏi khi mới bắt đầu.”

– Ralph Waldo Emerson

KẾT NỐI VỚI KHÁN GIẢ

Khi trở nên chuyên nghiệp hơn trong việc kết nối với các nhóm, một lần nữa hãy đánh giá kỹ năng hiệu quả giúp bạn kết nối. Cố gắng đoán trước những kỹ năng có thể hiệu quả đối với nhóm khán giả lớn hơn. Hãy nhớ rằng: khán giả càng đông, bạn càng cần nhiều năng lượng cho các kết nối.

Để bắt đầu quá trình kết nối, hãy làm như sau:

• Thể hiện sự quan tâm đến khán giả. Khi có thể, hãy gặp gỡ và chào khán giả trước khi nói. Trong khi nói chuyện, hãy để mọi người biết rằng bạn hiểu mỗi người là một cá thể duy nhất và đặc biệt.

• Đặt giá trị vào mỗi người bằng cách cho họ biết bạn đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc nói chuyện bởi bạn coi trọng họ, mục đích và thời gian của họ.

• Đề cao mọi người bằng cách cho họ biết bạn ở đó để phục vụ họ. Tôi làm điều đó bằng cách sẵn sàng trả lời câu hỏi, tương tác với mọi người sau bài phát biểu và ký sách.

• Thể hiện lòng biết ơn và cảm ơn họ đã dành thời gian đến tham dự buổi nói chuyện


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.