Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối

04: KẾT NỐI LUÔN ĐÒI HỎI NĂNG LƯỢNG



Hãy nghĩ đến vài ba nhà giao tiếp nổi tiếng nhất mà bạn biết. Bây giờ hãy nghĩ đến một vài người giỏi giao tiếp với một đội nhóm nhỏ nhất. Tiếp theo hãy nghĩ về một vài người kết nối trực tiếp với một người giỏi nhất.

Hãy nghĩ đến tất cả những người này và xem: có bao nhiêu người trong số họ là những người kém nhiệt huyết? Tôi cá là không có ai. Ngay cả những người không quá sôi nổi cũng mang trong mình năng lượng mà không thể hiện ra ngoài. Bởi kết nối với những người khác không tự xảy ra mà cần bạn phải nỗ lực. Và điều đó luôn đòi hỏi năng lượng.

HỌ ĐƯA RA THỨ BẠN MUỐN TIẾP NHẬN

Một trong những cơ hội kết nối thách thức nhất và bổ ích nhất tôi đã từng phải đối mặt xảy ra vào năm 1996. Tôi nhận được một cú điện thoại từ một nhà thờ nhỏ ở Hillham, Indiana, mời tôi đến nói chuyện tại lễ kỷ niệm 25 năm xây dựng nhà thờ. Tôi có thể nói rằng người đưa ra yêu cầu rất lo lắng khi hỏi liệu tôi có sẵn lòng nói chuyện tại nhà thờ không. Ông ấy cũng muốn biết mức phí tôi đưa ra.

Lời đề nghị dù khá đường đột, nhưng tôi sẵn sàng nhận lời. Tôi đã bắt đầu sự nghiệp vào năm 1969 trong vai trò mục sư cao cấp tại một nhà thờ nhỏ ở vùng nông thôn phía nam Indiana. Khi tôi ở đó, số người gia nhập tăng từ một vài người đến vài trăm người và vào năm 1971 chúng tôi đã xây dựng một nhà thờ mới để tương xứng với sự phát triển. Sự nghiệp của tôi trong vai trò một mục sư trong hai thập kỷ rưỡi tiếp theo có thể đã đưa tôi đến các nhà thờ lớn hơn và cho phép tôi tạo ảnh hưởng đến mọi người vượt ra ngoài những điều tôi mơ ước lúc đó, nhưng tôi luôn dành một góc trái tim mình cho giáo hội ở Hillham. Họ đã cho tôi điểm khởi đầu trong sự nghiệp và dành cho tôi tình yêu thương vô điều kiện khi tôi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và dễ mắc những sai lầm ngớ ngẩn. Ngay lập tức, tôi nói với ông ấy rằng tôi sẽ rất vui khi được trở lại nhà thờ trong một dịp tuyệt vời như vậy. Tôi cũng sẽ đưa cả gia đình đến và sẽ rất sẵn lòng tự trả mọi chi phí của chúng tôi.

Sau khi tôi tắt điện thoại, Margaret nói: “John, em không quan tâm lắm đến sự kiện này. 25 năm đã qua, anh không cần phải trở lại đó. Anh và họ giờ đã ở hai thế giới khác nhau. Họ không liên quan đến anh. Làm sao anh có thể kết nối với họ?”

Tôi đã nghĩ về những gì cô ấy nói trong vài ngày. Cô ấy nói đúng; tôi đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua. Và tôi chắc chắn họ cũng vậy. Tôi sẽ mất rất nhiều năng lượng để kết nối với họ. Tôi không thể chỉ xuất hiện và mong muốn mọi thứ diễn ra theo ý mình. Để kết nối với mọi người, tôi phải tìm cách tiến về phía họ cả về cảm xúc lẫn mối quan hệ.

Tôi biết lễ kỷ niệm 25 năm là một ngày đặc biệt đối với họ, không phải tôi. Tôi muốn chúc mừng họ, chứ không chỉ đơn thuần có mặt ở đó để dự lễ. Trong vài tuần sau đó, tôi nghĩ đến thời gian đầu gắn bó với mọi người tại Hillham và quyết định hành động trong khả năng để tạo ra kết nối. Tôi đã làm điều đó bằng các cách sau:

Tìm kiếm những yếu tố gợi nhắc về khoảng thời gian chúng tôi ở bên nhau

Tôi xem lại các tập tin, các bản lưu đám cưới, đám tang, bài thuyết giảng và các sự kiện đặc biệt trong thời gian chúng tôi ở cùng nhau. Tôi tìm thấy một bức ảnh đáng giá hàng vạn lời với 301 người đang đứng ở phía trước của nhà thờ vào một ngày tham gia xác lập kỷ lục. Khi tôi mang nó đến Hillham, mọi người đều thấy chính mình trong bức ảnh đó.

Nỗ lực nhớ tên họ

Tôi khá giỏi trong việc nhớ tên mọi người. Tên của một số người ở Hillham sẽ luôn ở trong tâm trí tôi. Nhưng đã quá lâu, vì vậy tôi cố gắng nhớ lại bằng cách xem lại ảnh và các tệp tin. Trước buổi gặp mặt, tôi nhớ được gần hết tên của tất cả mọi người, vì vậy tôi đã biết được khuôn mặt của mọi người bây giờ.

Hãy cố gắng khiến họ cảm thấy họ thật đặc biệt

Như một phần của lễ kỷ niệm ngày cuối tuần, tôi lên kế hoạch gặp gỡ tất cả các thành viên trong giáo đoàn trong nhiệm kỳ của tôi. Tôi không muốn bất cứ ai khác tham dự – ngoài họ. Chúng tôi đã dành 3 giờ trong tầng hầm nhà thờ để ôn lại kỷ niệm. Có lúc chúng tôi cười phá lên nhưng cũng có lúc phải rơi nước mắt.

Biến chuyến viếng thăm của tôi trở nên riêng tư với nhiều người nhất có thể

Tôi đã đưa cho mọi người các bản sao một số đồ vật như giấy chứng nhận rửa tội và các vật kỷ niệm từ những khoảnh khắc đặc biệt. Ví dụ, tôi tặng Shirley Crowder một bản sao bài giảng mà tôi đã thuyết giảng ngày cô gia nhập giáo hội và tôi đã gửi đến Abe Legenour bức ảnh ngày cậu ấy được rửa tội. Tất cả mọi người đều nhận được một món quà như một lời nhắc nhở về “ký ức đẹp đẽ”. Sau đó, chúng tôi chụp ảnh cả gia đình với mọi người.

Dành thời gian riêng với mọi người theo cách của tôi

Một số diễn giả và nhà thuyết khách đã đến trễ, họ tách mình khỏi khán giả, đứng trên bục phát biểu và sau đó rời đi nhanh chóng. Tôi không muốn làm vậy. Tôi muốn lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp mọi người. Vì vậy, Margaret và tôi đã đến buổi lễ ngày Chủ nhật sớm 30 phút trước khi buổi lễ bắt đầu để có thể trực tiếp chào hỏi mọi người. Ngạc nhiên thay, khi chúng tôi đến, bãi đậu xe đã chật kín và phòng chờ đông nghịt! Tôi bước vào tòa nhà và chào từng người. Sau buổi lễ, chúng tôi nán lại và ra về cuối cùng.

Chia sẻ sai lầm của tôi trong bài thuyết giảng

Tôi biết nếu muốn gây ấn tượng với mọi người, bạn có thể nói về những thành công của bạn; nhưng nếu muốn mọi người đồng cảm, tốt hơn bạn nên nói về thất bại của bản thân. Đó là những gì tôi đã làm ngày hôm đó. Và tôi cảm ơn tất cả mọi người vì đã kiên nhẫn và dành tình cảm cho tôi trong suốt những năm đầu tiên. Tôi rất biết ơn và muốn họ biết điều đó.

Thừa nhận rằng họ đã góp phần “làm nên” tôi của ngày hôm nay

Không ai có thể làm tốt mọi việc trong cuộc sống nếu thiếu sự giúp đỡ của người khác. Mọi người trong giáo hội đã giúp tôi đi đúng hướng trong sự nghiệp. Tôi xây dựng bài thuyết giảng trên thực tế đó và đặt tiêu đề là “10 bài học tôi đã học được ở Hillham”. Khi kết thúc bài thuyết giảng, tôi đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với những ảnh hưởng của họ đến cuộc sống của tôi. Tôi chốt lại bài thuyết giảng bằng câu: “Các mục sư trẻ nên dành những năm đầu tiên trong đời mục sư tại Hillham. Việc đó sẽ giúp họ có một nền tảng vững chắc cho thành công sau này với nghề.”

Tôi tin rằng tất cả mọi người đều thích buổi tái ngộ đó, Margaret và tôi cũng vậy. Trên chuyến bay trở về nhà, Margaret nói: “Ôi, anh đã làm được. Anh đã kết nối được với họ.” Tôi cảm thấy hài lòng khi mình đã làm hết sức. Và tôi gần như kiệt sức bởi việc đó khiến tôi mất rất nhiều năng lượng.

BẠN PHẢI LUÔN ĐAU ĐÁU VỀ NÓ

Thời đại học, tôi tham gia một lớp ngôn ngữ. Hơn 40 năm sau đó, tôi có thể khẳng định rằng việc học cách diễn thuyết trước khán giả đã trở thành nền tảng cho cuộc hành trình của tôi trong suốt cuộc đời cũng như con đường trở thành một diễn giả giỏi. Tại lớp học đó, tôi đã nghe giáo sư của tôi nhắc đến “bốn sai sót không thể tha thứ của một nhà giao tiếp”: không chuẩn bị, không cam kết, không hấp dẫn, và không thoải mái. Bạn có nhận thấy điểm chung cho ba trong số bốn “sai sót” này? Đó chính là năng lượng. Ba sai sót đầu tiên là một phần của nỗ lực. Chúng cần năng lượng để chuẩn bị, cam kết và trở nên thú vị! Điều đó đúng dù bạn đang nói chuyện với một người hay hàng nghìn người. Kết nối luôn đòi hỏi năng lượng.

Tác giả kiêm huấn luyện viên truyền thông Susan Roane, tác giả của cuốn How to work a room (Tạm dịch: Cách để làm việc chung phòng), đã mô tả những gì cần thiết để kết nối với mọi người trong môi trường xã hội. Trên trang web của mình, cô đưa ra “10 lời khuyên từ Mingling Maven,” các kỹ năng được sử dụng khi gặp gỡ những người mới. Khi bạn đọc danh sách của cô ấy, hãy nghĩ xem có bao nhiêu mục trong đó cần năng lượng:

1. Sở hữu khả năng khiến người khác cảm thấy thoải mái.

2. Xuất hiện tự tin và cởi mở.

3. Có khả năng cười nhạo chính mình.

4. Thể hiện sự quan tâm đến những người khác; duy trì giao tiếp bằng mắt, tự tiết lộ bản thân, đặt ra các câu hỏi và tích cực lắng nghe.

5. Cởi mở với những người khác; họ muốn một lời chào với một cái bắt tay chặt và một nụ cười.

6. Truyền tải năng lượng và nhiệt huyết – niềm vui sống.

7. Bao quát, đầy đủ thông tin và lịch sự.

8. Chuẩn bị các chi tiết phụ hoặc những câu chuyện thực tế thú vị, hài hước và phù hợp.

9. Giới thiệu mọi người với nhau bằng lòng nhiệt huyết có thể lây lan, có khả năng thúc đẩy cuộc trò chuyện giữa những người được giới thiệu.

10. Truyền tải sự tôn trọng và thành tâm yêu quý mọi người – điểm cốt lõi trong giao tiếp.

Theo tôi, có ít nhất 7/10 yêu cầu trên đòi hỏi năng lượng. Nếu bạn muốn kết nối với người khác nhưng lại hy vọng có thể làm điều đó một cách không chủ ý, thì hãy quên điều đó đi. Kết nối luôn đòi hỏi năng lượng.

NĂM CÁCH CHỦ ĐỘNG TRONG VIỆC SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG ĐỂ KẾT NỐI

Điều quan trọng nhất không phải hoàn cảnh hay người bạn sẽ kết nối, mà đó chính là năng lượng bạn dùng để kết nối hiệu quả. Và để tận dụng tối đa các cơ hội kết nối, bạn phải phân bố năng lượng một cách chiến lược. Bạn cũng cần phải có hành động cụ thể để giúp thúc đẩy kết nối.

Khi cho rằng năng lượng rất cần thiết để kết nối với người khác, tôi không nói bạn phải là người có năng lượng dồi dào. Bạn cũng không cần phải là một người hướng ngoại. Chỉ cần bạn sẵn lòng sử dụng bất cứ nguồn năng lượng nào để tập trung vào người khác và tiếp cận họ. Kỹ sư kiêm nhà quản lý dự án Laurinda Bellinger đã nhận xét: “Những người hướng nội có thể thể hiện hành vi hướng ngoại, tuy nhiên, việc đó sẽ khiến chúng ta tiêu hao nhiều sức lực và cần nỗ lực hơn người hướng ngoại.”

Nếu muốn kết nối với người khác, bạn cần phải có chủ ý làm vậy. Dưới đây là năm khả năng có thể xảy ra đối với năng lượng cần thiết nhằm kết nối và những hành động cần thiết để sử dụng năng lượng một cách chiến lược.

1. Kết nối cần sự chủ động – hãy là người kết nối trước

Tôi có vinh dự được diễn thuyết vài lần trước các nhân viên của Wal-mart tại trụ sở chính của công ty ở Bentonville, Arkansas. Tôi được đưa đi thăm quan một vòng và nhờ đó, tôi thấy các biển hiệu làm nổi bật các giá trị và triết lý của tổ chức ở khắp nơi. Trong chuyến viếng thăm đầu tiên sau khi hoàn thành buổi chia sẻ, tôi lấy một cuốn sổ tay và ghi lại các thông điệp chứa đựng trong rất nhiều biển hiệu. Một trong những biển hiệu khiến tôi ấn tượng nhất đó là “Quy tắc-3-mét” với nội dung:

Từ nay trở đi, tôi hứa và tuyên bố rằng mỗi khi một khách hàng đến gần tôi trong vòng 3 mét, tôi sẽ mỉm cười, nhìn vào mắt họ và chào đón họ.

 SAM WALTON

Sam Walton hiểu được tầm quan trọng của việc chủ động kết nối trước. Sự chủ động trong bất kỳ mối quan hệ nào giống như một que diêm thắp lên ngọn nến.

Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều nhận ra giá trị của sự chủ động. Họ sẽ dễ dàng thừa nhận rằng sự chủ động rất quan trọng trong các mối quan hệ, nhưng nhiều người vẫn không chủ động trong kết nối với người khác. Khi nói đến việc tương tác, họ thường chờ đợi người khác chủ động, nhưng việc đó đã khiến họ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Mục sư đã nghỉ hưu Malcolm Bane thừa nhận: “Nếu đợi đến khi có thể làm mọi thứ cho tất cả mọi người, thay vì cho ai đó, bạn sẽ thôi không làm bất cứ điều gì cho bất cứ ai.” Nếu bạn muốn kết nối, đừng chờ đợi. Hãy chủ động!

“Nếu đợi đến khi có thể làm mọi thứ cho tất cả mọi người, thay vì cho ai đó, bạn sẽ thôi không làm bất cứ điều gì cho bất cứ ai.”

– MALCOLM BANE

Sự sẵn sàng giúp tăng năng lượng để chủ động kết nối trước rất quan trọng không chỉ với cá nhân mà còn cả với các nhóm đội. Simon Herbert, một huấn luyện viên tại trường Abbotsholme ở Anh, đã nhận xét:

Tôi phụ trách dạy bóng bầu dục ở trường và năm ngoái tôi đã cố gắng để bỏ bớt trách nhiệm. Thời gian còn lại tôi làm nhân viên chữa cháy thời vụ. Cuối cùng, khi đến Nam Phi, tôi biết được mình đã rời mắt khỏi mỗi thứ một chút và năng lượng của tôi đã không còn là động lực thôi thúc cả đội. Xin đừng hiểu nhầm, tôi sở hữu một số nhà lãnh đạo tài năng trong nhóm các cầu thủ và huấn luyện viên, nhưng một cố vấn thân cận cho tôi biết đam mê của tôi với bóng bầu dục và các cầu thủ đã lớn đến mức làm dấy lên ngọn lửa trong những người khác và tôi cần phải tiếp tục truyền lửa để giữ ngọn lửa đó cháy mãi.

Nếu không có sự sẵn sàng chủ động của Simon và nỗ lực truyền năng lượng của anh vào đội, đội sẽ không thể thành công như mong đợi.

Một trong những bí quyết tôi đưa ra trong cuốn 25 thuật đắc nhân tâm4 là: “Hãy là người đầu tiên đưa tay về phía đối phương.” Nó rất đơn giản nhưng cũng rất mạnh mẽ. Bất cứ lúc nào trong cuộc sống mà chúng ta thấy mình cần sự giúp đỡ và nhận được sự giúp đỡ, ai sẽ là người chúng ta nhớ nhất? Đó thường là người giúp chúng ta đầu tiên. Chúng ta thường biết ơn người đã nỗ lực giúp đỡ hoặc hỗ trợ chúng ta. Điều đó có đúng với bạn không? Còn tôi thì thấy nó hoàn toàn đúng. Les Stobbe là người đầu tiên dạy tôi viết. Dick Peterson là người đã giúp tôi thành lập công ty đầu tiên. Anh trai tôi, Larry, là người đầu tiên cố vấn cho tôi về kinh doanh. Kurt Kampmeir đã khởi xướng cuộc hành trình phát triển cá nhân của tôi. Elmer Towns là người đầu tiên đưa tôi đến với nhà thờ. Gerald Brooks là người đầu tiên tài trợ cho EQUIP, tổ chức lãnh đạo phi lợi nhuận của tôi. Linda Eggers tình nguyện giúp đỡ tôi khi tôi gặp khó khăn tại công ty. Mỗi người họ đều chiếm một góc nhỏ đặc biệt trong trái tim tôi! Tôi có kết nối với họ cũng giống như với vài người khác.

Một câu tục ngữ của người Do Thái nói rằng: “Người khôn làm ngay lập tức việc mà kẻ ngốc làm sau cùng.” Chúng ta thường sẽ chờ đến “thời điểm hoàn hảo” để chủ động kết nối với người khác. Theo kinh nghiệm của tôi, thời điểm hoàn hảo đó không bao giờ xuất hiện. Chủ động bắt chuyện với một ai đó thường khiến ta cảm thấy khó xử, đề nghị giúp đỡ ai đó có thể bị từ chối hoặc hiểu lầm, vì thế bạn sẽ không cảm thấy sẵn sàng hoặc thoải mái trong những khoảnh khắc này. Hãy học cách vượt qua những cảm xúc lúng túng hoặc không an toàn. Như cựu đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt từng nói: “Chúng ta phải làm điều mà chúng ta nghĩ mình không thể.” Những người kết nối với người khác là những người chủ động và làm những gì mà phần lớn chúng ta không bao giờ để mắt đến.

Người khôn làm ngay lập tức việc mà kẻ ngốc làm sau cùng.

– Tục ngữ Do Thái

2. Kết nối cần sự rõ ràng – hãy chuẩn bị

Kết nối cần sự sẵn sàng chủ động, cần hành động ngay lập tức, nó còn đòi hỏi chúng ta biết những gì mình sẽ làm khi kết nối. Điều đó đòi hỏi bạn phải có tư duy rõ ràng và sự rõ ràng thường xuất phát từ sự chuẩn bị trong ba lĩnh vực chính sau:

Biết rõ bản thân – có sự chuẩn bị về mặt cá nhân. Hơn ba thập kỷ trước, khi thử sức trong một chương trình phát triển cá nhân, tôi đã học được cách tự giúp bản thân. Điều này giúp tôi có thêm khả năng giúp đỡ người khác. Đó là một trong những lý do tôi nói rằng để tăng thêm giá trị cho người khác, bạn phải tự khiến mình có giá trị hơn. Bạn không thể cho đi thứ mà bạn không có. Bạn không thể nói cho mọi người thứ mà bạn không biết. Bạn không thể chia sẻ cảm xúc mà bạn không sở hữu.

Biết rõ bản thân và tự phát triển bản thân giúp bạn có được tinh thần minh mẫn và tình cảm rõ ràng. Bạn biết mình biết và không biết điều gì. Bạn biết bạn có thể và không thể làm gì. Bạn thoải mái và tự tin về nhân cách của bản thân. Bạn có thể kết nối với người khác bởi bạn sẵn sàng và có thể cởi mở với mọi người. Những gì giáo viên golf kiêm tác giả Harvey Pinick nói về các golf thủ chuyên nghiệp: “Nếu một người có sự chuẩn bị chu đáo cho những điều nhỏ nhặt, họ sẽ sẵn sàng cho các thách thức lớn.” Điều này cũng rất đúng với những người khác ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Biết rõ khán giả của bạn – có sự chuẩn bị về con người. Kết nối với mọi người bắt đầu bằng việc hiểu rõ họ. Càng hiểu về con người, bạn sẽ càng kết nối tốt hơn, nếu không, thông điệp của bạn sẽ lộn xộn.

Trong nhiều năm, tôi đã chuẩn bị và điều chỉnh những ghi chú của mình với những người mà tôi giao tiếp. Ví dụ, khi tôi chủ trì những cuộc họp bàn tròn với các nhà lãnh đạo để thảo luận về các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực của họ, tôi đã cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về những người tham dự. Điều đó càng giúp tôi có thể chỉ đạo rõ ràng và giúp đỡ họ nhiều hơn. Khi chuẩn bị cho các cuộc họp này, tôi thường hỏi:

• Họ là ai?

• Họ quan tâm đến điều gì?

• Họ đến từ đâu?

• Khi nào họ quyết định tham gia?

• Tại sao họ lại ở đây?

• Tôi có gì để cung cấp cho họ?

• Họ muốn có cảm giác như thế nào sau cuộc họp?

Tôi có thể bước vào một trong những cuộc họp này và nói liến thoắng nhưng không thể kết nối với mọi người. Tôi cũng không thể bổ sung giá trị cho họ theo cách tôi muốn. Phải cần thời gian và năng lượng để trả lời bảy câu hỏi này, nhưng việc đó rất đáng làm.

Các nhà lãnh đạo cũng thường tự đặt ra các câu hỏi giống như thế khi đưa mọi người xích lại gần nhau trong các tổ chức. Họ dành rất nhiều thời gian và năng lượng để đặt câu hỏi, thu thập thông tin, chuẩn bị để ứng đối với mọi người. Họ biết rằng nếu muốn có được tầm nhìn, họ phải khiến mọi người trong tổ chức rõ ràng về mọi điểm. Trách nhiệm nằm trên vai họ, thay vì những người lắng nghe họ.

Biết việc của bạn – có sự chuẩn bị về chuyên môn. Hãy là chính mình và hiểu rõ mọi người sẽ đưa bạn tiến xa hơn trong việc kết nối với những người khác. Tuy nhiên, trong các tình huống nói chuyện, giảng dạy, hoặc dẫn dắt, bạn cũng phải chuẩn bị về mặt chuyên môn. Bạn phải biết mình đang nói về điều gì. Tôi chắc rằng bạn đã nghe các nhà giao tiếp giỏi kết nối nhưng bài nói của họ hầu như không mang lại giá trị. Sau khi họ nói, bạn thường có cảm giác thoải mái, nhưng sau vài phút, vài giờ, hoặc vài ngày sau đó, bạn nhận ra mình chẳng nhớ họ đã nói gì. Hoặc người có rất nhiều kiến thức chuyên môn nhưng không có khả năng giao tiếp hiệu quả. Họ sẽ khiến bạn bỏ ra ngoài chỉ sau ít phút hay khi buổi nói chuyện kết thúc, bạn thở phào: “Ơn trời, cuối cùng cũng đã xong.” Không có loại giao tiếp nào kể trên mang lại hiệu quả.

3. Kết nối cần sự kiên nhẫn – hãy chậm lại

Một phụ nữ trẻ không quen lái xe có hộp số cơ đã để xe bị chết máy khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh. Mỗi lần khởi động xe, cô luôn vội vàng nổ máy và xe lại bị chết máy. Chiếc xe phía sau có thể đi vòng rồi vượt lên, nhưng thay vào đó, người chủ xe liên tục bấm còi. Họ càng nhấn còi, cô càng xấu hổ và tức giận. Sau nỗ lực tuyệt vọng để nổ máy, cô ra khỏi xe và bước lại phía chiếc xe đằng sau. Người đàn ông hạ kính xe xuống đầy ngạc nhiên.

“Tôi nói cho anh biết,” cô nói. “Anh có thể lên xe tôi mà nổ máy, còn tôi sẽ ngồi lại đây và bấm còi thay anh.”

Chúng ta sống trong một nền văn hóa thiếu kiên nhẫn. Tôi nghĩ bình luận của Lisa Thorne trên blog của tôi đã mô tả hiện tượng chung giữa rất nhiều người trong chúng ta: “Tin tốt là tôi đi rất nhanh, tin xấu là tôi thường xuyên đi một mình.” Mọi người đều vội vã, điều đó ngăn chúng ta kết nối hiệu quả với những người khác. Nếu muốn kết nối với mọi người, bạn cần phải chậm lại.

Tôi phải thừa nhận, sự thiếu kiên nhẫn là một điểm yếu của tôi và tôi đã liên tục nỗ lực để kiểm soát nó. Khi mới bước vào nghề, tôi muốn làm mọi việc càng nhanh càng tốt để chuyển sang việc tiếp theo. Nếu ai đó không muốn theo kịp tôi, tôi sẽ bỏ qua họ. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo đó đã cản trở khả năng kết nối và ảnh hưởng đến các mối quan hệ của tôi.

Rõ ràng, việc theo kịp những người đang di chuyển nhanh hơn chúng ta cần rất nhiều năng lượng. Vậy nhưng không phải di chuyển với tốc độ chậm hơn là chúng ta hết mệt mỏi. Henry David Thoreau viết: “Người đi một mình có thể tự bắt đầu một ngày. Còn người đi với người khác phải đợi cho đến khi người kia sẵn sàng.” Tôi rất khó chịu khi phải chờ đợi. Tuy nhiên, nếu muốn kết nối với mọi người, tôi phải sẵn sàng chậm lại và đi với tốc độ của người khác. Những nhà kết nối tài năng không phải là người nhanh nhất, mà là người có thể đưa người khác theo cùng. Họ cho mọi người thấy sự kiên nhẫn, họ bỏ sang một bên các kế hoạch của bản thân để đồng hành cùng người khác. Những việc này đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Nhưng trong nhiều năm qua, tôi đã phát hiện ra rằng bất cứ điều gì thực sự có giá trị trong cuộc sống đều cần thời gian để gây dựng.

“Người đi một mình có thể tự bắt đầu một ngày. Còn người đi với người khác phải đợi cho đến khi người kia sẵn sàng.”

– Henry David Thoreau

4. Kết nối cần sự vị tha – hãy cho đi

Trong cuộc sống, có cả những người cho và người nhận. Tất nhiên, ai cũng muốn có người cho đi đồng hành bên mình. Thật dễ dàng để cảm thấy được kết nối với người cho đi.

Một người cho đi cần năng lượng và việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt trong những tình huống căng thẳng. Diễn giả động lực, Trudy Metzger, người đã trải qua một tuổi thơ bị lạm dụng, đã trở thành một người cho đi khi trưởng thành. Tuy nhiên, cô vẫn thấy khó khăn để duy trì một tư duy cho đi khi đối mặt với một số người liên quan đến quá khứ khó khăn của mình. Đôi khi, cô trở nên phòng thủ và cố gắng kiểm soát tình hình nếu cảm thấy bị tổn thương. Gần đây, cô nhận ra rằng khi điều đó xảy ra, cô lại biến thành một người nhận về. Trudy nói: “Trong khi cho đi đòi hỏi năng lượng, thì các tình huống mà tôi trở thành người nhận khiến tôi hoàn toàn kiệt sức.

Trở thành một người cho đi có thể mất rất nhiều năng lượng. Tuy nhiên, việc né tránh tương tác với người khác cũng tiêu tốn năng lượng không kém. Ed Higgins nhận xét: “Tôi mất một lượng lớn năng lượng để né tránh kết nối và cảm thấy khổ sở bởi điều đó. Tôi nhận ra có lẽ năng lượng được sử dụng để né tránh kết nối còn lớn hơn nhiều so với năng lượng cần thiết để kết nối.”

Người cho đi thường ở vào thế thắng-thắng. Cho đi có thể tiếp sinh lực cho bạn đồng thời giúp cả những người khác. Và nó giúp bạn kết nối. Điều đó hoàn toàn đúng trong các tình huống giao tiếp trực tiếp với một người, với khán giả hay trong nhóm. Nếu tập trung vào việc cho đi, bạn sẽ thấy kết nối dễ hơn nhiều. Trong nhiều năm quản lý một nhà thờ và thuyết giảng cho giáo hội vào hầu hết các ngày cuối tuần, một số thành viên và tôi thường dành thời gian trao đổi và thảo luận về cung cách phục vụ của chúng tôi. Trong một buổi thảo luận, một người bạn và cũng là đồng nghiệp của tôi, Dan Reiland, nói: “John, tôi nghĩ rằng mọi người thấy việc lắng nghe anh rất dễ dàng. Tôi sẽ làm thậm chí tốt hơn thế,” Dan nói. Sáng hôm sau, tôi nhận được bản phân tích bằng văn bản của anh ấy đặt trên bàn tôi với nội dung:

Tôi đã tìm hiểu lý do vì sao những điều anh nói lại dễ nghe như vậy. Ý tưởng đặc biệt hấp dẫn tôi khi nghĩ về thực tế rằng điều đó đúng ngay cả khi mọi người biết anh sắp nói gì. Và điều đó chắc chắn vượt ra ngoài giá trị giải trí của nghệ thuật kể chuyện.

Tôi nghĩ tất cả là nhờ người giao tiếp là người cho đi thay vì nhận về. Mọi người cảm nhận được và có thêm sức mạnh nhờ tinh thần cho đi. Việc giảng dạy của anh chủ yếu là cho đi và mọi người có thể lắng nghe một người cho đi cả ngày, trong khi họ sớm mệt mỏi với người thích nhận về. Hãy nghĩ về lời chỉ dạy của Chúa – một nửa thời gian, mọi người không biết họ đang nói về điều gì, nhưng ai cũng rất chăm chú lắng nghe. Chúa đang cho đi – đang truyền tải thay vì lấy đi sức mạnh của họ.

Tôi nghĩ nếu các nhà giao tiếp thể hiện nhu cầu, sự bất an, cái tôi, hoặc thậm chí trách nhiệm, thì họ đang không cho đi. Những người nghèo túng muốn được khen ngợi, những người bất an muốn được ủng hộ và chấp nhận, người tự cao muốn được nâng lên, trở thành “cấp cao hơn”. Khán giả đều phải cho đi tất cả những điều này. Ngay cả những người được thúc đẩy bởi trách nhiệm cũng muốn được công nhận là nhân viên trung thành, được đánh giá có trách nhiệm – thứ mà khán giả phải ban cho họ. Nhiều nhà giao tiếp luôn dạy về một trong các kiểu nhận về này mà không nhận thức được nó.

Còn người cho đi, họ thể hiện tình yêu, lòng biết ơn, lòng từ bi, niềm đam mê và tràn ngập tình thương. Trong mỗi kiểu tình cảm, khán giả thường không cho đi mà chỉ nhận về. Lúc này việc giảng dạy trở thành một món quà. Nó lấp đầy và thổi luồng gió mới tới trái tim của người nhận.

Anh chính là lý do khiến mọi người có thể lắng nghe cả ngày. Khi tôi theo dõi và học hỏi từ anh, anh cho tôi thấy 99% thời gian anh dành để cho đi. Rất hiếm khi anh sống vì cái tôi cá nhân.

Tôi không nghĩ mình là người kết nối giỏi, Dan miêu tả, nhưng tôi luôn nỗ lực tập trung vào người nghe và bổ sung giá trị cho họ bất cứ khi nào có thể. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng anh ấy đã nói chính xác về các diễn giả, cả người cho đi lẫn nhận về và đó chắc chắn là một phần liên quan đến thái độ vị tha hay ích kỷ. Chúng ta coi những người khác, như José Manuel Pujol Hernández gợi ý, là bước đệm hoặc cầu nối. Nếu coi họ như bước đệm, chúng ta dùng họ để nâng bản thân lên; nếu coi họ là cầu nối, chúng ta sẽ kết nối với họ.

Khi bạn nghe ai đó nói, hãy tự hỏi: “Đó có phải là người dành mọi thứ cho tôi – đôi mắt, khuôn mặt, cơ thể, tâm trí và tính cách? Hay người này chỉ đơn giản ghé qua và cuộc nói chuyện này chỉ là một điểm dừng trên đường đi của họ?” Những người muốn kết nối với người khác phải cho đi tất cả. Và điều đó cần lượng năng lượng rất lớn!

Gần đây, tôi nói chuyện với một nhà giao tiếp đã dần chán nản do hết lần này đến lần khác đưa ra các bài thuyết trình giống nhau tới các nhóm khác nhau. Tôi nhắc nhở ông ấy không nên thuyết trình cho bản thân mà phải vì lợi ích của người khác. Làm sao ông ấy có thể duy trì tư duy đó và có được năng lượng để cho đi mọi thứ mà ông ấy có mỗi lần diễn thuyết?

Trong cuốn sách của mình, Presenting to win (Tạm dịch: Thuyết trình để chiến thắng), Jerry Weissman đã đưa ra lời khuyên tuyệt vời về điều này. Ông nói rằng các diễn giả cần duy trì “ảo ảnh về lần đầu tiên”, một khái niệm xuất phát từ các diễn viên. Mặc dù họ có thể phải đóng một vai hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần, khán giả cần phải thấy buổi biểu diễn của họ xứng đáng được xem như lần đầu. Weissman tiếp tục kể một câu chuyện về cầu thủ bóng chày Joe DiMaggio:

Một phóng viên đã từng nói với cầu thủ của đội Yankee Clipper rằng: “Joe, anh có vẻ luôn chơi bóng với cường độ mạnh. Anh chạy khắp sân, đuổi theo mỗi đường bóng bay, ngay cả trong những ngày nóng nhất tháng Tám khi Yankee dẫn đầu cuộc đua cờ hiệu và dường như không có địch thủ. Anh đã làm điều đó bằng cách nào?”

DiMaggio trả lời: “Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng có thể có ai đó trên khán đài chưa từng xem tôi chơi trước đây.”

Đó là kiểu tư duy “nghĩ đến người khác” mà một người phải duy trì để kết nối. Việc đó tiêu tốn rất nhiều năng lượng, cho dù trong các kết nối trực tiếp với một người, trong nhóm, hay trước khán giả, nhưng nó mang lại hiệu quả rất lớn. Kết nối luôn bắt đầu bằng một cam kết với người khác.

Kết nối luôn bắt đầu bằng một cam kết với người khác.

5. Kết nối cần khả năng chịu đựng – hãy thư giãn

Giao tiếp với mọi người có thể gây quá tải về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm. Tác giả kiêm chuyên gia tư vấn Anne Cooper Ready đã mô tả một số những cảm xúc liên quan đến việc nói chuyện với khán giả:

Nói trước công chúng được coi là nỗi sợ hãi lớn nhất của người Mỹ, trước cả cái chết ở vị trí thứ 5 và sự cô đơn ở vị trí thứ 7. Do đó, có thể đoán rằng hầu hết chúng ta không sợ chết trong cô độc bằng việc biến mình thành kẻ ngốc trước mặt người khác. Sợ hãi là một động lực mạnh mẽ để lãnh đạo, có nghĩa là bạn đứng ở vị trí cao hơn đám đông. Sự sợ hãi được coi là đặc biệt và khác biệt: nỗi sợ về những điều chưa biết, sợ gian lận, sợ quên mọi thứ bạn sẽ nói, sợ bẽ mặt, sợ phải xoay xở một mình. Tất cả những nỗi sợ đó đến cùng lúc khi bạn nói trước đông người.

Do vậy, làm sao để kết nối với những người khác mà không bị rút cạn năng lượng?

Nếu không cẩn thận, kết nối với mọi người trên cơ sở liên tục như vậy có thể làm cạn kiệt năng lượng của chúng ta đến mức chúng ta không còn sức lực để làm bất cứ điều gì khác. Mặc dù là một “người của công chúng”, nhưng tôi vẫn cần rất nhiều thời gian riêng tư để thư giãn về cảm xúc, tinh thần và thể chất. Tôi tin điều này đúng với hầu hết các diễn giả và nhà lãnh đạo. Lorin Woolfe, trong cuốn The Bible on Leadership (Kinh Thánh về Nghệ thuật Lãnh đạo5), viết: “Khả năng lãnh đạo cần nguồn cung cấp năng lượng bằng lời vô tận: chuẩn bị tinh thần, tập trung vào thông điệp, lặp đi lặp lại một câu nói đến khi bạn không thể chịu được âm thanh chính giọng nói của bạn – và sau đó lặp lại nó thêm vài lần, bởi chỉ khi bạn chán ngấy với thông điệp, nó mới có thể bắt đầu len lỏi vào tổ chức.”

Trong nhiều năm, tôi đã học được cách thư giãn. Bạn cũng cần phải làm điều đó, nếu muốn có năng lượng để kết nối với mọi người. Điều đầu tiên cần làm là tránh “rò rỉ” năng lượng bằng cách nhận ra và né tránh những gì không cần thiết có thể rút cạn năng lượng của bạn. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi đã dành rất nhiều thời gian tư vấn cho mọi người và tôi luôn trong tình trạng mệt mỏi. Tôi vẫn tự hỏi: “Tại sao tôi lại quá mệt mỏi như vậy?” Nhưng tôi còn trẻ và vẫn giữ niềm háo hức với nghề. Tôi đã mất một thời gian dài mới nhận ra rằng việc ngồi bên mọi người chỉ để lắng nghe vấn đề của họ khiến tôi cạn kiệt năng lượng.

Một thứ rút cạn năng lượng của tôi là việc tập trung vào từng chi tiết nhỏ trong một dự án. Phải mất một lượng lớn năng lượng mới đạt được một kết quả rất hạn chế. Nhưng ngay sau khi có thể thuê được những người có thế mạnh phù hợp với yêu cầu công việc, tôi đã thành công. Hãy tìm ra những gì có khả năng rút cạn năng lượng của bạn và né tránh nếu chúng không cần thiết.

Bạn cũng phải tìm ra những gì có thể khiến bạn thư giãn và tràn đầy sinh lực. Mỗi người mỗi khác. Johnson Tey đã viết rằng anh có được năng lượng bằng cách đi dạo, Kasaandra Roache thích ra bãi biển. Ryan Schleisman dành thời gian sau giờ làm ở bên các nhân viên của mình. Ông nói: “Là một bác sĩ, đôi khi thật khó để thư giãn. Sau khi làm vậy, các bệnh nhân của tôi và tôi đều cảm thấy tốt hơn. Đội ngũ nhân viên của tôi lên lịch nghỉ ngơi cho chúng tôi. Thật là một kế hoạch tuyệt vời.” Tôi được tiếp thêm năng lượng nhờ massage, một trận golf, hay một trò chơi tốc độ. Và tôi thích khoảng thời gian dành cả ngày bên Margaret mà không vướng bận công việc. Hãy chú ý đến những gì cung cấp năng lượng cho bạn và bắt đầu biến nó thành một phần trong lịch trình của bạn.

Nếu bạn có trách nhiệm lãnh đạo mọi người hoặc kết nối với những người khác, việc tìm cách nạp thêm năng lượng cho bản thân rất quan trọng nhưng cũng rất đơn giản. Tất cả những gì bạn phải làm là biết mình thích gì và dành thời gian cho chúng. Như tiểu thuyết gia Louis Auchincloss từng nói: “Điều duy nhất khiến một người bước tiếp là năng lượng và nó là gì ngoài tình yêu cuộc sống?” Nếu có thể dành thời gian để làm những gì mang lại sinh lực cho bạn, bạn sẽ luôn có năng lượng dự trữ để dùng khi cần kết nối với những người khác.

Để làm bất cứ điều gì có giá trị, bạn phải học cách quản lý và sắp xếp năng lượng của mình. Các diễn viên và vận động viên hiểu điều này hơn bất cứ ai khác. Nếu không làm vậy, họ sẽ không có được kết quả như mong muốn. Vận động viên thể thao Joe Theismann khi còn là một cầu thủ tại NFL, anh chơi ở hàng công và đã giúp Washington Redskins hai lần liên tiếp đoạt cúp Super Bowl trong những năm 1980. Khi đội của anh chơi trận Chung kết đầu tiên vào năm 1983, anh rất phấn khích, ra trận với một thái độ tích cực và tràn đầy năng lượng. Anh đã cống hiến mọi thứ mình có và đóng góp vào chiến thắng của đội.

Mùa giải tiếp theo hoàn toàn khác. Anh coi nhiều điều là đương nhiên và thái độ của anh không được tốt. Theismann nói: “Tôi quá để tâm đến thời tiết, đôi giày, thời gian và mọi thứ.” Kết quả là, hiệu suất của anh bị ảnh hưởng và đội bị thua. Theismann không phải là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về chiến thắng hoặc thất bại của đội. Tuy nhiên, ở vị trí hàng công và đội trưởng, anh nắm giữ tinh thần của cả đội. Tôi đã nói rằng có lúc anh đeo cả chiếc vòng chiến thắng lẫn thất bại như một lời nhắc nhở về những gì anh phải làm để thành công. “Sự khác biệt giữa hai chiếc vòng này,” Theismann nói, “nằm ở việc áp dụng nó và không chấp nhận bất cứ điều gì, ngoài thứ tốt nhất.”

Kết nối với người khác cũng giống như bất cứ điều gì khác trong cuộc sống: bạn phải có ý định thực hiện nó. Điều đó không có nghĩa là bạn phải tỏ ra to tát, hay hào nhoáng. Huấn luyện viên doanh nghiệp Clancy Cross thừa nhận: “Mọi người thường nhầm lẫn giữa năng lượng với khối lượng hay tốc độ. Một nhạc sĩ biết rằng cần nhiều năng lượng để hát hoặc chơi chậm rãi và nhẹ nhàng (và kết nối với khán giả) hơn là chạy đua hoặc la lối. Ngay cả cái cách chúng ta ngồi với mọi người và lắng nghe họ cũng đòi hỏi năng lượng. Họ sẽ phát hiện ra nếu chúng ta làm vậy mà thiếu vắng năng lượng. Bạn không thể làm giả năng lượng và cũng không thể giả mạo một kết nối.”

Để kết nối, bạn phải chuyên tâm và thể hiện một cách tốt nhất nếu không bạn sẽ không thể thành công. Việc đó cần năng lượng, cho dù bạn đang chỉ đạo một cuộc họp, uống cà phê với một người bạn, nói chuyện với một lượng lớn khán giả. Tuy nhiên, tôi không nghĩ ra cách nào giúp mở rộng năng lượng tốt hơn thế.

“Điều duy nhất khiến một người bước tiếp là năng lượng và nó là gì ngoài tình yêu cuộc sống?”

– Louis Auchincloss

KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI Ở MỌI CẤP ĐỘ

10637.jpg

Nguyên tắc kết nối: Kết nối luôn đòi hỏi năng lượng.

Khái niệm chính: Nhóm càng lớn, càng cần nhiều năng lượng hơn để kết nối.

KẾT NỐI TRỰC TIẾP VỚI MỘT NGƯỜI

Nhiều người lười biếng khi nói đến kết nối trực tiếp với một người. Họ coi việc mọi người sẽ lắng nghe họ là chuyện đương nhiên. Nhưng suy nghĩ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người khác, đặc biệt là những người gần gũi nhất với bạn, chẳng hạn như bạn bè và gia đình của bạn.

Hãy né tránh cạm bẫy đó. Lần tới, khi kết nối trực tiếp với một ai đó, hãy thúc đẩy về mặt tinh thần và tình cảm. Nếu mang năng lượng có chủ định vào cuộc trò chuyện, bạn sẽ khiến mọi người dễ dàng kết nối với mình hơn.

Nếu đang tìm cách để gia tăng năng lượng trong các giao tiếp trực tiếp với một người, bạn hãy tham khảo cách tôi và Margaret đã sử dụng trong nhiều năm:

• Viết ra một mảnh giấy những điều quan trọng đã xảy ra với bạn trong ngày.

• Đối với những việc quan trọng, không nói với bất cứ ai khác trước khi chia sẻ nó với một người cụ thể.

• Hãy dành thời gian mỗi ngày để xem qua danh sách với người đó, việc làm này đòi hỏi sự chủ ý và năng lượng.

KẾT NỐI TRONG NHÓM

Khi bạn kết nối với một nhóm hoặc trong một cuộc họp, năng lượng trong phòng có thể thay đổi nhanh chóng. Đôi khi nhóm sẽ mang lại rất nhiều năng lượng để xử lý và thực hiện công việc. Nhưng có lúc với tư cách nhà lãnh đạo hoặc người giao tiếp, bạn sẽ cần phải sắp xếp và tạo ra năng lượng.

Lần tới khi bạn giao tiếp với một nhóm, đừng cho phép bản thân trở nên tự mãn. Hãy mang năng lượng vào quy trình xử lý công việc và tiếp tục duy trì nó – thậm chí ngay cả khi năng lượng trong phòng đã ở mức tích cực. Đừng buông thả năng lượng, mọi người sẽ có trải nghiệm tốt hơn nếu bạn giữ được nó. Ngoài ra, bạn sẽ có được sự tôn trọng của mọi người nếu kiểm soát được năng lượng.

Tôi chủ trì một hội nghị bàn tròn về lãnh đạo với 15-30 nhà lãnh đạo điều hành cấp cao vài lần một năm. Dưới đây là các hướng dẫn tôi luôn tuân thủ:

• Trước khi hội nghị diễn ra, tôi gặp từng người và giới thiệu về bản thân.

• Tôi đặt ra cho từng nhà lãnh đạo một câu hỏi để khám phá điểm độc đáo về họ.

• Vào đầu hội nghị, tôi để họ đặt ra cho tôi các câu hỏi và tôi cố gắng hết sức để trả lời họ.

• Nếu một số người còn e dè chưa nhập cuộc, tôi sẽ lôi kéo họ bằng cách nói cho những người khác về sự độc đáo của họ và điều đó có liên quan như thế nào đến chủ đề này.

• Tôi kết thúc hội nghị bằng cách hỏi mọi người xem mình có thể giúp gì để họ thành công hơn.

KẾT NỐI VỚI KHÁN GIẢ

Không có khán giả nào tới một sự kiện với hy vọng sẽ mang năng lượng đến cho diễn giả. Họ đến với hy vọng sẽ được nhận về thay vì cho đi. Nếu là một diễn giả, bạn phải luôn ghi nhớ điều đó. Đám đông càng lớn, bạn càng phải cung cấp nhiều năng lượng hơn.

Hãy suy nghĩ về cách bạn có thể làm tăng năng lượng của mình khi nói chuyện với khán giả. Ví dụ, sự tự tin, xuất phát từ sự chuẩn bị; niềm đam mê, xuất phát từ niềm tin; sự tích cực, xuất phát từ niềm tin vào con người. Tất cả đều mang lại năng lượng. Càng mang nhiều năng lượng đến, bạn càng có cơ hội truyền tải nó đến khán giả và đương nhiên bạn càng có cơ hội kết nối với họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.