Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối

06: NHỮNG NỀN TẢNG CHUNG CỦA KẾT NỐI



Nếu phải chọn quy tắc đầu tiên về kết nối – những bài học thực tế quan trọng nhất giúp bạn mở ra cánh cửa kết nối với người khác – thì đó là tìm kiếm một nền tảng chung. Quy tắc đó rất hiệu quả cho dù bạn đang giải quyết xung đột với bạn đời, dạy con, đàm phán một thỏa thuận, bán một sản phẩm, viết một cuốn sách, chỉ đạo một cuộc họp, hay giao tiếp với khán giả.

Tôi đã giải thích về việc mình quá tập trung vào bản thân như thế nào trong những năm đầu tiên bước vào con đường trở thành nhà lãnh đạo kiêm diễn giả. Và chỉ khi bắt đầu nhận ra kết nối chủ yếu liên quan đến những người khác, tôi đã bắt đầu cải thiện được kỹ năng. Thật khó để tìm thấy điểm chung với những người khác khi bạn chỉ quan tâm đến bản thân mình!

Tôi nghĩ bạn sẽ hiểu người khác hơn khi bạn hiểu chính mình. Tuy nhiên, để phát triển lên một tầm cao mới, bạn phải nỗ lực hiểu những người khác. Tôi đã trải qua khoảnh khắc “aha” vốn đã giúp tôi kết nối với những người khác khi tôi đọc cuốn sách của Florence Littauer, Personality Plus (Tạm dịch: Điểm cộng nhân cách). Lần đầu tiên, tôi nhận ra rằng những tính cách khác nhau khiến mọi người suy nghĩ và hành động khác biệt so với tôi. Điều đó có vẻ rõ ràng đối với bạn, nhưng lại mới mẻ đối với tôi. Quan trọng hơn, tôi nhận ra rằng không có tính cách nào là chuẩn mực. Thành thật mà nói, trong nhiều năm, tôi nghĩ rằng tính cách hay nóng giận của tôi lấn át hẳn tất cả những người khác. Kết quả là, tôi đã cố gắng để thay đổi tính khí và mượn những tính cách mà tôi cho là chuẩn mực từ những người khác. Dù có vẻ như tôi dành ra khá nhiều nỗ lực nhưng lại chẳng thu được thành quả nào.

Tôi tiếp tục tập trung vào việc tìm hiểu cách người khác nghĩ và nhận thức về thế giới. Gần đây, tôi đọc một cuốn sách của Terry Felber mang tên Am I Making myself clear? (Tạm dịch: Tôi có đang hiểu rõ chính mình không?), ông nói rằng mỗi người có các hệ thống đại diện khác nhau dựa trên năm giác quan, trong đó cung cấp cơ sở ban đầu cho những suy nghĩ và cảm xúc của họ. Ví dụ, nếu một số người đi bộ ra bãi biển cùng nhau, hồi ức của họ về trải nghiệm đó sẽ rất khác nhau dựa trên hệ thống đại diện của họ. Một người có thể nhớ cảm giác ánh nắng mơn man trên da hay cát vờn dưới chân mình. Người khác có thể nhớ làn sóng biển và màu sắc sống động trong cảnh hoàng hôn. Người thứ ba có thể miêu tả âm thanh của đại dương và những chú chim và người còn lại có thể cảm nhận được mùi mặn mòi của biển cả và mùi kem dưỡng da toả ra từ những người tắm nắng gần đó. Mỗi người trong chúng ta tạo ra một khuôn khổ cho cách chúng ta xử lý thông tin. Felber nói: “Nếu bạn có thể học cách xác định xem những người xung quanh bạn trải nghiệm thế giới ra sao và thực sự cố gắng trải nghiệm thế giới tương tự như họ, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên trước mức độ hiệu quả về kết nối mà bạn đạt được.” Đó chỉ đơn giản là một cách khác để tìm kiếm điểm chung.

Thật khó để tìm thấy điểm chung với những người khác khi bạn chỉ quan tâm đến bản thân mình!

RÀO CẢN ĐỐI VỚI VIỆC TÌM KIẾM ĐIỂM CHUNG

Những người kết nối luôn tìm kiếm điểm chung. Điều đó có vẻ hiển nhiên bởi mọi mối quan hệ tích cực được xây dựng trên lợi ích và giá trị chung. Họ xây dựng dựa trên thỏa thuận, thay vì bất đồng. Nhưng nếu điều đó là sự thật, tại sao rất nhiều người bỏ qua việc tìm kiếm điểm chung và xây dựng mối quan hệ dựa trên nó? Có rất nhiều lý do, nhưng với tôi, có bốn rào cản hàng đầu cho việc tìm kiếm điểm chung. Bạn phải tìm cách dỡ bỏ chúng:

1. Giả định – “Tôi đã biết người khác biết gì, muốn gì và cảm nhận như thế nào.”

Jerry Ballard nói: “Tất cả những sai lầm trong giao tiếp là kết quả của các giả định khác nhau.” Đôi khi kết quả thật bi thảm. Thường thì chúng có thể hài hước, như trường hợp của một vị khách du lịch chờ giữa các chuyến bay tại sân bay. Cô ấy đến phòng chờ, mua một gói bánh quy nhỏ và sau đó ngồi xuống dãy ghế để đọc báo.

Cô ấy thấy tiếng động sột soạt phát ra từ một người đàn ông ăn mặc gọn gàng đang thò tay lấy bánh quy “của cô”. Cô không muốn gây ồn nên đã cúi xuống và cầm lấy túi bánh “của mình”, hy vọng anh ta sẽ hiểu. Một lúc sau, cô lại nghe thấy tiếng sột soạt. Không thể tin được. Anh ta lại đang lấy thêm bánh!

Chỉ còn duy nhất một chiếc bánh. Trong khi cô còn đang không tin nổi vào mắt mình, người đàn ông nọ đã bẻ chiếc bánh làm đôi, đưa 1 nửa về phía cô và đút nửa còn lại vào miệng.

Cô vẫn cảm thấy giận dữ đến tận khi nghe thấy loa thông báo lên máy bay. Khi mở túi xách của mình để tìm vé, cô ngạc nhiên xen lẫn bối rối tột độ khi thấy gói bánh của mình vẫn chưa được bóc và đang nằm gọn trong túi.

Người đàn ông kia đang ăn vụng bánh của cô ấy − đó là những gì tôi đã nghĩ ban đầu khi đọc câu chuyện. Và nó đã cho chúng ta biết rất nhiều điều về bản thân. Tôi thường xuyên cảm thấy tội lỗi về việc đưa ra các giả định về mọi người. Tôi thường “vơ đũa cả nắm” khi đưa ra các nhận định. Thật dễ để “gán mác” cho mọi người và rồi sau đó, thấy mình đã nhầm.

Chúng ta cần nhớ rằng mọi hành động “vơ đũa cả nắm” đều sai lầm, bao gồm cả câu chuyện trên. Khi một người bị gán mác, chúng ta sẽ gặp khó khăn khi nghĩ khác về họ. Chúng ta cần trở thành người sáng suốt. Mỗi khi gặp một khách hàng, hãy đưa ra các tiêu chí đo lường mới. Đừng bao giờ giả định rằng mọi người đều giống hệt như lần gần nhất ta gặp họ.

Thật thiếu khôn ngoan khi đưa ra các giả định về những người khác, ngay cả khi họ gần gũi với bạn. Deb Ingino, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc của mywiredstyle.com, đã kể cho tôi nghe về một người mẹ đơn thân trẻ tuổi từ một hội thảo làm cha mẹ mà cô hướng dẫn, người đã đưa ra các giả định khi nói đến con trai mình. Người mẹ thường nói với cậu con trai rằng cậu giống hệt cha. Vấn đề là cha của cậu bé đang ở tù và người mẹ thường nói những điều tiêu cực về anh ta. Người mẹ cho rằng con trai mình biết rằng cô yêu thằng bé và cô đang nói về các đặc điểm tính cách của nó. Nhưng những lời nhận xét đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến cậu bé, nên cô đã thay đổi cách tương tác của mình và có chủ đích hơn trong cách kết nối với con trai mình. Deb nói: “Bây giờ, cô ấy đã tìm cách khám phá những gì thằng bé biết, nuôi dưỡng thế mạnh của nó, động viên thằng bé và thấy một sự cải thiện đáng kể trong hành vi của cậu và mối quan hệ của họ.”

Bạn có đưa ra các giả định về mọi người – dựa trên học vấn, nghề nghiệp, chủng tộc, giới tính, tuổi tác, quốc tịch, chính trị, tôn giáo, hoặc các yếu tố khác? Bất cứ khi nào nhanh chóng đưa ra giả định, bạn sẽ thôi chú ý đến mọi người và bỏ lỡ các đầu mối sẽ giúp bạn tìm ra điểm chung với họ. Khi điều đó xảy ra, sẽ rất khó khăn trong việc kết nối.

“Tất cả những sai lầm trong giao tiếp là kết quả của các giả định khác nhau.”

– Jerry Ballard

2. Ngạo mạn – “Tôi không cần biết người khác biết gì, muốn gì và cảm nhận ra sao.”

Người kiêu ngạo hiếm khi gặp gỡ những người khác dựa trên điểm chung. Bởi họ không nỗ lực – họ tin rằng họ không cần phải thế. Họ nghĩ mình ở đẳng cấp cao hơn so với mọi người và không muốn hạ mình ngang hàng với những người khác. Họ hy vọng tất cả mọi người sẽ tìm cách để được ngang hàng với họ.

Một trong những “bí kíp” để hiểu người khác là xem xét quan điểm của họ. Chánh án tòa án tối cao Louis D. Brandeis thừa nhận: “9/10 những tranh cãi nghiêm trọng nảy sinh trong cuộc sống là do hiểu lầm, từ một người không biết những thực tế mà đối với người khác lại rất quan trọng, hoặc không đánh giá đúng quan điểm của đối phương.”

Hầu hết chúng ta đều sẵn sàng thừa nhận mình cần một chút giúp đỡ từ bạn bè. Những người nghĩ rằng mình biết mọi câu trả lời chỉ là sự ảo tưởng một cách vô vọng. Họ giống Archie Bunker trong bộ phim sitcom All in the family (Tạm dịch: Tất cả về gia đình). Khăng khăng, hẹp hòi và mù quáng, Bunker muốn tất cả mọi người phải tuân theo luật riêng của ông ta. Bạn bè, gia đình và những người xung quanh phải chịu đựng những lời lăng mạ của ông ta. Edith đáng thương, vợ ông ta, là người thường xuyên phải chịu đựng những điều tồi tệ nhất. “Vấn đề của chúng ta, Edith,” có lần ông ta nói với bà, “là tôi nói tiếng Anh, còn bà nghe bằng tiếng của kẻ ngốc.”

Tôi đã nghiên cứu các nhà lãnh đạo và các nhà giao tiếp trong hơn 40 năm và đáng buồn là hầu hết mọi người đều cố gắng tạo ra tình huống về năng lực hoặc quan điểm của họ khi giao tiếp. Kết quả là, họ hiếm khi kết nối được bởi luôn thường trực sự kiêu ngạo về bản thân, tạo nên rào cản giữa họ và những người khác. Bạn không thể xây dựng mối quan hệ với tất cả mọi người trong phòng khi bạn không quan tâm đến bất cứ ai ở đó.

3. Sự thờ ơ – “Tôi không quan tâm những người khác biết gì, muốn gì và cảm nhận ra sao.”

Diễn viên hài George Carlin nói đùa rằng: “Ngày nay, các nhà khoa học công bố rằng họ đã phát hiện ra một phương thuốc chữa bệnh thờ ơ. Tuy nhiên, họ khẳng định không ai mảy may quan tâm đến nó.” Câu nói này còn ám chỉ đến một số người khi giao tiếp. Họ có thể không ngạo mạn, nhưng cũng không tìm cách tìm hiểu về đối phương. Có lẽ bởi việc đó tốn khá nhiều công sức.

Mỗi năm, tôi đi khắp thế giới để diễn thuyết. Tôi nhận thấy việc đó rất khó khăn. Thường có các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa cần phải vượt qua. Tôi không ngừng tìm cách để kết nối bằng việc tìm điểm chung cho các sự kiện này và việc đó khiến tôi luôn phải chuẩn bị rất nhiều.

Nhiều năm trước, Margaret và tôi đã đưa các con, Joel Porter và Elizabeth đến Nga. Vào thời điểm đó, đất nước này đang trong quá trình chuyển đổi với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Tôi được giao nhiệm vụ đưa ra một bài phát biểu quan trọng tại điện Kremlin và trong quá trình chuẩn bị, tôi đã cố gắng nghĩ cách để kết nối với khán giả. Sau đó, tôi nảy ra ý tưởng: con gái tôi, Elizabeth, có một chất giọng tuyệt vời và đang tìm kiếm cơ hội hát cho mọi người nghe bằng tiếng Nga.

Elizabeth đã tập luyện rất lâu và chăm chỉ học phát âm để hát. Tại sự kiện, khi con bé cất giọng hát, khán giả đã trầm trồ. Cả khán phòng lập tức trở nên sôi nổi. Và khi bài hát kết thúc, tiếng vỗ tay vang dội khắp phòng! Điều đó rất có ý nghĩa đối với họ, cho thấy nỗ lực kết nối của con bé với họ bằng ngôn ngữ của họ. Cựu tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela, đã từng nói: “Nếu bạn nói chuyện với một người bằng thứ ngôn ngữ mà anh ta biết, anh ta sẽ hiểu. Nếu bạn nói chuyện với anh ta bằng ngôn ngữ của anh ta, anh ta sẽ cảm nhận được.”

Sự thờ ơ thực sự là một dạng của sự ích kỷ. Các nhà kết nối chỉ tập trung vào bản thân và sự thoải mái của riêng họ thay vì cởi mở và tìm cách tốt nhất để thu hút những người khác.

Nếu bạn đã từng có một thời gian khó kết nối với mọi người bởi bạn không nỗ lực hiểu họ, thì hãy nhớ lời của nhà văn người Anh, George Eliot, rằng: “Hãy cố gắng quan tâm đến thứ gì đó trong thế giới rộng lớn này, ngoài sự hài lòng về những ham muốn ích kỷ nhỏ nhoi. Hãy cố gắng quan tâm đến những suy nghĩ và hành động tốt đẹp nhất – vốn là một phần tích cực ngoài những đen đủi của bản thân. Hãy quan sát cuộc sống của những người khác bên cạnh bạn. Tìm hiểu những khó khăn của họ và nguyên nhân của chúng.” Hầu hết mọi người đều đánh giá cao sự nỗ lực của bạn, dù là nhỏ nhất, trong việc quan sát mọi thứ từ quan điểm của họ.

4. Kiểm soát – Tôi không muốn người khác biết tôi biết gì, muốn gì và cảm nhận như thế nào.”

Việc tìm kiếm điểm chung là một con đường hai chiều. Dù việc tập trung vào những người khác để hiểu họ rất quan trọng, nhưng việc cởi mở và chân thành để người khác hiểu bạn cũng quan trọng không kém. Tất nhiên, không phải mọi nhà lãnh đạo và nhà giao tiếp đều sẵn sàng làm điều này. Như tác giả kiêm cựu đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, Mike Abrashoff, thừa nhận: “Một số nhà lãnh đạo cảm thấy họ sẽ duy trì được sự kiểm soát khi giữ mọi người trong bóng tối. Nhưng đó là sự điên rồ của nhà lãnh đạo và là sự thất bại của một tổ chức. Bí mật sinh ra sự cô lập thay vì thành công. Kiến thức là sức mạnh, nhưng những gì các nhà lãnh đạo cần là sức mạnh tập thể, đòi hỏi sự hiểu biết mang quy mô tập thể. Càng nhiều người biết các mục tiêu, tôi càng có thêm sức mạnh và chúng tôi sẽ cùng đạt được nhiều kết quả khả quan hơn.” Như C. Hannan chỉ ra, nếu bạn tiếp tục dấn bước, kết quả thậm chí có thể tốt hơn. Hannan nói: “Nếu bạn giải thích lý do có được kết quả đó, nó không chỉ giúp người khác hiểu được mục đích, mà còn để họ thấy được tầm nhìn và trở thành một phần trong đó. Sau đó, các bạn có thể làm việc cùng nhau!”

Bạn không thể xây dựng một mối quan hệ với tất cả mọi người trong phòng khi bạn không quan tâm đến bất cứ ai ở đó.

Bất cứ lúc nào mà các nhân viên cảm thấy rằng họ không thể tiếp cận thông tin và không góp phần vào việc đạt được các mục tiêu của tổ chức, họ cảm thấy mình như những người đứng ngoài cuộc. Kết quả là, tinh thần của họ giảm sút và do đó, kéo theo hiệu suất của họ. Tương tự như vậy, khi các khán giả cảm thấy một diễn giả không cởi mở, họ sẽ cảm thấy xa lạ.

Tôi thích việc Jim Lundy đưa vấn đề này vào cuốn sách của ông Lead, Follow, or Get out of the way (Tạm dịch: Dẫn dắt, theo sau, hoặc đừng ngáng đường). Trong cuốn sách, ông đưa ra phản ứng của những người làm việc trong một môi trường với các nhà lãnh đạo kém cởi mở. Ông viết về “Lời than thở của cấp dưới”, với nội dung: “Chúng ta, những cá thể không thống nhất, đang nỗ lực vì những người không thể tiếp cận; đang làm những việc bất khả thi để nhận về sự vô ơn!” Và “Lời than thở trang trại nấm”: “Chúng tôi cảm thấy đang bị giam cầm trong bóng tối. Thi thoảng ai đó đến và rắc phân lên chúng tôi. Khi chúng tôi ngoi đầu lên, họ liền cắt phéng đi, và sau đó, đóng chúng tôi vào hộp.”

Các nhà lãnh đạo và nhà giao tiếp giỏi không cô lập chính mình và họ không cố tình giam hãm mọi người trong bóng tối. Họ thông báo tin tức cho mọi người, khiến họ trở thành một phần trong những gì đang xảy ra và kéo họ tham gia vào việc ra quyết định bất cứ khi nào có thể. Bạn không thể tạo ra điểm chung nếu bạn từ chối không cho bất cứ ai biết về bạn hoặc bạn tin vào điều gì.

“Chúng ta, những cá thể không thống nhất, đang nỗ lực vì những người không thể tiếp cận; đang làm những điều bất khả thi để nhận về sự vô ơn!”

– Lời than thở của cấp dưới, theo Jim Lundy

ƯƠM MẦM TƯ DUY ĐIỂM CHUNG

Hầu hết mọi người đều tin rằng việc tìm kiếm điểm chung với những người khác là một vấn đề liên quan đến tài năng chỉ có ở những người kết nối giỏi, trong khi những người khác thì không. Dù không phải ai sinh ra cũng có khả năng kết nối như nhau, nhưng tôi cũng tin rằng bất cứ ai cũng có thể học cách để kết nối tốt hơn bởi kết nối là một lựa chọn. Nó là một tư duy có thể học hỏi được. Nếu muốn gia tăng điểm mạnh về kết nối, hãy đưa ra những lựa chọn sau đây trong cuộc sống hàng ngày của bạn:

Kết nối là một lựa chọn.

Luôn rảnh rỗi – “Tôi sẽ dành thời gian cho người khác.”

Cần phải tìm ra điểm chung và đương nhiên, việc đó cần thời gian. Có người từng nói với tôi rằng các giám đốc điều hành doanh nghiệp điển hình ở Mỹ có khả năng tập trung vào công việc với chu kỳ 6 phút. Thật thảm hại. Việc tìm ra điểm chung trong thời gian 6 phút là một việc bất khả thi.

Luôn rảnh rỗi cũng đòi hỏi phải có chủ đích. Hans Schiefelbein đã viết: “Khi còn phụ trách nhóm lớn, tôi thường ở gần mọi người trong quá trình sản xuất, đi xung quanh vì muốn tỏ vẻ mình quan trọng, vì vậy tôi không rảnh rỗi. Điều đó có thể xuất phát từ cái tôi và có thể khác so với việc tìm kiếm điểm chung, nhưng có lẽ đó là một lực kéo khiến nhà lãnh đạo không còn rảnh rỗi.”

Với tư cách một nhà lãnh đạo và nhà giao tiếp, tôi đã luôn coi việc rảnh rỗi với mọi người là mục tiêu của mình. Khi ở cùng bạn bè hoặc gia đình, tôi luôn cố gắng gần gũi họ. Khi là một diễn giả, tôi ký sách và nói chuyện với mọi người trong giờ giải lao thay vì nghỉ ngơi. Khi là một mục sư tại nhà thờ địa phương, tôi có một quy tắc vào ngày Chủ nhật cho bản thân và các nhân viên của mình: khi các giáo dân có mặt tại nhà thờ, sẽ không có cuộc họp kín nào. Tôi muốn các nhân viên của tôi bước chậm qua đám đông và luôn thảnh thơi. Tôi cũng vậy. Tôi chào mọi người, nói chuyện và lắng nghe họ. Việc đó không chỉ giúp tôi kết nối với từng người trong số họ, mà còn giúp tôi tập trung vào họ lúc tôi nói chuyện.

Lắng nghe – “tôi sẽ làm theo cách của mình để tìm được điểm chung.”

Khi còn bé, tôi thường chơi trò “Nóng hoặc Lạnh” với bạn bè. Một đứa phải rời khỏi phòng trong khi những đứa khác giấu một vật nhỏ nào đó đi. Khi đứa trẻ kia trở lại, nó phải tìm cho ra đồ vật đó. Khi tìm xung quanh, những đứa trẻ khác sẽ nói cho nó biết liệu nó đang lạnh hơn (di chuyển ra xa vật bị giấu) hoặc nóng lên (tiến gần hơn đến vật bị giấu). Khi đứa trẻ kia đến rất gần vật bị giấu, một đứa trong nhóm sẽ nói: “Cậu bị cháy rồi!”

Tôi tin mỗi ngày trong cuộc sống, mọi người vẫn đang chơi các biến thể của trò “Nóng hoặc Lạnh”. Họ đang tìm kiếm thành công, nhưng không biết nó nơi đâu. Họ tìm kiếm những người có những giá trị chung với họ, nhưng không biết làm thế nào để tìm thấy. Nếu là một nhà lãnh đạo hoặc nhà giao tiếp, bạn có cơ hội giúp họ tìm kiếm. Nhưng để làm điều đó, bạn cần phải học cách lắng nghe. Làm sao bạn biết họ đang tìm gì?

Việc tìm kiếm điểm chung đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến những người khác. Sonya Hamlin, trong cuốn sách How to talk so people listen đã lưu ý rằng hầu hết mọi người cảm thấy việc này khó khăn do “đề-cao-bản-thân-trước”. Cô viết: “Lắng nghe buộc bạn phải từ bỏ trò tiêu khiển mà con người ưa thích – tập trung tuyệt đối vào bản thân. Và đó là động lực giúp chúng ta làm bất cứ điều gì. Với việc coi đây là một cơ sở, bạn có thể thấy vấn đề xuất hiện như thế nào khi chúng ta được đề nghị lắng nghe một ai đó?”

Giải pháp của cô là gì? “Để khiến bất cứ ai lắng nghe thông điệp của bạn,” cô gợi ý, “bạn luôn phải trả lời câu hỏi theo bản năng của người nghe: “Tại sao tôi nên lắng nghe bạn? Tôi được gì khi lắng nghe thông điệp ấy?” Bất cứ lúc nào bạn sẵn sàng lắng nghe người khác và phát hiện ra thông điệp của bạn đáp ứng được nhu cầu của họ như thế nào, bạn sẽ tìm thấy cách để đạt đến điểm chung.

“Lắng nghe buộc bạn phải từ bỏ trò tiêu khiển mà con người ưa thích –tập trung tuyệt đối vào bản thân. Và đó là động lực giúp chúng ta làm bất cứ điều gì.”

– Sonya Hamlin

Các câu hỏi – “tôi có đủ hứng thú với mọi người để đặt ra các câu hỏi không?”

Peter Drucker, cha đẻ của ngành quản trị hiện đại, đã nhận xét: “Sức mạnh lớn nhất của tôi với tư cách một nhà tư vấn là phải tỏ ra kém cỏi và đặt ra các câu hỏi.” Một cách tuyệt vời để tìm thấy điểm chung! Tôi đã áp dụng điều đó vào sự nghiệp diễn thuyết của mình. Bất cứ khi nào được đề nghị nói trước một tổ chức, tôi luôn liên hệ trước để đặt ra vài câu hỏi và tìm hiểu thêm về họ. Có lúc, tôi bắt đầu bài diễn thuyết của mình bằng cách đặt câu hỏi. Thường thì tôi sẽ hỏi: “Có bao nhiêu người trong các bạn đến từ cộng đồng doanh nghiệp? Cộng đồng giáo dục? Chính phủ? Các cộng đồng tôn giáo?” Những câu hỏi này không chỉ giúp tôi biết về khán giả của mình mà còn để mọi người hiểu rằng tôi muốn biết về họ.

Larry King, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, đã thực hiện hàng ngàn cuộc phỏng vấn, nói rằng việc đặt câu hỏi là bí quyết của mỗi cuộc trò chuyện hiệu quả. “Tôi tò mò về mọi thứ,” King viết trong cuốn How to talk anyone, anytime, anywhere (Tạm dịch: Làm thế nào để nói chuyện với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu). “Tại sao” là câu hỏi lớn nhất tôi đã và sẽ luôn hỏi. Đó là cách đảm bảo nhất để giữ một cuộc trò chuyện luôn sống động và thú vị.”

Nếu không phải là người đặc biệt dễ gần hoặc gặp khó khăn trong quá trình đặt câu hỏi, bạn có thể sử dụng mẹo mực mà Duke Brekhus đã học được từ Ron Puryear. Hãy nhớ từ FORM, viết tắt của các từ Family (Gia đình), Occupation (Nghề nghiệp), Recreation (Vui chơi giải trí) và Message (Thông điệp). Duke nhận xét: “Khi đặt câu hỏi tập trung vào các chủ đề này, chúng ta có thể biết rõ về một người và nhanh chóng hiểu họ.

Chu đáo – “tôi sẽ nghĩ về những người khác và tìm cách cảm ơn họ.”

Trong những năm 1970, tôi là mục sư của một nhà thờ đang phát triển nhanh ở Lancaster, Ohio, nơi mỗi ngày, lịch hẹn và các cam kết của tôi kín đặc và đòi hỏi nhiều thời gian. Và bởi thiếu nhân viên, tôi thường cảm thấy công việc quá tải.

Một ngày nọ, tôi thấy một cái tên không có trên lịch hẹn. Mặc dù người đàn ông đó là một thành viên của nhà thờ, nhưng anh ta không phải là một nhà lãnh đạo. Vào thời điểm đó, tôi đang cố tập trung vào nhóm 20% các nhà lãnh đạo.

Cảm thấy sốt ruột, tôi hỏi trợ lý của tôi rằng anh ta muốn gì. Khi cô trợ lý nói mình không biết, tôi cảm thấy rất khó chịu.

Khi Joe đến văn phòng của tôi, tôi đã lên lịch để tiễn được anh ta càng sớm càng tốt.

“Tôi có thể giúp gì cho anh?” Tôi hỏi ngay khi anh ta vừa ngồi xuống.

“Không gì cả, thưa mục sư,” anh ta trả lời trước sự ngạc nhiên của tôi. “Tôi chỉ muốn hỏi, tôi có thể giúp gì cho anh? Tôi đã tự đặt ra câu hỏi đó trong vài tuần qua và khi có câu trả lời, tôi đã đặt lịch hẹn. John, tôi có thể thấy lịch trình của ngài dày đặc và ngài đang rất bận rộn. Tôi muốn hỗ trợ ngài vài việc cá nhân. Nếu ngài có danh sách những thứ muốn tôi làm giúp, hãy đưa nó cho trợ lý của ngài, tôi sẽ ghé qua vào chiều thứ Năm hàng tuần và giải quyết chúng. Ngài thấy sao?”

Tôi vừa sốc vừa cảm thấy xấu hổ. Thật là một lời đề nghị chu đáo. Trong 6 năm sau đó, Joe đã làm việc vặt cho tôi vào mỗi chiều thứ Năm. Anh ấy đã dạy tôi rất nhiều về việc tìm kiếm điểm chung vào ngày hôm đó. Và anh ấy đã trở thành một người bạn mà tôi vô cùng biết ơn. Nếu có thể cho đối phương thấy một kiểu chu đáo tương tự, bạn cũng sẽ tìm thấy điểm chung với họ.

Cởi mở – “tôi sẽ để mọi người bước vào cuộc sống của tôi.” 

Gần đây, tôi có vinh dự được ăn tối với cựu Thượng nghị sĩ và ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa, Bob Dole. Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thú vị về thuật lãnh đạo, chính trị và các sự kiện toàn cầu. Một trong những điều tôi đã đề cập với ông tối hôm đó là việc tôi rất ấn tượng với cách vợ ông, Elizabeth Dole, đã xử lý các bài phát biểu của bà tại hội nghị của Đảng Cộng hòa vào năm 1996. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, bà rời khỏi bục, bước gần tới khán giả và nói: “Cho đến giờ, quý vị vẫn biết là theo truyền thống thì diễn giả tại Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng hòa thường đứng trên bục diễn thuyết rất oai nghiêm. Nhưng hôm nay, tôi muốn phá vỡ truyền thống đó vì hai lý do, một, tôi sẽ nói chuyện với những người bạn. Thứ hai, tôi sẽ nói về người đàn ông tôi yêu. Và điều đó sẽ mang lại sự thoải mái cho tôi khi được đứng gần hơn với quý vị.” Elizabeth Dole đã tìm ra cách để thể hiện sự cởi mở của mình với mọi người và tạo ra cảm giác thân thiện với khán giả của mình.

Giao tiếp liên quan đến sự cởi mở trong việc tìm kiếm sự thân thiện đối với những người khác. Trong thực tế, từ “giao tiếp” (communication) xuất phát từ từ “communis” trong tiếng Latin, có nghĩa là “phổ biến”. Trước khi có thể giao tiếp hiệu quả, chúng ta phải tạo ra sự cởi mở – chúng ta càng làm tốt điều đó, khả năng giao tiếp hiệu quả càng lớn.

Tuy vậy, việc đó không dễ dàng đối với tất cả mọi người. Michelle Pack hiểu được điều này. Cô nói: “Tôi sẽ lắng nghe những người khác trong nhiều giờ, chủ yếu bởi đó là những gì mọi người mong muốn nhất. Tuy nhiên, do từng bị tổn thương về mặt tình cảm, nên tôi đóng cửa trái tim mình và không chia sẻ cảm xúc với những người khác. Là một trong những người viết sách và mong muốn giao tiếp, đây là rào cản lớn nhất mà tôi cần phá bỏ.” Kết nối luôn cần cả hai phía tham gia một cách cởi mở.

Được yêu mến – “Tôi sẽ quan tâm đến mọi người.”

Roger Ailes, một cựu cố vấn truyền thông cho tổng thống, tin rằng yếu tố có ảnh hưởng nhất đối với khả năng nói trước công chúng là việc được yêu mến. Ông nói rằng nếu mọi người yêu mến bạn, họ sẽ lắng nghe bạn, nếu không, họ sẽ phớt lờ bạn. Vì vậy, làm thế nào để trở thành một người được yêu mến? Hãy chăm sóc người khác. Mọi người dành thiện cảm cho những người yêu quý họ. Khi những người khác biết bạn quan tâm đến họ, họ sẽ lắng nghe bạn.

Grace Bower viết thư kể cho tôi nghe một câu chuyện về con gái cô, Louise. Khi Louise là sinh viên đại học ở Auckland, New Zealand, Victoria và Phil, hai người bạn của cô đã sinh con đầu lòng. Louise rất thân với họ và muốn làm điều gì đó cho họ. Cô đã cố gắng đặt mình vào vị trí của họ, tự hỏi điều gì là hữu ích nhất đối với những người mới có con đầu lòng. Cô nảy ra ý tưởng mua thực phẩm cho họ trong sáu tuần đầu tiên sau khi Andrew, đứa con của họ, chào đời.

Mỗi tuần, cô lấy danh sách mua sắm và tiền từ Victoria và tự mình đi đến các cửa hàng. Louise cũng rất chu đáo. Cô mua cả những mặt hàng thiết yếu không có trong danh sách, bởi cô biết Victoria và Phil sẽ cần đến chúng. Họ đã rất vui mừng và thực sự cảm nhận được sự quan tâm của cô dành cho họ. Hai năm sau, khi hai vợ chồng họ có đứa con thứ hai, Louise lại tiếp tục mua sắm cho họ. Ai lại không thích có một người bạn như thế chứ?

Hãy nghĩ đến giáo viên bạn yêu quý. Tôi cá là họ hẳn rất đáng mến. Hãy nghĩ về những người láng giềng mà bạn nhớ nhất từ thời thơ ấu. Họ không đáng yêu sao? Các bạn học hoặc người thân của bạn thì sao? Những ông chủ tốt nhất của bạn thì thế nào? Rất có thể tất cả những người này đều rất đáng yêu! Đó là sức hấp dẫn đáng có và nó khiến những người khác muốn kết nối với bạn.

Ai cũng dành thiện cảm cho những người yêu quý mình.

Khiêm tốn – “tôi sẽ nghĩ mình luôn kém cỏi hơn so với mọi người.”

Nhà thơ, nhà báo, kiêm biên tập viên Alan Ross khẳng định: “Khiêm tốn có nghĩa là biết và sử dụng sức mạnh của bạn vì lợi ích của người khác, nhân danh mục đích cao đẹp hơn. Nhà lãnh đạo khiêm tốn không phải là người yếu kém mà rất mạnh mẽ… không phải chỉ nghĩ đến bản thân, mà luôn tận dụng tốt nhất các điểm mạnh của bản thân vì lợi ích của người khác. Một nhà lãnh đạo khiêm tốn không phải là người không quan tâm đến bản thân, mà chọn xem xét nhu cầu của những người khác trong quá trình hành động vì một mục đích xứng đáng. Tôi thích sự hiện diện của một nhà lãnh đạo khiêm tốn bởi họ mang lại những điều tốt nhất cho tôi. Họ tập trung vào mục đích của tôi, đóng góp của tôi và khả năng của tôi để hoàn thành tất cả những gì tôi buộc phải thực hiện.” Khiêm nhường giả tạo là hạ thấp thế mạnh của một người để nhận được lời khen ngợi. Kiêu ngạo là nâng cao thế mạnh của mình để nhận được lời khen ngợi. Khiêm tốn nâng người khác lên để họ được khen ngợi.

“Khiêm tốn có nghĩa là biết và sử dụng sức mạnh của bạn vì lợi ích của người khác, nhân danh một mục đích cao đẹp hơn.”

– Alan Ross

Nhiều năm trước, tôi được mời phát biểu bế mạc một hội nghị có sự tham gia phát biểu của rất nhiều người. Trong hai ngày, tôi đã ngồi với khán giả và được nghe rất nhiều câu chuyện về thành công. Mọi diễn giả đều thành công trong cuộc sống gia đình, kinh doanh và cộng đồng. Tất cả họ đều chia sẻ những câu chuyện về thành công trong quá trình xây dựng công ty và thu hút được mọi người. Tuy nhiên, tôi có cảm giác dường như diễn giả sau đang cố gắng “thành công hơn” diễn giả nói trước họ.

Đến ngày thứ ba, tôi đã bị choáng ngợp và quá tải. Tôi cảm thấy như bị các diễn giả khác lấn át hoàn toàn. Hồ sơ, tài năng, kinh nghiệm và thành công của tôi có vẻ không là gì so với họ. Và tôi biết khán giả cũng có cảm nhận như tôi. Khi cảm thấy giữa họ và các diễn giả có một khoảng cách rất lớn, họ uể oải và thấy nản lòng.

Trong giờ nghỉ trưa, tôi suy nghĩ về việc mình có thể làm gì để xoay chuyển tình thế. Một người nào đó cần kết nối với khán giả và thu hẹp khoảng cách. Đột nhiên, tôi nghĩ ra mình sẽ bỏ bài phát biểu đã chuẩn bị đi và nhanh chóng phác thảo ra một bản mới. Bài phát biểu đó chia sẻ những thất bại, thay vì thành công. Trong đó, tôi đưa ra những câu chuyện về những sai lầm lớn nhất, ý tưởng tồi tệ nhất và thất bại lớn nhất của tôi ở cương vị lãnh đạo. Tất cả mọi người đều từng bị cuộc sống chà đạp. Đó là nơi tôi sẽ tìm kiếm điểm chung.

Khi nói chuyện, tôi bắt đầu bằng cách nói rằng tôi và có lẽ cả khán giả có lẽ đã nghe quá nhiều về chủ đề thành công. Trong một giờ sau đó, tôi chia sẻ với họ những thất bại của tôi ở cương vị lãnh đạo cũng như khi là một người bình thường. Tôi thừa nhận mình đã rất ngạc nhiên khi tổ chức tôi dẫn dắt vẫn hoạt động tốt. Với mỗi câu chuyện trung thực về thất bại, khán giả và tôi xích lại gần hơn và tìm thấy điểm chung. Họ hào hứng với tôi. Họ kết nối với sự thẳng thắn của tôi. Khi phần phát biểu kết thúc, tôi nói với họ rằng tôi tin tưởng họ và tất cả khán giả đã đứng lên vỗ tay bởi họ vui mừng về tiềm năng tương lai của họ. Họ tin rằng nếu tôi có thể thành công, thì họ cũng có thể.

Nếu bạn muốn tác động đến mọi người, đừng nói về những thành công; thay vào đó, hãy nói về những thất bại của bạn. Nhà hoạt động dân quyền Cornel West nói: “Khiêm tốn bao gồm hai điều sau. Thứ nhất là khả năng tự phê bình… Hai là, cho phép những người khác tỏa sáng, khẳng định và nâng cao vị thế, tạo điều kiện cho mọi người. Những người thiếu sự khiêm nhường thường giáo điều và tự cao. Điều đó che đi ý thức sâu sắc về sự bất an. Họ cảm thấy thành công của người khác được đánh đổi bằng sự nổi tiếng và vinh quang của chính họ.”

Vậy, bạn đã biến những ý tưởng này thành hành động như thế nào? Tôi khuyên bạn nên làm theo lời khuyên của mục sư kiêm tác giả Rick Warren, người cho rằng sự khiêm tốn đến từ:

• Việc thừa nhận điểm yếu của chúng ta

• Kiên nhẫn với điểm yếu của người khác

• Cởi mở sửa sai

• Chú ý đến điểm mạnh ở người khác

Hãy làm điều đó với mọi người, họ sẽ bị thu hút bởi bạn và lắng nghe những gì bạn nói.

“Khiêm tốn bao gồm hai điều sau. Thứ nhất là khả năng tự phê bình… Hai là, cho phép những người khác tỏa sáng, khẳng định và nâng cao vị thế, tạo điều kiện cho mọi người.”

– Cornel West

Khả năng thích nghi – “tôi sẽ đi từ thế giới của tôi sang thế giới của họ.”

Để làm thay đổi những người khác, đầu tiên, chúng ta phải sẵn sàng thay đổi, di chuyển đến vị trí của họ. Chúng ta phải thích ứng với những người khác và quan sát mọi thứ từ quan điểm của họ.

Henry J. Kaiser, nhà đóng tàu, người đã cách mạng hóa ngành công nghiệp này vào những năm 1940, đã chi khoảng 200.000 đô-la một năm cho các khoản thanh toán điện thoại mà ông kết nối với các lãnh đạo chủ chốt của mình trên toàn quốc. Rất lâu trước khi loại hình gọi hội nghị (conference call) trở nên phổ biến, ông đã sắp xếp để các thành viên trong đội ngũ ở nhiều địa điểm kết nối với nhau trong cùng một cuộc điện thoại. Ông có thể đã không đủ sức để chuyển dịch thế giới của các nhà lãnh đạo nhưng ông đã kết nối với họ một cách tốt nhất có thể.

Joel Dobbs giải thích rằng khi giữ chức giám đốc một công ty lớn của Nhật Bản, ông đã phải đối mặt với những khó khăn to lớn trong việc kết nối với mọi người ở Nhật. “Ngôn ngữ và văn hóa là một ma trận,” Joel giải thích, “vì vậy mỗi người phải rất cẩn thận trong việc sử dụng những ý nghĩa liên quan đến từ ngữ. Các mối quan hệ đang ngày càng phức tạp bởi hầu hết công việc của chúng tôi được tiến hành thông qua phiên dịch viên khiến sự tương tác khách quan hơn. Tôi nhận thấy việc cùng dùng bữa và nghiêm túc thử cũng như thưởng thức một số món ăn lạ xuất hiện trong thực đơn cũng giúp ích rất nhiều trong việc củng cố mối quan hệ.”

Bất cứ lúc nào bạn nhận thức được khoảng cách giữa bạn và những người mà bạn đang cố gắng kết nối, thì việc di chuyển đến thế giới tinh thần của họ, và tìm kiếm điểm trải nghiệm chung là một hành động khôn ngoan. Đó là những gì tôi đã làm trong những năm 1980 khi khả năng lãnh đạo và hoạt động thuyết giảng của tôi bắt đầu có được sự công nhận trên toàn nước Mỹ. Vào thời điểm đó, Viện Charles Fuller đang tổ chức buổi hội thảo mang tên “Phá vỡ rào cản 200” cho các mục sư của những nhà thờ nhỏ trên cả nước. Họ mời tôi đến phát biểu tại lễ bế mạc sự kiện này và tôi biết đó sẽ là một thách thức đối với mình. Nhà thờ tôi quản lý lúc đó có hơn 2.500 người tham dự. Làm sao tôi có thể đưa các mục sư của các nhà thờ nhỏ khác vào khi giáo đoàn của tôi có hàng ngàn người trong đó? Quan trọng hơn, làm sao tôi có thể giúp họ gần gũi với tôi?

Tôi đã dành thời gian suy nghĩ về thế giới của họ, những thách thức và ước mơ của họ. Sau đó, tôi nảy ra ý tưởng: nhà thờ của tôi ở Hillham sẽ là điểm chung của chúng tôi. Đó là nhà thờ nhỏ nhất trong các nhà thờ và nó phát triển từ hơn 200 người dưới sự chỉ đạo của tôi. Tôi sẽ cho họ thấy mình đã phát triển nhà thờ này như thế nào và họ có thể sẽ cảm thấy gần gũi với trải nghiệm của tôi đồng thời đưa ra một kế hoạch cho riêng mình. Chiến lược đó đã mang lại hiệu quả. Chúng tôi kết nối trong các lần gặp mặt, họ học hỏi từ kinh nghiệm của tôi và hàng ngàn các mục sư tiếp tục phát triển nhà thờ của họ.

Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy không chắc chắn về cách thu hẹp khoảng cách trong giao tiếp, đừng bắt đầu quá trình bằng cách nói với mọi người về bản thân bạn. Hãy bắt đầu bằng việc tiến đến vị trí của họ và quan sát mọi thứ từ quan điểm của họ. Hãy thích ứng với họ và đừng nên chỉ mong đợi điều ngược lại.

CÁC NHÀ KẾT NỐI LUÔN CHỦ ĐỘNG

Việc sẵn sàng quan sát mọi thứ từ quan điểm của người khác là bí quyết giúp tìm ra điểm chung và việc tìm được điểm chung chính là một “bí kíp” cho kết nối. Làm được điều này sẽ khiến khả năng giao tiếp của bạn được cải thiện đáng kể trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bởi điều này rất quan trọng, nên tôi muốn đưa ra bốn gợi ý để giúp bạn trở thành một nhà kết nối tốt hơn.

1. Đặt câu hỏi “Tôi có cảm nhận như bạn không?” trước khi hỏi “Anh có cảm nhận như tôi không?”

Giao tiếp hiệu quả đưa mọi người vào cuộc hành trình. Chúng ta không thể dẫn những người khác vào cuộc hành trình trừ khi chúng ta khởi hành từ vị trí của họ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể kết nối và dẫn họ đến nơi mà chúng ta muốn.

Herb Kelleher, nhà sáng lập Southwest Airlines, là một bậc thầy về vấn đề này. Ông thường xuyên liên lạc với những người làm việc cho hãng hàng không. Ông đi khắp đất nước, gặp gỡ và dành nhiều thời gian với các nhân viên ở mọi cấp độ của tổ chức, từ giám đốc điều hành cho đến các nhân viên đại lý vé máy bay, từ các tiếp viên hàng không đến các nhân viên hành lý. Ông biết mọi người cảm thấy như thế nào bởi ông đã đến nơi họ làm việc và trải nghiệm những gì họ làm. Thái độ và hành động của ông tạo nên điểm chung và phá vỡ các rào cản giữa cấp trên và nhân viên. Không có gì lạ khi những người làm việc cho ông đều yêu quý và lắng nghe ông.

Nếu bạn muốn tìm ra điểm chung với những người khác, hãy bắt đầu từ cảm xúc của họ. Kết nối ở cấp độ cảm xúc là kết nối sẽ dễ dàng nhất trong mọi cấp độ kết nối.

2. Hỏi “Tôi có thấy thứ anh thấy?” trước khi hỏi “Anh có thấy thứ tôi thấy?”

Với cương vị lãnh đạo và nhà kết nối, tôi luôn để mọi người thấy những gì tôi thấy. Việc làm đó xuất phát từ bản thân tôi và tôi thích nói về bất cứ thứ gì có thể. Thường thì, khi tổ chức không phát triển như tôi mong muốn, tôi sẽ nghĩ, nếu những người khác có thể nhìn thấy tương lai theo cách tôi nhìn thấy nó, thì chúng tôi có thể cùng tiến về phía trước. Nhưng vấn đề thực sự là tôi muốn người khác nhìn thấy mọi thứ theo cách của tôi đầu tiên. Hoặc tệ hơn, tôi cho rằng họ đã nhìn thấy tất cả mọi thứ từ quan điểm của tôi. Quan niệm sai lầm như vậy có thể dẫn đến kết quả khiêm tốn và đôi khi thật nực cười.

Khi Orville và Wilbur Wright thành công trong việc điều khiển chiếc máy bay của họ tại Kitty Hawk, North Carolina vào ngày 17 tháng 12 năm 1903, họ đã gửi điện tín cho chị gái họ ở Dayton, Ohio, để nói về việc họ đã thực hiện được điều tuyệt vời đó ra sao: “Hôm nay, lần đầu tiên bọn em đã duy trì được chuyến bay trong 59 giây. Hy vọng bọn em có thể về nhà vào dịp Giáng sinh.”

Chị gái của họ, vui mừng trước tin tức này, đã vội vã tới văn phòng của tờ báo địa phương và đưa bức điện tín cho biên tập viên để anh ta đăng tin về nó. Sáng hôm sau, một bài báo đã xuất hiện với dòng tít: “Các nhà buôn xe đạp nổi tiếng trong khu vực sẽ về nhà vào kỳ nghỉ lễ!”

Làm sao biên tập viên đó có thể hiểu nhầm tin tức như vậy? Anh ta đã không thấy thứ mà chị gái của Orville và Wilbur thấy. Chúng ta thấy sự nhầm lẫn này có vẻ hài hước, nhưng chúng ta cũng phạm phải những sai lầm về nhận thức tương tự như vậy. Mọi người có thể ở cùng vị trí, thời điểm, có chung trải nghiệm, nhưng việc quan sát từ vị trí khác sẽ cho thấy rất nhiều khác biệt. Các nhà kết nối tài năng hiểu rõ xu hướng này và đã nỗ lực quan sát mọi thứ từ quan điểm của người khác trước.

Hơn 30 năm trước, tôi vinh dự được nói chuyện với Paul Rees tại một hội nghị các nhà lãnh đạo. Nổi tiếng với tầm nhìn và trí tuệ sâu sắc, lúc đó ông khoảng 80 tuổi, còn tôi chỉ mới ngoài 30. Trong phần Hỏi-Đáp, có người hỏi rằng nếu được trẻ lại và làm điều gì đó khác biệt, ông sẽ làm gì? Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời của ông: “Nếu tôi có thể trở lại thời còn là một ông bố trẻ, tôi sẽ nỗ lực hơn trong việc quan sát mọi thứ qua lăng kính của các con tôi.” Ông tiếp tục giải thích rằng ông đã bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc hướng dẫn các con bởi ông muốn chúng thấy những gì ông thấy trước.

3. Hỏi “Tôi có biết điều anh biết?” trước khi hỏi “Anh có biết điều tôi biết?”

Trong nhiều năm ở cương vị lãnh đạo và một mục sư, tôi đã cố gắng để giúp mọi người giải quyết những xung đột trong các mối quan hệ. Phần lớn thời gian, khi tôi kéo những người liên quan tới một tình huống ngồi lại với nhau để giao tiếp, họ chỉ có một mong muốn lớn nhất là đưa ra quan điểm dưới góc nhìn của họ. Họ muốn đảm bảo rằng họ đúng. Khi cuộc xung đột đó liên quan tới tôi, tôi thường để họ nói cho đến “khô cổ” và sau đó đặt ra vài câu hỏi. Chỉ sau khi tôi biết họ hiểu vấn đề đó như thế nào, tôi mới tìm cách chia sẻ quan điểm của mình về câu chuyện. Người đưa ra các câu trả lời trước khi nắm rõ vấn đề quả thực là những kẻ ngu ngốc.

Abraham Lincoln nói: “Khi sẵn sàng tranh luận với một người, tôi dành 1/3 thời gian để nghĩ về bản thân và những gì tôi sẽ nói, 2/3 thời gian còn lại tôi nghĩ về anh ta và những gì anh ta sẽ nói.” Đó là điều bạn nên làm nếu muốn tìm thấy điểm chung với mọi người.

4. Hỏi “Tôi có biết điều anh muốn không?” trước khi hỏi “Anh có biết tôi muốn gì không?”

Các nhà lãnh đạo giáo hội biết rằng việc tham gia giáo hội thường thay đổi theo mùa. Trong hầu hết các nhà thờ, việc tham gia vào mùa hè bị giảm sút bởi mọi người thường đi nghỉ, họ muốn dành nhiều thời gian vào các hoạt động ngoài trời vào cuối tuần và họ cảm thấy mệt mỏi vì phải trông con cái do bọn trẻ không đến trường.

Khi quản lý một nhà thờ, tôi cố gắng làm một điều gì đó mỗi năm để tăng lượng người tham dự vào mùa hè. Sau nhiều nỗ lực vô ích, cuối cùng, tôi đã nghĩ ra giải pháp. Vào một mùa xuân, tôi đã chia sẻ với giáo hội rằng vào mùa hè, tôi sẽ nói về một loạt chủ đề mang tên “Bạn đưa ra chủ đề”. Tôi khuyến khích mọi người tham dự đưa ra yêu cầu về chủ đề họ muốn tôi chia sẻ nhất và tôi sẽ chốt 10 chủ đề được yêu cầu nhiều nhất. Hàng ngàn người đã tham gia, chúng tôi đã chọn ra 10 chủ đề được yêu cầu nhiều nhất và biến chúng thành các chủ đề của bài giảng trong suốt mùa hè. Kết quả là số lượng người tham gia thực sự tăng lên, bởi tôi biết mọi người muốn tìm hiểu về vấn đề gì.

Nhà phát minh Charles F. Kettering nói: “Có rất nhiều sự khác biệt giữa biết và hiểu. Bạn có thể biết rất nhiều về một điều gì đó nhưng có thể không thực sự hiểu nó.” Điều đó cũng tương tự đối với con người. Có thêm thông tin không phải lúc nào cũng là câu trả lời. Để thực sự hiểu mọi người, bạn phải biết họ muốn gì và việc đó buộc bạn phải “có một cái đầu lạnh và một trái tim nóng”.

Khi thực sự muốn biết về một người nào đó, tôi đặt ra ba câu hỏi. Câu trả lời của mọi người cho những câu hỏi này giúp tôi có cái nhìn sâu sắc về nội tâm của một ai đó. Các câu hỏi gồm:

• Bạn mơ ước được làm gì?

• Bạn vui vì điều gì?

• Bạn khóc vì chuyện gì?

Nếu biết câu trả lời cho những câu hỏi này, bạn có thể tìm thấy điểm chung với ai đó và kết nối với họ.

Tôi chắc chắn không thể nghĩ ra yếu tố quan trọng nào để giao tiếp ngoài việc tìm kiếm điểm chung. Điểm chung là nơi mọi người có thể thảo luận về sự khác biệt, chia sẻ ý tưởng, tìm giải pháp và bắt đầu cùng tạo ra một điều gì đó. Thật sai lầm khi mọi người thường xuyên coi giao tiếp là quá trình truyền tải một lượng lớn thông tin cho người khác. Như tôi đã đề cập, giao tiếp là một cuộc hành trình. Mọi người càng có nhiều điểm chung, họ càng có cơ hội để thực hiện cuộc hành trình cùng nhau.

“Có rất nhiều sự khác biệt giữa biết và hiểu. Bạn có thể biết rất nhiều về một điều gì đó nhưng có thể không thực sự hiểu nó.”

– Charles F. Kettering

KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI Ở MỌI CẤP ĐỘ

11032.jpg

Thực tế kết nối: Các nhà kết nối đều kết nối dựa trên điểm chung.

Khái niệm chính: Biết rõ lý do bạn và người nghe muốn truyền tải và tạo dựng cầu nối giữa các lý do đó.

KẾT NỐI TRỰC TIẾP VỚI MỘT NGƯỜI

Mỗi người có lý do riêng để giao tiếp với nhau. Để kết nối dựa trên điểm chung, bạn phải biết lý do của bản thân và của đối phương, sau đó kết nối cả hai với nhau. Điểm mấu chốt trong việc tìm được điểm chung là biết biến tương tác thành một tình thế cùng thắng cho cả đôi bên.

Xây dựng một cầu nối dựa trên điểm chung khi giao tiếp với một người dễ dàng hơn với nhiều người bởi bạn có thể nhận được thông tin phản hồi ngay lập tức và liên tục từ đối phương. Để tìm thấy điểm chung, hãy đặt câu hỏi nhưng đừng quên để mắt đến những sở thích và trải nghiệm chung. Khi bạn tìm thấy điểm chung, hãy kể những câu chuyện, chia sẻ cảm xúc và đưa ra những bài học từ trải nghiệm đó. Và nếu có thể, hãy cùng làm điều gì đó mà cả hai bạn đều thích.

KẾT NỐI TRONG NHÓM

Việc tìm kiếm điểm chung trong một nhóm khó khăn hơn một chút bởi bạn không thể tập trung vào một người duy nhất. Để kết nối với cả một nhóm, hãy bắt đầu bằng cách tự hỏi: “Điều gì đã đưa chúng ta đến với nhau?” Câu trả lời cho câu hỏi đó thường mang đến cho bạn một điểm khởi đầu hiệu quả.

Nếu nhóm bị buộc phải quy tụ lại, chẳng hạn như cùng một bộ phận trong công ty, thì hãy tự hỏi: “Một trong những mục tiêu mà tất cả chúng ta có là gì?” Với mục tiêu đó trong tâm trí, hãy thừa nhận sự khác biệt của tất cả mọi người cũng như khả năng đóng góp vào mục tiêu chung, sử dụng các kỹ năng độc đáo của họ, nhắc nhở họ rằng mục tiêu quan trọng hơn vai trò. Và khi nhóm hoàn thành công việc, hãy cùng nhau ăn mừng.

KẾT NỐI VỚI KHÁN GIẢ

Khi mọi người đến nghe ai đó thuyết giảng, họ hy vọng tìm được thứ có thể giúp họ. Một khán giả thấy trước vấn đề sẽ coi đây là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất trong tâm trí họ. Một khán giả không thân thiện có thể không nghĩ về điều đó, nhưng nếu lắng nghe là lợi thế của họ, họ sẽ cởi mở với nó. Hãy khai thác mong muốn này để kết nối dựa trên điểm chung vào lần sau khi bạn giao tiếp với đám đông khán giả. Sử dụng mô hình sau: Feel (cảm nhận), Felt (đã cảm nhận), Found (đã thấy), Find (tìm thấy).

• Feel: Hãy cố gắng thấu hiểu cảm nhận của họ, thừa nhận và xác nhận cảm xúc của họ.

• Felt: Chia sẻ với họ rằng bạn cũng có cảm nhận tương tự.

• Found: Chia sẻ với họ những gì bạn đã thấy có thể giúp ích cho bạn.

• Find: Đề nghị giúp mọi người tìm thấy sự giúp đỡ cho cuộc sống của họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.