Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối

08: CÁC NHÀ KẾT NỐI TẠO RA MỘT TRẢI NGHIỆM MÀ MỌI NGƯỜI ĐỀU THÍCH THÚ



Bạn sẽ chọn những từ nào để mô tả các nhà giao tiếp giỏi nhất, những người đã kết nối rất hiệu quả với bạn? Vui vẻ? Tràn đầy năng lượng? Hài hước? Nếu nghĩ thêm, chắc bạn có thể đưa ra hàng tá các tính cách. Bây giờ, hãy nghĩ về những người bạn không quan tâm nhất, những người đã không thể kết nối với bạn. Nếu tôi đề nghị bạn mô tả họ chỉ bằng một từ, thì đó là gì? Tôi cá rằng từ đó sẽ là Nhàm chán. Đó là từ tốt nhất để mô tả một người không kết nối với những người khác. Mỗi ngày, ở khắp mọi nơi, hàng triệu đôi mắt díp lại trong lớp học, nhà thờ, phòng họp và phòng khách vì những người không thú vị và không thể kết nối với những người xung quanh.

Có bao nhiêu bài học được nghe giảng trong lớp học mà bạn thực sự nhớ? Bao nhiêu cuộc hội thoại khiến bạn ấn tượng? Hay bao nhiêu bài phát biểu khiến bạn không thể quên? Trong hàng ngàn người có thể bạn chỉ nhớ được một người. Huấn luyện viên thuyết trình tập đoàn Jerry Weissman chỉ ra rằng: “Một vài người thường lặp đi lặp lại các bài thuyết trình và chúng rất nghèo nàn. Một ước tính gần đây cho rằng có 30 triệu bài thuyết trình sử dụng Microsoft PowerPoint được tạo ra mỗi ngày. Tôi chắc chắn rằng bạn đã tham dự một bài trong số đó. Bao nhiêu bài thực sự đáng nhớ, hiệu quả và thuyết phục? Có lẽ chỉ rất ít.”

Vâng, tin tốt là: cho dù kỹ năng hiện tại của bạn trong lĩnh vực này đến đâu, bạn vẫn có thể khiến nó tốt hơn. Trở nên thú vị hoàn toàn có thể học được. Trong những năm đầu sự nghiệp, tôi không phải là một diễn giả thú vị. Thực tế, trước khi có công việc đầu tiên, tôi vẫn học đại học, tôi đã làm một bài kiểm tra đo độ sáng tạo. Điểm số của tôi thấp nhất lớp! Tôi nghĩ rằng: Ôi không, mình sẽ trở thành nhà thuyết giáo nhàm chán mất.

Đó là khi tôi bắt đầu việc thu thập những câu trích dẫn, các câu chuyện và minh họa cho bài nói của mình. Tôi phát hiện ra mình không thể thú vị, ít nhất là tôi đã bê nguyên mọi thứ vào thông điệp của mình.

Tất nhiên, cho dù bạn có nỗ lực kết nối và cố gắng để thú vị ra sao, bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Khi tôi là một mục sư thuyết giảng gần như mỗi Chủ nhật, các con tôi còn rất bé. Vào những đêm thứ Bảy, khi cầu nguyện với con gái Elizabeth của tôi, tôi thấy con bé thường cầu nguyện: “Chúa lòng lành, làm ơn hãy giúp cha con không trở nên nhàm chán vào ngày mai.”

Tôi thường được biết đến như một mục sư, người được con gái hỏi tại sao cha luôn cầu nguyện trước khi bước vào thánh đường.

“Con yêu,” tôi trả lời, “cha làm điều đó để xin Chúa giúp ta hoàn thành tốt bài giảng của mình.”

Cô gái nhỏ ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi lại: “Sao Người vẫn không giúp cha?”

Tôi khó có thể trách được bọn trẻ. Như một đứa trẻ lớn lên trong nhà thờ, lời cầu nguyện của tôi vào mỗi sáng Chủ Nhật chỉ mặc nhiên là như thế…

Những người thuyết giảng như chúng tôi đã làm chính xác những gì mà người viết diễn văn nổi tiếng nhất của Ronald Reagan, Peggy Noonan, đã khuyên không nên làm. Họ đã đưa ra những gì mà cô gọi là bài phát biểu dạng võng: “Bài phát biểu được cột hai đầu vào hai cái cây to đẹp và ở giữa là một phần êm dịu khiến chúng ta ngủ gật.” Bạn không thể làm điều đó nếu muốn duy trì một kết nối tích cực với khán giả!

CÁCH ĐỂ TRỞ NÊN THÚ VỊ

Sau khi đưa ra hàng nghìn bài phát biểu và kết nối trong nhiều thập niên, tôi đã học được một số điều về cách để trở nên thú vị với người khác và biến giao tiếp trở thành một trải nghiệm mà mọi người đều thích thú. Tôi sẽ trình bày về cách tốt nhất mà mình học được – khi giao tiếp với một người, nhóm hoặc với khán giả. Hãy cố gắng làm nhiều nhất có thể bảy điều sau khi chuẩn bị giao tiếp, dù với một người, 100 người hay cả ngàn người:

1. Chịu trách nhiệm về các thính giả của bạn

Tôi thường nghe các diễn giả nói những khán giả không hưởng ứng bài phát biểu của họ. Tôi nghĩ rằng họ đã nhầm. Nhìn chung, không có khán giả tồi, chỉ có diễn giả tồi. Nếu khán giả ngủ gật, ai đó cần phải đi lên sân khấu và đánh thức diễn giả dậy!

Cuốn sách Executive Speeches (Tạm dịch: Những bài phát biểu của các nhà điều hành) của Brent Filson chứa đựng những lời khuyên về các bài phát biểu của CEO. Một CEO viết: “Hiến pháp đảm bảo tự do ngôn luận, nhưng nó không đảm bảo những người nghe. Ngay cả khi bạn có được người nghe, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ lắng nghe bạn. Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên của bạn với tư cách một diễn giả là lôi kéo và giữ được sự chú ý của khán giả. Cho dù mục đích của bạn là gì, bạn đều có cơ hội tốt nhất để thành công khi biết sự chú ý của họ là trách nhiệm của bạn, chỉ bạn mà thôi.” Các nhà giao tiếp tài năng chịu trách nhiệm về phản ứng của những người khác đối với họ, ngay cả trong bối cảnh đặt dưới các điều kiện khó khăn.

Nhìn chung, không có khán giả tồi, chỉ có diễn giả tồi.

Hầu như mọi người đều đã nghe câu nói: “Bạn có thể dẫn con ngựa đến bến nước, nhưng không thể khiến nó uống nước.” Điều đó có thể đúng. Nhưng bạn có thể cho con ngựa ăn muối và khiến nó khát. Nói cách khác, bạn có thể khiến các thính giả của mình cảm thấy hào hứng.

Khi nói chuyện với mọi người, tôi cảm thấy đó là trách nhiệm của tôi khi phải biến buổi nói chuyện thành một trải nghiệm học tập thú vị. Làm thế nào tôi có thể nắm bắt được sự chú ý của họ? Cần phải làm gì để khiến bài phát biểu thật đáng nhớ? Làm thế nào tôi có thể nắm bắt được sự chú ý của họ và khiến họ ở lại đến cuối cùng?

Mọi người thường hy vọng trách nhiệm của người nghe là “đón nhận” những gì người nói đưa ra và phản hồi phù hợp. Tôi gọi đó là kiểu giao tiếp dạng nghĩa trang: rất nhiều người ở đó, nhưng không ai lắng nghe. Để tránh trở thành kiểu diễn giả đó, tôi không bao giờ quên rằng công việc của mình là khiến người nghe thích thú, kích thích các khán giả, tận hưởng trải nghiệm và bổ sung giá trị cho những người khác. Khi đó, nhiệm vụ của tôi đã được hoàn thành. Tôi đã kết nối.

Tôi đã cố gắng duy trì tư duy đó khi viết sách. Khi bắt đầu viết, tôi thường cảm thấy không đủ để giữ sự hứng thú của người đọc. Trong giao tiếp trực tiếp với một người, tôi là người giao tiếp khá tốt. Và với tư cách một diễn giả, tôi biết cách sử dụng uy tín để lôi kéo khán giả. Tôi thể hiện rằng mình thật sự quan tâm đến mọi người và luôn tạo ra một không khí vui vẻ với họ. Tôi đã sử dụng ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt và giọng điệu tích cực để giữ được “lửa” ở khán giả. Là một nhà văn, tôi không có lợi thế đó nữa. Tôi thường tự hỏi có cách nào có thể khiến các cuốn sách của tôi thú vị. Tôi đã có những thay đổi nhờ đọc về nhà sử học Barbara Tuchman. Trong sự nghiệp viết lách, cô thường có một mẩu giấy nhỏ dán trên máy đánh chữ của mình với nội dung: “Độc giả sẽ giở trang tiếp theo chứ?”cô không coi đó là trách nhiệm của độc giả; mà là trách nhiệm của mình.

Trong nhiều năm gắn bó với nghề viết, tôi cũng đã đặt ra câu hỏi tương tự. Nó nhắc tôi chịu trách nhiệm về hứng thú của người đọc. Khi bắt đầu viết, tôi nghĩ, điều gì khiến tôi muốn đọc nó? Sau khi viết được một chương, tôi cố gắng đọc nó từ quan điểm của những người quan tâm muốn đọc cuốn sách này. Điều gì thúc đẩy họ lật giở các trang tiếp theo? Những gì khuyến khích họ đọc hết cuốn sách?

Tôi cũng chịu trách nhiệm tạo ra một trải nghiệm mà những người khác thích thú khi tôi đứng trước một nhóm nhỏ khán giả. Nếu chúng tôi cùng ăn tối, tôi sẽ tìm cách để trò chuyện một cách vui vẻ. Tôi nghĩ rằng tôi có thể nói gì để khiến mọi người vui vẻ bên bàn ăn? Làm thế nào tôi có thể thu hút họ? Nếu tôi ở cùng bạn bè trên một chuyến đi hoặc một đêm ở ngoài thành phố, tôi cố gắng tạo ra những kỷ niệm. Ví dụ, cách đây vài năm, tôi mời Dan, Patti Reiland, Tim và Pam Elmore cùng Margaret và tôi nghỉ cuối tuần tại New York. Một đêm, khi chúng tôi ăn tối tại Tavern trên đường Green, một nhà hàng ở Công viên Trung tâm, một điểm đến du lịch lớn. Sau đó, chúng tôi đến Macy’s và thay vì đi bộ hoặc bắt taxi, chúng tôi thuê xe đạp đôi. Để khiến nó trở thành một kỷ niệm đáng nhớ, tôi đã biến nó thành một cuộc đua và bất cứ ai đến Macy’s trước sẽ nhận được 50 đô-la tiền thưởng.

Tất cả đều nỗ lực hết sức khi khởi hành. Chúng tôi đã len lỏi trong dòng giao thông đông đúc. Một vài lần, tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị ngã nhào. Đó là chuyến đi thú vị nhất chúng tôi từng có. Đó thực sự là một kỷ niệm tuyệt vời.

Bạn có thể nghĩ thật vô lý khi tặng cho một người tham gia khoản tiền 50 đô-la. Tuy nhiên, cái giá bạn đặt vào một trải nghiệm đáng nhớ là gì? Đó là khả năng kết nối! Và đó là thứ mà tất cả chúng tôi sẽ nhớ mãi. Tôi muốn nói rằng cái giá đó rất xứng đáng – và đáng để nỗ lực. Như một nhà lãnh đạo, tôi tin rằng đó là đặc ân và trách nhiệm của tôi trong việc mang đến cho mọi người những trải nghiệm khiến họ thích thú. Với tư cách một người chồng, người cha, người ông, điều đó thậm chí còn quan trọng hơn với tôi. Tạo ra trải nghiệm tích cực và đáng nhớ giúp kết nối với các gia đình hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi khuyến khích bạn chịu trách nhiệm về điều đó.

Kiểu giao tiếp dạng nghĩa trang: rất nhiều người ở đó, nhưng không ai lắng nghe.

2. Giao tiếp trong thế giới của họ

Những người cha ngày xưa thường không chia sẻ nhiệm vụ nuôi dạy con cái theo cách ngày nay. Đàn ông và phụ nữ thường sống ở hai thế giới khác nhau. Một người đàn ông đam mê bóng chày thường ra ngoài ăn tối với vợ khi con họ khóc. Người phụ nữ đã dành cả ngày để chăm sóc con và kiệt sức. Vì vậy, cô nhờ chồng thay tã cho con.

“Anh không biết thay tã,” người chồng cố tìm cách để thoái thác.

“Hãy nhìn đây,” vừa lườm chồng, cô vừa nói, “anh hãy đặt chiếc tã ra bên ngoài như dạng hình thoi rồi gập chéo cạnh thành hình tam giác như thế này. Đặt mông con, lấy góc thứ nhất và thứ ba, gập vào và đặt xuống dưới. Và nếu không được – anh có thể bắt đầu làm lại.”

Nếu muốn chuyển tải thông điệp của bản thân, bạn phải học cách giao tiếp trong thế giới của người khác. Kết nối với những người khác đòi hỏi kỹ năng này. Các diễn giả thường xuyên nói không muốn hoặc không thể thoát ra khỏi thế giới riêng của họ để nói mọi điều từ quan điểm của người nghe. Khi điều đó xảy ra, không những kết nối không được tạo ra, mà còn thực sự tạo ra khoảng cách giữa người nói và người nghe.

Quản lý cấp cao về kỹ thuật, Lars Ray, nhận xét:

Tôi thường được yêu cầu trình bày các ý tưởng hoặc giải pháp cho những sản phẩm mới được phát triển. Trừ khi tôi đang nói chuyện với các kỹ sư khác, những người chuyên về các vấn đề này, nếu không đó là những thông tin nhàm chán và tẻ ngắt. Bởi luôn có các thành viên từ ban quản lý, lãnh đạo, hoặc nhóm tài chính xuất hiện trong hàng ngũ khán giả, cho nên tôi phải chịu trách nhiệm về họ và đảm bảo rằng những gì được chuyển tải sẽ đến với những người tham gia một cách có ý nghĩa và kích thích hành động… thay vì mặc nhiên cho rằng họ hiểu các thông tin kỹ thuật.

Mọi người không nhớ những gì chúng ta cho là quan trọng; họ nhớ những gì họ cho là quan trọng.

Một trong những thách thức đầu tiên về giao tiếp của tôi xảy ra do tôi nghĩ rằng những người lắng nghe quan tâm đến chủ đề mà tôi đang nói. Tôi dành cả tuần để chuẩn bị một thông điệp sẽ trình bày vào ngày Chủ nhật. Tôi nghĩ giáo đoàn sẽ mong đợi ngày Chủ nhật trôi qua như tôi. Nhưng thực tế, họ đang sống cuộc sống của họ – làm việc, dành thời gian với gia đình, chạy việc vặt, chơi thể thao… Và tôi không thể mong đợi họ bước vào thế giới của tôi. Nếu tôi muốn kết nối, tôi phải gặp họ trong thế giới của họ.

Điều này cũng đúng với những người trong giới kinh doanh, đặc biệt là các nhân viên bán hàng và những người làm việc với khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng. Diễn giả, huấn luyện viên kiêm tác giả Teri Sjodin đã nói:

Trung bình, các khách hàng tiềm năng chỉ giữ lại một nửa những gì chúng ta nói với họ. Một giờ trôi qua, họ đánh rơi 10% trong số ít những gì họ biết ban đầu. Sau khi cảm thấy buồn ngủ, có thể là 20% nữa. Khi giờ cao điểm buổi sáng dần giảm, họ đã tránh được hai vụ va chạm trên đường, thấy sếp để các mẩu ghi chú trên bàn họ và họ quên thêm 10% nữa. Vì vậy, trong suốt thời gian chúng ta cho rằng một khách hàng tiềm năng đang suy nghĩ về đề nghị của mình trên thực tế, họ đã quên béng nó.

Để kết nối với những người khác trong thế giới của họ, bạn không thể chỉ sống trong thế giới của riêng bạn. Bạn phải liên kết những gì bạn muốn nói với nhu cầu của người khác. Mọi người không nhớ những gì chúng ta cho là quan trọng, họ nhớ những gì họ cho là quan trọng. Đó là lý do tại sao việc tránh sử dụng các thuật ngữ trừu tượng và biến những gì bạn nói trở thành thứ mang tính cá nhân cao bất cứ khi nào có thể là một ý tưởng tuyệt vời. Nếu bạn là một phần của đội ngũ lãnh đạo thuộc một tổ chức, đừng nói về những gì “ban quản lý” tin tưởng hoặc những gì “ban lãnh đạo” dự định thực hiện. Hãy nói những gì bạn đang làm. Nếu nói chuyện với nhân viên, đừng nói về họ như thể họ không ở đó; hãy đề cập trực tiếp đến họ. Tốt hơn, bất cứ khi nào có thể, hãy sử dụng từ “chúng ta” để bao gồm cả người nghe khi nói về mọi người trong nhóm. Nó gợi nhắc đến một câu ngạn ngữ cổ:

Nói vào mặt tôi, anh sẽ nói chuyện một mình.

Nói với tôi, tôi sẽ lắng nghe.

Nói về tôi, tôi sẽ lắng nghe anh trong nhiều giờ.

Bất cứ điều gì bạn có thể làm là thu hút người nghe và sử dụng các thuật ngữ của họ sẽ giúp bạn kết nối, miễn là bạn duy trì được sự chân thành. Bạn phải là chính mình khi nói ngôn ngữ của người khác.

3. Nắm bắt được sự chú ý của mọi người ngay từ đầu

Nhà tư vấn quản lý Myrna Marofsky từng mỉa mai: “Mọi người đều có quyền kiểm soát trong đầu họ. Nếu bạn không nắm bắt được sở thích của họ, họ sẽ loại bỏ bạn.” Bạn chưa từng thấy mọi người có thể “rời đi” nhanh chóng khi bạn bắt đầu nói chuyện ư? Tôi thì có. Là một diễn giả, tôi đã phát hiện ra rằng tôi không có nhiều thời gian trước khi mọi người vào hoặc ra. Và nếu họ ra, tôi phải rất nỗ lực để kéo họ lại. Đó là lý do tôi làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để tạo ấn tượng tốt đẹp đầu tiên và khởi đầu hiệu quả khi giao tiếp.

Mọi người luôn đưa ra những nhận định nhanh chóng về chúng ta, chứ không chỉ vào lúc chúng ta giao tiếp với một nhóm. Như Sonya Hamlin cho thấy, ngay từ giây phút đầu tiên khi những người khác gặp chúng ta, họ đã có ý thức hoặc vô thức đánh giá chúng ta và quyết định có nên tiếp tục lắng nghe hay đơn giản là bỏ qua chúng ta. Cô nói: “Nếu chúng ta không bị thu hút bởi một điều gì đó trong những khoảnh khắc đầu tiên, họ sẽ tìm lý do cáo từ và bỏ đi.”

“Mọi người đều có quyền kiểm soát trong đầu họ. Nếu bạn không nắm bắt được sở thích của họ, họ sẽ loại bỏ bạn.”

– Myrna Marofsky

Chúng ta luôn có một phản ứng tức thời với mọi người và bị hút vào họ hoặc không. Điều đó đúng với tôi. Khi mọi người mỉm cười, nhìn thẳng vào mắt và cố gắng để bắt đầu giao tiếp bằng cách nói lời chào hay đưa tay ra bắt tay tôi, tôi bao giờ cũng có thiện cảm hơn với họ.

Khi nói chuyện với khán giả, tôi cố gắng để bắt đầu một cách tích cực. Cụ thể hơn, dưới đây là một số điều tôi làm:

Bắt đầu với một bình luận về tình hình hoặc thời điểm lúc đó. Trước khi các nhà truyền thông có kinh nghiệm nói chuyện, họ chú ý đến những gì đang xảy ra xung quanh. Họ nhận thức được những gì đã xảy ra, cố gắng để biết ai đã nói và những gì đã xảy ra với khán giả. Họ chú ý đến bất kỳ ý kiến nào đã được đưa ra. Sau đó, họ tận dụng những điều đó làm lợi thế của họ. Lần tới khi bạn nói chuyện, hãy nói những điều dựa trên những gì mọi người vừa trải nghiệm. Điều đó giúp đưa bạn đến gần thính giả hơn và giúp họ kết nối với bạn.

Giới thiệu về bản thân. Thường thì khi tôi nói, một trong những điều đầu tiên tôi làm chỉ đơn giản là nói: “Xin chào, tôi tên là John. Tên của (các) bạn là gì?” Khi hầu hết các cá nhân trong nhóm khán giả nói to tên của họ, việc đó đã tạo ra một chút hỗn loạn đầy năng lượng. Sau đó tất cả chúng tôi đều cười. Điều đó nghe có vẻ ủy mị, nhưng nó phá vỡ sự im lặng và mọi người bắt đầu cảm thấy kết nối với tôi.

Thư giãn. Trong một chương trước, tôi đã đề cập đến việc tôi phát hiện ra rằng tôi có thể thoải mái hơn nhiều khi đứng trước khán giả nếu ngồi trên ghế. Nó cho phép mọi người biết rằng tôi cảm thấy thoải mái và muốn họ cảm thấy điều tương tự. Tư thế của tôi là của một người muốn trò chuyện với họ, chứ không phải chỉ cung cấp thông tin. Khi tôi thoải mái và tận hưởng trải nghiệm, mọi người có nhiều khả năng cũng có cảm giác giống tôi. Nếu bạn có thể tìm ra cách để người nghe thấy rằng bạn đang thoải mái nhưng vẫn chú ý tới họ, bạn có thể khiến họ thoải mái.

Bắt đầu bằng sự hài hước. Một lần, tôi là diễn giả chính tại một bữa tiệc, khi cuối cùng cũng đến lượt mình, tôi mở đầu bằng câu chuyện sau đây: “Với 8.578 từ, diễn văn nhậm chức của Tổng thống William Henry Harrison là bài diễn văn dài nhất từ trước đến nay. Ông đọc nó trong ngày thời tiết lạnh giá và từ chối đội mũ hoặc mặc áo khoác. Ông bị nhiễm lạnh vào hôm đó và căn bệnh sớm chuyển sang viêm phổi. Ông qua đời một tháng sau đó. Là một diễn giả, tôi đã học được một bài học từ câu chuyện này. Tôi sẽ vẫn mặc ấm và tôi hứa với các bạn, bài phát biểu của tôi sẽ ngắn thôi.” Cả phòng rầm rầm với những tràng cười, mọi người nhận ra tôi đã khiến bài nói chuyện của mình trở nên vui vẻ và chúng tôi đã kết nối với nhau.

Tạo ra hy vọng. Vào đầu bài nói chuyện, tôi chia sẻ với mọi người những gì mình sẽ mang lại cho cuộc sống của họ. Và thường tôi sẽ nói: “Các bạn sắp học được một điều gì đó,” sau đó, tôi đề nghị họ nói câu đó với người bên cạnh. Khi mọi người quay sang nhau, năng lượng và hy vọng trong phòng bắt đầu tăng. Khi tôi đề nghị họ nói với người kia rằng “đã đến lúc rồi,” họ đều cười và nhiều người trong số họ thực sự đã nói câu đó. Việc làm này thường khiến hầu hết mọi người vui vẻ và sau đó họ cảm thấy kết nối hơn với tôi và với nhau.

Chắc chắn tôi không khuyên bạn nên làm tất cả những gì tôi làm. Những gì hiệu quả đối với tôi chưa chắc đã có tác dụng với bạn. Khi giao tiếp, bạn cần phải tìm ra phong cách riêng và thử nghiệm các kỹ thuật phù hợp với bạn. Tuy vậy, nguyên tắc vẫn không đổi. Bạn cần phải tìm cách để sớm kết nối với người nghe, khiến họ thoải mái và hứng thú ngay từ đầu.

4. Kích thích khán giả

Thật dễ giao tiếp với những người đầy nhiệt huyết, chủ động và thật khó khăn với những người thụ động. Bạn nên làm gì trong các tình huống như vậy? Bạn nên tiến lên trước và hy vọng kết quả tốt nhất sẽ xảy ra? Tất nhiên là không. Bạn nên tìm cách kích thích các khán giả và khiến họ tham gia cùng với bạn.

Bất cứ khi nào nói chuyện, tôi đều tìm những dấu hiệu của sự tham gia từ những người tôi đang giao tiếp. Tôi kiểm tra xem họ có đang ghi chép không. Tôi nhìn xem họ có đang cho thấy sự “lơ là” không. Mọi người có giao tiếp bằng mắt không? Họ gật đầu chấp thuận hay hiểu vấn đề? Tôi có nhận được phản ứng phù hợp của khán giả về điều tôi nói không? Mọi người đang cười hay vỗ tay? Nếu có những dấu hiệu đó, thật tuyệt vời! Nếu không, tôi sẽ tìm cách thu hút các khán giả tham gia vào bài nói chuyện. Dưới đây là một số cách:

Đặt câu hỏi. Cho dù bạn đang giao tiếp trực tiếp với một người hoặc một lượng lớn khán giả, thì việc đặt câu hỏi sẽ tạo ra một kết nối giữa bạn và người nghe, vốn rất quan trọng đối với việc giải phóng năng lượng và nâng cao mức độ quan tâm của họ. Bởi khán giả của tôi thường rất đa dạng, nên khi bắt đầu, đôi khi tôi hỏi mọi người đến từ đâu và tôi sẽ nói đùa vài câu về những địa danh khác nhau. Hoặc tôi sẽ đặt ra một câu hỏi liên quan đến chủ đề sắp nói. Tôi chỉ cố gắng khiến mọi người tham gia ngay lập tức vào bài nói chuyện.

Trong quá trình nói chuyện, tôi thường đưa ra các câu hỏi rộng và toàn diện. Chúng thường là các câu hỏi mà 90% người nghe sẽ hưởng ứng. Ví dụ, nếu đang nói về chủ đề thất bại, tôi sẽ đưa ra những câu hỏi như: “Bao nhiêu người trong số các bạn đã từng mắc sai lầm ít nhất một lần trong đời?” Câu hỏi này thường khiến mọi người cười mỉm và giơ cao tay. Hầu hết mọi người đều muốn cảm thấy là một phần trong trải nghiệm, thế nhưng họ không muốn nổi bật trong một nhóm. Nếu bạn đặt câu hỏi quá cụ thể, họ sẽ không dám giơ tay.

Tôi khuyên bạn nên thử mẹo này, nhưng hãy luôn bắt đầu bằng việc nắm chắc phần thắng trong tay – một câu hỏi sẽ nhận được rất nhiều phản hồi, hoặc thậm chí nụ cười tán thành. Hãy tiếp tục bằng cách đặt thêm câu hỏi. Một khi đã nắm bắt được ý tưởng, họ sẽ thích thú khi làm việc đó.

Tôi cũng sử dụng các câu hỏi ít nghiêm túc hơn. Trước khi đi ăn tối với mọi người, tôi nghĩ ra một vài câu hỏi như: “Bạn đã có những trải nghiệm thú vị gì trong tháng này?” hoặc “Bạn mới đọc những cuốn sách hay nào gần đây?” Tôi không chờ mọi người tham gia vào buổi nói chuyện. Tôi làm mọi thứ để kéo họ vào.

Khiến mọi người di chuyển. Khi nói chuyện với khán giả, tôi thường mất cả buổi sáng hoặc buổi chiều. Đôi lúc sau khi mọi người đã ngồi khá lâu, tôi đề nghị họ đứng dậy vận động vươn vai. Vận động sẽ giúp mọi người thư giãn.

Đôi khi tôi sẽ đề nghị mọi người tập vài động tác thể dục tại chỗ. Ví dụ, khi tôi chia sẻ về việc thay đổi khó khăn đến mức nào hoặc cảm thấy khác biệt ra sao khi cố gắng làm một điều gì đó mới mẻ, tôi sẽ đề nghị họ siết các ngón tay đan chặt vào nhau. Lúc nào cũng vậy, mọi người quen làm việc này với một ngón cái trỏ lên. Vì vậy, tôi đề nghị họ siết tay một lần nữa, nhưng lần này là ngón tay cái còn lại trỏ lên. Điều này luôn nhận được phản ứng bởi nó hơi kỳ lạ. Kết quả là cả phòng bắt đầu xôn xao.

Khiến mọi người di chuyển cũng có tác dụng trong giao tiếp nhóm hoặc trực tiếp với một người. Bạn có thể lập kế hoạch các hoạt động cho một nhóm để giúp họ có thêm nhiệt huyết. Và nếu giao tiếp trở nên nhàm chán khi gặp gỡ một người duy nhất, bạn có thể đi dạo hoặc thay đổi chỗ ngồi. Vận động về thể chất có thể giúp kích thích hoạt động tinh thần.

Đề nghị mọi người tương tác. Dù điều này không có tác dụng trong mọi trường hợp, nhưng đôi khi hãy đề nghị mọi người tương tác với nhau. Đôi khi tôi đề nghị mọi người giới thiệu về họ với những người xung quanh, chia sẻ một ý tưởng với ai đó ngồi bên cạnh họ hoặc để mọi người tham gia vào các nhóm thảo luận.

Một lần nữa, việc này khiến mọi người gắn bó với nhau và làm tăng năng lượng trong phòng. Điểm quan trọng là diễn giả có trách nhiệm mang lại năng lượng cho các khán giả và tìm cách kích thích họ.

5. Nói sao cho đúng trọng tâm

Mọi giao tiếp tuyệt vời đều có một điểm chung: diễn giả nói điều gì đó mà mọi người nhớ rất lâu sau khi bài nói chuyện kết thúc. Dưới đây là một vài ví dụ:

• Patrick Henry – “Hãy cho tôi tự do hoặc để tôi chết.”

• Nathan Hale – “Tôi lấy làm tiếc rằng mình chỉ có một cuộc đời để hy sinh cho đất nước.”

• Abraham Lincoln – “Một chính phủ của dân, do dân và vì dân.”

• Winston Churchill – “Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ được bỏ cuộc.”

• John F. Kennedy – “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho ta mà hãy hỏi ta có thể làm gì cho Tổ quốc.”

• Martin Luther King Jr – “Tôi có một ước mơ.”

Nếu muốn mọi người nhớ những gì bạn nói, bạn cần phải nói đúng thông tin, đúng lúc và đúng cách!

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi thường chỉ nói những gì tôi nghĩ và không chú ý đến cách nói. Khi nhận ra tầm quan trọng về cách chuyển tải thông tin, tôi tập trung hơn vào điều đó. Tôi đã tiếp tục trau dồi kỹ năng này và trong nhiều năm qua, tôi đã học nói theo cách mà mọi người sẽ nhớ mãi. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một số điều mà tôi đã học được:

Liên kết những gì bạn nói với những gì mọi người cần. Không gì có thể khiến một bài phát biểu đáng nhớ hơn khi nó phù hợp với nhu cầu của người nghe. Khi Churchill nói: “Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc,” mọi người đang phải đối mặt với mối đe dọa về việc Đức quốc xã sẽ xâm chiếm toàn bộ châu Âu. Khi Martin Luther King Jr. nói với mọi người tại Đài tưởng niệm Lincoln rằng ông đã có một ước mơ, họ cần nguồn cảm hứng của ông để tiếp tục chiến đấu vì dân quyền.

Mọi người chú ý khi điều được nói ra kết nối với mong muốn của họ. Nếu làm theo lời khuyên của tôi về việc cố gắng giao tiếp với mọi người dựa trên điểm chung và nỗ lực để bước vào thế giới của người nghe, thì bạn đã tăng cơ hội hiểu về nhu cầu và mong muốn của họ. Và điều đó làm tăng khả năng kết nối của bạn.

Nếu bạn muốn mọi người nhớ những gì bạn nói, bạn cần phải nói đúng thông tin, đúng lúc và đúng cách!

Tìm cách để luôn độc đáo. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một mối tương quan trực tiếp giữa linh tính và ảnh hưởng. Người nghe càng nghĩ rằng bạn thiên về cảm tính, bạn càng có ít khả năng ảnh hưởng đến họ. Ngược lại, nếu càng ít thiên về cảm tính, bạn càng tăng được tầm ảnh hưởng của mình.

Nếu khán giả của bạn luôn biết trước những gì sắp xảy ra, họ sẽ rời đi thay vì nán lại.

Quản lý sản xuất Joseph Marler nói rằng ông đã chống lại tính dự đoán bằng cách làm một trò ảo thuật trong kinh doanh. Mục sư Robert Keen nói với tôi rằng ông đã từng đặt một chiếc bình trong túi nhựa và đập vỡ nó bằng một cái búa để thu hút được sự chú ý của mọi người, nhưng ông đã đập mạnh đến mức các mảnh vỡ văng khắp nơi. Robert nói: “Cả giáo đoàn cười vang khi tôi tự mình nhặt chúng lại.” Tiến sĩ Seuss làm mới không khí trong khán phòng bằng một cuốn sách truyện dạng áp phích. Nó đã được hoan nghênh nhiệt liệt. “Giáo sư của chúng tôi, người được biết là rất nghiêm khắc,” Jeff nói, “đã cho chúng tôi điểm tuyệt đối, điều vốn chưa từng có tiền lệ. Ông nói rằng ông chưa từng được nghe bất kỳ bài trình bày nào như thế và chưa bao giờ thấy các sinh viên lắng nghe chăm chú đến thế. Ông đã trở thành một khán giả thực sự của chúng tôi… Bằng cách tạo ra một trải nghiệm mà tất cả mọi người đều thích thú, chúng tôi có thể nâng tầm bài thuyết trình điển hình, thu hút khán giả và mang lại cho cả nhóm sinh viên chăm chỉ trong ngày cuối cùng trọng đại của đời sinh viên đầy niềm vui và tiếng cười.”

Mọi người chú ý khi điều được nói ra kết nối với mong muốn của họ.

Sử dụng sự hài hước. Tục ngữ có câu: “Một trái tim vui vẻ là liều thuốc thần kỳ.” Ngay cả khi các khán giả khó có thể ghi nhớ được một số điểm bạn đưa ra, họ vẫn nhớ sự hài hước của bạn. Suy cho cùng, ai cũng thích sự hài hước, đặc biệt là sự hài hước khiêm tốn. Nó thể hiện cá tính của người trình bày. Việc pha trò kết nối anh ta với mọi người hơn thay vì thể hiện sự trịch thượng. Tổng thống Abraham Lincoln, người được biết đến như vị tổng thống của nhân dân, thường xuyên lấy bản thân ra để pha trò. Đó là một kỹ thuật mà mọi nhà giao tiếp nên nắm bắt.

Sử dụng một tuyên bố hoặc dữ liệu gây sốc. Tôi sẽ không bao giờ quên những gì Nancy Beach đã đưa ra trong một thông điệp liên quan đến nghèo đói: “Sáu triệu trẻ em dưới năm tuổi chết đói mỗi năm. Cứ bảy người trên thế giới thì có một người đi ngủ với chiếc bụng rỗng mỗi ngày. Ba người giàu nhất thế giới có nhiều của cải hơn GDP của 48 quốc gia nghèo nhất thế giới cộng lại.”

Bạn không thấy những con số này đáng kinh ngạc sao? Tôi đã làm điều tương tự. Và đó là lý do khán giả ở lại với tôi. Nếu thông tin về chủ đề của bạn có khả năng nắm bắt được sự chú ý của mọi người, hãy sử dụng chúng.

Trình bày mọi thứ một cách thú vị. Nếu bạn chỉ đơn thuần cung cấp cho mọi người thông tin hoặc truyền đạt các ý tưởng mà không xét đến nhịp độ nói của bạn, bạn đang bỏ lỡ các cơ hội kết nối và khiến mọi người nhớ những gì bạn nói. Hãy so sánh các cụm từ sau:

Bất cứ lúc nào bạn nói ra điều gì đó với một sự tươi mới hoặc dí dỏm, mọi người sẽ chú ý đến bạn.

Học cách tạm dừng. Kết nối với mọi người là con đường hai chiều. Nó là một cuộc đối thoại, không phải độc thoại. Bất cứ lúc nào bạn nói không ngừng nghỉ đều khiến mọi người mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu dừng lại dù chỉ một chút, bạn đã mang lại cho mọi người cơ hội để xem xét những gì bạn vừa nói. Nó mang lại cho tâm trí của họ giây phút nghỉ ngơi cần thiết. Và thời gian tốt nhất để làm điều này là khi bạn sắp nói điều gì đó đặc biệt quan trọng.

Nhiều người cảm thấy không an toàn với sự im lặng. Tôi đã biến điều đó thành người bạn đồng hành của tôi. Khi giao tiếp và ngừng lại một chút, tôi đang truyền tải những suy nghĩ: “Điều này rất quan trọng… hãy nghĩ về nó… xem xét việc này trong bối cảnh những gì được nói ra… ghi nhớ nó.” Tôi đánh giá cao những khoảng dừng vì chúng cho phép mọi người hiểu được một tuyên bố có giá trị. Lời khuyên của tôi dành cho bất cứ ai muốn kết nối với những người khác là hãy thoải mái với sự im lặng và học cách biến nó trở thành điểm nhấn cho những điều bạn nói.

6. Hãy sử dụng trực quan

Hầu hết mọi người đều học hỏi bằng trực quan. Và trong thời đại ngày nay, khi truyền hình, phim ảnh, YouTube và các hình thức truyền thông khác lên ngôi, thì những gì mọi người nhìn thấy ngày càng trở nên quan trọng.

Kết nối với mọi người là con đường hai chiều. Nó là một cuộc đối thoại, không phải độc thoại.

Một trong những cuốn sách có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động giao tiếp của tôi khi còn là một mục sư đó là cuốn The Empowered Communicator của Calvin Miller. Trong đó, ông đã viết những bức thư của các khán giả tưởng tượng cho diễn giả. Trong một lá thư, ông đã viết:

Thưa diễn giả,

Thế giới chưa bao giờ thôi trân trọng sự thật. Tôi là một thành viên của nhà thờ đến nay đã hơn 50 năm. Chúng tôi đã có hơn 20 mục sư, Tôi không biết rõ con số cụ thể, nhưng không ai ở lại lâu. Mỗi người trong số họ đều nói sự thật. Thực tế, họ có thể khiến anh buồn chán trong nhiều giờ đến khi kết thúc bằng sự thật. Chỉ có một người trong đó mà chúng tôi thực sự muốn giữ lại. Ông ấy nói sự thật một cách đầy thú vị. Có lần, ông đã mặc chiếc áo choàng tắm và đóng vai vua David. Lần khác, ông ấy đã đóng vai chủ quán trọ ở Bethlehem. Ông còn bôi nhọ nồi lên mặt và nói với chúng tôi ông là Job. Tất cả chúng tôi đều thu nhận được nhiều thông tin hơn và ông ấy cũng vậy, nhưng tôi không bao giờ thực sự hiểu được sách của Job cho đến khi được nghe bài giảng đó của ông. Có lần, ông mặc một chiếc áo choàng trắng và đứng phía sau khán phòng, trên tay là một biển báo. Ông nói với chúng tôi ông là Tổng lãnh thiên sứ6. Ông có vẻ rất nghiêm túc, khiến chúng tôi vô cùng tin tưởng. Ông luôn làm mọi điều ấn tượng để thu hút sự chú ý của chúng tôi. Nhà thờ lớn ở Chattanooga đã thuê ông sau đó. Những người giỏi dường như bao giờ cũng khó giữ chân.

Họ đã bắt giữ ông ở Greenville ngày hôm sau. Ông đã đi bộ xung quanh thị trấn, mặc một chiếc áo choàng trắng, mang theo một biểu ngữ có nội dung: “Thế giới sắp tận thế”. Tôi không biết tại sao họ bắt ông. Hầu hết mọi người tin rằng ông đã đúng. Như tôi biết, ông đã nói sự thật một cách rất thú vị. Tuần trước, nhà thuyết giảng của tôi đã chia sẻ về điều đó. Nhưng cách ông nói sự thật tương tự không có gì thú vị. Họ có thể đã bắt sai người.

Đối với tôi, việc nói sự thật một cách thú vị rất quan trọng. Không có quá nhiều người làm được điều đó. Chúng tôi lắng nghe những bài thuyết giảng của anh và đang mong anh sẽ làm được điều đó. Anh có thể thử mặc chiếc áo choàng trắng và mang một biểu ngữ. Nhưng đừng đi ra ngoài.

– Khán giả của anh

Không phải ai cũng có thể hiểu được phong cách giao tiếp mà Miller miêu tả trong bức thư này, nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề là với tư cách các nhà giao tiếp, chúng ta cần phải tìm cách để thu hút thị giác người nghe. Một số diễn giả sử dụng phim, PowerPoint hoặc đồ họa nhưng không có lựa chọn nào đặc biệt hiệu quả đối với tôi. Thay vào đó, khi nói, tôi thường sử dụng sự chuyển động và biểu cảm khuôn mặt. Tôi cũng sử dụng giao tiếp bằng mắt. Tất cả những điều đó giúp tôi kết nối trực quan, mặc dù giao tiếp bằng mắt tốt không phải lúc nào cũng là một dấu hiệu kết nối tuyệt vời. Candace Sargent kể cho tôi nghe về một diễn giả đã nhìn thấy một người phụ nữ dưới hàng khán giả luôn nhìn thẳng vào ông trong suốt thời gian ông nói chuyện. “Điều đó khiến ông ta lấy làm phấn khích,” Candace nói, “và cảm thấy tự tin hơn nữa! Nhưng sau đó, ông phát hiện ra cô ấy bị khiếm thính và chỉ đang cố gắng đọc khẩu hình môi của ông.”

Bất cứ điều gì có thể giúp mọi người thông qua trực quan sẽ giúp họ kết nối. Tôi khuyến khích mọi người ghi chép. Khi viết ra một cái gì đó, có nhiều khả năng, bạn sẽ nhớ hơn. Một lần tại một hội nghị, bạn tôi, Terry và Jen Brown đã tặng một chiếc áo phông mà tôi rất thích mặc. Nó có đề dòng chữ: “Nếu tôi đang nói, bạn nên ghi chép.” Đó không phải là cách nhiều người cảm nhận khi họ dạy hoặc nói chuyện sao?

Tôi cũng sử dụng từ ngữ để cố gắng kích thích trí tưởng tượng của người nghe. Tôi muốn khuyến khích họ vẽ ra các bức tranh sống động trong tâm trí họ. Lần đầu tiên chia sẻ tầm nhìn của mình về tuyển dụng và đào tạo với một triệu nhà lãnh đạo trên toàn thế giới thông qua tổ chức của tôi, EQUIP, tôi đã thường xuyên sử dụng từ “tưởng tượng” trong quá trình giao tiếp. Tôi yêu cầu mọi người tưởng tượng về những gì sẽ xảy ra đối với các nước đang phát triển nếu các nhà lãnh đạo được đào tạo để dẫn dắt đất nước, hoặc tôi sẽ nói: “Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ cảm nhận như thế nào nếu bạn đầu tư thời gian và tiền bạc của mình vào việc trang bị cho các nhà lãnh đạo để tạo ra sự khác biệt trong thế giới của họ.” Mọi người bắt đầu có những tưởng tượng riêng, họ tham gia và cảm thấy quan tâm đến nó.

7. Kể chuyện

Có lẽ cách hiệu quả nhất để nắm bắt sự quan tâm của mọi người và khiến trải nghiệm thú vị hơn khi bạn nói chuyện là đưa vào đó các câu chuyện. Cho dù bạn đang giao tiếp bằng sự hài hước, những thực tế khó khăn, hay bi kịch, thì kể chuyện cũng vẫn sẽ cải thiện được trải nghiệm. Isak Dinesen, trích dẫn lời một người bạn, nhận xét: “Mọi nỗi buồn đều được sẻ chia nếu bạn đặt chúng vào một câu chuyện hay kể một câu chuyện về chúng.” Những sự thật cứng nhắc hiếm khi kết nối với mọi người. Nhưng câu chuyện hay có tác động đáng kinh ngạc và có thể giúp ngay cả nhà giao tiếp kém cỏi nhất cải thiện khả năng và bắt đầu kết nối với mọi người.

Mặc dù tôi hiểu điều này trong các cuộc đàm thoại với tư cách là một diễn giả, nhưng đó vẫn là một bài học khó khăn hơn đối với tôi khi nói đến việc viết sách. Tôi là một người khá cứng nhắc và thường có thái độ: Hãy trao cho tôi các nguyên tắc, tôi sẽ áp dụng chúng vào cuộc sống của mình. Kết quả là, một số cuốn sách đầu tay của tôi thiếu đi tiếng nói của công chúng. Thành thật mà nói, tôi đã viết sách để dành cho những người như tôi. Chúng là những gì tôi muốn đọc, những cuốn sách đơn giản, thực tế và có tính ứng dụng. Chúng gồm toàn các danh sách và các câu trích dẫn mà tôi đã thu thập được. Tuy vậy, chúng lại thiếu sự ấm áp.

Một người bạn đã giúp tôi hiểu ra sai lầm của mình khi anh ấy chỉ ra rằng: “Khi nói, anh chia sẻ những câu chuyện thú vị với khán giả. Anh đưa mọi người lên chuyến hành trình cùng anh. Điều đó cũng cần phải được đưa vào những cuốn sách.” Mọi người kết nối với những câu chuyện thay vì các dữ liệu. Từ đó, tôi bắt đầu đưa nhiều câu chuyện hơn vào các cuốn sách của tôi.

Các nhà thần kinh học nói rằng não của chúng ta được lập trình cho những câu chuyện nhiều hơn các ý tưởng trừu tượng hoặc các slide PowerPoint. Chúng ta sống với những câu chuyện và sử dụng chúng để kể về những trải nghiệm của chúng ta. Và khi chia sẻ, chúng giúp mọi người hiểu chúng ta, hiểu bản thân họ và thế giới của họ.

Tôi thích cách miêu tả về tác động của nghệ thuật kể chuyện trong cuốn The Message (Tạm dịch: Thông điệp) của Eugene Peterson. Khi các môn đệ hỏi Chúa Giê-su rằng tại sao người dùng ngụ ngôn để dạy dân chúng, ngài đáp:

Các con đã có được đặc ân để hiểu biết các điều bí ẩn về Nước Trời nhưng những người khác thì không. Ai có trí tuệ sẽ được cho thêm để họ có dư, nhưng ai không hiểu biết thì sẽ bị lấy cả những gì họ có. Ta dùng ngụ ngôn để dạy họ vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu.

Trong nhiều năm, tôi đã gây dựng được danh tiếng như một người giao tiếp thu hút mọi người đến các buổi nói chuyện. Một trong những bí mật của tôi là tôi thu thập những câu chuyện tuyệt vời và sử dụng chúng khi nói chuyện. Tôi có một bộ sưu tập thẻ chứa những câu chuyện tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy. Khi tôi rút một trong các thẻ, những người đã từng nghe tôi nói chuyện trước đây có thể chắc chắn bốn điều: tôi sẽ đọc nội dung thẻ cho họ. Nó sẽ rất hài hước. Nó ẩn chứa một điểm quan trọng. Và tôi sẽ đọc cho họ như thể đó là lần đầu tiên tôi đọc câu chuyện đó. Tôi tin rằng có chút khác biệt khi ngồi trên một chiếc ghế, rút ra một tấm thẻ và chia sẻ nội dung của nó. Nếu bạn đọc thuộc các mẩu giấy giống như thế và chuyển tải nó đến một nhóm người, nó có thể trôi tuột đi và thực sự tạo ra một khoảng cách giữa bạn và họ. Tuy nhiên, việc đọc chúng, nếu được thực hiện đúng cách, có thể thu hẹp khoảng cách đó và giúp bạn kết nối. Tôi đã nhận thấy đó là một trải nghiệm thú vị đối với tôi và những khán giả của tôi.

HÃY TRỞ THÀNH NHÀ KẾT NỐI MÀ BẠN MUỐN NGHE

Khi nói đến việc nắm bắt sự chú ý của mọi người và kết nối với những người khác, điểm mấu chốt là bạn nên cố gắng trở thành nhà giao tiếp mà bạn muốn nghe. Những nhà kết nối nào bạn muốn nghe nhất? Ai kết nối với bạn khi họ nói chuyện? Bạn quan sát thấy những phẩm chất đáng quý nào ở những nhà kết nối mà bạn ngưỡng mộ?

Sonya Hamlin, trong cuốn sách How to talk so people listen, đã tiếp cận trọng tâm của vấn đề khi cô đưa ra hai danh sách các phẩm chất được tìm thấy ở nhiều nhà giao tiếp và đề nghị các độc giả của mình chọn ra danh sách tốt nhất đại diện cho kiểu diễn giả mà họ muốn nghe. Dưới đây là danh sách của cô ấy:

 

 

Hamlin tiếp tục miêu tả về tầm ảnh hưởng của các phẩm chất trong mỗi danh sách này với khán giả theo hướng tích cực và tiêu cực. Nhưng tôi nghĩ rằng rất dễ biết lý do danh sách đầu tiên sẽ hiệu quả đối với chúng ta còn danh sách thứ hai thì không. Khi bạn nghe thấy ai đó giao tiếp, tôi nghĩ rằng việc sử dụng hai danh sách này sẽ mang lại hiệu quả. Khi quan sát thấy một trong những phẩm chất đó, hãy đánh dấu vào bên cạnh. Khi bạn gặp một người giao tiếp có phong cách và phẩm chất được phản ánh trong Danh sách 1, hãy nghiên cứu họ để xem họ có đang sử dụng bí quyết gì để luôn thu hút và bạn có thể áp dụng hiệu quả hay không.

Không ai có thể kết nối với tất cả mọi người cho dù cố gắng đến mức nào. Mặc dù đã cố gắng để trở thành một người giao tiếp hiệu quả, nhưng vẫn có những người tôi không thể gây được ấn tượng. Tuy nhiên, bạn có thể chắc chắn rằng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để khiến họ khỏi ngủ gật. Họ càng ở lại lâu, tôi càng có cơ hội chiếm được cảm tình của họ và càng có cơ hội tăng thêm giá trị cho họ.

TRỞ THÀNH NGƯỜI MÀ BẠN MUỐN KẾT NỐI

Một trong những mối quan tâm của tôi trong chương này đó là tập trung vào việc nói chuyện trước công chúng. Có rất nhiều diễn giả không kết nối và có rất nhiều các nhà kết nối không nói chuyện được trước đông người. Tôi đã cố gắng cung cấp một số công cụ cho những người mong muốn cải thiện khả năng nói của họ. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc nhở bạn rằng kết nối không phải là học để trở thành một người thuyết trình tốt hơn, mà là trở thành kiểu người khiến những người khác muốn kết nối.

Billy Hawkins đã viết và kể cho tôi nghe một câu chuyện minh họa rất chính xác ý nghĩa của việc kết nối bằng cách tạo ra một trải nghiệm mà ai đó thích thú. Cô giải thích:

Trong nhóm trẻ ở nhà thờ của chúng tôi, có một cậu bé sáu tuổi, Ollie, được chăm sóc với chế độ trọn đời. Mẹ cậu bé đã tự tử còn cha tù tội liên tục. Tôi cho rằng mục tiêu hàng tuần của tôi là kết nối với Ollie. Mỗi Chủ nhật hàng tuần, tôi đều dành thời gian nói những lời động viên cậu bé và mỗi thứ Hai sẽ gửi cho cậu một lá thư qua đường bưu điện. Vào một ngày Chủ nhật nọ, tôi thấy cậu bé ngồi trên sàn nhà tách biệt với những đứa trẻ khác, tay cậu cầm một xấp giấy và trải ra trước mặt.

Tôi thấy cậu nhặt từng tờ lên, giả vờ đọc chúng và sau đó đặt chúng trở lại sàn nhà. Cậu từ chối tham gia chơi với các bạn cùng trang lứa, tất cả những gì cậu muốn là nhìn các tờ giấy.

Thấy vậy, tôi liền ngồi xuống bên cậu và xem có chuyện gì. Tôi thấy chữ của tôi trên một số tờ giấy.

“Chào Ollie,” tôi nói. “Cháu đang làm gì thế?” Và tôi phát hiện ra, đó là toàn bộ số thư tôi gửi cho cậu từ trước đến nay. Mắt tôi rơm rớm khi cậu bé nhìn tôi, trên tay là lá thư bị nước mưa làm nhòe chữ và nói: “Đây là những bức thư rất đặc biệt của cháu.”

Billy nói rằng, năm sau đó, Ollie đã được nhận vào bệnh viện tâm thần dành cho trẻ em và mặc dù không được phép thăm nom, nhưng cô vẫn được đặc cách thăm Ollie bởi cô ấy đã kết nối được với cậu bé. Billy tổng kết lại trải nghiệm đó như sau:

Thật tuyệt khi có thể kết nối với một đứa trẻ mà thế giới của bé đang trong tình trạng hỗn loạn và nhắc cậu bé rằng cậu thật đặc biệt với Chúa ra sao và được yêu thương nhiều đến mức nào.

Không bao giờ được đánh giá thấp sức mạnh của kết nối và ảnh hưởng mà bạn có thể tạo nên đơn giản bằng cách nỗ lực tạo ra một trải nghiệm mà những người khác thích thú.

KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI Ở MỌI CẤP ĐỘ

11386.jpg

Thực tế kết nối: Các nhà kết nối tạo ra trải nghiệm mà tất cả mọi người đều thích thú.

Khái niệm chính: Nỗ lực để tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho các tình huống giao tiếp.

KẾT NỐI TRỰC TIẾP VỚI MỘT NGƯỜI

Khi mọi người thường thích thú với một trải nghiệm giao tiếp với ai đó là do cảm giác về sự thân mật tạo ra. Điều đó không nhất thiết là một sự thân mật lãng mạn mà chỉ đơn thuần là một kết nối được tạo ra nhờ giao tiếp trung thực có lợi cho cả hai bên. Nỗ lực để tạo ra điều đó bằng cách thực hiện một trong những gợi ý trong chương, chẳng hạn như đặt câu hỏi, sử dụng sự hài hước, hoặc kể chuyện.

KẾT NỐI TRONG NHÓM

Trải nghiệm mà mọi người thường thích nhất trong một nhóm là làm việc nhóm. Như một người giao tiếp, nếu bạn có thể giúp mọi người có cảm giác cùng nhau hoàn thành công việc, thì những người tham gia sẽ cảm thấy kết nối với bạn và với nhau. Lần tới, khi chịu trách nhiệm dẫn dắt một nhóm, hãy yêu cầu họ thực hiện một nhiệm vụ thú vị nào đó với nhau. Hãy chắc chắn rằng tất cả mọi người đều tham gia. Sau đó quan sát tác động của nó đến năng lượng chung và mối quan hệ của nhóm.

KẾT NỐI VỚI KHÁN GIẢ

Khi mọi người là một phần trong nhóm khán giả lắng nghe một người kết nối, họ muốn được vui vẻ. Hãy thử sử dụng một vài mẹo mực mà tôi đã chia sẻ trong chương này vào lần tới khi bạn giao tiếp với khán giả. Đặc biệt, hãy sử dụng các câu chuyện vào quá trình giao tiếp. Thậm chí một báo cáo khô khan hoặc một bài trình bày rất thực tế có thể trở nên sinh động nhờ một câu chuyện hay.

Nếu trước đây bạn chưa từng sử dụng những câu chuyện, thì từ giờ, hãy sử dụng chúng khi bạn kết nối với người khác. Nếu bạn từng sử dụng các câu chuyện, hãy nghĩ ra cách giúp cải thiện khả năng kể chuyện của bạn. Dưới đây là một số lời khuyên từ Martin Thielen, người đã tham dự Liên hoan Kể chuyện Quốc gia tại Jonesborough, Tennessee. Ông quan sát thấy rằng các diễn giả tốt nhất thể hiện những điều sau:

• Sự nhiệt tình. Những người kể chuyện rõ ràng rất thích những gì họ làm, thể hiện bản thân bằng niềm vui và sức sống.

• Tính hoạt bát. Các bài thuyết trình được đánh dấu bằng những biểu cảm trên khuôn mặt và cử chỉ sinh động.

• Khán giả tham gia. Hầu hết mọi người kể chuyện đều thu hút khán giả bằng cách đề nghị họ hát, vỗ tay, lặp lại các câu nói, hoặc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.

• Ngẫu hứng. Mặc dù những câu chuyện đã được ghi nhớ, nhưng người kể chuyện ứng biến rất linh hoạt với người nghe.

• Không ghi chép. Người kể chuyện không đọc câu chuyện của họ; họ kể chúng, việc này cho phép giao tiếp bằng mắt.

• Hài hước. Sự hài hước được lồng ghép vào thậm chí là cả những câu chuyện nghiêm túc hoặc buồn.

Bạn có thể sử dụng lựa chọn nào trong những lựa chọn này để làm sinh động giao tiếp của bạn?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.