Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối
09: CÁC NHÀ KẾT NỐI TRUYỀN CẢM HỨNG CHO MỌI NGƯỜI
Bill Hybels, nhà sáng lập của Nhà Thờ Cộng đồng Willow Creek ở Chicago, đã tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo hàng năm với 70.000 người tham dự trực tiếp hoặc thông qua liên kết vệ tinh. Đó luôn là một sự kiện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà lãnh đạo giáo hội và tôi đã có vinh dự được phát biểu tại đó nhiều lần. Năm 2008, khi Bill phát biểu tại lễ bế mạc, bài nói chuyện của ông về chủ đề tầm quan trọng của việc các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho những người khác. Ông bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách đặt ra câu hỏi sau:
Sẽ thế nào nếu ai đó được thúc đẩy trong công việc và cuộc sống? Một phần trong nghiên cứu của tôi về vai trò của động lực thúc đẩy thực sự khiến tôi kinh ngạc… Rất nhiều nghiên cứu mà tôi đã đọc đưa ra khoảng 40% hoặc thậm chí cao hơn khi so sánh hiệu suất của các nhân viên có động lực so với các nhân viên không có động lực. Hiệu suất khác biệt 40%; đã khiến tôi kinh ngạc. Một nghiên cứu khác cho biết nhân viên có động lực có khả năng rời tổ chức ít hơn so với nhân viên không có động lực là 87%… Rất nhiều nghiên cứu cho biết những người có động lực ở nơi làm việc nghỉ ốm ít hơn, đột ngột yêu cầu bảo hiểm ít hơn, ít trộm cắp hơn, ít có thời gian lãng phí hơn… Có một sự khác biệt rất lớn về kết quả, thành tựu của những người lao động có động lực so với những người không có động lực. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể biết điều này nhờ trải nghiệm cá nhân; bạn biết bạn sẽ cho đi bao nhiêu nữa nếu một người nào đó truyền cảm hứng cho bạn.
Rõ ràng, tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ động lực. Mọi người đều muốn được truyền cảm hứng.
Khi nhìn lại cuộc sống của mình, tôi có thể thấy năng lượng của tôi dành cho công việc thường phụ thuộc vào những phẩm chất truyền cảm hứng của người chỉ đạo công việc đó. Trong mọi trường hợp, điều làm nên sự khác biệt là nguồn cảm hứng. Một số người truyền cảm hứng cho chúng ta nhiều hơn những người khác.
“Nhân viên có động lực có khả năng rời tổ chức ít hơn so với nhân viên không có động lực là 87%…”
– Bill Hybels
TẤT CẢ CHỈ LÀM TĂNG THÊM NGUỒN CẢM HỨNG
Trong nhiều năm, tôi đã nghiên cứu các nhà lãnh đạo, các diễn giả truyền cảm hứng và kết nối với mọi người. Khi ai đó bắt đầu giao tiếp với những người khác, điều đầu tiên mọi người làm là bắt đầu đặt câu hỏi ở mức độ tiềm thức. Họ muốn biết có gì dành cho họ. Họ muốn biết diễn giả có đáng tin cậy không nhưng họ cũng quan tâm đến cách người đó giao tiếp với họ.
Khi theo dõi các nhà giao tiếp hiệu quả truyền cảm hứng cho mọi người, tôi đã đi đến kết luận rằng có một kiểu công thức, mà tôi gọi là phương trình truyền cảm hứng, rất có hiệu quả:
Những gì họ biết + những gì họ thấy + những gì họ cảm nhận = truyền cảm hứng
Khi ba yếu tố này xuất hiện và một người giao tiếp có thể ghép chúng lại, nó tạo ra một sức mạnh tổng hợp có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người. Và từ nơi có cảm hứng đó, bạn có thể dẫn dắt mọi người hành động. Chúng ta hãy nhìn vào từng “số hạng” thuộc phương trình truyền cảm hứng trên.
NHỮNG GÌ MỌI NGƯỜI CẦN PHẢI BIẾT
Khi các diễn giả không kết nối nghĩ về những gì người nghe của họ cần phải biết, họ tập trung vào thông tin. Đó không phải là những gì tôi đang nói đến ở đây. Trong bối cảnh kết nối, mọi người cần phải biết bạn đang đứng về phía họ. Triết học gia người Hy Lạp, Aristotle, hiểu điều này và nhận xét về nó trong tác phẩm The Rhetoric (Tạm dịch: Thuật hùng biện). Trong bối cảnh thuyết phục, ông đã xác định yếu tố quan trọng nhất là lời lẽ khẩn thiết (pathos), khả năng của nhà kết nối trong việc kết nối với cảm xúc, mong muốn, nguyện vọng, sự sợ hãi và đam mê của người nghe. Đó là một cách khiến mọi người yên tâm, cho họ biết họ có thể tin tưởng bạn, nói với họ rằng họ nên lắng nghe bạn. Làm sao bạn có thể chuyển tải được điều đó? Tôi tin rằng có hai cách như dưới đây:
Mọi người cần biết rằng bạn hiểu họ và tập trung vào họ
Tôi không biết một nhà kết nối nào mà không quan tâm đến người nghe. Những người chỉ biết quan tâm đến bản thân thường không kết nối.
Nếu sắp kết nối, mọi người cần phải biết rằng bạn hiểu họ và cảm thấy bạn ở đó là vì họ. Những nhà giao tiếp tài năng hiểu rằng mọi người đều có những lý do riêng khi làm việc gì đó, không vì những lý do của diễn giả hoặc người giao tiếp. Theo đó, họ tập trung vào nhu cầu của người nghe thay vì của họ.
Những người kết nối hiểu được điều tương tự mà nữ diễn viên Lisa Kirk biết khi cô nói: “Một người buôn chuyện là người nói cho bạn biết về người khác; một người tẻ nhạt là người nói cho bạn biết về anh ta; và một người thông minh là người nói cho bạn biết về chính bạn.” Người kết nối làm điều mà người thông minh làm. Họ cho bạn biết về chính bạn và nói ngôn ngữ truyền cảm hứng của bạn.
Các nhà lãnh đạo và diễn giả hiểu điều này có thể ảnh hưởng đến mọi người. Ví dụ, Henry J. Kaiser, một người đóng tàu trong Thế chiến II, đã sử dụng sự hiểu biết của ông về mọi người để truyền cảm hứng cho nhân viên nhằm gia tăng sản xuất của công ty khi Hoa Kỳ đang cần thêm rất nhiều tàu. Ngôn ngữ truyền cảm hứng tại thời điểm đó là “cạnh tranh”. Vì vậy, Kaiser đã nói với các nhân viên ở Richmond, California, cơ sở mà ông muốn xem liệu họ có thể phá kỷ lục đóng tàu chiến hay không. Họ được truyền cảm hứng, không chỉ để làm việc chăm chỉ hơn mà còn đưa ra các sáng kiến cải thiện phương pháp sản xuất. Kết quả là, họ đã đóng xong con tàu Liberty chỉ trong 72 ngày, một khoảng thời gian đáng kinh ngạc trong khi các nhà máy đóng tàu khác trung bình phải mất gấp hai lần khoảng thời gian đó.
Mọi người đều có ấn tượng khó phai khi biết bạn quan tâm đến họ và hiểu họ. Lea Carey đã rất trân trọng mẩu giấy đầu tiên cô nhận được từ ông chủ cũ, người mà cô đã miêu tả là nhà lãnh đạo tốt nhất cô từng làm việc. “Khi tôi nhìn vào mẩu giấy viết tay của ông ấy sau 3 năm,” cô nói, “tim tôi vẫn đập lạc vài nhịp… bởi ông ấy đã dành thời gian cho tôi.” Và mục sư Adam Henry sẽ không bao giờ quên những lời tích cực mà một người cha sứ đã nói với giáo đoàn của ông: “Một ngày nào đó tôi có thể sẽ nói: ‘Tôi đã dạy chàng trai này trong lớp của tôi.’” Adam nói rằng: “Người đàn ông mà chúng tôi rất kính trọng đã nói rằng ông tự hào vì biết tôi. Đến giờ, nó vẫn còn truyền cảm hứng cho tôi mỗi khi nhớ đến nó. Những lời nói của ông đã khiến tôi hân hoan hơn việc chỉ đơn thuần nhận được một lời khen.”
Khi chuẩn bị giao tiếp với những người khác, bạn phải cho họ biết rằng bạn hiểu họ và muốn giúp đỡ họ. Bạn phải học ngôn ngữ truyền cảm hứng của họ và nói với họ bằng thứ ngôn ngữ đó. Bằng cách đặt ra những câu hỏi dưới đây, bạn có thể làm được điều đó:
Họ đang nghĩ gì? Trước khi giao tiếp với mọi người, tôi cố gắng tìm hiểu nhiều nhất có thể về họ. Tôi muốn tìm hiểu về văn hóa và các giá trị tổ chức của họ, về trách nhiệm mơ ước của họ, bởi tôi muốn biết họ đang nghĩ gì. Nó giúp tôi nói thứ ngôn ngữ truyền cảm hứng của họ. Các diễn giả thường xuyên có thái độ: “Đây là những gì tôi nghĩ; hãy ngồi xuống và lắng nghe.” Các nhà kết nối có thái độ: “Tôi sẽ ngồi xuống và lắng nghe trước khi tôi chia sẻ những gì tôi nghĩ.”
“Điều kiện tiên quyết cần thiết nhất của một người bạn là có đôi tai biết lắng nghe.”
– Maya Angelou
Họ đang nói gì vậy? Nhà thơ kiêm nhà văn Mỹ Maya Angelou nhấn mạnh rằng: “Điều kiện tiên quyết cần thiết nhất của một người bạn là có đôi tai biết lắng nghe.” Đó cũng là điều kiện tiên quyết để trở thành một nhà lãnh đạo hoặc nhà giao tiếp truyền cảm hứng.
Các nhà lãnh đạo giỏi, các nhà giao tiếp xuất sắc là những người biết lắng nghe. Để lắng nghe hiệu quả nhất, họ thực hiện theo khuôn mẫu sau: lắng nghe, học hỏi và sau đó dẫn dắt. Họ lắng nghe những gì mọi người đang nói, lắng nghe cách mọi người nói và cả những gì không được nói ra. Đó là cách họ đọc vị mọi người trước khi họ đứng lên chia sẻ và điều đó ảnh hưởng đến cách họ giao tiếp. Ngay cả những điều đúng đắn được nói ra trong hoàn cảnh không phù hợp cũng không mang lại hiệu quả về kết nối.
Họ đang làm gì? Câu hỏi cuối cùng này có thể được trả lời bằng cách quan sát người khác. Bất cứ khi nào bước vào một nơi nào đó mà tôi sắp phát biểu, tôi quan sát những hoạt động mà mọi người đang tham gia. Tôi cũng để ý ngôn ngữ cơ thể của họ và cố gắng phân biệt thái độ cũng như các mức năng lượng của họ. Một lần nữa, điều này giúp tôi đọc vị được mọi người trong phòng trước khi nói chuyện.
Tất nhiên, quan sát mọi người cũng có thể giúp bạn kết nối trực tiếp với những người khác không chỉ trong các tình huống giao tiếp chính thống.
Gần đây trong một chuyến đi, tôi đã quan sát thấy một tiếp viên hàng không thể hiện mong muốn giúp đỡ hành khách nhưng có vẻ rất lo lắng. Khi cậu ấy đến chỗ tôi, tôi đã hỏi và biết Tim (tên của cậu) là một nhân viên mới.
Khi cậu ấy tiếp tục hỗ trợ các hành khách khác, tôi quyết định viết cho cậu ấy một mẩu giấy động viên. Tôi thấy cậu ấy vào sau khoang hành khách để đọc, sau đó đưa nó cho một nữ tiếp viên hàng không khác. Vài phút sau cô ấy đã đến chỗ tôi và nói: “Ông Maxwell, ông đã mất 5 phút để đưa cho cậu ấy thứ mà cậu ấy sẽ trân trọng cả đời.” Thường thì không cần quá to tát để khuyến khích hoặc truyền cảm hứng cho những người khác. Thay vào đó, nó chỉ là một điều rất nhỏ để một người nào đó biết bạn hiểu và quan tâm đến họ.
Mọi người cần biết rằng bạn kỳ vọng ở họ
Tổng thống Abraham Lincoln, một người giao tiếp tuyệt vời, được biết đến trong suốt cuộc nội chiến khi tham dự một nhà thờ cách Nhà Trắng không xa vào các tối thứ Tư. Nhà thuyết giáo, Tiến sĩ Gurley, đã cho phép tổng thống ngồi trong phòng của mục sư, ngỏ cửa dẫn ra lễ đường để ông có thể lắng nghe bài thuyết giảng mà không cần phải tương tác với đám đông.
Một buổi tối thứ Tư nọ, khi Lincoln và người bạn đồng hành trở về Nhà Trắng sau buổi thuyết pháp, người đồng hành của tổng thống hỏi: “Ngài nghĩ gì về bài giảng tối nay?”
“Tốt,” Lincoln trả lời, “nó được đón nhận và cũng được trình bày tốt.”
“Vậy, đó là một bài thuyết giảng tuyệt vời?”
“Không,” Lincoln trả lời. “Nó đã thất bại bởi Tiến sĩ Gurley đã không yêu cầu chúng ta làm điều gì đó tuyệt vời.” Các nhà giao tiếp truyền cảm hứng luôn mong đợi rất nhiều từ người nghe.
Mỗi khi đứng trước một nhóm người để giao tiếp, tôi tin rằng đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời đối với cả họ và tôi. Bởi tôi tin tưởng tuyệt đối rằng họ có thể (và muốn) thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Tôi tin rằng mọi nhà lãnh đạo và nhà kết nối hiệu quả đều sở hữu loại phẩm chất tích cực này. Họ tin rằng họ có thể giúp mọi người làm những điều tuyệt vời. Như Steve Jobs, nhà đồng sáng lập của Apple, cho biết: “Quản lý là thuyết phục mọi người làm những việc họ không muốn làm, còn lãnh đạo là truyền cảm hứng để mọi người làm những điều họ không bao giờ nghĩ họ có thể làm được.”
“Quản lý là thuyết phục mọi người làm những việc họ không muốn làm,còn lãnh đạo là truyền cảm hứng để mọi người làm những điều họ không bao giờ nghĩ họ có thể làm.”
– Steve Jobs
Khi giao tiếp với mọi người, tôi đều đặt con số 10 vào tâm trí họ. Bởi tôi thấy tất cả mọi người đều có thể đứng ở vị trí cao nhất trong thang điểm 10. Một trong những lý do tôi làm việc này vì bản chất tôi đã vốn tích cực. Tôi tin rằng tất cả mọi người đều có giá trị và tiềm năng đáng kinh ngạc. Nhưng lý do khác khiến tôi làm điều này bởi tôi tin rằng lúc nào mọi người cũng đáp lại sự mong đợi của người khác. Nếu coi một người chỉ ở mức 5, tôi sẽ đối xử và nói chuyện với người đó như một người ở mức 5. Và nhiều khả năng, sau một thời gian tôi sẽ thuyết phục người đó hành động như một người ở mức 5. Tuy nhiên, nếu tôi coi ai đó ở mức 10, người đó sẽ cảm nhận được và có khả năng đáp ứng một cách tích cực. Nếu chúng ta đối xử với mọi người như những người mà họ có thể trở thành, họ sẽ được truyền cảm hứng để đạt đến mức độ kỳ vọng của chúng ta.
Bart Looper đã xác nhận tác động tích cực những kỳ vọng và giải thích: “Tôi có một vài nhân viên đã gắn bó với tôi khoảng ba năm. Họ cùng độ tuổi và có thái độ tương tự nhau. Tôi nhận ra lý do một người trong số họ luôn lấn át người còn lại là do tôi. Trong ba năm qua, tôi đã đối xử với họ ở những mức độ khác nhau, dẫn đến việc họ phát triển không đồng đều. Từ nay, tôi chắc chắn sẽ đối xử, đào tạo và chia sẻ tầm nhìn của tôi với họ như nhau.”
Tôi luôn có ý định trò chuyện, viết và nói chuyện với những kỳ vọng cao dành cho mọi người. Khi khuyến khích những người nói chuyện trực tiếp một mình với tôi, tôi tin tưởng họ tuyệt đối. Khi viết sách, tôi hình dung người đọc sẽ đón nhận những gì tôi nói và trở thành người tốt hơn. Khi nói chuyện, tôi tin người nghe sẽ phản ứng một cách tích cực. Tôi nỗ lực hết sức để cung cấp những điều tốt nhất mà tôi biết cho người khác để họ có thể tận dụng chúng một cách tối đa. Mọi người đều phản ứng tích cực với sự nhiệt tình và loại bỏ sự hoài nghi. Họ muốn nhận được sự khuyến khích chứ không phải chuyên môn của chúng ta. Mục sư kiêm giáo sư Calvin Miller đã chỉ ra cách mà hầu hết các khán giả cảm nhận như sau:
Hãy hứa với tôi rằng tôi, người đầy mặc cảm, cuối cùng sẽ tin vào bản thân. Tôi luôn sợ độ cao. Hãy thách thức tôi bằng đỉnh Everest. Hãy hứa với tôi rằng rồi tôi cũng sẽ biết tôi là ai và tôi sinh ra để đạt được điều gì. Hãy hứa hẹn tất cả những điều này và anh sẽ được tôi lắng nghe và chiếm được linh hồn tôi.
Mọi người đều muốn được truyền cảm hứng. Tất cả mọi người đều muốn ai đó tin tưởng họ. Họ đang đợi ai đó thách thức, động viên và khuyến khích họ. Nếu bạn có được cơ hội giao tiếp với người khác, tại sao bạn không thể trở thành người truyền cảm hứng cho họ?
MỌI NGƯỜI CẦN THẤY ĐIỀU GÌ?
Hầu hết mọi người đều quyết định rất nhanh chóng về việc họ sẽ ngồi lại lắng nghe hay đơn giản là bỏ đi. Quyết định thường được đưa ra dựa trên những gì họ nhìn thấy. Nhận thức của họ bắt đầu ở bề nổi: Trông bạn có dễ chịu không? Bạn có cười không? Tư thế và ngôn ngữ của bạn có tích cực không? Nếu không có trở ngại nào cho người nghe, họ thường sẵn sàng cho bạn đủ thời gian để chứng minh bản thân. Đây là những gì họ đang tìm kiếm:
Mọi người cần thấy niềm tin của bạn
Triết gia người Scotland đồng thời là người hoài nghi tôn giáo David Hume đang rất vội vã. Khi ai đó hỏi ông đang đi đâu và được cho biết: “Đi nghe George Whitefield thuyết giảng,” người hỏi muốn biết liệu ông có tin những gì các nhà truyền giáo rao giảng không.
“Chắc chắn là không!” Hume trả lời, “Nhưng Whitefield thì khác, tôi muốn nghe ông ấy.”
Larry Phillips nhận xét: “Có một sự khác biệt đáng kể giữa thép và thiếc, đặc biệt là khi va đập. Những niềm tin chân thành từ trái tim giống như “tiếng thép”. Chúng có độ vang trong giai điệu. Giống như các nhà giao tiếp, chúng ta cần phải được nhắc nhở rằng chúng ta không thể giả mạo niềm tin! Khán giả sẽ luôn phân biệt được âm thanh giữa thép và thiếc cho dù có đánh mạnh vào thiếc đến đâu đi chăng nữa!”
Các nhà kết nối truyền cảm hứng cho những người khác sở hữu một niềm tin có giá trị hơn nhiều lời nói của họ. Những gì họ truyền tải xuất phát từ giá trị cốt lõi bên trong họ. Nhiệm vụ của họ là thuyết phục, thay đổi quan điểm. Mọi người thường có thể cảm nhận được khi các diễn giả chỉ đơn giản là truyền đạt thông tin so với khi họ đang say sưa truyền tải thông điệp từ trái tim.
Nếu bạn không có niềm tin về chủ đề hoặc thông điệp của bạn, tại sao người nghe phải làm vậy?
Mọi người cần thấy sự tin cậy ở bạn
Nhiều buổi nói chuyện của tôi cũng đồng thời là những giao dịch. Tôi được lựa chọn là một diễn giả chính và tôi có 45 phút để hoàn thành bài phát biểu của mình. Chuyên môn nhiều năm qua của tôi là một mục sư, nên tôi có rất nhiều kinh nghiệm nói chuyện với một nhóm. Nhưng dù khán giả là ai, họ đều tìm kiếm một điều từ tôi: sự tín nhiệm.
Khi mọi người tin tưởng bạn, họ sẽ lắng nghe bạn và được truyền cảm hứng từ bạn. Nếu bạn là diễn giả “ăn liền”, mọi người sẽ thường xuyên cho bạn thấy những lợi ích của sự nghi ngờ, miễn là thông tin của bạn tốt. Nhưng nếu nói chuyện với một nhóm người nhiều lần, bạn phải nỗ lực để duy trì sự tín nhiệm.
Mọi người cần thấy bằng chứng về nhân cách của bạn
Suy cho cùng, mọi người đều muốn có thể tin tưởng nhân cách của người giao tiếp với họ. Nhân cách của một người đáng tin cậy không chỉ dừng lại ở ngôn từ mà còn thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của họ. Có lẽ đó là lý do người ta thường nói rằng các giáo viên bình thường bảo chúng ta cách làm, các giáo viên giỏi giải thích cách làm, các giáo viên xuất sắc hướng dẫn cách làm. Mỗi chúng ta nên cố gắng để trở thành một thông điệp tích cực.
Điều đó chắc chắn đúng đắn đối với trường hợp của Mohandas Gandhi trong phong trào độc lập ở Ấn Độ. Gandhi không những truyền cảm hứng cho người dân của mình bằng lời nói mà còn bằng hành động. Cam kết của ông đối với nền độc lập của Ấn Độ và tấm gương biểu tình phi bạo động đã dẫn dắt đất nước đứng lên đấu tranh đòi quyền độc lập từ Anh. Đó là sức mạnh của nhân cách. Với tư cách một tác giả, diễn giả, kiêm huấn luyện viên Brad Cork nhận xét: “Kết nối liên quan nhiều đến việc để con người bạn, ảnh hưởng đến mọi thứ bạn làm.”
Như tôi đã nói, mọi người thường quyết định rất nhanh về việc họ có muốn nghe người khác hay không. Họ đưa ra phán quyết ban đầu chủ yếu dựa trên những ấn tượng bề ngoài. Quyết định tiếp tục lắng nghe của họ thường được đưa ra dựa trên một nhận thức sâu sắc hơn liên quan đến uy tín của người đó. Tôi sẽ làm rõ vấn đề này chi tiết hơn trong chương kế tiếp.
Các giáo viên bình thường bảo chúng ta cách làm. Các giáo viên giỏi giải thích cách làm. Các giáo viên xuất sắc hướng dẫn cách làm.
MỌI NGƯỜI CẦN CẢM NHẬN ĐƯỢC ĐIỀU GÌ?
Đảm bảo rằng những gì mọi người cần biết rất quan trọng đối với việc truyền cảm hứng cho họ. Và việc đảm bảo rằng họ nhìn thấy những gì họ cần nhìn thấy cũng vậy. Nhưng yếu tố quan trọng nhất trong phương trình truyền cảm hứng là những gì họ cảm nhận. Nếu bạn bỏ qua yếu tố đó, họ sẽ không bao giờ được truyền cảm hứng. Bởi mọi người không phải lúc nào cũng nhớ những gì bạn đã nói hoặc làm, nhưng họ sẽ luôn nhớ cảm nhận bạn mang lại cho họ!
Nếu muốn truyền cảm hứng cho mọi người, có ba điều bạn cần giúp họ cảm nhận:
Mọi người cần cảm nhận được nhiệt huyết của bạn đối với chủ đề đang nói và với chính họ
Tầm nhìn mà không có đam mê sẽ chỉ là một bức tranh vô hồn. Chỉ tầm nhìn không thôi không thể truyền cảm hứng cho sự thay đổi, nó cần phải được củng cố bởi niềm đam mê. Lịch sử đã cho thấy nhiều ví dụ về điều này. Khi đứng trên bậc thềm của Đài tưởng niệm Lincoln, thay vì tuyên bố: “Tôi có một kế hoạch”, Martin Luther King Jr. đã nói: “Tôi có một ước mơ!” Không có chiến lược hợp lý nào có thể truyền cảm hứng cho mọi người đứng lên để đàn áp hoặc thay đổi cách họ đối xử với những người khác bằng niềm đam mê và mơ ước về sự công bằng.
Mọi người không phải lúc nào cũng nhớ những gì bạn đã nói hoặc đã làm,nhưng họ sẽ luôn nhớ cảm nhận bạn mang lại cho họ!
Đam mê rất mạnh mẽ. Nó thay thế những lời nói đơn thuần. Joyce McMurran nhận xét: “Tôi tin rằng niềm đam mê và mục đích của bạn sẽ luôn xuất hiện và tạo ra ảnh hưởng cho dù bạn đang làm gì.” Thông điệp có thể được nói hoặc viết ra, nhưng để truyền cảm hứng, nó phải được tạo ra bằng niềm đam mê của người nói. Đây là lý do Horst Schultze, chủ tịch kiêm cựu giám đốc điều hành của Ritz-Carlton Hotel Company, cho biết: “Bạn chẳng có gì trừ khi điều đó xuất phát từ trái tim bạn. Niềm đam mê, sự quan tâm, thực sự tạo ra sự xuất sắc. Nếu chỉ thực hiện nhiệm vụ và làm việc theo đúng quy trình, thì bạn có thể bị “nghỉ hưu”. Tôi rất sợ hãi khi nhận thấy hầu hết những người tôi gặp đều “nghỉ hưu” ở tuổi 28.”
Tầm nhìn mà không có đam mê chỉ là một bức tranh vô hồn.
Nhiều năm trước, khi sống ở San Diego, tôi có một người bạn tên là Geri Stevens, người đứng đầu quá trình lựa chọn ban bồi thẩm trong bộ phận tư pháp của thành phố. Thứ Hai hàng tuần, có hàng loạt ban hội thẩm tiềm năng đến tòa án, cô đã yêu cầu họ nói về trách nhiệm của mình.
Nếu đã từng ngồi trong phòng với các ban hội thẩm tiềm năng, bạn biết rằng đó không phải là một nơi vui vẻ gì cho cam. Căn phòng chật cứng những người không mấy hài lòng khi bước đến. Một buổi sáng thứ Hai sau nhiều tháng Geri thuyết phục, tôi đã tham dự một buổi lựa chọn này và không khỏi ngạc nhiên trước những gì xảy ra.
Geri đứng trước những khán giả không mấy hào hứng và nói: “Đây sẽ là một trong những tuần lễ tuyệt vời nhất trong đời các bạn.” Điều đó đã thu hút được sự chú ý của mọi người. Cô tiếp tục nói với sự nhiệt tình dồi dào trong 45 phút tiếp theo về sự vĩ đại của nước Mỹ và quyền của mỗi công dân về một phiên tòa công bằng. Cô giải thích với các ban hội thẩm về việc các quyết định của họ sẽ tạo sự khác biệt như thế nào và họ là những ví dụ về lý do tại sao nước Mỹ lại là một quốc gia được thèm muốn và ngưỡng mộ. Kết thúc cuộc nói chuyện đầy cảm hứng của mình, các ban hội thẩm tiềm năng hoan nghênh cô nhiệt liệt! Niềm đam mê của cô ấy đã truyền được sang họ. Họ được truyền cảm hứng và thực sự muốn được trở thành thành viên của bồi thẩm đoàn.
Khi bạn nói, bạn có đam mê không? Niềm đam mê thực sự không chỉ đơn thuần là cảm xúc mà bạn lan tỏa để khiến người nghe cảm thấy hào hứng. Nó xuất phát từ một nơi sâu xa hơn thế. Nếu chưa biết rõ câu trả lời, trước khi nói chuyện với mọi người lần tiếp theo, hãy tự hỏi bốn câu hỏi sau:
1. Tôi có tin những gì tôi nói không?
2. Nó có làm thay đổi tôi không?
3. Tôi tin nó sẽ giúp được người khác chứ?
4. Tôi có thấy nó thay đổi được người khác không?
Nếu có thể trả lời các câu hỏi trên, bạn sẽ có thể đốt lên ngọn lửa nhiệt huyết ở mỗi người. Nếu bạn có được ngọn lửa đó, nó cũng sẽ lan tỏa sang những người khác.
Mọi người cần cảm thấy niềm tin của bạn vào bản thân và vào người nghe
Như đã nói, niềm đam mê có giá trị rất tuyệt vời bởi nó thúc đẩy con người. Nó giúp họ nói “Có” với câu hỏi: “Liệu có đáng không?” Nhưng đam mê thôi không đủ. Mọi người cũng phải cảm nhận được sự tự tin của bạn bởi nó là thứ truyền cảm hứng cho họ nói “Có” với câu hỏi: “Tôi có thể làm điều đó không?” Cảm hứng đến với mọi người khi họ có thể dễ dàng trả lời “Có” cho cả hai câu hỏi này. Đó là khi họ sẵn sàng thay đổi cuộc sống của họ theo hướng tích cực.
Bạn đã bao giờ được nghe một diễn giả thiếu tự tin và nói rằng anh ta hoặc cô ta đang rất lo lắng? Điều đó chắc chắn không thể khiến bạn cảm thấy tự tin. Khả năng cao là, bạn sẽ bắt đầu lo lắng về nội dung của buổi nói chuyện. Các diễn giả tạo ra sự lo lắng ở người nghe không khuyến khích sự tự tin, thậm chí họ còn chẳng truyền cảm hứng cho bất cứ ai.
Với tư cách là một người giao tiếp, bạn phải cảm thấy tự tin về bản thân để giúp người khác cảm thấy tự tin vào chính họ. Nếu tôi tự tin về bản thân, việc đó cũng nói lên rằng tôi tin bạn và năng lực của bạn khi làm một việc gì đó, nhiều khả năng bạn sẽ thấy những gì tôi nói là đáng tin cậy.
Một số nhà lãnh đạo và diễn giả toát lên vẻ tự tin một cách rất tự nhiên khiến những người khác cũng cảm thấy tự tin vào chính mình. Tổng thống Franklin Roosevelt được cho là một người như vậy. Trong cuốn tiểu sử về Franklin và Eleanor Roosevelt, No ordinary Time (Tạm dịch: Thời đại bất thường), Doris Kearns Goodwin đã lưu ý rằng Roosevelt không phải là vị tổng thống thông minh nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông đã có những người có trình độ học vấn cao, tài năng và hiểu biết hơn quanh mình. Nhưng điều lớn nhất mà ông có được là sự tự tin đáng kinh ngạc vào bản thân và vào người dân Mỹ.
Luật sư Nhà Trắng của Roosevelt, Sam Rosenman, đã quan sát thấy rằng tổng thống có khả năng khiến những người khác tin vào chính mình. Ông nói rằng những người tiếp xúc với sự tự tin của Roosevelt “bắt đầu cảm nhận được nó, hòa vào nó, để hân hoan trong đó – và tự tin gấp 10 lần.” Bộ trưởng Lao động Francis Perkins cũng nói rằng thường “sau cuộc phỏng vấn với tổng thống, cô cảm thấy tốt hơn, không phải bởi ngài đã giải quyết được bất kỳ vấn đề nào… mà bởi ngài đã khiến tôi cảm thấy vui vẻ hơn, mạnh mẽ hơn và quyết tâm hơn.”
Nếu bạn không tràn đầy sự tự tin “bẩm sinh”, thì cũng đừng buồn. Bạn vẫn có thể học cách giúp người nghe cảm thấy tự tin hơn về bản thân họ nếu giao tiếp đúng cách. Trong cuốn sách của họ, Influencer (Tạm dịch: Người tạo ảnh hưởng), Patterson, Grenny, Maxfield, McMillan và Switzler đã kể câu chuyện về một nhóm công nhân sản xuất ô tô ở Mỹ đến thăm một nhà máy ô tô Nhật Bản. Khi quay trở về, họ muốn nói với các đồng nghiệp của họ rằng tất cả đều cần làm việc chăm chỉ và nhanh nhẹn hơn. Dưới đây là một đoạn trích thể hiện sự nỗ lực của nhóm lao động trong việc tìm ra cách kết nối:
Họ tập hợp một nhóm các đồng nghiệp lại và tuyên bố phát hiện của họ – các đối thủ cạnh tranh có hiệu suất cao hơn mỗi người bọn họ đến 40% bằng cách làm việc nhanh hơn và nhất quán hơn. Sau thông báo không mấy tốt lành khá ngắn gọn này, các thành viên của nhóm đã bị đuổi khỏi công đoàn.
Không nản lòng, nhóm người này lại tập hợp một nhóm khác và nói ngắn gọn hơn về những gì đã xảy ra. Càng có nhiều tiếng la ó hơn. Cuối cùng, người lãnh đạo nhóm đã lựa chọn người kể chuyện hay nhất và để anh ta phụ trách việc truyền đạt. Anh ta đã không nói một cách ngắn gọn – “Người lao động phải đoàn kết hoặc là chết!” Thay vào đó, người kể chuyện tài năng này đã dành 10 phút để tường thuật chi tiết sống động những gì đã xảy ra.
Các thành viên của nhóm lại tiếp tục bị cười nhạo. Nhưng nhóm làm nhiệm vụ đã không nản chí. Người kể chuyện lại kể lại cách họ đã lẻn vào nhà máy sau giờ làm và thăm dò đối phương. Nhưng các nhân viên của đối thủ vẫn đang làm việc hăng say. Nếu người lao động Nhật Bản tiếp tục làm tốt hơn công nhân Mỹ, các công ty Nhật Bản có thể giữ chi phí của họ ở mức thấp và chiếm lĩnh thị trường. Các công ty Mỹ sẽ giảm quy mô và người lao động Mỹ sẽ mất việc làm.
Sau khi thăm dò các công nhân Nhật Bản, những thành viên của nhóm làm nhiệm vụ quay trở lại khách sạn và cố gắng tìm cách để đánh bại đối thủ cạnh tranh. Tại sao phương pháp đó hiệu quả với các công nhân Nhật Bản và xem liệu họ có thể áp dụng vào công việc hiện nay hay không? Trong vài ngày tiếp theo, họ tham gia vào một loạt các công việc trong dây chuyền sản xuất của Nhật Bản và áp dụng chúng khá dễ dàng. Và cuối cùng, người kể chuyện nói: “Nếu chúng ta làm đúng các bước, chúng ta có thể nắm bắt số phận của bản thân và giữ được công việc của chúng ta.”
Người công nhân sản xuất ô tô đã tiếp cận thông tin bằng sự tự tin và anh ta đã giúp các đồng nghiệp của mình cảm thấy tự tin vào bản thân họ. Đó luôn là một phần cần thiết trong giao tiếp truyền cảm hứng.
Mọi người cần cảm nhận được lòng biết ơn bạn dành cho họ
Yếu tố cuối cùng cần thiết để truyền cảm hứng cho mọi người là lòng biết ơn của bạn dành cho người nghe. Với tư cách là một người giao tiếp, bạn nên biết ơn những người sẵn sàng lắng nghe bạn. Bạn nên biết ơn nếu họ ở lại và tiếp tục lắng nghe bạn. Thậm chí bạn còn nên biết ơn hơn nữa nếu họ được truyền cảm hứng đến mức khắc cốt ghi tâm những gì bạn đã nói.
Tôi tin rằng trong mọi đức tính của con người, lòng biết ơn có lẽ là đức tính dễ bị bỏ quên và ít được bày tỏ nhất. Cậu con trai của nhân viên bán hàng phàn nàn với cha mình rằng: “Con không hiểu cha đã quản lý cửa hàng này như thế nào. Cha để các tài khoản thanh toán trong một chiếc hộp xì gà. Các phiếu báo thu của cha ở khắp nơi. Tất cả tiền mặt của cha đều ở trong máy đếm tiền. Cha không bao giờ biết mình lãi được bao nhiêu.”
Trong mọi đức tính của con người, lòng biết ơn có lẽ là đức tính dễ bị bỏ quên và ít được bày tỏ nhất.
“Con trai,” người bán hàng trả lời, “hãy để cha nói với con điều này. Khi cha đến vùng đất này, tất cả những gì cha có là chiếc quần đang mặc trên người. Giờ đây, chị gái con đã là một giáo viên nghệ thuật. Anh trai con là một bác sĩ. Còn con là một CPA7. Mẹ và cha có nhà, có xe và cửa hàng nhỏ này. Tất cả những thứ đó chính là phần lãi rồi con ạ!”
Gladys Stern đã quan sát thấy “lòng biết ơn âm thầm chẳng mang lại lợi lộc cho ai.” Đó là sự thật. Đó là lý do tôi nỗ lực nuôi dưỡng lòng biết ơn và luôn thể hiện lòng biết ơn. Tôi cố gắng thể hiện lòng biết ơn về những điều nhỏ nhặt. Và đối với những điều lớn lao hơn, đôi khi tôi phải làm một điều gì đó có chủ ý để bày tỏ lòng biết ơn.
Đó là vào mùa hè năm 2008, mốc đánh dấu 10 năm kể từ ngày tôi bị đột quỵ, tôi rất biết ơn cuộc sống và các bác sĩ đã cứu chữa cho tôi. Để nói lời cảm ơn, Margaret và tôi đã quyết định tổ chức một bữa ăn tối nhằm bày tỏ lòng biết ơn với họ và vợ chồng họ. Chúng tôi đã sắp xếp để tổ chức bữa tối với một số bạn bè tại nhà của họ, thuê một đầu bếp chuẩn bị một bữa ăn năm món và tôi đã viết một điều đặc biệt cho dịp này.
Buổi tối hôm đó là một trải nghiệm khó phai. Sau khi ăn uống và chuyện trò, tôi đọc cho họ nghe lá thư sau đây:
Bác sĩ John Bright Cage và Jeff Marshall thân mến,
Mười năm trước, Chúa đã gửi hai vị đến để cứu sống tôi. Đây là lá thư tỏ lòng biết ơn của tôi. Những lời lẽ trong lá thư này là tâm huyết của tôi. Chúng được viết ra để thể hiện tình cảm của tôi dành cho các vị. Tôi tin rằng lòng biết ơn âm thầm không giúp ích được bất cứ ai.
Các vị sinh ra với sứ mệnh giúp đỡ mọi người. Trong nhiều năm, rõ ràng có rất nhiều người đã được trao cơ hội sống lần thứ hai. Trong 10 năm qua, tôi đã sống cuộc đời “thứ hai” như thế. Nhờ lòng lành của Chúa và tấm lòng vàng của các vị, hãy cho phép tôi chia sẻ ngắn gọn về những gì đã xảy ra trong thời gian này:
• Tôi đã có thêm 10 năm sống hạnh phúc bên Margaret và gia đình.
• Tôi có 5 đứa cháu và chúng thực sự đã khiến tôi vô cùng hạnh phúc.
• 38 cuốn sách đã ra xuất bản với hơn 15 triệu bản được bán ra.
• Amazon.com đã đưa tôi đến với Đại lộ Danh vọng.
• Tôi được vinh danh là “Bậc thầy về Nghệ thuật Lãnh đạo số 1 thế giới.”
• Ba sự kiện lãnh đạo đã được tôi thành lập:
Catalyst – một hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ với trung bình khoảng 12.000 người trên mỗi sự kiện.
Maximum Impact Simulcast – đã tiếp cận 100.000 người mỗi năm.
Exchange – một trải nghiệm điều hành cấp cao.
• Hai trong số các công ty của tôi đã đạt mức tăng trưởng tuyệt vời:
INJOY Stewardship Services đã hợp tác với 4.000 nhà thờ và gọi được 4 tỷ đô-la tiền vốn.
EQUIP đã đào tạo được 3 triệu nhà lãnh đạo tại 113 quốc gia.
• Tôi có vinh dự được phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, West Point, NASA, CIA và nhiều công ty Fortune 500 khác.
• Quan trọng nhất là hơn 7.500 người đã đón nhận Chúa nhờ những bài thuyết giảng của tôi!
Trong 10 năm qua, tôi đã liên tục bày tỏ sự biết ơn của mình với Chúa về hai người. Tối nay, tôi muốn gửi đến các anh lá thư này và muốn nói với các anh bằng tình cảm từ tận đáy lòng rằng: “Cảm ơn các anh rất nhiều!”
Bạn của các anh,
John
Margaret sau đó đã đích thân trao cho mỗi người họ lá thư tôi vừa đọc. Tôi đã khóc và họ cũng vậy. Trong 30 phút tiếp theo, chúng tôi chia sẻ tình cảm và dành cho nhau những cái ôm thân thiết. Một trải nghiệm thật tuyệt vời. Và dù đã rất cố gắng, nhưng tôi vẫn không thể hiện được hết lòng biết ơn của mình.
Để giúp người nghe cảm thấy đam mê, tự tin và được truyền cảm hứng, bạn phải thể hiện lòng biết ơn. Và để làm được điều đó, trước tiên bạn phải là một người biết ơn. Bạn không thể cho đi thứ mà bạn không có. Tin tốt, lòng biết ơn là một phẩm chất có thể có được qua thời gian – bất chấp mọi hoàn cảnh. Mỗi người chúng ta đều nên cố gắng để có được nhiều hơn như Matthew Henry. Khi bị cướp, ông đã viết như sau trong nhật ký của mình: “Hãy để tôi cảm ơn trước tiên bởi trước đây tôi chưa từng bị cướp; thứ hai, mặc dù họ đã lấy tiền của tôi, nhưng họ đã không cướp đi mạng sống của tôi; thứ ba, bởi tôi là người bị cướp, chứ không đi cướp.”
“Lòng biết ơn thầm lặng không mang lại lợi lộc cho ai.”
– Gladys Stern
HÀNH ĐỘNG – CẢM HỨNG Ở MỨC CAO NHẤT
Khi một người giao tiếp ghép cặp ba điều sau:
Những gì họ biết + Những gì họ nhìn thấy + Những gì họ cảm nhận
thì kết quả chính là nguồn cảm hứng. Đó là những gì Jerry Weissman, tác giả của cuốn Presenting to Win gọi là những “khoảnh khắc aha” viết:
Aha! sẽ được đại diện bởi hình ảnh một chiếc bóng đèn nhấp nháy trên đầu khán giả. Đó là giây phút thỏa mãn của sự hiểu biết và đồng thuận khi một ý tưởng từ tâm trí của một người được chuyển tải thành công đến người khác. Quá trình này là một bí ẩn khi chỉ sử dụng các từ và biểu tượng, con người có thể hiểu nhau và tìm thấy điểm chung trong một ý tưởng, một kế hoạch, một giấc mơ.
Có thể bạn đã từng tận hưởng các khoảnh khắc đó trong những trải nghiệm quá khứ như một nhà thuyết trình, một diễn giả, một nhân viên bán hàng, nhà giao tiếp, những khoảnh khắc khi bạn nhìn thấy bóng đèn nhấp nháy, khi ánh mắt gặp nhau, nụ cười lan tỏa và những cái gật đầu. Aha! là thời điểm bạn biết khán giả của bạn đã sẵn sàng hòa nhịp với bạn.
Một số nhà giao tiếp chỉ dừng lại ở đó. Họ khuyến khích mọi người, khiến họ cảm thấy thoải mái, giúp họ cảm thấy tự tin, nhưng sau đó không bao giờ dẫn họ đến hành động. Điều đó không đủ để giúp một người nào đó cảm thấy thoải mái. Sự hiểu biết thay đổi tâm trí còn hành động thay đổi cuộc sống. Nếu thực sự muốn giúp đỡ người khác, bạn cần phải giao tiếp ở cấp độ cao hơn – kêu gọi mọi người hành động. Như Maribeth Hickman nhận xét: Kết nối là cầu nối giữa “cách này” và việc có thể “bắt đầu thực hiện ngay bây giờ”. Khi bạn làm được hai việc sau, những người bạn kết nối sẽ được truyền cảm hứng hành động:
Nói những lời đúng đắn vào đúng thời điểm
Để đưa người nghe từ nguồn cảm hứng đến hành động, bạn phải dùng ngôn từ phù hợp đúng lúc. Các nhà lãnh đạo giỏi đều hiểu được tầm quan trọng của thời cơ. Trong cuốn sách của tôi, 21 nguyên tắc vàng của nghệ thuật lãnh đạo, tôi đã viết về quy luật thời cơ, trong đó nói rằng: “Thời điểm lãnh đạo cũng quan trọng như việc phải làm gì và đi đâu.” Thời cơ thường là sự khác biệt giữa thành công và thất bại trong bất kỳ nỗ lực nào. Các nhà giao tiếp giỏi hiểu được tầm quan trọng của những lời lẽ thích hợp. Tiểu thuyết gia Joseph Conrad thừa nhận: “Ngôn từ đã thiết lập toàn bộ các quốc gia vào sự dịch chuyển và cải tạo những mảnh đất khô cằn, nơi ươm mầm cho cơ cấu xã hội của chúng ta. Hãy trao cho tôi những ngôn từ và giọng điệu phù hợp, tôi sẽ dịch chuyển cả thế giới.” Khi bạn kết hợp hai điều đó với nhau, nó sẽ vô cùng mạnh mẽ!
Trong cuốn sách Am I Making Myself Clear?, Terry Felber đã viết về cách Franklin Roosevelt chuẩn bị bài phát biểu trước Quốc hội sau vụ đánh bom Trân Châu Cảng. Ông giải thích rằng trong dự thảo đầu tiên của mình, Roosevelt quyết định: “Hôm qua, ngày 7 tháng 12 năm 1941, một ngày sẽ sống mãi trong lịch sử thế giới, nước Mỹ đã bị tấn công bất ngờ và có chủ đích…” Sau khi một thư ký đánh máy ra thông điệp dài 500 từ này, ông xem qua nó và chỉ thực hiện một thay đổi. Ông gạch bỏ dòng chữ “sống mãi trong lịch sử thế giới” và thay bằng một từ rất “đắt”: Ô nhục. Felber viết: “Như chúng ta đều biết, một ngày sẽ gắn liền với sự ô nhục là một trong số những câu nói nổi tiếng nhất từng được nói bởi một vị tổng thống Hoa Kỳ. Sự lựa chọn từ ngữ đúng đắn đã tạo ra một thông điệp sống mãi trong lịch sử.”
Cụm từ đó, được nói ra vào ngày sau khi cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, đã đưa cả quốc gia vào thế sẵn sàng dịch chuyển. Hàng ngàn thanh niên nhập ngũ sau khi nghe chúng và người dân Mỹ đã thắt lưng buộc bụng để chuẩn bị cho chiến tranh.
Trao cho mọi người kế hoạch hành động
Có một câu chuyện kể về một người nông dân hỏi hàng xóm của mình rằng: “Ông sẽ tham dự các lớp học đại lý của quận vào tuần tới chứ?” Người hàng xóm của ông trả lời: “Ôi! Tôi biết về nông nghiệp còn nhiều hơn cả những gì đang làm ấy chứ.” Đó là cách hầu hết mọi người cho rằng: Kiến thức của họ giá trị hơn nhiều những gì cần học hỏi. Các nhà giao tiếp giỏi phải giúp mọi người vượt qua suy nghĩ đó.
Tôi luôn nghĩ mình là một giáo viên động lực, chứ không phải là một diễn giả động lực. Sự khác biệt giữa hai chức danh này là gì? Một diễn giả động lực khiến bạn cảm thấy thoải mái, nhưng bạn không biết chắc lý do. Một giáo viên động lực khiến bạn cảm thấy thoải mái và bạn sẽ biết lý do tại sao và sẽ hành động. Nói cách khác, một diễn giả động lực muốn bạn cảm thấy thoải mái còn giáo viên động lực muốn bạn làm tốt.
Tôi đã từng đọc các số liệu thống kê cho thấy 95% khán giả hiểu những gì đang được truyền đạt và đồng ý với quan điểm của diễn giả. Tuy nhiên, họ không biết cách áp dụng chúng vào cuộc sống. Đó là lý do tôi thường trao cho mọi người một kế hoạch hành động. Đó cũng là một trong những lý do tôi bắt đầu viết cuốn sách và cung cấp những bài học audio. Tôi muốn mọi người có thể tích lũy được gì đó có ích cho họ. Mong muốn của tôi là giúp mọi người dịch chuyển từ “biết cách” sang “làm được”.
Nhiều lần, tôi đưa ra các biện pháp rất cụ thể mà người nghe của tôi có thể nắm bắt được. Nhưng ngay cả đối với một thông điệp rất rộng hoặc không có khả năng tạo ra các bước đi cụ thể, tôi vẫn đề xuất một kế hoạch hành động cho mọi người dựa trên từ ACT (Hành động). Tôi nói với họ:
• Đặt một chữ “A” bên cạnh những điều bạn đã học được rằng bạn cần phải áp dụng (Apply).
• Đặt một chữ “C” bên cạnh những điều bạn đã học được rằng bạn cần phải thay đổi (Change).
• Đặt một chữ “T” bên cạnh những điều bạn đã học được rằng bạn cần phải truyền dạy (Teach).
Sau đó, tôi khuyến khích họ chọn một mục để hành động dựa trên đó trong vòng 24 giờ sau đó và chia sẻ điều quan trọng nhất mà họ học được với người khác. Điều này có vẻ đơn giản, nhưng nếu được áp dụng, nó có thể làm thay đổi cuộc sống.
ĐƯA RA CAM KẾT ĐỂ LIÊN TỤC TRUYỀN CẢM HỨNG CHO NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Norm Lawson kể câu chuyện về một giáo sĩ Do Thái và một nhà sản xuất xà phòng đi dạo cùng nhau. Nhà sản xuất xà phòng hỏi: “Tôn giáo có gì tốt? Ngài hãy nhìn mọi rắc rối và đau khổ trên thế giới! Chúng vẫn còn đó, thậm chí sau nhiều năm, cả hàng ngàn năm, sau những lời giảng dạy về sự tốt lành, chân lý và hòa bình, sau mọi lời cầu nguyện, các bài thuyết giảng và giáo lý. Nếu tôn giáo hữu ích và đúng đắn, tại sao những chuyện này vẫn diễn ra?”
Giáo sĩ Do Thái im lặng và họ tiếp tục đi cho đến khi họ thấy một đứa trẻ đang chơi trong máng xối.
Lúc đó, vị giáo sĩ Do Thái lên tiếng: “Hãy nhìn đứa trẻ kia. Anh nói rằng xà phòng sẽ khiến con người sạch sẽ, nhưng hãy nhìn những vết bẩn trên người đứa trẻ đó đi. Với tất cả lượng xà phòng trên thế giới, trong tất cả những năm qua, đứa trẻ vẫn bẩn thỉu. Tôi tự hỏi xà phòng hiệu quả ra sao, sau tất cả những điều đó?”
Nhà sản xuất xà phòng phản đối: “Nhưng, thưa giáo sĩ, xà phòng không thể mang lại hiệu quả trừ khi nó được sử dụng!”
“Chính xác,” giáo sĩ trả lời.
Raymond Master nhận xét: “Xã hội của chúng ta dường như đi từ cảm hứng này đến cảm hứng khác, tìm kiếm những điều tiếp theo khiến họ cảm thấy thoải mái, nhưng lại hầu như không hành động về việc đó.” Thật đáng buồn. Theo một số học giả, không phải lúc nào cũng có một phân chia như vậy giữa sự hiểu biết và hành động. Một nhà ngôn ngữ học nói rằng trong 20 thứ tiếng nguyên thủy, các từ “nghe” và “làm” đều là một từ. Chỉ trong bối cảnh hiện đại, chúng ta mới phân chia chúng. Như các nhà giao tiếp, chúng ta cần phải kết hợp hai ý tưởng này lại cho người nghe. Và việc đó đòi hỏi một cam kết để liên tục kết nối với những người khác, truyền cảm hứng cho họ và khuyến khích họ hành động.
Nam diễn viên Will Smith đã từng nói: “Cách tôi muốn đo lường sự vĩ đại đó là số lượng người tôi có thể ảnh hưởng tới? Trong suốt cuộc đời, tôi có thể ảnh hưởng đến bao nhiêu người? Tôi có thể khiến bao nhiêu người muốn trở nên tốt hơn? Hoặc tôi có thể truyền cảm hứng cho bao nhiêu người?” Cuối cùng, giao tiếp có gì tốt nếu tác động của nó kết thúc đúng vào thời điểm chúng ta ngừng lời?
Mục đích thực sự của truyền cảm hứng không phải là những tiếng vỗ tay. Giá trị của nó không nằm trong điều kỳ diệu nó có thể tạo ra hoặc những cảm xúc tích cực nó có thể gợi lên cho những người khác. Thử nghiệm thực sự của cảm hứng là hành động. Đó là những gì tạo nên sự khác biệt.
Nếu muốn kết nối với những người khác, bạn phải cố gắng truyền cảm hứng cho họ. Nhưng đừng làm điều đó để khiến bạn hoặc người khác cảm thấy thoải mái hơn. Hãy làm điều đó để khiến thế giới trở nên tốt hơn.
“Cách tôi muốn đo lường sự vĩ đại đó là… có bao nhiêu người tôi có thể khiến họ muốn trở nên tốt hơn?”
– Will Smith
KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI Ở MỌI CẤP ĐỘ
Thực tế kết nối: Các nhà kết nối truyền cảm hứng cho mọi người.
Khái niệm chính: Những gì mọi người nhớ nhất là cảm nhận mà bạn mang lại cho họ.
KẾT NỐI TRỰC TIẾP VỚI MỘT NGƯỜI
Cả ba yếu tố trong phương trình truyền cảm hứng mang lại hiệu quả khi truyền cảm hứng cho mọi người, nhưng chúng có giá trị khác nhau trong các hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Trong giao tiếp trực tiếp với một người, thứ có trọng lượng nhất là những gì mọi người nhìn thấy. Bạn thực sự là người truyền cảm hứng (hoặc khuyến khích) những người gần gũi với bạn. Bạn không thể che giấu điều đó. Cá tính, trên hết, là những gì sẽ gây ấn tượng lớn nhất đến mọi người ở cấp độ này.
Những phẩm chất nào giúp mọi người kết nối với bạn? Đây là những gì họ muốn thấy:
• Một trái tim để phục vụ – mọi người cần biết rằng bạn muốn phục vụ họ.
• Một người với những giá trị tốt đẹp – cho họ thấy những giá trị của bạn bằng lời nói và hành động.
• Một người hay giúp đỡ – bổ sung giá trị cho người khác và luôn cố gắng để nâng họ lên.
• Một tinh thần quan tâm – mọi người không quan tâm bạn biết bao nhiêu cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến họ bao nhiêu.
• Một thái độ tin cậy – mọi người dịch chuyển đến gần những người tin họ.
KẾT NỐI TRONG NHÓM
Những gì mọi người biết về bạn được đong đếm khi bạn truyền cảm hứng cho mọi người trong một nhóm. Họ muốn biết bạn làm những gì. Đó là những gì mang lại cho bạn sự tín nhiệm nhiều nhất. Nếu mọi người biết và tôn trọng thành tích của bạn và bạn tin họ, thì họ cũng sẽ tin vào bản thân và được truyền cảm hứng để hành động.
Mọi người trong một nhóm muốn biết rằng…
• bạn sẽ dẫn dắt và noi gương,
• bạn sẽ chỉ yêu cầu họ làm những gì bạn đã làm hoặc sẵn sàng làm,
• bạn sẽ dạy cho họ làm những gì bạn đã làm,
• thành công của họ quan trọng đối với bạn hơn thành công của bạn
• họ sẽ được trọng thưởng cho những thành tích của họ
• bạn sẽ ăn mừng thành công của họ.
KẾT NỐI VỚI KHÁN GIẢ
Khía cạnh quan trọng nhất của kết nối khi cố gắng kết nối với khán giả là cách bạn khiến họ cảm nhận. Gần như mọi lúc, họ có thể không thực sự biết diễn giả và bất cứ điều gì về tính cách của họ từ khoảng cách xa. Họ có thể đã được cho biết thông tin về những thành tựu của diễn giả, nhưng không chắc chắn về chúng. Những gì họ có là phản ứng của họ trong vài phút đầu khi diễn giả nói trên sân khấu. Nếu cảm thấy thoải mái, họ sẽ cảm thấy được kết nối. Nếu không, thì ngược lại. Vì vậy, nếu bạn đang chuẩn bị nói chuyện với khán giả, hãy chắc rằng bạn đã cố gắng kết nối với họ ở cấp độ tình cảm. Những cách sau đây sẽ giúp bạn làm điều đó:
• Họ nên thấy rằng bạn thích được gặp gỡ họ và muốn giúp đỡ họ.
• Họ nên cảm thấy rằng bạn là bạn của họ.
• Họ nên cảm thấy rằng bạn chân thành và dễ bị tổn thương – không hoàn hảo, nhưng cầu tiến.
• Họ nên cảm thấy bạn đang trò chuyện với họ thay vì giáo huấn họ.
• Họ nên cảm thấy bạn tin tưởng họ và họ có thể tin vào chính mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.