Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối

10: CÁC NHÀ KẾT NỐI SỐNG VỚI NHỮNG GÌ HỌ TRUYỀN TẢI



Thông thường khi một người nào đó bắt đầu nắm giữ một vị trí lãnh đạo, những người bị ảnh hưởng sẽ hy vọng và mong muốn lãnh đạo của họ làm tốt. Nếu nhà lãnh đạo đó có kỹ năng giao tiếp, có khả năng kết nối, thì mọi người sẽ lắng nghe, tin tưởng và làm theo.

Trong sáu tháng đầu tiên của một mối quan hệ, dù đó là cá nhân hay công việc, đồng cấp hay cấp trên – cấp dưới, chúng ta đều tập trung vào khả năng giao tiếp của một người để đánh giá họ. Nếu được kết nối với một người có khả năng giao tiếp và có tầm nhìn, chúng ta sẽ cảm thấy tin tưởng vào họ và vào mọi điều tốt đẹp sẽ xảy đến.

Đôi khi điều cũng tuyệt vời, nhưng đôi khi thì không.

Uy tín chính là điều làm nên sự khác biệt. Dưới đây là cách nó mang lại hiệu quả trong bất kỳ mối quan hệ nào:

Trong sáu tháng đầu tiên – giao tiếp bao trùm uy tín.

Sau sáu tháng, sự tín nhiệm lại bao trùm giao tiếp.

Sự tín nhiệm là tấm séc dành cho các nhà lãnh đạo và các nhà kết nối. Có nó, họ sẽ sung túc; thiếu nó, họ chỉ có nước phá sản. Với sự tin cậy, các nhà lãnh đạo tiếp tục kết nối với mọi người, nếu không, họ sẽ bị ngắt kết nối.

Sự tín nhiệm là tấm séc dành cho các nhà lãnh đạo và các nhà kết nối. Có nó, họ sẽ sung túc; thiếu nó, họ chỉ có nước phá sản.

KIỂM CHỨNG SỰ THẬT

Vào tháng Giêng năm 2009, Barack Obama nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Khi tôi viết cuốn sách này, ông tại vị chưa đến sáu tháng. Tất cả mọi người vẫn dành cho ông nhiều hy vọng. Tổng thống là một người giao tiếp tốt, ông biết cách kết nối với mọi người và đã làm rất tốt trong các chiến dịch tranh cử. Carl M. Cannon, tác giả của Ten reasons why Obama won (Tạm dịch: 10 lý do để Obama đắc cử,” đã viết về Obama rằng: “Ông ấy đã kết hợp, trong một thuật giả kim kỳ lạ, kỷ luật của Kennedy, tài năng của Bill Clinton và sự lạc quan của Ronald Reagan cùng phẩm chất của Teflon.” Ông ấy thực sự là người rất đặc biệt trong chiến dịch tranh cử.

Khi thời gian qua đi, lúc đang đọc những dòng này, bạn sẽ hoặc thừa nhận rằng Tổng thống Obama đã gây dựng được uy tín, chứng minh được bản thân mình là nhà lãnh đạo tốt – hoặc bạn sẽ nói rằng khả năng giao tiếp của ông lấn át uy tín của ông và ông đã không thực hiện những gì đã nói. Đó là cách uy tín hoạt động, không chỉ đối với ông mà đối với mọi chính trị gia, mỗi nhà lãnh đạo, các bậc phụ huynh. Cách mọi người sống, theo thời gian, đã lấn át ngôn từ mà họ sử dụng. Nếu sống tốt, thời gian sẽ là bạn của họ.

Uy tín là về niềm tin. Stephen M. R. Covey đã viết trong cuốn The speed of Trust (Tạm dịch: Tốc độ của Niềm tin) về tác động của chữ tín trong kinh doanh. Ông khẳng định: “Niềm tin có nghĩa là sự tự tin,” với sự tin tưởng xóa tan lo lắng và giải phóng bạn để bạn có thể tập trung vào các vấn đề khác. “Thiếu tin tưởng là một chi phí vô hình trong cuộc sống và kinh doanh, bởi nó tạo ra, sự suy xét và đề phòng trong giao tiếp, do đó làm chậm quá trình ra quyết định. Thiếu tin tưởng cản trở đổi mới và năng suất. Tin tưởng, mặt khác, tạo ra tốc độ bởi nó thúc đẩy sự hợp tác, lòng trung thành và cuối cùng, là kết quả.”

Tin tưởng đóng vai trò tương tự trong mọi mối quan hệ và nó luôn tác động đến giao tiếp. Để trở thành một nhà kết nối hiệu quả về lâu dài, bạn phải thiết lập sự tín nhiệm bằng cách sống với những gì bạn chuyển tải. Nếu không, bạn sẽ làm suy yếu lòng tin, mọi người sẽ ngừng lắng nghe và ngắt kết nối với bạn. Điểm mấu chốt đó là hiệu quả của giao tiếp đa phần dựa vào phẩm chất của người truyền tải thông điệp hơn là nội dung thông điệp.

Cách mọi người sống, theo thời gian, đã lấn át ngôn từ mà họ sử dụng.

BẠN LÀ MỘT THÔNG ĐIỆP

Một trong những điều mà tôi thấy rất áp lực đó là các hành động của nhiều cầu thủ trong đội Major League Baseball. Tôi lớn lên với tình yêu dành cho bóng chày và là “fan ruột” của đội Cincinnati Reds. Trong những năm gần đây, các cầu thủ đã phá vỡ được các kỷ lục lâu đời, nhưng họ làm điều đó bằng cách sử dụng steroid8. Một cầu thủ có vẻ xuất sắc hơn những người khác đã bị buộc tội sử dụng steroid. Bóng chày là một trò chơi số liệu thống kê. Nếu số liệu thống kê không đáng tin cậy do sử dụng các chất tăng cường hiệu suất của người chơi, trò chơi đã hoàn toàn bị sụp đổ.

Dù hữu ý hay vô tình, bạn là thông điệp được chuyển tải đến những người khác. Điều đó quyết định việc những người khác có muốn kết nối với bạn hay không. Ngay cả người biểu diễn giỏi nhất cũng khó lòng luôn thể hiện mặt tích cực. Cuối cùng bộ mặt thật của bạn cũng lộ diện – trên sân khấu, tại nơi làm việc, hoặc ở nhà. Vì vậy, nếu muốn kết nối tốt với mọi người, bạn phải trở thành tuýp người mà bạn muốn kết nối. Bạn miêu tả bản thân như thế nào, bạn truyền tải những gì và bạn cần sống ra sao. Dưới đây là một vài gợi ý của tôi:

Kết nối với chính mình

Các mối quan hệ mà chúng ta có với những người khác phần lớn được quyết định bởi các mối quan hệ chúng ta có với chính mình. Nếu chúng ta không chấp nhận bản thân, không thấy thoải mái với chính mình cũng như mọi người, không biết điểm mạnh và điểm yếu của mình, thì nỗ lực trong việc kết nối với những người khác của chúng ta sẽ thành công cốc. Một khi hiểu rõ bản thân, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái và cởi mở để tìm hiểu những người khác và họ cũng vậy. Cuối cùng, chúng ta sẽ có thể kết nối một cách bền vững với họ.

Bước đầu tiên để kết nối với chính mình là biết rõ bản thân nhờ tự đánh giá. Chúng ta cần phải tự giác trong việc này. Dành thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu và kiểm tra để tìm ra thế mạnh của bản thân. Nói chuyện với người khác về những điểm yếu của bạn. Bạn phải luôn chân thành. Trớ trêu là chúng ta cần dành nhiều thời gian tập trung vào bản thân nên chỉ có thể dành sự quan tâm cho những người khác khi ngừng chú ý đến bản thân.

Bước thứ hai xuất phát từ việc yêu quý bản thân và khả năng tự nói chuyện. Nhà động lực Zig Ziglar cho hay: “Người có ảnh hưởng nhất sẽ nói chuyện với bạn cả ngày, đó chính là bạn. Vì vậy, bạn phải rất cẩn thận với những gì nói với bản thân.” Nếu thường xuyên nói những điều gây khó chịu và tiêu cực về bản thân, bạn sẽ không thể tự tin với chính mình hoặc với người khác. Điều đó không có nghĩa là phủ nhận việc làm sai trái hoặc phớt lờ các vấn đề hoặc những sai lầm. Nó có nghĩa là duy trì một cái nhìn thực tế nhưng tích cực về cuộc sống.

Gần đây, tôi đã ăn tối với một người bạn lãnh đạo một tổ chức thành công ở Arkansas và một trong những điều mà anh ấy đã nói tôi đó là: “John, trong tất cả những người tôi biết, anh là người thoải mái nhất khi là chính mình.” Tôi coi đó là một lời khen ngợi. Tôi cảm thấy thoải mái với bản thân mình, biết mình là ai, tuy tôi không phải là người toàn diện. Các điểm mạnh của tôi rất ít – tôi tin mình chỉ có bốn điểm mạnh (đó là lãnh đạo, giao tiếp, sáng tạo và kết nối). Ngoài ra, tôi có vô số điểm yếu. Tôi cố gắng để trung thực với chúng, tập trung vào sử dụng điểm mạnh và luôn cố gắng toàn vẹn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Nếu chưa từng dành thời gian để kết nối với chính mình, tôi hy vọng bạn sẽ bắt đầu làm điều đó ngay từ hôm nay. Đó không phải là một hành động ích kỷ. Tôi tin bạn có thể làm tròn bổn phận của bản thân nếu hiểu và kết nối với chính mình. Và bạn cũng có thể kết nối tốt hơn với những người khác và bổ sung giá trị cho họ nếu bạn biết những gì cần hoặc không cần đưa ra.

Sửa chữa sai lầm

Như đã đề cập, để kết nối với mọi người, bạn phải có uy tín. Bạn có thể duy trì được sự tín nhiệm ở mức độ nào khi phạm sai lầm? Điều đó phụ thuộc vào cách bạn phản ứng với hoàn cảnh.

Không thừa nhận sai lầm dấy lên câu hỏi về sự chính trực của nhà lãnh đạo!

Tất cả mọi người đều mắc sai lầm. Tôi đã phạm sai lầm với tư cách một nhà lãnh đạo, một người giao tiếp, một người chồng và người cha. Nhân vô thập toàn, để kết nối, bạn phải luôn biết mình là ai. Đó là cách bạn duy trì được tính toàn vẹn và lấy lại được uy tín của bản thân. Bạn phải sẵn sàng:

Thừa nhận sai lầm. Khi các quyết định của bạn không tạo ra kết quả như mong muốn, bạn nợ một lời giải thích. Một trong những điều mà tôi ngưỡng mộ trong vài tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama đó là sự sẵn sàng thừa nhận sai lầm. Khi việc đề cử nội các của Tom Daschle gặp biến cố, Tổng thống Obama chỉ nói đơn giản: “Tôi đã sai.” Đó là điều tôi ngưỡng mộ ở một nhà lãnh đạo.

Xin lỗi. Khi hành động của bạn làm tổn thương những người khác, bạn cần phải thừa nhận sai lầm và nói lời xin lỗi. Điều đó có thể chẳng mấy vui vẻ vào lúc này, nhưng đó không chỉ là điều phải làm, mà nó thực sự có thể hạn chế sự ăn năn của bạn và để sự việc trôi vào quá khứ. Đó là lý do chúng ta nên làm theo lời khuyên của Thomas Jefferson: “Nếu bạn phải ăn một con quạ, hãy ăn khi nó còn trẻ và dịu dàng.”

Chuộc lỗi. Nếu nằm trong khả năng của bạn, bạn cần phải tìm cách để cho mọi người biết bạn đã làm sai. Cách đây không lâu, tôi phải làm điều này sau khi mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khi quay trở lại buổi nói chuyện cho một tổ chức. Trong khi đang nói, tôi có thể thấy phản ứng của khán giả về việc có điều gì đó không đúng, nhưng tôi không thể biết đó là gì. Chỉ sau khi rời sân khấu, tôi mới phát hiện ra về cơ bản, tôi đã có một bài nói chuyện tương tự như lần trước. Tôi gọi cho trợ lý của mình và cô ấy đã khẳng định rằng nghi ngờ của tôi là đúng. Ngay lập tức, tôi đã đến gặp nhà tổ chức để xin lỗi và hỏi liệu tôi có thể nói lời xin lỗi đến khán giả vào ngày hôm sau không. Anh ấy đã rất vui về việc đó. Sau đó, tôi có cơ hội trở lại vào năm sau, tự trả mọi chi phí và làm diễn giả miễn phí. Tôi nghĩ đó là điều phải làm trong hoàn cảnh đó. Tôi không thể quay ngược thời gian, nhưng tôi có thể làm tất cả mọi thứ trong khả năng để sửa chữa sai lầm.

Nhân vô thập toàn, để kết nối, bạn cần phải biết mình là ai.

Chịu trách nhiệm

Như bạn có thể thấy, tôi rất thích nghiên cứu về các nhà lãnh đạo và các tổng thống Hoa Kỳ là mối quan tâm đặc biệt đối với tôi. Tôi có một câu hỏi dành cho bạn. Theodore Roosevelt, Franklin Delano Roosevelt, Harry Truman và Ronald Reagan có điểm gì chung? Nếu đã từng đọc về họ, hẳn bạn biết tất cả họ đều rất khác nhau. Họ đến từ các đảng khác nhau, có các triết lý và phong cách lãnh đạo khác nhau. Nhưng họ có có một điểm chung đó là: Họ được đánh giá là đã nói được, làm được.

Một trong những lời khen ngợi tốt nhất mà bạn có thể dành cho người khác là gì? Tôi tin đó là: “Tôi trông cậy vào bạn.” Đó là lý do tôi đưa quy luật về sự tin tưởng và cuốn The 17 Indisputable Laws of Teamwork (17 nguyên tắc vàng trong làm việc nhóm9). Nó cho rằng các đồng đội phải có khả năng tin tưởng nhau khi cần. Nhưng để “tin tưởng” và có trách nhiệm với nhau đúng với bất kỳ mối quan hệ nào chứ không chỉ trong đội. Đó là lý do tại sao: Khi đưa ra một cam kết, bạn tạo ra hy vọng. Khi thực hiện một cam kết, bạn tạo nên niềm tin.

Nói chung, chúng ta cần có trách nhiệm trong bất cứ lĩnh vực nào chúng ta có điểm yếu. Chúng ta thoải mái khi nói đến các điểm mạnh của bản thân, thích làm việc và nhiều khả năng sẽ làm tốt những khía cạnh có liên quan đến thế mạnh của bản thân. Mọi người mong đợi điều đó ở chúng ta. Tuy nhiên, khi nói đến những điểm yếu, chúng ta cần phải cho phép những người khác đặt ra câu hỏi và thách thức chúng ta. Nếu không, chúng ta khó có thể kết nối.

Khi đưa ra một cam kết, bạn tạo ra hy vọng. Khi thực hiện một cam kết,bạn tạo nên niềm tin.

Làm chủ cách bạn sống

Tác giả kiêm diễn giả Jim Rohn cho rằng: “Bạn không thể nói rõ bạn không biết điều gì. Bạn không thể chia sẻ điều bạn không cảm nhận được. Bạn không thể chuyển dịch thứ mà bạn không có. Và bạn không thể cho đi thứ mà bạn không sở hữu. Để cho đi, chia sẻ và làm việc đó hiệu quả, trước tiên bạn cần phải có nó.” Điều đó có nghĩa là trước tiên bạn cần phải sống với nó!

Trong lãnh đạo, tầm quan trọng của việc mô hình hóa những gì bạn giao tiếp rất rõ ràng. Lịch sử đầy rẫy những tấm gương về các nhà lãnh đạo đã tạo ra ảnh hưởng bằng cách tiến về phía trước và nói rằng: “Hãy theo tôi”. Fred A. Manske Jr. đã chỉ ra trong cuốn sách Secrets of Effective Leadership (Tạm dịch: Những bí mật về nghệ thuật lãnh đạo hiệu quả) rằng:

• Tướng Robert E. Lee đã trực tiếp đến thăm đội quân của ông vào đêm trước một trận đánh lớn, để làm vậy, ông đã phải thức trắng.

• Công tước xứ Wellington, người đã đánh bại Napoleon tại Waterloo, tin rằng sự hiện diện của Napoleon trên chiến trường tương đương với 40.000 binh sĩ.

Những người sống với thông điệp của họ, làm chủ cách họ sống, những người nói đi đôi với làm khác biệt hoàn toàn so với những người ở phe đối diện. Họ là những người kết nối, một phần vì cách họ sống. Ở đâu coi thông điệp như một bài học, ở đó các nhà kết nối coi thông điệp là cách sống. Ở đâu có người đưa ra thông điệp như một ngoại lệ cho cách họ sống, ở đó các nhà kết nối truyền tải nó như phần mở rộng cho cách họ sống. Đối với các nhà giao tiếp, nội dung là vấn đề quan trọng nhất. Đối với các nhà kết nối, độ tin cậy là vấn đề chủ chốt.

Giáo viên Lindsay Fawcett từng nói: “Tôi nghe nói rằng công việc đầu tiên anh đảm nhận như một giáo viên ảnh hưởng đến suốt phần còn lại trong sự nghiệp của anh. Đôi khi không ai sẵn lòng giúp anh và đôi khi người quản lý nâng anh lên và khuyến khích anh đạt được tiềm năng của anh.” Lindsay nói về công việc đầu tiên của cô ấy sau khi tốt nghiệp đại học ở Minneapolis: “Hiệu trưởng nhà trường và điều phối viên ESL của tôi khuyến khích tôi thử những điều mới mẻ và họ tin tưởng vào phán đoán của tôi. Tôi cảm thấy được yêu quý và đánh giá cao đến mức mọi thứ tôi làm đều để chứng minh rằng họ đã đúng. Họ biết cách kết nối với các nhân viên và làm việc với họ khiến tôi cảm thấy như đang ở bên gia đình.” Lãnh đạo đáng tin cậy có ảnh hưởng lớn đến mọi người trong một tổ chức.

Nếu không sẵn sàng sống với một điều gì đó, bạn có thể không cần cố gắng truyền tải nó. Điều đó không có nghĩa bạn phải cố gắng để thật hoàn hảo bởi nó là điều bất khả thi. Điều đó có nghĩa là bạn phải cố gắng để trở thành người mà bạn muốn người khác trở thành. Ngoài ra, khả năng lãnh đạo của bạn sẽ gặp vấn đề khi bạn thiếu đi uy tín. Với tư cách một blogger và mục sư sinh viên Adam Jones cho hay: “Lãnh đạo nhưng thiếu sự liêm chính sẽ thất bại trước khi thực hiện bước tiến đầu tiên.”

Nói sự thật

Một phụ nữ đi cùng với chồng mình, người đang mắc bệnh nặng đến văn phòng bác sĩ. Sau khi kiểm tra, bác sĩ đề nghị người đàn ông ra ngoài phòng chờ để ông có thể nói vài lời với người phụ nữ đó.

“Tình trạng của chồng chị rất nghiêm trọng,” ông nói. “Nếu chị không làm những điều sau, chồng chị chắc chắn sẽ chết”:

• Thay đổi bữa sáng dinh dưỡng hàng ngày và tiễn anh ấy đi làm với thái độ vui vẻ.

• Khi anh ấy về nhà, hãy để anh ấy nghỉ ngơi và đảm bảo không gây áp lực cho anh ấy bởi bất kỳ lo lắng hay công việc gia đình nào.

• Chuẩn bị cho anh ấy một bữa tối ấm áp và bổ dưỡng.

Trên đường về nhà, người vợ lái xe trong im lặng. Người chồng cuối cùng đã hỏi: “Bác sĩ nói gì thế em?”

“Một tin xấu, anh ạ” cô trả lời. “Ông ta nói rằng anh sắp chết.”

Tôi biết, đó là một trò đùa khủng khiếp, nhưng tôi thích nó. Tại sao? Bởi nó mô tả cách mọi người thường tương tác với những người khác. Họ không trung thực với nhau. Tuy nhiên, trung thực rất quan trọng đối với sự tin cậy. Nhà báo Edward R. Murrow thừa nhận rằng: “Để thuyết phục, chúng ta phải thể hiện sự tin cậy; để được tin cậy, chúng ta phải đáng tin; để đáng tin, chúng ta phải trung thực.”

Vài năm trước, tôi đã nói chuyện với một nhóm các nhà điều hành và một người trong số đó đã hỏi tôi, khi tuyển dụng tôi làm theo các nguyên tắc nào.

“Điểm cốt lõi là gì?” ông hỏi.

“Tôi chỉ có một nguyên tắc,” tôi giải thích. “Tôi không bao giờ tuyển dụng.” Điều đó thu hút được sự chú ý của họ. “Và lý do là bởi tôi rất kinh khủng trong lúc phỏng vấn.”

Tôi đã giải thích những trải nghiệm khủng khiếp của tôi trong tuyển dụng. Bởi tôi rất lạc quan và có niềm tin dạt dào vào mọi người, nên tôi thiếu đi sự thực tế. Không quan trọng liệu khó khăn có xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn với ứng cử viên hay không. Tôi luôn nghĩ mình có thể giúp người này cải thiện kỹ năng và thành công. Đó không phải là thái độ đúng đắn đối với một người phỏng vấn. Để thành công trong lĩnh vực này, bạn cần những người hoài nghi – những cá nhân thậm chí không tuyển dụng người thân của mình. Khi tôi từ bỏ công việc tuyển dụng, tổ chức của tôi đã được đưa lên một tầm cao mới.

Khi ngừng mọi công việc tuyển dụng, tôi có thể thấy phản ứng đầu tiên của các nhà điều hành là tiêu cực. Nhưng như đã giải thích, tôi có thể cảm nhận được rằng họ đánh giá cao việc tôi biết điểm yếu của mình và họ tôn trọng sự trung thực của tôi. Tệ hơn, một số người không biết ông ta đang nói về việc gì, và giả vờ rằng ông ta có chuyên môn trong khi thực sự không biết gì. Như Roger, một người nhận xét blog khẳng định: “Tin cậy không phải là sự hoàn hảo mà là sẵn sàng chấp nhận sự không hoàn hảo.”

Dễ bị tổn thương

Khi Bob Garbett vào Thủy quân lục chiến, một trung úy rời Trường Cán bộ được phân công vào đơn vị của anh. Bob nói rằng chàng thanh niên trẻ rõ ràng bị choáng ngợp trước nhiệm vụ mới của mình. Tuy vậy, anh ta xử lý nó rất khéo léo.

“Vào ngày đầu tiên,” Bob nói, “cậu ta đã tập hợp tất cả các hạ sĩ quan và nói với chúng tôi rằng cậu rất vui vì được chúng tôi chỉ dạy. Cậu nói: ‘Đừng làm tổn thương tôi. Tôi tin tưởng các anh.’ Tôi không bao giờ quên những lời đó nói của cậu ta và cậu ta đã nhanh chóng hoàn thành vai trò của mình trong mắt mọi người.

Khi thành thật với mọi người, điều đó khiến bạn dễ bị tổn thương và khó chịu. Một số lãnh đạo, giáo viên và các diễn giả tin rằng một người giao tiếp với những người khác là người biết mọi câu trả lời. Nếu không, họ lo lắng sẽ để lộ điểm yếu. Nhưng rõ ràng đó là một tiêu chuẩn không thực tế. Tốt hơn hết, hãy thành thật và dễ bị tổn thương bởi mọi người có thể biết điều đó và nó dẫn đến kết nối. Parker Palmer, tác giả của cuốn sách The Courage to teach (Tạm dịch: Động lực để giảng dạy), nói rằng: “Chúng ta đều biết rằng sự hoàn hảo là một chiếc mặt nạ. Vì vậy, chúng ta không tin những người đeo chiếc mặt nạ ‘biết tuốt’. Họ đang không trung thực với chúng ta. Những người mà chúng ta có kết nối sâu sắc nhất là những người thừa nhận điểm yếu của họ.”

Gần đây, khi nói về vai trò lãnh đạo trước một số giám đốc điều hành, tôi đã nói chuyện về tầm quan trọng của việc dễ bị tổn thương khi thừa nhận sai lầm và điểm yếu của bản thân. Sau bài diễn giảng, một giám đốc điều hành chờ đến khi tôi chỉ có một mình, lại gần tôi và nói:

“Tôi nghĩ rằng anh đã sai lầm về việc cởi mở với mọi người,” ông nói. “Một nhà lãnh đạo không bao giờ nên để lộ điểm yếu. Anh không nên để cho nhân viên thấy anh đổ mồ hôi.”

“Anh biết đấy,” tôi trả lời, “tôi nghĩ anh đã có một quan niệm thật sai lầm. Anh nghĩ nhân viên của anh không biết điểm yếu của anh sao,” tôi trả lời. “Họ có biết đấy. Bằng cách thừa nhận chúng, anh đang để cho họ biết rằng anh hiểu họ.”

Lý do tôi nói với anh ta điều đó với sự tự tin như vậy bởi tôi nghĩ đó là cách anh ta đã làm. Trong 10 năm đầu sự nghiệp, tôi đã cố gắng để trở thành “chàng biết tuốt”. Tôi muốn trực tiếp xử lý mọi vấn đề, trả lời mọi câu hỏi và đối đầu với mọi cuộc khủng hoảng. Tôi muốn trở thành người không thể thay thế. Nhưng tôi đã không lừa được ai, ngoại trừ bản thân.

Nghệ sĩ Walter Anderson nhận xét: “Cuộc sống của chúng ta được cải thiện chỉ khi chúng ta nắm bắt được cơ hội, rủi ro đầu tiên và khó khăn nhất mà chúng ta có thể gặp phải là trung thực với chính mình.” Khi tôi nhận ra người khác biết những điều mà tôi không biết và có thể làm một số việc tốt hơn tôi, nó giải phóng tôi khỏi chiếc mặt nạ, gỡ bỏ sự cảnh giác của tôi và giúp tôi là chính mình với những người khác. Và điều đó giúp kết nối với mọi người. Không ai thích giao tiếp với một kẻ giả vờ hoặc một người biết tuốt cả.

“Chúng ta đều biết rằng sự hoàn hảo là một chiếc mặt nạ… Những người mà chúng ta có kết nối sâu sắc nhất là những người thừa nhận điểm yếu của họ.”

 Parker Palmer

Làm theo quy tắc vàng

Một số tổ chức giống như một cái cây đầy khỉ. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo đang ở ngọn cây đó, tất cả những gì bạn nhìn thấy khi nhìn xuống là hàng loạt các khuôn mặt tươi cười đang hướng lên bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đang ở dưới gốc cây và nhìn lên, khung cảnh chẳng đẹp đẽ gì cho cam. Và nếu bạn đứng ở đó, bạn biết mình sẽ bị che lấp bởi tất cả những người ở trên bạn. Không ai muốn được đối xử như vậy cả.

Bất cứ lúc nào mọi người có quyền lực, bạn có thể học được rất nhiều về họ bằng cách quan sát những gì họ làm với quyền lực đó. Khi tương tác với những người không có quyền lực, vị trí, hoặc sức mạnh, họ đối xử với những người này như thế nào? Điều đó có phù hợp với những gì họ giao tiếp? Nó có phù hợp với nguyên tắc vàng? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ cho bạn biết rất nhiều về nhân cách của họ.

Nếu muốn kết nối với những người khác, bạn cần phải đối xử với họ theo quy tắc vàng – đối xử với họ như những gì bạn muốn được đối xử. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn là một nhà lãnh đạo, diễn giả hoặc người có thẩm quyền. Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ đồng ý với điều đó. Điều đó thật dễ hiểu, nhưng khó làm. Như mọi người nói, khôn ngoan là biết chọn đúng đường để đi. Sự liêm chính là đi trên con đường đó.

Một trong những nhà lãnh đạo tôi ngưỡng mộ là Jim Blanchard, cựu CEO của Tập đoàn tài chính Synovus, người đã nghỉ hưu vào năm 2006. Synovus đã nhiều lần được công nhận bởi Tạp chí Fortune là một trong những tổ chức hàng đầu để làm việc tại Hoa Kỳ. Một lần khi tôi hỏi ông về chìa khóa thành công của tổ chức, ông nói với tôi: “Công ty chỉ có một nguyên tắc là Quy tắc vàng.“ Ông nói rằng trong hai năm đầu tiên sau khi được thực hiện, Quy tắc vàng sẽ là tiêu chuẩn trong Synovus, 1/3 các giám đốc điều hành của công ty bị sa thải vì họ không đối xử với mọi người phù hợp. Jim cũng giải thích rằng tại cuộc họp hàng năm của công ty, ông công khai số điện thoại di động cho tất cả mọi người và nói với họ nếu có ai tại Synovus đối xử với họ không phù hợp theo Quy tắc vàng, họ nên gọi cho ông ấy.

“Cuộc sống của chúng ta chỉ được cải thiện khi chúng ta nắm bắt cơ hội,rủi ro đầu tiên và khó khăn nhất chúng ta có thể phải đối mặt là trung thực với chính mình.”

– Walter Anderson

Cung cấp các kết quả

Peter Drucker, cha đẻ của quản trị hiện đại, đã khẳng định rằng: “Giao tiếp… luôn tạo ra nhu cầu. Nó luôn đòi hỏi người nhận trở thành ai đó, làm điều gì đó, tin vào điều gì đó. Nó luôn thu hút động lực.” Nói cách khác, các nhà giao tiếp khuyên mọi người nên cung cấp kết quả. Nhưng để trở thành một người giao tiếp hiệu quả, bạn cũng phải cung cấp kết quả cho chính mình!

Một số các diễn giả, huấn luyện viên và tư vấn viên về cuộc sống hiện nay rất tuyệt vời, nhưng số khác thì không. Bởi họ chưa bao giờ thực sự tự thực hiện bất cứ điều gì. Họ đã nghiên cứu về thành công, lãnh đạo hoặc giao tiếp, nhưng họ chưa bao giờ tạo ra kết quả, xây dựng một doanh nghiệp, dẫn dắt một tổ chức, hoặc phát triển một sản phẩm hay dịch vụ. Họ đang bán một lời hứa mà họ chưa bao giờ thực sự làm để tạo ra thành công.

Không gì có cơ sở như các kết quả. Nếu bạn muốn gây dựng sự tín nhiệm để kết nối với mọi người, sau đó cung cấp kết quả trước khi bạn đưa ra thông điệp. Hãy làm những gì mà bạn tư vấn cho những người khác. Giao tiếp đến từ kinh nghiệm.

SỰ TIN CẬY KẾT NỐI

Để thành công trong thời gian dài, bạn cần phải làm nhiều hơn kết nối. Bạn cần phải liên tục kết nối và có thể làm điều đó chỉ khi bạn sống với những gì bạn truyền tải. Khi bạn làm vậy, kết quả rất tuyệt vời. Như tôi đã nói từ đầu chương này, thời gian càng qua đi, các mối quan hệ càng trở nên tốt hơn.

Bạn tôi, Collin Sewell, là thành viên của EQUIP, một tổ chức phi lợi nhuận của tôi, gần đây đã kể một câu chuyện minh họa sức mạnh của việc sống với những gì bạn truyền tải. Không có gì bí mật về những thời điểm khó khăn trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Nền kinh tế đã đe dọa đẩy một số nhà sản xuất xe hơi ra khỏi thị trường. Doanh số bán hàng giảm, khuyến mãi gia tăng và nhiều đại lý đã phải đóng cửa.

Collin là CEO của Chuỗi các đại lý Sewell Family tại Odessa, Texas, vì vậy anh là người hiểu rõ tình hình khó khăn đến mức nào. Gia đình anh đã hoạt động trong ngành kinh doanh ô tô từ năm 1911, khi ông nội của anh, Carl Sewell Sr, mở một doanh nghiệp gồm một phần là cửa hàng phần cứng, một phần là rạp chiếu phim và phần còn lại là đại lý Ford. Rõ ràng, đại lý Ford là tương lai của nơi này. Trong gần 100 năm kể từ đó, gia đình Sewell đã rất thành công khi mở đại lý trên khắp Texas để bán và cung cấp dịch vụ không chỉ cho Ford mà cả của Cadillac, Hummer, Infiniti, GMC, Lexus, Pontiac, Saab, Buick, Mercury, Lincoln và Chevrolet.

Nhưng vào năm 2009, thời kỳ khủng hoảng bắt đầu và các doanh nghiệp hoạt động trong lo sợ. Collin nói với tôi rằng trong 9 tháng, anh đã tìm đủ mọi cách để lội ngược dòng và vực lại công ty. Trong tháng 3, anh thậm chí còn cắt giảm 65% lương của bản thân, sống nhờ tiền tiết kiệm để hỗ trợ công ty, nhưng có vẻ vẫn chưa đủ. Cuối cùng, anh đã phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Liệu anh sẽ tăng việc sa thải nhân viên, hay sẽ cắt giảm tiền lương của họ?

Rất nhiều nhà tư vấn của Collin đã chia sẻ với anh sự khôn ngoan thông thường: không cắt giảm lương của mọi người, bởi nó sẽ khiến mọi người khó chịu và gây ảnh hưởng tiêu cực. Thay vào đó, sa thải đủ số người sẽ giúp kinh doanh mang lại lợi nhuận. Bằng cách đó, những người ở lại không bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng Collin không muốn làm điều đó. Anh muốn giữ công ăn việc làm cho nhiều người nhất có thể. Vì vậy, anh và đội ngũ quản lý của mình đã đưa ra một kế hoạch.

Họ có thể không biết cách nào để tránh cắt giảm lực lượng lao động từ 250 người xuống còn 230 người. Nhưng tất cả mọi người – các nhà quản lý, kỹ thuật viên, đội ngũ bán hàng và nhân viên văn phòng… – sẽ phải chấp nhận bị giảm lương. Việc cắt giảm dao động từ 1 đô-la một giờ lên đến hàng ngàn đô-la tiền lương.

Khi Collin công bố chế độ cắt giảm lương trước toàn thể nhân viên, anh không mong đợi nhận được tin tốt lành. Anh nói với tất cả mọi người sự thật, giải thích tình hình khó khăn lúc đó, nhưng anh nghĩ tất cả mọi người vẫn sẽ rất tức giận và có suy nghĩ tiêu cực. Một nữ nhân viên vừa bị cắt giảm 1 đô-la tiền lương mỗi giờ đã gặp anh sau cuộc họp. Cô ấy đã hỏi Collin liệu cô ấy có thể làm gì để giúp anh.

Một kỹ thuật viên đã gặp Collin và anh có thể thấy sự giận dữ trên khuôn mặt của người đó. “Đừng xúc phạm tôi,” kỹ thuật viên này nói. Collin đã chuẩn bị tinh thần cho những sự trách móc. Nhưng thay vào đó, người đàn ông đó nói: “Anh cắt vẫn chưa đủ. Tôi sẽ nói chuyện với vợ tôi và sẽ cho anh biết tôi cần bao nhiêu lương.”

Cuối cùng, mọi nhân viên đều đồng ý với việc cắt giảm lương. Tinh thần dâng lên rất cao. Và tình hình kinh doanh bắt đầu thay đổi. Collin đã sống với những gì anh truyền đạt.

“Tôi đã mất rất nhiều năm để tạo uy tín với đội ngũ nhân viên của mình, để tạo ra ‘thay đổi’ với họ,” Collin nói, đề cập đến ý tưởng mà bạn tạo ra tiền tệ quan hệ trong lãnh đạo mỗi khi đưa ra các quyết định tốt và dẫn dắt bằng sự tín nhiệm.

Chúng ta không thể kỳ vọng kết nối với những người khác nếu chúng ta không sống với những gì mình truyền tải. Điều đó có thể làm tổn thương một người nào đó trong công việc, nhưng thậm chí, nó rõ ràng còn gây tổn thương nặng nề hơn ở mức độ cá nhân. Một trong những cách tôi giữ mình có trách nhiệm sống đúng đắn là suy nghĩ về tác động các hành động của tôi đến gia đình mình. Đó là lý do tôi luôn cố gắng để ghi nhớ định nghĩa này về thành công: “Những người gần gũi nhất và biết tôi rõ nhất, yêu thương và tôn trọng tôi nhất.” Khi mọi người biết lý tưởng sống của bạn, thấy rằng lời nói và hành động của bạn song hành theo từng ngày, họ có thể tin tưởng và kết nối với bạn. Điều đó khiến cuộc sống là một hành trình tuyệt vời và thú vị mỗi ngày.

Sức mạnh thực sự của việc kết nối với những người khác không đến từ sự tương tác hời hợt – mỉm cười với một người lạ, thân thiện với người phục vụ trong một quán ăn, hoặc hòa mình với các khán giả mới chỉ gặp một lần. Nó xuất phát từ việc kết nối lâu dài với mọi người. Trong những mối quan hệ đang tiếp diễn, chúng ta có thể tạo ra tác động lên giá trị thực sự – khi chúng ta sống với sự chính trực phù hợp với những người thân của chúng ta, khi chúng ta đối xử với khách hàng, các đồng nghiệp theo cách mà họ muốn được đối xử, khi những người hàng xóm thấy các giá trị và hành động của chúng ta song hành, khi chúng ta dẫn dắt những người khác bằng sự trung thực và tôn trọng. Đây là những điều tạo cho chúng ta sự tín nhiệm, cho phép chúng ta kết nối và cho chúng ta cơ hội giúp đỡ những người khác đồng thời bổ sung giá trị cho họ. Như nhà tư vấn đào tạo Greg Schaffer nhận xét: “Nếu bạn không kết nối với những người khác, ảnh hưởng sẽ không bao giờ xuất hiện.”

Henry Adams nói: “Một giáo viên có tầm ảnh hưởng bất diệt sẽ không bao giờ có thể biết ảnh hưởng của họ dừng lại ở đâu.” Tôi tin điều đó cũng đúng với một nhà kết nối sở hữu sự chính trực. Chúng ta có thể tạo sự khác biệt trong thế giới của mình, nhưng để làm như vậy chúng ta phải bắt đầu với chính mình – bằng cách đảm bảo những lời nói và hành động của chúng ta phải song hành. Chúng ta phải sống với những gì chúng ta truyền tải.

Để thành công trong thời gian dài, bạn cần phải làm nhiều hơn kết nối.Bạn cần phải liên tục kết nối và có thể làm điều đó chỉ khi bạn sống với những gì bạn truyền tải.

KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI Ở MỌI CẤP ĐỘ

11737.jpg

Thực tế kết nối: Các nhà kết nối sống với những gì họ truyền tải.

Khái niệm chính: Cách duy nhất để kết nối liên tục với mọi người là sống với những gì bạn truyền tải.

KẾT NỐI TRỰC TIẾP VỚI MỘT NGƯỜI

Đa phần các kết nối xảy ra trực tiếp với một người. Đó thường là cách bạn giao tiếp với những người hiểu bạn nhất: gia đình, bạn bè và các cộng sự. Bạn cũng ít phải cảnh giác với những người này và có nhiều khả năng thực hiện các cam kết với họ. Kết quả là, họ là những người hiểu rõ nhân cách của bạn nhất.

Nhân cách của bạn nhấn mạnh những gì bạn nói, hay làm suy yếu nó? Nó có giúp bạn làm theo và giữ lời hứa, hay phản bác lại bạn? Bạn cần phải cải thiện ở điểm nào?

KẾT NỐI TRONG NHÓM

Khi chúng ta kết nối với một nhóm hoặc một đội, mọi người nhìn vào hiệu suất và tinh thần làm việc theo nhóm của chúng ta. Bạn có đang làm những gì bạn yêu cầu người khác làm? Bạn có hồ sơ theo dõi hỗ trợ cho thông tin của bạn? Mọi người có phụ thuộc vào hiệu suất và sự sẵn sàng ưu tiên đội của bạn? Nếu không, bạn cần phải thay đổi để cải thiện độ tin cậy của mình.

KẾT NỐI VỚI KHÁN GIẢ

Mọi người đều bị thu hút bởi nhân cách khi diễn giả giao tiếp với khán giả bởi người nghe không biết rõ về họ. Thật dễ dàng để thể hiện những mặt tốt nhất và giảm thiểu hoặc che đậy những điểm yếu. Điều đó tạo ra sự không trung thực trong giao tiếp của bạn. Mọi người không kết nối với các nhà giao tiếp giả mạo. Thay vào đó, hãy thành thật với mọi người và cho họ biết con người thực sự của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.