BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 4 : Vai của Athos, dải đeo gươm của Porthos và chiếc khăn tay của Aramis.
D’ Artagnan giận dữ bằng ba bước nhảy đã vượt qua tiền sảnh và lao xuống cầu thang, chàng đang định xuống bốn bậc một thì mải chạy, đầu húc phải một lính ngự lâm vừa ra khỏi nhà ông De Treville bằng một cửa thoát, trán chàng va phải vai người đó khiến người đó kêu rú lên, đúng hơn là thét lên.
– Tôi xin lỗi – D’ artagnan vừa nói vừa chạy tiếp – tôi xin lỗi, nhưng tôi vội quá.
Chàng vừa xuống bậc thang đầu tiên, thì một bàn tay sắt đã nắm lấy đai áo chàng và giữ chàng lại. Người lính ngự lâm nhợt nhạt như tấm vải liệm nói to:
– Ông vội, vội nên ông húc tôi. Ông nói: “Xin lỗi” và ông tưởng thế là đủ ư? Không đâu, ông bạn trẻ của tôi ạ. Ông tưởng rằng hôm nay ông De Treville nói với chúng tôi hơi lính tẩy một chút, mà ông có thể xử sự với chúng tôi như ông Treville ư? Tỉnh lại đi, ông bạn. Ông không phải là ông Treville, ông hiểu chưa.
D’ Artagnan nhận ra Athos sau khi được thầy thuốc băng bó đang trở về nhà, liền đáp:
– Tôi xin thề, tôi thề tôi không cố ý, tôi đã nói: “Tôi xin lỗi”.
– Tôi tưởng thế là đủ. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại, và lần này có lẽ là quá đủ, thề danh dự, tôi đang vội, rất vội. Vậy hãy buông tôi ra, để tôi đi đến nơi tôi có việc.
Athos buông chàng ra nói:
– Thưa ông, ông không lịch sự. Người ta thấy ông từ nơi xa đến.
D’ Artagnan đã bước được ba bốn bậc, thấy Athos nhận xét như vậy chàng dừng lại ngay trả lời:
– Quái nhỉ, thưa ông! Tôi có ở xa mấy đến đây, cũng không cần ông dạy tôi bài học về phép lịch sự, xin nói để ông biết.
– Có thể chứ? – Athos nói.
– Chà! Nếu như tôi không rất vội! – D’ Artagnan nói to – Và nếu như tôi không đuổi theo một kẻ…
– Thưa người đang vội, tôi, ông sẽ thấy tôi không chạy đâu. Ông hiểu chứ?
– Và ở đâu xin vui lòng?
– Gần Cácmơ Đềsô.
– Mấy giờ?
– Lúc trưa.
– Lúc trưa. Được lắm. Tôi sẽ đến.
– Cố gắng đừng làm tôi phải đợi, bởi mười hai giờ mười lăm phút là tôi sẽ đuổi theo cắt tai ông đấy.
– Được! D’ artagnan hét to – Sẽ ở đó lúc mười hai giờ kém mười lăm phút.
Và chàng bắt đầu chạy như ma đuổi, hy vọng tìm lại được người lạ mặt mà bước chân thong thả chắc chưa đưa hắn đi quá xa.
Nhưng tới chỗ cửa mở ra phố, Porthos đang chuyện trò với một lính gác. Giữa hai người đang trò chuyện, có một khoảng trống vừa đúng một người. D’ artagnan tưởng khoảng trống ấy đủ cho chàng và chàng lao qua như một mũi tên bay giữa hai người. Nhưng D’ artagnan đã không tính đến sức gió lúc chàng sấp qua, gió lùa sâu vào áo khoác dài của Porthos làm nó bung lên và D’ artagnan nhào thẳng vào tấm áo. Chắc hẳn Porthos có những lý do để không thả cái phần thiết yếu của chiếc áo, bởi đáng lẽ để mặc cái tà áo chàng đang giữ, chàng lại kéo sát vào người mình làm cho D’ artagnan bị quấn trong tấm áo nhung bởi một động tác xoay tròn, áo Porthos bướng bỉnh cưỡng lại.
D’ artagnan nghe thấy tiếng người ngự lâm chửi rủa, muốn chui ra khỏi chiếc áo choàng đang che hết mắt chàng mà tìm lối ra trong nếp áo. Chàng sợ nhất là làm tổn hại đến vẻ tươi tắn của dải đeo gươm lộng lẫy. Nhưng khi e dè mở mắt thì chàng thấy mũi mình dính vào khoảng giữa hai vai của Porthos, nghĩa là đúng vào dải đeo gươm.
Than ôi! Giống như mọi vật trên đời này chỉ có được cái mã bề ngoài, dải đeo gươm chỉ có vàng phía trước, mặt sau đơn giản là da trâu. Porthos, thật là thích hào nhoáng nhưng không thể có nổi dải đeo gươm toàn bằng vàng, ít nhất cũng có được một nửa. Từ đó người ta hỉểu sự cần thiết của bệnh cúm và sự khẩn thiết của chiếc áo choàng.
– Con tiều! – Porthos vừa kêu lên, vừa dùng hết sức mình để gỡ khỏi D’ artagnan đang lục đục trong lưng áo – Cậu hóa dại hay sao mà đâm nháo đâm nhào như thế vào người ta?
D’ artagnan chui ra từ dưới vai người khổng lồ nói:
– Tôi xin lỗi, nhưng tôi vội quá, tôi chạy theo một kẻ…
– Do tình cờ mà anh để quên mắt trong khi chạy chăng? – Porthos hỏi.
– Không – D’ artagnan bị chọc tức trả lời – Mà nhờ có mắt tôi mới thấy được cả cái mà người khác không thấy.
Porthos hiểu hay không hiểu, nhưng vẫn luôn như thế, đùng đùng nổi giận ngay:
– Thưa ông, tôi báo để ông biết, nếu ông cứ cọ người vào một lính ngự lâm như thế, ông sẽ tự cọ lông(1) mình đấy.
– Cọ lông ư, thưa ông! – D’ artagnan nói – Tiếng đó thô quá?
– Chính nó mới hợp với người quen nhìn thẳng vào mặt kẻ thù?
– A, mẹ kiếp? Tôi biết thừa ông không quay lưng lại kẻ thù của ông đâu.
Và chàng trai trẻ thích chí về câu nói xỏ xiên của mình, vừa bước đi vừa cười rũ rượi.
Porthos giận sùi bọt mép chuẩn bị nhảy bổ vào D’ artagnan.
– Để sau, để sau đã – D’ artagnan hét to – khi nào ông không mặc áo choàng nữa đã.
Vậy lúc một giờ, đằng sau vườn Luxembourg.
– Tốt lắm, lúc một giờ – D’ artagnan vừa đáp vừa ngoặt theo góc phố.
Nhưng trên đường phố chàng vừa chạy qua lẫn nơi chàng đưa mắt nhìn khắp, đều chẳng thấy bóng ai. Cho dù kẻ lạ mặt có đi thong thả, hắn cũng đã đi đường hắn mất rồi, có lẽ hắn đã rẽ vào một ngôi nhà nào đó. D’ artagnan hỏi thăm về hắn, tất cả những người chàng gặp, xuống tận bến phà, lên phố Sông Sen và phố Hồng thập tự. Nhưng không thấy gì, tuyệt đối không. Tuy nhiên cuộc chạy đuổi cũng có lợi cho chàng với ý nghĩa mồ hôi càng đầm đìa trên trán, con tim chàng càng nguội bớt đi.
Chàng bắt đầu suy nghĩ về những sự kiện vừa xảy ra, vừa rất nhiều vừa xúi quẩy. Đã sắp mười một giờ trưa, và cả buổi sáng thế là đã đem lại cho chàng sự thất sủng của ông De Treville, không tránh khỏi thấy cung cách D’ artagnan đã từ giã ông có đôi chút lính tráng Ngoài ra, chàng đã thu lượm được hai cuộc quyết đấu ra trò với hai con người có thể giết tới ba D’ artagnan mỗi người, rất cuộc với hai lính ngự lâm, nghĩa là với hai trong số những người mà chàng đánh giá quá mạnh đến mức trong tư tưởng và trong trái tim chàng, chàng đã đặt lên trên tất cả mọi người khác.
Tình thế thật đáng buồn. Chắc chắn sẽ bị Athos giết. Chàng trai trẻ không lo lắng nhiều lắm về Porthos. Tuy nhiên, vì hi vọng là điều cuối cùng lụi tắt trong trái tim con người, nên chàng ván cứ hi vọng có thể sống sót qua hai trận đấu với những vết thương khủng khiếp đã đành rồi, và trong trường hợp sống sót trong tương lai chàng sẽ tự trách mắng mình như sau:
“Sao ta điên khùng và thô lỗ đến thế? Cái con người Athos dũng cảm và khốn khổ kia bị thương đúng vào vai mà ta, chính ta khi đi ra lại húc đầu đúng vào chỗ đó như một con cừu đực. Có điều là sao ông ta không giết quách ta đi, ông ta có quyền mà và sự đau đớn ta gây ra cho ông ta chắc là dữ dội lắm. Còn về Porthos, quả thật còn vớ vẩn hơn”.
Và mặc dầu không muốn, chàng vẫn cứ bật cười, tuy nhiên vẫn vừa cười vừa nhìn xem có ai thấy cái cười một mình vô cớ ấy không, và liệu có xúc phạm đến một khách qua đường nào đó không.
“Còn như Porthos, còn kỳ quái hơn, nhưng ta cũng chẳng kém một tên đểnh đoảng, khốn khổ. Đâm đầu vào người ta như thế mà không báo trước! Không! Và lại đi nhòm người ta dưới chiếc áo khoác để thấy cái gì không có! Chắc chắn anh ta đã tha thứ cho ta nếu như ta đã không cạnh khóe về cái dải đeo gươm chó chết ấy. Đúng vậy? Phải, cạnh khóe đến gay go? Ôi ta đúng là một tên Gátxcông khốn kiếp. Lại đi làm chuyện cố dí dóm trong chảo rán. Nào, D’ artagnan, anh bạn của ta ơi – chàng tiếp tục nói với mình bằng cả sự ôn hòa mình tin phải thế – nếu cậu lại thoát khỏi tình cảnh này, chắc là không được đâu, thì về sau, phải hết sức lịch thiệp. Từ nay, phải để cho người ta ngưỡng mộ, người ta kể ra như một hình mẫu. ân cần và lịch thiệp không phải là hèn nhát. Tốt hơn hãy xem Aramis, đấy là sự dịu dàng, hiện thân của sự phong nhã. Thế mà có kẻ nào dám bảo Aramis là một thằng hèn không? Không, chắc chắn thế, và từ nay ta muốn noi gương chàng về mọi mặt. Mà, đúng là chàng ta đây rồi.
D’ artagnan chân bước, mồm độc thoại, chỉ còn mấy bước nữa là đến dinh phủ Eghiông, và thấy Aramis, đang vui vẻ chuyện trò với ba nhà quý tộc vệ sĩ của nhà Vua. Về phía mình, Aramis cũng thấy D’ artagnan. Nhưng vì không hề quên. chính trước chàng trai trẻ này, ông De Treville đã đùng đùng nổi giận buổi sáng nay và chàng nọ là kẻ chứng kiến những lời trách móc những người lính ngự lâm phải chịu, điều này thật không hay ho gì đối với Aramis, nên chàng làm như không nhìn thấy.
D’ artagnan đang hết mình với kế hoạch hòa giải và lễ độ, tiến lại gần bốn chàng trai trẻ, cúi rạp chào họ, kèm theo một nụ cười duyên dáng. Aramis khẽ nghiêng đầu, nhưng không hề cười. Thêm nữa, cả bốn người ngừng ngay tức khắc cuộc trò chuyện của họ.
D’ artagnan không đến nỗi quá ngớ ngẩn để không nhận thấy mình là thừa. Nhưng chàng còn chưa đến mức vứt bỏ cung cách ứng xử của giới thượng lưu để thoát ra một cách lịch sự khỏi một tình thế giả tạo như đã xảy ra, về đại thể, nó như tình thế của một người muốn hòa vào những người mình không quen biết mấy và vào cuộc trò chuyện chẳng liên quan gì đến mình.
Vậy là chàng đang tìm cho mình một cách rút lui ít vụng về nhất, nhận thấy Aramis đánh rơi chiếc khăn tay và chắc hẳn do vô ý đã giẫm chân lên, cho rằng cơ hội để sửa chữa khiếm nhã của mình hình như đã tới, chàng liền cúi xuống, và với nụ cười nhã nhặn nhất có thể, rút chiếc khăn tay dưới chân chàng ngự lâm, dù người này đang cố giữ lại, rồi vừa trả vừa bảo:
– Thưa ông, đây là chiếc khăn tay mà mất nó ông sẽ không vui!
Chiếc khăn tay quả được thêu sang trọng mang tước hiệu và gia huy ở một góc – Aramis đỏ bừng mặt lên, cầm lấy, đúng hơn giật lấy từ tay chàng Gátxcông.
– Chà – một lính cận vệ kêu lên – này Aramis thâm trầm, cậu có còn nói cậu đang khủng khỉnh với bà Boa-Tracy nữa không, khi vị phu nhân duyên dáng đó lại sốt sắng cho cậu mượn khăn tay của nàng?
Aramis nhìn D’ artagnan như thể cho chàng hiểu chàng vừa chuốc lấy một kẻ thù đấy, rồi lấy lại vẻ hiền từ nói:
– Các vị nhầm rồi! Chiếc khăn này không phải của tôi. Và tôi không biết tại sao ông đây lại nghĩ ra chuyện lạ, thay vì đưa cho một trong các vị lại đưa cho tôi, và bằng chứng điều tôi nói đây, đây mới là chiếc khăn của tôi trong túi của tôi.
– Vừa nói chàng vừa rút chiếc khăn của chính mình ra, một chiếc khăn cũng rất sang, và bằng vải lanh mịn, mặc dầu vào thời đó vải lanh rất đắt, nhưng là khăn không thêu, không gia huy và chỉ được trang trí bằng ký tự duy nhất, ký tự của chủ nó.
Lần này, D’ artagnan không nói nửa lời, chàng đã nhận ra sự hớ hênh của mình. Nhưng những người bạn của Aramis không chịu tin những lời phủ nhận của chàng, và một trong số họ nói với chàng với một điệu bộ ra vẻ nghiêm trang:
– Nếu là như thế, như cậu nói ấy, tôi buộc lòng phải xin lại cậu chiếc khăn, Aramis thân mến của tôi ạ, bởi như cậu biết đấy, ông Boa-Tracy là một trong số bạn thân của tôi, và tôi không muốn người ta lấy đồ vật của vợ ông làm chiến tích.
– Cậu đòi hỏi như thế bậy rồi – Aramis trả lời – Và hoàn toàn công nhận việc đòi hỏi của cậu là chí lý về căn bản, nhưng mình sẽ từ chối vì về mặt thể thức.
D’ artagnan rụt rè xen vào:
– Sự thật là tôi không trông thấy chiếc khăn rơi từ túi ông.
Aramis. Ông giẫm phải, có thế thôi, và tôi nghĩ một khi ông đã giẫm lên, thì chiếc khăn là của ông.
– Và ông đã nhầm, quý ông thân mến – Aramis trả lời một cách lạnh lùng, thờ ơ với việc sửa chữa thái độ của D’ artagnan.
Rồi quay lại phía người cận vệ tuyên bố là bạn của Boa – Tracy:
– Vả lại, ông bạn thân mến của Boa – Tracy quý hóa này, tôi nghĩ rằng tôi cũng là bạn của ông ta không kém mến thương như cậu đâu, cho nên nói cho cùng thì chiếc khăn cũng có thể rơi từ túi của cậu ra như túi của tôi.
– Không, mình thề danh dự đấy! – Người lính cận vệ của Hoàng thượng kêu lên.
– Cậu thề danh dự, còn mình thề trên lương tâm. Vậy thì rõ ràng một trong hai chúng ta nói dối. Này, Môngtarăng, tốt nhất là làm thế này, mỗi người một nửa.
– Chiếc khăn á?
– Ừ!
Hai người cận vệ khác reo lên:
– Hay lắm. Cách xét xử của vua Xalômông đấy. Aramis, cậu lõi đời thật.
Những chàng trai trẻ phá lên cười, và như người ta quen nghĩ sự việc đến đây là hết. Một lát sau, cuộc trò chuyện chấm dứt, ba người cận vệ và người lính ngự lâm sau khi thân thiết siết chặt tay nhau rút lui, ba người cận vệ đi về một ngả, Aramis đi về một ngả.
“Đây là lúc ta hòa giải với con người lịch thiệp này”.
D’ artagnan tự nhủ, chàng vẫn còn đứng tách ra suốt trong phần cuối của câu chuyện.
Và với thiện ý ấy, chàng lại gần Aramis đang rời xa không hề để ý đến chàng.
– Thưa ông – chàng nói – tôi hi vọng ông sẽ thứ lỗi cho tôi.
Al ông – Aramis ngắt lời – cho phép tôi nhận xét ông rằng ông không hề xừ sự trong tình huống đó như một người lịch thiệp cần làm.
– Sao, ông? – D’ artagnan kêu lên – Ông cho…
– Thưa ông, tôi cho ông là một tên ngốc và ông thừa biết, dù từ Gátxcông đến, người ta cũng không vô cớ bước lên những khăn bỏ túi. Quỷ thật, Paris không hề được lát đường bằng vải lanh.
D’ artagnan lúc này bản tính hiếu chiến bắt đầu nói to những quyết định hòa bình, liền bảo:
– Thưa ông, ông đã nhầm khi tìm cách hạ nhục tôi. Tôi là dân Gátxcông, đúng vậy, và một khi ông đã biết thế, có nhẽ tôi không cần nói cho ông rằng người Gátxcông ít kiên nhẫn, thành thử khi họ đã một lần nhận lỗi, dù là một sự dại dột, họ cũng tin rằng đã làm quá nửa việc họ phải làm.
– Thưa ông, điều tôi nói với ông – Aramis trả lời – không hề để kiếm cớ gây sự với ông. Nhờ trời tôi không phải là người đi kiếm chuyện quyết đấu, và chỉ làm lính ngự lâm tạm thời thôi, tôi chỉ đánh nhau khi bị buộc lòng, và luôn luôn với một sự ghê tởm khôn cùng. Nhưng lần này, việc thật nghiêm trọng, bởi đây là một phu nhân bị tổn thương danh dự bởi ông.
– Bởi chúng ta! Thế đấy? – D’ artagnan nói to.
– Tại sao ông lại vụng về đưa trả tôi chiếc khăn tay?
– Tại sao ông lại vụng về để rơi nó?
– Tôi đã nói và tôi nhắc lại chiếc khăn không hề rơi ra từ túi tôi.
– Thưa ông, vậy thì ông đã hai lần nói dối, bởi chính tôi đã trông thấy nó rơi ra?
– A, ông lại nói cái giọng đó, thưa ông Gátxcông, vậy thì tôi sẽ dạy ông cách sống.
– Và tôi, tôi sẽ tống ông về các cuộc lễ, thưa ông tu viện trưởng! Tuốt gươm ra, nếu ông thích, ngay bây giờ.
– Không đâu, xin vui lòng, ông bạn vàng của tôi, ít ra không ở đây đâu ông không thấy chúng ta đang ở trước dinh phủ Eghiông à, đầy người của Giáo chủ trong này. Ai bảo tôi rằng không phải Đức ông sai ông lấy đầu tôi? Mà tôi lại coi đó là chuyện lố lăng vì vẫn đinh ninh rằng đầu tôi hình như lại quá thuận với hai vai tôi. Vậy là tôi muốn giết ông, bình tĩnh nào, nhưng giết ông một cách dịu dàng trong một nơi nào kín, um tùm, ở đó ông sẽ không thể khoe cái chết của mình với bất cứ ai.
– Tôi muốn được thế lắm, nhưng chớ có tự tin thế, và hãy mang theo chiếc khăn tay của ông, dù của ông hay không, nhưng có lẽ ông sẽ có dịp dùng đến nó đấy.
– Ông là dân Gátxcông? – Aramis hỏi.
– Phải. Quý ông không vì quá thận trọng mà lui lại cuộc hẹn chứ?
– Sự thận trọng, thưa ông, là một đức tính khá vô ích với người lính ngự lâm, tôi biết vậy, nhưng lại rất cần thiết đối với người của nhà thờ. Và vì tôi là ngự lâm tạm thời, tôi vẫn phải thận trọng. Vào lúc hai giờ, tôi sẽ có vinh dự đợi ông ở dinh quán ông De Treville. Đến đó, tôi sẽ chỉ cho ông những chỗ tốt.
Hai chàng trai trẻ chào nhau, rồi Aramis rời xa, đi ngược lên dãy phố đầu vườn Luxembourg, còn D’ artagnan thấy thì giờ đang trôi nhanh, vừa đi theo đường Cácmơ Đềsô, vừa nhủ thầm:
“Chắc chắn, ta sẽ không thể thoát nổi, nhưng ít nhất nếu ta bị giết, ta sẽ chết bởi một lính ngự lâm”.
Chú thích:
(1) Etriller (tiếng Pháp): Cọ lông ngựa bằng bàn chải sắt – nghĩa bóng: đánh đập.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.