Thông tin truyện

Bài học Israel

Nhóm dịch:

Đang cập nhật

Trạng thái:

Hoàn thành

Lượt xem:

2497

Bài học Israel

Trong Đời viết văn của tôi (Nxb Văn hoá Thông tin, 2006 – về sau viết là ĐVVCT), mục nói về tạp chí Bách Khoa, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết:

“Từ 1963 tôi viết nhiều bài đả đảo chính sách của bọn thực dân cả Đông lẫn Tây ở bán đảo Ả Rập, và đề cao tinh thần đấu tranh của các nước Hồi giáo trên bán đảo đó. Sau tôi dùng các bài đó cho vào hai cuốn Bài học Israël xuất bản năm 1968 và Bán đảo Ả Rập xuất bản năm 1969” (ĐVVCT, trang 193).
Có lẽ là “từ năm 1962”, cụ Nguyễn Hiến Lê nhớ lầm thành “Từ năm 1963”[1], bảng kê các bài đăng trên Bách khoa năm 1962 (ĐVVCT, tr. 350-351) có các bài sau đây mà tôi đoán là cụ đã đưa vào cuốn Bài học Israël:

Số 125: Quốc gia Israël
Số 123: Vụ Exodus
Số 122: Từ vụ Dreyfus tới L’État juif
Số 138: I. P. Semmelweiss

Cũng trong ĐVVCT, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết 3 cuốn sử mà cụ đắc ý là: Đông Kinh nghĩa, Bài học Israël, Bán đảo Ả Rập. Cụ bảo:

“Hai cuốn nữa tôi cũng đắc ý là: Bài học Israël và Bán đảo Ả Rập. Tài liệu về hai cuốn đó, tôi thu thập trong năm sáu năm được khá nhiều. Hồi đó, may mắn một người cháu tôi – Tô Lệ Hằng, đi du lịch ở Israël, gởi về cho tôi một số tài liệu mà người khác không có được, nhờ vậy phần III cuốn Bài học Israël, nhất là về các nông trường Kibboutz, Mochav Ovedim, Mochav Chitoufi, tôi viết rất đầy đủ, nhiều độc giả chú ý tới.

Dân tộc Israël có thể làm gương cho ta về đức đoàn kết, anh dũng, kiên nhẫn và về tài tổ chức. Nhưng họ thành công rồi thì hoá ra kiêu căng, có óc thực dân, tôi không ưa.

Tôi thích cuốn Bán đảo Ả Rập hơn. Các dân tộc Ả Rập đau khổ chiến đấu, bị liệt cường chia rẽ, thao túng, cứ ngoi lên được một chút thì lại bị dìm xuống; tình cảnh, thân phận của dân tộc Irak trước cách mạng 1958 thật giống dân tộc mình thời đó. Những chương chúng tôi viết về lịch sử kiến quốc của Ả Rập Seoudite, về cuộc cách mạng của Ai Cập, của Irak là những chương tôi thích nhất. Có những nhân vật y như trong Đông Chu liệt quốc. Đời một dân tộc cũng như của một cá nhân, trong thời đau khổ chiến đấu mới có nhiều trang sử hay”. (ĐVVCT, tr. 235-236).

Cuốn Bài học Israël do Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai in lần đầu vào năm 1968. Đến cuối năm 1973, cụ Nguyễn Hiến Lê bổ sung 2 phụ lục và giao cho nhà Duy Tuệ tái bản.

Bản Duy Tuệ được Causau và Mõ Hà Nội chép lại và Ct.Ly đưa lên Việt Nam Thư quán (Vnthuquan.net) ngày 4.8.2012. Trong eBook này tôi chép từ bản đăng trên Việt Nam Thư quán rồi đối chiếu bản scan tác phẩm Bài học Israël in trong Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê II – Sử học[2] (in theo bản của Nxb Văn hoá – Hà Nội, 1994) do Hoaithu84 gởi tặng để sửa lỗi và bổ sung[3].

Vài chương giới thiệu :

Sự thành lập quốc gia Israël quả lả một phép màu. Một dân tộc mất tổ quốc đã hai ngàn năm, phiêu bạt khắp thế giới, ăn nhờ ở đậu các dân tộc khác, tới đâu cũng bị hất hủi, nghi kỵ, chịu đủ những cảnh thảm nhục, tàn sát không sao tưởng tượng nổi; chính vì chịu những cảnh thảm nhục tàn sát đó mà trong sáu bảy chục thế hệ, bất kỳ ở đâu vẫn giữ được truyền thống tôn giáo, vẫn hướng về quê hương, sau cùng chỉ có một nhúm người, độ nửa triệu, mà anh dũng chống mấy chục triệu dân Ả Rập, chống cả với đế quốc Anh, lập lại được một quốc gia trên mảnh đất của tổ tiên và hai chục năm sau, quốc gia đó chẳng những hai lần củng cố được nền độc lập, mà còn thêm hùng cường, tân tiến, làm cho khắp thế giới phải ngạc nhiên, các nước Á Phi phải noi gương, muốn rút kinh nghiệm của họ trong sự chiến đấu với ngoại bang, nhất là với thiên nhiên.

Quốc gia đó – Israël – nằm trên bờ Địa Trung Hải, phía Bắc giáp Liban và Syrie, phía Đông giáp Jordanie, phía Tây Nam giáp Ai-cập, tóm lại là ba phía giáp các xứ Ả Rập, còn một phía là biển. Tuy phía cực Nam Israël thông với Hồng Hải, nhưng chỉ có một bờ biển độ mười cây số, bị ép giữa hai xứ Ai cập và Jordanie. Nhìn trên bản đồ, ta thấy Israël giống một lưỡi dao mũi nhọn chĩa xuống phía Nam, mẻ một miếng rất lớn ở giữa.

Diện tích được non 21.000 cây số vuông, nghĩa là chỉ lớn hơn diện tích chung ba tỉnh Phong Dinh, Ba Xuyên và An Xuyên[5] của ta một chút. Dân số hồi mới lập quốc (năm 1948) được hơn một triệu người, một nửa là Do Thái, một nửa là Ả Rập, hiện nay con số đã lên tới 2.7000.000 mà chín phần mười là Do Thái từ khắp nơi trên thế giới qui tụ về, nói đủ các thứ tiếng, thuộc đủ các nền văn minh.

Tuy đất hẹp như vậy mà có nhiều miền khí hậu khác nhau, y như một lục địa con con vậy. Có đồi núi, cánh đồng, bờ biển và cả sa mạc nữa. Ở bờ biển khí hậu điều hoà, tương đối mát mẻ; ở trên núi phía Bắc, miền thượng Galilée, thời tiết rất lạnh; trong các thung lũng như thung lũng Jourdain, trời rất nóng; nóng nhất là trên sa mạc Néguev ở phía Nam.

Ở phía Bắc, là miền Galilée, đẹp nhất, phì nhiêu, trên là rừng núi, dưới thấp là thung lũng vả đầm lầy. Nhờ công việc tháo nước úng trong mười lăm năm mà xóm làng đông đúc. Châu thành lớn nhất là Haifa nằm trên bờ Địa Trung Hải, vừa là một hải cảng, vừa là một thành phố đại kỹ nghệ.

Ở miền Trung, dọc theo bờ biển là hai cánh đồng Chaon và Chefela[6]. Trước khi quốc gia Israël thành lập, miền nầy nghèo vì đất bị nước mưa xối hết màu mỡ, hiện nay phát triển rất mạnh, diện tích chỉ bằng 17% diện tích toàn xứ mà dân số trên một triệu, hơn một phần ba dân số toàn xứ. Dải đất đó dài trên trăm cây số, rộng trung bình ba chục cây số trồng đủ các thứ cam, quít, chanh, bưởi. Thứ cam Jaffa (một tỉnh ở bờ biển, sát Tel Aviv) ngon nổi tiếng nhất, xuất cảng rất nhiều: Tới mùa thu, vườn cam trổ bông trắng, hương thơm ngào ngạt khắp đường phố châu thành Tel Aviv. Ở đây tụ tập các người Do Thái ở khắp thế giới; từ Do Thái Nga, Pháp, Đức tới Do Thái Yémen, Mã Lai, Trung Hoa, Chili… đủ các khuôn mặt, đủ các màu da, đủ các ngôn ngữ. Có kẻ đã tính ra được trên bảy chục giống người trà trộn nhau trong cái “nồi nấu kim thuộc” lạ lùng của thế giới đó.

Tel Aviv là châu thành lớn nhất, đông đúc nhất và có những kiến trúc mới mẻ nhất của Israël. Nó là thành “Paris của Tây Á”[7]. Khắp thế giới không ở đâu người ta thấy nhiều báo như ở đây: 22 tờ nhật báo, 75 tờ tuần báo, 125 tờ bán nguyệt san, chưa kể hàng trăm tạp chí khác nữa tại một châu thành khoảng 400 ngàn người, cho một dân số 2.700.000 người! Những tờ báo đó xuất bản bằng mười hai thứ tiếng: già nửa bằng tiếng Hébreu (tiếng Do Thái cổ), còn thì bằng tiếng Anh, Pháp Đức, Y Pha Nho, Ả Rập.

Phía Nam là miền Néguev, một sa mạc hình tam giác mà đỉnh cực nam nằm trên bờ Hồng Hải, đỉnh phía tây nằm trên Địa Trung Hải, đỉnh phía đông, trên bờ biển Từ Hải (Mer Morte). Toàn là những đồi khô cháy nứt nẻ. Ở trên cao nhìn xuống thấy lòi lõm như trên mặt trăng. Diện tích bằng già nửa diện tích toàn cõi Israël mà tới đầu thế chiến vừa rồi hoàn toàn hoang vu.

Từ khi quốc gia Israël thành lập, dân số tăng lên rất mau mà đất đai thì chật hẹp, nên chính phủ phải tìm cách khai phá miền sa mạc đó – một là để đủ nuôi dân – hai là để củng cố quốc phòng, không để một khoảnh đất rộng nào không có người ở mà kẻ thù luôn luôn rình ở chung quanh, có thể len lỏi vào được. Nghiên cứu kỹ đất đai, người ta thấy rằng dưới lớp cát khô cháy, có một lớp hoàng thổ (loess) rất phì nhiêu, y như ở lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Hoa; đào sâu hơn nữa, người ta tìm ra được mỏ sắt, mỏ đồng, mỏ phốt phát, mỏ man-gan và cả mỏ dầu lửa, tuy không lấy gì làm phong phú (mỏ dầu lửa chỉ đủ cung cấp một phần hai mươi nhu cầu của Israël) nhưng cũng tạo được công việc làm ăn cho một số người, tiết kiệm được một số ngoại tệ. Thế là những người Do Thái mới hồi hương ùa nhau tới đó để khai phá, y như thế kỷ trước, người Mĩ ùa nhau qua miền Viễn Tây đi tìm vàng.

Người ta lập các đồn điề nữa.n, đào vô số giếng và những con kinh dẫn nước từ phương Bắc xuống, dựng các nhà máy có những khí cụ tối tân để khai thác những nguồn lợi ở sâu dưới đất, nhất là những khoáng chất rút từ nước biển Tử Hải. Và người ta còn hy vọng sẽ tìm thêm được nhiều mỏ..

Danh sách chương

STTChươngCập nhật
1 Bài học Israel – TỰA 24/12/2017
2 Bài học Israel – Phần I – DÂN TỘC DO THÁI – Chương 1 (A) MỘT XỨ NHỎ XÍU MÀ KINH ĐÔ CHIA HAI 24/12/2017
3 Bài học Israel – Chương 1 (B) Thánh địa Jérusalem 24/12/2017
4 Bài học Israel – Chương 1 (C) LẬP QUỐC RỒI VONG QUỐC 24/12/2017
5 Bài học Israel – Chương 2 NON HAI NGÀN NĂM LANG THANG 24/12/2017
6 Bài học Israel – Chương III (A) NHỮNG CẢNH ĐẦY ĐỌA VÀ TÀN SÁT DO THÁI 24/12/2017
7 Bài học Israel – Chương III (B) Châu Âu trở thành một lò sát sinh mênh mông và kinh khủng. 24/12/2017
8 Bài học Israel – Chương IV MỘT CUÔN SÁCH MỎNG ẢNH HƯỞNG RẤT LỚN TỚI LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI 24/12/2017
9 Bài học Israel – Chương IV (B) “Théodore Herzl và cuốn “Quốc gia Do Thái” 24/12/2017
10 Bài học Israel – Chương V CÁC ĐỢT HỒI HƯƠNG 24/12/2017
11 Bài học Israel – Chương VI TRONG THẾ CHIẾN THỨ HAI, DO THÁI XUNG PHONG PALESTINE – VỤ EXODUS 24/12/2017
12 Bài học Israel – PHẦN II – SỰ THÀNH LẬP QUỐC GIA ISRAEL Chương VII CHIẾN TRANH ĐỘC LẬP VÀ HAI CHIẾN TRANH SAU 24/12/2017
13 Bài học Israel – Chương VII (B) Họ chiến đấu hăng say như sư tử 24/12/2017
14 Bài học Israel – Chương VIII CHIẾN TRANH THỨ NHÌ NĂM 1956 GIỮA ISRAEL VÀ Ả RẬP 24/12/2017
15 Bài học Israel – Chương IX CHIẾN TRANH THỨ BA NĂM 1967 GIỮA ISRAEL VÀ AI CẬP 24/12/2017
16 Bài học Israel – Chương IX (B) CHIẾN TRANH THỨ BA NĂM 1967 GIỮA ISRAEL VÀ AI CẬP 24/12/2017
17 Bài học Israel – Phần III: Quốc Gia Israël – Chương X TỔ CHỨC QUỐC GIA ISRAËL 24/12/2017
18 Bài học Israel – Chương X (B) GIÁO DỤC VÀ TÔN GIÁO 24/12/2017
19 Bài học Israel – Chương XI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA ISRAËL 24/12/2017
20 Bài học Israel – Chương XII KIBBOUTZ – MỘT THÍ NGHIỆM CỦA ISRAËL 24/12/2017
21 Bài học Israel – Chương XII (B) MOCHAV OVEDIM 24/12/2017
22 Bài học Israel – KẾT BÀI HỌC ISRAËL 24/12/2017
23 Bài học Israel – PHỤ LỤC I TÌNH HÌNH ISRAEL Ả RẬP TỪ 1968 ĐẾN THÁNG 8-1973 24/12/2017
24 Bài học Israel – PHỤ LỤC II A RẬP PHỤC THÙ CHIẾN TRANH THỨ TƯ GIỮA A RẬP VÀ DO THÁI 24/12/2017
25 Bài học Israel – PHỤ LỤC II (B) 24/12/2017

Bình luận