Bài học Israel

Chương XII (B) MOCHAV OVEDIM



Tính cách của tổ chức Mochav Ovedim Kibboutz là tổ chức của các chiến sĩ tiên khu. Ít phương tiện nhưng nhiều lý tưởng và nhiệt lluyết, tổ chức đó hợp với buổi đầu. Sau chiến tranh độc lập người Do Thái ở khắp nơi hồi hương ít nhiệt huyết, nhưng lại nhiều phương tiện, nhứt là được chính quyền, các cơ quan (như sự vụ Do Thái – Agence Juive) giúp đỡ, nên người ta nghĩ nên thành lập một tổ chức kiểu khác, gọi là Mochav Ovedim (có nghĩa là làng công nhân) có tính cách bán cộng đồng, bán cá nhân.

Mochav Ovedim là một làng mà mỗi nông dân khai thác riêng lô của mình nhưng hợp tác chặt chẽ với các người khác. Nhưng đặc điểm chính của tổ chức đó như sau:

Đất thuộc về quốc gia, vậy theo nguyên tắc, không thể bán, không thể cho người khác mướn được. Quốc gia cho mỗi người thuê một lô thời hạn là 49 năm, có thể gia hạn được như vậy con cháu có thể chắc rằng nếu muốn thì sẽ được phép tiếp tục công việc khai thác của ông cha.
Chia đất rất phân minh, công bằng: diện tích ngang nhau, ai nấy cũng được một số dụng cụ cần thiết, một số vốn bằng nhau. Số dụng cụ và vốn đó cho mượn, phải trả lại Sự vụ Do Thái trong hạn 30 hay 40 năm.
Nông dân phải đích thân canh tác với người thân trong gia đình, chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt đã ấn định rõ, mới được mướn người ngoài. Chính quyền phái huấn luyện viên tới chỉ dẫn cho tới khi họ thông thạo mới thôi.

Mochav Ovedim cũng có một khu đất công, không chia lô, không phân phát để cả làng chung sức khai khẩn (thường là trồng lúa).
Mỗi nông dân sản xuất được bao nhiêu phải bán hết cho hợp tác xã của làng (từ đây Mochav Ovedim gọi là làng cho tiện), hợp tác xã đó là một chi nhánh của một hợp tác xã trong toàn quốc, tên là Tnouva. Những vật cần dùng cho việc kinh doanh cũng phải mua ở hợp tác xã. Những thức ăn, thức uống vật dụng trong nhà thì muốn mua ở đâu tùy ý.

Tuy diện tích đất đai đều nhau, nhưng mỗi người được tự ý khai thác ra sao cũng được, tăng vốn bao nhiêu cũng được, thiếu vốn có thể vay của làng hay của hợp tác xã. Khi rời làng, nếu đã trả hết vốn chính quyền cho mượn rồi thì có thể để lại số vốn đó và số vốn mình đã tạo thêm cho một người khác qua trung gian là làng.
Làng có trường học, dưỡng đường.
Mochav Ovedim phát triển mau nhất.

Thành lập sau các Kibboutz mà dân số trong các Mochav (Số nhiều là mochavim) Ovedim tăng lên rất mau, năm 1961 đã được 120.000 người, bằng 40% số dân quê Do Thái ở Israel, gấp rưỡi số dân trong các Kibboutz.

Nguyên nhân một phần lớn tại lớp người mới hồi hương đa số gốc Á, Phi, không có tinh thần cao, không thể sống trong các Kibboutz được. Một phần nữa cũng do các Mochav Ovedim được chính phủ giúp đỡ nhiều, phái huấn luyện viên tới chỉ dẫn, nên dễ phát đạt. Sau cùng cũng do tính tư hữu là tính chung của loài người, nên nhiều người tính vô Mochav Ovedim.
Quản trị

Cũng như trong các Kibboutz, ban quản trị do một Hội đồng chung bầu lên, nhưng trong làng có nhiều người mới hồi hương, không quen công việc cho nên ban quản trị thường được bầu đi bầu lại, có chỗ viên thư ký của ban nắm hết quyền hành như một nhà độc tài, trong làng có một số người không phải là hội viên, không làm ruộng, chẳng hạn các giáo viên tới dạy cho trường.

Lối sinh loạt tự do hơn Kibboutz, ai muốn làm việc giờ nào thì làm, muốn chơi thì chơi; làng có câu lạc bộ, có rạp chiếu bóng. Trẻ con sống với cha mẹ.

Mới đầu chính quyền gom góp nhiều dân tộc ở khác xứ như Maroc với Argentine, Roumanie vào một làng. Những người cùng xứ hợp với nhau hành một hội riêng. Sau chính quyền thấy chính sách đó gây nhiều xích mích, nên lựa những người cùng xứ, có khi cùng một giới nữa mà cho lại ở một làng.

Có làng gồm những dân trung lưu, khá giả, có sẵn vốn nên cất nhà sang trọng, khuếch trương công việc khá mau, mướn công nhân ở ngoài, có khi không bắt buộc phải mua bán ở hợp tác xã nữa.

Nhưng đó là biệt lệ còn thì trong hầu hết các làng, sự hợp tác vẫn là bắt buộc; người dân bản sản vật cho họp tác xã, hợp tác xã không trả tiền mặt, mà khi mua gì của hợp tác xã, người đó cũng không trả tiền mặt. Cứ ghi vào sổ, thành ra có người thiếu nợ.

Mỗi tháng hợp tác xã tính sổ cho họ. Nhưng mỗi người cũng được lãnh một số tiền mỗi tháng để mua bán những món mà họ phải trả tiền mặt, hoặc mua ở ngoài, hoặc mua trong hợp tác xã.

Họ phải đóng thuế để gánh phí tổn về các dịch vụ chung.
Vài ba làng có chung một trường tiểu học và trung học. Thanh niên nàơ muốn lên đại học sẽ được làng giúp đỡ.
Kết quả
Về phương diện kinh tế, kết quả rất khả quan Vì nông dân trong làng cũng như nông dân mọi nơi trên thế giới, quen làm việc suốt ngày, không có tính cách công chức như trong các Kibboutz. Dĩ nhiên có kẻ phát mau có kẻ phát chậm, nhưng ít ai thất bại. Một nguyên nhân nữa là làng được chính quyền giúp đỡ nhiều huấn luyện viên.

Khó so sánh được hai lối kinh doanh: Kibboutz và Mochav Ovedim vì mỗi lối nhắm một mục kích khác, một thiên về tính cách xã hội, một thiên về tính cách kinh tế, tinh thần của hai hạng lội viên cũng khác nhau.
Cho nên ông Lowe, Bộ trưởng Bộ Canh nông Israel chỉ có thể kết luận đại ý rằng: Sức sản xuất, sự tiêu pha và lợi tức trong hai tổ chức đó xuýt xoát như nhau; trong các Mochav Ovedim người ta tiêu pha nhiều hơn một chút thành thử mức lời có kém; nhưng về năng suất khó bảo được lối nào hơn lối nào. Còn về vấn đề xã hội thì không thể so sánh một cách khoa học được: mỗi tổ chức với tính tình của một hạng người.

Ông không nói ra, nhưng ông cũng nhận như mọi người rằng Kibboutz đào tạo được nhiều thanh niên có tinh thần phục vụ hơn những khi quốc gia hữu sự.
Vài nỗi khó khăn

Tuy nhiên tổ chức Mochav Ovedim cũng gặp nhiều vấn đề khó giải quyết.

1. Như trên đã nói, hội viên trong làng tự ý khai thác và có nhiều người phát mau, nhưng không có quyền khuếch trương diện tích đất đai. Lô của họ đã hạn định. Có người không trồng trọt hết mà làm công việc khác có lợi hơn như nuôi gà, vịt thành thử đất trống. Hạng người trên tất sẽ hỏi mướn lại đất của hạng sau. Nếu họ được mướn rồi, nếu họ lại được phép mướn công nhân ở ngoài thì rõ ràng là một xí nghiệp tư bản rồi.

Việc hạn chế diện tích chỉ có danh mà không có thực. Không làng nào bắt một người làm không hệt đất (vì lẽ này hay lẽ khác) phải bỏ đất hoang, không cho người hàng xóm mướn để trồng trọt thêm: người ta chỉ hạn chế cho mướn đất, chẳng hạn cho phép cho mướn trong mấy năm thôi và khi con cái người cho mướn đất đòi lại thì người mướn phải trả.

2. Thế hệ thứ nhì thường ở lại làng tiếp lục công việc khai thác của cha mẹ, thành thử diện tích hồi đầu chia cho một gia đình gia đình đó chia cho ba người con đã thành nhân, mỗi người con chỉ được một miếng nhỏ. Dân tăng lên mà đất thì như cũ. Giải quyết vấn đề đó cách nào?

3. Tại các nước tư bản, người ta được quyền mua thêm đất cho con cái, cho chính mình. Làng Mochav Ovedim trái lại cấm việc mua bán đó, cố giữ tính cách đồng đều rốt cuộc là tạo ra một sự bất quân, thiệt cho những nhà đông con, mà đất trong làng sau hai thế hệ, sẽ chia ra thành manh mún, bất tiện cho sự canh tác. Đó là một nhược điểm của Mochav Ovedim mà Kibboutz tránh được bằng cách tạo thêm những cơ sở kỹ nghệ cho hội viên có việc làm. Có lẽ các Mochav Ovedim cũng phải theo cách đó, cho các thế hệ sau được phép mở xưởng trong làng, nhưng quy chế các xưởng đó sẽ ra sao nếu vẫn muốn giữ tính cách tư hữu bình đẳng và hợp tác?

4. Nếu một hội viên không có con nối nghiệp thì đất cát là của làng, nhưng còn dụng cụ vốn tiếng là của riêng, người đó có quyền bán lại. Có thể bán lại cho một người đông con trong làng, nhưng số vốn đó thường lớn, ít người mua nổi, lúc đó mới làm sao? Và, nếu nhiều người cũng muốn mua thì phải làm sao?

Một nước đã muốn rút kinh nghiệm của Israel

Hình thức kinh doanh Mochav Ovedim hợp với tinh thần cá nhân của nông dân, lại không bắt hội viên phải có tinh thần hy sinh, nên được nhiều người thích, và chính quyền Miến Điện đã muốn áp dụng nó ở trong nước nhưng mới thử tạo một Mochav Ovedim để thí nghiệm thôi.

Chính quyền Miến chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trước hết lựa một số nông dân, cho họ và cả gia đình họ qua tập sự một năm ở Israel, phí tổn chính quyền chịu hết. Một vị đại tá cầm đầu nhóm đó. Vậy không phải là chỉ có vài huấn luyện viên Israel qua Miến chỉ dẫn, giảng giải, mà là cả một làng Miến qua Israel để nghiên cứu, xem xét tận mắt cách thức tổ chức một Mochav Ovedim ra sao. Người ta còn cẩn thận cho những nông dân đó học trước tiếng Hébreu để có thể tiếp xúc thẳng với người Israel.
Qua Israel họ sống trong một Mochav Ovedim nhưng cũng đi thăm các Kibboutz. Khi về nước, tất cả những huấn luyện viên Israel đã chỉ dẫn cho họ ở trong Mochav Ovedim cũng theo họ để tiếp tục làm cố vấn cho họ.
Chưa có cuộc chỉ dẫn nào kỹ lưỡng và tốn tiền, tốn công như vậy. Người ta muốn cho thí nghiệm đầu tiên phải thành công.
Năm 1963, thí nghiệm đó mới bắt đầu, ông Joseph Klatzmann bảo phải đợi bốn năm nữa mới có thể xem xét kết quả mà phán đoán được. Năm nay, 1967, đã tới lúc đó rồi. Độc giả có vị nào được biết kết quả của thí nghiệm Miến Điện cũng nên giới thiệu trên báo chí cho đồng bào mình biết. Thí nghiệm của Miến điện mà thành công thì chính quyền mình cũng nên theo họ. Sau chiến tranh này có biết bao miền – ở Đồng Tháp, ở miền U Minh, ở Cao nguyên – cần phải khai thác một cách có hiệu quả để nâng cao mức sống của quốc dân.

***

MOCHAV CHITOUFI
Tính cách

Còn một hình thức kinh doanh nữa, ở giữa hai hình thức trên (Kibboutz, Mochav Ovedim) là tổ chức Mochav Chitoufi (có nghĩa là làng hợp tác).

Cũng là một cộng đồng để canh tác như hai tổ chức kia: mọi hội viên cũng bình đẳng về quyền lợi cũng dự vào các hội họp chung, cũng bầu một ban quản trị trong một thời hạn đã ấn định. Nó giống Kibboutz ở chỗ:
– Các phương tiện làm việc thuộc về cộng đồng, cộng đồng phân phối công việc cho mỗi người.

Nhưng nó khác Kibboutz ở chỗ:

– Mỗi gia đình tự lo lấy việc ăn uổng. Họ được cộng đồng cung cấp cho nhà ở, và phát cho một số tiền trợ cấp (allocation) chứ không gọi là tiền công – nhiều ít tuỳ số người trong gia đình và họ muốn mua vật thực quần áo, tiêu ra sao tuỳ
ý. Họ nấu bếp lấy, nuôi con lấy. Về phương diện đó họ được tự do hơn hội viên Kibboutz, gần bằng hội viên Mochav Ovedim.
Tổ chức đó giống Kolkhoz ở Nga nhưng vẫn khác: thực sự “dân chủ” hơn Kolkhoz, và hoàn toàn bình đẳng về tiền trợ cấp; bình đẳng ở chỗ nhiều con thì được trợ cấp nhiều.
Cũng khác Mochav Ovedim vì không có sự kích thích của tư lợi.
Tóm lại nó giữ những cái lợi của tổ chức Kibboutz (làm việc chung, tận tâm với lợi ích chung) mà đồng thời cũng muốn giữ đời sống riêng trong gia đình.
Tại sao có tổ chức đó?

Mochav Chitoufi đầu tiên thành lập ở Timorim do một số người hồi hương từ nhiều nơi: Nam Phi, Ai Cập, mấy năm đầu (sau 1949) họ sống cực khổ để tạo nên một Kibboutz, và họ định khi Kibboutz phát đạt một chút, họ sẽ sửa đổi tổ chức thành một Mochav Chitoufi. Sở dĩ họ có ý đó vì họ nghĩ rằng Kibboutz có vài nhược điểm; ăn riêng đỡ tốn hơn ăn chung đỡ hao phí, mà lại thích hơn, hợp với khẩu vị của mỗi người: con cái do cha mẹ nuôi lấy, gia đình sẽ vui hơn. Nhưng họ không tiến tới hình thức Mochav Ovedim vì họ cho rằng Mochav Ovedim người ta ham tư lợi, làm việc tối tăm mặt mũi, còn trong Kibboutz, người nào cũng được buổi tối rỗi rảnh để nghỉ ngơi, đọc sách.

Tổ chức đã thành công nhưng không phát triển
Tổ chức đứng vững, công việc kinh doanh phát đạt cũng như các Kibboutz, mức sống cũng cao. Trẻ được dạy dỗ, học hành tới 18 tuổi, cộng đồng chịu hết phí tổn. Nhà nào cũng có một máy giặt, một bếp hơi (gaz), một tủ lạnh, sau này sẽ được một chiếc xe hơi nữa.

Mỗi tuần được coi chiếu phim hai lần.
Hội có cả một hồ tắm.

Hội lại có dư tiền mua máy cho người ngoài mướn, có vẻ tiến tới một xí nghiệp tư bản.
Sở dĩ được vậy có lẽ một phần nhờ tinh thần đoàn kết và điều lệ nghiêm ngặt.
Ai muốn gia nhập phải tập sự một năm (cũng như trong Kibboutz) lại phải đóng một số tiền vô hội (vì mới vô đã được hưởng ngay nhà và nhiều cái lợi lớn của hội), nhất là phải có hai điều kiện: dưới 40 tuổi (trên tuổi đó sức làm việc kém đi) và đừng có quá ba con (nhiều con thì là một gánh nặng cho hội).

Nhưng hình thức kinh doanh Mochav Chitoufi không phát triển mạnh như Mochav Ovedim.
Hiện nay Israel có khoảng tới 20 Mochav Chitoufi, tổng cộng chỉ được độ 4.000 người – khoảng 1% số dân thôn quê Do Thái.
Nó hình như đứng lại ở mức đó và có người ngờ rằng nó bị khủng hoảng. Thực ra chưa tới nỗi đó.
Nguyên do tại đâu?
Có người bảo nó sinh sau hai hình thức kia, nên không có chỗ để phát triển. Không chắc đã phải vậy?

Có người lại bảo nó là một loại “dơi”, chim không ra chim, chuột không ra chuột, nên người ta không thích. Ai có tinh thần tập thể, thích đời sống cộng đồng thì đã vô Kibboutz cả rồi; còn ai thích đời sống cá nhân thì cũng đã vô Mochav Ovedim. Lý do đó thì cũng giống lý do trên, không vững gì hơn.

Sau cùng có người đưa ra lý do này: nó không gồm được đủ những cái lợi của Kibboutz và của Mochav Ovedim mà lại có đủ những cái bất lợi của hai tổ chức đó. Lý do này cũng gần như lý do thứ nhì.
Còn chính các hội viên Mochav Chitoufi lại bảo: Sinh lực của nó rất mạnh đấy chứ. Tương lai nó sẽ rất rực rỡ: chứng cớ là tử khi nó xuất hiện, các Kibboutz đã biến chuyển để tiến về hình thức Mochav Chitoufi. Sau này sẽ thành Mochav Chitoufi hết cho mà coi.

Sau này ra sao thì chưa biết. Chỉ biết rằng hiện nay tuy những dị biệt giữa Kibboutz và Mochav Chitoufi có giảm đi thật, nhưng vẫn còn Kibboutz không “trợ cấp” cho mỗi gia đình để chi tiêu tuỳ ý như Mochav Chitoufi. Các hội viên Kibboutz vẫn muốn giữ quy tắc này mà họ cho là căn bản: sống chung, ăn chung; nếu bỏ quy tắc đó thì Kibboutz không có lợi nhiều về tinh thần nữa, mất tính cách cộng đồng, tính cách mà họ cho là cao quí, đáng cho họ hãnh diện, vì chính nó tạo nên lòng hy sinh chiến đấu chung.

Chưa biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng ta có thể tự hỏi: hình thức nào trong ba hình thức đó hợp với tinh thần Việt Nam hơn, để sau này, bình yên, chúng ta thử thí nghiệm xem sao.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.