Khoa bày mẹo cho Mừng chẳng qua nó muốn dò xem kết quả thế nào.
Hồi nãy, lúc ở bên nhà bà Chín Ghe, Khoa đã định nói với nhỏ Trang câu này nhưng nó mải vòng vèo nên cơ hội trôi qua mất.
Sẵn dịp này, Khoa xúi Mừng nói trước. Nếu Mừng làm theo lời Khoa mà đạt kết quả tốt, hôm nào gặp nhỏ Trang nó sẽ yên tâm “xổ” câu đó ra.
Chiều hôm sau, Khoa ngồi học với thầy Tám mà người cứ nhấp nha nhấp nhỏm. Học xong là nó tót ra ngoài ngõ đứng nhìn về phía nhà thằng Bông, thấp thỏm chờ đợi. Nó chạy ra chạy vô mấy lần, vẫn chưa thấy bóng dáng thằng Mừng đâu.
Có lúc sốt ruột quá Khoa tính chạy qua nhà thằng Bông xem Mừng đang làm gì trong chuồng heo nhưng Khoa cố kềm mình lại. Khoa sợ Khoa xuất hiện đúng lúc Mừng đang “nhìn chằm chằm” vào mặt nhỏ Đào thì hỏng bét.
Bữa đó Khoa đợi Mừng đến chạng vạng. Ăn cơm tối xong vẫn chưa thấy Mừng qua tìm mình, Khoa quyết định nhảy hàng rào lần sang nhà bạn.
Hóa ra Mừng đã về nhà từ lâu. Khi Khoa vào tới trong sân đã thấy Mừng ngồi thù lù một đống trên chiếc chõng tre kê trước hiên.
– Về hồi nào vậy mày? – Khoa đá vô chân bạn.
– Về lâu rồi.
– Sao mày không qua nhà tao?
– Qua làm gì?
Câu hỏi vặn của Mừng làm Khoa thộn mặt. Nó nhìn lom lom vào mặt bạn:
– Ừa, vậy hồi chiều mày chưa nói câu đó với nhỏ Đào hả?
Mừng thở ra:
– Nói rồi.
Khoa đá bạn cái nữa:
– Nói rồi thì chạy qua báo cho tao biết kết quả chứ?
– Có kết quả gì đâu mà báo. – Mừng trả lời xụi lơ.
– Sao vậy? – Khoa nheo mắt – Nhỏ Đào lại mắng mày lăng nhăng hả?
– Không.
Mừng làm Khoa thắc mắc quá. Thái độ của thằng này làm Khoa chả hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Khoa cảm giác như mình đang đi trong sương mù.
Khoa liếm môi, nghi ngờ:
– Mày có nói đúng cái câu tao bày cho mày không đó?
– Đúng mà. – Mừng nhăn nhó.
– Câu gì mày nhắc lại tao nghe coi!
Khoa gặng hỏi hoài làm Mừng bực mình. Nó ngoác miệng tuôn một lèo:
– Nói chung là tao làm đúng y như lời mày dặn, không sai chút nào hết á. Lúc tao và nó đang ngồi trộn thức ăn cho heo trước cửa chuồng, tao trố mắt nhìn trân trối vào mặt nó. Một lát nó ngẩng lên thấy tao nhìn ghê quá, liền thắc mắc. Nó thắc mắc như mày nói “Mặt em dính lọ nghẹ hay sao mà anh nhìn em chằm chằm vậy?”. Nghe vậy tao mừng quýnh, nhanh nhẩu thốt ra cái câu mày mớm. Tao nói tao không thể nào rời mắt khỏi nó chỉ vì gương mặt nó bừng sáng như có nghìn tia nắng chiếu vào…
Khoa hồi hộp chen ngang:
– Thế là nó bẽn lẽn quay mặt đi phải không?
– Nó chẳng bẽn lẽn gì cá. Nó bĩu môi trách “Vậy mà anh không biết chạy vô nhà lấy cho em cái nón”. Tại lúc đó tụi tao ngồi ngoài cửa chuồng, nắng đang chiếu vô mặt nó thật.
Khoa không ngờ câu chuyện của Mừng lại xoay ra như thế. Khoa ôm bụng cười bò. Khoa cười đến đau cả bụng vẫn không ngừng được. Mừng liếc bạn, giọng quàu quạu:
– Cười đủ rồi đó mày!
Khoa cố hãm đà cười, nhưng cổ họng vẫn phát ra những tiếng “hic, hic”.
– Cái đó là do số mày xui. – Khoa đặt tay lên vai bạn, an ủi – Thôi, để tao bày cho mày cách khác.
– Khỏi! – Mừng hất tay Khoa ra, mặt hầm hầm – Tao sẽ tự có cách của tao.
Mừng chưa nghĩ ra cách thì một biến cố xảy ra Ông Mười khòm mất.
Ông Mười khòm qua đời thật đột ngột, tuy vậy cả làng không ai ngạc nhiên. Vì ông là người già nhất làng. Ông xưa nay đi đứng lọm khọm, nhiều lần ngã xuống mương suýt chết; may mà lần nào cũng có người cứu kịp.
Trừ những người thân trong gia đình ông, người khóc ông nhiều nhất là thằng Mừng. Vì nó là người gắn bó với ông nhất. Vì nó thương ông. Và vì ông cũng rất thương nó. Ông dạy cho nó bao nhiêu là lời hay lẽ phải.
Sau khi ông Mười khòm mất cả tuần lễ, Khoa gặp Mừng vẫn thấy mắt nó hoe hoe đỏ.
Khoa qua nhà Mừng chơi, thấy bạn ngồi buồn xo, liền lấy vai huých vai nó:
– Ra sông Đá Nhọn bơi đi mày!
Mừng trả lời bằng cái lắc đầu; mặt vẫn dàu dàu.
– Hay xách ná vô Gò Thung bắn chim chơi? -Khoa tiếp tục gạ gẫm.
– Tao hết thích bắn chim rồi.
Đã lâu lắm, Khoa và Mừng không đi bơi, không đi bắn chim và không chơi những trò tụi nó vẫn thường chơi mỗi độ hè về. Chỉ mới đây thôi, những ngày đầu tiên Khoa đặt chân về quê ngoại, hai đứa còn háo hức rủ nhau đi long nhong khắp nơi. Nhưng kể từ khi Khoa và Mừng phát hiện ra nhỏ Trang và nhỏ Đào “trông khang khác” và “dễ thương ghê”, tụi nó không còn hào hứng với những trò chơi từng khiến tụi nó mê say nữa. Giã từ trò chơi tuổi nhỏ, bây giờ Khoa thích leo lên cây ổi còn Mừng thích chui vô chuồng heo hơn.
Ông Mười khòm qua đời, Mừng càng chẳng muốn đi đâu. Nó chỉ muốn ngồi một chỗ để gặm nhấm nỗi buồn.
– Ông Mười chết tội lắm. – Tự nhiên Mừng nói, giọng hiu hắt, như không phải nói với Khoa mà nói với chính mình – Nửa đêm nghe gió thổi lồng lộng trên mái tranh, ông sợ heo trong chuồng bị lạnh, tại hồi chiều có một tấm cót bị rớt mà tao chưa kịp treo lên, nên ông lò dò xách đèn ra chuồng. Chắc ông định cột lại tấm cót nhưng trời tối khiến ông vấp té ngay cửa chuồng không một ai hay biết. Tờ mờ sáng, mẹ thằng Bông ra sau hè rửa mặt đã thấy ống chết rồi.
Lòng Khoa trĩu nặng theo từng câu nói của bạn. Nó thở hắt ra:
– Sao mày biết chuyện này?
– Nhỏ Đào kể tao nghe.
Mừng đáp trong tiếng nấc. Và khi nói tiếp thì nó òa ra khóc:
– Nhỏ Đào còn bảo ông ngoại nó nuôi heo là vì tao. Ông tâm sự với nhỏ Đào như vậy, ông muốn giúp tao nhưng ông không có tiền. Ông chờ heo đẻ, bán vài lứa heo con để có tiền giúp tao đi học lại.
Khoa ngồi im nghe Mừng kế, mắt bất giác cay cay. Khoa rờ tay lên má, thấy gò má ươn ướt mới hay mình đã khóc. Bây giờ thì không chỉ Mừng thương ông Mười khòm. Khoa cũng thương ông. Nó thương ông vì ông thương bạn nó. Nó thương ông vì ông là người tốt. Chỉ tiếc là khi nó biết thương ông thì ông không còn nữa.
Mừng đã thôi khóc. Nó ngồi im lặng bên cạnh Khoa, ngó mông lung ra ngõ bằng ánh mắt thẫn thờ như chờ đợi ai. Chắc nó đang hồi tưởng lại trong buồn rầu bóng dáng ông Mười khòm thấp thoáng trên đường làng những ngày trước đây.
Khoa nhìn bạn, tự dưng nghe nỗi buồn rứt tóc. Và nhận ra khi buồn thật buồn, con người ta buồn đến từng sợi tóc. Tóc cũng biết buồn, lạ ghê!